Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

TÂM SỰ - Nguyễn Ninh Thuận

   Hoa được sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt, cậu Hoa là một vị Tướng đầy quyền uy thế lực trong chính quyền Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Hoa sống trong cao sang quyền quý, kẻ hầu người hạ trong nhà.  Hoa nhìn đời qua lăng kính màu hồng của tuổi học trò hết sức bình dị, nàng không mộng mơ nhiều hơn nữa. Hoa luôn luôn được cha mẹ thương yêu, chiều chuộng, vì nàng là đứa con rất nết na đằm thắm, ngoan hiền hiếu thảo hiếm có. Đặc biệt là Hoa không chưng diện son phấn lòe lẹt, như những cô gái đồng trang lứa.
<!>
   Hoa lớn lên trong thời kỳ đất nước đang gặp cảnh chiến tranh, triền miên khói lửa. Hoa không phải là người vô  tình ngoảnh mặt làm ngơ trước những thảm cảnh tang thương xẩy ra hằng ngày cho đất nước, cho đồng bào ruột thịt. Đêm đêm, sau giờ học bài xong, Hoa thường mở radio để nghe tin tức chiến sự qua  đài phát thanh Sài Gòn hay đài Tiếng Nói Quân Đội. Những bản nhạc như: “Anh tiền tuyến em hậu phương” hay “Trên bốn vùng chiến Thuật v.v...” Rồi với  những  tin  chiến sự  nóng  bỏng khắp bốn  miền đất nước dồn dập được đọc trên đài phát thanh để đồng bào chia xẻ. Hoa xúc động thật sự, hai hàng nước mắt thương người dân, người lính bất hạnh đầm đìa trên má. Nàng hình dung bao nỗi gian khổ của người lính. Lúc hành quân, họ phải băng rừng, leo đèo, vượt suối và mồ hôi nhễ nhại. Đêm đến, khi ở chỗ dừng chân, họ gối đầu trên chiếc ba lô, mơ màng nhìn trăng sao, những ánh sáng hỏa châu đây đó giăng khắp bầu trời quê hương thân yêu. Có những anh lính nằm vắt tay lên trán, lòng ray rứt nhớ thương vợ con nơi quê nhà, đang lam lũ vất vả với đời sống thiếu vắng chồng, thiếu vắng cha. Những người vợ lính đã ngày đêm mỏi mòn trông đợi người chồng, người cha ở phương xa trở về. Có anh lính độc thân vui tính, đang tưởng nhớ người yêu với bao kỷ niệm êm đẹp, sánh vai nhau đi dạo phố trong những ngày được nghỉ phép đang hiện rõ trước mắt chàng lính si tình…
   Bên cạnh những anh lính, mặc dù vừa trãi qua một ngày hành quân mệt nhọc, nhưng cũng phải cố gắng tỉnh thức, thay phiên nhau ghìm tay súng hờm giặc và canh chừng cho đồng đội ngũ lấy sức qua đêm, sau một ngày hành quân vất vả.
    Đời lính, đếm thời gian trôi qua một cách chậm chạp. Biết bao bấc trắc không may có thể  xảy ra trong  nháy mắt. Đời lính luôn gắn liền với cái chết. Nơi hậu phương, biết bao nhiêu người thân yêu của lính, tuy suốt ngày phải quần quật với công việc làm, nhưng đầu óc họ lúc nào cũng nghĩ đến lính, cũng lo lắng cho sinh mạng của lính nơi chiến trường. Các anh chấp nhận đời quân ngũ, là chấp nhận  đối  diện  với tử  thần  rình   rập  hàng ngày. Nó có thể cướp đi mạng sống của những chàng trai đã coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Họ hiên ngang cầm súng bảo vệ xóm làng, gìn giữ tự do cho quê hương đất nước…
    Hoa nghĩ đã đến lúc, nàng phải can đảm làm một điều gì đó để góp phần xoa dịu nỗi lòng người lính ở ngoài tiền tuyến! Vốn là con cưng, được gia đình rất chiều chuộng. Hoa thưa cùng cha mẹ:
   -Xin Cha mẹ bằng lòng cho con tháp tùng với phái đoàn  của Cậu đi ủy lạo các chiến sĩ  nơi tiền tuyến.
    Ba của Hoa nghiêm nghị nói:
  -Là phận gái, con cần chăm chỉ học hành. Con nên học ăn, học nói, học gói, học mở, thêu thùa, may vá và nấu nướng, để chuẩn bị hành trang về nhà chồng. Con tới lui thăm viếng chốn lửa đạn làm gì ? Ba không  muốn
    Hoa phụng phịu đưa đôi mắt lưng tròng cầu cứu mẹ. Nàng biết ba rất nể mẹ, mẹ lên tiếng bằng lòng, là mọi việc đều xong.
    Mẹ rất yêu thương Hoa, nàng đem nước mắt ra mặc cả với mẹ. Thấy đứa con gái cưng rơm rớm nước mắt,  Bà Năm đằng hắng lấy giọng lên tiếng :
  -Con nó xin đi với Cậu, nó muốn đem lời ca tiếng hát của nó để chia xẻ, để an ủi phần nào nỗi gian khổ của những anh lính ngoài chiến trường lửa đạn. Mình lớn tuổi, không thể làm được gì cho lính, thì nên để cho con nó làm! Ông không nến cấm cản nó ông à!
   Hết sức thương con, không muốn con dấn thân vào chốn can qua nguy hiểm, nơi lửa đạn lằn tên. Nhưng với tấm lòng hết sức  thương yêu  lính,  nên  cha mẹ Hoa vui vẻ bằng lòng cho nàng đi theo phái đoàn ủy lạo chiến sĩ, mẹ Hoa không quên dặn dò:
   -Tình hình chiến sự sôi động khắp mọi miền đất nước. Qua báo chí cũng như đài phát thanh, ngày nào cũng nghe tin có hàng trăm chiến sĩ hy sinh. Mẹ thấy thương làm sao cho thân trai trong thời ly loạn. Con được dịp đi theo phái đoàn ủy lạo chiến sĩ, mẹ cũng mừng cho con. Nhưng hãy thận trọng, đừng dể ngươi nghe con.
  Được sự bằng lòng của ba mẹ, Hoa hớn hở mừng vui khôn xiết:
    -Con xin cám ơn ba mẹ  .
    Dứt lời, nàng vội vàng chuẩn bị hành trang lên đường cho kịp chuyến bay sáng sớm ngày mai..
  Từ đó về sau, nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của cậu, Hoa thường xuyên được tham gia những chuyến đi ủy lạo ở xa. Nàng có cơ hội gần gũi với các anh lính chiến ở tuyến đầu lửa đạn xa xôi hẻo lánh. Những cô gái khác trong phái đoàn, họ chỉ thích quấn quít theo mấy ông sĩ quan chỉ huy, có nhiều bông mai, có cấp bậc lớn và có chức vụ to. Trái lại, Hoa rất bình dị, không mơ ước hào quang rực rỡ của những vị sĩ quan đó. Hoa thật lòng muốn đem lời ca tiếng hát của mình làm niềm vui, an ủi lính, an ủi những người đã mất tuổi hoa niên trong thời đất nước loạn ly. Những chàng trai trong hạn tuổi phải nhập ngũ. Họ đã vui vẻ xếp bút nghiên theo tiếng gọi non sông…
   Công việc đi ủy lạo chiến sĩ ngày càng liên  tục không ngừng nghỉ đối với Hoa, một người con gái thật lòng thương lính. Nó như món ăn tinh thần không thể thiếu vắng trong tâm hồn của Hoa, nàng không nghĩ đến bản thân mình phải lặn lội ra tiền đồn hẻo lánh. Lần nào đến tiền đồn, Hoa cũng hay hát những bản nhạc về lính, ngâm những bài thơ ca ngợi gương hy sinh của lính. Sau khi trình diễn giúp vui xong, Hoa hay lân la trò chuyện thăm hỏi những anh lính rất chân tình. Có lần, Hoa tiếp xúc với một anh Hạ Sĩ  rất trẻ và dễ thương trong đơn vị:
   -Anh là quân nhân trẻ nhứt trong đơn vị phải không?
Người lính trẻ nở nụ cười vui vẻ trả lời:
  -Vâng đúng ạ! Vì thế, mấy anh  trong đơn vị hay gọi tôi là Hạ Sĩ Cu Tý.
    Hoa cười tiếp lời:
  -Thế, tên thật anh là gì?
  -Tôi tên thật là Tý.
  Hoa tươi cười hỏi tiếp:
-Anh Cu Tý còn trẻ quá sao không đi  học  mà lại  đi lính sớm quá vậy? À, anh bị bắt buộc đi lính, hay tình nguyện làm nhiệm vụ của người trai trong thời loạn?
   Đang tươi cười hồn nhiên trò chuyện, nghe Hoa hỏi câu đó, tự nhiên anh lính trẻ sa sầm nét mặt, mắt đỏ hoe, hai dòng lệ chực trào ra khóe. Hoa vô cùng bối rối, nàng hốt hoảng lên tiếng:
  -Ơ kìa Hạ Sĩ! Tôi lỡ lời, làm anh buồn đến rơi nước mắt. Xin tha lỗi cho tôi nhé !
  -Không! Chị không có lỗi gì cả. Nhân câu hỏi của chị, làm tôi nhớ đến cha mẹ, nên xúc động đó thôi !
    Dịp nầy, tôi cũng không giấu giếm nỗi lòng mình:
   -Trong những năm đầu, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mới nổi dậy, ba tôi là Tiểu Đội Trưởng Dân Vệ sau nầy đổi tên là Nghĩa Quân, đồn trú tại xã An Thạnh quận Gò Dầu Hạ, tỉnh Tây Ninh. Một đêm nọ, mẹ đưa tôi qua gởi ông bà ngoại ở cạnh nhà, mẹ vào đồn thăm ba ở lại qua đêm. Không ngờ, đêm đó lại là đêm định mệnh của gia đình tôi. Ba mẹ tôi cũng như hơn mười đồng đội của ba, cùng vợ con họ đều bị nội tuyến của Việt Cộng bắn chết và đốt cháy đồn bót. Mọi người chết cháy như con heo quay. Lúc đó, tôi mới vừa lên sáu tuổi. Mất ba, mất mẹ, tôi khóc lóc thảm thiết. Từ đó, tôi sống trong sự bảo bọc của ông bà ngoại. Thấy ông bà ngoại đã già yếu, nghèo nàn lại hay bệnh hoạn. Tôi chỉ học hết bậc tiểu học trường làng, rồi xin “ ở đợ ” chăn bò cho gia đình ông bà bá hộ trong làng. Mấy năm sau, ông bà ngoại tôi lần lượt chết hết. Côi cút một mình, tôi lại càng  thấy thương nhớ ba mẹ vô cùng. Càng thương nhớ ba mẹ tôi càng thấy lòng mình quặn đau, sự căm thù giặc Cộng tàn ác thêm lớn dần trong lòng. Vừa lên mười bảy tuổi, tôi tình nguyện gia nhập vào Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trước để báo thù cha mẹ, sau làm bổn phận thanh niên đối với quê hương đất nước trước họa xâm lăng của Cộng Sản Việt Nam.
   Nghe câu chuyện gia đình đầy thương tâm của người lính trẻ, Hoa chẳng biết gì hơn là lấy khăn lau nước mắt cho chàng trai sớm bất hạnh và thốt lời an ủi:
  -Thù nhà, nợ nước, anh quyết định tòng quân diệt giặc, thật xứng đáng. Tôi chân thành ngưỡng phục Hạ Sĩ vô cùng.
                                        * * *
   Thân gái đã trưởng thành, Hoa không thể ở mãi như vậy được. Vốn là đứa con hết mực ngoan ngoãn, hiếu thảo, nàng không thể để cha mẹ phải buồn lòng khi ông bà đã nhận lời cho mai mối bước tới.
   Hoa gượng vui chấp nhận làm lễ cưới với một vị sĩ quan, mà nàng chưa hề thương yêu hay quen biết gì cả. Hoa đi lấy chồng với tâm hồn thật trong trắng vô tư. Nàng không một chút vướng bận tình cảm với bất cứ một chàng   trai trẻ nào cùng trang lứa.
   Được sinh ra và lớn lên trong sự giàu sang sung sướng đầy đủ. Hoa hồn nhiên sống với tuổi thanh xuân, không nuôi nhiều mơ mộng trong lòng. Nàng chưa có một sự chuẩn bị nào cho tư tưởng tạo lập gia đình tư riêng. Do đó, Hoa như bị hụt hẫng khi đối diện với nhà chồng. Giang sơn  nhà chồng  thật  khó  gánh, không đơn giản như ý nghĩ mộc mạc trong lòng Hoa. Sự khác biệt này ngày càng rộng lớn. Quá ngao ngán trước gia cảnh bên nhà chồng, nên khi mới sanh đứa con đầu lòng, Hoa đã nghĩ  đến  hai  tiếng “ ly dị ”. Nếu sự việc xảy ra, quả thật là một cơn ác mộng dành cho người con gái nhà danh giá như Hoa. Mới có chồng chẳng được bao lâu mà lại thôi chồng, lại lộn nài bẻ ách.
    Rồi vì danh dự  gia đình, vì tự  ái của người con  gái, Hoa đã phải tự chế ngự cái ý nghĩ “ thôi chồng ” vừa lóe lên ấy. Với bản tính chịu đựng, nhẫn nhục của người đàn bà Việt Nam, Hoa vẫn âm thầm nuốt lệ, gượng sống bên cạnh chồng, trong chuỗi ngày hết sức tẻ nhạt. Theo thời gian, những đứa con của Hoa với ông chồng không thương yêu vẫn cứ nối tiếp nhau mở mắt chào đời
   Mặc dầu đang được hưởng đầy đủ cuộc sống giàu sang phú quý của vợ một vị Đại Tá Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng, quyền uy thế lực tại một tỉnh lớn  miền Hậu Giang. Hoa vẫn cảm thấy đời mình như vô vị! Nàng không muốn đi theo chồng để hãnh diện hưởng cái địa vị quyền thế cao sang của chồng, có kẻ hầu người hạ. Hoa cứ sống âm thầm trong căn nhà bình thường ở Sài Gòn, lo nhiệm vụ của một người vợ. Nàng không đua đòi bon chen. Một người mẹ hết lòng chăm sóc dạy dỗ con cái, mong chúng khôn lớn nên người có ích cho xã hội.
    Cho đến một ngày đất nước thật sự lâm vào cảnh hỗn loạn bi đát nhứt. Tình thế không thể đảo ngược lại  trước sức tiến công như vũ bão của Cộng Sản  Bắc Việt. Bên cạnh chúng còn có cả khối Cộng Sản trên thế giới yểm trợ. Chiến tranh ngày càng leo thang đến độ chóng mặt. Từng đồn bót, từng thôn xã, từng quận lỵ, từng tỉnh thành đã lần lượt bị lọt vào tay Cộng Sản. Khởi đầu là Quân Khu II, rồi Quân Khu I. Tất cả vội vàng di tản hỗn loạn, bỏ ngõ cho Cộng Sản chiếm đóng một cách dễ dàng. Họ không mảy may đổ xương máu cán binh của chúng.
     Cảnh tượng trên đường di tản trông thật thảm thương… Xác dân, xác  lính  chồng  chất  lên  nhau, nhiều đến nỗi không thể kiểm chứng được. Bọn Việt Cộng dã man, đã lạnh lùng nã súng vào đám người di tản hỗn loạn chẳng chút nương tay. Thật là một cảnh tượng  kinh hoàng, không thể tưởng tượng được, lại xảy ra cho đồng bào ruột thịt của mình trong lúc hốt hoảng tột độ…
   Đồng bào còn sống sót ở những nơi đó, họ như xác không hồn, không còn thiết gì đến sự sống và không còn nghĩ gì đến tương lai nữa. Họ không biết trông cậy vào đâu? Cái sống cái chết mặc cho số trời đưa đẩy rủi may, chẳng biết đến với họ lúc nào?
    Đồng bào vùng I di tản, bị quân thù tàn sát dã man trên đoạn đường từ Quảng Trị vào Huế ( Đại lộ kinh hoàng), được loan truyền nhanh chóng. Đồng bào cả nước hoang mang và chấn động khắp cả thế giới.
   Trước những biến động thương tâm lớn lao đó mà nước bạn đồng minh  Hoa  Kỳ  nỡ đành ngoảnh mặt làm ngơ “ Sống chết mặc bây! ”, không hề  lên  tiếng  can  thiệp. Tinh  thần  chiến  đấu của binh sĩ Việt Nam  Cộng
Hòa, càng thêm sa sút khi bị hạn chế về tiếp liệu, đạn dược. Lòng tin của người dân vào chính quyền như không còn nữa. Thế là hết!
   Đứng trước tình hình nguy kịch của chính quyền Miền Nam Việt Nam. Đồng minh đã không lên tiếng cảnh cáo sự vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris của Cộng Sản Bắc Việt, hoặc lên tiếng bệnh vực, yểm trợ chính phủ “đồng minh” nhỏ bé Việt Nam Cộng Hòa. Chính phủ Mỹ lại vội vàng xúc tiến kế kế hoạch di tản một triệu Quân, Dân, Cán, Chính của Miền Nam ra khỏi  nước. Sự thể như thế làm cho tình hình càng rối ren, phức tạp thêm. Thật là bất lợi cho chính quyền Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Thời điểm đó, người dân Miền Nam, dù ngu dốt đến đâu cũng nhận thấy rõ rằng chính phủ Mỹ đã thật sự ngoảnh mặt bỏ rơi Miền Nam Việt Nam rồi! Chuyện chỉ còn tùy thuộc vào thời gian sớm hay muộn mà thôi.
   Trước tình thế đen tối của đất nước, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại tuyên bố từ chức, bàn giao chức vụ cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Rồi Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm cũng từ chức, giao cho Chủ Tịch Hạ Nghị Viện Nguyễn Bá Cẩn lên thay thế. Cả hai vị Tướng từng hét ra lửa: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, và Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đồng loạt đào ngũ trong giờ phút đất nước thật tuyệt vọng. Lịch sử sẽ phê phán hành động nầy của những nhà lãnh đạo Miền Nam lúc bấy giờ.
Tình hình chiến sự dồn dập nguy ngập khắp  các  mặt trận. Cộng thêm tình hình chính trị hết sức rối ren, xáo trộn ngay tại Thủ Đô Sài Gòn. Xấu lại càng xấu hơn được loan báo trên đài phát thanh, cũng như được đăng tải trên báo chí. Khiến cho tinh thần chiến đấu của binh sĩ vốn đã sa sút, lại càng sa sút trầm trọng hơn. Đồng bào vốn đã hoang mang lại càng hoang mang hơn trước sức tiến công lấn chiếm như chẻ tre của quân thù Cộng Sản.
    Chồng Hoa giục nàng:
   -Không xong rồi em à! Em hãy mau chuẩn bị một ít hành trang để gia đình ta chuồn đi ngay kẻo trễ. Hạm đội Mỹ đang túc trực đón  rước  ngoài  biển. Chậm  chân là nguy hiểm đến tánh mạng đó.
  Hoa cau mày hỏi chồng:
   -Còn đám lính dưới quyền anh  có cho họ đi không?
   Chồng Hoa gắt gỏng trả lời:
  -Nước đã đến trôn rồi, mình lo thân mình thôi em à!
  Hoa rơi nước mắt
 -Nỡ nào phản bội lính như thế sao anh?
 -Không còn thời gian để thương vay khóc mướn nữa. Hãy đi ngay kẻo trễ. Nếu em chần chờ sẽ chết chùm cả đám mà thôi. Thoát được người nào mừng người đó.
  Hốt hoảng trước tình hình tệ hại quá nhanh chóng, chồng Hoa quyết định âm thầm rời bỏ nhiệm sở, đào ngũ và di tản theo kế hoạch của chính phủ Mỹ. Hoa đành lòng phải theo chồng, theo con rời bỏ quê hương trong đầm đìa nước mắt. Hoa sống đời tị nạn ở Hoa Kỳ trong  đớn  đau  tủi  nhục vô cùng…
   Gia đình  thân  nhân  của những binh  sĩ, của những sĩ quan cấp nhỏ không có thế lực, họ không thể nào chen chân di tản được. Nói chi đến thường dân thấp cổ bé miệng, Mặc dù họ rất chán chê, ghê tởm chế độ Cộng Sản Hà Nội đến tận cổ.
  Như rắn mất đầu, khi những cấp chỉ huy cao cấp của họ đã hèn hạ âm thầm khăn gói đầy ấp va li của tiền ra đi. Họ lại ban hành lệnh “ Tử Thủ ” cho thuộc cấp phải thi hành. Sống chết mặc bay! Thật là đốn mạt của kẻ lòng lang dạ thú, chỉ biết vinh thân, phì da. Họ đạp lên xác thuộc cấp, hèn hạ trốn chạy như  con  chó cúp đuôi.
    Thà rằng ở cương vị cấp trên, trong giờ phút Tổ Quốc quá lâm nguy, họ biết mình bất tài, hèn hạ, tham sanh úy tử, họ cứ âm thầm đào ngũ trước sức tiến công vũ bão của địch quân, trước sự phản bội trắng trợn của bạn “ Đồng Minh ” Hoa Kỳ. Hà cớ chi họ phải lừa đảo, ban  hành lệnh cho thuộc cấp phải “ Tử Thủ ” một cách quá bẩn thỉu như vậy?
   Hành động tự ý “di tản” vô kỷ luật có phải là hành động đào ngũ trong thời chiến hay không? Lương tâm của quý vị sẽ phê phán quý vị! Lịch sử dân tộc sẽ phê phán hành động của quý vị! Lịch sử thế giới sẽ phê phán cuộc chiến nầy!
   Hoa tức tưởi khóc vì  không  ngờ  kẻ  phản  bội  trắng trợn lại chính là “ Đồng Minh ” to lớn của mình. Là nước lãnh đạo cả khối thế giới tự do ngày nay!
 Từ đây biết tin vào ai ? Người nào thật sự yêu chuộng tự do dân chủ? Người nào thật sự muốn bảo vệ tự do dân chủ? Hay cũng vì quyền lợi cá nhân họ,  quyền lợi của bè phái họ, và quyền lợi của riêng quốc gia họ mà thôi?! Hoa muốn điên lên mất! Trầm ngâm suy nghĩ một hồi, Hoa tìm được câu trả lời chính xác cho sự thắc mắc của mình “ Chỉ có những người đã nằm xuống mới thật sự yêu chuộng tự do và dân chủ mà thôi! ”
Còn gì mỉa mai hơn khi người ta cố tình chèn ép lính tráng và sĩ quan cấp nhỏ phải “ Tử Thủ ” để cấp trên được “ ung dung ” khăn gói lưu vong? Biết bao xương máu của binh sĩ dưới quyền đã đổ ra, đã nằm xuống để họ được thăng quan tiến chức. Làm quan to tướng lớn, quyền cao chức trọng, ngồi mát ăn bát vàng. Với lòng vị kỷ, những vị quan to, tướng lớn nầy, luôn luôn chỉ muốn ăn trên ngồi trước, Họ muốn hưởng bổng lộc cao sang, đặc quyền đặc lợi đầy ấp cho riêng mình. Nhưng khi đứng trước tình hình dầu sôi lửa bỏng của đất nước, họ lại tỏ ra hết sức nhu nhược, hèn hạ, co đầu rút cổ và bỏ  chạy trước khi quân thù tràn đến. Thử hỏi những nhà lãnh đạo đất nước, những vị Tướng, những sĩ quan cao cấp tỏ ra hèn nhát như thế, thì tránh sao đất nước Việt Nam không lọt vào tay Cộng Sản bạo tàn khát máu?
Hoa được tin, hồi 10 giờ sáng ngày 30 - 4  -75, Tổng Thống tiếm quyền Dương Văn Minh kêu gọi:
    -“ Toàn  thể  sĩ  quan,  binh  sĩ  Việt  Nam  Cộng  Hòa không được chiến đấu nữa, hãy bình tĩnh ở nguyên vị trí và sẵn sàng bàn giao cho chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam ”.
   Thế là hết! Đất trời như sụp đổ tan tành. Hoa khóc lóc  thảm  thiết  hơn  khóc  cha mẹ mình  chết  năm  nào. Nàng chỉ biết cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành cho hàng triệu người lính, hàng triệu gia đình lính và cho mấy mươi triệu nhân dân Miền Nam còn kẹt lại trong nước, thoát khỏi bàn tay trả thù dã man, tàn bạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
    Thương thay đất nước Việt Nam, thương thay đồng bào Việt Nam, thương thay những người lính Việt Nam Cộng Hòa thật sự yêu chuộng tự do. Họ đã bị những kẻ hoạt đầu chính trị, táng tận lương tâm lường gạt hết sức bỉ ổi. Hỏi được mấy vị Tướng, mấy nhà chính trị tài ba thật sự dám quên mình để lo cho dân cho nước đến hơi thở cuối cùng như cựu Tổng Thống Trần Văn Hương, các cựu Tướng lãnh như Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Nguyễn Khoa Nam, đại tá Hồ Ngọc Cẩn... cùng các chiến sĩ vô danh. Hoa cũng như toàn thể đồng bào kính cẩn nghiên mình bái phục trước gương “ Vị Quốc Vong Thân ” của các Anh Hùng liệt sĩ, đã dám chết cho quê hương đất nước, cho dân tộc
Nắm chắc chiến thắng trong tay, bọn Cộng Sản mặc tình thao túng, tác oai tác quái theo luật rừng. Họ chẳng một chút nhân đạo, chẳng một chút tình người. Tha hồ chém giết bắt bớ giam cầm, tù đày hàng mấy trăm ngàn Quân Cán Chính của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Chúng trắng trợn tịch thu tài sản, tiền bạc của nhân dân. Tiếng khóc than, vang dội cả một vùng trời Đông Nam á. Quả thật, Miền Nam Việt Nam đã biến thành biển máu khi Cộng Sản nắm quyền cai trị  toàn  bộ  đất  nước Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đúng như lời cảnh

báo trước  của cựu Tổng Thống Trần Văn Hương.
   Quá xót thương những nỗi đớn đau của người lính Miền Nam đang bị Cộng Sản trù dập đủ cách. Hoa đâm ra oán trách ngay cả chồng mình:
  -Chồng Hoa một sĩ quan Đại Tá Tỉnh Trưởng kiên Tiểu Khu Trưởng. mà lại quá hèn nhát. Chàng lúc đương quyền chỉ biết ăn trên ngồi trước, hống hách với lính và ỷ quyền với dân. Khi đất nước thật sự lâm nguy, cần những sĩ quan tài ba, gan dạ đứng ra cứu nước và giúp dân. Thì những sĩ quan như chồng Hoa lại tỏ ra quá hèn hạ, tham sanh úy tử, co đầu rút cổ, trốn chui trốn nhủi và tìm cách trốn ra nước ngoài. Để lính chết mặc lính, dân chết mặc dân. Miễn sao bản thân và gia đình mình bình an là được! Còn ty tiện nào hơn như chồng Hoa, chỉ biết tham sống, sợ chết  mà thôi !
     Giá như chồng Hoa, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Chàng không hèn nhát tìm mọi cách di tản ra nước ngoài. Chàng một lòng cương quyết ở lại với quê hương, chiến đấu bên cạnh những người lính dưới quyền tới hơi thở cuối cùng như Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn thì còn gì vinh dự hơn. Hoa luôn trân quý và tôn thờ đến muôn đời  như những bậc anh hùng VỊ QUỐC VONG THÂN.  Đàng nầy, Hoa đã không yêu thương chồng trước khi làm vợ, nay cộng thêm sự khinh miệt thái độ quá hèn nhát của chồng lúc đất nước thật sự lâm nguy, chàng trốn chui trốn nhủi di tản ra nước ngoài mong được an thân. Mặc dầu vợ chồng sống với nhau mấy mươi năm. Họ có  với  nhau  mấy  mặt  con, nhưng  càng  ngày  Hoa càng lạnh nhạt với chồng hơn…
   Nơi xứ người xa lạ, cuộc sống khó khăn đang trải dài trước mắt. Ra đi với số vốn do chồng mang theo, sinh ngữ nghèo nàn, vợ chồng Hoa đành quên bản thân trước đây để lao vào công việc làm ăn. Ngày đêm, đầu tắt mặt tối, mong gầy dựng lại mái ấm gia đình cho các con ăn học. Cả một khoảng thời gian dài nhọc nhằn trôi qua trong đời Hoa như một giấc chiêm bao. Bây giờ con cái đã lớn khôn, học thành tài. Chúng đã lập gia đình riêng tư, đã có nhà cửa đàng hoàng. Hoa sung sướng mỉm cười thở một hơi dài để trút bỏ gánh nặng làm mẹ đối với các con. Nhưng bên cạnh sự sung sướng vui mừng con thành công nơi xứ người. Hoa cũng không làm sao quên được hình ảnh khốn khổ đau thương của hằng mấy trăm ngàn Quân Cán Chính bất hạnh ở quê nhà, mấy mươi triệu người dân xấu số trong nước.
   Đêm đêm, Hoa hằng cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành cho đồng bào, người lính và gia đình lính còn kẹt lại quê hương thoát khỏi ách cai trị độc tài dã man của Cộng Sản. Nàng cầu nguyện cho anh linh của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa thật sự nằm xuống cho đất nước, cho dân tộc sớm siêu thoát. Họ là những người thật sự khao khát dân chủ, yêu chuộng tự do.
    Hoa thật sự sám hối cho chồng, một vị Đại Tá Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng trốn chạy trước khi quân thù tràn đến. Bao nỗi xót xa canh cánh mãi bên lòng.

    Là sĩ quan, anh uy quyền một thuở,
    Giặc chưa vào, đã hăm hở trốn đi.
    Quan như anh quả chẳng đáng chút gì,
    Thật hèn hạ khi quốc gia hữu sự…
               
   Nhưng cuộc đời éo le đầy nước mắt, lại bày ra trước mặt Hoa do người chồng bất xứng đưa đến. Vốn là, vợ chồng già mới vừa được hít thở cái không khí nhàn hạ sau sự thành công của tất cả con cái trên xứ Mỹ. Ông Thành, chồng của Hoa, không biết sám hối tội lỗi của mình đã gây ra, trước đây đối với quê hương đất nước, đối với đồng bào và nhất là đối với đồng đội. Ông ta đã không làm tròn trọng trách được gia phó, vội vã đào tẩu bôn ba ra hải ngoại.
    Thành đầu đã hai thứ tóc, tuổi đã gần đất xa trời. Thế mà ông không cảm nhận được rằng mình đã già rồi, ông ta lại sinh tật mèo mả gà đồng. Ông ta hẹn hò lén lút với một góa phụ, vợ của người bạn vừa mới khuất. Thành hẹn hò tình tự lăng nhăng với ai, thì Hoa còn có thể tha thứ được, đằng nầy chồng Hoa lại cặp bồ ngay với một góa phụ. Chồng bà Hà trước đây là đại tá, bạn thân thiết với chồng Hoa từ thuở bé thơ. Thế mới chết!
   Cả một khung trời như sụp đổ trước mắt Hoa. Từ lâu đã oán hận, nay Hoa càng oán hận chồng hơn.
  Bà Hà và chồng  Hoa đã  âm  thầm  đi  lại  với  nhau hai ba năm nay mà Hoa không hề hay biết gì cả. Bởi hai bên gia đình qua lại thâm tình từ xưa nay. Bà Hà hay viện cớ nầy nọ, thường xuyên đến nhà Hoa. Lịch sự trong giao tiếp bạn bè, mỗi lần bà Hà đến nhà trò chuyện, ngoài Hoa ra, bà ta cũng hay trò chuyện to nhỏ với  chồng  Hoa. Hơn  nữa chồng bà Hà và chồng Hoa là hai người bạn chí thân thuở còn đi học đến trong quân ngũ. Ông ấy mới chết chẳng bao lâu. Hoa nghĩ rằng:                        
  -Họ chuyện trò chỉ là sự an ủi nhau trong lúc bạn bè có chuyện đau buồn, mất mát lớn lao. Trong thâm tâm Hoa không một chút gì nghi ngờ, vì cả hai đều đã trọng tuổi, đã gần đất xa trời hết rồi!
   Sự qua lại giữa hai gia đình, nói đúng hơn là giữa chồng Hoa với bà Hà ngày một thường xuyên hơn. Họ có vẻ khắng khít với nhau nhiều lắm. Nhưng Hoa vẫn dửng dưng, không thắc mắc hay nghi ngờ chi cả.
  Rồi, chồng Hoa hay viện hết lý do này đến lý do khác đến nhà bà Hà giúp việc nầy việc nọ. Mối tình già theo năm tháng âm thầm trôi qua khá lâu, ngày càng thêm khắng khít mặn mà nồng thắm. Từ đấy tình trạng đi sớm về khuya của chồng Hoa xẩy ra hàng ngày. Có lần Hoa lên tiếng hỏi:
  -Dạo nầy ông đi đâu mà có vẻ bất thường quá vậy?
  Chồng Hoa nhíu mày cau có trả lời:
  -Anh đi đánh Tennis với bạn bè cho vui tuổi đời còn lại.
Tin lời người chồng đã mấy mươi năm chung sống, Hoa không còn để ý theo dõi giờ  giấc  đi về  của  chồng nữa. Có lẽ cả hai cùng nghĩ rằng Hoa không biết gì, nên họ hay đưa nhau đi ăn, đi nhảy hết nhà hàng nầy đến nhà hàng nọ. Ăn quen bén mùi, họ không dừng lại được. Lâu ngày bạn bè xầm xì cho biết :
  -Hoa à! Hãy ráng giữ chồng, không thôi mất đó!  
   -Dạo này, mình hay gặp ông xã bồ đi ăn, đi nhảy với bà Hà. Hãy khóe léo, kẻo mất chồng không hay đấy!
  -Nhìn thấy họ giao du quá thân mật, mình nóng mặt giùm Hoa đó.
   Bất chấp dư luận gièm pha, xầm xì đàm tiếu. Hai người chở nhau đi chơi đó đây công khai như vợ chồng chính thức. Họ coi thường thể diện, danh dự của nhau. Chồng Hoa coi như không có Hoa trong đời sống của ông ta. Có đôi lúc Hoa bắt gặp quả tang hai người ôm nhau hôn hít ở phòng khách, như đôi trai gái mới trưởng thành. Cả hai tỏ ra rất tự nhiên, họ coi như không có Hoa hiện diện. Mới đầu Hoa còn cảm thấy cơ thể mình bừng bừng nóng ran, như lửa đốt vì máu Hoạn Thư nổi dậy.
  Tuy không thật sự yêu thương chồng, nhưng trong lòng cũng nổi máu ghen không ít. Hoa không muốn có hành động bạo lực, mà chỉ dùng lời lẽ nói bóng nói gió nguyền rủa, sỉ vả hai người đôi câu cho hả giận.
   Được nước hai người tưởng Hoa nhu nhược, không dám làm gì, nên họ càng làm tới, coi như không có Hoa trong đời. Lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng của người ta có giới hạn. Một hôm giáp mặt cả hai, Hoa gằn giọng lên tiếng:
  -Thấy tôi lịch sự không nói nhiều, xin hai người đừng ra mặt công khai quá đáng như vậy, ăn vụng phải khéo chùi mồm. Nên biết điều một chút, thì tôi để yên cho. Xin hãy nhớ câu: “ Tức nước vỡ bờ ”. Sau này đừng trách tôi sao không báo trước.
   Nhưng rồi, vì lòng không thương yêu chồng ngay từ lúc mới về làm vợ, cộng  thêm sự khinh  bỉ  một  sĩ  quan cao cấp hèn nhát. Quân thù chưa đến, chàng đã vội co giò bỏ chạy ra nước ngoài để mong được yên thân.
   Trái lại, Nhân là một thiếu tá dưới quyền của chồng Hoa. Người xứng đáng với  tên gọi mà cha mẹ đã đặt từ khi mới lọt lòng. Chàng đã tử thủ đến phút cuối cùng, đồng cam cộng khổ với quân lính dưới tay. No đói quyết cùng nhau thề giữ vững đất nước không để lọt vào tay Cộng Sản bạo tàn. Chàng ta đã moi hết tiền nhà, thu mua tất cả bánh mì của các lò để quân lính có ăn cầm hơi, mà ghiềm tay súng trước quân thù. Nhưng than ôi, thế cờ đã phân định, “dã tràng xe cát biển Đông”. Tất cả bị lùa vào trại “cải tạo”. Nhân phải trả giá mười mấy năm trong ngục tù Cộng sản. Thời gian nầy, tôi luyện thêm lòng yêu nước và chí quật cường của Nhân. Chàng không bao giờ khuất phục trước kẻ thù.
   Từ nay, Hoa coi như không có bóng hình chồng trong lòng nàng. Sự chịu đưng lâu ngày dần đà rồi cũng quen đi. Tình vợ chồng lạnh nhạt cũng trôi theo năm tháng nơi xứ tạm dung nầy. “ Giữ người ở lại, không giữ kẽ ra đi ”. Hơn nữa, từ ngày về làm vợ đến nay, Hoa cho đó là một khoảng thời gian chịu đựng, nuốt đau buồn tủi nhục trả nợ oan khiên. Mấy mươi năm nay, Hoa ráng sống bên cạnh chồng để săn sóc đàn con thơ dại, mà Hoa đã trót sanh ra chúng ngoài ý muốn.
Những tưởng cuộc sống êm đềm trôi qua cho trọn một kiếp người. Nào ngờ, bão tố phong ba lại trỗi dậy trong gia đình Hoa. Nhưng những cơn nhức nhối, ghen tương cũng theo thời gian rồi lặng lẽ đi qua. Hoa  cố  tập  cho tâm hồn mình thanh thản, lắng dịu và quyết không để lòng mình vướng bận vào mấy chữ Hỷ Nộ Ái Ố trước mọi sự việc trên đời. Cuộc sống vốn đã chai đá từ lâu, nay chuốc thêm sự chịu đựng nầy nữa thì có sao đâu? Với nghịch cảnh liên tiếp xảy ra trong đời, Hoa âm thầm nuốt nước mắt vào tận đáy lòng.
    Những cảnh tượng hai người âu yếm trước mắt, những pha hai kẻ dìu nhau trong bước nhảy tình tứ, chẳng làm rỉ máu con tim vốn dĩ không biết yêu ngay từ thuở ban đầu của Hoa. Từng đêm, từng đêm, trăn trở với sự đời đã trải qua từ ngoài xã  hội  đến  chuyện  riêng tư trong gia đình. Hoa đã tìm cho mình một lẽ sống:
  -Cố quên đi bao nỗi niềm riêng, để tạo cho mình một niềm vui ở tuổi về chiều được thanh thản trong lòng.
   Hoa vui vẻ lăn xả vào những việc từ thiện. Công việc thiện nguyện nối tiếp nhau ngày đêm bày ra trước mắt. Nào là hội hè, đoàn thể, bạn bè thân hữu và chị em thân ái. Hoa bận rộn với những chuyến hành hương đi xa. Nàng say sưa trong lời ca tiếng hát tình tự quê hương, dân tộc và những bài ca tha thiết về lính. Lòng Hoa bây giờ là cả một sự tha thứ. Hoa không tạo được hạnh phúc cho người, thì nàng thành tâm cầu nguyện cho người được hạnh phúc mãi mãi bên người họ yêu thương. Cuộc đời chỉ có màu xanh. Hy vọng và hy vọng. ..

                    Ngao ngán trò đời lắm bể dâu,
                    Tham gia thiện nguyện để giải sầu.
                    Chờ ngày thanh thản xa dương thế,
                    Từ bỏ sân si đã bấy lâu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét