Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

ĐỔI ĐỜI- Nguyễn Ninh Thuận

Trích Tập Truyện Ngắn “ NHỮNG MẢNH ĐỜI ”

Rồi ngày đau buồn của dân, quân, cán chính miền Nam ập đến... Một số ít người đã được Mỹ bốc đi. Đại đa số những người còn lại, kẻ anh dũng tự sát chết theo vận nước suy tàn. Người đảm lược, rủ nhau vào rừng chiến đấu chống lại kẻ thù chung của dân tộc. Kẻ cùng đường tiến thối lưỡng nan, uất hận, đành gạt nước mắt buông súng đầu hàng lũ giặc gian manh
...Cuối cùng tiếp nối nhau bị lừa vào các trại tù khổng lồ, được trá danh là trại “học tập cải tạo”! Hưng, chồng Minh nằm trong thành phần này... 
   Cả một cuốn phim Hưng đi “học tập cải tạo” hiện ra trước mắt Minh... 
<!>
 ... Hơn ba tháng nay, Minh ăn ngủ không yên, người phờ phạc. Nỗi lo lắng bồn chồn cứ tăng thêm mãi... Mấy chị em bạn cùng cảnh ngộ - có chồng đang “cải tạo”- thường liên lạc trao đổi tin tức cho nhau. Tin xấu liên tiếp truyền ra không mấy thuận lợi cho các đấng phu quân... Minh thở dài và tự trách mình: 
 - Sao mình không xếp nhiều áo quần cho Hưng, mà chỉ có vài bộ. Rồi thì không chuẩn bị cả đồ ăn khô cho chàng... Đồ dùng cá nhân thì đơn sơ, không đầy đủ, tiền bạc cũng chỉ vài trăm. Ôi! Tất cả đều quá ít ỏi, lấy gì đề chàng tiêu xài đây? Mình đã đưa cho Hưng cả chục ngàn, nhưng chàng chỉ lấy đôi, ba trăm và bảo:
  - Anh chỉ tập trung học tập 10 ngày, đâu cần nhiều tiền thế! Để ở nhà lo cho con cái. Em yên trí, khi anh về anh sẽ ra chợ phụ giúp em mua bán làm ăn.
  Cũng như bao người khác...đã nhiều tuần lễ trôi qua mà Hưng vẫn biền biệt chưa thấy tăm hơi... -     Không biết Hưng bây giờ ra sao? Có bệnh tật gì không? Nghĩ đến đó, Minh càng lo âu:
  - Thôi chết rồi, Hưng đau bao tử, lại nhức đầu kinh niên, phải uống thuốc thường xuyên. Minh chỉ xếp vào hành lý mỗi thứ có một lọ. Bây giờ thiếu thuốc, chàng sẽ ra sao? Ra sao và ra sao? 
   Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu óc Minh, như một bài toán hóc búa, không tìm ra đáp số, lạc vào khu rừng âm u đầy gai góc không tìm được lối ra!...Với ba đứa con còn thơ dại và đồng lương giáo viên quá ít, Minh phải bương chải làm thêm… Ngoài buổi đi dạy, Minh mua máy may, để may vá, mong tăng thêm thu nhập. 
  Nhưng với thời thế này, ăn còn độn khoai, sắn, bobo... Lấy đâu ra tiền bạc, mua vải vóc mà may mặc. Áo quần tốt xấu lần lượt ra hết chợ trời. Tivi, tủ lạnh, đồ đạc đáng giá trong nhà, cũng đội nón ra đi, không một chút lưu luyến tiếc thương!... Một ý nghĩ chợt lóe ra trong đầu Minh: 
 - Phải bương chải mua bán thêm, “Phi thương bất phú” mà! Nhưng phải bắt đầu ra sao đây? Vốn lâu nay không có kinh nghiệm với thương trường, phải học hỏi ! Nhưng học hỏi ai đây? Ai là người chịu dìu dắt Minh? Thế gian có câu: “Thà cho vàng, không ai dẫn đàng đi buôn”! Làm Minh cảm thấy lo lắng quá...
 Một ý nghĩ đến với Minh: 
 - Không vào hang hùm, sao bắt được hùm con !...Thôi mình cứ mạnh dạn tiến bước... 
  Thế là Minh quyết định, hôm sau bắt đầu ra chợ trời, tập tễnh mua bán. Mới đầu không có vốn liếng, Minh lựa những áo quần, đồ đạc trong nhà đem ra bán thử với ý nghĩ: 
  - Vạn sự khởi đầu nan. Mua bán cũng lắm gian nan, chụp giựt, tranh giành... Không đơn giản như nghề đi dạy học thanh tao, cao quí đâu! 
  Thật vậy trong nghề giáo - với mớ kiến thức sẵn có - Minh đem ra chỉ dạy hằng ngày cho các em học sinh như những câu văn đúng văn phạm, những bài toán đúng qui tắc v.v... Còn đây, việc mua bán biết bao là lọc lừa, gian xảo rập rình trước mắt. Miệng bằng tay, tay bằng miệng. Với bản tính hiền lành, thật thà, nhút nhát...mới đầu, Minh chịu biết bao là thua thiệt, cũng khóc lóc, cũng uất ức, vì bị chèn ép này nọ đủ thứ... 
  Nhưng rồi nghề dạy nghề, ngày qua ngày, Minh cũng quen đi! Bây giờ Minh không sợ ai, chỉ sợ lẽ phải, Minh không gian manh, lọc lừa, dối trá được! Có thể đó cũng là một lợi điểm, mà phần đông không ai nghĩ đến… 
  Với cô bán hàng thật thà, dịu dàng, cũng thu hút biết bao khách vào ra mua bán tấp nập. Buôn bán ngày càng phát đạt, cũng là niềm an ủi cho Minh. 
 Ngày tháng vẫn hững hờ trôi qua một cách chậm chạp, với bao nỗi buồn khổ trong chờ mong mỏi mòn của Minh ...
 Đến một ngày đẹp trời, Minh được tin: Có trại “học tập” ở Long Giao...
  Thế là Minh rủ vài người bạn cùng cảnh ngộ lên Long Giao xem hư thực ra sao?
  Minh cùng các bạn ăn mặc giả dạng giống như người đi buôn bán, kẻ gánh, người xách trái cây, bánh ú, kẹo v.v. chạy theo từng đội, từng toán các anh “học viên cải tạo” mời mua. Nhưng thực tế, nhóm của Minh chỉ biếu cho các anh ấy ăn đỡ đói, lúc nào hay lúc đó mà thôi. Các anh đi lao động, gặp nhóm bán hàng nầy mừng lắm, nhưng chỉ biểu lộ qua ánh mắt, không ai dám nói một lời nào!... Nhìn họ tiều tụy, áo quần tả tơi, mặt mày hốc hác, Minh không sao cầm được nước mắt... Minh theo bạn lên Long Giao mấy lần, nhưng chưa lần nào may mắn được gặp chồng. Nếu không gặp các anh đi ra ngoài lao động, thì đứng ngoài hàng rào bên xóm nhà dân, nhìn vào mấy dãy nhà xa xa chỉ thấy thấp thoáng bóng dáng các anh không rõ ràng. Đi không lại trở về không...nỗi buồn chồng chất nhiều thêm... Gặp một số anh em đi lao động, Minh hình dung ra Hưng: ...Hưng chắc cũng như thế kia? Với hình hài gầy yếu, áo quần bạc phếch, tóc râu xồm xoàm, đâu còn nét oai phong của anh lính chiến hiên ngang ngày nào? Minh không làm sao gởi được thuốc, đồ ăn vào trại cho chồng. Nàng chán nản không đi Long Giao nữa, ở nhà chờ tin trong suy tư: 
 -Hưng giờ này ra sao? Biết đến bao giờ mới được gặp mặt Hưng đây? 
  Vài tháng sau, có chính sách của nhà nước cho gởi quà bằng bưu điện. Phân vân mãi, Minh không biết gởi món nào, để lại món nào, vì món nào Minh thấy cũng cần thiết cho Hưng cả. Minh nghĩ đến Hưng thiếu thốn đủ thứ, nên mua về cả đống, thức ăn dẫy đầy, mà chỉ được phép gởi có 3 ký lô. 
  Một thời gian sau nghe tin tất cả đã chuyển trại, Minh thắc mắc:
 - Không biết bây giờ Hưng đang ở trại nào đây? Bắc hay Nam ? 
  Thắc mắc cứ lảng vảng trong đầu óc Minh. Ngày đêm, nàng mong tin chồng để gởi quà hay được đi thăm nuôi... 
  Thời gian trôi thật chậm, càng làm cuộc sống Minh tăng thêm nỗi khắc khoải:
  - Ngày vui sao qua nhanh như ngựa chạy tên bay, mà ngày buồn lại chậm chạp hơn rùa bò thế này? Vật lộn với cuộc sống hàng ngày quá mệt nhọc... 
  Việc mua bán ngày một khó khăn, kẻ bán ngày càng đông thêm, người mua thì ngược lại. Là một người xốc vác, Minh không bó tay trước mọi tình huống, nàng chuyển đổi đủ nghề, phần lo kế sanh nhai, phần lo nuôi dạy con thơ, đêm về lại trằn trọc không ngủ được, vì lo lắng và thương nhớ Hưng... 
   Thời gian này, không có người giúp việc, Minh đi dạy buổi chiều, nên sáng sáng nàng chở mấy đứa con lên nhà bà mẹ chồng... Minh lo đi chợ búa, nấu ăn luôn cho cả đại gia đình bên chồng, để đỡ tốn kém. Đến trưa dọn dẹp xong xuôi, Minh chở đứa con lớn đi học, đứa bé thì gởi lại nhà, nhờ bà nội trông coi. Minh đạp xe đến trường dạy học. Tối về cơm nước giặt giũ, xong xuôi chở các con về nhà riêng để ngủ. 
   Thời gian cứ thế trôi qua với bao lo buồn, cực nhọc đè lên vai ...và cứ thế Minh âm thầm chịu đựng...
  Gần năm sau, một buổi sáng đẹp trời, Minh đang lui cui lo dọn dẹp ở nhà mẹ chồng, thì chị Huyền có chồng cùng cảnh ngộ đi “học tập cải tạo” chạy vào nhà với nét mặt vui tươi hớn hở, chị vừa thở hổn hển, vừa vồn vã: 
 - Minh ơi! Có tin mừng cho bồ nè! Có giấy phường khóm gởi đến nhà, Huyền nhận hộ - Minh phải có mặt ở “Sóng Thần” đúng 2 giờ chiều nay để đón anh Hưng về đó! Minh hãy mau chóng sắp xếp công việc đi đón anh ấy không thôi trễ!... 
  Minh mừng đến rơi nước mắt và run cả người:
  - Có phải mình đang nằm mơ hay không? Hưng được về đoàn tụ với gia đình rồi sao! Nhưng sức khỏe của Hưng thế nào đây? Chẳng biết có phải vì Hưng bị bệnh nặng, nên mới được trại thả ra sớm như vậy không?!... 
  Minh quay sang chú Thuận:
  - Nhờ chú lên trường xin phép cho chị được nghỉ và tìm thuê giùm một chiếc xe Lam để đưa mẹ con chị tới trại Sóng Thần đón anh Hưng về. 
  Thế rồi, Minh vội vã về nhà riêng... nàng lật đật soạn giấy tờ tùy thân, tờ hộ khẩu... Quá xúc động, Minh lính quýnh thay cái áo cũng không xong. Chị Huyền phải phụ giúp mới được. Minh bồn chồn lo lắng, suy nghĩ miên mang.... 
  Xe chở mẹ con Minh đến trại Sóng Thần hồi nào không biết. Để giết thì giờ chờ đợi, Minh dẫn con đi xem triển lãm những vật dụng do chính tay các anh “ học viên cải tạo” làm ra. Minh tấm tắc khen thầm: 
 - Các anh “cải tạo”giỏi quá! Không có tay nghề, không có dụng cụ, nhưng với khối óc thông minh, bàn tay khéo léo... từ những mảnh sắt vụn, gà men, mảnh máy bay còn sót lại trong đống rác. Rồi thì ván ép, và với những sợi dây điện thoại mà các anh đã làm thành những cây đàn “ghi-ta” chiếc lược, cây trâm cài tóc khắc hình rồng bay phụng múa, hoa lá cành đủ hết.
 Kìa! những cái chén, cái tô, cái hộp sáng choang, nằm chen lẫn với chiếc tàu bay, chiếc ghe, chiếc tàu thủy...Tất cả được chạm trổ rất công phu.... Chắc các anh đã để hết tâm trí vào đó, hầu giết chết thời gian dư thừa trong nhà tù? Hay để gởi gấm tâm tư tình cảm của một anh lính chiến bại trận, phải buông súng đầu hàng?!... 
  Minh cảm thấy lòng mình xót thương những người tù “cải tạo” không ít... Thủ tục làm lễ tạm tha những “ học viên cải tạo tốt” xong xuôi, Minh hồi hộp để được gặp Hưng nơi nhà chờ đợi: 
  - Kìa! Ai như Hưng, đang chống gậy lụm cụm bước đi không vững? Trước kia, vốn tóc đã ngả màu muối tiêu, nay lại trắng phau như tuyết! Mới chỉ gần 1 năm thôi, mà Hưng đã tiều tụy đến thế sao? Thân hình ốm yếu, xanh xao, bạc nhược, đôi mắt lờ đờ không còn thần sắc, trông như ông lão tám mươi không bằng?!..
   Sau giây phút ngỡ ngàng, Minh định tâm nhìn kỹ, thì quả thật chính là Hưng!...
   Minh nhào tới ôm chầm lấy người chồng thân tàn ma dại, mà nước mắt chảy dài trên má, trước sự ngơ ngác của các con...
  Minh đưa Hưng về thẳng nhà bà mẹ chồng, để cả nhà bên chồng vui lây với cái vui của gia đình Minh. Đến tối, vợ chồng con cái mới dắt díu nhau về nhà riêng của mình...
  Việc Hưng được thả về sớm cũng là đầu đề để cho hàng xóm, láng giềng và bạn bè bàn tán xôn xao, họ đặt nhiều nghi vấn: 
 - Chị Minh lo lót cho chồng về tốn hết bao nhiêu vậy? 
  Hay có “Cách mạng” chống lưng chứ gì?
   Có người còn xấu miệng, ghép cho gia đình Minh cái tội “nằm vùng”, nên chồng mới được ưu đãi về sớm? 
   Có bạn, lâu nay cùng cảnh ngộ, qua lại với Minh rất thân thiết, nhưng từ khi chồng Minh được thả về sớm, họ tìm cách xa lánh, tuyệt giao với Minh luôn... 
  Thật tình, Minh chẳng biết phải phân trần như thế nào cho họ hiểu được, để họ không còn nghi kỵ, lánh xa Minh nữa! Quả thật là khó giải thích vô cùng!...Minh tự nhủ:
  - Lo lót thì không! Nằm vùng cũng chẳng có!
   Mặc dù, chồng Minh có người anh ruột tên Hồ, thuở nhỏ, nghe lời dụ dỗ đã thoát ly theo Cộng Sản. Hiện nay, với cấp bậc đại úy, có thể nào anh ta đứng ra bảo lãnh cho một đại úy sắp gắn lon thiếu tá “ngụy” được về sớm như vậy không?
  Chắc chắn là không rồi! Minh cứ thắc mắc hỏi hoài, nên được Hưng cho biết: 
 - Trong lý lịch, Hưng khai có mấy người anh bà con chú bác năm 1954 còn ở lại ngoài Bắc. Hiện nay có người mang cấp bậc trung tá, đại tá... 
  Nhưng họ nào có dám đứng ra làm giấy tờ bảo lãnh gì cho Hưng đâu, vì họ sợ liên hệ, sợ trách nhiệm, sợ mất chức....Đủ thứ lý do để họ né tránh, không đoái hoài tới mình. Họ chỉ tìm đến nhà khoe cấp bậc, chức vụ để lòe bà mẹ chồng nhẹ dạ, cả tin của Minh để vòi quà cáp biếu xén mà thôi! Họ là những trái tim đã được “Đảng” rèn luyện chai đá, lạnh lùng như băng tuyết rồi. Đối với những con người nầy, họ hàng làng xóm đừng mong nhờ cậy bất cứ một việc gì cả!... Nói chi đến việc họ dính dấp tới sĩ quan của chế độ cũ. Ngoài việc họ chỉ biết chìa tay thu lấy, vơ vét của mình bằng đủ mọi mánh khóe, lọc lừa gian xảo, nhằm thu lợi cho mình chứ chẳng hề nghĩ gì về nhân nghĩa, tư cách, đạo đức làm người... Hưng kết luận :
  - Có thể vì trong suốt mấy tháng ở trại tập trung, Hưng đau liên tục, bệnh này chưa hết, lại phát sinh thêm bệnh khác. Mà bệnh nào cũng chẳng có thuốc men để trị ngoài “Thần dược Xuyên Tâm Liên ” của chúng. Bệnh này nối tiếp bệnh kia, hành hạ thể xác Hưng đến thật tiều tụy.... Bọn cai tù sợ những người đau ốm như Hưng chết trong “trại cải tạo ”, chúng sẽ bị dư luận thế giới lên án “ngược đãi” với “học viên cải tạo” nên mới thả Hưng về với gia đình sớm như vậy thôi! 
   Ở trong trại “cải tạo” quá khốn khổ, Hưng mơ ước được về với gia đình. Nhưng khi được về nhà, lại càng khốn khổ hơn, vì bị công an Phường, Khóm theo dõi từng ngày, từng giờ. Hưng luôn luôn chấp hành đúng qui định... 
  Có chính sách gia đình Ngụy đi học tập trở về phải đi vùng kinh tế mới... May nhờ Minh còn dạy học ở trường Lam Sơn (Thánh Mẫu cũ) Gia Định, nên gia đình còn được ở lại Thành phố sinh sống....và nhà Hưng có một miếng đất ở xa thành phố, vì thế hằng ngày Hưng phải đi ra đó lao động, cho phù hợp với chính sách... 
  Sau này Hưng được anh Hồ bảo lãnh cho Hưng vào chân khuân vác ở cửa hàng tổng hợp số 1 trên đường Phan Đăng Lưu. Công việc khá vất vả, tội nghiệp cho Hưng... hàng ngày phải vác từng mảng thịt heo, tối phải đi lấy cá, trái cây... 
   Năm đó, Mỹ Linh học lớp ba, đâu biết gì về công việc bố làm. Cháu chỉ nghe nói loáng thoáng không hiểu rõ ràng... Một hôm, cô giáo hỏi nó:
  - Bố con làm gì, ở đâu? 
   Mỹ Linh ngây thơ trả lời: 
  - Bố con làm ở chỗ có con heo bự lắm! 
  Vốn là bạn đồng nghiệp, nên Nga và Minh quen biết nhau trong những lần đi học tập nghị quyết của ngành giáo dục. Nga biết Mỹ Linh là con của Minh nên hỏi cho vui. Sau ngày gặp Minh, Nga mới biết rõ chồng Minh làm gì, ở đâu... 
  Thấy chồng quá vất vả, Minh đau lòng lắm:
  - Nếu Hưng không làm ở cửa hàng, thì phải đi vùng kinh tế mới. Thôi thì đành phải nhẫn nhục làm, kiếm sống qua ngày và khỏi phải đi vùng kinh tế mới là mừng rồi! 
  Khi chính sách cởi mở hơn, không còn bắt buộc phải đi vùng kinh tế mới nữa, Minh bàn với chồng : - Thấy anh đã lớn tuổi mà còn quá cực khổ, em đau lòng lắm, hãy nghỉ làm đi anh. Sự sống của gia đình, một mình em mua bán cũng gánh vác được. Ngày ngày, anh chỉ giúp việc nhà và săn sóc cho con là đủ lắm rồi! 
  Thời gian lặng lẽ trôi qua trong gia đình Minh... 
  Nhưng có lẽ Hưng còn vương mang cái nghiệp tù tội hay sao mà khi nghe cô Doãn bàn tính chuyện vượt biên, Hưng nghe lời.... Rủi cho anh em Hưng, dính vào một tổ chức vượt biên “dỏm” nên bị bắt. Chị Thanh có phận sự đi theo đưa toàn thể gia đình cô Doãn với năm sáu đứa trẻ con ra bến hẹn..
 Chị trở về báo tin: 
  - Đoàn người đến chỗ hẹn “Bãi Hộ Phòng. Tàu bè đâu chẳng thấy! Chỉ thấy mấy mươi công an bao vây, chĩa súng bảo đưa tay lên, bắt trọn. Hưng lính quýnh không thủ tiêu được giấy tờ tùy thân nên không chối cãi được: “ Sĩ quan Ngụy đi cải tạo, vừa được Cách Mạng khoan hồng cho về ” lại ngoan cố tìm cách vượt biên, Hưng chắc sẽ nhận lấy cái án tù mút mùa... 
  Thế là Hưng cùng con gái lớn và gia đình cô Doãn bị đưa xuống trại Cây Gừa.
  Nghe hung tin, Minh chạy đôn chạy đáo lo “lấy” Hưng ra. Dù chạy chưa đúng đường, nhưng vẫn cố sức chạy chọt... 
   Ba tháng sau vào dịp lễ, Minh nhận được giấy báo đến trại nhận lãnh con về. Mừng quá, đúng ngày Minh vội vã đi đón con. 
 Đêm đó, Minh ngủ ở nhà trọ của trại, chờ ngày hôm sau đón con. Nằm ngủ chung với các chị đi thăm nuôi trong cái mùng to lớn, chứa cả mấy chục mạng. Mọi người đều lo buồn cho số phận của người thân, thì còn tinh thần đâu mà ngủ... lại thêm bị muỗi, rệp cứ cắn hoài. Tiếng râm ran nói chuyện suốt đêm... qua đó, Minh được biết nỗi khổ cực của trại này: 
  - Các tù nhân trong trại phải đi đào đất, xén mương có chỉ tiêu đưa ra. Nếu tù nhân nào không làm đúng chỉ tiêu, sẽ bị hành hạ không cho tắm rửa sau giờ lao động, cắt xén bớt phần ẩm thực trong tháng... rồi bị làm tờ kiểm điểm, bị chỉ trích chai lười lao động trước tập thể... Đúng là một bầy dã thú cấu xé những người sa cơ thất thế. Ngoài ra tù nhân còn phải đi lấy lá mía về thay tranh lợp nhà, tát ao tát đìa, bắt cá cho cán bộ. 
  Câu chuyện rất thương tâm được kể tiếp: ... Ông Nhân, một “tù cải tạo” vừa được thả; ông đã mua tàu tổ chức vượt biên. Ông ta mang theo gia đình và một số thân nhân bè bạn. Chẳng may bị bắt tại trận, không chạy tội được. Ông bị gán cho hàng chục thứ tội, nào là vượt biên trái phép, ngoan cố không chấp hành chánh sách khoan hồng của nhà nước. Tội nặng nhứt là đứng đầu một tổ chức đưa người vượt biên. Ông bị cùm chân, bị biệt giam... Vợ con ông bị làm khó dễ, bị tra hỏi liên miên... Nhận thấy mình không còn có ngày về nữa, lại làm khổ lây cho vợ con.. nên ông ta đã thắt cổ tự tử chết rất thảm. Thật tội nghiệp cho kẻ đi, người ở... Đúng là đoạn trường ai có qua cầu mới hay!
   Sáng tinh sương hôm sau, Minh đứng bên hàng rào trông ngóng chồng, con... 
   Xa xa, thấp thoáng bóng mấy ông đang dang chân múa tay. Minh nghĩ:
  - Có lẽ vì nôn nóng muốn thấy vợ con, các ông viện cớ ra tập thể dục thật sớm chớ gì?
   Minh ngóng mãi cũng không thấy bóng dáng Hưng đâu cả!
   Có một tốp, mấy mươi anh em tù vác cuốc đi lao động... Minh cố nhón chân lên nhìn cho rõ, may ra được thấy mặt chồng, nhưng nhìn hoài cũng không thấy! Lòng Minh nôn nóng như lửa đốt, khi đã trưa rồi mà con của Minh cũng chưa được thả ra đúng như giấy báo. Minh tự nhủ: 
  - Hay có trục trặc gì vào giờ chót, nên con gái mình chưa được thả ra? Trời bắt đầu mưa lâm râm, nhưng Minh vẫn đứng dưới cơn mưa để ngóng chồng, chờ con!... 
  Trong trại, lố nhố một tốp người đang đứng nhìn theo đoàn người được thả ra mà thèm thuồng ao ước đến lượt mình. Minh suy luận:
  - Có thể trong số người đứng lóng ngóng đó- có Hưng chăng ? Chàng cũng nôn nóng, mong cho con mình được tự do ra về với mẹ... 
  Kìa! Một tốp vừa con nít, người lớn đang xếp hàng dài, lần lượt nhận giấy ra khỏi cổng trại. Con gái của Minh, mãi đến chiều tối mới được thả ra. Mừng rỡ, mẹ con ôm chầm lấy nhau. Sau vài phút mừng rỡ cảm động, mẹ con đều nhìn vào trại, lòng xót xa thương nhớ Hưng vô cùng...
  Sau này mới vỡ lẻ: 
 - Sở dĩ có việc tù nhân được thả mà đi ra chậm trễ như vậy, là vì bọn cai tù tính toán, có mưu đồ bất chính để trục lợi. Đồ đạc, vòng vàng của người bị bắt phải được hoàn lại cho người được trả tự do, nhưng bọn chúng cố tình để chung một đống lộn xộn. Chúng không chịu để riêng theo thứ tự tên a,b,c. cho dễ tìm. Cứ một người tù đến nhận lại đồ vật của mình, khi đó chúng mới bới ra lục lạo tìm kiếm làm mất rất nhiều thì giờ.... Đây là thâm ý của bọn cai ngục, nhằm làm nản lòng những người vừa được thả chỉ vì “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, họ không kiên nhẫn chờ đợi lấy lại tài sản của mình, nên đành “bỏ của chạy lấy người”, dĩ nhiên bọn cai tù được hưởng số tài sản bỏ lại...
   Sau này cứ mỗi đầu tháng, trong vòng sáu tháng Hưng bị nhốt ở trại Cây Gừa, Minh đi thăm nuôi chồng đều đặn, dù lắm khổ cực gian nan. Nhưng không đâu khổ bằng- khi Hưng bị đưa xuống trại Rạch Ruộng giam chung với các anh “Tù Cải Tạo” 
  Minh vẫn phải cơm đùm gạo bới đến thăm. Đi về bốn ngày đường, mà chỉ được gặp mặt Hưng chỉ có 15 đến 20 phút không hơn. Tại trại Rạch Ruộng thì hai tháng mới cho thăm nuôi một lần ...
   Sáng sớm Minh khởi hành từ Sài Gòn, chiều tối mới xuống tới Cà Mau. Nếu xe chạy không có gì trục trặc, thì đến sớm hơn chút đỉnh, đỡ vất vả cho Minh, Minh có thể ngủ lại một đêm ở nhà trọ, chờ sáng mai lối 4, 5 giờ sáng, đón xe để lên tàu qua sông Ông Đốc... 
Có hôm tới 10 giờ hay 11 giờ đêm xe mới đến Cà Mau, Minh càu nhàu: 
  - Thật xui xẻo, quá trễ! Mình vào nhà trọ không tiện, thôi đành ngồi ngủ gà ngủ gật ngay ở bến xe cho tiện việc di chuyển. 
    Thật vậy, đêm đó Minh ôm đống quà bánh, phủ cái mùng lên vì sợ muỗi Cà Mau đốt. Minh thao thức gần trắng đêm... phần vì sợ mất đồ, phần sợ thân phận đàn bà con gái... 
   Nhớ cảnh thăm nuôi lúc đó, đến bây giờ Minh thấy mình gan dạ, liều lĩnh, mà nay vẫn còn sợ!... Khi leo lên tàu cao, Minh phải mướn người xách quà cáp lên tàu. Phần Minh cầm đôi dép trên tay, bò bò trên tấm ván, không dám đứng thẳng người đi như người ta, trông thật ngượng ngùng... nhưng Minh mặc kệ cho người ta cười... 
 Đến sông Ông Đốc thì chạng vạng tối, Minh xin ở trọ nhà dân. Sáng sớm hôm sau thuê ghe nhỏ chở vào Rạch Ruộng thăm Hưng. Vất vả cả hai ngày đường, chỉ được thăm Hưng chưa tới nửa giờ ...   Minh gặp chồng mừng mừng tủi tủi, không sao tả xiết...Với ánh mắt cú vọ của tên quản giáo quét khắp phòng thăm nuôi, với giọng hằn học quan liêu, anh ta ra lệnh: 
- Tất cả mọi người phải trật tự! Không được khóc lóc gây ồn ào làm ảnh hưởng đến việc học tập của các học viên. Ai không tuân theo thì sẽ bị cắt thăm nuôi! 
   Minh cố nuốt nước mắt, khi ngồi đối diện với Hưng. Giọng run run, Minh lên tiếng trước: 
- Anh có khỏe không? Bệnh bao tử, đau đầu ra sao? Em có đem đầy đủ thuốc men, áo quần, thức ăn cho anh đây! Như sợ quên bao câu hỏi mà Minh đã học thuộc lòng trước khi gặp Hưng, Minh tiếp: -  -Sinh hoạt ăn uống ra sao hả anh? Chắc thiếu thốn lắm? Làm việc cực nhọc lắm phải không anh? Minh hỏi dồn dập, làm Hưng không kịp trả lời. 
  Nhưng Minh không cần Hưng trả lời, chỉ nhìn vào hình hài kia, Minh đã có được câu trả lời cho những câu hỏi ngớ ngẩn của mình. Đưa mắt nhìn Minh, Hưng thở dài:
 - Anh vẫn bình thường. Em đừng lo lắng nhiều. Hãy kể chuyện gia đình cho anh nghe đi...Các con ra sao? Học hành thế nào? Cực nhọc cho em quá! Em độ này gầy lắm đó nhé! Nhớ ăn uống cho đầy đủ, đừng làm nhiều mà bệnh hoạn. Em là cột trụ của gia đình. Cám ơn em đã thay mặt anh đảm đương việc nhà, chăm sóc con cái... 
  Cũng như Minh, Hưng tới tấp đưa ra không biết bao nhiêu câu hỏi. Họ hỏi nhau như chưa bao giờ được hỏi, Minh kể chuyện gia đình cho Hưng nghe... 
Đã tạm ổn với những điều cần biết, Minh với tay ra muốn cầm tay Hưng sau thời gian dài xa cách. Nhưng Hưng vẫn dấu đôi tay mình dưới bàn. Giằng co mãi, Hưng mới đưa bàn tay cho Minh cầm. Không ngăn được nước mắt, Minh khóc òa... May mà tên quản giáo mới được bao thuốc lá ba số 5 của ai đó cho. Hắn ta đang sung sướng thả hồn mơ màng theo khói thuốc phì phà ở góc phòng nên không biết... 
 - Hú hồn cho Minh! Tay Hưng đây! Đôi tay chai đá nổi lên nhiều đường gân và nhiều vết sẹo ngang dọc, móng tay dài, ghẻ lở chưa kịp lành. Chắc vì vậy Hưng không muốn cho Minh thấy, cố nén tiếng nấc ...
   Minh nghẹn ngào: 
 - May quá, em có đem theo thuốc bôi ghẻ và trụ sinh, anh nhớ chữa trị đi nhé! 
  Theo lệnh cán bộ thăm nuôi:
  - Hôm nay là ngày Tết, Trại ưu đãi cho “học viên” được ăn chung với thân nhân bữa trưa này, nhưng thời gian chỉ một giờ thôi!..
  Chúng nó cũng khôn, dễ dàng với “Ngụy” một chút thôi, thì tha hồ được biếu xén quà cáp!
   Minh vội bày thức ăn ra bàn một con vịt quay, một con gà hấp muối, bánh mì... những món ăn mà Hưng vẫn thích. Nhìn thấy Hưng ăn ngấu nghiến, ngon lành như kẻ sắp chết đói vừa được bữa. Minh thấy thương chồng quá và mĩm cười trong nước mắt: 
 - Hồi trước mời mọc lắm, nài ép hoài Hưng mới ăn được hơn chén cơm, thế mà nay...
  Sau cơn thèm khát được tạm ổn. Hưng mắc cỡ ngẩng mặt lên gắp thức ăn cho Minh: 
  - Sao em không ăn đi? 
  Vô tình, Hưng đưa Minh ra khỏi ý nghĩ :
  - Cộng Sản cai trị dân bằng cái bao tử ! Chúng muốn khuất phục kẻ bại trận bằng mấy củ khoai, sắn, bắp, bobo... Bữa đói, bữa no, chúng tàn ác quá! Không phải chỉ có các tù nhân mới bị mất tự do và bị bỏ đói mà người dân bình thường trong nước, cũng bị chúng bóp chết tất cả mọi tự do qua chính sách hộ khẩu của người dân, mà miệng lúc nào cũng huênh hoang khoe rằng: “...Người dân được hưởng mọi quyền tự do- để lừa bịp dư luận thế giới bên ngoài...” 
  - À,... em đang ăn đây! Muốn làm vừa lòng Hưng, Minh nuốt vội miếng thịt, nhưng cổ họng như nghẹn không sao nuốt được. Miếng thịt sao mà nhạt nhẽo, trước bao thống khổ mà các anh phải gánh chịu! 
   Bữa ăn kéo dài với lời ân cần thăm hỏi, dặn dò của các cặp vợ chồng tù nhân. Họ cố tranh thủ với thời gian để nói và nói. Bỗng giọng hằn học của tên quản giáo vang lên:
  - Đã hết giờ thăm nuôi, các anh thu xếp vào trại... Mọi người lục đục đứng lên, nét mặt rầu rĩ, thở dài... Minh lăng xăng kiểm lại đồ thăm nuôi trao cho Hưng, Minh không quên dúi vào tay Hưng một ít tiền và dặn dò: 
 - Anh cứ mặc sức ăn uống, thức ăn đồ dùng em đem theo nhiều lắm... có bạn nào không được người nhà thăm nuôi, anh san sẻ một ít cho họ với... Em sẽ đến thăm nuôi anh thường xuyên. Hẹn sẽ gặp nhau lần kế tiếp, anh cần món gì cứ viết thư cho em biết!... 
   Minh hấp tấp nói vì sợ không còn giờ nữa. Hưng lên tiếng cám ơn vợ. Vợ chồng bịn rịn chia tay, Minh cố dấu nước mắt trong chiếc khăn tay, để Hưng yên tâm vào trại chờ đợi ngày gặp mặt tới...     Nhớ có lần sau ngày Tết thăm nuôi... Minh đưa tấm ảnh màu chụp đại gia đình hôm Tết, xin phép cán bộ cho chồng được xem. Thấy tấm ảnh màu, tên cán bộ trừng mắt nạt Minh:
 - Tấm hình ở nước ngoài gởi về, cho anh ấy xem để anh ta học tập không tốt à? Gia đình bà vẫn còn ý tưởng vọng ngoại thế sao? 
  Cố nén sự khinh bỉ cái quá ngu dốt của tên cán bộ, Minh vừa đưa tay chỉ vào hình mình trong tấm ảnh đó, vừa gượng cười nói:
  - Cán bộ nhìn xem, có hình tôi ở trong tấm ảnh đây này. Làm sao ở ngoại quốc gởi về hả cán bộ ?   Vừa nói, Minh đưa tay chỉ vào tấm ảnh. Để khỏa lấp sự quê mùa dốt nát của mình, tên cán bộ vội nạt lớn: 
  - Tôi đã bảo không được cho anh ấy xem hình. Hãy cất vào ngay đi! 
   Vì sợ tên cán bộ quê độ phát cáu đuổi về, nên Minh đành riu ríu cất vào theo lệnh nó. 
   Nói đến sự quê mùa, dốt nát của đám cán bộ cầm quyền thì không sao nói hết được… Trong trại có một nhà giáo vượt biên, anh ta luôn mang kính cận dày cộm... nếu mở kính ra, anh ta sẽ không thấy gì cả. Một hôm, tên cán bộ gặp anh nhà giáo đang đi băng ngang qua cái ao. Không biết vì tức bực chuyện gì, hay vì tự ti mặc cảm....tên cán bộ hung hãn nầy đưa tay giựt lấy cái kiến cận thị của anh nhà giáo kia vứt xuống ao, còn lên giọng: 
  - Khi nào cũng thấy anh mang kính. Lên mặt trí thức hả?
   Anh nhà giáo gặp ngày xui, mất kính không thấy đường về, may nhờ bạn bè tốt bụng, xuống ao mò lấy lên hộ anh.
 Chưa hết, mấy anh tù khi nào thấy cán bộ tù từ xa đi tới phải tìm cách tránh né, nếu chạm mặt thì phải đứng nghiêm, xuôi tay, lên tiếng: 
 - Kính chào anh cán bộ ạ! 
  Vô phước anh tù nào đi qua khúc quanh, không thấy cán bộ để tránh thì chết có ngày... với chùm chìa khóa trên tay, anh cán bộ thường hay quây tròn xòe ra...tù không sướt mặt mũi tay chân, cũng lỗ đầu u trán. Thật vậy họ coi mạng sống con người còn thua con vật... Không chút nghĩ đến tình đồng bào, tình đồng loại!... 
    Có những chuyến đi thăm nuôi, để rút ngắn thời gian trở về với con. Minh đã cùng các bạn mướn một ghe nhỏ chạy về Cà Mau ngay sau khi thăm nuôi, để kịp lên xe đò sớm trở về Sài Gòn. Thuyền nhỏ tròng trành lướt đi ven cửa biển. Thỉnh thoảng có những tàu lớn đi qua, sóng ập đến thuyền nhỏ của Minh, chao đảo thấy mà sợ... mạn thuyền Minh chỉ chừng gang tay là đến mặt nước sông. Minh không biết bơi mà cũng cả gan thử thách với biển cả, sông nước... 
    Những chuyến xe trở về Sài Gòn, thường gặp trời mưa tầm tã. Bác tài xế già nua, mắt chèm nhèm thật là nguy hiểm. Có một lần Minh lên chiếc xe không có cái quạt nước. Mưa nặng hạt, mờ cả kiếng trước, chú lơ xe ngồi cạnh bên ngoài tài xế, thỉnh thoảng nhoài người ra lấy khăn lau kiếng để bác tài thấy đường lái xe... Mọi người ngồi trong xe – vì mệt mỏi, ngủ tỉnh bơ, không biết nguy hiểm là gì... Chỉ có Minh nhìn thấy, sợ quá chỉ biết thầm cầu nguyện: 
  - Xin Trời Phật cho con được được về an toàn với con cái. Nếu có chuyện bất trắc xảy ra, không ai nuôi các cháu tội nghiệp...
   Ròng rã hai năm trời, Minh cùng chị em trong gia đình chồng thay phiên nhau xuống Rạch Ruộng thăm nuôi Hưng. Trong thời gian đó, Minh chạy đôn chạy đáo lo cho Hưng, nhưng vô hiệu...Trường hợp Hưng rất khó gỡ ra - Đi “học tập cải tạo” vừa được “Cách Mạng”thả về, không bao lâu lại tìm cách vượt biên với bằng chứng rành rành, không chối cãi được. May sao có chị Nam , người bà con xa mách nước, Minh móc nối với vợ bé ông trưởng trại Cây Giừa tốn hết 5 cây vàng, Hưng mới được tha ra khỏi trại...

Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét