Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

MÀU THỜI GIAN - Nguyễn Ninh Thuận

H ôm nay thứ Bảy một cuối tuần đẹp, Nguyên đi dự đám cưới muộn màn của Phát- Hoa,  người bạn thân của Nguyên hơn ba chục năm về trước khi tất cả còn ở Việt Nam. Đám cưới của họ được tổ chức rất thân mật trong một nhà hàng nhỏ trong vòng ấm cúng của gia đình hai họ và bạn bè thân thuộc. Ngồi trong bàn tiệc, Nguyên nhớ về …
<!>
… Sau một thời gian dài xa nhau, hai năm về trước Nguyên gặp lại Phát trong bữa tiệc Tân Xuân Hội Ngộ của khóa Thủ Đức. Gặp nhau nơi xứ lạ quê người, thì tóc hai người bạn cố tri đã ngã màu hết rồi! Tuy vậy tình bạn vẫn còn thắm thiết như ngày nào…
    Sau phút ngở ngàng đến rưng rưng nước mắt, hai người bạn tay bắt mặt mừng nói chuyện như pháo nổ. Họ ôn lại những kỷ niệm cũ, kiểm điểm bạn bè ai còn ai mất để tiếng thở dài và những giọt lệ chợt ứa ra trong những đôi mắt hoen đỏ một lần nữa xuất hiện…Sau phút buồn, niềm vui xuất hiện… Phát khoát tay người đàn bà đã đứng tuổi, nhưng thời gian không thể xóa hết nét đẹp kiêu sa trên làn da trắng mịn của cô ấy:
      -Đây Hoa, người bạn gái hồi trước ở Việt Nam , mà Phát mới bắt được liên lạc gần đây!
      Nguyên mĩm cười gật đầu chào bạn gái của bạn trong ý nghĩ. “ Sau chuyện buồn thì niềm vui xuất hiện, có như thế con người mới đủ nghị lực để sống còn trong xã hội lắm tất bật này!
      Ba người chọn một bàn khuất trong một góc nhà hàng ngồi dự tiệc để dể hàn huyên tâm sự. Qua câu chuyện, Nguyên được biết...
    …Phát sau mười năm đi “ Học Tập Cải Tạo”, được trở  về sum họp với gia đình. Rồi trong cái tang chung của đất nước sau 30 tháng 4-1975, kẻ còn người mất, người bị tù đày, đời sống khốn khổ ập lên đầu toàn dân…Gia đình Phát không thoát khỏi số phận của kẻ bại trận, cũng đói khổ, cũng đi kinh tế mới với bao chông gai trước mắt, nhiều hoàn c
ảnh thương tâm mà giấy mực của các văn thi nhân không diển tả hết qua ngòi bút…Huệ vợ Phát đã mất trong một cơn bạo bệnh, trong khu kinh tế mới đèo heo hút gió thiếu thốn thuốc men và mọi thứ…Nàng đã vất vả sau một thời gian dài nuôi chồng trong trại tù Cộng Sản, rồi tức tưởi nhắm mắt để lại bốn con thơ trong một tình huống thương tâm…
     Với nét buồn còn phản phất, Phát ngậm ngùi tâm sự tiếp … Thời gian lặng lẽ trôi qua trong sự chịu đựng câm nín của mình! Tưởng rằng cuộc sống bị bế tắt trong một hoàn cảnh chung, nhưng một ánh sáng bừng lên cuối đường hầm -Chương trình HO ra đời. Thế là gia đình Phát cũng như hàng chục ngàn gia đình cựu tù nhân chính trị được ra đi và định cư khắp các tiểu bang của Mỹ. Mới đầu không có thân nhân, cha con tôi được gia đình người Mỹ ở Washington bảo trợ định cư tại đó. Sau một thời gian dài làm ăn cần mẫn với cảnh gà trống nuôi con. Khi các con khôn lớn, học hành ra trường có công ăn việc làm, tôi bàn cùng các cháu muốn dời về sống miền nắng ấm Cali để sinh hoạt với cộng đồng người Việt mình…
    Đổi sang giọng sôi nổi, ánh mắt âu yếm dừng lại trên khuôn mặt Hoa, Phát tiếp lời:
    -Thật là cơ may, đúng là duyên tiền định khi tôi quyết định dọn về đây ở. Trong một cuộc họp mặt Liên trường tôi gặp lại Hoa, người yêu thời học sinh xuất hiện đúng lúc! Có lẽ khuôn mặt Hoa có trong tiềm thức của tôi, nên khi gặp lại nàng sau mấy chục năm xa cách, mà tôi vẫn nhận ra được người yêu trong mộng của mình! Sau khi tâm sự với nhau, tôi được biết cuộc sống của Hoa sau khi chia tay với tôi…rồi Hoa lập gia đình. Năm 88, vợ chồng nàng cùng hai con đưa nhau đi vượt biên. Chẳng may chồng Hoa qua đời trong chuyến vượt biên đầy gian khổ. Hoa sang đây gánh nặng đè hai vai, vừa là mẹ vừa là cha để lo nuôi dạy hai con, chưa có thì giờ nghĩ cho tình cảm riêng tư của mình…
     Với ánh mắt mơ màng như sống về kỷ niệm, giọng Phát êm đềm …“  Cuộc tình ngây thơ đầu đời thời Trung học của chúng tôi, chỉ mới chớm nở trong ngại ngùng e ấp, chưa hẹn hò trao đổi. Nó chỉ là một kỷ niệm đẹp trong hành trang cuộc đời của tôi. Có thể nói đó là tình yêu đơn phương nơi tôi thôi! Nhưng qua ánh mắt trao đổi, tôi cảm nhận Hoa cũng có nhiều cảm tình với tôi. Rồi có lẽ duyên phận chưa phải lúc, nên Hoa theo gia đình về miền Trung sinh sống. Từ đó chúng tôi mất liên lạc với nhau. Tuy vậy hình ảnh nàng, tôi vẫn ôm ấp trong giấc ngủ, suốt trong quãng đời độc thân cho đến khi tôi lập gia đình...
    Uống một ngụm nước cho thấm giọng, Phát đưa tay cầm tay người yêu hôn nhẹ và tiếp lời... Xét thấy hoàn cảnh hai đứa cuối đời cần nương tựa vào nhau để sống nốt quảng đời còn lại, nên tôi theo Hoa bén gót… Qua một thời gian tìm hiểu và thông cảm nhau hơn, chúng tôi quyết định sẽ hợp thức hóa sống chung với nhau, anh chuẩn bị uống rượu mừng của chúng tôi nhé!
     Những lời tâm sự tạm thấy đầy đủ, chúng tôi hòa đồng vào cái vui chung của tình đồng đội Thủ Đức và kéo dài mãi cho đến ngày Nguyên đi dự đám cưới của Phát-Hòa…
    Sau khi về nhà, Nguyên lấy niềm vui của Phát làm niềm vui của chàng và tìm bài thơ của Ngân người bạn thân ra đọc lại vài lần…Lòng dạt dào vui với ý nhạc dạt dào, Nguyên đắm chìm trong sáng tác …thế là bài ca “ Còn Gì Cho Nhau ” ra đời trong một đêm thao thức…
     Hôm sau niềm vui còn trọn vẹn, Nguyên hẹn với Ngân đến nhà chơi để nghe bản nhạc của mình mới phổ theo thơ của Ngân cho bạn nghe. Sau khi nghe Nguyên ôm đàn hát nho nhỏ bản nhạc với ý thơ của mình, Ngân đập vào vai bạn reo lên “ Bản nhạc hay lắm, Ngân sẽ liên lạc với ban chấp hành Hội Nhà Giáo để gởi hai bài thơ của Ngân và bài nhạc của anh đăng vào Đặc san kỳ này nhé!
    -Ý anh hay lắm, đây cũng là một cách để anh tặng cho người xưa và bằng cách này anh có thể tìm ra người yêu cũ của anh một cách dể dàng. Qua hội thân hữu này, anh có cơ hội bắt được liên lạc với người anh muốn tìm. Vậy anh cứ xúc tiến đi!...
    Thế rồi Ngân bắt được liên lạc với Hội nhà giáo và điều mong ước của hai người thành đạt dù bài gởi tới rất trể. Nhưng qua sự nhiệt thành của chị Tâm, Hội Trưởng, kiêm trưởng ban báo chí đã bỏ công sửa chữa bài vở và đánh máy cùng đôn đốc in ấn Đặc San thành hình. Trong ngày Đại Hội nhà Giáo, vì bận việc nên Nguyên và Ngân không đến tham dự để nhận Đặc San. Sau đó, Ngân đã liên lạc với  Tâm để hẹn ngày đến nhận Đặc San về đọc.
     Vào tháng Bảy, một sáng Chủ Nhật ánh nắng êm dịu, khí trời mát mẻ- hứa hẹn một ngày đẹp trời tốt đẹp cho các hôi đoàn tổ chức họp mặt. Nguyên và Ngân quyết định từ thành phố xa về khu Bolsa đi tham dự lễ hội. Cuộc họp mặt sẽ tổ chức lúc 11:AM, nên hai người bàn nhau hẹn 9:AM đến nhà Tâm nhận Đặc San. Theo lời chỉ dẫn của Tâm, hai người đến một căn nhà nhỏ nằm trên một con đường cũng nhỏ, vắng xe cộ qua lại. Lối đi vào nhà Tâm là hai dãy hoa đủ loại, mà nhiều nhất là hoa Quỳnh vì theo lời chủ nhân, nàng rất yêu hoa nên có làm một bài thơ ca tụng các loài hoa…

        Bông Bụp mọc ở hàng rào,
  Đỏ vàng rực rỡ, em nào kém ai.
        Hồng nào Hồng chẳng có gai,
  Hỏi người quân tử mấy ai coi thường?
        Em không khoe sắc, khoe hương,
  Mười giờ ấp ủ tình thương với chàng.
        Hoa Quỳnh tối nở sáng tàn,
Hương thơm ngào ngạt, bẽ bàng kiếp hoa.
        Hoa Lan màu sắc mặn mà,
  Hỏi người hôm đó phải là tri âm?
        Hoa Leo sống kiếp âm thầm,
   Bám vào hàng dậu, bám nằm thân cây!
        Hoa Lài , hoa Sứ vui vầy,
   Sum sê hoa lá tràn đầy mộng mơ.
        Cúc vàng nở rộ vườn thơ,
   Rung rinh trước gió, đợi chờ trăng lên.
        Hướng Dương nhìn mặt trời lên,
   Nắng vàng ấm áp tỏa lên mình nàng.
        Tuy rằng sắp sửa úa tàn,
   Huệ trắng cố tỏa muôn vàn hương thơm.
         Em rằng mới tới vườn ươm,
   Thược Dược sức sống cố vươn với đời.
         Hoa Lý tâm sự mấy lời,
Hương thơm  ngào ngạt cho đời món ăn.
        Hoa Xoan sắc tím Bằng Lăng,
 Gởi niềm tâm sự, trải giăng ân tình.
        Mai, Đào như bóng với hình,
  Đua nhau nở rộ thắm tình biết bao?
       Lây Ơn đài các làm sao?
 Lung linh trước gió, làm nao lòng người.
       Hoa Sen mọc ở Tháp Mười,
 Gần bùn mà vẫn để đời thơm danh.
      Mỗi loài hoa mỗi nét xinh,
 Tấm lòng son sắc hữu tình không ngoa.
       Hoa nào cũng vẫn là hoa,
 Sống vườn thượng uyển cao sa khôn cùng.
       Mộc mạc sống giữa cánh đồng,
 Nào ai biết được hương nồng của hoa.
      Kiếp hoa sánh với đàn bà.
 Hỏi người quân tử mặn mà cùng ai?
       Hoa tàn, hương đã nhạt phai,
Hỏi người hôm ấy, mấy ai nuông chiều?
      Cầu mong hoa mãi yêu kiều.
Được người năm cũ nuông chiều nhớ thương…

     Nguyên và Ngân bước vào nhà cô Tâm. Chủ nhân vồn vả mời chào khách. Nguyên ngờ ngợ như gặp Tâm đâu đây?! Nguyên cố moi trí nhớ và lẩm bẩm... Phải rồi cũng khuôn mặt này, nhưng hình dạng lại khác. Khuôn mặt Cô Lài, người Huế ở trong tiềm thức của mình thời thơ ấu sống lại…
     ... Nguyên, khi ấy là một cậu bé mới 7,8 mài đủng quần trong ghế nhà trường thời Tiểu học ở quê nhà. Ông Tân, cha Nguyên là một nhà giáo, bạn đồng môn của cô giáo Lài. Cô Lài dạy cùng trường và ở gần nhà Nguyên, nên tình đồng liêu càng thắm thiết hơn qua tình hàng xóm láng giềng ở một xứ vốn trọng tình thân với câu ca “ Bà con xa láng giềng gần
 Thỉnh thoảng cô Lài ghé thăm gia đình Nguyên và bàn việc trường lớp với ông Tân. Cô không quên dúi cho Nguyên vài chiếc kẹo. Cái giọng Huế trọ trẹ mới đầu Nguyên nghe sao quá khó khăn, nhưng khi đã nghe quen tai, nghe sao mà thân thiết và chân thật quá! Nó không ngọt bùi dễ lôi cuốn như giọng Bắc, hay thẳng thắng như giọng Nam . Nhưng nó gây một ấn tượng tốt cho Nguyên suốt cả cuộc đời…Nhất là với dáng điệu thanh nhả, người mảnh khảnh với chiếc áo dài đơn sơ, tuy thế nó cũng toát lên hết vẻ đẹp hiền hòa của người đàn bà đẹp xứ Huế mộng mơ…Nhất là với mớ kiến thức trao đổi với ông Tân, Nguyên đã len lén núp vào một góc nhà uống trọn vào người “ Cô Lài là thần tượng tuổi thơ của mình đây!
     Và rồi thần tượng đó tồn tại mãi trong cuộc sống trãi dài của Nguyên phía trước…
     Bà Mận, mẹ Nguyên, một người đàn bà chất phát. Mẹ ít học, nên kiến thức so với cô Lài thua xa. Nhưng không vì thế mà lòng quý trọng của mẹ bị giảm sút trong Nguyên. Mẹ ở trong máu thịt của Nguyên và mãi tồn cho đến khi Nguyên nhắm mắt xuôi tay.  Công tâm mà nói, mẹ là một trời yêu thương tình nghĩa ruột thịt đầy ắp mà ca dao vẫn nhắc nhở “  Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra . Một lòng thờ mẹ kính cha, cho trọn đạo hiếu mới là đạo con
    Thật vậy, mẹ Nguyên đã không ngại gian khổ, buôn tảo bán tần lo cho đời sống gia đình sung túc…Công ơn to lớn không sao kể xiết, không gì sánh bằng…
    Tình giao hảo giữa cô Lài,( tên một loài hoa có mùi thơm dìu dịu làm ngây ngất bao người ) với gia đình Nguyên kéo dài một thời gian, thì bẳng đi một dạo, Nguyên không thấy cô Lài đến nhà nữa, chàng ngạc nhiên hỏi ba “ Cô Lài đâu ba, sao con không thấy cô ấy tới chơi?
      -Cô ấy về Huế rồi!
       Nguyên rất buồn và cảm thấy mất một cái gì quý báu nhất…Từ đó, Nguyên không bao giờ gặp lại cô Lài. Gia đình Nguyên cũng chẳng có tin tức gì của cô ấy. Nguyên vẫn nuôi hy vọng có một ngày Nguyên sẽ gặp cô Lài. Tuy nghĩ thế, nhưng chàng không bao giờ hỏi về cô Lài với Ba nữa. Thời bấy giờ vấn đề thư từ rất khó khăn, hơn nữa gia đình Nguyên cư ngụ trong một xã, ngoài thành phố trong thời Việt Minh nên vấn đề liên lạc rất nhiêu khê…
    Tuy vậy hình ảnh cô Lài không bao giời phai mờ trong ký ức của Nguyên...Năm học lớp đệ tam, Nguyên đã thuộc lòng bài thơ “ Màu Thời Gian ” , nhưng Nguyên không hiểu nhiều về bài thơ đó. Cho đến khi vào đời theo năm tháng, Nguyên mới cảm nhận được “ Trời mây phản phất nhuộm thời gian”…
    …   Ngồi đối diện với Tâm trong phòng khách nhà nàng, Nguyên bở ngỡ như trong một giấc mơ, chàng như sống về giấc mơ thời thơ ấu…Nguyên im lặng để trí óc ngược thời gian nhớ về cô Lài, một thần tượng, một người đàn bà Huế vai vế hàng cô, bác xa xưa…Tiếng nói chuyện của Tâm và Ngân vẫn đều đều bên tai Nguyên:
      -Tôi có quen với một cô giáo sinh sư phạm, nàng tên Thanh, hình như học từ năm 66-70 thì phải. Chúng tôi mới hẹn hò với nhau, rồi tôi đi lính. Và sau mất liên lạc với nhau. Nay tôi muốn tìm lại cô ấy, chị có thể tìm giúp cho tôi được không?!
      -Anh phải nhớ rõ cô Thanh học Sư phạm năm nào? Và hiện nay đã qua Mỹ chưa, hay định cư ở nước nào? Cũng có thể còn ở Việt Nam, thì may ra tôi mới liên lạc được các bạn ở đây và Minh người bạn chung khóa, bây giờ làm Hội Trưởng Nhà Giáo ở Sài Gòn  thì may ra sẽ tìm ra cô Thanh cho anh!
     -Tôi nhớ ra rồi, cô Thanh ra trường năm 70.
     -Thế là khóa 7 cùng khóa với tôi! Tên Thanh…
     Tâm bóp trán suy nghĩ hồi lâu rồi reo lên “ Có phải Thanh, có khuân mặt bầu bầu, hình như nói giọng Quảng Ngãi và người không thuộc loại “mình hạt xương mai” phải không? Nếu đúng như thế là Thanh cùng học một lớp với tôi!
      -Đúng đó chị!
     -Vậy Thanh rất dể kiếm, để một hai hôm nữa tôi sẽ liên lạc với các bạn và sẽ tin cho anh sau!
       Tâm hơi do dự một lát vì sợ mình sẽ là nhịp cầu phá gia cang người ta, nên kín đáo hỏi gia cảnh của Ngân “ Xin lỗi anh, anh sang đây được bao lâu và được mấy cháu rồi?
    -Tôi sang đây theo diện HO mang theo hai cháu. Sau khi đi tù về, vợ chồng chúng tôi chính thức xa nhau. Tôi sang đây mới lập gia đình lại cách đây mấy năm. Tuổi tác chúng tôi đã lớn, nên dựa vào nhau để an ủi tuổi già, nên không nghĩ  có con nữa.
    -Thế anh biết rõ hoàn cảnh gia đình Thanh thế nào không?
     -Hơn mười lăm năm trước, khi còn ở Việt Nam , trong một dịp tình cờ, tôi gặp lại Thanh, khi ấy còn độc thân. Thanh tìm cách trốn chạy tôi, nên hình như đổi ra Tam kỳ. Tôi cố tìm, nhưng không được. Rồi vì sự sống khó khăn, trong những ngày ra tù lắm lao đao, tôi không đủ phương tiện săn đuổi, nên Thanh vuột ra khỏi vòng tay của tôi. Tiếp theo tôi ra đi theo diện HO. Hình ảnh Thanh vẫn còn trong tim tôi, nhưng vì duyên số trớ trêu, nên chúng tôi không có nhau trong cuộc đời. Chẳng đặng đừng tôi phải lập gia đình, nay tôi xem Thanh như là bạn. Tình xưa nghĩa cũ muốn giúp đở Thanh thế thôi! Tôi muốn biết rõ hoàn cảnh gia đình nàng để nếu cần gì tôi sẽ giúp…
     -Tôi sẽ cố dò hỏi giúp anh, nó cũng việc đáng làm cho bạn bè cùng khóa, anh yên tâm chờ tin tốt của tôi. Tôi cam đoan anh sẽ nhận được tin vui vào tuần tới…Đây hai cuốn Đặc San gởi anh và cuốn này cho anh Nguyên bạn anh. 
    Nguyên đưa tay ra nhận cuốn Đặc San Tâm trao đến. Sau mấy lời cám ơn, Nguyên vẫn yên lặng nhìn Tâm, và trong lòng cảm thấy vui vui…trong lần gặp gỡ lần đầu.
     Hơn ba tháng gặp Tâm, tự nhiên Nguyên liên tưởng và nhớ đến cô Lài nhiều hơn…Thật ra trong thời gian ra giao thiệp với đời, lăn lóc với cuộc sống lắm tất bật,  Nguyên cũng có quen nhiều bạn gái người Huế, nhưng chưa ai gây một ấn tượng sâu sắc cho Nguyên cả! Hình ảnh cô Lài chỉ âm thầm và có khi đi vào quên lãng của một thời gian dài…chỉ vì thời gian là liều thuốc thần diệu cho sự quên lãng quá khứ! Nhưng lần gặp gở Tâm, kỷ niệm hơn năm chục năm qua bừng sống dậy một cách mãnh liệt…Nguyên khám phá:
      -Dư âm và hình ảnh thiếu thời nằm sâu trong tiềm thức, một kỷ niệm về cô Lài hiện ra trước mắt- Cô Lài đây, nhưng nay cô không mảnh mai như ngày xưa mà cô tròn trịa, đẩy đà hơn…

    Nguyên nhắm mắt để nhớ lại buổi gặp mặt mấy tháng trước, để rồi xác định “...Tâm, cô Hội trưởng Nhà Giáo đây mà! Mình mong, Tâm là con cô Lài người Huế năm xưa, nhưng không biết điều đó có đúng không? Không biết trong cuộc sống có điều kỳ diệu này không? Một chuyện ngẫu nhiên trên cõi đời này mà mình mới gặp mấy tháng trước…. Một hình ảnh thân thương mà mình mới bắt gặp lại!...

Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét