Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

LÀM MƯỚN XỨ NGƯỜI - Nguyễn Ninh Thuận

Ngoài trời cơn mưa tầm tã, từng đợt mưa như thác đổ trút xuống căn nhà như xiêu vẹo của vợ chồng Thắm. Thỉnh thoảng cơn gió mạnh thổi qua, như thăm chừng sức chịu đựng của căn nhà tranh vách lá tả tơi. Căn nhà như chiếc răng lung lay chờ rơi rụng, không một chút thương tiếc gia chủ đã phập phồng thấp thỏm lo từng cơn...
<!>
 Thắm hết nhìn mưa, lại nhìn quanh nhà tìm một vật gì để đựng, để hứng nước mưa nữa. Tất cả thau chậu, nồi nêu xoong chảo đã đem ra sử dụng hết rồi, mà nước mưa vẫn điềm nhiên thấm ướt hết nền nhà. Thật đúng với câu thơ bất hủ của một nhà thơ nào đó đã diễn tả cảnh nghèo:

“ Ánh nắng rọi trứng gà trên vách thằng bé bi bô,
 Hạt mưa xoi hang chuột trong nhà con mèo ngấp nghé ...”

  Trên chiếc chỏng tre góc nhà, thằng Tèo vẫn thiêm thiếp trong cơn mê nóng sốt. Thắm vội vã đến chỗ con nằm, nàng đưa tay rờ lên trán con miệng lẩm bẩm:
   -Thằng Tèo còn nóng sốt quá nhiều. Lạy trời dứt mưa, để tôi ra sau vườn quơ mớ lá ổi, lá sả nấu nồi nước xông cho con. May nó ra mồ hôi mà bớt nóng chăng?
   -Mưa gió như thế nầy thì làm ăn nỗi gì? Ai mà thuê mướn mình làm vườn làm rẫy đây. Không khéo ngày nay không kiếm được tiền chợ cho gia đình. Trong góc nhà, Dần ngồi bó gối nhìn trời mưa, chàng buộc miệng than thở và buồn bã lên tiếng hỏi vợ:
   -Mẹ thằng Tèo, gạo còn đủ ăn ngày nay nữa không em? Sao mẹ nó không nấu nồi cháo hành thật nóng cho con ăn để giãi cảm. Tôi mong trời hết mưa để chạy xin đi làm cái gì cũng được, để kiếm tiền. Dù cực khổ thế nào cũng ráng làm kiếm chút ít tiền đong gạo và mua thuốc cho con. Nhìn con nóng sốt tôi đau lòng quá, nhưng biết làm sao bây giờ?! 
   -Chế độ gì mà thối nát ghê đi! Trước bảy lăm, dân tình như thế nào cũng đỡ khổ hơn bây giờ rất nhiều. Có cực đôi chút, nhưng không có cùng như thế nầy đâu! Mình có lười biếng không chịu đi làm đi nữa, nhưng ra vườn hái mớ rau, ra ruộng bắt mớ ốc cá và đi nhặt lúa cũng có thể sống phè phỡn qua ngày. Không như bây giờ, các ông Cộng Sản bóp họng bóp hầu mình đủ mọi cách. Cái gì cũng của nhà nước và phải vô tập thể tập đoàn hết, đúng là cái thời củi quế gạo châu mà! Các ông vơ vét hết, cái gì cũng bỏ vào túi riêng. Rừng bạt ngàn cũng đốn trụi lủi hết những cây lớn , cây có giá trị, làm năm nào cũng bị nước lũ tràn ngập, thiệt hại nhân mạnh và tài sản của đồng bào không ít.  Cá tôm cũng không để cho nó lớn kịp. Nhỏ lớn gì cũng bắt ráo trọi, lấy đâu mà truyền giống sinh sản, có ăn sau nầy... Tiếng buồn bã của Thắm phụ họa theo chồng, rồi chép miệng tiếp lời:
   -Dân vốn đã nghèo lại càng nghèo mạc hơn. Bao nhiêu của tiền chạy đầy túi vào các ông tai to mặt lớn, từ địa phương đến trung ương....
    Nói tới đó, Thắm như nhớ ra điều gì. Nàng hạ thắp giọng bàn bạc cùng chồng. Nàng biết rằng dù trời đang mưa, không ai lai vãng ngoài đường, nhưng bản tính cố hữu của người dân, việc gì hệ trọng cần bàn bạc giữa hai vợ chồng với nhau, cũng đều sợ tai vách mạch rừng. Nàng thỏ thẻ vào tai chồng:
  -Anh Tư  Khai con của dì em, hồi trước theo kháng chiến, nay đã trở về. Trước bảy lăm, vợ con anh ấy ở nhà khốn khổ, không có gạo đủ ăn, vì mãi lo tiếp tế cho chồng. Sau ngày đất nước đổi đời. Anh Tư  Khai trở về nghe đâu có chức có quyền lớn lắm, cuộc sống rất sang trọng đủ đầy. Đúng là đổi đời có khác! Chị ấy, nay trang sức vòng vàng, hột xoàn đầy người. Con cái thì nay xe nầy, mai xe khác, đua đòi đủ thứ… Nhà cửa ruộng vườn thênh thang. Nghe đâu anh ấy làm sếp lớn, phụ trách cho người đi lao động nước ngoài.
   -Em phải sang nhà anh chị ấy chơi. Em nhờ anh ấy cho em đi qua Đoài Loan hay Mã Lai làm người giữ em cho nhà giàu, cũng kiếm được bộn tiền đó anh! Ngẫm nghĩ một lát, Thắm đến gần anh Dần nhỏ nhẹ nói.
    -Mình có tiền đâu để lo lót chạy chọt hả em? Đưa mắt âu yếm nhìn vợ, Dần lên tiếng.
    -Lâu nay, dù nghèo khổ, nhưng cái kiềng vàng và một ít nữ trang của ngày cưới chúng mình, em vẫn còn giữ kỷ. Nay em bán đi sẽ có một ít tiền làm quà cáp cho anh chị ấy xem cũng tạm ổn. Thắm đưa tay bá càm chồng nhỏ nhẹ nói.
    -Nghe đâu để được đi một chuyến cũng tốn khá bộn tiền. Mình không lo nổi đâu em!  Em đừng nghĩ như ngày xưa đâu nhé! Bây giờ họ khác rồi! Họ đã bị Đảng và nhà nước nhồi sọ, không còn tình nghĩa ruột thịt nữa đâu. Họ chỉ có Bác và Đảng và tiền là trên hết mà thôi! Ôm vợ vào lòng, Dần nói:
   -Em sẽ sang tỉ tê với anh chị ấy. May ra chị ta còn nghĩ tình trước kia em cũng đã từng giúp đỡ những khi chị gặp hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo. Em cũng đã từng cho chị ấy gạo, cơm khi các con chị bị đói rách. Em rất hy vọng chị ấy còn một chút lương tâm, mà ra tay giúp đỡ trở lại cho mình. Với giọng tự tin vào tình nghĩa họ hàng ruột thịt của mình, Thắm ôn tồn cả quyết bên tai chồng.
   -Anh hy vọng được như lời em nói. Cúi xuống hôn vợ, Dần lên tiếng:
   -Nếu chị ấy đòi hỏi nhiều, em sẽ làm giấy nợ, rồi mình sẽ trả dần sau khi em được đi nước ngoài lao động, chớ có gì đâu mà anh lo quá. Thắm nở nụ cười tự tin....
   Sau đó, Thắm đi lại thăm viếng gia đình anh Tư Khai thường xuyên hơn. Nàng hứa hẹn quà cáp cho anh chị Tư hậu hĩ khi được ra nước ngoài làm việc. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Thắm được chấp nhận cho đi lao động ở Đài Loan. Ngày chia tay, Thắm làm một mâm cỗ cúng tạ ông bà cha mẹ để ra đi được bình yên. Mâm cỗ gồm có chú gà trống thiến mập ú ù u mà vợ chồng Thắm đã nuôi từ lâu. Với tài nội trợ khéo léo, Thắm đã làm được mấy món gà đặt sắc như cà ri gà, gà xào với mấy mụt măng tre ngoài vườn mới cắt vô. Hai cái đùi đầy thịt được rô ti thơm phức, thêm dĩa miến xào với bộ lòng gà ngon tuyệt. Chưa bao giờ thằng Tèo được ăn một bữa cơm thịnh soạn, ngon miệng như vậy. Nó ngấu nghiến nuốt vội vàng, trông nó ăn thấy mà thương vô cùng!
   - Con ăn từ từ, không thôi mắc nghẹn đó con à! Đừng nuốt vội nghe con. Mẹ còn để dành con gà mái mới đẻ được mấy trứng cho con ăn sau nầy. Con gà mái nầy đẻ sai lắm. Sau này gia đình mình sẽ có một đàn gà con thật nhiều. Con ở nhà ráng chăm sóc kỷ cho nó mau lớn.  Khi đó hai cha con tha hồ có thịt gà mà ăn từ ngày nầy qua tháng nọ. Thấy vậy, Thắm phải lên tiếng nhắc chừng con, ngừng lại suy nghĩ một lát, Thắm nhỏ nhẹ tiếp lời:
  -Mẹ đi ra nước ngoài làm mướn. Mẹ cố gắng cần kiệm gởi tiền về cho hai cha con sinh sống và sửa lại căn  nhà  tươm tất hơn để che nắng đụt mưa.
  -Dù cực khổ đến đâu mẹ cũng ráng làm cho có tiền gởi về cho con ăn học. Còn nhỏ, nếu con không học, lớn lên sẽ bị mù chữ như cha mẹ, thì khổ cả đời đó con ơi! Ánh mắt Thắm nhìn con tha thiết, nàng ân cần nói tiếp...
  -Con muốn được đi học lắm mẹ ơi. Nhưng nhà mình đâu có tiền để mua sắm áo quần sách vở cho con. Nghe đâu còn phải đống tiền cho nhà trường nữa đó. Nghe hai tiếng được đi học, thằng Tèo vui mừng hớn hở nói.
  -Tội nghiệp con tôi quá! Con yên trí đi, mẹ sang đó làm, cơm áo chủ lo. Lãnh lương được bao nhiêu tiền, mẹ sẽ tìm cách gởi về cho cha con ở nhà đỡ vất vả. Thắm ôm con vào lòng, nàng vuốt tóc con âu yếm nói.
  -Em phải đi xứ người làm lụng, thật vất vả cho em quá! Em đi rồi cha con anh ở nhà nhớ thương lắm! Không biết xứ lạ quê người cuộc sống em sẽ ra sao đây? Anh cứ sợ lắm chuyện xấu xảy ra cho em thôi. Dần u sầu nét mặt buồn bã nói.  Chàng thở ra một hơi dài nghe não nuột, chậm rãi nói...
   -Anh nghe nói ở xứ người họ bốc lột sức lao động của mình lắm. Họ còn bắt mình phải làm những điều đốn mạt, hạ phẩm giá, nhân cách của mình nữa em à! Anh lo lắm, thật lòng anh không muốn em đi chút nào cả...
   -Anh đừng có lo quá, mà có hại cho sức khỏe. Vì miếng cơm manh áo, em phải ra đi một thời gian để kiếm tiền cho gia đình. Chứ chúng mình cứ mãi ôm bên nhau hoài, thì chết chùm cả đám và tương lai con cái sẽ đen tối mịt mờ, không một chút ánh sáng với đời. Anh nên một lòng tin tưởng ở em nghe anh! Khi kiếm được một số tiền kha khá, em sẽ trở về với cha con anh. Lúc đó em sẽ bày ra mua bán cùng thiên hạ và sửa nhà cửa lại cho tươm tất hơn. Đưa đôi mắt âu yếm nhìn chồng, Thắm lên tiếng trấn an...
    Nghe vợ nói đến viễn ảnh tương lai sáng lạn. Dần gượng vui, nhưng không giấu được nét mặt rầu rĩ. Đoán biết được nỗi lo lắng của chồng, Thắm ân cần nhắc nhở chồng:
  -Anh đi ăn cơm đi, không thôi thức ăn nguội lạnh hết rồi đó! Ăn xong để em dọn rửa sớm, vì em còn cần kiểm soát lại hành trang đặng sáng sớm ngày mai em lên đường rồi đó...
   -Giờ ăn nem công chả phụng, anh cũng chả thấy ngon lành gì cả. Nghĩ lại ngày mai, vợ chồng mình phải xa lìa nhau, anh thấy lòng quặn thắt. Miệng nhai cơm mà anh thấy nó nhạt nhẽo làm sao đó em à! Với giọng buồn rầu vô hạn, Dần lên tiếng.
    -Thôi anh đừng nói chuyện buồn nữa, làm em cũng đau lòng không ít! Vì hoàn cảnh chẳng đặng đừng, vợ chồng mình phải xa cách một thời gian. Nhưng tấm lòng của chúng mình vẫn hướng về nhau trọn vẹn. Anh hãy tin tưởng vào em đi.  Thắm nhìn chồng âu yếm...
   -Vợ anh , anh không tin thì tin vào ai bây giờ! Anh chỉ xót thương cho hoàn cảnh của mình nói riêng và nói chung là cho cả nước phải tha phương cầu thực. Thật là quá nhục nhã cho một đất nước vỗ ngực tự hào là anh hùng, là cái rún của vũ vũ trụ từ ngày Đảng và nhà nước nắm chính quyền.  Vẫn gương mặt thiểu não, Dần gượng cười nói với Thắm.
   -Thôi anh à, chúng mình đừng bi quan nữa, đừng than vãn cho cái số khốn khổ của mình nữa. Đừng than trách đất nước bước vào khúc quanh lịch sử mạc vận nhiễu nhương làm gì cho mệt. Chúng ta cứ mạnh dạn hướng về phía trước tranh đấu để tương lai sáng lạn hơn. Thôi để em làm lẹ tay còn lo đi ngủ sớm, ngày mai em phải đi rồi... Thắm an ủi chồng.
    Sáng sớm hôm sau, Thắm khăn gói lên đường, sang giúp việc cho một nhà giàu có ở Đài Loan…
 Gia đình nầy thuộc loại bệnh hoạn, gồm hai vợ chồng và hai thằng con trai lớn dở dở ương ương. Công việc Thắm làm chỉ là việc nội trợ của người đàn bà. Nàng cũng nhàn hạ, không đến nỗi cực khổ tấm thân cho lắm. Thức ăn bà chủ đã mua sẵn thức ăn để trong tủ lạnh. Thắm chỉ việc phụ với bà chủ, hàng ngày nấu ăn cho toàn thể gia đình. Ngoài ra nàng còn dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ. Áo quần thì đã có máy móc làm thế, đỡ tay chân cho nàng rồi. Nhận được công việc làm tương đối nhàn hạ, Thắm tự nhủ thầm:
  -Thật phước đức cho mình quá. Mình được làm việc với gia đình giàu có. Họ toàn là người lớn cả, nên cũng đỡ vất vả khỏi thức khuya dậy sớm với đám trẻ con phá làng phá xóm hay khóc nhè...
    Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, Thắm cứ ngỡ cuộc đời mình sẽ may mắn và sau một thời gian chịu khó làm việc, nàng sẽ có được một số tiền lớn vài chục ngàn đô và cuộc sống vợ chồng con cái của nàng sẽ bước vào con đường tươi tốt rạng rỡ...
Nhưng ở đời ai học được chữ ngờ? Cuộc đời của Thắm lắm đoạn trường bất hạnh khi đi làm mướn cho người!
....Vào một đêm thanh vắng nọ, Thắm đang say sưa thả hồn vào giấc ngủ say, bỗng nàng giựt mình thức dậy, khi nghe một hơi thở hổn hển bên tai. Thắm mở choàng mắt dậy, bắt gặp khuôn mặt của ông chủ kề sát mặt nàng. Nàng mở miệng định la to, thì ông chủ khóa miệng nàng bằng bàn tay rắn chắc, miệng ông thì thào:
  -Em chóng ngoan, qua sẽ trọng thưởng cho em!
Thắm vùng vẫy cự tuyệt, nàng cố hết sức xô đẩy người đàn ông lực lưỡng, đang dè trên người nàng…
  -Nếu em không xuôi theo ý qua, thì hãy cuốn quần áo đi ra khỏi nhà nầy ngay bây giờ đi! Người đàn ông quát mắt hằng học nói
  -Tôi sợ bà chủ biết được, thì thân tôi sẽ bị bầm giập. Hơn nữa tôi là gái đã có chồng. Tôi không muốn thất tiết với chồng tôi ở quê nhà.  Thắm nghe ông ta cứng rắn xua đuổi mình, nàng đâm ra lo sợ quá. Nước mắt chảy dài hai bên gò má, Thắm bệu bạo nói...
 - Thời buổi nầy ở đó mà tiết hạnh khả phong! Em có thể uống nước lạnh trừ cơm, mà chung thủy với chồng em không? Em mà lộn xộn tôi sẽ hủy bỏ hợp đồng trả em về nước, khi đó đời đời em thế nào chắc em cũng thừa biết chứ? Em có đủ tiền để trả lại cho bao nhiêu thứ tiền mà họ đã đưa em sang đây không? Bất quá khi đó em chỉ vào nhà chứa gái thôi! Thân em sẽ bị bầm giập, tiếp khách hàng chục hàng trăm người mỗi ngày. Người đàn ông thô bạo cười gằng nói.
   Sau khi lớn tiếng thốt lời dọa giẫm, ông chủ nhà liền trở giọng nhỏ nhẹ dỗ dành:
  -Thấy em xinh đẹp, sạch sẽ tôi thương. Chóng ngoan tôi sẽ trọng thưởng thêm tiền cho em. Em đừng có sợ bà chủ nhà! Bà ấy bị bệnh, không làm được bổn phận người vợ đối với tôi. Bà ấy không muốn mất tôi, vì tôi có tài sản kết xù. Bà sợ tôi bỏ rơi, để đi lấy người khác, nên bà ấy sẽ nhắm mắt làm ngơ cho chúng mình mặc sức ăn ở với nhau.
   Vừa nói, ông chủ vừa nhét một nắm tiền vào tay Thắm. Thắm không muốn nhận tiền bất chánh nầy, vì nàng còn có lương tâm, không muốn bán rẻ trinh tiết cho kẻ lắm tiền nhiều bạc. Nàng vội khóc òa lên cho vơi bao nỗi uất hận trong lòng. Nàng thầm nghĩ:
  -Trước hoàn cảnh như thế nầy “ thôi thì  cũng đành nhắm mắt đưa chân, Thử xem con tạo xoay vần tới đâu ”
    Với cõi lòng tê tái, Thắm nghĩ tiếp:
   -Thân xác nầy có đáng gì đâu, miễn là tấm lòng mình trung trinh, cùng hướng về cho chồng là được rồi! Thôi thì mình đành cố nhẫn nhục chịu đựng cho qua ngày đoạn tháng. Khi hết hợp đồng mình trở về quê hương với chồng con...
   Thế rồi ăn quen bén màu, đêm đêm trong bóng tối tội lỗi, ông chủ vẫn mò đến với Thắm đòi hỏi được thỏa mãn dục tình. Quá sợ sệt bị trả về Việt Nam ,hay bán vào động mãi dâm, nên Thắm đành câm nín làm kẻ mua vui tình dục cho kẻ lắm tiền nhiều bạc. Nàng nằm im như một khúc gỗ, để ông chủ dập vùi thể xác nàng cho thỏa mãn cơn lợn lòng của ông trỗi dậy. Nàng đau nhói trong lòng, nhưng không biết làm gì khác hơn, đành nhắm mắt cho qua ngày tháng.
   Rồi vào một đêm thanh vắng, cũng như bao nhiêu lần trước, Thắm chỉ là một thân xác không hồn, nằm bất động chịu đựng. Nàng như người chết chưa chôn trong khi bị hành lạc. Nhưng lần nầy nàng cảm thấy khang khác, với những cử chỉ thô bạo hùng hục trước đây của ông chủ. Thắm mở mắt ra thì khuôn mặt thằng con trai lớn của ông chủ đã kề sát mặt nàng thở hổn hển. Nàng phát giác ra cớ sự thì việc đã xong rồi. Sau khi thỏa mãn dục vọng đê hèn, thằng con trai của ông chủ đã nhanh chóng rời khỏi phòng ngủ của nàng. Nửa đêm hôm đó, thân thể nàng lại bị lột trần truồng, rồi hành động dâm ô lại tiếp diễn với nàng. Cứ ngỡ là ông chủ tiếp tục đòi hỏi sinh lý. Vì quá chán chường trước những hành động thú tính thường xảy ra từng đêm đôi ba lần của ông chủ. Thắm vờ như không có chuyện gì xảy ra cho nàng, Thắm cứ nhắm mắt, để mặc cho kẻ khát tình muốn làm gì đó thì làm cho thỏa mãn thú tính. Nhưng sau đó nàng mới phát giác ra, lại là thằng con thứ hai của ông chủ. Có lẽ ba cha con ông chủ đã toa rập nhau, thay phiên vùi hoa dập liễu đời nàng chăng? Đôi lúc Thắm muốn chống trả quyết liệt rồi tới đâu thì tới, nhưng nghĩ đến chồng, đến con đang khốn khó nơi quê nhà, Thắm đành cắn răng im lặng. Thắm đau xót tận con tim, trước những hành động thú tánh của ba cha con ông chủ nhà thay phiên nhau vùi hoa dập liễu đời nàng, không chút xót thương. Thắm chỉ biết ôm mặt khóc rấm rức và thương cho thân phận kẻ nghèo hèn đem thân đi ở đợ của mình. Cùng một lúc nàng đã phải trao thân gởi phận cho ba người đàn ông là ba cha con trong một gia đình trên xứ lạ quê người. Nàng mỉm cười chua chát tự nghĩ:
   -Mình còn hơn một số người đàn bà ở Việt Nam sang đây phải làm điếm. Đem thân xác mua vui cho trăm ngàn người đàn ông. Rốt cuộc mang phải bị bệnh “ thời đại ” rồi tàn lụng cả cuộc đời. Thương xót biết bao nhiêu thân phận người đàn bà VN bất hạnh trên đời nầy! Mình ráng nhẫn nhịn cho qua ngày, để hết hợp đồng& sẽ trở về VN với chồng con, xây dựng tương lai, không bị vật chất, tiền bạc quyến rũ ! Thân xác mình tuy bị bị ô ế, nhưng tâm hồn mình vẫn trong trắng, một lòng nghĩ về chồng con…
    Bất giác Thắm nhớ lại chuyện của Xuân Thi, người cháu gái con của ông chú họ ở quê nhà…
....Gia đình của Xuân Thi trước năm 1975, thuộc loại tư sản mại bản. Cha mẹ nàng có mấy nhà máy xay lúa. Công việc đang làm ăn phát đạt, thì Việt Cộng xăm chiếm toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam. Gia đình Xuân Thi bị chính quyền kết tội:
   -Gia đình ông bà thuộc loại hút máu của nhân dân. Ông bà đã bóc lột mồ hôi nước mắt của nhân dân nghèo khổ. Nay chính quyền thay mặt nhân dân đòi lại nợ máu. Gia sản của ông bà nhà nước phải quản lý.
   -Gia đình ông bà phải đi vùng kinh tế mới, để lao động. Phải đổ mồ hôi với người nghèo, cho biết giá trị của đồng tiền. Không thể ngồi mát ăn bát vàng như bao lâu nay được nữa. Gằn giọng, thằng công an mặt còn non choẹt, miệng còn hôi sữa mở miệng quát lớn...
   Họ gán cho gia đình của Xuân Thi hàng trăm thứ tội… để có cớ tịch thu tài sản của gia đình Xuân Thi một cách ngọt ngào. Thế rồi gia đình Xuân Thi đành phải khăn gói lên đường đi vùng khinh tế mới sinh sống. Cuộc sống gia đình Xuân Thi bắt đầu gặp nhiều khó khăn từ đó. Bao nhiêu năm trước đây, gia đình Xuân Thi đã quen sống trên nhung lụa, với nhiều tiện nghi vật chất đủ đầy, cuộc sống của họ thật sung sướng với kẻ ăn người ở đầy nhà. Nay họ phải nai sức lao động ra làm ăn vất vả, mới kiếm được miếng ăn. Mồ hôi họ đã phải đổ ra rất nhiều trên mảnh đất khô cằn sỏi đá, với cuộc sống ngày một khó khăn hơn… Họ không quen lao động tay chân, nên cuộc sống của họ ngày càng khốn đốn vô cùng. Của chìm, họ cất giấu được lâu nay, họ đành phải đem bán dần để có ăn qua ngày. Xuân Thi nhìn thấy hoàn cảnh gia đình ngày càng lâm vào bế tắt, nàng khóc hết nước mắt, nhưng biết tính làm sao đây? Đó là tình trạng chung của người dân bị áp bức, bị hà khắc, bị cướp mất tài sản. Nàng thầm nghĩ đến Hùng, người yêu đầu đời, cũng là vị hôn phu sắp cưới của nàng đã bị thất trong những ngày cuối tháng tư năm 1975. Đêm đêm, Xuân Thi hay khấn khứa cầu nguyện Ơn Trên:
    -Lạy trời cho anh Hùng được đến bến bờ tự do. Mong cho chàng được thoát nạn trên đường chạy loạn trong những ngày cuối tháng tư.
    Nhưng hoài công vô ích, tin tức người yêu của Xuân Thi vẫn bặt tin theo năm tháng trôi qua. Đến nỗi gia đình Hùng cũng rất ái ngại khi đối diện với con dâu tương lai.
   -Không biết thằng Hùng nó sống chết ra sao, mà lại bặt tin tức. Tội nghiệp cho tình duyên của con phải kéo dài khoảng thời gian xa cách như thế nầy! Mẹ Hùng đã ôm chầm mỗi khi gặp Xuân Thi với lời nức nở.
Thở dài bà tiếp lời:
   -Con gái chỉ được một thời xuân sắc. Nếu có đám nào vừa ý thì con cứ tiến bước. Cha mẹ không trách cứ con đâu! Sau nầy nếu thằng Hùng còn sống trở về với gia đình, chắc chắn nó cũng sẽ thông cảm cho con thôi!
   -Con chờ đợi anh Hùng được một thời gian dài rồi! Nay có chờ đợi thêm một thời gian nữa, cũng chẳng sao mẹ à! Chúng con yêu nhau thắm thiết lắm. Con có linh cảm một ngày nào đó, chúng con sẽ gặp lại nhau. Quả đất lúc nào cũng tròn hết mẹ à! Xuân Thi vẫn nói cứng cùng mẹ chồng tương lai.
    Thế rồi thời gian chờ đợi xảy ra một cách âm thầm đầy âu lo.... Theo năm tháng mỏi mòn chờ đợi, biết bao vật đổi sao dời. Đứng trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình Xuân Thi suy nghĩ:
     -Cuộc đời mình đã gởi trọn cho Hùng rồi, nay mình không thể yêu ai được nữa. Gia đình mình đã kiệt quê... Ba má mình đã già yếu, các em thì còn quá ngây thơ khờ dại. Tất cả đều trông cậy vào một bàn tay của mình hết. Với cuộc sống ngày một khó khăn, không biết lúc nào gia đình mình chết đói đây!
    Gục mặt xuống bàn, nước mắt tuôn chảy, Xuân Thi vụt nghĩ đến lời một người bạn cho đã thỏ thẻ:
    -Bây giờ chỉ còn có cách, chúng mình đành phải kết hôn với người Đài Loan, Đại Hàn gì đó... may ra có một số tiền giúp đỡ cho gia đình thoát cơn bỉ cực. Tốt số, gặp được người chồng đàng hoàng đứng đắn lo làm ăn thì cũng nhờ được tấm thân. Mình lại có tiền nuôi sống gia đình thoát cơn đói rách thảm thương nầy.
Nghĩ thế, Xuân Thi đi gặp bà mẹ chồng tương lai thố lộ tâm sự:
   -Thưa mẹ, anh Hùng thất lạc đã mấy năm nay rồi, mà không có tin tức gì cả. Đời con xem như bỏ đi. Con luôn luôn có ý nghĩ ở vậy cho trọn tình với anh Hùng. Nhưng nay gia đình con quá bế tắt. Con phải hy sinh đi lấy chồng xứ lạ xa xôi, để hy vọng có tiền giúp cha mẹ con thoát khỏi cơn khốn đốn nầy!
   -Tội nghiệp con dâu tương lai của mẹ quá, cuộc đời con không suông sẽ. Lâu nay con khóc thương chồng, rồi nay lại phải hy sinh cho gia đình. Mẹ không phiền trách gì con hết! Mẹ càng yêu thương tấm lòng chí hiếu của con  đối với  gia đình.  Nếu  sau nầy có tin  tức,  liên  lạc được với thằng Hùng, mẹ cũng sẽ nói đầu đuôi câu chuyện cho nó thông cảm hoàn cảnh của con. Hai mẹ con ôm nhau khóc lóc rất thảm thương. Bà mẹ chồng tương lai của Xuân Thi ôm nàng vào lòng an ủi...
   Thế rồi như mẫu hàng bày bán ngoài chợ, Xuân Thi gởi hình ảnh của mình cho tổ chức lựa chọn vòng đầu. Rồi sau phải sắp hàng cùng các cô gái khác cho mấy tên ngoại quốc chọn lựa như chọn mua một món hàng nào đó. Ai hớn hở sung sướng trước viễn ảnh tương lai tươi sáng thì không biết, riêng Xuân Thi đứt từng khúc ruột, vì thấy nhân phẩm mình bị chà đạp, giá trị con người mình bị bán rẻ, coi khinh... Nhưng hoàn cảnh chẳng đặng đừng nàng đành phải nhắm mắt đưa chân...
   Xuân Thi ra đi, tưởng rằng sẽ gởi được tấm thân nơi chỗ tử tế. Không ngờ nàng phải làm vợ một người táng tận lương tâm. Gia đình ông ta bắt buộc Xuân Thi làm nô lệ tình dục cho cả nhà gồm bốn người đàn ông lực lưỡng. Đau đớn hơn hết, sau khi dùi dập nát đời nàng trong thời gian gần hai năm, họ lại bán nàng vào một động mãi dâm, để lấy lại tiền vốn đã chi phí đưa nàng về làm vợ trước đây. Cuộc đời Xuân Thi đầy nước mắt và tủi nhục. Nàng muốn tự tử chết quách cho xong một kiếp người bất hạnh. Nhưng xung quanh Xuân Thi luôn luôn có kẻ giám sát canh chừng và thẳng tay đánh đập nàng thậm tệ nếu nàng trái ý. Thật là một đám côn đồ, chúng cấu kết với nhau hành hạ Xuân Thi tận cùng. Nàng chỉ biết khóc cho số phận nhiều nghiệt ngã của mình...
....Trở lại Hùng, trong những ngày rối loạn cuối tháng tư năm 1975, chàng chạy theo đoàn người di tản qua xứ Mỹ. Chàng chăm lo học hành đỗ đạt nên người. Chàng đã bao lần liên lạc với gia đình mình và người yêu. Nhưng đất nước đổi thay và hai gia đình cũng đã đời đi đâu không có tin tức. Sau một thời gian khá dài, Hùng trở về thăm quê hương, chàng hỏi lần ra địa chỉ của cha mẹ mình và cha mẹ vợ tương lai. Chàng đã nghe chính mẹ chàng kể rõ hoàn cảnh chờ đợi thảm thương của Xuân Thi, Hùng càng thấy lòng mình yêu tha thiết Xuân Thi. Chàng qua nhà thăm ba mẹ Xuân Thi. Mẹ Xuân Thi ôm chầm lấy Hùng bệu bạo khóc than:
   -Từ ngày Xuân Thi đi đến nay, gia đình không có một tin tức gì gởi về. Mẹ nghi nó đã gặp điều gì chẳng lành rồi! Ba má quá thương nó vì nó là đứa con chí hiếu vô cùng....
    -Nếu con hết lòng thương Xuân Thi, thì mẹ muốn con qua bên Mã Lai, qua Đài Loan một chuyến tìm em con ra sao nghe con? Mẹ nghi nó bị bán vào động mãi dâm rồi! Thở dài, mẹ Xuân Thi vẫn ôm chầm thằng rể tương lai gởi gấm tâm sự…
   -Con sẽ lấy thêm hai tháng phép, để có thì giờ đi qua hai xứ đó cố thu lượm tin tức tìm em Xuân Thi xem sao. Đàng nào Xuân Thi cũng là vợ sắp cưới của con!  Vì chữ hiếu, nên nàng mới bán rẻ trinh tiết. Con biết Xuân Thi đã mỏi mòn chờ đợi con rất nhiều năm. Con sẽ cố tìm em con, ba mẹ yên tâm. Em con ăn ở có tình có nghĩa lắm. Con không thể bỏ phế em con được! Hùng thất sắc, chàng ngậm ngùi thương xót cho số phận của người yêu, chàng nhỏ nhẹ hứa hẹn...
   Thế rồi Hùng lên mạng, chàng săn lùng tin tức các đường dây mua bán gái Việt Nam. Trong khi đi tìm Xuân Thi, chàng cũng giả dạng khách mua hoa cầu may tìm gặp Xuân Thi.
   Trời không phụ lòng kẻ chung tình và người con chí hiếu, nên đã xui khiến cho Hùng tìm gặp Xuân Thi trong một động mãi dâm hạng sang. Xuân Thi tự ti mặc cảm tránh né Hùng. Nhưng với tình thương chân thành và lòng muốn cứu vớt người vợ chưa cưới khỏi vũng bùn nhơ nhớp đã thốt lên:
  -Người xưa có nói “ Cưới đĩ về làm vợ chứ không ai cưới vợ về làm đĩ ”. Em vì hoàn cảnh phải trôi nổi đoạn trường. Thể xác em bị hoen ố, nhưng tâm hồn em vẫn trắng trong không nhơ bợn. Anh chuộng cái bên trong tâm hồn em, chứ thề xác mà đáng gì! Nâng mặt người yêu lên đặt một nụ hôn thắm thiết. Hùng ân cần vỗ về Xuân Thi và tiếp lời...
   -Em hãy ngửng mặt và đứng lên. Tất cả mọi chuyện là ngoaì ý muốn của chúng mình. Nó chỉ vì hoàn cảnh đẩy đưa... Anh sẽ bỏ tiền ra, để chuộc em trở về với anh. Anh sẽ nhờ luật sư lo thủ tục lãnh em qua Mỹ và hợp thức hóa giấy tờ em là vợ anh.
   Nâng cằm người yêu lên, Hùng dặt một nụ hôn thắm thiết lên môi Xuân Thi và rót mật vào tai nàng:
   -Dưới mắt anh, em ví như đóa hoa Sen, dù trong ao tù bùn lầy, nhưng vẫn giữ nét thanh khiết của riêng nó em à!
    Với giọng vui vẻ, Hùng tiếp lời:
   -Những ngày tươi sáng đang chờ chúng ta phía trước. Em xem như một đám mây mù đã trôi qua. Trời sẽ quang mây tạnh và ánh sáng hạnh phúc chói chang sẽ về với chúng mình em à! Anh hy vọng sẽ đón em sang Mỹ ăn Tết cùng anh. Anh sẽ mua một cây Đào về trồng để đánh dấu mùa Xuân chúng mình trọn vẹn bên nhau. Và sau này con cháu mình nhìn ngắm cây hoa Đào sẽ nhớ đến bố mẹ chúng. Mùa Xuân sẽ vĩnh viển đến với hai vợ chồng mình không bao giờ phai nhạt...
     Xuân Thi gục mặt vào ngực Hùng khóc nức nở như để rửa những gì nhơ nhuốc trong cuộc đời xuống tận cùng quên lãng...Rồi thì nàng khẽ mĩm cười với hạnh phúc trước mắt...

Tạo Hóa sanh chi cảnh đói nghèo,
Cuộc đời lận đận mãi đi theo.
Suốt đời chẳng thấy niềm vui đến,
Để được an thân sống kiếp nghèo.

Đau đớn làm sao biết nói sao,
Nước nhà độc lập lại nghẹn ngào.
Đem thân ở đợ tìm sự sống,
Xứ người tủi nhục khổ làm sao!

Ngẫm nghĩ cuộc đời lắm khổ đau,
Thân nghèo làm mướn nước sang giàu.
Nhưng không an phận đời làm mướn,
Bị chủ đọa đày quá đớn đau!

Biết thế thà cam chết sướng hơn,
Sống chi chuốc lấy lắm tủi hờn.
Thân phận đàn bà nơi xứ lạ,
Còn gì đau đớn tủi nhục hơn.

Ánh sáng đường hầm đã bắt cầu,
Hạnh phúc trao nhau đến bạc đầu.
Quên đi bao nỗi buồn thế thái,
Vui mừng chào đón hạnh phúc lâu...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét