Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

“NỔ” TO- Nguyễn Ninh Thuận



Minh được bảo lãnh sang Mỹ trong thời tiết lạnh của Phila., nàng cảm thấy buồn, vì lạ cảnh lạ người. 
   Sáng nay, Chủ Nhật, nắng ấm, cậu em chở nàng đi chợ Việt Nam.
  Đang loay hoay trong quầy rau, Minh bỗng nghe tiếng reo mừng:
  -Chào cô giáo Minh! 
   Minh ngỡ ngàng nhìn người thiếu phụ sang trọng, bà ta tiếp lời:
  -Hoa đây! Em ở gần nhà Cô giáo, em hay sang nhờ cô giáo viết thư, tính toán sổ sách…
   Minh chợt nhớ ra và vui mừng hớn hở:
  -Nghe Hoa ra bến tàu chầu chực và may mắn sang Mỹ trước tháng Tư, nhìn Hoa sang trọng, tôi nhìn không ra! 
<!>
   Với bộ mặt tự mãn Hoa nói…
  -Em may mắn được tàu vớt sang Mỹ, trong tình thế đất nước nhiễu nhương. Sang đây, em về xứ lạnh. Trong thời đầu cũng gặp nhiều khó khăn vì phong tục, tập quán và chữ Mỹ không có một tiếng! Em đi học ESL và sau đó học Nail. Em đã từng bước khắc phục bao khó khăn trong nghề nghiệp… Với bao nghị lực em đã vươn lên với tay nghề vững chắc. Sau đó em lập gia đình với một người Việt Nam, vì khi ấy xứ lạnh hiếm con gái Việt Nam lắm! Chồng em là kỹ sư. Em có tiệm nail tóc, tên em là Flower! Gặp cô giáo, mừng quá! vậy tối Chủ Nhật tuần tới, mời cô giáo và anh đến nhà em dự sinh nhật của em! 
    Vừa nói Hoa vừa đưa danh thiếp. Minh ngần ngừ chưa biết tính sao, thì Hùng chen vào:
   -Chị nhận lời đi, em sẽ đưa chị đi dự, có thể chị sẽ gặp người quen cho vui, chứ nhìn chị ủ rũ em lo lắm! 
   Thế rồi đúng ngày hẹn đến nhà Hoa chơi, Hùng chở Minh đi…
   Nhìn căn nhà to lớn, Hùng buộc miệng: 
  -Nhà lớn lại nằm trong khu sang trọng, đáng giá bạc triệu! 
   Bước vào bên trong, Minh choáng ngợp vì sự thiết trí rất mỹ thuật và đồ đạc đắt tiền. Thức ăn, rượu, nước ê hề, thực khách tự chọn. Tiếng nhạc rập rình, thực khách ăn mặc sang trọng đang nói cười vui vẻ. Chị em Minh chọn một góc thuận tiện ngồi. Đến mục mọi người tự giới thiệu mình… 
    Hoa với trang sức lộng lẫy cầm micro nhỏ nhẹ: 
   -Ở Việt Nam, tôi là một tiểu thư đài các, ba tôi chủ nhân một công ty xuất nhập cảng, gia đình tôi kẻ ăn người ở tấp nập, tôi học trường đầm, tôi theo tàu buôn của ba sang đây và sau đó ba tôi già đã chết... 
    Minh không tin vào tai mình, nàng tự nhủ thầm …“Cô Hoa này không phải là cô bé lem luốc, thất học, mua gánh bán bưng ở cạnh nhà mình, viết chữ không chạy, hay sang nhà mình nhờ viết lách tính toán. Cô ta kính trọng xem mình như cô giáo, đổi đời có khác! À ra thế, cô ta mời mình tới dự tiệc sinh nhật cô ấy là muốn khoe sự giàu sang cho bỏ đi những ngày cơ cực hàn vi…” 
   Các vị khách khác,  ai cũng nói về sự vàng son xa xưa và nói đến những dự tính tương lai du lịch các nước Âu, Á!…
  Họ chê Việt Nam nghèo khổ, khí hậu nóng nực, thiếu nhiều phương tiện…
  .Họ sẽ về mua đất đai đầu tư làm ăn ở Việt Nam, qua trung gian gia đình anh chị em... 
  Không những Minh mà Hùng ở đây đã lâu, mà cũng cảm thấy ù tai, nên cáo về sớm vì ở đây “nổ” to quá…
  Họ lại không biết ngượng miệng, thứ trưởng giả rởm, học đòi làm sang…
  -Chị em ình nên về để người ta sống với thế giới ảo của họ.... 
   Trên đường lái xe về nhà, Hùng chợt nhớ ra chuyện cu Tèo, chú bé lem luốc ở chung xóm với chàng trước 75, cũng được đổi đời như cô Hoa, nên buộc miệng hỏi chị…
   -Chị còn nhớ thằng cu Tèo, chú bé ốm tong teo có cái sẹo bên má, chứng tích trèo cây trứng cá ở nhà mình hồi xưa bị té đó chị! Nó là con bà Tư bạn học cùng lớp với em trước 75, và ở chung xóm với mình. Nó hay đi ngang qua nhà mình rủ em đi học… 
   -Có phải cha nó chết, nhà nó nghèo ở cuối xóm, con bà Tư bán xôi đầu ngõ nhà mình phải không? 
   -Phải đó chị, ngoài những buổi đi học sáng, chiều nó được mẹ gởi học sửa xe cho tiệm bên kia đường nhà mình đó! Nó học cũng khá và lanh lợi lắm. Nó học nghề sửa xe, nên mặt mũi, tay chân, áo quần luôn lấm lem dầu nhớt… 
   -Chị nhớ không lầm, trước ngày tháng Tư đen, nó chạy ra bến Tàu và thất lạc từ đó…
  Bà Tư thất thểu đi tìm nó khắp nơi, nhưng vô vọng. Bà ấy kêu khóc ầm ĩ tưởng nó chết trong cơn loạn lạc… Tuy nhà bà ấy nghèo, nhưng một mẹ một con, nên bà đau lòng lắm. 
 Bẳng đi một thời gian dài, bà sống trong đau khổ, nhớ thương con...Cách đây 5, 6 năm sau, bà Tư nhận được quà và hình của nó bên Mỹ gởi về, bà mang hình đi khoe khắp xóm trên, xóm dưới đó em. 
   -Em có gặp Tèo hay sao mà nhắc đến nó thế? 
   -Dạ, cách đây hơn năm, xe em bị hỏng thắng, và đến thời hạn phải bảo trì xe, nên trên đường xuống phố Việt, em ghé tới tiệm sửa xe Việt Nam để nhờ họ sửa. Không ngờ trong lúc ngồi chờ thợ sửa xe, ông chủ thấy em là người Việt nên bắt chuyện… 
   -Tôi thấy ngờ ngợ có gặp anh ở đâu, trông anh rất quen mặt, anh ở đâu ở Việt Nam? 
   -Tôi ở Sài gòn trong xóm Chùa, gần trường Tân Định cũng là trường tôi học hồi nhỏ.
   -Hồi trước, tôi cũng ở xóm Chùa và học trường Tân Định nữa, chắc anh em mình cùng lứa với nhau, có thể là bạn chung xóm, chung trường chăng? Vậy anh tên gì, mà tôi thấy mặt anh quen quen lắm! Vậy xin lỗi anh tên gì? 
   -Tôi tên Hùng, hồi đó học khá, nên được bạn bè tin tưởng bầu làm trưởng lớp mấy năm liền từ Đệ Thất lên Đệ Tứ đó. 
   -Tèo đây, Hùng ơi! Đúng là quả đất tròn, không ngờ ở xứ Mỹ lạnh lẽo này, mà gặp được bạn thời thơ ấu, vui quá bạn ơi! Nhân tiện đây mình cụng với nhau vài ly, và nhấm nháp chút đỉnh cho vui nhé!
   Vừa nói Tèo vừa gọi thợ bày bàn tiệc rượu và mua gà vịt tiệm kế bên dọn trong văn phòng của mình ra đãi Hùng… 
   Hùng cũng thấy người đàn ông này có khuôn mặt ngờ ngợ quen, nhất là với cái sẹo trên mặt anh ta, làm Hùng không thể quên biến cố trèo cây kỳ xưa, mà Hùng cũng bị một trận đòn oan do ba Hùng đánh tới tấp và phạt… 
  Nhưng nay anh ta mập trắng, dáng vẻ oai vệ và là chủ nhân tiệm sửa xe lớn, nên em ngại và do dự không nhận trước với ý nghĩ “thấy người sang, bắt quàng làm họ”. 
    Rượu vào lời ra, Cu Tèo không phải là Cu Tèo hồi xưa nữa, mà nay đã đổi khác với cái tên Mỹ rất kêu- Tony và giọng nói khoe khoang rỗn rảng với thợ thuyền:
   -Hồi đó tôi và Hùng là bạn thân chung xóm, chung trường. Hai gia đình chúng tôi bề thế lắm, nhà cửa to nhất xóm… Từ nhỏ tôi đã có xe gắn máy đi học và tiền bạc xài thả cửa, vì mẹ tôi có cửa hàng vải to lắm! Tôi được mẹ lo cho đi khi mới mất nước… Sang đây tôi vào học College theo nghề sửa xe, lấy vợ giàu và gia đình vợ mở tiệm này cho tôi. Vợ tôi là Mary, chủ tiệm Nail gần đây… 
    Tony gật gù dành phần nói và nói như sợ bị lật tẩy và quên đi thuở hàn vi, chàng ta đang sống trong ảo tưởng đổi đời được thêu dệt…
   Không biết đoạn sau cuộc đời Tony có như lời anh ta kể không?! Nhưng em như ngậm bòn hòn làm ngọt, uống mới một ly rượu, mà cảm thấy cay cay và say. Em cảm thấy hỗ thẹn với lương tâm là người đồng tình “nổ” như Tony. Tuy vậy lý lẽ của người lắm tiền, nhiều bạc vẫn là phải! Tony ân cần mời em thường xuyên tới tiệm anh ta khi cần sửa xe với giá cả thật nhẹ nhàng…
   Anh ta hẹn với em, sẽ giới thiệu nhà cửa, vợ con cho em thăm viếng sau… 
   Nhưng cái ngày đó, sẽ không bao giờ đến với em, vì em sợ xoan mảnh với lương tâm thật thà của mình, sẽ làm bạn thời hàn vi không vui… 
   -Phải đó em, chuyện gì mà mình cảm thấy vui vẻ an tâm hãy làm, không a dua thêu dệt đen thành trắng, hay ngược lại. Dưới ánh sáng mặt trời, không che dấu được chuyện gì sai trái, lọc lừa hết cả em ạ! Đói cho sạch, rách cho thơm, nghèo đâu phải có tội mà phải ngụy biện, mà phải thay đổi quá khứ?!!!Từ nghèo khó mà cố gắng học hành, chăm chỉ làm ăn , để vươn lên mới đáng quý! Đó là cái gương cho mọi người ngưỡng phục, và là bài học đáng giá cho giới trẻ noi theo… 
   - Đúng đó chị, ở Mỹ và các nước phương Tây, có những người thành công về mọi mặt về kinh tế, khoa học, y khoa… họ có tài sản khếch xù, nhà cửa rất nhiều, đời sống vương giả…Tuy vậy họ không chối bỏ quá khứ nghèo khổ. Họ đã viết hồi ký kể lại đọan đường trãi dài từ nhỏ, đến khi lăn lộn ngoài xã hội kiếm sống bằng sức trong lao động của gia đình trung lưu, hay cùng cực… Nhưng nay giàu sang phú quý, mà họ vẫn hảnh diện, vì họ có đôi tay và trí óc đã tìm tòi học hỏi, đem tới cho tương lai tươi sáng, đưa tới thành đạt hôm nay.... 

  Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét