Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

“ Đi Tù Cải Tạo ”

    Trích Tập Truyện Ngắn “ Tình Yêu Của Biển”
         Tâm Như

                   Đã mấy tháng rồi, ta ở đây,
                   Tưởng đâu “đi học” có mươi ngày!
                   Nào hay ngày tháng qua đi mãi,
                   Ai biết cho mình những đắng cay ?
<!>

                   Tội của ai mà ta có đây ?
                   Bắc Nam nay đã được sum vầy ?
                   Mà sao ta phải chia ly nhỉ ?
                   Ân oán bao giờ hết trả vay ?...

 T hời gian cứ hờ hững trôi qua một cách chậm chạp, chậm chạp ….Và cuộc sống của Miên cũng trôi theo cho đến khi Miền Nam sụp đổ ! Trong những tháng trước ngày 30 tháng 4 năm 1975; tình hình đất nước hết sức đen tối. Khởi đầu là mất Ban Mê Thuột, rồi các tỉnh Cao Nguyên và các thành phố sát Bến Hải như Quảng Trị, Đông Hà…  Lần lần các thành phố lớn của miền Nam theo chân Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết…  bỏ ngõ ! Quân dân cán chính được lệnh di tản. Dân tình hỗn loạn, mạnh ai nấy chạy, tìm đường vào thủ đô Sài Gòn tị nạn. Trong khi đó Miên vẫn đến đơn vị làm việc vào ban ngày và trực đêm, theo lệnh của Chỉ Huy Trưởng ! Miên còn nhớ công việc cuối cùng của chàng là tìm độc chất trong bộ não và bộ đồ lòng của Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Quân Đoàn III bị chết tại văn phòng Tư Lệnh mà cho đến nay chưa ai biết rõ nguyên nhân ?!
     Phần đông người dân Sài Gòn nhất là những người làm việc cho các cơ quan viện trợ Mỹ, hoặc có liên hệ làm ăn với Mỹ đang tìm đường thoát ra nước ngoài bằng mọi phương tiện máy bay, ghe tàu để ra chiến hạm Mỹ đang đậu ngoài hải phận quốc tế. Câu nói trong dân gian được truyền khẩu nhau :
   - Cột đèn nếu đi được, cũng tìm đường vượt biên !...
   Những thảm cảnh tang thương, chết chóc đã xảy ra trên đường di tản không bút nào tả hết!... Máu và nước mắt của quân dân miền Nam đã chảy ra và thấm ướt trên đường di tản… Nào trên liên tỉnh lộ 7 nối liền Cao nguyên với các tỉnh duyên hải và không ít trên đại lộ kinh hoàng, trên biển cả mênh mông và ngay trên không trung cũng không thiếu ! Miên suy nghĩ  “ Mình phải kiếm phương tiện lo cho gia đình ra đi sớm được ngày nào hay ngày đó !...
   Nhưng rồi vận may không đến với gia đình chàng, dù chị dâu của Miên làm ở Hội Việt Mỹ và một vài nhân vật cao cấp đã hứa với Phấn, vợ chàng sẽ cho xe đến đón vào giờ chót ! Miên đành bó tay trước số mệnh an bài ! Tất cả đám thanh niên “Trương Minh Giảng” như chim lạc đàn !...
    Gia đình các anh chị Miên có phương tiện đã ra đi từ hôm trước ! Miên nhớ lại “  Sáng 30 tháng 4 năm 75 bầu trời sao ảm đạm và thê lương quá ! Mọi người như vội vã, để trốn chạy một tai họa sắp ập đến cho mình, cho gia đình, cho bà con bạn bè thân thuộc và cho quê hương đất nước Việt Nam thân yêu !...
    Từ sáng sớm trên bầu trời Sai Gòn từng đoàn trực thăng vần vũ khu tòa đại sứ Mỹ và một số cao ốc để bốc người di tản. Miên chứng kiến những cảnh bốc người thật khôi hài “  Những cao ốc có người Mỹ và “chị em ta” thì trực thăng đáp xuống sân thượng bốc đi hết, còn đám sĩ quan binh sĩ và công nhân viên, sinh viên thì họ bỏ lại !...
     Đến khoảng 10 giờ sáng, đài phát thanh Sài Gòn phát lời tuyên bố đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh và kêu gọi quân đội buông súng chờ bàn giao ! Một số quân nhân sắc phục đủ loại vẫn còn cầm cự tại khu ngã tư Bảy Hiền. Đến trưa thì họ đành phân tán nhỏ và lui dần vào các xóm, dọc theo đường Trương Minh Giảng sau khi thay đổi quân phục bằng quần áo dân sự ! Có người phải mặc quần đùi đi chân không, trông thật tội nghiệp ! Trên mặt đường, lề đường, quân trang, quân phục và vũ khí vương vãi khắp nơi ! Trong khi đó, chiến xa và quân xa của bắc quân cắm cờ mặt trận Giải Phóng Miền Nam hai bên có bộ binh nón cối dép râu quân phục mầu “cứt ngựa” ngụy trang bằng đủ loại lá cây. Tay  cầm AK hoặc vai đeo súng phóng B40 rầm rập tiến thẳng từ Tân Sơn Nhất vào trung tâm Saigòn. Hai bên đường, nhà nhà, tiệm buôn đều đóng cửa như để tránh những  tai họa sắp giáng xuống !...  Tại các ngả hẻm một số người hiếu kỳ tụ năm, tụ ba đứng xem cuộc đổi đời đang diễn ra trong lo âu !.. Đến khoảng 12 giờ trưa, các lực lượng nằm vùng của Cộng Sản bắt đầu xuất hiện…  Từng nhóm cầm cờ Giải Phóng Miền Nam, tay đeo băng vải đỏ, họ mang theo biểu ngữ ủng hộ “cách mạng”. Một số lo điều hành lưu thông trong lúc xe cộ chạy rất thưa thớt. Một số đến từng nhà trấn an những gia đình có liên hệ với chế độ cũ ! Những giây phút căng thẳng tạm trôi qua, Miên thầm nghĩ “ Thôi thì mình và gia đình đành ở lại để đối diện với những đổi thay, xem ra thế nào ?
   Miên đã có khá nhiều kinh nghiệm đối với cộng sản, tuy lúc đó chàng mới ở lứa tuổi mười ba. Trong suốt cuộc chiến chống Pháp 45-54, quê của Miên thuộc miền núi tỉnh Quảng Nam do Việt Minh kiểm soát, nên gia đình chàng phải tham gia kháng chiến ! Nhưng rồi Miên thấy “ Rốt cuộc gia đình mình vẫn bị cộng sản liệt vào hàng địa chủ…  Qua cuộc “ cải cách ruộng đất “ năm 1953 tại Liên Khu 5 đã để lại trong tâm tư mình nhiều ấn tượng hãi hùng !...
     Miên đành nhắm mắt, chấp nhận số phận trước mắt và ngậm ngùi đón chờ những điều sắp xảy ra…  Chàng trở lại nhiệm sở làm việc như cũ và chuẩn bị đi tù cải tạo ”. Theo thông cáo của “ Ủy Ban Quân Quản” thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ...
- Sĩ quan cấp tá đem theo thức ăn một tháng, Sĩ quan cấp úy thì đem mười ngày ăn khi đi trình diện “học tập” !
   Chính cái thông cáo mập mờ và tinh ma nầy đã lừa được tất cả các cấp sĩ quan QLVNCH vào tù một cách thoải mái ! Ai cũng yên trí sau một tháng hay mười ngày mình sẽ được về nhà !...
   Lúc đó Miên vẫn có ý nghĩ “ Thời gian họ nói chỉ là lý thuyết thôi ! Mình phải dự trù chuẩn bị cho cuộc ra đi lâu hơn nữa. Có thể là hơn ba, bốn tháng… không chừng !
      Miên mang theo một số thuốc cảm cúm và trụ sinh  vì chàng hay đau răng. Miên lại mang thêm một chiếc mùng, 1 chiếc võng nylon và một chiếc mền dù. Về quần áo, Miên đem theo hai bộ bà ba đen loại “đồng phục xây dựng nông thôn” vài chiếc quần đùi mà Miên đã đi mua ngoài chợ trời đường Hàm Nghi. Ngoài những thứ trên, Miên còn đem theo kim và chỉ may, điều nầy ai cũng bảo “ Bạn thật “lẩm cẩm” !
     Về sau mọi người chung đội mới khen Miên thức thời !...
     Trước ngày đi trình diện, vào một đêm, Miên đến thăm một gia đình, mà từ lâu chàng hay lui tới thăm viếng và giúp đỡ… Chàng đã xem bà cụ như Mẹ của mình. Bà cụ ân cần mời:
  - Cháu ở lại ăn cơm với bác. Sẵn đây bác gởi cho cháu mấy đòn bánh tét để đem theo ăn dần…
   - Dạ cháu xin cám ơn  bác !
  Đây là món quà duy nhất mà Miên mang theo trong chuyến “ đi tù ” này !
   Phấn vợ Miên cùng các anh chị em chàng đều nghĩ “ Theo thông cáo của Ủy Ban Quân Quản thành phố Sài Gòn, Miên chỉ đi mười ngày thì về !
  Có lẽ nghĩ đơn giản như thế, nên chả ai quan tâm,  lo lắng, sửa soạn đến việc bới xách thức ăn gì cho Miên cả !
  Sáng hôm sau, Miên ra đi trong lúc hai con của chàng còn nhỏ. Bé Hoàng Hồng mới được bảy tháng. Hiến đã biết nói, nó bập bẹ “ Con muốn đi theo ba !...
   Miên hôn các con và xoa đầu Hiến nhỏ nhẹ dỗ dành :
- Con chóng ngoan, ba đi làm sẽ về sớm với các con. Con ở nhà phải ngoan ngoãn. Con đừng quấy rầy  mẹ nhé!
  Hiến hình như có linh tính, nó cứ đi theo níu áo Miên và khóc nhè đòi đi theo… Chàng đành dối con :
 - Ba đi làm và chiều sẽ về…  Con ngoan, chiều về ba sẽ mua quà cho con nhé !
  Miên nói thế, nhưng lòng chàng vô cùng xót xa “ Ngày về của mình rất mong manh!...
   Giây phút bịn rịn bên vợ con, rồi cũng phải qua đi!...  Miên ôm hôn vợ con, chàng  ra đi mà lòng tràn ngập lo âu “ Không biết mình vắng nhà, ai sẽ phụ Phấn chăm sóc hai con chu toàn đây!
 Miên mãi suy nghĩ bâng quơ nên đến Đại Học Văn Khoa lúc nào chàng không biết! Đây là một trong những địa điểm trình diện của các sĩ quan cấp úy. Miên ở đó bốn ngày. Đám Sĩ quan trình diện được chia thành từng tổ, mỗi tổ mười hai người. Hàng ngày anh em sinh hoạt với nhau có giờ giấc qui định hẳn hoi. Tất cả không phải nấu ăn, ngày hai bữa trưa chiều có nhà hàng mang đến. Buổi sáng có người ra ngoài, ai thích ăn gì thì gởi  mua. Miên lại càng suy nghĩ “  Chính vì cái không khí thoải mái này  đã khiến một số người nhẹ dạ và “hiểu lầm” về cái thông cáo “mang theo mười ngày ăn”, khi đi trình diện “học tập”!
   Trong bốn ngày tạm trú ở Đại Học Văn Khoa, mọi người đều kêu trời :
   - Ở nơi đây khổ nhất là phòng vệ sinh không có đủ cho một số đông người sử dụng. Chỗ tắm rửa lại không có và nước thì chảy nhỏ giọt!...
    Một hôm bọn Miên đang ngon giấc…thì tất cả bị đánh thức và được đưa lên xe vào lúc một giờ sáng. Mỗi xe Molotova chở ba mươi sáu người. Đoàn xe nối đuôi nhau tiến về hướng ngoại ô. Đường phố vắng tanh và các ngả đường đều có lính gác! Bọn Miên ngồi chen chúc nhau như “cá hộp”. Nhiều người ngồi cả lên túi quần áo… Toàn bộ chiếc xe được che kín. Ngồi ngoài cùng là anh bộ đội cầm súng có gắn lưỡi lê, mặt đằng đằng sát khí, dõng dạc ra lệnh :
 - Mọi người không được nói chuyện ồn ào, dù có  muốn tiêu tiểu, xe cũng không dừng lại!
   Miên có cảm giác “  Mình là  những kẻ bị đi đày trong  chuyện phim “Doctor Zivago”…
   Đoàn xe chạy nhanh và ngược chiều qua các đường phố giữa đêm khuya. Thỉnh thoảng Miên cố nhìn qua khe hở của xe để định hướng xem chúng chạy về đâu? Xe băng qua ngã tư Bảy Hiền, đoàn xe hướng về Bà Quẹo. Miên suy nghĩ  “ Chắc chúng chở bọn mình về miệt Tây Ninh chăng !?
   Trước khi lên xe, một cán bộ nói :
  - Thời gian xe chạy khoảng ba, bốn giờ. Mọi người lo tiêu tiểu,  vì xe không ngừng lại dọc đường…
  Miên suy nghĩ “ Như vậy, ít nhất cũng xa Sài Gòn trên một trăm cây số
   Ngoài trời mưa rỉ rả những giọt buồn.... Ra khỏi thành phố, xe giảm tốc độ vì đường trơn trợt.Tuy mọi người không ai nói với ai, nhưng Miên chợt nghĩ “  Chắc mọi người cùng có chung một tâm trạng đó là sự lo âu …Tất cả cùng băn khoăn không biết chúng nó chở mình đi đâu và sẽ làm gì mình đây ?!...Theo thông báo chỉ đem theo có mười ngày ăn. Đến hôm nay đã được ba ngày rồi ! Vậy chỉ còn lại khoảng một tuần, mình sẽ học hành ra sao đây ?
   Miên lo sợ, thở dài và nghĩ tiếp :
-  Không biết chúng có đưa mình đi thủ tiêu không đây?! Theo những lời đồn đãi từ  lâu, Sài Gòn sẽ là biển máu?!!!...
   Ngồi trong xe mà Miên cứ lo lắng, phập phồng suy nghĩ, trong lòng không yên, chàng cứ suy nghĩ chuyện này, chuyện nọ liên miên…
  Khi đoàn xe chạy được vài giờ với tốc độ chậm, một số xe tách ra chạy thẳng, còn một số rẽ tay mặt. Trong số đó có xe của Miên cũng rẽ theo… Đầu óc Miên lại làm việc “ Như vậy là mình đã không đi xa, nhưng đến đâu thì mình chưa đoán ra được !
   Đoàn xe chở Miên chạy một đoạn nữa thì dừng lại. Bên ngoài hãy còn mưa nên  trời rất tối. Có tiếng anh bộ đội nói lớn “  Mọi người không được xuống xe!
  Người nào nhịn được tiểu thì cố gắng nhịn. Nếu nhịn không được, thì giải quyết bằng cách vạch mui xe đi tiểu ra ngoài!... Điều này đối với Miên thấy rất kỳ dị, chàng cố nhịn trong lòng cảm thấy rất khó chịu!...
   Khoảng 5 giờ sáng có lệnh  “ Các anh được phép xuống xe !...
   Mọi người thở dài nhẹ nhõm và lục tục xuống xe. Bây giờ thì trời tờ mờ sáng, một vài người nói nhỏ cho Miên biết  “Thành ông Năm”, một căn cứ của Công Binh cũ!
      Nhà cửa tương đối tốt. Bọn Miên đến sau, nên phải ở trong một căn nhà tôle dùng để đúc gạch block. Công việc đầu tiên của toàn đội là ổn định chỗ ở. Mọi người trong đội được phân công kẻ đi xúc cát, người đi khiêng những tấm sắt lá, làm chỗ ngủ! Miên nhìn bao quát trại và thầm lo lắng “  Ở đây tuy rộng rãi, nhưng quá trống trải…Mưa gió sẽ làm ướt hết chỗ ăn ngủ và nơi sinh hoạt
   Suy nghĩ của Miên, được giải quyết kịp thời, họ phát cho bọn Miên những cuộn vải nylon để che chung quanh. Ban quản giáo đã chuẩn bị trước bữa ăn trưa, anh em Miên chỉ lo nấu ăn buổi chiều. Họ phát cho từng đội: nồi, niêu, soon, chảo… Bữa cơm đầu tiên do một vài người phụ trách. Nhưng vì thiếu củi, thiếu nước và thiếu cả thức ăn… phần vì quá mỏi, lại gặp mưa gió, do đó cơm nửa cháy, nửa sống và khê… Chẳng ai ăn quá hai chén. Miên liên tưởng và lẩm bẩm một mình “ Cuộc sống kham khổ thật sự bắt đầu rồi đây!...
   Những ngày sau, bọn Miên chỉ nhận được thức ăn khô như nước tương, mắm ruốc v.v..Tất cả phải tìm thêm rau xanh. Do đó chỉ trong một ngày, rau cỏ quanh trại đã sạch nhẵn. Bọn Miên phải ăn cả thân và củ chuối! Đến nỗi quản giáo phải ra lệnh “ Chuối quanh trại là của nhân dân, không ai được phép đốn chuối để ăn!...
  Nước uống cũng là một vấn đề rất gay go và nan giải. Hàng ngày chỉ có một xe nước đến đổ vào một chiếc thuyền. Thế là mạnh ai nấy  múc. Có hôm xảy ra đánh lộn vì tranh giành nước!... Ngày hôm sau, ban quản giáo tập họp bọn Miên lại để phân chia công tác:
 - Nhóm anh An đi đào cầu tiêu theo sự hướng dẫn của anh bộ đội Đoàn.
 - Nhóm anh Miên lo đi nhặt đạn đủ loại vung vãi khắp nơi…
  Miên suy nghĩ “  Công việc dọn dẹp các loại đạn rất nguy hiểm. Đem sinh mạng của mình giỡn với tử thần!
   Công việc sắp xếp chỗ  ở, tương đối ổn định thì đã mất hết cả tuần rồi ! Bọn Miên được lệnh :
 - Các anh phải thay đổi chỗ ở, từ nơi này đổi sang nơi khác…
  Miên nhận xét “ Nếu thay đổi như vậy là cả một sự hỗn độn sắp xảy ra. Đội này sẽ lấy lộn dụng cụ của đội khác. Người này cầm nhầm đồ dùng của người kia… Tất cả sẽ sanh ra cãi vã, đánh nhau loạn xạ thôi !
   Nhưng thật không ngờ, việc thay đổi chỗ ăn, ở cứ xảy ra liên tiếp nhiều lần… Vì mỗi lần thay đổi như vậy cộng sản bắt tất cả tù nhân tập trung với đầy đủ vật dụng cá nhân để chúng kiểm soát! Đây là cách ngăn ngừa và phát giác nếu có ai tàng trữ những thứ mà chúng cho là nguy hiểm như:  dao kéo hay vật bén nhọn hoặc tài liệu chống đối “cách mạng”! Chỉ việc lo chỗ ở cũng đã mất hơn mười ngày rồi! Miên nhẩm tính “ Thế là thời gian qui định đã qua, mà công việc ăn ở vẫn chưa xong !
 Khi được lệnh đào giếng và xây lò nấu cơm, nhiều người đã bắt đầu lo, rồi rỉ tai nhau “ Không khéo chúng mình ở lại đây mút mùa luôn !
   Mọi người đều hoang mang lo lắng… Nơi đây tập trung từ Thiếu úy đến Đại úy. Tất cả chia thành nhiều đội và ở với nhau theo cấp bậc, không phân biệt binh chủng. Vì vậy trong một đội có thể có Sĩ quan tác chiến, lẩn chuyên môn…  Trung bình một trăm người thì xây một bếp và đào một giếng. Nơi đây là căn cứ công binh của QLVNCH (thành Ông Năm). Những con đường quanh trại đi từ khu nhà này  qua khu khác đều được tráng nhựa hoặc lưới sắt đổ xi-măng rất cứng!  Trong khi đó dụng cụ đào giếng  được cán bộ cung cấp là những chiếc xà-beng nhỏ, cuốc chim, sẻn sắt để hốt đất đá và những sợi dây kẽm lượm mót còn sót quanh trại! Công việc lúc đầu chưa quen, nên gặp rất nhiều khó khăn. Bọn quản giáo thường chê :
     - Bọn “ngụy quân” các anh chỉ quen hưởng thụ, không biết khắc phục khó khăn..!
      Nhưng rồi cuối cùng thì giếng cũng đào xong để có nước nấu ăn và tắm rửa! Tiếp theo là chuyện đào cầu tiêu! Lúc đầu ban quản giáo ra lệnh :
    - Các anh đào sát ngoài hàng rào kẽm gai của trại và dùng các thỏi đồng đúc từ vỏ đại bác để “xây cầu tiêu”!
      Sau một thời gian sử dụng, chúng lại ra lệnh :
    - Các anh phải lấp đi, đào lại chỗ khác gần nhà ở! Phải thu hồi lại các thỏi đồng vì chúng là tài sản của nhân dân!
      Thế là anh em tù phải moi từng thỏi đồng dưới  cầu lên, tìm nước rửa sạch rồi xếp đâu vào đó! Về sau số đồng đó  không biết đi về đâu? Miên tự nghĩ “  Dường như cộng sản có chủ trương không muốn chúng mình ngồi không ? Chúng mình phải có việc làm để khỏi sinh ra những “tư tưởng không tốt”! Cũng may nơi đây không có đồi núi hoặc đồng hoang, nên không phải đi lao động như các trại tập trung khác!...
        Hằng ngày từng đoàn xe Molotova  chở cây cao từ bom đạn cháy sém từ miệt Long Khánh về. Tù nhân chúng tôi có bổn phận khuân vác chất lại thành đống. Sau đó chia nhau vác về trại mình cưa ra từng khúc rồi chẻ thành củi nấu ăn! Lúc đầu nhiều người dự đoán “   Chúng mình chụm hết đống cây kia sẽ được về!...
      Nhưng rồi hết đống cây này,  xe lại chở về đống cây khác và cứ liên tục như thế  đến nỗi không còn ai nghĩ đến ngày về!
  Thấp thoáng nửa tháng, rồi một tháng  trôi qua một cách chậm chạp. Bọn Miên bảo nhỏ nhau “  Sao chưa thấy học tập gì cả ! Cái điệu này không biết bao lâu mới được về!...
   Có nhiều tiếng than thở :
   - Chúng mình mang theo tiền bạc chỉ có giới hạn. Lúc tập trung người ta qui định số lượng quá ít ỏi…
   - Đúng đó, chả ai dám mang theo nhiều. Nếu có mang theo cũng cất giấu đâu đó, đâu ai dám khai báo hay mang ra xài!...
    Mà sự thật như thế, sau này Miên được biết có người phải dùng tiền cất giấu để làm giấy đi vệ sinh. Và khi đổi tiền đợt đầu phải tìm cách thủ tiêu đi, không dám khai báo!...
     Miên nhìn đống củi to tướng ở sân và các bao gạo đầy  ắp ở nhà kho, chàng chợt nghĩ đến lời tiên đoán của mình khi trước “  Mình thật sự phải ở đây lâu rồi!...
   Có vài bạn xì xào bàn nhau :
    - Anh nghĩ đoán xem đến bao giờ chúng mình được về ?
   Miên trả lời :
    - Có nhanh lắm, thì cũng phải qua ngày “Quốc Khánh 2- 9” của chúng, bọn mình  mới được về!
       Cuộc sống hàng ngày đã tạm ổn định theo tiêu chuẩn 500 gram gạo một ngày. Sáng 100 gram, trưa và chiều mỗi bữa 200 gram . Gạo chở từ các kho ở chiến khu về nên ẩm mốc. Thường cân thiếu hoặc độn đủ thứ như khoai lang, khoai mì hay bắp hột khô. Có khi ăn cả bo bo. Thức ăn tươi được bộ đội mua về phát cho từng đội. Đa phần là rau muống, các loại cải, bầu bí … Muối hột lẫn với bùn đất, muốn ăn phải nấu sôi lóng lấy phần nước trong, rồi cô đặc thành muối bọt! Thỉnh thoảng có phát cá biển hoặc cá tra, nhưng không bao giờ có thịt! Vì không có xà bông, nên mỗi lần rửa chén bát khi thức ăn có cá là một cực hình! Miên nghĩ cách :
    - Mình phải chế xà bông bằng cách dùng tro bếp lóng lấy nước rửa chén hoặc giặt quần áo!
     Tất cả tự tổ chức nấu ăn lấy. Cơm thì cứ một đội gồm ba tiểu đội ba mươi sáu người nấu một chảo. Luân phiên nhau mỗi tiểu đội nấu một ngày. Ban đầu Miên thấy lo :
  -Mình chưa bao giờ nấu cơm bằng chảo. Đến phiên mình nấu, thì phải làm sao đây ?!
   Trong cái khó ló cái khôn, sau khi chảo cơm sôi, Miên hạ lửa, cào than ra ngoài lò, rồi dùng bao tải thấm nước ướt phủ  kín thế là có chảo cơm ngon lành!
    Lần lần Miên là người nấu cơm và thức ăn ngon có hạng trong đội của chàng. Đến phiên nấu cơm là ngày vui của cả tiểu đội! Vì sau khi chia cơm, phần cơm cháy còn lại là của tiểu đội đầu bếp hôm đó nên anh em có thêm được chút cơm cháy! Trên nguyên tắc, tiêu  chuẩn nhận gạo là như thế, nhưng luôn luôn bị thiếu hụt, nên việc chia phần cơm luôn xảy ra nhiều chuyện khôi hài cười ra nước mắt!...
    Một tháng sau thì bắt đầu “học tập”, cán bộ bảo :
 - Một L gồm có nhiều T, mỗi T có nhiều đội và mỗi đội có nhiều tiểu đội, mỗi tiểu đội có mười hai người. Tất cả “trại viên” tập trung trong một hội trường lớn, có hệ thống âm thanh khá mạnh để học tập và thảo luận…
    Ngày đầu gồm giới thiệu thành phần ban giảng huấn, thời khóa biểu đến lớp cách thảo luận tại tiểu đội và “thu hoạch” cuối bài. Buổi học đầu có tính cách thăm dò tư tưởng của “học viên”…Ban giảng huấn đưa ra đề tài :
   - “Anh nghĩ thế nào về truyền thống anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam”? Họ ra kỳ hạn:
   - Các anh có một tuần suy nghĩ để trả lời và viết thành bài về câu hỏi  …
    Ngày hôm sau, ban giảng huấn lại hướng dẫn “học viên” làm một bản tự khai:
   - Các anh phải làm “Sơ Yếu Lý Lịch trích ngang”. Tuy nói là sơ yếu  trích ngang, nhưng phải khai chi tiết mọi sự việc từ đời ông nội ông ngoại, vợ chồng, con cái đến hiện tại có liên hệ với chế độ “Mỹ Ngụy” và “Cách Mạng” như thế nào?! Thời gian hoàn tất bản khai  cũng một tuần.
   Anh em học viên bức đầu bức tóc than thở:
   - Mấy hôm nay chúng tôi mất ăn mất ngủ vì những chi tiết không thể biết và nhớ được!
    Theo Miên nghĩ:
     - Đây chỉ là  tâm lý nhằm khủng bố tinh thần người tù, đồng thời sau  dễ tìm người làm “ăng-ten”cho chúng mà thôi!   
      Mỗi buổi sáng, bọn Miên thức dậy  từ lúc 5 giờ sáng để tập thể dục. Tiếp theo nấu cơm sáng, dọn dẹp và làm vệ sinh. Đến 7 giờ sáng, tất cả phải ăn sáng xong. Hôm nào có học tập thì tập họp đến lớp. Hôm nào đi lao động thì chia phiên nhau đi. Còn bữa nào không học, không đi lao động, thì ở nhà tự do muốn làm việc gì tùy ý. Bọn quản giáo luôn luôn ra chỉ thị :
    - Mọi người không được đi ra khỏi vòng rào của mỗi khu!
   Những khi đó, Miên đem quần áo ra vá lại những chỗ rách, chàng suy nghĩ :
   - Mình chịu khó đi tìm mấy chiếc áo giáp của quân đội ngày xưa còn chôn giấu ở các nơi  trốn pháo kích. Mình xé lớp nylon bên ngoài, bên trong là những lớp chống đạn màu trắng, làm bằng những sợi nylon đặc biệt. Đem nhuộm bằng thuốc trái khói mầu xanh đỏ tím vàng, rồi may thành những túi đựng đồ trông rất đẹp mắt…
     Bấy giờ các bạn tù, trong đội mới thấy những chiếc kim may của Miên mang theo là rất đắc dụng!... Mặt khác vào cuối tuần khi làm bài “thu hoạch”, Biên chịu khó viết cho các bạn mỗi người một bài, thế là cả tiểu đội được bình bầu là “tổ học tập tốt”!
   Lại hai tháng , rồi ba tháng trôi qua… Những ngày Hè nóng bức nhường chỗ cho những đêm Đông giá rét kéo đến chưa từng thấy tại miền Nam ! Tất cả tù nhân phải nằm trên các tấm sắt lá lạnh như nước đá. Mọi người co ro trong những bộ đồ mong manh mà họ mang theo với ý tưởng chỉ “đi học” có mười ngày! Trước tình cảnh đó , ban quản giáo phải mở kho quân trang của  quân đội cũ, phát cho mỗi tù nhân một bộ quân phục với điều kiện phải xé bỏ hai túi quần hai bên ống. Thế là sáng hôm sau, toàn trại  giống như  “quân trường Quang Trung” ngày xưa!...
     Mọi người rỉ tai nhau :
   - Thôi, chúng mình đừng nghĩ đến ngày về sớm nữa ! Mình cứ yên trí đừng lo nghĩ nhiều mà nhọc thân, mệt trí…  Chúng mình đành phó mặc cho ơn trên định đoạt số mạng của mình, may nhờ, rủi đành phải chịu thôi !
   Thời gian sau, thỉnh thoảng có những người được gọi lên bộ chỉ huy và liền sau được thả về. Miên chạnh nghĩ đến hoàn cảnh của mình cũng cảm thấy buồn buồn… May nhờ có Trúc Khanh, đứa cháu gọi Miên bằng cậu ruột, con của chị thứ Tám ở chung cùng đội nên cũng đỡ buồn phần nào…  Những gian khổ và thiếu thốn của một trại tập trung không thể nào nói hết bằng lời được… Nhưng đối với Miên, ngay từ ngày còn bé, chàng đã sớm mồ côi cha mẹ, Miên đã sống ở nơi vùng quê với bao cảnh bom rơi đạn lạc, gian khổ và cuộc sống nhiều thử thách tại Sài Gòn đã un đúc cho Miên thành một người nhiều nghị lực để vươn lên ! Chàng đã đối diện bao cảnh khổ đau, dằn vật về vật chất và tinh thần dồn dập đưa đẩy tới !...nên  Miên như chai lỳ và chàng quên hẳn thân mình !...Trong khi đó, Miên chỉ nhớ đến các con mình… những tiếng bi bô của bé Hiến luôn luôn vang vọng trong trí óc chàng. Miên nhớ đến tiếng khóc đòi uống sữa của con gái chưa đầy một tuổi ! Biên tự hỏi :
 -Không biết mình đi rồi, bây giờ Phấn mẹ của mấy đứa trẻ có chăm sóc kỷ chúng không ? Hay nàng cứ ỷ lại vào mình như trước kia, lại bỏ mặc chúng như ngày nào mình còn ở nhà ! Bây giờ con mình có đau ốm, bệnh tật gì không ? Chúng như thế nào ? Chúng nó sẽ ra sao và ra sao ???!!!...
    Miên ăn ngủ không yên. Những câu hỏi về con cái cứ chập chờn trong đầu óc, trong giấc ngủ, trong khi ăn  và ngay cả khi sinh hoạt hàng ngày của chàng !...
    Những buổi chiều tối trời, cơm nước xong, Miên nằm võng lấy ảnh của vợ và hai con ra nhìn không biết chán. Hình vợ và các con, Miên luôn luôn mang sẵn trong ví. Vì thế, dù ở đây chàng vẫn có hình của gia đình vợ con bên mình !...

                   Trăng non khoe dáng lưỡi liềm,
                   Ngàn sao lấp lánh, gợi niềm nhớ thương.
                   Giã từ đời sống phố phường,
                   Đi tù cải tạo, nắng sương dãi dầu !
                   Ngày về chắc hẳn còn lâu,
                   Ở nhà em chớ u sầu nghe em.
                   Giật mình nghe chó sủa đêm,
                   Gẫm thân phận lại càng thêm não nùng !
                   Thân trai ngang dọc vẫy vùng,
                   Đành cam cá chậu, chim lồng từ đây !
                    Bấm tay lần tính tháng ngày,
                   Thời gian thấm thoát đã đầy hơn năm !
                   Tin nhà nay đã biệt tăm,
                   Mà tin “cải tạo” càng thêm mịt mù !
                   Trót mang thân phận lao tù,
                   Sớm chiều ai biết, cho dù truân chuyên!
                   Bắc Nam “thống nhất” hai miền
                   Mà sao nỡ lấy xích xiềng trói nhau ?
                   Hận thù n  đến nghìn sau,
                   Nước nào rửa sạch, máu nào trả xong ?!...

     Đến tháng thứ ba, tù nhân được phép viết thư thăm gia đình. Mẫu thư, khuôn khổ, phong bì đều được qui định rõ. Đặc biệt không được tiết lộ địa điểm của “trại học tập”. Miên viết thư về cho Phấn và các anh chị chàng. Đến tháng sau, Miên nhận được thư trả lời của Phấn.  Đó là một lá thư chép lại một bài học chính trị, với vài lời thăm hỏi và một ít tin tức thật đơn giản.
    Tháng thứ tư, Miên lại được phép viết thư . Các bạn tù dùng đủ mọi cách để xin tiền gia đình. Vì ở đây, nếu có tiền thì có thể nhờ bộ đội mua giúp thức ăn. Miên tìm cách nói bóng nói gió với Phấn :
  -  Anh rất cần tiền để mua thuốc trụ sinh trị  đau răng và mua thêm thức ăn …
   Trong thư trả lời của Phấn, Miên nhận được hai đồng bạc chẵn ! Miên thầm nghĩ “ Với hai đồng Phấn đã gởi cho mình cũng tình nghĩa lắm rồi ! Nhưng với số tiền quá ít ỏi, đó khiến mình không biết mức sống của gia đình và các con hiện đang ra sao?!
    Vì thiếu dinh-dưỡng nên nhiều người trong trại đã bắt đầu bị phù thũng, phải uống nước cơm nấu sôi để có sinh-tố B1! Muốn có nước cơm cũng không phải dễ! Do đó lại sinh ra nhiều chuyện giành giật rất khó coi!
    Lá thư thứ ba, Phấn gởi cho Miên một ít thuốc trụ sinh. Lá thứ tư, đúng vào dịp Giáng-Sinh, nên Miên nhận được một gói quà gồm một ít thuốc men, quần áo, bánh kẹo, thức ăn khô, chưa tới 3kg.
     Qua Giáng Sinh, đến Tết Tây rồi Tết Ta! Thời gian trôi qua xem ra thật chậm đúng với câu “nhất nhất tại tù, thiên thu tại ngoại.”. Thế là Miên đã vào trại tập trung hơn một năm! Một hôm, Miên cùng cháu Trúc Khanh và một số bạn cùng trại được gọi lên trình diện Ban Quản Giáo, họ ra lệnh:
  - Các anh về thu xếp đồ đạc để  chuyển trại…
    Sự thật, hôm đó bọn Miên được thả về. Thật là niềm vui lớn cho Miên được trở về gặp gia đình, vợ con…  Chàng đã  tặng cho những người ở lại một số dụng cụ, đồ thực và sách vở. Các bạn trong đội nhờ Miên :
  - Bạn  mang một ít thư từ và tin tức  về cho gia đình chúng tôi nhé !...
   Nhưng Miên đành bỏ thư lại vì ra cổng họ xét rất kỹ Chàng  hứa với các bạn :
 - Tôi cố nhớ thuộc lòng một số địa chỉ của các bạn . Khi trở về tôi sẽ đến nhà cho thân nhân các bạn biết tin tức và tình trạng các bạn để tìm cách thăm nuôi, quà cáp…
   Sau đó Miên được chuyển về trại Sóng-Thần ở Thủ-Đức đợi về đoàn tụ với gia đình… Sau hơn một năm trong trại tù, giờ đây Miên được nhìn lại cảnh vật và người qua lại trên đường. Chàng tự nghĩ :
   - Mình  như một đứa trẻ lần đầu được dẫn đi phố! Mình không khác gì cậu bé ngây ngô, ngơ ngác cách đây mấy chục năm lần đầu tiên từ quê, ra Đà-nẵng! Chàng cảm thấy ngây ngô không phải vì sự tiến bộ của xã hội mới, mà vì sinh hoạt bên ngoài hoàn toàn khác xưa từ lối xưng hô cho đến cách đối xử với nhau!
   Số tù nhân được thả ở lại Sóng Thần ba ngày để “bồi dưỡng” và sinh hoạt chính trị, làm lại lý-lịch, trước khi được thả về nhà. Trưa đó, các tù nhân cùng với thân nhân được tập trung ăn trưa . Một bữa cơm sang nhất sau bao tháng “đi tù cải tạo”!. Bữa cơm gồm có “thịt vịt bảy món” và trái cây tráng miệng. Ăn cơm xong, bọn Miên được tiếp chuyện  với gia đình. Đến 1 giờ thì được làm lễ ra trại. Đinh, Phấn và một người bạn gái của nàng có em cũng đi  tù với chàng. Miên gặp mặt vợ, chàng hỏi liền :
  - Sao em không cho các con đi đón anh ? Anh nhớ các con lắm !...
  -  Em nhận giấy báo trễ. Em đang học chính trị và đi thẳng đến đây luôn !
   Làm lễ xong, tất cả được xe chở về…
    Khi Miên ra đi với tâm trạng nặng nề và   lo âu. Tiếp theo là những ngày hoang mang lo sợ  trước viễn ảnh kiếp tù không bản án. Ngày về thì  cũng không khá hơn bao nhiêu với thân phận của một ngụy quân bị tước mất quyền công dân !  Miên phải ghi tên đi học lớp chính-trị Mác Lê  ở “Hội Trí-Thức Yêu-Nước”, họp tổ dân phố mỗi cuối tuần, đọc báo tổ mỗi cuối ngày, đi đào kinh Lê minh Xuân mỗi tháng, ngoài ra Miên còn phải tham gia tổ dân phòng, phòng cháy chữa cháy v.v…Đó là những sinh hoạt tại địa phương mà những người vừa mới được tạm tha về như Miên bắt buộc phải tham gia để họ dễ bề theo dõi xem thái độ của chàng ra sao trước khi họ cho phục hồi quyền công dân ! Nói chung sau những giờ lao động để kiếm sống, Miên phải chăm sóc cho hai con và chấp hành đúng những yêu cầu của địa phương, chàng như một cái chong chóng quay tít trước cơn lốc thời cuộc. Đêm về Miên thao thức với bao nỗi buồn lo ngày một  lớn  lên mãi…  Quá khứ là một chuỗi ngày đau buồn, hiện tại toàn là khổ ải cay đắng, tương lai thì quá đen tối mịt mù, lo âu và suy nghĩ đến dồn dập…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét