Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

MẢNH ĐỜI MỘT CHIẾN BINH - Nguyễn Ninh Thuận


           Thanh  đưa gia đình vợ con sang Mỹ theo chương trình HO. Sau một thời gian làm lụng vất vả lo cho các con ăn học thành tài, Thanh tham gia sinh hoạt với nhóm văn học địa phương. Chàng muốn dùng ngòi bút làm vũ khí chống lại chế độ độc tài Cộng Sản. Với sự hổ trợ nhiệt tình của các con khi ăn học thành tài, những hạt giống mà Thanh đã đem hết hoài bảo, công sức ra đào tạo ngay từ nhỏ…Đó là lòng yêu đất nước, nhớ quê hương và tranh đấu cho đồng bào Việt Nam sớm có tự do, dân chủ và nhân quyền... 
<!>
Khi đang là sinh viên, ngoài việc học, chúng lăng xả vào các công việc thiện nguyện, giúp người giúp đời, hướng về quê nhà VN đang bị chế độ Cộng Sản độc tài thống trị…Khi ra trường, có công ăn việc làm, lương bỗng hậu hỷ, chúng theo nguyện ước của Thanh giúp ba in ấn các tập sách truyện đề cao tinh thần yêu nước, lồng vào những gương tranh đấu cho quê hương góp phần cho nền văn học nước nhà và kiếm tiền giúp Thương Phế Binh VNCH, gia đình cô nhi quả phụ & các nhà tranh đấu cho VN. Thanh như con thoi luôn có mặt trong các buổi xuống đường, lên tiếng vạch mặt chế độ độc tài Cộng Sản. Tại đây Thanh gặp Thúy, một người bạn văn thơ  có cùng một lý tưởng. Chàng tâm sự với nàng :
-Hãng may của anh đã dời qua Mễ, nên anh đang thất nghiệp. Vì lớn tuổi, nên anh khó xin việc. Anh đã đi xin việc ở nhiều nơi, nhưng họ bảo về nhà chờ đợi. Đó là hình thức từ chối khéo của họ! Túng thế, anh theo bạn  ghi danh học nghề ở  Golden West College; may ra khi tốt nghiệp, anh có thể kiếm được việc làm dễ hơn. Tuy mơ ước như thế, nhưng anh không hy vọng lắm vì tuổi đời ngày càng thêm chồng chất. Trước đó anh làm ca ba từ chín giờ rưởi tối đến sáu giờ sáng...
-Lớn tuổi như anh mà làm nổi ca ba sao? Thúy tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi..
      -Vì hoàn cảnh phải ráng thôi! Mấy năm trước anh làm ca hai. Nhưng từ khi vợ bị tai biến mạch máu não, anh phải xin đổi qua ca đêm, để tiện việc chăm sóc cho vợ. Ban đêm con trai út đi học về sẽ lo cho mẹ nó!
    Thanh tâm sự tiếp:
-Vợ anh gặp phải cơn bệnh thập tử nhất sinh. Dù tốn kém, chạy chữa xa xôi  anh cũng gồng hết sức!
   Cả gia đình Thanh sống đầy ắp tình thương yêu trìu mến... Hai con lớn của chàng được trường Dược bên Boston nhận. Thấy mẹ đau, đứa con gái của chàng vì quá thương mẹ nên không muốn đi xa.
-Nếu thương mẹ con hãy mạnh dạn đi học. Con học thành tài mẹ vui hơn là con bỏ học để ở nhà với mẹ. Thuốc men đã có bác sĩ, phần ba hì tchăm sóc mẹ.
Nghe lời khuyên của Thanh, hai đứa con lớn bịn rịn từ giã gia đình đi Boston...
     -Anh bận đi làm, các con đi học xa. Vậy anh nên đưa chị ấy vào an dưỡng cho tiện! Bạn hữu thân tình khuyên…
     -Cám ơn các bạn đã có lời khuyên. Nhưng dù cực khổ thế nào, tôi cũng phải  chăm  sóc cho nhà tôi! Nếu đưa vợ tôi vào đó là đẩy nàng vào tuyệt vọng. Sống buồn rầu, đau khổ sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nàng!
     Thanh không có lòng dạ nào cư xử với Hoa – vợ chàng - theo lời khuyên của bạn bè  với ý nghĩ:
-Đâu phải chỉ lúc mạnh khỏe mới sống bên nhau. Khi vợ đau ốm, lại né tránh bổn phận. Chàng không thể làm chuyện quá nhẫn tâm! Hoa đâu có làm gì nên tội mà phải bị hình phạt sống âm thầm trong nhà nuôi phế nhân buồn thảm như vậy!
    ... Những năm tháng Thanh ở trong lao tù Cộng Sản, Hoa đã nhịn ăn nhịn mặc để gồng gánh đi thăm nuôi chồng. Dù số lần thăm nuôi quá ít ỏi so với bạn bè. Thanh hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chàng lên tiếng nhắc nhở:
-Gia cảnh của mình đang gặp lúc quá khó khăn, em đừng tốn tiền thăm nuôi anh nữa. Em hãy dồn tất cả  vào việc nuôi con cái ăn học. Đó là ước nguyện duy nhứt trong đời anh. Dù đói khổ thế nào anh cũng cắn răng vượt qua được. Nếu thương yêu anh, hãy nghe lời anh …
      Khi còn ở quê nhà, Hoa đã làm tròn bổn phận của một người mẹ. Nàng thay chồng nuôi dạy bốn  con thơ. Khi sang Mỹ, mấy năm đầu, Hoa giúp chồng trong việc may vá kiếm tiền nuôi các con ăn học...Thanh nhớ lại...
     ...Từ khi bị người yêu đầu đời chạy theo bằng cấp, Thanh rất đau khổ… Năm sau,  khi học xong trung học, thi vào ngành Cảnh sát và ra làm Cuộc Trưởng  tại quê  nhà, mẹ Thanh lên tiếng:
-Mẹ muốn cưới vợ cho con. Mẹ đã có lời hứa với đàng gái rồi!
Thanh đang buồn ... Chàng nhỏ nhẹ:
-Con nghe lời me, chỗ nào mẹ vừa ý, con cũng bằng lòng hết!
Mẹ Thanh rất vui mừng... Thế rồi một đám cưới thật đơn giản được tiến hành.
Hoa, một cô gái sống xa thành thị. Nàng là con gái duy nhứt trong một gia đình khá giả ở nông thôn, dù ít học, Hoa rất nhu mì. Nàng không se sua, đua đòi, chưng diện. Đặc biệt là Hoa không bao giờ biết son phấn như bạn bè đồng trang lứa. Từ đó, Thanh an phận với duyên số của mình. Hoa hổ trợ cho Thanh thỏa ước nguyện của chàng là tình nguyện đến phục vụ những nơi dầu sôi lửa bỏng. Chàng muốn quét sạch bọn Cộng Sản đã trà trộn vào đồng bào trong những vùng xa xôi hẻo lánh quấy phá cuộc sống an lành người dân vô tội. Trong cương vị Trưởng Cuộc, Thanh đã sống liêm khiết, không sợ gian khổ khó khăn, dám đối diện với giặc Cộng một lòng với dân với nước…
   ... Sau sáu năm bị khổ sai trong trại tù Việt Cộng, đối diện với đói khát, chết choc, Thanh và đa số đồng ngũ không khuất phục bạo quyền, và đã un đúc ‎y ‎‎ ‎chí  tranh đấu trong lòng mọi người. Khi được ra tù, Thanh không quản ngại gian khổ, chàng quyết tâm làm lại cuộc đời trong rách nát tận cùng của xã hội hiện tại. Quanh năm, Thanh vui với đôi trâu, cái cày, bên mẫu ruộng gò quanh năm trồng lúa, tỉa đậu, trồng mía, trồng ớt... Làm ngày không hết việc, chàng thắp “đèn bình” làm thêm ban đêm đến khi nào quá mệt mỏi mới nghỉ.
    Chàng chịu khó học hỏi qua sách vở cũng như kinh nhiệm làm ruộng của anh em, bà con thân nhân. Thanh cố tìm cách biến cải mảnh đất khô cằn thành dất phì nhiêu màu mỡ.Thanh là một người đầy nhiệt huyết, thừa nghị lực, cộng với khối óc biết suy xét. Chàng quyết định đào giếng lấy nước dù gặp nhiều gian khổ.. Những gánh phân trâu bò, bùn sình ở những vũng trâu nằm, oằn trên đôi vai chai cứng của Thanh. Chàng cắn răng chịu đau đớn từng thớ thịt với nước mắt chan cơm. Chính nơi đó là khởi điểm cho sự sống của gia đình Thanh và sự học hành của con cái chàng đi lên sau này… trong suy nghĩ:
-Còn sống là còn phấn đấu, nhất định không khuất phục mọi hoàn cảnh khó khăn. Hai câu thơ của chàng đã viết ra trong lúc còn ở trong trại tù  để tự nung nấu y chí của mình:

Kẻ vấp ngã vùng lên mới đáng quí,
Người kiên trì chắc chắn phải thành công.

    Trong thời gian làm cái chòi sống ngoài đồng một mình…Thanh cố sức ngày đêm miệt mài làm ra của cải để  che mắt bọn công an trong thời gian đầu... Thời gian sau, thấy tình hình an toàn, Thanh gan dạ đã đội từng thúng gạo, hoa màu, tiền bạc, vật liệu cần thiết… cho công cuộc đấu tranh. Chàng đã đi tiếp tế cho các phong trào đấu tranh mà chàng móc nối được cho đến khi lên đường đi Mỹ.
… Hồi tưởng lại, khi qua xứ Mỹ, Thanh không còn dầm mưa giải nắng như những ngày còn ở Việt Nam, nhưng Thanh vẫn nhắc lại cho các con chàng nghe để thúc đẩy chúng nó hãy quyết tâm học hành. Còn vợ chồng Thanh thì ngày đêm cắm cúi trên bàn máy may, bên đường kim mối chỉ và thách thức với chính mình trong cái xã hội hoàn toàn xa lạ nầy: Để rồi xem ....
Gia đình Thanh sang  Mỹ với chương trình H.O, tuy “sanh sau đẻ muộn” nhưng trể còn hơn không! Phương Mai, con gái của Thanh lúc bấy giờ đã 23 tuổi thỏ thẻ:
    -Học khó lắm ba à! Con đã lớn rồi nên chỉ muốn đi làm nghề móng tay, móng chân để có tiền phụ giúp ba mẹ! Khi có tiền, con sẽ mua vé máy bay cho ba mẹ về Việt Nam thăm bà nội, bà ngoại và hai anh chị...
     Phán, thằng con trai lớn của Thanh cũng nói theo:
     -Học hành khó lắm không phải dễ đâu ba à! Con sợ không học nổi, con chỉ muốn đi làm kiếm tiền thôi! 
     Từ xưa đến nay Thanh không bao giờ dạy con bằng roi vọt, dầu chỉ một cái tát thật nhẹ vào mông. Chàng chỉ dạy con bằng lời khuyên dịu ngọt. Lần nầy, Thanh lại đổi chiến thuật dùng nước mắt để dạy con. Chàng mong đạt ước nguyện của mình. Đưa đôi mắt u buồn nhìn các con, Thanh chậm rãi nói:
 -Sau sáu năm gian nan khốn khổ trong ngục tù Cộng Sản. Được thả về với gia đình, ba đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt kiếm tiền cho các con ăn học. Các con tốt nghiệp phổ thông trung học, ba ráng  lo cho tụi con chuyên học tiếng Anh. Đứa nào cũng có bằng cử nhân Anh Văn trước khi sang Mỹ. Bây giờ tới được xứ Mỹ nầy rồi mà các con chỉ muốn đi làm kiếm tiền để sống. Nếu biết trước qua đây mà tụi con không chịu học như thế nầy, thì thà rằng ba ở Việt Nam để được sống gần gũi với bà nội, bà ngoại có phải hay hơn không? Vì tương lai các con, mà ba mẹ cắn răng xa quê hương xứ sở, nội ngoại. Nào ngờ các con quá phụ lòng  của ba như vầy! ..
      Thanh cố nuốt nước mắt vào lòng, nhưng nước mắt nghẹn ngào không dằn lại được vẫn cứ lặng lẽ trào ra…
     -Hoa Kỳ là xứ cơ hội các con à! Sự học hành không bị giới hạn tuổi tác. Các con có ý chí vương lên là được thôi! Muốn làm con ngoan, hiếu thảo của ba, thì các con phải học hành cho thành đạt. Đó là ước nguyện cuối đời của ba. Ba chỉ vui tuổi già, khi các con chăm lo học hành. Ba rất căm thù Cộng Sản. Các con học thành tài là một cách giúp ba, giúp bạn bè ba trả thù Cộng Sản dã man, tàn ác. Biết bao nhiêu đứa trẻ ở Việt Nam không có cơ hội học hành. Biết bao nhiêu bạn bè ba đã gục ngã trước và sau tháng 4 năm 1975, nên con em họ không có cơ hội được  qua đây. Các con được may mắn đến xứ sở nầy, bổn phận các con là phải ráng học. Khi thành tài, ra Bác Sĩ con mới có cơ hội trở về quê hương chửa bệnh cho đồng bào bị bệnh tật, và xây dựng đất nước khi đó đã có tự do,  hưng thịnh hơn để sánh vai với thế giới…
       Thanh ngừng nói, đưa đôi mắt tha thiết nhìn các con, xem phản ứng của chúng  ra sao rồi chàng ôn tồn nói tiếp:
       - Hẳn các con còn nhớ lời của ông Nguyễn văn Trưởng, chủ tịch xã Phước Lưu, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã nói thẳng vào mặt ba trước nhiều người tại đám ma của má anh Tròn:
          - Anh Sáu, các con anh chỉ học đến lớp 9  là  cùng. Đó là chính sách của Đảng .
     Nói tới đây, Thanh quá nghẹn ngào xúc động...Chàng khóc tức tưởi làm động lòng các con không ít. Các con Thanh đứa nào cũng lên tiếng:
      -Thôi ba đừng buồn, đừng khóc nữa ba à ! Tụi con hứa sẽ cố gắng học hết sức mình để làm vui lòng ba, dẫu biết rằng học tiếng xứ người không phải dễ như học tiếng mẹ đẻ.
-Chúng con sẽ cố gắng học để đáp lại nguyện vọng của ba.
Thanh thầm cười đắc thắng trong lòng, chàng đưa mắt nhìn con mỉm cười sung sướng:
-Cám ơn các con đã có lời hứa, ba rất vui lòng chờ đợi sự thành đạt của các con. Người ta giỏi thì học một năm, mình dở thì hai ba năm, miễn chịu khó theo đuổi học hành là được rồi! Có học mới nên khôn các con à!
     Đứng trước ý chí sắt đá và lời khuyên bảo cổ vũ chí tình của người cha, cộng thêm công sức của người mẹ,  ngày đêm trải dài trên đường kim mối chỉ. Các con Thanh bỏ ý định đi làm và chí thú lo học hành. Sau 8 năm chăm chỉ học hành, Phương Mai đã tốt nghiệp Dược sĩ tại Boston và lấy chồng cùng ngành. Phán con trai lớn của Thanh, cũng ra Bác Sĩ  sau đó vài năm. Đảnh, thằng  con trai út của chàng cũng mới vừa lấy xong bằng cử nhân chánh trị tại trường Đại Học UCI. Thanh rất hãnh diện với việc học hành của các con. Chúng thường xuyên nói với bạn bè và bà con họ hàng:
      -Nếu không có ba khuyến khích, thì tụi nầy đâu có được như ngày nay!
       Sau khi thi đậu quốc tịch Mỹ, Thanh vội đến văn phòng lo làm hồ sơ bảo lãnh hai đứa con lớn  đã lập gia đình ở Việt Nam.
      …Trong thời gian đưa vợ đi chữa bệnh, Thanh gặp Hồng, một thiếu phụ khá xinh bị tàn tật vì tai nạn xe hơi. Nàng đề nghị trong lúc săn sóc cho vợ, cùng chăm sóc cho nàng với lương chính phủ trả hàng tháng...Nghe giọng Huế ngọt lịm của Hồng, Thanh cảm thấy trong lòng chàng lâng lâng một cảm giác khó tả vì nhớ đến người yêu đầu đời. Bỗng nhiên chàng  cảm thấy hoảng sợ... lạ lùng. Thanh cố tình từ chối:
-Tôi bận đi làm, không thể giúp cô được, mong cô thông cảm cho tôi.
Hồng biết không thể nhờ Thanh chăm sóc cho mình như chàng đang chăm sóc vợ. Hồng lên tiếng nhỏ nhẹ:
-Nếu anh từ chối không chịu nghỉ làm ở hãng để chăm sóc cho chị và em, em xin anh hãy nhận em làm em gái nuôi của anh nhé! Anh có nhận lời thỉnh cầu của em không hả anh?
   Nhìn người tật nguyền, Thanh thấy lòng mình như se thắt. Thật lòng chàng rất  thương người tàn phế, nhứt là người đàn bà bất hạnh như Hồng; nhưng nhận chăm sóc hàng ngày cho Hồng thì Thanh không dám nhận. Chàng lại càng không dám nhận nàng là đứa em nuôi. Thanh sợ Hoa sẽ buồn lòng, vì đàn bà ai cũng có máu “ Hoạn Thư “. Để tránh sự rắc rối có thể xảy ra sau nầy, giải pháp tốt hơn hết là nên mạnh dạn dứt khoát tránh xa. Thế là Thanh đã giới thiệu một cậu em giúp nàng.

Hoàn cảnh nào cũng giữ lòng nhân ái,
Không để lòng lôi cuốn bởi u mê.
Dẫu thế nào cũng là nghĩa phu thê,
Nên giữ lấy cho vẹn bề gia thất.

Đạo làm người phải giữ lòng chân thật,
Không bao giờ dối gạt với lương tâm.
Dẫu một ngày cũng là nghĩa trăm năm,
Nguyện đến thác không thay lòng đổi dạ.

Dẫu khó khăn cũng không màng chi cả,
Chẳng bao giờ thay đổi dạ yêu thương.
Nguyện nắm tay đi hết quãng tình trường,
Và suốt kiếp nguyện một lòng chung thủy.

Nguyễn Ninh Thuận





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét