Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

MỘT CHUYỆN TÌNH HAI MẢNH ĐỜI - Nguyễn Ninh Thuận

Mỗi năm vào dịp hè, Xuân Thu lại có dịp về thăm quê ngoại. Bạc Liêu quê ngoại của Xuân Thu có hàng dừa nghiêng nghiêng bên dòng sông nước chảy êm đềm. Nơi đây người dân sống rất hiền hòa, biết đùm bọc lấy nhau. Họ chí thú cặm cụi lo làm ăn và không lọc lừa bon chen như chốn phồn hoa đô hội.
<!>
Xuân Thu thích nhất là được hít thở không khí trong lành. Nàng được thức dậy muộn để chìm đắm trong những suy tư chợt đến, chợt đi của thời con gái đầy mộng mơ. Ba tháng nghỉ hè là thời gian để Xuân Thu nghỉ xã hơi sau một năm dài học hành, vật lộn với sách đèn. Nàng không còn vò đầu bức tóc với những hàm số, lượng giác  khó  giải. Nàng  không  phải  tần  ngần  trước những áng văn, hay suy nghĩ trước những bài bình luận hóc búa. Nàng được buông thả trí óc với mớ vạn vật về cây cỏ, hình loài vật, hình người... Những điều khó nuốt mà hàng đêm nàng cố nhồi nhét vào trí óc mình. Tất cả tạm gác lại để rong chơi cho thỏa thích trong những tháng nghỉ hè êm ái... Những quả cam, quít, mận và vú sữa chín mọng đang chờ đón, chào mừng bàn tay Xuân Thu nâng niu và níu hái. Nàng có thể  nhai ngấu nghiến chúng với sự thèm thuồng... Sáng nay ông mặt trời đang còn ngái ngủ. Những tia nắng vàng còn rong chơi với bóng đêm. Chúng không chịu trở về đưa ánh sáng cho vạn vật đang mãi trông chờ. Xa xa có tiếng gà gáy lác đác vang lên trong đêm trường tịch mịch. Rồi tiếp theo, từng đợt tiếng gà đua nhau gáy vang liên hồi như giục giã mọi người hãy mau thức dậy để đón chào một ngày mới bắt đầu.
Như chạy đua với thời gian, hừng đông đã bắt đầu ló dạng sau dãy núi xanh thẳm ở cuối chân trời. Ánh sáng tiến nhanh và vương cánh tay dài bao trùm khắp vạn vật. Những giọt sương mai còn động trên cành cây ngọn cỏ cố thu mình trốn chạy tia nắng đốt cháy thân thể chúng.
Trong ngôi nhà gạch khang trang, tiếng dép của bà ngoại Xuân Thu xua tan cái không khí tịch mịch của buổi bình minh vừa ló dạng. Bà đến cửa buồng Xuân Thu chậm rãi lên tiếng:
-Xuân Thu à! Hôm nay cháu thức dậy sớm hơn mọi ngày nhé. Cháu nấu giúp cho bà nồi cháo đậu xanh ăn với cá kho khô hay với thịt chà bông để trong chạn đó!
Tiếng Xuân Thu còn ngái ngủ hỏi vọng ra:
      -Hôm nay có gì quan trọng mà bà bảo cháu chuẩn bị thức ăn sáng sớm thế?
-Không có gì quan trọng cả! Chỉ có thằng Quân, cháu bà bạn thân của bà từ Sài Gòn về thăm bà nó ở Cà Mau. Chuyến trở về nó ghé lại thăm bà một hai ngày, tiện thể nó mang quà và thư của bà nó cho bà đó thôi!
Nhổ miếng trầu vào ống nhổ, đưa tay quẹt ngang miệng. Bà ngoại Xuân Thu nhỏ nẹ nói thêm:
-Thằng Quân nó hiền lành, dễ thương và nghe nói nó học giỏi lắm con à! Nó cũng đã từng theo bà nó ở lại đây chơi với bà mấy bận rồi. Bà thương nó như con cháu trong nhà. Lắm lúc Bà ao ước được nó vào làm cháu rể trong nhà nầy vô cùng. Vừa nói xong, bà đưa mắt nhìn Xuân Thu đầy ý nhị.
Xuân Thu e thẹn cúi đầu để tránh cái nhìn âu yếm ẩn chứa sự soi bói của bà ngoại. Nàng vội vã xuống bếp bắt tay ngay vào việc mà bà nàng vừa nhờ. Vừa làm, Xuân Thu tò mò nghĩ về người con trai sắp đến thăm bà ngoại của mình:
-Không biết anh chàng này như thế nào mà bà ngoại mình khen nức nở như thế?
Trong lòng Xuân Thu háo hức trông chờ, nàng mong thời gian qua mau để xem anh ta hư thực ra sao. Anh ta có xứng đáng với lời khen tặng của bà ngoại mình không? Xuân Thu cố xua đuổi bao ý tưởng vừa mới manh nha trong đầu óc về anh chàng Quân lại cho thảnh thơi. Nhưng nàng cố không thèm nghĩ ngợi thì tâm nàng lại cứ tò mò muốn biết về chàng trai xa lạ đó hoài
    Xuân Thu đã nấu nướng, chuẩn bị cho bữa ăn sáng xong đâu đó. Nàng vọâi đi tắm rửa và chọn cho mình một bộ áo quần đẹp mắt nhứt mặc vào. Xuân Thu soi bóng mình trong gương, nàng cảm thấy thích thú với mái tóc dài óng mượt, khuôn mặt xinh xinh, mắt phượng mày ngài lồ lộ. Nàng mỉm cười và tự hỏi:
-Tại sao hôm nay mình lại quan trọng với sắc diện của mình như thế?
Đôi má nàng chợt ửng hồng, Xuân Thu nghĩ tiếp:
-Làm như mình là cô dâu để cho người ta đến xem mắt không bằng!
Đang vẩn vơ với bao ý nghĩ trong đầu. Bỗng Xuân Thu giật mình khi nghe có tiếng gõ cửa ngoài ngõ. Giọng khàn khàn, bà ngoại lên tiếng nhắc nhở Xuân Thu:
-Cháu chạy ra ngõ xem ai vừa gõ cửa vậy cháu? Có thề là thằng Quân đấy cháu à!
Xuân Thu vội vã đi nhanh ra ngõ. Trước mắt Xuân Thu là một chàng thanh niên áo quần bảnh bao tươm tất. Hai tay chàng ta xách một túi lớn cùng vài túi nhỏ lỉnh kỉnh. Tướng mạo chàng chững chạc cao ráo, trông rất đẹp trai.
Trong lòng Xuân Thu đoán chắc anh chàng này là Quân. Nhưng Xuân Thu vẫn tỏ ra như không hề biết gì hết, nàng nhỏ nhẹ lên tiếng hỏi:
-Dạ thưa, anh muốn tìm gặp ai ạ?
Với giọng đĩnh đạc, chàng thanh niên điềm đạm trả lời rất dễ thương:
-Xin lỗi cô. Tôi tên Quân. Tôi muốn tìm đến  đây  để thăm bà Tư ạ!
-Ồ, Tôi hân hạnh được biết anh Quân. Xin mời anh bước vào nhà, bà ngoại tôi cũng đang trông chờ anh đó.
-Xin lỗi, có phải cô tên Xuân Thu không ạ? bà Tư hay nhắc nhở tên cô với bà cháu tôi hoài hà. Bà Tư cũng
đã lấy hình của cô cho tôi xem, nên mới gặp cô lần đầu là tôi thấy ngờ ngợ như quen biết từ lâu lắm rồi.
Quân vừa nói dứt lời thì hai người cũng vừa bước vào bên trong nhà. Bà Tư vồn vã đón mừng Quân:
-Ồ! Cả năm nay Bà mới được gặp lại cháu. Độ nầy cháu cao lớn và ra dáng một thanh niên khỏe mạnh rắn chắc quá. Còn bà của cháu lúc nầy thế nào, có khỏe không hả cháu?
-Dạ thưa, bà của cháu vẫn khỏe mạnh. Nhưng vì bà cháu bận việc cần thu xếp nên không thể tới thăm bà trong dịp nầy được. Mong bà thông cảm cho.
Vừa nói, Quân vừa đưa ra mấy túi xách lỉnh kỉnh:
-Bà cháu bảo cháu phải ghé nhà trước thăm sức khỏe của bà và sau có mấy món quà xin kính biếu bà ăn lấy thảo với bà cháu.
Bà ngoại Xuân Thu xây qua nàng tiếp lời:
-Xuân Thu, cháu đón lấy mấy túi quà của cháu Quân đưa, cháu chịu khó để lên bàn hộ bà với!
Bà Tư quay qua Quân nhỏ nhẹ nói:
-Thật quí hóa vô cùng! Có cháu đến thăm là bà đã mừng vui rồi. Bà của cháu bày vẽ quà bánh làm gì cho tốn tiền và nhọc công cháu bê xách nặng nề quá vậy nè. Cho bà gởi lời cám ơn bà của cháu thật nhiều…
       Bà Tư  chậm rãi nói tiếp:
-Quân! Cháu cất đồ đạc vào buồng trong phòng hộ bà, rồi ra đằng sau rửa mặt mũi để ăn sáng kẻo đói bụng. Xuân Thu đã chuẩn bị bữa ăn sáng cho bà cháu mình rồi đó.
Quân đưa mắt nhìn Xuân Thu như ngầm cám ơn nàng đã chuẩn bị chu đáo đón rước chàng hôm nay.
Trong bữa ăn, bà Tư và Quân nói chuyện râm ran chung quanh chuyện bà của Quân. Không khí trong bàn ăn rất vui vẻ. Xuân Thu im lặng, nàng lắng tai nghe những mẫu chuyện và lời đối đáp của Quân với bà nàng. Thỉnh thoảng nàng góp vào những nụ cười khi đến đoạn vui tươi. Xuân Thu thầm nghĩ:
-Anh chàng nầy nói chuyện cũng có duyên ghê đó! Chàng ta ăn nói rất chừng mực, lễ phép và dễ thu hút người nghe. Ăn uống xong xuôi, Bà Tư quay sang Xuân Thu bảo:
-Xuân Thu đưa cháu Quân ra vườn, chọn thứ trái cây nào cháu ấy thích mà hái vào ăn cháu nhé.
-Thưa bà, bà và anh Quân cứ tiếp tục trò chuyện. Cháu dọn dẹp và rửa chén bát xong, cháu sẽ đưa anh ấy ra vườn hái trái cây ạ!
Xuân Thu nhanh tay thu dọn bàn ăn rồi sánh vai cùng Quân ra vườn cây. Tay nàng cắp rổ thoăn thoăùt len lỏi vào những gốc cây đầy trái, nàng lên tiếng hỏi Quân:
-Trong vườn của bà em có nhiều loại cây trái. Anh thích ăn loại trái cây nào nói cho em nghe đi?
Quân tươi cười trả lời:
    -Loại trái cây nào tôi cũng thích hết cả, miễn nó ngon ngọt đừng có chua là được.
Xuân Thu e lệ đáp:
-Thế thì mình hái mấy quả cam sành chín vàng này anh nhé? Loại cam này nhiều nước và ngọt như đường phèn đó anh!
Xuân Thu không quên giới thiệu với Quân một ít trái cây trong vườn mà nàng ưa thích nhứt.
-Quít đường của bà ngoại em ngon ngọt lắm. Còn nữa, cây mận hồng đào sau vườn rất say trái và ăn rất ngon. Cây vú sữa mé trước nhà là loại vú sữa da màu hột gà, nó ít hột và sai trái lắm, ăn ngon tuyệt cú mèo luôn anh à!
Xuân Thu lại tặc lưỡi ra vẻ tiếc nuối điều gì. Một lát sau, nàng vui vẻ nói:
-Còn cây măng cụt ở sau vườn trái rất nhiều nhưng cây cao quá, những trái ở dười đã bị hái hết rồi, chỉ còn lại những trái ở mãi tít trên cao, Xuân Thu không thể hái được. Thật vô cùng tiếc nuối vì trái nó nhiều múi, hột lép, lại nhiều nước mà không hái ăn được uổng quá đi thôi.
Vừa nói Xuân Thu như nuốt nước bọt. Quân tươi cười lên tiếng:
-Xuân Thu có vẻ thích ăn măng cụt lắm hả. Để tôi cố trèo lên hái xuống một ít nhé. Đưa cho tôi một cái túi nào để đựng đi!
Vừa nói Quân vừa đưa tay giựt lấy cái túi xách trên tay Xuân Thu. Chàng vội xắn quần thoăn thoắt  trèo lên cây măng cụt. Chàng như một con khỉ đu nhanh từ cành này sang cành khác.
Đứng dưới đất nhìn lên, Xuân Thu lo sợ lên tiếng:
-Nguy hiểm lắm đó anh, anh hãy chọn những cành lớn và nắm cho chắc chắn nhé. Rủi ro có bề gì là em ân hận suốt đời đó.
Từ trên cây măng cụt, Quân tươi cười đáp lời:
-Xuân Thu đừng lo, tôi là tay leo trèo từ hồi còn nhỏ, trèo cây cũng có hạng lắm, không thể dễ dàng té ngã như Xuân Thu lo sợ đâu. Chà trên này trái nhiều lắm, mới đây mà đã hái đầy túi rồi đó. Xuân Thu lấy cam quít ra khỏi rổ đi, để rổ xuống đất và tránh xa ra để tôi thả trái măng cụt xuống rổ nhé!
Mốt lát sau, Xuân Thu lảnh lót cất lên:
-Thôi đã đầy rổ rồi anh à. Anh đừng trèo lên cao nữa, em thấy nguy hiểm quá. Anh hãy trèo xuống đi. Anh cứ mải mê hái làm em lo sợ cuống cuồng đó!
Vừa nói, Xuân Thu để hai tay lên ngực, nàng ngước nhìn lên với ánh mắt đầy vẻ lo lắng sợ sệt...
Từ trên cao nhìn xuống, Quân thấy lòng cảm động trước người con gái xinh xắn đáng yêu đang lo lắng cho mình. Chàng nhanh nhẩu trèo xuống liền. Vì sơ ý khi nhảy xuống đất, chân chàng vướng một cành cây nhô ra, làm ống quần Quân rách cái soạt. Một vết sướt ở chân rỉ máu. Xuân Thu cuống cuồng xuýt xoa:
-Anh ngồi tạm xuống đây đi. Em chạy vào nhà lấy thuốc ra xức cho anh nhé!
Không để Quân kịp trả  lời,  Xuân  Thu  vội  vã  chạy nhanh vào nhà. Một lát sau, trên tay nàng đã có hủ thuốc sát trùng, bông gòn, băng keo. Nàng vội vã chạy ra chỗ Quân đang ngồi. Xuân Thu nhanh nhẹn chùi rửa vết thương, nhẹ nhàng xức thuốc. Nàng lo sợ Quân bị rác nên cúi mặt xuống sát vết thương, miệng nàng không ngừng thổi lên vết trầy. Một lát sau Xuân Thu lên tiếng:
-Xuân Thu thật đáng tội lắm, thích ăn măng cụt làm chi để anh phải trèo lên hái. Anh phải bị trầy chân sướt da như thế này? Có đau lắm không hả anh? Em xin lỗi anh nhé!
Quân rất cảm động trước sự lo lắng của Xuân Thu. Để Xuân Thu yên lòng, chàng cúi mặt xuống, đưa hai tay ra đặt lên bàn tay của Xuân Thu ôn tồn trấn an nàng:
-Không có gì đáng lo cả, chỉ trầy sướt ngoài da chút đỉnh thôi. Chỉ tại anh sơ ý chớ có phải tại Xuân Thu đâu! Em hãy yên lòng đi em, đừng bận tâm lo lắng thái quá nữa!
Quân thốt ra tiếng “ em ” nghe thật êm ái nhẹ nhàng và hơi nóng từ bàn tay của chàng chuyền sang tay nàng. Mặt Xuân Thu ửng đỏ. Nàng bối rối muốn giựt tay mình ra khỏi bàn tay của Quân, nhưng nàng lúng túng không làm được. Riêng Quân bồi hồi xúc động khi da thịt hai người khác phái chạm vào nhau. Chàng lạc giọng:
-Xin lỗi em. Anh thiệt có lỗi nhưng ý tưởng của anh không thoát khỏi tiếng gọi của con tim mình thúc giục.

 Phải nợ duyên từ ngàn năm không nhỉ?
 Mới gặp nhau như thân thiết lâu rồi
 Hạnh phúc nầy... mơ ước cả đời tôi,
 Sung sướng quá được gặp người trong mộng.

Một thoáng rung động hé mở trong trái tim người trinh nữ. Rồi một luồng nóng đột ngột chạy ran khắp người, mặt Xuân Thu đỏ bừng như vừa uống một ly rượu mạnh, nàng e thẹn cúi xuống tránh cái nhìn tha thiết đượm tình nồng ấm của Quân đang chăm chú nhìn nàng. Xuân Thu dùng dằng định rút tay lại chạy trốn tình yêu bất ngờ chợt đến. Bỗng Quân nắm chặt tay nàng kéo mạnh, bị mất thăng bằng, Xuân Thu ngã vào người Quân gọn lỏn. Vòng tay Quân nhẹ nhàng thắt chặt, không cưỡng lại được ma lực của tình yêu đang bốc cháy. Quân cúi xuống sát mặt Xuân Thu thăm dò:
-Em! Anh yêu em tha thiết Xuân Thu à!
Xuân Thu nhắm nghiền đôi mắt, nàng ngước mặt lên chờ đợi... Một nụ hôn vội vã nhưng không kém phần nồng ấm đặt lên đôi môi thắm hồng của Xuân Thu đang hé mở. Vị ngọt tình yêu đầu đời đến với hai trái tim đang mở rộng đón nhận. Qua cơn xúc cảm đầu tiên, Quân còn tham lam hôn tới tấp lên mặt lên môi Xuân Thu. Sửa lại dáng ngồi, nàng nhỏ nhẹ trách yêu Quân:
-Anh tham lam quá, làm em muốn ngộp thở luôn.
Nàng nhìn xung quanh ra dáng mắc cỡ, giọng nói nhẹ nhàng như cơn gió thoảng:
-Bà ngoại em biết được thì chết đấy!
Quân tươi cười âu yếm lên tiếng:
-Em yên trí đi. Anh vẫn nghe bà em và  bà  anh  ước nguyện với nhau làm sui gia đó. Nay biết chúng mình yêu nhau, chắc hai bà sẽ vui mừng cho mà coi...
...Tình yêu hai người được suông sẽ như diều gặp gió, cứ bay lên cao mãi. Theo sự ước hẹn của hai bà muốn kết hợp cho hai đứa cháu thân yêu của họ kết tóc xe duyên. Những ngày nghỉ hè của Xuân Thu và Quân là những ngày đẹp nhứt của hai kẻ yêu nhau tha thiết.
Một sáng tinh sương, tay trong tay, Quân dìu Xuân Thu đi dạo quanh bờ biển. Dấu chân hai kẻ yêu nhau in rõ mồm một trên bãi cát trắng xóa. Hai người nhìn cảnh bình minh vừa ló dạng cuối chân trời. Xa xa mặt trời lấp ló sau rạng núi xanh thẳm. Nó từ từ lên cao như hình rẻ quạt. Ánh sáng lên cao, cao mãi rồi trãi rộng khắp mặt biển bao la. Những tia nắng vàng hòa nhập với sóng bạc nhấp nhô quyện vào như ôm nhau khiêu vũ trên mặt biển xanh. Ánh sáng ban mai nhảy múa trên mái tóc đen huyền của Xuân Thu như một vầng hào quang chiếu sáng làm cho khuôn mặt nàng duyên dáng thêm lên... Hai người ngồi dựa vào nhau dưới gốc cây dừa, cùng ngắm mây nước bao la, trời cao, biển rộng mà tâm hồn cảm thấy thơi thới. Từng đôi chim vỗ cánh bay lên như đi tìm một tổ ấm cho tình yêu đôi lứa. Xuân Thu ngồi nhỏm dậy, nàng lên tiếng đề nghị với Quân:
-Chúng ta đi lượm vỏ ốc, vỏ sò, đá sỏi đẹp để vào lon hủ làm kỷ niệm anh nhé!
-Chúng ta cùng thi nhau nhặt. Ai nhặt nhiều và đẹp thì sẽ được thưởng!
-Anh nói cho em nghe được thưởng gì nào?
      -Bí mật, khi đó sẽ biết!
-Anh đừng có ăn gian, đừng có xí gạt em. Chắc lại là những nụ hôn tình tứ chứ gì. Em thua hay thắng gì anh cũng được hôn em mà thôi. Anh khôn quá hà!
-Thế em có chịu không nào?
-Em hỏng chịu đâu!
Vừa nói Xuân Thu vừa vụt chạy để né tránh nụ hôn của Quân đang vờn tới. Hai người lại được dịp rượt đuổi nhau trên biển vắng với khí hậu ban mai trong lành mát dịu.
Trưa đến, họ dìu nhau ra vườn cây hóng mát. Vừa nhâm nhi vị chua ngọt của trái cây đủ loại. Chiều chiều hai người lăn xăng nhặt rau, hái bầu bí hay ngồi câu cá ở bờ sông trước nhà, hoặc ao hồ trong vườn để chuẩn bị cho buổi ăn tối. Cơm nước xong, hai người phụ nhau dọn rửa. Hai mái đầu chụm vào nhau cùng ngồi ngắm trăng xuyên qua kẽ lá. Tay trong tay mắt trong mắt, họ cùng hoạch định một tương lai tốt đẹp cho tình yêu đôi lứa. Quân lên tiếng trước:
-Anh đang học luật, nhưng tình hình chiến sự ngày càng quá sôi động khắp nước. Có lẽ anh sẽ bị gọi nhập ngũ một ngày gần đây thôi. Chắc rồi anh phải gác bút nghiên theo tiếng gọi của non sông. Em nghĩ sao?
-Chúng mình sinh ra trong thời chiến. Mỗi người một tay góp vào công cuộc chung để xây dụng nước nhà. Anh là trai phải tòng quân diệt giặc. Em ủng hộ anh hết mình.
-Thế thì anh sẽ vui vẻ hăng hái lên đường khi có lệnh gọi nhập ngũ.
-Anh cứ yên tâm thi hành nghĩa vụ. Em tuy là phận gái, nhưng không vì thế mà em làm chùng bước chí nam nhi của anh  đâu. Em sẽ hỗ trợ anh hết mình!
Tình yêu của hai người vẫn đẹp như một bài thơ theo tháng ngày trôi qua. Gia đình hai bên vẫn un đúc cho tình yêu của họ ngày một mặn mà hơn lên. Xuân Thu đã ra trường và làm ở Bộ Canh Nông.
Sau chín tháng ở quân trường Thủ Đức, Quân ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy. Quân hòa nhập với cuộc sống trước mắt. Chàng xông pha ra chiến trường, ngày đêm đối diện với quân thù. Với bầu hiệt huyết trong người, chàng lăn xả chiến đấu không ngừng nghỉ. Được sự khuyến khích của người yêu, Quân càng hăng say hơn trong nhiệm vụ được giao phó. Tình yêu của hai người chín mùi sau thời gian dài tìm hiểu, yêu thương nhau. Một hôm được nghỉ phép, hai người vui vẻ đi chơi ngoài trời. Quân ôm người yêu vào lòng âu yếm bàn bạc:
-Anh muốn đưa ba má anh đến thưa chuyện với ba má em để xúc tiến việc hôn nhân của chúng mình. Trước tiên, chúng mình làm lễ đính hôn cho danh chánh ngôn thuận nghe em!
Xuân Thu gục mặt vào lòng người yêu khẽ đáp:
-Anh muốn thế nào em cũng vui vẻ chấp nhận. Em vui vẻ bằng lòng hết.
Lòng tràn đầy sung sướng, Quân nâng mặt Xuân Thu lên đặt một cái hôn nồng thắm lên môi người yêu đang hé mở.
      Quân nhìn sâu vào đôi mắt người yêu, chàng ôn tồn lên tiếng:
-Em có ân hận khi chấp nhận làm vợ anh không? Đời lính vốn nhiều bất trắc, lắm gian khổ. Cái chết lúc nào cũng cận kề trong gang tấc. Làm vợ lính, em luôn luôn phải khắc khoải lo âu, trông chờ mòn mỏi ngày đêm!
Xuân Thu không né tránh ánh mắt của Quân đang chăm chú nhìn mình. Nàng mạnh dạn thố lộ tâm tư qua ánh mắt và lời nói dứt khoát:
-Dù với hoàn cảnh nào đưa đến, em nguyện sẽ vượt qua tất cả và nguyện giữ trọn lòng yêu thương anh suốt đời.
Không ngờ lời hứa hẹn thủy chung của Xuân Thu có dịp được nàng thực hành khi đất nước đến hồi mạc vận. Cuối tháng tư  năm 1975, Việt Cộng tiến chiếm Niềm Nam Việt Nam tự do, Quân cũng như hàng vạn sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa bị lùa vào trại tập trung cải tạo. Với cương vị người vợ chưa cưới, Xuân Thu đã bền lòng son sắc đi thăm nuôi người yêu rồng rã sáu bảy năm trời với bao gian khổ cùng cực vây quanh đời nàng.
Xuân Thu không phấn đấu sao được, khi đất nước bị đổi thay, cuộc sống ngoài xã hội cũng như trong gia đình biết bao là khó khăn đang chờ đón trước mắt. Gia đình nàng thuộc thành phần tư sản, chỉ vì ba má Xuân Thu là người thành công trong mua việc bán làm ăn. Khi tiếp thu Sài Gòn, kẻ cầm quyền đã làm khó dễ gia đình Xuân Thu đủ điều. Ba má nàng bị họ gọi lên gọi xuống với bao lời lẽ hăm he đe dọa:
       -Gia đình ông bà thuộc thành phần tư sản mại bản. Phải được cải tạo và phải đi vùng kinh tế mới để quen với lao động chân tay. Bao lâu nay ông bà đã sống sung sướng, làm giàu trên xương máu của nhân dân. Như vậy ông bà đã có nợ máu với nhân dân rất lớn. Nay là cơ hội tốt để cho ông bà chuộc lại bao tội lỗi của mình đối với nhân dân nghèo khổ. Ông bà nên tình nguyện đi vùng kinh tế mới mà sống, đừng để chúng tôi cưởng bức đấy nhé!
Nhà cầm quyền cách mạng đã tịch thu nhiều tài sản, công ty của cha mẹ Xuân Thu. Còn lại căn nhà cuối cùng, họ cũng muốn đuổi gia đình Xuân Thu đi nốt để chiếm trọn tài sản. Nhưng gia đình Xuân Thu bị dồn đến đường cùng nên đâm ra gan lỳ, chịu trận. Cả nhà bàn bạc với nhau tìm cách đồi phó với kẻ quyền thế. Ba Xuân Thu lên tiếng trước:
-Gia đình mình giờ đã trắng tay. Ở lại thì bị khó dễ, mà đi kinh tế mới thì chết sớm hơn thôi. Trong gia đình ta không ai quen biết với ruộng vườn, cày sâu cuốc bẫm.
Mẹ Xuân Thu gạt nước mắt bệu bạo nói:
-Đi cũng chết, ở lại cũng chết! Thôi thì mình cứ ở lỳ lại trong căn nhà nầy để nếu có chết cũng được chết ngay trong nhà của mình cũng mát lòng hả dạ.
Chị em Xuân Thu tranh nhau lên tiếng. Chị Xuân Mai thở dài, quay sang xuống giọng nói với Xuân Thu:
-Xuân Thu! Chị thấy thằng công an phường coi bộ nó mết em lắm đó. Hắn ta cứ kiếm cớ tới lui nhà mình hoài. Vậy em nên hy sinh tình cảm của em, tiến tới với  nó để cứu vớt gia đình mình trong lúc khốn cùng này nghe  em?
Xuân Thu vừa khóc mếu máo vừa trả lời chị:
-Em dù chưa thành hôn với anh Quân, nhưng chúng em đã thương nhau thật tình, và chúng em đã đính hôn với nhau rồi. Tuy chưa cưới, nhưng từ lâu em vẫn tự coi em là vợ của anh Quân rồi. Em thề một lòng một dạ son sắc với chàng dù bất cứ hoàn cảnh nào em cũng không thể ôm cầm sang thuyền khác. Hơn nữa công an là thành phần hoàn toàn đối nghịch trên mọi phương diện với gia đình mình và nhất là không cùng chung lý tưởng với em. Em không thể nâng khăn sửa túi cho hắn ta được!
-Em thử đưa đẩy miệng lưỡi cho qua ngày qua tháng với hắn ta thôi, đâu có mất mát gì hả em!
-Em chịu thôi! Em không thể như Diêu Thuyền chị à!
Xuân Mai mắt đầy ngấn lệ, hết nhìn Xuân Thu lại nhìn em gái út Xuân Hương, nàng thở dài tâm sự:
-Xuân Thu đã một lòng giữ tiết hạnh, nguyện son sắc với hôn ước, với người chồng tương lai. Hai chị em mình phải cố gắng chống chèo con thuyền gia đình thoát qua được cơn bão tố nầy nghe em Xuân Hương?
Ngừng lại một phút, Xuân Mai liếc nhìn Xuân Hương, nàng xuống giọng nhỏ nhẹ:
-Chị em mình chưa có hôn ước với ai. Chưa đặc nặng tình cảm với một người nào hết. Chúng mình mãi kén chọn bạn tri âm tri kỷ, cùng chung lý tưởng, cùng chí hướng để xây dựng hạnh phúc chung thân. Nên chị em mình vẫn còn đôc thân. Chị em mình  cũng  mắt  phượng mày ngài không kém ai. Chúng mình cũng lắm ong bướm rập rình dòm ngó. Tụi nó cũng có chức có quyền của chế độ mới. Thôi thì mình dù không chịu cũng vui vẻ bải bôi ngoài mặt. Chúng mình đừng từ chối quyết liệt mà hại cho cha mẹ và gia đình. Chị em mình cố níu kéo lây lất, đừng để cha mẹ phải đi vùng kinh tế mới nghe em!
Xuân Hương cúi mặt, nàng e dè lên tiếng:
-Em rất thương cha mẹ. Đây là dịp em đem tài sức ra để bảo vệ gia đình mình khỏi khổ cực. Nhưng chị đừng lo, em không bán rẻ tương lai, nhân phẩm của mình đâu.
      “ Lời nói không mất tiền mua,
         Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau ”
    Thế rồi qua bao sóng gió bão bùng ập tới, rồi với tài khéo léo ăn nói, mua chuộc của Xuân Mai và Xuân Hương, gia đình Xuân Thu được ở lại căn nhà duy nhứt còn lại một cách êm thấm. Được thể, họ cùng nhau mở tiệm tạp hóa và tiệm cà phê sống đắp đổi qua ngày dưới sự quán xuyến khôn ngoan của mấy chị em Xuân Thu.
Cũng như bao nhiêu người vợ tù “ cải  tạo ”, Xuân Thu đi thăm nuôi người yêu suốt sáu bảy năm trời ròng rã. Nàng chấp nhận mọi gian khổ trong việc đi thăm nuôi. Nàng đã trèo non, lội suối, gồng gánh quà nhân ngãi không bỏ sót một đợt nào để được diện kiến với vị hôn phu trong tù.
Sau thời gian dài “ cải tạo ”, Quân được tạm tha về. Quân với thân tàn ma dại, nay đau mai ốm. Chàng  được Xuân Thu tiếp tay với gia đình, tận tình lo chạy chữa thuốc men. Xuân Thu gởi trọn tấm lòng tràn đầy tình yêu nồng thắm không một chút suy suyển cho Quân . Khi sức khỏe chàng đã được hồi phục, mặc dầu tương lai của Quân hết sức đen tối, nhưng Xuân Thu vẫn chấp nhận làm đám cưới với Quân trong đạm bạc thiếu thốn.
Trời cũng còn thương cho hoàn cảnh hết sức khốn khó của vợ chồng Quân. Cũng như một số đông gia đình người tù “ cải tạo ”, vợ chồng Quân được chính phủ Mỹ cho định cư trên đất Mỹ theo diện H.O. Với bào thai mới tượng hình trong bụng, Xuân Thu sang Mỹ một thời gian thì nàng hạ sanh được một bé trai. Vợ chồng Quân sung sướng đặt tên Quang cho con. Gia đình Quân hội nhập với xã hội Mỹ sau một thờ gian ngắn. Chàng đã đi làm, đời sống gia đình tạm ổn định. Xuân Thu nhìn hạnh phúc gia đình mình, nàng chạnh nhớ đến hoàn cảnh đáng thương của cô bạn tên Xuân Hiểu còn lại ở quê nhà mà ngậm ngùi chua xót...
                                     ***
...Xuân Hiểu sinh ra trong một gia đình trung lưu. Ba má Xuân Hiểu sinh sống với đồng quê ruộng lúa. Hàng ngày ba má nàng phải đổ biết bao mồ hôi khổ nhọc để vun xới cho ruộng lúa, nương khoai. Ngay từ thuở thơ ấu, Xuân Hiểu sống trong khung cảnh hoa đồng cỏ nội. Cuộc sống của nàng được bao bọc trong lũy tre xanh với hàng dừa cao vót, đầy hương thơm của hoa bưởi, hoa lài, hoa lý ...Ba má của Xuân Hiểu chân lấm tay bùn, nhưng vẫn cố gắng nuôi nàng ăn học. Ba của Xuân Hiểu sau giờ làm lụng vất vả ở ruộng lúa về nhà hay bàn bạc cùng vợ:
-Gia đình mình vốn là nhà nho lỡ thời. Vì cuộc sống gia đình nên phải trải dài trên mấy thửa ruộng khô cằn sỏi đá. Đôi tay vợ chồng mình đã chai cứng. Mình đã đem biết bao sức lực, mồ hôi nhễ nhại mới đầy được nồi cơm.
Hít mạnh điếu thuốc lào, ông chậm rãi tiếp lời:
-Bà à! Bấy lâu nay cuộc sống của vợ chồng mình khổ cực đã quen rồi. Giờ mình hy sinh thêm chúng nữa nuôi cho con Xuân Hiểu ăn học thành tài. Mong nó được ấm thân sau nầy và chúng mình được nở mặt, nở mày với bà con chòm xóm.
Gật gù bà Bảy hưởng ứng lời chồng mới nói ra, bà gọi Xuân Hiểu ra chỉ dạy:
-Con ráng cố gắng học hành. Ba má rất kỳ vọng ở tương lai của con sau nầy đó.
-Thưa ba má, con cám ơn ba má rất nhiều. Ba má đã một đời tận tụy hy sinh làm lụng nuôi cho con ăn học. Con nguyện sẽ cố gắng học hành đỗ đạt để cho ba má vui lòng mát dạ.
Xuân Hiểu tập trung vào việc học, nàng không hề xao lãng. Sau mấy năm miệt mài sách vở, Xuân Hiểu đã tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm. Bây giờ Xuân Hiểu là cô giáo trẻ của trường quận Phú Khương tỉnh Tây Ninh. Cuộc sống gia đình nàng  thoải mái hơn.  Nàng  dạy  học được một năm thì quen với Thiếu úy Hoàng. Cuộc tình của đôi trai tài gái sắc kéo dài cả năm. Tình yêu của đôi thanh niên nam nữ được sự bằng lòng của gia đình hai bên. Ba má Xuân Hiểu rất vui lòng và thương mến tánh tình nhân hậu của chàng rể tương lai. Mẹ Xuân Hiểu hay lên tiếng thúc giục nàng:
-Con liệu cho thằng Hoàng tiến tới hôn nhân để mẹ sớm có cháu ngoại ẫm bồng. Con gái chỉ một thời thôi con à. Con đã hai mươi lăm tuổi rồi chứ không phải còn nhỏ đâu đấy nhé, sớm lấy chồng đi nghe con!
-Thưa má, con muốn đi dạy học thêm một thời gian nữa để giúp đỡ gia đình. Con lấy chồng rồi có con sẽ xao lãng việc phụng dưỡng cha mẹ già đi.
Ba Má Xuân Hiểu sung sướng tươi cười nghe lời nói chí tình chí hiếu của cô con gái cưng yêu. Mẹ Xuân Hiểu âu yếm nhìn con nói:
-Ba má rất thương con, việc hạnh phúc đời con do con định liệu. Nhưng ba mẹ không muốn con kéo dài cuộc sống đọâc thân nữa.
Thế rồi một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam xảy ra. Miền Nam Việt Nam đã bị Việt Cộng xâm chiếm hoàn toàn. Những sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị lường gạt đưa vào các trại khổ sai ngụy danh dưới mỹ từ “ trại học tập cải tạo ”. Thiếu Úy Hoàng không thoát khỏi trại cực hình ở hạ giới đó.
Xuân Hiểu vẫn một lòng son sắc với Hoàng, dù họ chưa có một sự ràng buộc nào qua lễ nghi. Nàng thường xuyên đi thăm nuôi người  yêu. Nàng  đã  cực  khổ  băng rừng lội suối trải qua bao đoạn đường gian khổ gồng gánh quà cáp tiếp tế cho người yêu đang đói khổ trong ngục tù “ cải tạo ”. Tương lai của Hoàng mịt mù đen tối. Nhưng không vì thế mà nàng chùng bước. Tình yêu của nàng dành cho Hoàng vẫn còn đầy ấp trong tim. Những lời hứa hẹn của hai kẻ yêu nhau tha thiết như vẫn văng vẳng đâu đây. Nàng không bao giờ quên Hoàng với những chuỗi ngày yêu thương nồng thắm, những nghĩa cử ân tình vẫn còn đầy ấp trong tim...
Xuân Hiểu là một cô giáo trẻ đẹp, duyên dáng,  hiền lành, đoan trang có nhiều chàng trai mơ tưởng ngày đêm. Trong đó có lắm kẻ quyền cao chức trọng của xã hội bây giờ đang đeo đuổi. Ba má Xuân Hiểu rất băng khoăn lo lắng trước hoàn cảnh hiện tại. Ba nàng nghiêm nghị lên tiếng:
-Con đã khôn lớn rồi, ba má cũng rất thương thằng Hoàng, nhưng nay nó đang ở trong trại tập trung cải tạo không biết ngày nào được thả về. Con tính chờ đợi nó hay sao?
Bà Bảy chậm rãi lên tiếng:
-Con với thằng Hoàng cũng chưa có hôn ước gì ràng buộc cả. Con chờ đợi biết đến ngày nào nó mới được thả ra? Con gái chỉ được một thời son sắc thôi con à. Bây giờ con thấy ai ý hiệp tâm đầu, bảo đảm được cuộc sống. Con nhận lời quách cho yên chuyện, chứ nhiều người đeo đuổi theo con làm mẹ cũng sợ lắm điều phiền phức khó dễ xảy ra cho gia đình mình con à!
      Đôi mắt trầm tư, Xuân Hiểu nhỏ nhẹ thưa cùng cha mẹ nàng:
-Thưa ba má, ngay từ nhỏ ba má đã dạy con đạo lý làm người. Không tham phú phụ bần. Con cũng đã thấm nhuần đạo lý nghĩa nhân và biết tôn trọng chữ tín làm đầu. Những bài con giảng hằng ngày cho học sinh, cũng như trong tiềm thức con đã hằn sâu lời dạy của thầy cô cũng như của ba mẹ; một sớm một chiều không dễ gì phai nhạt trong lòng con đâu ba má à!
Với nét mặt u buồn khó tả, Xuân Hiểu thở ra một hơi dài, nàng lấy sức thưa chuyện tiếp với ba má của nàng:
-Tuy con và anh Hoàng chưa có lễ hôn ước, nhưng trước đây chúng con đã thề non hẹn biển. Dầu hoàn cảnh nào, chúng con cũng nguyện sống chết bên nhau đến trọn đời, không bao giờ thay lòng đổi dạ. Nay anh ấy vì hoàn cảnh đất nước đổi thay, phải lâm vào cảnh tù tội. Trường hợp của anh ấy đáng thương hơn đáng trách. Bỏ anh ấy lúc nầy thật đáng cho đời nguyền rủa, khinh khi không ít. Anh Hoàng đâu có tội tình gì mà phải nhận lấy sự lạnh nhạt của người tình. Gia đình mình không thể có thái độ lạnh nhạt với anh ấy trong lúc nầy được. Theo con, gia đình mình cần phải giăng tay ra nâng đỡ, an ủi anh ấy trong hoàn cảnh đau thương nầy mới phải. Mình cần  cho anh ấy có một niềm tin vào ánh sáng tương lai.
Ngập ngừng một lát. Xuân Hiểu mạnh dạn thưa chuyện tiếp:
-Sẵn dịp ba má đề cập tới anh Hoàng, con xin trình bày ra cho ma bá  biết  ý  định  của  con  luôn.  Nhân  kỳ thăm nuôi vừa rồi, con đã bàn bạc với anh Hoàng là tụi con sẽ tiến hành đám cưới trong một ngày lành tháng tốt gần nhất. Xin Ba má cho phép gia đình anh Hoàng bước tới nói chuyện cưới xin cho xong chuyện.
Bà Bảy ngạc nhiên, trố mắt nhìn cô con gái nói:
-Bộ nó sắp được thả ra rồi hay sao mà tính chuyện đám cưới vậy hả con?
-Thưa ba má, để con được trọn tình với anh Hoàng, con yên tâm đi thăm nuôi anh ấy và khỏi bị nhiều kẻ đeo đuổi quấy rầy tình cảm của con. Hai gia đình cứ tổ chức đám cưới cho chúng con mặc dầu không có chú rể tham dự. Con muốn thế cho êm chuyện và được danh chánh ngôn thuận khi đi thăm nuôi anh ấy trong tù.
Nỗi buồn hiện rõ trên gương mặt, Bà Bảy lên tiếng:
-Con điên rồi hay sao mà tính chuyện thiệt thòi cho mình như thế. Vì quá thương con, Má không bằng lòng đâu. Tương lai con sẽ như thế nào khi làm vợ một thằng tù không bản án, chẳng biết ngày nào nó được thả ra. Tương lai của nó thật quá mù mịt con à!
Ông Bảy chậm rãi lên tiếng:
-Bà à, con nó tính như vậy nghe cũng phải lắm. Gia đình mình tuy nghèo, nhưng rất tôn trọng chữ tín và lễ nghĩa. Từ trước kia, chúng nó dù chưa có hôn ước. Nhưng thằng Hoàng cũng thường xuyên lui tới nhà mình.  Vợ chồng mình cũng đã vui vẻ coi nó như rể con trong nhà rồi. Tính tình Quân rất tốt. Nó bị tù vì thời cuộc thay đổi. Nó đâu có tội tình gì cho cam. Mình đừng dồn nó vào bước đường cùng mà trái với  đạo  lý  làm  người đó bà! Mình thương nó không hết, làm sao mình có thể ngảnh mặt làm ngơ được…Mình nên vui vẻ chấp nhận lời đề nghị chí tình của con, Chúng nó còn quá trẻ, chúng nó có nhiều thì giờ chia xẻ ngọt bùi, cay đắng với nhau. Mình già rồi, không biết chết lúc nào. Mình đừng lấy quyền làm cha làm mẹ mà cản trở việc hôn nhân đại sự của chúng nó nữa bà à!
Bà Bảy buông tiếng thờ dài, miệng lẩm bẫm:
-Cha con ông một lòng một dạ với nhau. Ông nói vậy, tôi phải nghe thôi. Con người ai cũng có số mạng cả. Chúng nó thương nhau, đã quyết định đi tới hôn nhân thì may nhờ rủi chịu. Sau nầy có bề gì, chúng sẽ không oán trách mình đã chen chân vào việc hôn nhân đại sự của chúng...
Thế rồi hai gia đình Xuân Hiểu và Hoàng đã vui vẻ tổ chức một đám cưới rất đơn giản không có chú rể. Xuân Hiểu vẫn còn đi dạy học. Nàng tiếp tục chăm sóc cha mẹ và lặn lội đi thăm chồng. Hoàng vì sức khỏe yếu kém nên được thả ra sớm. Mừng vui chưa hết, Xuân Hiểu đã bị cho nghĩ dạy vì là vợ của sĩ quan “ Ngụy ”. Gần ba năm khốn khổ, ốm đau trong trại tù “ cải tạo ”, Hoàng được tha về nhà. Nhờ sự tận tình chăm sóc thuốc thang của vợ, bịnh tình của Hoàng sớm được hồi phục nhanh chóng. Hoàng bàn cùng vợ:
-Là người dân hiện nay, ai ai cũng phải nghèo khổ dưới chế độ hà khắc của Cộng Sản. Sống trong hoàn cảnh nầy, mình phải chấp nhận thôi em à.
Từ khi bị nghỉ dạy, chồng hết đau, Xuân Hiểu và Hoàng bày ra làm lò bún bán cho bà con thiên hạ. Thương cảm trước hoàn cảnh hai vợ chồng cô giáo Xuân Hiểu, nên bà con xóm làng ai cũng ủng hộ nhiệt tình. Bún không đủ  bán vì việc mua gạo ngày càng khó khăn.  Vợ chồng Xuân Hiểu chuyển sang làm công cho lò mì. Việc làm nầy có mùa, nên chẳng bao lâu lại đổi sang nghề nấu rượu, lấy hèm nuôi heo. Hai vợ chồng xoay trở đủ nghề để kiếm tiền nuôi con ngày một khó khăn, nhưng con thì càng ngày càng sanh sản đông thêm. Chẳng mấy năm mà Xuân Hiểu và Hoàng đã có với nhau bốn đứa con. Việc làm không đào đâu ra để kiếm chén cơm, củ khoai, củ sắn cho con ăn đỡ dạ sống qua ngày. Vợ chồng Xuân Hiểu buồn rầu lo lắng vô cùng...
Một hôm Hường, cô bạn thân thuở còn đi học, có chồng sống ở Sài Gòn, về quê Tây Ninh thăm gia đình. Nàng nghe hoàn cảnh bi đát của Xuân Hiểu, Hường nói:                  -Vợ chồng Xuân Hiểu nên thu xếp đi về Sài Gòn tìm bất cứ việc làm gì cũng được, may ra có chén cơm manh áo nuôi con...
 Sau bao nhiêu ngày bàn tính, thảo luận. Vợ chồng Xuân Hiểu được đứa em gái hứa hẹn:
-Em sẽ giữ giúp giùm bốn đứa cháu, anh chị rảnh tay đi Sài Gòn tìm việc làm trước xem sao?
Hường lại hứa bước đầu, sẽ cho hai vợ chồng Xuân Hiểu tạm trú đỡ trong căn nhà chật chội của gia đình nàng một thời gian để đi tìm việc làm. Sự hứa hẹn của Hường như một sức mạnh thôi thúc vợ chồng Xuân Hiểu mạnh dạn tiến bước... Với ý chí sắt đá của hai con người đầy nghị lực như Hiểu và Hoàng, vợ chồng Hiểu quyết định đi Sài Gòn tìm  việc  làm. Họ đi tìm  sự  sống  trong tuyệt vọng.
Vững lòng tin ở mình, Xuân Hiểu lên tiếng với chồng:
-Anh nói đúng. Xứ phồn hoa đô thị có khối việc làm. Miễn mình không câu nệ, luôn chịu khó, chịu cực. Mình quên cái mình trước năm bảy mươi lăm để lăn xả bon chen với đời, lo cho tương lai con cái sau này may ra sẽ khá hơn...
Với giọng đầy thương cảm, Hoàng vuốt tóc Xuân Hiểu thở dài nói tiếp:
-Tội cho em quá, em đã vì thương anh mà chuốc lấy lắm điều đau khổ. Em đã hy sinh quá nhiều cho tình yêu của chúng mình. Đất nước đổi thay, anh vướng vào cảnh tù tội với tương lai đen tối mịt mù trước mắt. Thế mà em vẫn giữ một lòng chung thủy với anh. Vì lấy anh, em mất việc dạy học. Một nghề cao quý của em để phải lao vào lao động chân tay khổ cực mà không đủ ăn. Anh thương em vô cùng, nhưng anh chẳng biết phải làm sao để thật xứng đáng với tình yêu của em!
 Xuân Hiểu đưa tay bịt miệng chồng, nàng nhỏ nhẹ đáp:
-Anh đừng than thân trách phận, đừng buồn rầu  nữa anh à. Sông có khúc, người có lúc. Em hy vọng ngày mai cuộc sống của gia đình mình sẽ khá hơn. Nhưng dù gì em cũng chấp nhận tình yêu nồng thắm của chúng mình. Tuy với hai bàn tay trắng, không sự nghiệp, nhưng nhân phẩn con người của anh cao cả lắm. Em không hối hận đã chọn anh  làm  chồng.  Trước  mắt, chúng  ta  lo  kiếm việc làm để lo cho con cái, dù cực khổ cỡ nào em cũng cam lòng. Anh đừng nản lòng,  nản chí nghe anh!
Thế rồi hai vợ chồng Hoàng nhờ bạn bè quen biết giới thiệu nên đã tìm được việc làm: -Hốt rác trên một tuyến đường nhỏ của quận Gò Vấp.
Khi có được việc làm chắc chắn, vợ chồng Hoàng tìm mướn một căn phòng nhỏ để tạm trú đi làm. Một năm sau, việc làm khá ổn định, Hiểu về quê rước thằng con mới mười sáu tuổi xuống phụ vợ chồng Hoàng mở rộng tuyến đổ rác.
Với bao nhọc nhằn chai đá, họ cố khắc phục vượt qua để lo cho các con ăn học. Họ có bốn người con, các con lớn chưa học hết bậc trung học là phải nghỉ học để phụ cha mẹ đi hốt rác. Trong số các con của Xuân Hiểu, có bé Lê Thị Yên Lan học rất giỏi. Gia đình nàng kỳ vọng vào tương lai của nó nên đã tập trung đầu tư cho nó học. Yên Lan học rất giỏi, vừa tốt nghiệp phổ thông, Yên Lan được đậu dự khuyết vào trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn. Theo quy định của nhà trường, những sinh viên đậu dự khuyết phải đóng tiền học phí gấp đôi các học sinh khác. Để được tiếp tục theo học, Yên Lan đành theo cha mẹ hốt rác vào những giờ nghỉ và nhận kèm trẻ tại tư gia vào buổi tối .
Anh Hoàng chỉ học tập “ cải tạo “ không được ba năm nên không đủ tiêu chuẩn đi qua Mỹ theo diện H.O. Thật tội nghiệp cho gia đình Hoàng và Xuân Hiểu. Nhưng số trời đã định biết than thở làm sao?   
Hai nàng Xuân cùng một  hoàn  cảnh  nay khốn khổ trong xã hội không còn tình người, đầy ấp bạo quyền và tham nhũng tràn lan. Hai nàng Xuân là hai người con gái trung trinh tiết liệt, một lòng cùng người yêu, không tham phú phụ bần. Cùng nhau yêu tha thiết, cùng nhau hy sinh cho hai anh lính chiến trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chẳng may phải sa cơ, lỡ vận. Xuân Thu trong đoạn kết của cuộc đời, còn được sống một cuộc sống đầy xán lạn trong xã hội văn minh tiến bộ nhứt hoàn vũ. Trong khi đó, người bạn cùng cảnh ngộ Xuân Hiểu vẫn phải sống cuộc đời âm u tăm tối nơi quê nhà. Xuân Thu chỉ biết nguyện cầu cho cuộc đời người bạn bất hạnh này sớm được xán lạn hơn nhờ vào thành quả của con nàng mang lại...Gần đây Xuân Thu nhận được thư Xuân Hiểu báo tin vui:
-Chính phủ hai bên đang cứu xét cho tất cả những quân nhân chế độ cũ được định cư ở Mỹ dù học tập chưa tới ba năm; với điều kiện họ bị quản chế một năm trở lện, hoặc có du học nước Mỹ trước đây. Hoàng được nằm trong thành phần  được cứu xét đó.
Xuân Thu nhận được tin vui của bạn, lòng nàng vui mừng vô hạn.... Xuân Thu đêm ngày cầu nguyện cho gia đình bạn Xuân Hiểu sớm được đến vùng đất hứa lập lại cuộc đời. Một ngày gần đây nước Mỹ lại mở vòng tay đón nhận và cưu mang  gia đình Xuân Hiểu cũng như tất cả những gia đình khác có đủ điều kiện tới Mỹ định cư...

Hoàn cảnh cuộc đời lắm lá lay?
Kẻ vui hết kiếp, kẻ ăn mày
Kẻ luôn chung thủy, người gian dối,
Cõi thế gian này ai giống ai?

Thương bạn làm sao, biết nói sao,
Cảnh đời ngang trái lắm nghẹn ngào.
Ta đây, người đó buồn hiu hắt,
Thương quá ai ơi, mắt lệ trào!

Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét