Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

NHỮNG ĐOẢN KHÚC NURSING HOME - Nguyễn Ninh Thuận

 Sau gần hai tháng chữa trị tại bệnh viện, bệnh tình chú Lịnh, chú của Loan vẫn không ngồi dậy đi đứng được và không được khả quan cho lắm. Bác sĩ đưa đến quyết định khi gặp người nhà của Loan “ Ông cụ vì tuổi già sức yếu, nên toàn thể cơ thể rất suy nhược. Chúng tôi sau một thời gian điều trị đã tìm ra căn nguyên, thời gian chữa trị rất lâu, chính sách Medicare không kham nổi trả tiền cho nhà thương. Vậy chúng tôi quyết định chuyển hồ sơ bệnh lý và cụ xuống nursing home ở Santa Ana điều trị. Tại đó Bác sĩ sẽ tiếp tục chữa tri. Nhân viên, y tá sẽ săn sóc tập luyện cho cụ từ từ đi đứng lại, nhưng với điều kiện chính đương sự phải hợp tác tích cực với nhân viên thì việc đi đứng mới tiến triển thuận lợi...
<!>
      Thế là sau đó chú Lịnh được chuyển đến Nursing Home điều trị. Bận rộn nhiều việc, nên mấy hôm sau theo địa chỉ người nhà cho biết, Loan mới lái xe đi thăm chú. Khu Nursing home nằm sát mặt đường, chỗ đậu xe rất khó khăn. Sau mấy vòng lái xe qua lại, nàng mới tìm được chỗ đậu xe. Bước vào văn phòng hỏi thăm, Loan được hướng dẫn lối đến phòng chú Lịnh một cách rõ ràng. Nàng đi qua một hành lang dài giữa hai dãy phòng, rồi quẹo phải mới đến phòng chú Lịnh bên trái... Tò mò Loan nhìn vào các phòng ăn, thấy các ông bà cụ đủ sắc dân, nào là Mỹ, Mễ, Đại Hàn, Phi Lục Tân, Tàu... và nhiều nhất vẫn là Việt Nam, ngồi trên những chiếc xe lăn, trước những bàn ăn đang chuyện trò, ăn uống. Thỉnh thoảng Loan bắt gặp những cử chỉ trìu mến, những ánh mắt thân thương của con cháu đang vỗ về hay đút từng muổng thức ăn cho các cụ. Loan tự nhủ “ Các cụ vào đây mà con cháu dành thì giờ đến săn sóc, thì cảm động quá! Chắc các cụ cũng được ấm lòng trước sự hiếu để của con cháu. Xứ Mỹ này vì sinh kế và không có điều kiện chăm sóc cho các cụ, thì ít nhất cũng phải thường xuyên đến thăm viếng các Người cho đở tủi tuổi già và bệnh tật ập đến là hay vô cùng!
    Qua đây, Loan nhớ đến một anh Bác Sĩ quen thân với ông anh của Loan tâm sự “ Tôi được nên vóc nên hình, học tới nơi tới chốn như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh vô bờ bến của mẹ tôi đã dành trọn cho tôi. Khi ba tôi mất sớm, mẹ tôi đã một đời buôn tảo bán tần nuôi tôi nên người, rồi lo cho tôi sang xứ Mỹ hít thở không khí Tự Do. Mẹ vừa là cha vừa là mẹ  đùm bọc nuôi nấng tôi mấy chục năm nay. Sau một thời gian tôi học hành thành tài, tôi ra làm việc, có địa vị danh vọng với đời.  Nay mẹ tôi đau ốm bệnh tật, tôi là một Bác sĩ, nên tôi có thể chăm lo thuốc than cho Người. Vì vậy tôi thu xếp công việc, tạm nghỉ một thời gian để phụng dưỡng mẹ già. Mẹ tôi như  ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào. Đây là dịp tôi làm phận sự người con trả ơn công sinh thành, dưỡng dục của Người để khỏi ân hận về sau. Vì thế dù làm bao nhiêu tiền, tôi tạm gác lại... Xứ Mỹ là xứ của cơ hội, nay mình tạm gác lại, rồi sau này khi tròn chữ hiếu mình tiếp tục làm cũng không muộn. To thuyền thì to sóng, chạy theo vật chất, biết mấy cho vừa lòng mình!  Mình cảm thấy đủ và yên ổn với suy nghĩ của mình là hạnh phúc rồi! Mỗi người có một cách sống riêng, như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã nói:
“Ta dại, ta tìm nơi dâm mát,
 Người khôn, người tìm chốn lao xao!”...
    Loan tròn mắt thán phục ý chí đạo hiếu của ông Bác Sĩ, bạn anh Hai của Loan với ý nghĩ “ Thời xưa theo tích Tàu mình học có các gương “Nhị Thập Tứ Hiếu” thì nay tại xứ Mỹ tất bật này với câu nói thường nhật “ Xứ của tiền bạc, của việc làm của những cái bills chờ thanh toán,  tình người thì khan hiếm. Nhưng đâu phải không có những gương hiếu hạnh mà mình mới bắt gặp?!”
     Mãi suy tư, Loan đi qua những cụ già bản xứ đang rên xiết trên những chiếc xe lăn cô độc, hay những cụ già như không còn sức sống nằm rũ xuống trên những cánh tay ốm yếu, già nua khẳn khiu...Những khuôn mặt ngơ ngác, tóc tai rũ rượi, tay chân buông xuôi, những đôi mắt thất thần... theo chân và ám ảnh Loan suốt quãng đường đến phòng chú Linh đưa nàng nhớ đến câu thơ của Nguyễn Công Trứ:
     “ Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
       Trần có vui sao chẳng cười khì?!...”
   Thật vậy, con người sinh ra là phải chịu không nhiều thì ít cảnh khổ ở đời...Nhỏ thì lo học, lớn lên lo làm ăn kiếm tiền để nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu gia đình được toại nguyện hạnh phúc thì dù chịu trăm đắng ngàn cay ngoài đời và trong việc làm cũng là người sung sướng. Nhưng nếu hoàn cảnh trớ trêu, không như ý, thì vui là vui tạm kẻo mà! Theo thời gian, đau ốm bệnh tật tuổi già kéo đến sồn sộc khi nào không biết! Nếu tuổi già có gia đình chăm sóc là phước đức ông bà để lại. Còn buồn nào hơn khi sống trong 4 bức tường chỉ biết nói chuyện với chăn mềm giá lạnh, cô đơn vây kín...Sống trong buồn tủi và rồi nhắm mắt xuôi tay, không có người thân bên cạnh cũng xong một kiếp người! Loan thở dài ngao ngán...
      Bước chân vào phòng, Loan bắt gặp một khuôn mặt hốc hác, tay chân khẳng khiu với những vết xanh tím đen trên tay ông chú thân yêu, đó là dấu tích những lần vô thuốc và nước biển. Chú nằm trên giường thiêm thiếp, mắt nhắm nghiền, miệng há hốc với hơi thở nặng nề. Nếu không nghe hơi thở yếu ớt, đứt quảng… thì đó chỉ là một con người hồn lìa khỏi xác mất rồi! Loan tần ngần đứng bên cạïnh giường, đưa đôi mắt nhìn chú xót xa. Yên lặng bao trùm căn phòng, khiến Loan nghe rõ tiếng nhịp đập của con tim mình. Mười phút nặng nề trôi qua, một bà đứng tuổi đẫy xe lăn  một người vào phòng. Loan tự nhủ “ Không biết bệnh nhân này là đàn ông hay đàn bà để mình tiện xưng hô và hỏi chào?!
    Thật vậy, một hình hài khô đét, tóc cắt ngắn, khuôn mặt xương xẩu với đôi mắt sâu hoắm như không còn sức sống trong bộ áo quần xanh rộng thùng thình của bệnh viện nằm rũ trên xe. Xe đến bên chiếc giường trống; Người đàn bà xốc nách đở bệnh nhân lên giường một cách khó khăn. Loan nhanh nhẹn bước tới phụ một tay với bà ta cho bệnh nhân nằm ngay ngắn. Sau khi ổn định, Loan lên tiếng bắt chuyện:
  -Xin lỗi, bà là người thân của bệnh nhân!
  - Dạ không phải, tôi chỉ là người trông coi bệnh nhân thôi! Trước đây, tôi ở trong chương trình “ săn sóc tại gia” ăn lương nhà nước săn sóc cho bà Hai được hơn năm nay. Nhưng nay bà ấy đau ốm nhiều, gia đình đưa bà Hai vào đây chạy chữa thuốc men, chính phủ không trả lương cho tôi. Con gái bà ấy bận đi làm, không thường xuyên săn sóc cho mẹ được, nên mướn tôi chăm lo cho bà Hai suốt ngày, đến chiều tối tôi mới về. Chiều đi làm về, cô ấy bới thức ăn, và vào thăm bà Hai ở lại mãi đến tối mới về. Tội nghiệp, cô ấy có hiếu với mẹ lắm. Cô đã mua đủ thứ nài ép bà cụ ăn, nhưng bà ấy đâu ăn uống gì được!
   Xây qua nhìn Loan, và liếc nhìn chú Linh, người đàn bà tò mò lên tiếng nói một hồi:
   -Cô bà con với ông cụ hả? Tội nghiệp ông cụ lắm! Cứ nằm thiêm thiếp không nhúc nhích ăn uống gì được! Cô Trâm, con gái ông cụ cũng hiếu hạnh lắm. Chiều đi làm về là đều đặn ghé thăm cụ. Buổi trưa cô ấy bảo chồng, lấy giờ ăn trưa thăm cha già bệnh tật. Nghe đâu cậu Hòa, chồng cô Trâm làm gần đây nên chạy tới chạy lui hoài. Cô Trâm cho tôi tiền ăn quà và nhờ tôi ghé mắt thăm chừng ông cụ. Nhưng tôi từ chối nhận tiền, vì tôi đâu có nặng nhọc gì giúp ông cụ đâu, người đồng hương giúp đỡ nhau chút đỉnh có hề hấn gì cho cam!
   -Tôi là cháu gọi ông cụ bằng cậu họ. Thôi trăm sự nhờ bà ghé mắt trông hộ cậu tôi với. Thật là quý hoá và cám ơn bà rất nhiều…Tôi cũng bận bịu công ăn việc làm, nên thỉnh thoảng mới vào thăm cậu được!
    Hai người đang to nhỏ trò chuyện thì một chị xồn xồn ùa vào phòng góp chuyện:
  -Tôi mới nghe loáng thoáng cô là cháu vào thăm thăm ông cụ há? Mấy người nằm phòng này thật có phước. Con cháu hiếu hạnh, ngưòi thân và bạn bè tấp nập đến thăm viếng. Không như cái phòng xéo xéo phòng này, lạnh ngắt như tờ, nghe đâu bà cụ có mấy người con là bác sĩ,  kỷ sư gì đó, mà lấy vợ có con rồi lập trang thờ bà, bỏ bê mẹ già đau yếu bệnh tật mỏi mòn trông ngóng chờ tin con thăm viếng.
   Với giọng bùi ngùi, chị Hoa tiếp lời:
    -Bà cụ tâm sự với tôi, chồng bà chết khi bà mới 28 tuổi, nhưng bà ở vậy nuôi  ba đứa con trai. Bà đã hy sinh thời xuân sắc để nuôi dưỡng các con  học hành và lo cho chúng vượt biên. Khi  thành tài chúng lấy vợ có con rồi  quên bà luôn. Trước khi vào đây, bà còn mạnh khỏe muốn bồng ẩm cháu, nhưng mấy cô con dâu học thức đỏng đảnh chê bà già vụng về, không cho bà đụng đến cháu. Bà sống âm thầm bên lề cuộc sống con cháu. Thế rồi bà ngã bệnh, chúng tống khứ bà vào viện dưỡng lão. Chúng  viện cớ bận công ăn việc không săn sóc cho mẹ già được! Bà đã buồn rầu than thân trách phận -vô phước, vô phần...
    -Nghe đâu các ông các bà trí thức ấy không có thì giờ vào thăm mẹ già, vì chanh đã hết nước. Nhưng đi du lịch, đàn đúm thì nhanh chân đi liền! Những người vô học, không biết đạo lý, cư xử không trọn nghĩa thì có thể tha thứ được! Nhưng cha mẹ một đời hy sinh nuôi cho ăn học thành tài, mà cư xử với đấng sinh thành không trọn nghĩa, trọn tình  thì như loài cầm thú, đáng cho người đời nguyền rủa, Trời tru, đất diệt! Sao Trời chưa trừng phạt cái thứ trí thức rõm, cái thứ bất hiếu để họ sống nhở nhơ như vậy cho chật đất!
   -Có thể kiếp này họ được hưởng thành quả kiếp trước đó! Lưới Trời tuy cao lồng lộng, nhưng không bỏ sót ai làm trái với luân thường đạo nghĩa đâu! Con trai nghe lời vợ thì là chuyện thường nghe. Tôi còn nghe bà cụ nằm cách đây hai phòng, bị con gái nghe lời chồng đối xử tệ bạc với mẹ mình là điều hiếm đấy nhé! Bà cụ đã tức tối khóc lóc kể chuyện… số là bà cụ có một mẹ một con. Bà đã từ chối bao nhiêu đám thanh niên ve vãng...Bà ở vậy  ôm nuôi con khi chồng chết trận, lúc bà Tám mới nửa chừng xuân. Bà đã bương chải lo làm ăn và có một số vốn kha khá. Sau 30 tháng tư 75, hai mẹ con đi vượt biên. Trời thương, chuyến đi trót lọt. Sang đây bà Tám tiếp tục lao động chân tay thật cực lực, và cho con ăn học thành tài. Con ra trường mới có cơ hội, đứng tên mua nhà với số tiền bà đã dành dụm được. Ngày tháng êm ả trôi qua, con gái bà đến tuổi lấy chồng- một kỷ sư cầu đường, nhưng bà đâu ngờ, đúng là thằng kỷ sư “ đào mỏ”. Sau một thời gian sống chung với nhiều bất hòa thằng rể quý cố dàng dựng. Hương, con gái bà nghe lời thằng chồng yêu qúy đã nhẹ nhàng mời bà ra khỏi nhà một cách tàn nhẩn, không một chút lòng nhân! Thằng rễ còn vênh váo mặt nói không biết có phải tiền của bà down mua nhà hay không? Nhưng Hương, vợ nó đứng tên, và hàng tháng vợ chồng nó trả tiền nhà là nhà của chúng nó thôi! Bà lặng lẽ khăn gói ra khỏi nhà đứa bất nhân, và đi mướn phòng ở. Nay bà đau yếu nên vào đây tá túc, xem như không có con cháu thăm viếng. Bà Tám nay hơi mạnh, có lẻ một thời gian ngắn nữa sẽ về phòng trọ của bà, nhưng không biết ai  đón bà về đây?!
    Loan mau mắn lên tiếng:
     -Đây số địện thoại của tôi, khi nào bà Tám về, chị gọi điện thoại báo trước tôi một ngày, tôi sẽ thu xếp công chuyện đón bà ấy về!  Nghe mấy chị kể chuyện ở đây nhiều hoàn cảnh trái ngang mà đau lòng ghê!
    -Ở đây nhiều chuyện thương tâm lắm, kể mấy ngày cũng không hết chuyện…Không những người Việt Nam mình có con tệ bạc, mà bà Phi bên kia cũng bị con đưa vào đây bỏ chợ. Nghe đâu con bà ấy cũng dân học thức, họ không thèm tới thăm viếng; nhưng được cái thỉnh thoảng có gởi quà bánh vào, nên cũng được an ủi phần nào...
  - Ông Mỹ đằng kia, nghe đâu con cũng bác sĩ, mà cũng để ông ấy nằm thở dốc, không vào đây chăm sóc cha già bệnh hoạn, lại viện cớ bận chăm sóc bệnh nhân…
    Tiếng nói chuyện lao xao, làm chú Linh mở mắt ra nhìn quanh… Loan nhanh chóng đến bên chú cầm tay Người hỏi thăm sức khỏe thật ân cần. Nàng chỉ mấy gói quà bánh lỉnh kỉnh:
   -Cháu đem tí quà chú dùng tạm, cháu thấy chú không có cái radio để nghe tin tức cho vui. Hôm sau cháu sẽ mang cái radio nhỏ vào biếu chú.
   Với giọng thều thào, Loan ghé sát vào mặt chú mới nghe rõ:
   -Cháu vào thăm là chú vui rồi, đừng bày đặt quà bánh làm gì mất công, chú chưa muốn ăn gì cả, sau này sẽ hay! Chú còn mệt lắm, nên không dậy nổi mở đài được, cháu đừng bày đặt mua bán gì mà tốn tiền vô ích!
    Hai chú cháu, chuyện trò một lát, Loan thấy chú còn mệt nên để chú nghỉ ngơi…Gần một giờ sau, Loan chào chú ra về và không quên chào hai người đàn bà:
   -Xin chào hai bà, hai bà đừng buồn chuyện thiên hạ mà mệt. Bàn tay có ngón ngắn ngón dài. Con người cũng thế, kẻ xấu người tốt khôn cùng. Gieo gió thì sẽ gặt bão. Tôi về sẽ viết những câu chuyện hai bà kể, và lần sau vào thăm chú tôi, tôi sẽ tặng sách để hai bà đọc nhé !
Hai người đàn bà tranh nhau nói:
-Cô về bình yên, hẹn gặp cô sau.
   -Tôi thích đọc sách lắm, hy vọng lần sau sẽ đọc sách cô viết. Chúng tôi sẽ kể thêm nhiều chuyện cho cô viết…
Tiển Loan về là những khuôn mặt ốm yếu, xanh xao của các cụ già thất thần, trên những chiếc xe lăn và những nỗi buồn của thế tục:  sinh, lão, bệnh, tử và của ái, ố, hỷ, nộ vây quanh cuộc sống… 

Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét