Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

ĐỨA CON LAI - Nguyễn Ninh Thuận


( Trích Tập truyện Dài “ ĐỜI ” ) sắp RMS sau này…
Một buổi trưa hè, trời nắng chói chang như thiêu như đốt khắp cả vạn vật... người và vật đều uể oải nhìn nhau thở dài chán ngán... Cây cối im lặng đứng nhìn nhau lặng lẽ... chúng cảm thấy bứt rứt khó chịu. Chúng muốn cởi phăng cái áo khô cằn sần sùi ra khỏi người, may ra mát mẻ đôi chút… Chúng lại trông ngóng, anh chàng gió đến viếng thăm em út đôi ba phút, cho đời được tươi mát, để chúng có thể hãnh diện làm cao giá với hung thần nóng đôi câu:
    -Mặc anh dọa dẫm, làm eo làm sách tôi...bên cạnh tôi sẵn sàng có chàng gió đến mơn trớn là đủ cho tôi có luồng sinh khí mới, để bay nhảy với đời rồi! Các nàng cây lá, hoa, cỏ còn cao giọng như thách thức sự quá đáng của thần nóng....
<!>
    -Anh có hờn ghen thiêu đốt chúng tôi đi nữa, nhưng rồi các chị mưa giông cũng thương tình đem nước cho chúng tôi uống. Họ lại cho chúng tôi tắm mát đùa giỡn với các nàng Hoa cho thỏa thích kia mà!... Có khi chúng tôi vui chơi say đà và còn ngụp lặn trong biển nước mênh mông làm gần chết cóng luôn! Còn nữa, các chàng gió thỉnh thoảng đến khiêu vũ với chúng tôi trong những ngày nóng bức với những điệu nhạc, những lời nói thì thầm bên tai đã mang niềm vui trọn vẹn cho chúng tôi. Nay chúng tôi tạm quên những cái nóng bức để hòa nhập với bọn trẻ con đang tìm bóng mát của cây cao. Chúng tôi và cuộc đời nầy là chuỗi dây chuyền nương tựa nhau mà sinh tồn...
     Dưới tàn cây râm mát, một đám trẻ con vui đùa chạy nhảy. Chúng tụm năm, tụm ba. đứa đánh bi, đứa đánh đáo. Bé gái thì chơi trò nhẹ nhàng hơn như ô làn, làm nhà chòi, đuổi bắt... Trên con đường quê ngoằn ngoèo, xuất hiện bóng dáng một người con gái tóc vàng, da trắng, mũi cao... Cô ta đang lầm lũi tiến bước về phía bọn trẻ. Cả bọn ngừng chơi, có đứa đứng phắt lên chỉ chỏ, bảo nhau:
    -Ê! Con Mỹ lai kìa tụi bây ơi! Con Mỹ lai bị cha nó về Mỹ bỏ rơi lại nè tụi bây ơi!
     Có tiếng nhỏ nhẹ của một bé gái cất lên:
    -Suỵt! Đừng chọc ghẹo chị Lụa các bạn ơi! Hãy gọi chị ấy tên Lụa, các bạn đừng gọi con Mỹ lai nầy, con Mỹ lai kia mà chị ấy buồn tội nghiệp.
  Tiếng cãi vả của bọn trẻ với người thương, kẻ ghét nổi lên xung quanh chuyện của cô gái Mỹ lai tên Lụa. Giọng của một cậu bé trai ra vẻ ta đây biết lắm chuyện như người lớn, nó bàn cãi:
    -Làm gì mà buồn! Nó là con lai Mỹ, chúng mình bảo nó là Mỹ Lai đúng 100% kia mà!
     Một cậu bé khác có lẽ lớn tuổi nhất trong bọn, hắn ra vẻ người lớn rành chuyện lắm, hắn ôn tồn cất tiếng nói:
    -Bà Đẹp, mẹ của con Mỹ lai nầy là cô gái nhà quê rất xinh đẹp. Bà ấy hiền thục nết na. Bà rất có hiếu với mẹ già, Bà Năm mẹ của bà Đẹp đau bệnh triền miên, lại rất nghèo khổ. Bà Đẹp làm thuê làm mướn rất cực khổ, cũng không đủ tiền chạy thuốc men cho mẹ. Bà ấy theo một người bạn lên Sài Gòn kiếm việc làm may ra cuộc sống khá hơn...
  Thế rồi ba chìm bảy nổi bà ấy bị một tên chủ nhà sở khanh gạt tình đến mang thai, sau đó bà ấy lấy Mỹ sinh ra Lụa...Cũng vì thế bà Năm đành phải thay con gái của mình mà nuôi hai đứa cháu ngoại quanh năm suốt tháng. Bà cháu sớm hôm hủ hỉ đùm bọc lẫn nhau. Theo năm tháng, cô Lụa lớn lên trong vòng tay thân thương của bà ngoại, nàng thiếu thốn tình mẫu tử và tiền bạc. Nàng phận bạc, đừng chọc ghẹo chị ấy mà tội nghiệp...
    Lụa vừa bước tới chỗ đám con nít chơi đùa bên vệ đường. Tiếng bàn cãi oan oan dội vào tai Lụa mồn một:
   -Con Mỹ lai nầy đẹp quá bây ơi!
   -Đứng nói hỗn, hãy gọi bằng chị đàng hoàng!
   -Chị Mỹ lai đẹp quá!
   -Da chị ấy quá trắng, mũi cao mà mắt lại xanh lè tụi bây ơi!
   -Nghe đâu giống con lai nó hoang đàng, lêu lổng không tốt đẹp gì đâu đó nhá!
Tiếng bình phẩm của lũ trẻ xoáy vào tim óc của Lụa, nàng thở dài, chân bước nhanh hơn để tránh đám trẻ nhiều lời lắm chuyện. Lụa nhớ lại cuộc đời của mình trước 75 và mẫu đối thoại với bà ngoại cách đây mấy hôm...
...Lụa sinh ra không được hân hạnh nhìn thấy mặt cha. Cha nàng nghe đâu là một ông lính Mỹ, sang giúp Việt Nam chống lại chủ nghĩa Cộng Sản bạo tàn khát máu... Không biết khi ở Mỹ ông ta đã có vợ chưa?! Nhưng trong thời gian ở Việt Nam, ông ta sống với mẹ nàng như vợ chồng chánh thức. Cuộc sống vợ chồng của ba má Lụa kéo dài được mấy năm, thì ba Lụa có lịnh phải về nước… Khi ba Lụa ra đi là bỏ lại đằng sau tất cả. Ông ta bỏ lại vợ dại với bào thai mấy tháng. Mẹ nàng phải tiếp tục bương chải để tự nuôi sống mình và nuôi cái bào thai trong bụng. Cuộc sống rất khó khăn bày ra trước mắt mẹ nàng... Nhưng mẹ đã khó nhọc vượt qua và khi sanh Lụa, mẹ nàng đã bồng nàng đem về quê nói với bà ngoại nàng:
   -Nhờ mẹ nuôi giữ giùm cháu ngoại, để con được rảnh tay tìm sự sống.
    Bà ngoại vui vẻ nhận lời:
   -Nó là núm ruột của con, cũng là một phần máu mủ của mẹ. Mẹ sẽ cố gắng nuôi cháu, con yên tâm lo làm ăn. Nếu con có dư giả tiền bạc thì tiếp tế chút ít cho mẹ, để mẹ lo cho cháu được đầy đủ hơn.
     Mới đầu mẹ nàng còn tiếp tế tiền bạc cho bà ngoại nuôi sống nàng. Lụa là đầu đề cho bà con chòm xóm dè bỉu chê bai và trẻ nít trêu ghẹo đủ lời đinh tai nhức óc. Nước mắt không ngừng đổ xuống theo tháng ngày Lụa lớn lên… Một thời gian sau, mẹ nàng phải lòng yêu thương ông Xã Trưởng. Người cha dượng nầy đã vì hờn ghen yêu ghét ở đời nên dằng mặt mẹ nàng:
   -Tôi không muốn thấy đứa con lai của bà trong căn nhà nầy. Bà đừng có đem nó về nuôi nó nhé! Nó cũng là chứng nhân làm xấu hổ gia đình tôi. Tôi cũng không muốn nó lui tới thăm viếng bà, làm bà con chào xáo lời vào tiếng ra xấu lây cho tôi đấy!
    Thế là Lụa mất liên lạc với mẹ luôn... Rồi những đứa con với chồng sau của mẹ ra đời, làm mẹ quên bẵng Lụa luôn. Lụa và chị nàng hoàn toàn sống nhờ vào tình thương của ngoại mà thôi. Từ khi lập gia đình, mẹ Lụa sanh sản nhiều, tiền bạc eo hẹp. Mẹ nàng không còn chu cấp đầy đủ cho bà ngoại nuối nấng Lụa và Thắm, chị của Lụa nữa. Ba bà cháu sống rất thiếu trước hụt sau. Mới mười một mười hai tuổi đầu, mà Lụa đã biết làm thuê làm mướn nuôi sống bản thân mình và lo cho bà ngoại. Với tuổi già chồng chất lên mãi, bà ngoại sức khỏe mỗi ngày một yếu đi...
      Rồi miền Nam Việt Nam hoàn toàn sụp đổ. Cuộc sống bà cháu của Lụa vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn... Sự cực khổ bao trùm lên toàn dân cả nước, đó là tình trạng chung mà người dân miền Nam, ai cũng phải gánh chịu... từ vật chất đến tinh thần đã đi vào ngõ tối... Một thời gian sau có chính sách Mỹ nhận con lai qua Mỹ định cư, bà ngoại Lụa âu sầu lên tiếng:
   -Lâu nay gia đình mình vốn đã nghèo, cái ăn cái uống thiếu trước hụt sau, tiền bạc không có thì làm sao có tiền để lo thủ tục “ đầu tiên ” cho cháu nộp đơn đi Mỹ đây hả cháu?
    Bà ngoại vừa nói, nước mắt bà chảy dài nhìn Lụa thương cảm. Hai bà cháu ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào. Để trấn an bà ngoại, Lụa cố lau nước mắt buồn tủi xuống, nàng nhỏ nhẹ lên tiếng:
    -Bà đừng có buồn, mà có hại cho sức khỏe! Bà đã già rồi, bà hay đau ốm liên miên, gần đất xa trời. Cháu muốn ngày đêm, lúc nào cũng ở cạnh bà để lo phụng dưỡng bà. Cháu không muốn đi Mỹ đâu bà à! Thở dài Lụa tiếp lời:
    -Bà đã nuôi nấng cháu từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến ngày hôm nay. Công ơn của bà sánh như trời biển, cháu để bà ở lại với bệnh tật nghèo đói cháu cũng không yên lòng ra đi đâu. Thôi cực khổ, đói no cháu cũng sẽ ở lại cạnh bà, mọi việc sẽ rồi tính sau... Bà ngoại Lụa nấc lên nói:
    -Bà đã già rồi, có về với ông bà cũng tốt thôi! Riêng cháu còn quá trẻ, tương lai còn dài. Có cơ hội là cháu phải nắm giữ để tiến thân. Đưa tay gạt nước mắt, bà ngoại nói tiếp lời:
    -Đêm ngày bà sẽ cầu nguyện tổ tiên ông bà, kẻ khuất mặt khuất mày và trời cao đất rộng, xui khiến cho cháu sẽ gặp được cơ may đưa đến. Bà nghe đâu có người lắm tiền nhiều của, họ sẽ chịu chi phí để xin con nuôi lai Mỹ, để ghép với gia đình họ đi Mỹ, mọi việc họ lo liệu hết đó cháu ạ!
 Lụa mừng rỡ nói với bà ngoại:
    -Nếu thiệt vậy, con sẽ ra điều kiện người ta phải để lại cho bà một số tiền lớn. Với số tiền đó cả đời con cũng không thể làm ra được, để lo chạy chữa thuốc men bệnh tật cho bà. Rồi bà sẽ có tiền dưỡng già và chi phí một ít nuôi một đứa cháu nào đó để sớm hôm nó lo phụng dưỡng bà cho đến trăm tuổi già.
  Vui mừng không hết, Lụa vạch ra dự định tương lai:
    -Nghe đâu bên Mỹ là xứ của cơ hội...con sẽ lo làm việc và cố gắng học hành, kiếm tiền gởi thêm cho bà chi tiêu thoải mái. Khi có tiền, con sẽ gởi về phụ giúp mẹ con nuôi các em con ăn học. Vì nghèo khổ, nên mẹ không lo cho con được vuông tròn. Con rất thông cảm cho hoàn cảnh của mẹ con. Con không oán trách mẹ con đâu, vì “ cái khó nó bó cái khôn ” ngoại à!
    -Cháu mới thật là đứa cháu ngoan hiền, bà tin tưởng Trời Phật sẽ phò hộ cho cháu gặp nhiều may mắn và hạnh phúc sau nầy...
    Thế rồi cơ may mỉm cười với Lụa...,một gia đình giàu sang ở Sài Gòn, móc nối với một người quen với Bà ngoại của Lụa để hỏi mua nàng làm con nuôi. Họ chịu bỏ ra số tiền khá lớn, để lại cho bà ngoại Lụa dưỡng già như nguyện ước của nàng mong muốn… Họ bỏ tiền ra lo liệu hồ sơ hợp lệ, nên gia đình gồm hai vợ chồng và tám đứa con kể cả Lụa được phái đoàn Mỹ phỏng vấn chấp thuận cho định cư ở nước Mỹ…
    Gia đình Ông Ba, ba má nuôi của Lụa nhiều tiền lắm bạc, nhưng lòng nhân của vợ chồng ông bà không có. Họ chỉ muốn nhờ Lụa làm cái cầu cho gia đình họ được ra đi an toàn mà thôi. Khi qua nước Phi Luật Tân, tạm sống sáu tháng để học chút ít tiếng Anh và biết phong tục tập quán của nước Mỹ. Lúc nầy, gia đình ông Ba còn có vẻ tâng tiu Lụa đôi chút, vì sợ nàng phản phé, họ sẽ không được vào nước Mỹ. Đến lúc gia đình ông Ba thật sự được đặt chân lên đất Mỹ rồi, thì họ bắt đầu trở quẻ đối xử tệ bạc với Lụa ra mặt. Nước mắt Lụa chảy dài ngày đêm, nhưng thân cô thế yếu, và vốn hiền lương chất phác, nàng âm thầm chịu đựng bao tủi nhục theo ngày tháng đoạn trường…
  Đặt chân vào nước Mỹ, tất cả gia đình ông Ba được hưởng trợ cấp xã hội. Thật ra số tiền họ đã bỏ ra mua nàng cũng không thiệt thòi gì. Nếu toàn thể gia đình họ đi chui thì đầy nguy hiểm và tốn kém không ít. Thế mà sao họ nỡ đối xử tệ bạc với Lụa như thế đó? Khi gia đình ông Ba nhận được đầy đủ giấy tờ tùy thân, họ đã vứt bỏ Lụa ra ngoài đời, như trái chanh đã vắt hết nước đem dụt đi.
 Tình người khô cạn, Lụa âm thầm rời bỏ gia đình ông Ba, không một chút thương tiếc. Lụa sống ở xứ lạnh, nàng xa rời Cộng Động Việt Nam. Nàng bơ vơ giữa chợ đời lắm gian xảo lọc lừa... Lụa sống với cái nghề hái dâu để độ nhật qua ngày...
     Hôm nay trời âm u, bầu trời đen nghịt, cây cỏ câm nín đứng yên được bao phủ một màng tuyết mỏng. Những bông tuyết nhẹ nhàng buông rơi, buông rơi... Lụa, người con gái xa quê hương xứ sở, phải ngậm ngùi cho thân phận cô đơn vây kín. Nàng nhớ thương bà ngoại và mẹ thật nhiều, nhưng Lụa biết làm sao đây? Nàng thân gái dặm trường, tương lai là một màu đen tối. Lụa than thầm:
    - Bản thân mình không lối thoát, còn đâu để lo cho bà ngoại, chị và mẹ ở quê nhà... Lụa vừa lái xe đi làm, vừa miên man suy nghĩ thân phận bất hạnh của mình mà ứa nước mắt...
  Bỗng rầm! Một tiếng va chạm thật mạnh, làm chao đảo chiếc xe của Lụa và nàng ngất đi không còn biết gì cả…
    Mấy hôm sau, một buổi sáng đẹp trời xuất hiện, sau mấy ngày âm u mù mịt. Mặt trời đem ánh nắng rực rỡ trải dài trên vạn vật, cây cỏ... Cảnh vật như bừng tĩnh sau mấy ngày giá lạnh vì tuyết ôm cứng. Trên cành cây, chim chóc đua nhau ca hót như chào đón một ngày đẹp trời ló dạng. Trong căn phòng đắc tiền của một bệnh viện sang trọng, Lụa nằm mê man trên chiếc giường trải khăn trắng tinh. Bên cạnh giường nàng, một ông Mỹ già vóc dáng phương phi, quắc thước; ông ta đang đưa mắt theo dõi từng cử chỉ động đậy của Lụa không chớp mắt. Bỗng Lụa cựa mình, nàng bừng tĩnh sau mấy ngày đêm mê man trên giường bệnh. Với nét mặt vui mừng hớn hở, người Mỹ già cúi xuống nghe giọng thều thào của Lụa cất lên:
    - Đây là đâu, sao tôi thấy ê ẩm cả người thế nầy?!
Ông Mỹ già mừng ra mặt, ông ta rối rít hỏi:
    -Ồ mừng quá, cô đã tỉnh rồi hả? Cám ơn Chúa đã che chở cho cô thoát nạn!
Nhìn thấy người Mỹ già đứng bên cạnh giường mình vừa lên tiếng, Lụa ngạc nhiên hỏi:
    -Ông là ai, mà tôi chưa hề gặp mặt bao giờ? Người Mỹ già tươi cười chậm rãi trả lời:
    -Tôi là người đã gây ra tai nạn cho cô mấy hôm trước đây. Cô yên tâm, tôi không chối bỏ lỗi lầm của mình, nên nhanh chóng chở cô vào bệnh viện cấp cứu. Cũng may còn kịp thời cứu chữa, nên cô đã thoát tay tử thần. Lạy Chúa đã phò hộ cho cô thoát vòng nguy hiểm, cho tôi bớt thấy lòng mình ray rức vì tai nạn vừa qua!..
  Ngừng một lát, Tony người Mỹ già ôn tồn nói tiếp:
    -Xin cô tha lỗi cho tôi, vì bất cẩn, nên tôi đã gây ra tai nạn cho cô. Xe cô đã bị hư hại nặng, tôi sẽ mua chiếc xe khác tốt hơn cho cô. Cô mê man mấy ngày nay làm cho tôi lo sợ quá!.. Tôi rất hối hận vì đã gây ra tai nạn nầy.
  Đổi giọng vui vẻ hơn, Tony nói:
    -Tôi thật vui mừng khi nhìn thấy cô tỉnh lại. Nó không bỏ công gia đình tôi đã chăm sóc mấy ngày đêm vừa qua. Vợ chồng con cái tôi luôn cầu nguyện Chúa ban phước lành cho cô được tai qua nạn khỏi, và Chúa đã chứng nhận khi thấy cô tỉnh lại!
  Với giọng nói yếu ớt, Lụa trả lời:
    -Sức khỏe của tôi không có gì, ông đừng lo lắng cho tôi thái quá. Có thể trong tai nạn nầy, cũng có lỗi của tôi một phần nào. Tôi không để tâm vào việc lái xe. Tôi đang có chuyện lo buồn trong lòng, đã phân tâm, nên tôi không tránh được xe ông chạy tới.
 Ông Mỹ già tươi cười lên tiếng:
    -Thôi chúng mình đừng bàn cãi lỗi phải với nhau nữa. Cô tỉnh lại là tôi vui mừng lắm rồi, cô nằm yên nghỉ đi. Cô đừng chuyện trò nhiều, mà ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe đó! Bây giờ cô thấy trong người  thế nào? Cô cứ thành thật nói cho tôi biết, cô đừng ngại ngùng gì cả!
  Với gương mặt thật thà phúc hậu, Lụa nhỏ nhẹ trả lời:
    -Dạ, bây giờ tôi cảm thấy ê ẩm hết cả mình mẩy, nhưng tay chân lành lặn nguyên vẹn là tôi mừng lắm rồi! Tôi rất sợ mình phải là người tật nguyền, chỉ ăn bám vào xã hội, là điều mà tôi không muốn từ bấy lâu nay. Giờ thì tôi đã qua sự sợ hãi đó rồi, đám mây mù đã tan biến. Trời quang mây tạnh, có lẽ vài ngày nữa tôi sẽ khỏe người ra, khi đó tôi sẽ trở về làm việc lại. Âu đó cũng là cái phúc được Ơn Trên ban phát cho chúng ta.
  Tony tươi cười lên tiếng:
    -À! Chắc cô đã đói bụng rồi, để tôi gọi người phục vụ mang thức ăn đến để cô dùng cho mau lại sức nhé!
   Vợ chồng Tony có ba người con đã có gia đình, có nhà cửa tư riêng. Họ thuộc thành phần Mỹ trí thức, giàu có. Cả nhà thay phiên nhau ra vào nhà thương chăm sóc cho Lụa thật chu đáo. Hai bên thông cảm và hiểu rõ tình cảnh của nhau... Nhất là Tony, sau khi biết rõ hoàn cảnh thương tâm của Lụa, ông ta lên tiếng đề nghị:
   -Nếu cô không chê bai gia đình tôi, tôi xin được đứng ra nhận lãnh cô làm con nuôi của vợ chồng tôi. Có thể đây là cái duyên của chúng mình không chừng. Cô nghĩ sao?
    Với giọng bùi ngùi xúc động, Lụa nhỏ nhẹ nói:
   -Ông làm tôi cảm động quá! Cám ơn ông rất nhiều... Nhưng ông hãy cho tôi thời gian để suy nghĩ kỹ, trước khi nhận lời ông.
 Tony nhìn Lụa với đôi mắt hết sức thân thương, ông ta ôn tồn lên tiếng:
   -Tôi rất sẵn lòng chờ đợi sự trả lời của cô, trước mắt cô phải bồi bổ cơ thể cho mau khỏe mạnh trở lại mới được!..
  Tony sánh bước cùng vợ ra mái hiên bệnh viện, ông ta thì thầm lên tiếng với vợ:
   -Anh nhận thấy Lụa thật là một cô gái hiếm có trên đời nầy. Dù sống trong nghèo khổ, khó khăn mà tấm lòng vẫn không vẩn đục, chẳng ham danh, không cầu lợi. Nàng ta có nhiều nghị lực chống chỏi với mọi hoàn cảnh trước mắt. Mình có phước lắm mới được làm cha mẹ nuôi của nàng đó bà à!
 Mary, vợ của Tony mỉm cười nói:
   -Anh thật tinh mắt nhìn ra người tốt, em thấy cô ấy rất ngoan hiền, dễ thương lắm. Em mong sẽ được cô ta bằng lòng làm con nuôi của vợ chồng mình.
    Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, và gia đình Tony tận tình săn sóc ân cần, Lụa được bình phục hẳn; Tony đón Lụa về gia đình ông ta chơi ít hôm và sẵn dịp dự sinh nhật của ông ta luôn thể. Ngôi nhà của ông ta là ngôi biệt thự to lớn, đầy đủ tiện nghi. Trong bầu không khí thân thiện của gia đình Tony, Lụa cảm thấy ấm áp vô cùng. Nó như đã xua tan bao nỗi buồn cô quạnh quanh nàng lâu nay. Ba người con trai của Tony đã có vợ có con đàng hoàng. Các nàng dâu của Tony đối xử với Lụa như chị em ruột thịt thân tình. Họ ân cần chăm sóc, chỉ bảo tận tình phải quấy cho Lụa biết. Tommy người anh cả vui miệng nói cùng Lụa:
   -Ba má đã già cả rồi, ông bà rất cần có người thân bên cạnh cho vui cửa vui nhà. Các anh đều đã có gia đình tư riêng hết, nhưng vì công ăn việc làm nên phải ở xa nhau. Thỉnh thoảng cuối tuần mới về thăm ba má một lần như thế nầy. Hơn nữa từ trước tới nay, Ba má vẫn ao ước có một người con gái hủ hỉ... Nay cơ duyên đưa đẩy gặp được em ngoan hiền, dễ thương, ba má rất vừa bụng và muốn nhận em làm con nuôi trong nhà, em cứ suy nghĩ kỹ và nên chấp nhận cho ba má vui lòng nghe em!
   Với giọng hết sức cảm động, Lụa lên tiếng trả lời:
   -Em cám ơn lòng tốt của cả gia đình đối với em. Tấm thịnh tình của toàn gia đình làm em cảm động quá! Em không bao giờ quên được...
  Qua mấy ngày ở lại nhà Tony, Lụa nhận ra lòng chân thật của toàn gia đình đối với nàng. Sau mấy ngày đêm suy nghĩ, Lụa quyết định mua một món quà nhỏ tặng Tony nhân dịp sinh nhật của ông ta. Trong lúc trao quà cho Ông Tony, Lụa run run giọng nói với ông ta:
   -Con thật có phước mới được làm con của ba má và làm em ngoan của các anh chị. Con xin hứa sẽ là người con hiếu thảo của Ba má.
  Qua lời nói chân thật của Lụa, Tony xúc động vô cùng, ông vội ôm chầm Lụa vào lòng. Ông Tony nói trong nghẹn ngào:
   -Ba rất sung sướng có được một đứa con gái ngoan hiền như con. Từ nay con bỏ công việc cực nhọc hái dâu đi, con giúp lo sổ sách cho công ty của ba vào dịp cuối tuần. Hàng ngày con chú tâm vào việc học, ngành nghề tùy con chọn lựa theo ý thích.
  Các anh Lụa nhao nhao bàn chuyện:
   -Bài vở có gì khó hiểu, các anh chị sẽ tận tình hướng dẫn cho em!...
   -Chị sẽ đưa em đi mua sắm áo quần, vật dụng cần thiết...
Bầu không khí trong nhà ông Tony vui nhộn hẳn lên. Tất cả gia đình Tony cất cao tiếng hát Happy Birthday...
   Tony cảm động lên tiếng:
   -Hôm nay là ngày sinh nhật vui nhất trong đời ba. Ba má, vừa có được một đứa con gái ngoan ngoãn dễ thương để vui tuổi già. Ôi thật là hạnh phúc cho gia đình ta!...
    Kể từ ngày đó Lụa chính thức bước vào nhà Tony làm con nuôi. Lụa cần cù, siêng năng học hành không ngừng nghỉ. Toàn thể gia đình Tony nỗ lực khuyến khích Lụa từng bước vào đường học vấn, Lụa tự nhủ với lòng:
   -Mình từ trong cảnh nghèo khổ mà ra, cuộc đời mình từ nhỏ cho đến nay đã gắn liền với bao nỗi thống khổ triền miên... Nay có cơ hội mình được bước ra vùng ánh sáng chói chang, mình phải biết nắm lấy cơ hội để vươn lên... Trước mắt giúp cho bà ngoại cùng bà con thân thuộc còn sống trong chế độ độc tài Cộng Sản có cuộc sống khá hơn... Có ngày mình trở về quê hương, đất nước tìm Mẹ và các em, dù Mẹ đã từ bỏ mình, nhưng Mẹ vẫn sống mãi trong lòng mình. Ngẫm nghĩ một lát, Lụa quyết định:
   -Mình phải chọn ngành y để học, mình phải là người thầy thuốc giỏi đề xoa dịu bao đau thương, khốn khổ...mà con bệnh phải đối diện từng giờ, từng phút... Sau này nước Việt Nam nhỏ bé của mình được tự do, độc lập..., mình sẽ trở về băng bó vết thương những con bệnh đang chờ những bàn tay “ lương y như từ mẫu ” xoa dịu ngày đêm. Mình sẽ là một trong những cánh én để xây dựng mùa Xuân tốt đẹp hơn... Xứ Mỹ là xứ của cơ hội, điều mình mong muốn và cố gắng không ngừng học hỏi ắt sẽ thành tựu....
   Nỗi ưu tư về quê hương đất nước, lòng thương nhớ bà ngoại, mẹ, chị và các em đè nặng tâm tư Lụa hàng ngày....Hình ảnh mẹ hiện về trong ký ức Lụa qua lời bà ngoại thường kể cho Lụa nghe khi còn chung sống với ngoại ở làng quê nghèo khổ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét