Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

TRỞ VỀ THĂM QUÊ - Nguyễn Ninh Thuận

      Hoa tiếp tục lửng thửng đi theo con đường Quang Trung với nỗi lòng quặn thắc trong buổi hoàng hôn se lạnh của trời cuối thu làm cho con tim càng thêm nhức nhối. Cảnh vật chung quanh như đồng cảm và trĩu nặng với mối u sầu vương mang của lữ khách. Phút chốc, Hoa đã đến bên bờ sông Thạch Hãn, lòng Hoa buồn vời vợi khi chạnh nhớ bài thơ LỠ LÀNG của Ðông Phong TÐÐ, Hoa khẻ ngâm hết bài thơ để rồi vội vã ra về vì trời đã tối sầm một cách đáng sợ…
<!>
Chiều thu lành lạnh đợi đò ngang
Xào xạc cành rung rũ lá vàng
Gởi nỗi niềm riêng cơn gió lộng
Trôi dòng ký ức nước sông mang

Ra đi vẫn nhớ lời chung thủy
Trở lại thì hay chuyện lỡ làng
Thơ thẩn bâng khuâng ngồi bến đợi
Chờ nghe tiếng sóng rẽ bờ sang.

Rẽ bờ sóng nhẹ tiễn em sang
Trút mối ưu tư cảnh lỡ làng
Lưu luyến tình xưa lòng héo hắt
Vấn vương nghĩa cũ dạ sầu mang

Hẹn thề chưa vẹn duyên trăng nước
Cách trở đành quên nghĩa đá vàng
Dẫu muốn mờ phai thời dĩ vãng
Sao nhoà dấu ấn buổi sang ngang

Chưa nhoà dấu ấn buổi sang ngang
Ôm hận tàn thu với bạn vàng
Vận số lao đao còn đeo đuổi
Duyên tình trắc trở vẫn vương mang

Ba sinh cứ tưởng đời êm ái
Một cõi nào hay chuyện lỡ làng
Thôi thế thời thôi thời thế thế
Cho lòng nhẹ nhỏm lật trang sang
 
Ðêm hôm đó, Hoa không tài nào ngủ được. Nhớ lại lời nói miệt thị và thái độ thù ghét mà Nhân đã đối xử với nàng hồi chiều làm cho con tim Hoa nhức nhối, lòng buồn và buồn vô hạn... Với tấm lòng độ lượng và có một điều gì hối hận, nên Hoa lại tự nhủ với lòng là đáng thương Nhân hơn là đáng trách. Nàng lại nghĩ:
- Nàng Kiều bán mình để chuộc cha trong trường hợp bị cường hào ác bá cưỡng bức đẩy nàng vào thế đường cùng. Cuộc đời của Kiều lại phải chịu bao nỗi đắng cay bội phần, sống chết bao phen, quả thật tạo hóa bất công.
Trường hợp của Hoa do Hoa tự cân nhắc, tự chọn giữa chữ hiếu và chữ tình. Trước  mắt, Hoa cứ  nghĩ mình cần phải cứu cha và gia đình, còn tình yêu với Nhân mình không phản bội là được! Nhưng có ngờ đâu sự thể lại đẩy đưa ngoài ý muốn... Nỗi oan nầy làm sao giải được!
Hoa đến với Tony cũng bằng tình yêu và thật sự của tình yêu vợ chồng. Hoa hết lòng với chồng con và gia đình chồng, Hoa cố quên hình ảnh Nhân, càng cố quên thì lại nhớ, nhớ cái hình ảnh tình đầu ngây thơ của tuổi mới lớn, và nhớ để mà hối hận như chuộc lỗi chưa vẹn câu thề.
Một điều Hoa hằng cầu mong cho Nhân được bình an và có được một mái ấm gia đình hạnh phúc, nên Hoa đã cố tìm để nói được một lời tạ tội và nếu có thể giúp cho gia đình Nhân nếu có khó khăn. Ðiều ước nguyện của Hoa đã tan thành mây khói...
Không ngủ được, nhưng trời đã sáng, Hoa tự hứa với lòng là quên đi tất cả….
Thế gian nhiều nỗi đắng cay
Mấy ai hiểu được lòng này cho chăng
Thương ai máu lệ đôi hàng
Thấm sâu về dưới suối vàng giải oan…

Hoa rời phòng ngủ, sau khi trang điểm một cách sơ sài, nàng rủ Bà Ba cùng đi ra quốc lộ 1 ngang qua xã để Hoa có dịp tìm hiểu thêm về các chứng tích của thảm hoạ 1972...
Trên đường đi dọc Quốc Lộ 1 ra hướng Bắc về phía tay trái, Hoa nhìn thấy tượng Ngài Ðịa Tạng nên rất ngạc nhiên...
- Đó là Chiêu Linh Ðài của Phật Giáo. Trong đợt  theo  dân  Quảng  Trị  hồi  cư, Tỉnh Giáo Hội PGVNTN tỉnh Quảng Trị được sự thoả thuận của xã Hải Trường nên đã dựng lên một ngôi Chùa tạm vừa làm trụ sở Tỉnh Giáo hội QT, gần với khuôn viên Tỉnh Giáo hội, Thượng Toạ Thích Chánh Trực cho xây Tượng Ðài  Ngài Ðịa Tạng gọi là Chiêu Linh Ðài để giải oan cho bao sinh linh chết oan, chết thảm trong cuộc chiến, gọi là Ðại Lộ Kinh Hoàng. Vào khoản tháng Tư năm 1974, Tỉnh Giáo Hội có sự tiếp tay của các cơ quan thuộc tỉnh, Hội Ðồng Tỉnh và dân chúng tổ chức một Ðại Lễ Ðại Trai Ðàn kéo dài hơn một tuần do Tỉnh Giáo hội chủ trì có sự tham dự của nhiều phái đoàn các tỉnh và phái đoàn PGVNTN Trung Ương ra tham dự.
Sau năm 1975, ngôi chùa bằng cây gỗ lợp tôn phải tháo gỡ di dời ra chùa Sắc Tứ. Chiêu Linh Ðài xây bằng xi măng nên còn lại, nhưng chính quyền không cho tu sửa, mãi sau này một số tín đồ làm liều lén lút sơn quét lại mới thấy được như ngày nay.
Tháng 7 năm 2005, Thầy Thích Chánh Liêm phối hợp với quý thầy ở Huế có tổ chức một đại lễ Trai  Ðàn có  rất đông đạo hữu các nơi về tham dự nhưng vẫn hạn chế một số chùa ở Hải Lăng không tham dự được. Bà Ba  giải thích…
  Hoa đi dọc thêm mấy kilomet về hướng Bắc thì thấy một nghĩa trang khang trang tên là  “ Nghĩa trang liệt sĩ ”. Nơi đó có một tượng đài cao hơn sáu mét có hàng chữ -  Ðài Liệt sĩ.
Bà Ba kể cho Hoa nghe lai lịch nghĩa trang và tượng đài nầy....Năm 1973, Tỉnh và Hội Ðồng Tỉnh Quảng Trị đã chọn khu đất nầy làm Nghĩa Trang và Ðài Tưởng Niệm  nạn  nhân  chiến  cuộc 1972. Đó là vùng đất rộng lớn do xã Hải Trường thuận nhượng. Hội Ðồng Tỉnh cho trồng dương liễu chung quanh và lập nên một nghĩa trang rất đẹp.
Ðài Tưởng  Niệm có  tường  thành  xây bao chung quanh. Phía  sau  Ðài  có ngôi  nhà xây tường, lợp ngói gọi là Ðền Tưởng Niệm, phía trong có ba căn thờ lớn và giao cho xã quản thủ, cắt cử người trông nom hương khói. Quanh Ðền, Ðài là khu mộ của những đồng bào và binh sĩ tử nạn không có thân nhân.
Sau biến cố cuối tháng 4/1975, Ðền và Ðài tưởng niệm cùng chung số phận của bao nghĩa trang như NghĩaTrang Biên Hòa của quân đội VNCH khác bị xóa sạch. Nghĩa trang này chúng cướp đi để lập thành Nghĩa trang liệt sĩ Cọng sản, ngôi Ðền thì chúng san bằng và cướp gạch ngói, gỗ về làm của riêng. Về Tượng Ðài, chúng giữ lại và cải biến thành Ðài Liệt sĩ.
Hoa nghe Bà Ba  kể hành động cướp đoạt như trên, nàng cảm thấy quá xót xa cho thân phận người dân sau ngày gọi là “được giải phóng”. Đối  với người sống thì chúng đoạt của, bắt làm nô lệ, bắt tù tội đủ cách... Với người chết thì chúng cũng cho  “ liệt sĩ ”dành chỗ nghĩa trang “ tử sĩ ”.
   Quá ngao ngán, Hoa buông tiếng thở dài …. Nàng kéo tay Bà Ba lửng thửng đi về với nỗi buồn vô tận...     

Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét