Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

CHIẾC ÁO TRỞ VỀ - Nguyễn Ninh Thuận


 Viết dựa theo lời kể của anh Hà Xuân Toản, cựu Nghị viên HĐT/ QT -
 Hè năm 1972, tang tóc đã phủ trùm lên mảnh đất thân yêu cằn cỗi Quảng Trị -Thành phố nhỏ bé, dân tình hiền lành mà chịu triền miên bao thiên tai bão lụt hằng năm do trời giáng xuống…Chiến tranh không buông tha vùng đất cày lên sỏi đá, bên này sông Bến Hải, mà chiếc cầu Hiền Lương là chứng tích của lịch sử… 
 Dân Quảng Trị đã quen sống trong không khí chiến tranh, đời sống rất phập phồng… Người dân nghe quen tai tiếng lên xuống của những chiếc trực thăng, hay phi cơ vận chuyển bom đạn. 
<!>
Tiếng súng đạn, pháo kích thay phiên nhau dội về thành phố, tiếng reo hò hô xung phong của quân lực VNCH truy lùng quân thù cũng xảy ra như cơm bữa. Ánh hỏa châu từng đêm soi sáng những căn nhà tranh xiêu vẹo đổ nát bên bờ chuối ủ rũ, cạnh con sông nhỏ nước chảy hiền hòa, cung cấp nguồn nước uống cho dân lành vô tội. Mỗi ngày cũng như mọi ngày, sau một ngày làm ăn vất vả, đêm về với bao cơn ác mộng…
 Quảng Trị thao thức chưa ngủ được, thì nghe những tràng súng to nhỏ xé tan bầu không khí yên lành… Tưởng như mọi khi, tuy lo sợ nhưng Quảng Trị vẫn bình yên… Những tiếng súng mỗi lúc một lớn hơn… rồi tiếng lao xao giọng khác lạ của những tên đồ tể miền Bắc làm Quảng Trị run sợ… Có tiếng ai to nhỏ:
 -VC tràn ngập như kiến cỏ khắp Quảng Trị rồi! Quân ta đang anh dũng chống đỡ, nhưng sau bao cố gắng, chúng ta không thể chiến đấu hùng dũng, vì sợ nhầm dân oan vô tội. Trong khi VC đi đến đâu thì dùng dân làm bia đỡ đạn. Chỉ vì hai chữ nhân đạo, chúng ta một bước chống trả, vừa bảo vệ tính mạng dân oan, nên thế cờ nghiêng về quân thù… 
Cộng sản đi đến đâu, nhà tan cửa nát, thây phơi đầy đường… Quảng Trị lại điêu tàn, vì bom đạn CS bắn ra bừa bãi… gia đình tan hoang, con xa cha, vợ xa chồng… nước mắt và máu đổ thịt rơi… tiếng khóc thét của trẻ thơ xé nát bầu trời tự do, bước chân các cụ già run run lần bước đi tìm vùng đất yên lành… Kẻ chống gậy, người gồng gánh chạy loạn bằng nhiều phương tiện sẵn có như xe đò, xe Honda, xe đạp, ghe thuyền… Trên vai, đôi quang gánh là những ánh mắt trẻ thơ làm sức mạnh để người thân vượt qua bao chặng đường gian khổ máu xương… Trên đường di tản lánh nạn, người chết, kẻ còn xất bất xang bang như những oan hồn từ cõi âm trở về… Cha con chồng vợ, thay phiên nhau bồng bế con cái chạy thục mạng bất kể tiếng súng đạn bắn theo ào ào, để thị uy giữ người ở lại làm con cờ đổi chác… Kẻ xâm lấn bạo tàn, không có tính người cứ bắn xối xả vào đám người lếch thếch chạy tìm đường sống…Trong khi QLVNCH cố ghìm tay súng mở đường máu cho dân lành vô tội thoát nạn…
 Cảnh tượng trên đường lánh nạn thật thảm thương, bi đát…Xác dân xác lính chồng chất lên nhau vô số kể… Đâu đây vung vãi áo quần lính, súng ống đạn dược và những dụng cụ cá nhân của lính như ba lô, giày nón vất tứ tung… Những đoàn người thi nhau chạy thục mạng về phía trước… Họ không ngừng nghỉ dù đã mệt vì đói khát. Súng vẫn nổ, đạn vẫn bay và thây người vẫn tiếp tục ngã xuống... 
Người dân vô tội đi tìm sự sống trong cái chết, mà đạn vẫn vô tình tìm đến nhân dân chạy nạn, do những con người rừng rú mất tính người theo chủ thuyết ngoại lai gây nên. Họ đang tâm bắn bừa bãi vào đám dân không phân biệt lính hay dân. Sách sử còn ghi lại tội ác trên “ Đại Lộ Kinh Hoàng ” của CS để lại muôn đời cho những thế hệ sau hiểu rõ dã tâm và tội ác của loài quỷ đỏ…Các nước trên khắp thế giới không ngừng lên án…
Gia đình ông Nam, một trong những gia đình giàu có của tỉnh, chỉ khoảnh khắc trở thành trắng tay. Nhà cửa sụp đổ, tài sản tan nát…Tất cả của cải vật chất trở thành mây khói. Của tiền đúng là phù du như nước chảy hoa trôi… 
 Sau khi chiếm được Cổ thành Quảng Trị và một số phần đất phía Bắc sông Mỹ Chánh, Cộng quân cưỡng bức toàn bộ dân, chúng không chạy kịp ra phía bắc, đa số ra Quảng Bình chịu sự kềm kẹp và đói khát. Các đơn vị của quân lực VNCH lui về cố thủ giữ phòng tuyến phía Nam để chuẩn bị tái chiếm Thị xã Quảng Trị.
 Về phía dân chúng thì bằng mọi cách, mọi phương tiện tìm đường thoát chạy vào Huế và Ðà Nẳng. 
 Bộ Chỉ huy Tiểu Khu Quảng Trị tạm đóng tại Huế, các cơ quan hành chánh và Hội Ðồng Tỉnh tạm thời vào ở Ðà Nẳng để cùng phối hợp với chính quyền sở tại sắp xếp cho dân Quảng Trị vào tạm cư tại 32 trại Tỵ Nạn. Đây là các căn cứ trại binh của quân đội Hoa Kỳ còn để lại. 
  Ngoài ra dân chúng còn tá túc ở một số các cơ sở tôn giáo và trường học. Tổng số lượng dân chúng chạy loạn hơn 200.000 người. Với số người đông đảo và trong cơn hỗn loạn như vậy, nhưng chính quyền cũng đã kịp thời trợ cấp thức ăn, nước uống và thuốc men dù trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng ...
  Trước tình hình khó khăn như vậy, chính quyền Trung ương một mặt điều quân tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, một mặt vận động đưa dân vào định cư tại một số tỉnh, thị xã trong nam như: Ninh Thuận, Cam Ranh, Bình Tuy, Long Khánh, Bà Rịa … 
  Việc tái chiếm Quảng Trị đã được các đơn vị Hải, Lục, Không quân của quân lực VNCH oanh liệt tấn công và chiến đấu trong 81 ngày đêm đẫm máu, mới đem lại chiến thắng để ngọn cờ vàng ba sọc đỏ thượng lên trên đỉnh cột cờ của Cổ Thành Quảng Trị giữa tháng 9 năm 1972. 
  Sau đó bản nhạc “ Cờ Bay ” ra đời, như là một chứng tích của lịch sử Việt Nam, mà QLVNCH đã đem biết bao xương máu tô điểm cho quê hương đất nước và ngọn cờ vàng phất phới bay trên quê hương Quảng Trị thân yêu ... 
  Song song với việc đưa dân vào Nam lập nghiệp, chính quyền còn phải đưa dân về hồi cư trên các phần đất ở Quảng Trị đã được tái chiếm... Nghèo khổ tang thương lại tiếp nối đến người dân hiền hòa Quảng Trị, miền đất vốn “ Đất cày lên sỏi đá - Trời hành cơn lụt mỗi năm- Đông thời thiếu áo, Hè thời thiếu cơm…” 
  Nhìn nhà tan của nát, đời sống khó khăn trải dài cho tương lai trước mắt, Nam ngậm ngùi nhìn mái tóc đượm màu hoa râm, càng trắng phau hơn sau biến đổi đau thương. .. 


 …. Quê tôi đó, dân tình luôn khốn khổ, 

       Vẫn trụ mình bám đất giữ quê hương,
       Sát nách giặc, nên ngày đêm máu đổ! 
       Đành xa quê, nhiều kỷ niệm buồn thương!… 
   Các cơ quan chính quyền các cấp tất bật làm việc suốt ngày đêm để tạm ổn định đời sống ngưòi dân và ngược xuôi xin Chính Phủ Trung ương kịp thời cấp phát cơm ăn, áo mặc- hòng cứu đói cho dân lành qua cơn binh biến tang thương trước mặt. 
    Nhân, một viên chức trách nhiệm về cứu trợ vội bay vào Sài gòn xin gặp B/S Phó Thủ tướng Phan Quang Đáng để xin cầu viện giúp dân thoát cơn đói rét. May mắn thay, trong cuộc hội kiến chàng đã gặp được ông Gray, người đứng đầu hội đồng cố vấn Mỹ. Sau khi nghe Nhân mô tả cuộc sống cùng cực của người di dân Quảng Trị đã gánh chịu trong đói khổ cơ hàn…Ông đã ra lệnh mở kho lương thực, áo quần còn dự trử, gởi về vùng giới tuyến cứu giúp dân tỵ nạn đang khắc khỏai ngày đêm trông chờ! 
   Sau mấy ngày công tác ở Thủ Đô Sài gòn, Nhân nghe tin áo quần thực phẩm đã được chuyển tải về trại định cư. Nhân trở về và cùng bắt tay với anh chị em trong Ủy ban cứu trợ phân loại hàng tấn áo quần đủ cở lớn nhỏ, trai gái… để tiện phân phát cho dân đang lâm hoàn cảnh túng thiếu. Trong số đó có một ít áo ấm, áo dạ để biếu tặng cho mấy cụ già, ốm yếu khi các phái đoàn nghị viên đi thăm hỏi các gia đình neo đơn. 
    Hôm nay, trời mưa lất phất, cái lạnh đến sớm với dân miền Trung, co ro trong chiếc áo dạ lính dài, Nhân tiến bước nhanh như xua đuổi cái lạnh của trời đất muốn chùng bước chân chàng. Nhân ghé thăm các gia đình neo đơn quanh vùng với một bọc áo ấm trên tay, để sưởi ấm tấm thân các cụ già gần đầt xa trời. Khi đi ngang qua nhà cụ Nam, thì trên tay Nhân hành trang đã nhẹ hẳn, không còn gì để biếu xén nữa...
  Tần ngần tặc lưỡi muốn đi về, nhưng chàng chợt nghĩ: 
 - Đã đi ngang qua đây, thôi thì mình vào hỏi chào, an ủi gia đình cụ, một nhân sĩ của tỉnh nhà. Khi còn giàu có, cụ cũng đã giúp đỡ cho dân nghèo gặp khi hữu sự. Hơn nữa, mình cũng có bà con xa với cụ. Công việc đa đoan, mình chưa có dịp thăm viếng gia đình cụ, xem đời sống cụ hiện giờ ra sao, rồi tùy cơ ứng biến giúp cụ trong cơn ngặt biến trước măt… 
   Một hoàn cảnh tan thương hiện ra trước mặt… Nhân bàng hoàng, nhìn một ông cụ gầy gò hốc hác, ho hen, tóc trắng như bông, trong manh áo phong phanh run lập cập, giọng đứt quảng chào hỏi thân tình. Một hình ảnh tương phản của người phương phi, da dẻ hồng hào, áo quần tươm tất năm nào hiện ra trước mắt Nhân... 
   Không cầm được nước mắt, Nhân cởi áo ấm lính đang mặc, khóat lên người cụ Nam trong ngậm ngùi cho thời thế chiến tranh đổi đời…
  Cụ Nam từ chối vì trời đang mưa lạnh, Nhân cũng cần áo để đi về, nhưng Nhân vui vẻ chia sẻ “ Cháu tặng bác cái áo lính mặc cho đở lạnh, cháu còn áo len bên trong và ở nhà còn có áo khác, bác đừng lo !”  
- Thôi được, tôi nhận cho cháu vui lòng, má sấp nhỏ đâu mang nước chè nóng lên đãi khách. 
  Trong hoàn cảnh này, cháu đừng cười không có ấm chén mời cháu chén nước chè tươi đàn hoàn đó nhé! 
  Nhân hấp tấp bưng chén nước nóng, mà cháu gái mới đặt xuống theo lời mời thân tình của cụ Nam. 
  Không lường được sức nóng còn giữ lại trong lon thịt “ ba lát ” làm chén đựng nước chè nóng, suýt làm bỏng môi và tay Nhân, chàng vội vàng đặt nhanh xuống chiếc bàn ọp ep…trong tiếng thở dài của gia chủ… 
  Mấy hôm sau, Nhân xuất tiền túi ra mua một ấm bình trà, mang tới tặng cụ Nam và một ít thực phẩm lặt vặt để ngồi đối ẩm với cụ…. 
  Thời gian thấm thoát thoi đưa, gia đình cụ Nam xuôi về vùng Long Khánh lập nghiêp…
  Thời thế đổi thay, sau 30-4-1975 Miền Nam Việt Nam tự do buông súng, Cộng Sản Bắc Việt thôn tính miền Nam, một số quân dân cán chính mau chân đi di tản sang Mỹ, một số vượt biên đi tìm tự do trong cái chết trên biển Đông hay trên rừng sâu núi thẳm.., “ Trại học tập ” được dựng lên khắp nơi. Quân dân cán chính ngây thơ, ngoan ngoãn trình diện “ học tập ” dưới chính sách lừa bịp mị dân. Để rồi thân tàn ma dại, đói khổ triền miên với chiêu bài “ lao động là vinh quang ”. Người tù không bản án, không biết ngày về, hàng ngày phải lên núi xuống đồi, chặt tre đốn gỗ. Thân bị lưu đày nơi rừng thiên nước độc, cơm độn ngô khoai, bo bo ăn không no,… áo không đủ mặc. Hàng ngày thân tù còm cõi phải lao động cật lực, làm ra của cải cho bọn cầm quyền hưởng thụ. Đau ốm bệnh tật không có thuốc men. Họ phải xa vợ nhớ con, trí óc phải nhồi nhét những bài học chính trị khuôn rập khát máu. Tinh thần người tù sa sút trong giá rét căm căm, hay phơi mình dưới ánh nắng như thiêu đốt. Kỷ luật sắt đá trên đe dưới búa của ban quản giáo, sơ hở một lời nói là bị chúng qui kết đủ tội, hoặc cùm tay cùm chân, bỏ đói, khủng bố tinh thần…
  Bên ngoài xã hội, đời sống người dân bấp bênh, hoang mang lo sợ đủ điều về cơm ăn áo mặc. Chế độ tàn ác cai trị dân qua cái bao tử, bắt bớ giam cầm, chúng bảo “ ngụy quân, ngụy quyền ” vì có nợ máu với nhân dân nên nay phải trả…. 
  Người giàu thành nghèo vì đánh tư sản mại bản, phút chốc tiền bạc của cải không cánh mà bay vào nhà nước để cho chúng đục khoét đem về làm của riêng. 
Người dân bị đưa đi kinh tế mới, phải sống trong cảnh đói khổ và kềm kẹp, bệnh tật triền miên, chết dần chết mòn trong hoàn cảnh cơ cực nơi chốn hoang vu, xương khô cốt tàn. Vạn vạn dân ra nông trường đào sông vét rạch, nhà nhà hóa nông thôn, thi hành chính sách bần cùng hóa để dễ cai trị. 
Đất nước lầm than khốn khổ, xóm làng tiêu điều, người dân âm thầm ta thán… Họp hành kiểm thảo, gây ghi kỵ cho nhau để dễ bề khống chế, cai trị… 


 Hòa bình rồi sao dẫy đầy thảm khốc?!... 

 Người với người cùng dân tộc giết nhau?! 
 Vì dẫu sao cũng chung một máu đào, 
 Sao lại nỡ xem nhau hơn nước lã?! 
 Quê hương ơi! Ta thấy lòng nhớ quá! 
 Biết làm sao tìm lại nghĩa tình xưa?! 
 Dẫu cuộc đời phải rau cháo muối dưa, 
 Nhưng được ấm trọn nghĩa tình dân tộc! 


 Nhân là viên chức dân cử nên bị liệt vào thành phần “ Ngụy quyền ” vì Nhân không nhanh chân, đưa gia đình vợ con cao chạy xa bay ra nước ngoài.

 Thế là chàng vào trại tù khổ sai Cộng sản bóc hơn 6 tấm lich. Khi trở về trong thân tàn ma dại, thiếu thốn mọi thứ vật chất và phải chọn kinh tế Long Khánh sinh sống qua ngày. Tại đây, Nhân gặp lại gia đình cụ Nam trong hoàn cảnh ngỡ ngàng, Hoa đứa cháu gái của cụ Nam kết duyên với một cán bộ công an. Nhân bị mời lên phường khóm hài tội. Sau một hồi giảng thuyết, lên lớp hù dọa Nhân, vì với bản chất người Cộng Sản… Nhân xét mình không có tội gì với nhân dân, mà trong quá trình đại diện cho dân đã làm ăn trong sáng, tìm đủ mọi cách cứu vớt dân lành khi bị thiên tai bão lụt, chiến tranh thời thế nên Nhân không nao núng, trả lời mạch lạc đâu ra đó. 
Cuối cùng tên công an nhoẻn miệng cười… 
 -Tôi đã biết tất cả quá trình hoạt động của chú trong chính quyền “ Ngụy ” là giúp đỡ người dân đói khổ, bằng chứng là chú đã lấy áo mình tặng cho cụ Nam, người nhà vợ tôi. Chú yên tâm làm ăn tốt, thi hành chính sách nhà nước ban ra, tôi sẽ không làm khó dễ chú…Chú ráng trở thành một người lao động giỏi, một công dân tốt nghe chú!
  Ở đời cũng có quả báo nhãn tiền… Mai, con của Nhân mua bán lặt vặt kiểu cò con, một nắng hai sương ngoài chợ, vốn liếng vài ba chục và sinh lợi đắp đổi qua ngày trong hạn hẹp khốn khó, Bác Tám gặp lại các con Nhân khóc ròng cho thời thế đổi thay đã xuất vốn vài ba trăm cho Mai mua bán bông hoa, đồ nylon trước mái hiên nhà bác cho đỡ vất vã. 
 Thế là nền móng cho Mai từng bước mua bán khấm khá, kiếm được khá tiền sau này… 
 Ai rồi không qua khỏi cầu sinh tử, cụ Nam chết đi để lại bao thương tiếc cho gia đình.
 Trong ngày chôn cất cụ ông, bao nhiêu áo quần khâm liệm và đốt đi cho người khuất mặt. Chiếc áo ấm dạ năm nào Nhân tặng và bộ ấm trà là hai món vật cụ Nam trân quí vẫn cất giữ bên người. Cái áo quá dày và còn tốt nên không đốt được, bà cụ cầm lên hai bảo vật khóc to:
 -Ông chết , hai món đồ mà ông trân quí hàng ngày còn đây, mà ông đã vội ra đi. Bộ ấm trà tôi để trên bàn thờ ông. Còn cái áo vẫn còn tốt, chú Nhân nay thất thế phải làm ruộng làm rẫy chịu lạnh rét sương gió, vậy tôi thay mặt ông tặng lại cho chú để che thân trong thời thế khốn khổ trước mắt, tôi nghĩ ông sẽ vui vẻ ngậm cười nơi chín suối…
 Chẳng đặng đừng, Nhân nhận lại chiếc áo của tình thân, của tình nghĩa… và chính nó che ấm thân Nhân trong một thời gian dài lao động cực khổ, để lo cho gia đình với cuộc sống đổi đời trong “ lao động là vinh quang ” cho đến khi sang Mỹ theo chương trình HO năm 1997. 
  Giờ đây cuộc sống tại xứ Mỹ, Nhân có bao nhiêu là chiếc áo ấm đủ kiểu, đủ hiệu, đủ màu đắt tiền, giá tri… do con cháu tặng trong những dịp lễ Tết, nhưng chiếc áo ấm lính dạ lính bạc màu theo năm tháng lao động vẫn treo đó làm kỷ niệm, là một cái áo quý nhất trong đời Nhân, mà chàng vẫn trân quí như cụ Nam và chàng cùng một ý nghĩ…CHIẾC ÁO TRỞ VỀ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét