Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

NỖI NIỀM RIÊNG - Nguyễn Ninh Thuận

   Sau buổi chợ chiều, Sứ uể oải thu dọn hàng về nhà sớm hơn mọi ngày, vì cảm thấy trong mình không được khỏe. Nàng cố đạp xe thật nhanh để về nhà nghỉ ngơi. Bước vào nhà, Sứ cảm thấy càng mệt hơn… một khung cảnh bừa bộn bày ra trước mắt với áo quần mền gối vất bừa bãi. Bếp núc lạnh tanh.
Sứ ngao ngán nhìn quanh cất tiếng gọi:
-Anh Tư đâu rồi, nhà cửa sao vắng ngắt thế nầy!
Không có tiếng trả lời. Vắng lặng thật vắng lặng. Nàng lẩm bẩm tự nói một mình:
-Chắc ba thằng Tèo lại đi nhậu nhẹt nữa rồi chứ gì? Mấy đứa nhỏ có lẽ đi học chưa về?
<!>
Tuy đang mệt trong người, nhưng nghĩ đến các con  đi học sắp về mà cơm canh chưa có. Lòng thương con dạt dào dâng lên, nàng nhanh tay nhóm lửa bắc nồi cơm lên bếp. Sứ thở dài tự nhủ:
-Dạo nầy buôn bán quá ế ẩm không lấy đâu ra tiền mua cá thịt cho các con  ăn. Rưng  rưng  nước  mắt, nàng nghĩ tiếp:
- Tội nghiệp cho các con tôi quá! Nhìn các con lùa bát cơm với vài cọng rau chấm nước mắm, mà đứt từng đoạn ruột. Đã lâu lắm rồi, mâm cơm quá đạm bạc, chắc chúng nó thèm cá thịt lắm! Thế mà ba chúng nó cứ lờ đi, không chạnh lòng thương con trẻ… Quanh năm suốt tháng không chịu làm ăn gì cả, để có tiền phụ giúp gia đình nuôi các con ăn học. Cứ sáng say, chiều xỉn không còn biết trời trăng  mây nước gì cả.
Sứ đi nhanh ra sau vườn hái vội mớ rau lang và cắt một khoanh bầu vào nấu bát canh nóng cho các con dễ nuốt trôi cơm.
Cơm canh nấu xong, Sứ nhanh tay dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, gọn gàng. Bỗng nghe tiếng gọi thất thanh:
-Mẹ có ở trong nhà không? Ra phụ con dìu ba vào nhà. Một mình con  dìu ba không nổi nữa rồi!
Sứ vội vã chạy nhanh ra đầu ngõ, trước mắt nàng… một hình ảnh bất mãn hiện ra. Chồng nàng bước đi không vững, chân thấp chân cao, đầu tóc rối bù và áo quần lếch thếch. Thân chàng rũ như xác chết đè lên tấm thân bé nhỏ của thằng con. Sứ kề vai xóc một bên nách chồng cho con nhẹ bớt. Nàng khẽ hỏi con:
-Con gặp ba ở đâu mà dìu về vậy hả Tèo?
Thằng con trai đang hì hục, dìu thân xác bồ tượng của ba nó, nghe mẹ hỏi, nó trả lời đứt quãng:
-Trên đường về, tới đầu xóm trên. Con thấy ba đã té gục hồi nào bên vệ đường, con vội dìu ba về. Thân xác của ba nặng quá, làm con mệt muốn đứt hơi luôn đó!
Sứ an ủi thằng con trai của nàng:
-Ba con thật tệ! Không ở nhà phụ giúp mẹ một tay, lo cơm nước cho các con đi học về có cái ăn. Tối ngày cứ lo đi nhậu nhẹt, say sưa thật khổ cho mẹ và khổ lây đến các con không ít… Đây rồi sẽ có ngày ba con bị té u đầu bể trán. Rõ khổ cho mẹ con mình, không biết đến bao giờ mới hết cái nợ tiền khiên nầy!
Thằng Tèo vừa đưa tay quẹt mồ hôi nhễ nhại trên trán, nó vừa tâm tình, than thở với mẹ:
-Con cũng thấy buồn lắm mẹ à! Ba của mấy bạn con, quanh năm suối tháng chí thú lo làm ruộng hoặc buôn bán, lo kiếm tiền để lo cho con cái, gia đình… nên tụi nó có tiền đi học và mua nầy sắm nọ  đầy đủ bút viết sách tập, lại còn có tiền ăn quà nầy bánh nọ nữa kia. Còn ba con không lo làm ăn. Tối ngày cứ rủ rê hết người nầy, tới người kia uống rượu say xỉn ly bì. Chỉ có một mình mẹ chắt chiu buôn tảo bán tần. Không biết rồi tụi con có được tiếp tục học cao lên nữa không?
Để an ủi và khuyến khích các con ráng học, Sứ gượng cười thủ thỉ với con:
-Các con hãy an tâm. Trước mắt cứ ráng học hết sức mình. Dầu hoàn cảnh có khó khăn nào, mẹ cũng ráng lo cho các con học đến nơi đến chốn. Con hãy an tâm, đừng buồn rầu mà phân tâm việc học nghe con!
Hai mẹ con hì hục dìu Tư vào nhà, đặt nằm nghỉ ở bộ ván gỗ. Vừa ngả lưng lên bộ ván, Tư đã ói thốc ra. Sứ phải dọn dẹp lại nhà cửa, làm vệ sinh cá nhân cho chồng. Sứ  vừa dọn dẹp vừa lẩm bẩm:
-Rõ khổ, con người ham ăn nhậu, chỉ làm khổ bản thân  mình và khổ lây cho vợ con mà thôi!
Tư mệt lả nằm ở bộ ván trước nhà. Sứ chờ các con về đông đủ mới dọn cơm ra ăn. Bữa cơm hết sức đạm bạc, chỉ có rau lang luộc chắm nước mắm và khúc bầu nấu nước lã làm canh. Trong nồi canh chẳng có cá, thịt hay tôm khô gì cả. Thế mà ba đứa con của Sứ ăn rất ngon lành, làm nàng thật xúc động. Phần Sứ, nàng chỉ ăn qua loa, vì quá ngán ngẩm trước sự be bét của chồng từ năm nầy kéo dài đến năm khác, chẳng lo làm ăn gì cả.
 Chờ con ăn xong, Sứ nhắc con học bài, còn nàng lo dọn dẹp rửa chén bát. Làm xong, nàng lên giường nằm ngủ để lấy sức cho ngày mai đi bán tiếp.
Trăn trở mãi vẫn không ngủ được. Sứ buồn rầu, nước mắt chảy dài ướt cả gối. Sứ nhớ lại khoảng đời đã qua. Nàng tủi cho số phận trớ trêu của mình…
 … Gia đình nàng thuộc lớp trung lưu, làm ruộng vườn để sinh sống. Sứ là cô gái ở quê rất ngoan hiền và thật dễ thương, có nét đẹp phúc hậu. Sứ được cha mẹ cho lên tỉnh học tiếp cấp III. Tại đây, Sứ và Lưu học chung lớp, và hai người hay chào hỏi mỗi khi gặp nhau. Đế lớp 11, biết mình học  yếu môn toán, nên Sứ muốn được Lưu chỉ hộ.
Một hôm,  “ bí ” trước một bài toán khó, Sứ đánh bạo đến gặp Lưu:
-Bài toán hôm nay khó quá! Anh có thể chỉ giúp em được không?
Lưu ân cần lên tiếng:
-Sứ đã lên tiếng, thì lúc nào tôi cũng sẵn lòng hết. Bất cứ giờ giấc nào, Sứ cần giúp gì thì cứ nói, chỗ bạn học, đừng ngần ngại gì cả.
-Cám ơn anh. Em có làm phiền anh lắm không?
Lưu nở nụ cười tươi trông rất dễ thương:
-Được giúp em là một điều rất hãnh diện, lâu nay anh hằng mong ước được làm điều đó.
Lưu trầm giọng nói vừa đủ nghe:
-Anh còn ao ước được trọn đời giúp em nữa kia mà!
Sứ mắc cỡ trước câu nói của Lưu, nàng e thẹn đỏ mặt, lí nhí mấy lời:
-Anh nói kỳ quá hà!
Tuy nói thế, nhưng Sứ cảm thấy lòng mình vô cùng sung sướng. Nàng thầm biết Lưu bấy lâu nay đã để ý đến mình, Nghĩ đến đó, Sứ thấy lòng xao xuyến với tuổi trăng tròn trước ngưỡng cửa tình yêu…
Họ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi bài vở, chỉ bảo cho nhau. Tình cảm hai người càng nẩy nở theo thời gian gần gũi. Hai người thường hẹn hò:
-Trưa chúa nhật nầy, anh muốn đưa em đi xem xi nê ở rạp Vĩnh Lợi. Anh chờ em ở góc đường gần đó.
Sứ  vui vẻ nhận lời:
-Vâng, em sẽ đến đúng hẹn.
Lưu nóng ruột chờ Sứ ở góc đường. Chàng xem đồng hồ liên tục. Đã quá giờ hẹn hơn một tiếng đồng hồ, mà không thấy bóng dáng Sứ xuất hiện? Lưu vừa đi tới đi lui vừa suy nghĩ:
-Không biết có gì xảy ra mà Sứ trễ hẹn thế nầy.
Lòng như lửa đốt, Lưu miên man nghĩ đến người yêu. Chàng nhớ lại những lời tâm sự của Sứ, lòng chàng phập phồng lo sợ:
-Gia đình em gồm có bốn anh chị em. Em là con gái gần áp út. Trên  em có một anh và một  chị lớn. Đứa  em trai út đang học lớp 9. Anh chị lớn đã có gia đình, làm nghề nông ở quê nhà. Mẹ em phụ ba chăm sóc vườn cây ăn trái và làm ruộng. Mẹ rất hiền lành, thật thà chất phác. Tất cả việc nhà đều do ba em quyết định. Tánh tình ba em rất độc đoán, bất chấp ý kiến của vợ con. Tụi em lớn nhỏ đều rất sợ ba. Ngay cả việc thành gia thất của anh chị lớn, đều do một mình ba em quyết định. Người không nghĩ đến tình nghĩa, chỉ biết quý trọng đồng tiền và chức vị mà thôi.
Ba em rất nghiêm khắc : - “ Cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó ” không thể nhúc nhích cãi lại được.
 Thở một hơi dài, với nét mặt u buồn, Sứ tâm sự tiếp:
-Không biết chuyện tình cảm của chúng mình mai nầy ra sao? Có được vuông tròn, như ý muốn của mình không? Em rất sợ cho tương lai hạnh phúc của hai ta. Gia đình của anh lại không được khá giả. Lâu nay, Ba em đã có ý muốn gả em cho một gia đình giàu có ở tỉnh Tây Ninh. Em thật lòng rất yêu anh, nhưng chẳng biết ba em có bằng lòng cho em lấy anh không nữa?
Gục đầu vào vai người yêu, Sứ thổn thức:
-Em lo sợ quá anh à! Sợ cho chuyện tình của chúng mình, không được toại nguyện. Xa anh chắc em sẽ chết mất!
Ôm chặt người yêu vào lòng, Lưu vỗ về nói:
-Chuyện chưa xảy ra, em không nên lo sợ khóc lóc như thế, làm mất tinh thần nhau. Đó mới chỉ là sự ước đoán của em thôi. Biết đâu, em được ba thương, không bắt ép hôn  nhân  như  anh  chị  trước  đây. Em hãy  bình tâm cầu xin  với ơn trên cho tình yêu của chúng mình luôn luôn gặp nhiều điều may mắn.
 Ngừng một lát, Lưu nói tiếp:
-Từ nay, anh không muốn nghe em nói những điều xui xẻo đó nữa…
Làm mặt tỉnh táo nói với Sứ như thế, nhưng trong lòng Lưu cũng thấy lo lắng không ít. Vừa nói Lưu vừa lấy khăn tay lau nước mắt cho người yêu. Chàng cúi xuống đặt một nụ hôn thật lâu trên môi Sứ.
Vòng tay hai người càng thắt chặt nhau hơn. Họ cố quên đi những chuyện vừa qua. Họ vui vẻ đùa giỡn với tình yêu trước mắt. Những ngày tháng yêu đương trôi qua theo tuổi học trò đầy mộng mơ trong sáng.
Thế mà hôm nay, Sứ lại trễ hẹn một cách vô lý! Có chuyện gì đây?
 Đang mải mê suy tư về người yêu. Lưu bỗng sáng mắt ra khi thấy xa xa bóng dáng Sứ xuất hiện. Lưu vội vã chạy về phía Sứ. Hai tay Lưu quàng lấy Sứ, chàng vồn vã hỏi:
-Hôm nay, sao em lại buồn quá vậy? Có chuyện gì không hay xảy ra hả em? Hay em bị đau? Nói cho anh nghe!
Không kịp để Sứ trả lời, Lưu cố gượng vui để làm vừa lòng người yêu:
-Lẽ ra anh bắt đền em trễ hẹn. Nhưng trưa nay trời nóng nực quá, anh thay mặt em để đền bù cho chúng ta một chầu kem. Em tán thành ý kiến đó chứ?
Rầu rầu nét mặt, Sứ mệt mỏi trả lời người yêu:
-Thôi được, chúng mình mua kem đem vào rạp vừa xem phim vừa ăn bên nhau lần cuối.
Hết sức ngạc nhiên trước câu trả lời của Sứ, Lưu gạn hỏi lại:
-Em nói gì thế! Sao lại là lần cuối hả em?
Sứ nắm tay Lưu giục đi nhanh như sợ ai bắt gặp. Vừa đi Sứ vừa nói:
-Chúng mình đi nhanh tới rạp chiếu bóng. Vào bên trong rạp, em sẽ nói cho anh nghe sau.
Lòng bồn chồn lo lắng, muốn biết câu chuyện lành dữ  như thế nào, nhưng Sứ đã nói thế, nên chàng đành  im lặng ngoan ngoãn bước theo chân Sứ đến rạp chiếu bóng. Bước vào rạp, họ tìm chỗ trống, không ai quấy rầy ở một góc rạp, để tiện dịp tâm tình. Vừa ổn định chỗ ngồi. Lưu vồn vã hỏi Sứ:
-Có chuyện gì thế hả em? Em làm anh hồi hộp quá!
Vừa nói, Lưu tìm tay Sứ nắm chặt và đặt một nụ hôn phớt nhẹ lên má nàng... Ngả đầu vào vai Lưu, giọng Sứ nghẹn ngào:
-Em khổ quá anh ơi! Chuyện chúng mình yêu nhau, không xong rồi anh à!
Giọng nghẹn ngào, nói đứt  quãng vì quá khổ đau. Sứ không nói hết lời, nàng chỉ biết ấm ức khóc.
Quàng tay siết mạnh vai người yêu, Lưu lên tiếng:
-Chuyện  đâu còn có đó. Em  hãy  kể  đầu  đuôi  cho anh nghe, để chúng ta cùng tìm hướng giải quyết tốt đẹp cho nhau. Nãy giờ em làm anh muốn đứng tim đây nè!
Vừa nói, Lưu đưa tay Sứ để lên  lồng ngực mình, nơi trái tim chàng đang dồn dập nhịp đập liên hồi…

Cố nén sự đau thương đang bóp nát cõi lòng, Sứ nói trong ngập ngừng đứt quãng:
-Ba em đã hay biết chuyện chúng mình yêu nhau. Ba em lại biết rõ gia cảnh của anh. Ba đã ra lịnh cấm em từ nay không được giao du thân mật với anh.
Đến chỗ mủi lòng, Sứ lộ vẻ bi lụy hơn:
-Ba cương quyết bắt em phải nghỉ học ngay từ ngày mai. Và điều làm cho em đau lòng nhất, là em phải đi lấy chồng ngay sau khi nghỉ học. Chồng em là một người em chưa hề quen biết bao giờ. Nghe đâu hắn ta là con trai út của một gia đình giàu có ở Tỉnh Tây Ninh. Hắn đã học xong chương trình Cán Sự Nông Lâm Súc ở Cần Thơ và nhờ có tiền chạy chọt nên được làm Trưởng Ty Ngư Nghiệp một tỉnh nhỏ nọ. Nhưng hắn là một tay ăn chơi rượu chè be bét có tiếng. Hắn ỷ lại là con nhà giàu, nên không lo cần kiệm làm ăn. Đau khổ quá! Chắc em chết mất anh ơi!
Tê tái cả cõi lòng, Lưu lặng thinh không biết nói sao với người yêu, trong giờ phút quá đau thương nầy…
Thời gian im lặng bên người yêu đang đau khổ trôi qua, chỉ trong chốc lát mà sao lòng Lưu thấy nó lâu vô tận, như hằng thế kỷ đau thương!
Để buồn khổ lắng chìm trong giây lát, Lưu ngập ngừng lên tiếng hỏi Sứ:
-Bây giờ em tính sao? Bó tay trước định mệnh, hay mình tự cứu mình thoát khỏi nghịch cảnh đau thương nầy hả em?
Vói qua hôn nhẹ lên trán người yêu, Lưu chậm rãi đề nghị…
-Hay là chúng ta dắt nhau đi đến nơi nào đó xây tổ ấm, đợi gạo nấu thành cơm, mình sẽ bồng con về tạ tội với cha mẹ.
-Em cũng đã nghĩ đến điều đó! Nhưng anh và em còn quá trẻ. Hai đứa mới bước vào niên học của lớp 12. Cả hai đều tay trắng, chưa có nghề nghiệp gì thì làm sao nuôi sống nhau được hả anh?
Ngập ngừng một hồi, Sứ nói tiếp:
-Vả lại sau nầy mình có con với nhau, thì lấy gì nuôi nó. Hiện tại, chúng ta đều sống nhờ vào gia đình. Nay, nếu gia đình từ bỏ thì nhà đâu để ở? Rồi bao thứ cần thiết trong đời... Nghĩ đến đó em muốn khủng hoảng tâm thần luôn đây nè!
Lưu đưa tay quàng vai Sứ, bóp mạnh, giọng đượm một nỗi buồn khó tả:
-Nầy cũng không được! Kia cũng không được! Giờ ta biết tính sao đây hả em? Hay là chúng ta cùng chết bên nhau, để đời đời được gần nhau em nhé!
-Phần em, vì tình yêu, em chết bên anh cũng cam lòng. Nhưng anh là con một. Em không thể ích kỷ cho tình yêu trai gái của mình để anh phải mang tiếng bất hiếu với mẹ già. Mình chết như thế cũng không nhắm mắt được, để lại tiếng xấu cho mọi người nguyền rủa cười chê.
Nước mắt đầm đìa trên má, Sứ nói với người yêu, cũng như  nói với chính mình:
-Chắc cũng do số kiếp mà ra cả anh à. Kiếp trước mình vụng đường tu nên kiếp nầy mới  không  được  toại nguyện bên nhau. Hẹn kiếp sau sẽ nên nghĩa vợ chồng. Đời em coi như bỏ, chúng mình gượng sống cho cha mẹ vui lòng. Dù gì “ Áo mặc không qua khỏi đầu ” anh ơi! Chúng ta đành chấp nhận vậy thôi. Duyên số cả anh à!
Lưu rũ người xuống, chàng cảm thấy tủi thân cho chính mình, cũng như người yêu. Không tìm ra giải pháp gì mở đường cho vấn đề nan giải. Hai người chỉ biết ngậm ngùi cho số kiếp không may của mình…
 Trên màn bạc sắp chấm dứt. Cặp tình nhân tỏ bày thắm thiết nỗi thương đau khi phải chia tay. Không hẹn mà gặp. Một cặp tình nhân khác ngồi cách đó không xa, cũng ôm nhau khóc hết nước mắt, vì hoàn cảnh trái ngang phải chia tay. Tuy xem phim, nhưng Lưu và Sứ chẳng hiểu câu chuyện phim như thế nào. Chỉ biết kết cuộc là một màn chia tay bi thảm đầy nước mắt. Hình như đây cũng là điềm báo trước cho chuyện tình của họ.
Hết phim, đèn trong rạp được bật sáng. Lưu và Sứ rời tay nhau trong bịn rịn nuối tiếc. Thời gian sao trôi qua quá nhanh. Đã đến lúc họ phải chia tay, để mỗi người một hướng đi.
 Muốn kéo dài giây phút chia tay, Lưu đề nghị:
-Anh muốn đưa em đi ăn lần cuối, để ghi lại chuyện tình của mình nghe em!
-Em đồng ý, nhưng không được kéo dài thời gian. Em cần về sớm, kẻo ba biết được sẽ đánh đòn em chết.
Trong suốt bữa ăn, hai người nhìn nhau im lặng. Miệng họ như khô đắng, không nuốt trôi thức ăn, mặc dù bụng đang đói cào.
Lưu phá tan không khí nặng nề đang bao phủ:
-Ước gì thời gian ngưng đọng lại, để hai ta mãi mãi được ngồi bên nhau như hiện giờ em nhỉ!
Sứ im lặng, nước mắt đau thương chảy dài trên má. Lưu lấy khăn tay lau nước mắt cho người yêu. Trong khi khóe mắt chàng cũng đọng đầy những giọt thương giọt nhớ. Lưu thỏ thẻ:
-Ước gì anh được diễm phúc là người trọn đời lau nước mắt cho em!
Hai hàng nước mắt của Sứ càng chảy nhiều hơn, khi nghe câu nói tha thiết của người tình.
Cũng đến lúc phải đứng dậy ra về. Hai người lê bước thật chậm chạp ra khỏi tiệm ăn. Sứ đưa mắt nhìn người yêu lưu luyến, giọng nàng nghẹn ngào thỏ thẻ:
-Thôi em về. Anh ráng giữ gìn sức khỏe. Nếu thật sự thương em, anh hãy cố gắng học cho giỏi hơn. Đừng vì chuyện tình mình dang dở, mà xao lãng việc học nghe anh. Tuy xa cách, nhưng em vẫn hằng quan tâm và theo dõi từng bước chân anh đến hết cả cuộc đời.
Cầm tay Sứ không muốn buông ra, Lưu nài nỉ:
-Cho anh đưa em về đến nhà lần cuối nghe em. Sứ! Anh quá thương em! Nếu chết cho tình yêu của chúng mình, anh sẵn sàng nhắm mắt. Anh không thể sống vui vẻ khi cuộc đời không có em.
Sứ nghẹn ngào:
-Anh đừng nói gở. Thôi chúng ta cùng đi. Em chiều anh lần cuối, trước khi mình chia tay.
Hai người chậm rãi sánh bước bên nhau. Họ muốn quãng đường dài thêm, để còn được gần nhau phút nào hay phút đó. Giọng nói ngọt ngào, tha thiết của Lưu vẫn đều đều bên tai Sứ:
-Anh nguyện sẽ vì em, mà ráng học giỏi hơn nữa. Vì yêu em, anh hứa sẽ cố gắng làm ăn cho có thật nhiều tiền, để không còn tủi phận mình nghèo mà phải mất người yêu. Anh thề không bao giờ quên em. Dù hoàn cảnh nào đi nữa, anh vẫn không quên em, người anh yêu thương nhứt cõi đời nầy. Giá như mai sau này có dịp gặp lại nhau, mà em cần đến sự giúp đỡ của anh, anh nguyện sẽ đem hết khả năng có được để giúp đỡ em tận tình.
-Cám ơn anh đã thông cảm cho hoàn cảnh của em. Chẳng những anh không trách móc em, cũng như gia đình em, mà anh lại còn nói lên lời thắm thiết ân tình ấy. Biết đâu sự thật sau nầy, anh là người ra tay cứu giúp đời em, ban ơn cho gia đình em. Luật vay trả, trả vay của trời đất xưa nay, mấy ai tránh khỏi phải không anh?
Cầm hai bàn tay Lưu đưa lên miệng hôn một hơi dài, Sứ cất tiếng hỏi Lưu:
-Anh có biết vì sao em không hôn môi, hôn má anh mà lại hôn hai bàn tay của anh không?
Lưu đã đọc được hết ý của Sứ khi hôn hai bàn tay chàng. Nhưng qua câu hỏi của Sứ, chàng vờ như không hiểu, để được nghe sự giải thích của chính miệng người yêu. Lưu lên tiếng thắc mắc ý tình cái hôn đó:
-Anh làm sao biết được ý của em muốn gởi gấm qua cái hôn vừa rồi. Em hãy giải thích cho anh được tận tường.
Sứ vừa nở nụ cười, vừa đưa mắt liếc nhìn người yêu hết sức tha thiết. Tay của Sứ  nắm chặt tay Lưu. Nàng nhỏ nhẹ giải thích:
-Dưới đôi mắt em, anh là một dũng sĩ và sẽ chiến thắng tất cả sự khó khăn trở ngại trên đời nầy. Hai bàn tay của anh sẽ làm nên tất cả. Em có linh tính rằng cũng chính hai bàn tay đó sẽ nâng em, sẽ dìu em sau nầy, khi em sa cơ thất thế. Và lúc nào, anh cũng mở rộng vòng tay với em. Em gởi gấm tất cả niềm tin và hy vọng  của em qua cái hôn đó anh à! Suốt đời, em không bao giờ quên được hình bóng của anh, dù nay mai em đã đi lấy chồng. Thể xác em thuộc về người đó, nhưng trái tim em và tâm hồn  em đã vĩnh viễn thuộc về anh  mất rồi!!!
Quàng tay ôm Sứ vào lòng, Lưu hôn lên môi Sứ một hơi dài thắm thiết.
Gần đến nhà Sứ, họ không nỡ chia tay nhau, họ còn cố quấn quít gần nhau. Lưu đảo mắt nhìn quanh, không thấy bóng dáng ai. Lưu mạnh dạng ôm Sứ vào lòng, chàng đặt nụ hôn lên đôi môi dễ thương của người yêu. Nụ hôn đầy vị mặn của nước mắt và hai trái tim nát tan bởi cuộc tình dang dở…
Sứ như chợt tỉnh trước hoàn cảnh phũ phàng của tình yêu đầu đời. Nàng gỡ hai tay của Lưu ra khỏi thân mình. Nước mắt ràn rụa. Sứ nghẹn ngào nói:
-Thôi anh hãy về đi! Thương nhớ em, anh hãy gắng học,  để mai sau có một nghề vững chắc trong tay. Đêm đêm, em sẽ cầu nguyện cho anh được hạnh phúc mãi mãi bên người anh yêu.
 Miệng nói, chân Sứ bước vội về hướng nhà mình với tâm hồn tê tái.
Lưu đứng tần ngần nhìn theo dáng người yêu đang khuất dần mà lòng như tan nát.
 Mấy hôm sau, Sứ không đi học nữa. Lưu âm thầm đau khổ, thăm hỏi tin tức về nàng. Thắm, một cô bạn thân của Sứ, biết chuyện tình của hai người, nên thố lộ tin tức cho Lưu biết:
-Anh Lưu, anh có biết gì không? Con Sứ nó bị ba nó gả ép cho một ông Trưởng Ty Ngư Nghiệp ở một tỉnh nọ. Mấy hôm nay nó buồn rầu sanh bịnh nằm nhà. Tội nghiệp cho nó quá chừng quá anh à!
Lưu buồn rầu lên tiếng:
-Thắm có dịp nào về quê thăm Sứ, cho tôi gởi mấy hộp sữa và một lá thư cho nàng. Thắm nhớ khéo léo tránh tai mắt của ba nàng nhìn thấy.
-Nếu có dịp, tôi sẽ trao quà và thư tận tay Sứ, anh yên tâm đi.
Cuối tuần Thắm có dịp về quê, nàng ghé thăm Sứ với lời ủy thác của Lưu. Đọc xong lá thư, Sứ sụt sùi khóc. Hai người bạn gái ôm nhau thông cảm. Sứ nói sơ sơ về  nội dung lá thư của Lưu cho Thắm biết:
-Anh ấy khuyên Sứ, nếu mạnh dạn chấp nhận đối đầu với cảnh khổ, thì trốn theo anh ấy. Còn vì chữ Hiếu không cãi cha mẹ, thì ráng thuốc thang cho mau lành bệnh để làm bổn phận đứa con hiếu thảo “ Cha mẹ đặt đâu con  ngồi đó ”. Phần anh, anh sẽ đi thật xa để Sứ yên lòng sống hạnh phúc trọn vẹn bên chồng có địa vị và giàu sang. Còn phần anh chỉ  là  một  học sinh  nghèo và mồ côi cha ngay từ thuở mới lọt lòng mẹ. Anh không công danh, không bằng cấp, nên phải chịu thua thiệt mà thôi! Anh chẳng có bạc tiền, nên chẳng được yêu trọn vẹn. “ Có tiền mua tiên cũng được ”. Mình nghèo phải chấp nhận mọi thua thiệt. Đời là thế em à! Biết phận mình nên anh phải đi xa. Nhưng giờ phút nào anh cũng nhớ thương em vô cùng Sứ ơi! Càng thương nhớ em, anh càng quyết tâm thực hiện đúng như những lời em dặn dò trước lúc chia tay. Và anh mơ một ngày mai như em ao ước: “ Bàn tay anh làm nên tất cả ” và bàn tay nầy nguyện thề sẽ “ tất cả cho em ” Sứ ơi! Trước mắt, anh khuyên em hãy quên hình bóng của anh, để mạnh dạn đi lấy chồng, em nên làm vui lòng cha mẹ. Anh thành thật chúc phúc cho em.
Cân nhắc, suy đi tính lại, Sứ gượng vui đi lấy chồng. Quê chồng ở xa, nên từ đó Sứ không có dịp gặp lại Lưu, và nàng cũng không tin tức gì về người yêu cũ nữa.

E ấp tình đầu vừa chớm nở,
Duyên tình chỉ biết dệt trong mơ.
Ngày mai, em sẽ làm đám cưới,
Chú rể, lòng em chẳng ước mơ…

Những ngày về làm vợ Tư là những chuỗi ngày chồng chất thêm đau khổ. Tư là người ham thích nhậu nhẹt lại đam mê bạc bài. Chàng ỷ mình là con nhà giàu, lấy đồng tiền mua quan mua chức. Với học thức chẳng là bao, mà chàng được làm Trưởng Ty Nông Nghiệp một tỉnh nọ. Tư tha hồ bê tha trác táng, hết gái nầy tới gái  nọ. Là người chồng thiếu bổn  phận với vợ, là người  cha vô trách  nhiệm với con.
Thời gian cứ âm thầm lặng lẽ trôi qua, Sứ vẫn chịu đựng nhiều đớn đau tủi nhục bên chồng, nàng không  một lời than thở tâm sự cùng ai…
Sau khi đất nước đổi đời năm 1975, Toàn dân Miền Nam khốn khổ, vì chế độ Cộng Sản bạo tàn. Cũng như bao nhiêu viên chức Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, Tư phải trình diện để được “học tập cải tạo”. Trong thời gian Tư ở trong tại tập trung, gia đình Tư bị chế độ mới, đánh đổ tư sản nên trắng tay hoàn toàn. Lâu nay đã khổ, nay lại nàng khổ hơn… Đời Sứ sao nghiệt ngã quá! Sứ luôn khóc thầm mỗi đêm.
 Sau hơn một năm “ cải tạo ”, Tư được tha về. Chàng vẫn tánh nào tật nấy, trước đây be bét rượu chè, nay chàng vẫn rượu chè be bét, không gì có thể thay đổi được  con người trác táng của Tư được! Chàng quen thói lười biếng, lại không chịu lo làm ăn, Tư chẳng hề phụ giúp vợ từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong nhà. Chàng sáng say chiều xỉn. Mọi việc nhứt nhứt chỉ một bàn tay của Sứ lo liệu tất cả. Đêm đêm, Sứ chỉ biết  than khóc cho số phận bạc bẽo của mình. Nàng thầm trách cha già đã vô tình đưa nàng vào con đường khốn khổ, từ vật chất lẫn tinh thần …
Ba đứa con Sứ ngày càng lớn, nhu cầu trong gia đình ngày càng nhiều. Nhưng sức khỏe của Sứ ngày một yếu đi, vì chẳng bao giờ được chồng san sẻ cho bất cứ công việc gì, kể cả sự chăm sóc con cái. Mệt mỏi, Sứ càng mệt mỏi hơn. Niềm tin tương lai ở  các  con xem  như  tuyệt  vọng, mặc dầu lâu nay, chúng nó luôn luôn là học sinh giỏi nhứt nhì trong lớp.
Bàn tính hết sức, Sứ chỉ có cách ra chợ quận buôn bán. Nàng muốn mua bán các mặt hàng  khan  hiếm  như thuốc tây chẳng hạn -mua chui bán lậu. May ra mới có thể kiếm được chút đỉnh tiền nuôi các con ăn học.
 Bước đầu ra chợ quận, Sứ được một người bạn gái giới thiệu, làm quen với một chị cũng chuyên mua bán mặt hàng thuốc tây lậu. Chị ấy môi giới, giúp đỡ Sứ lấy hàng. Một thời gian thử thách vào nghề, vì quá ít vốn, nên việc mua bán của Sứ cũng gặp nhiều khó khăn. Ngày ngày kiếm chẳng được bao nhiêu tiền. Trong khi nhu cầu ăn học của ba đứa con ngày một nhiều. Sứ vất vả xuôi ngược, mệt lả người, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho nhu cầu đòi hỏi của con, dầu chúng nó rất tiện tặn, không đòi hỏi gì… Quá thất vọng trong kế hoạch ra chợ quận mua bán mà trước đây Sứ cứ ngỡ rằng dễ kiếm ăn.
Sứ thất thểu đi ngang một cửa tiệm cắt kiếng, nàng xuýt đụng đầu một người đàn ông vừa trong tiệm bước ra. Rồi hai người ngờ ngợ nhìn nhau. Nét mặt người đàn ông mừng rỡ lên tiếng hỏi trước:
-Xin lỗi, cô có phải là cô Sứ ở Vĩnh Long không ạ?
Sứ nhỏ nhẹ trả lời trong sự ngỡ ngàng:
-Dạ, em là Sứ quê ở Vĩnh Long. Nhưng anh là... sao giống anh Lưu ở Vĩnh Long quá vậy?
Sự mừng rỡ hiện rõ trên gương mặt người đàn ông, anh ta vội vàng đáp:
-Anh là Lưu đây. Đúng  là  trái  đất  tròn  phải  không em? Mấy mươi năm vẫn còn gặp lại! Dạo nầy em có khỏe không? Gia đình chồng con em thế nào? Trông em khác xưa nhiều lắm. Dường như em có tâm sự gì buồn ?
Sứ chưa kịp trả lời những câu hỏi dồn dập của Lưu, thì chàng ta lại nói tiếp:
-Mấy mươi năm xa cách, giờ mới được gặp nhau. Anh vui mừng biết bao em ơi! Gặp lại em, anh mừng như trúng số độc đắc vậy đó. Nhân dịp nầy, anh cũng xin giới thiệu với em, tiệm kính nầy là của anh đó. Mời em cứ tự nhiên vào chơi. Rồi từ từ kể chuyện gia đình cho anh nghe với. Tạ ơn Phật Trời cho con có được ngày hôm nay.
 Vừa nói, Lưu vừa nắm tay Sứ mời vào tiệm. Kéo ghế ân cần mời Sứ ngồi. Chàng bước tới chỗ anh giúp việc nhờ đến tiệm mua hộ thức ăn. Lưu vội vàng trở lại nhắc ghế ngồi bên cạnh Sứ trò chuyện thăm hỏi đủ điều…
Chốc lát, anh giúp việc đem thức ăn về bày biện trên bàn. Lưu ân cần mời Sứ đến ăn. Nàng rất ngạc nhiên, khi nhìn thấy toàn những thứ mà nàng rất ưa thích  trước kia. Động lòng trước sự việc, Sứ khẽ nói:
-Cám ơn anh đã nghĩ đến chuyện cho em ăn những món ăn kỷ niệm ngày nào.
Lưu đắm đuối nhìn Sứ như thuở xa xưa, một hồi lâu chàng mới lên tiếng:
-Từ ngày xa em đến nay, anh luôn luôn ăn những món ăn kỷ niệm nầy.
Cảm động trước những lời quá chung tình  của  người yêu. Sứ không ngăn được dòng nước mắt.
-Thật quý hóa vô cùng một tấm lòng chung thủy hiếm có trên đời nầy. Em hân hạnh là người yêu đầu đời của anh. Em rất mãn nguyện. Giờ có nhắm mắt, em cũng vui lòng. Nàng rất sung sướng hãnh diện có một người tình quá lý tưởng, hết dạ thủy chung với người yêu. Dầu em đã đi lấy chồng mấy mươi năm rồi, mà anh vẫn nhớ vẫn thương như vậy. Quả thật hiếm có trên cõi đời này!
 Nói xong, Sứ đưa mắt nhìn quanh tiệm. Nàng tự nhủ thầm:
-Mấy mươi năm rồi mà chàng không thay đổi bao nhiêu. Vẫn phong độ như thuở nào. Chắc cuộc sống chàng thoải mái lắm.
 Đôi mắt Sứ thiết tha nhìn Lưu đang đắm đuối ngắm nhìn mình. Hơi bẽn lẽn, Sứ cúi đầu hỏi nhỏ:
-Gặp anh mừng quá, nên nãy giờ em quên mất, không hỏi thăm anh về chuyện gia đình vợ con của anh. Chị Lưu đâu anh, em không thấy? Anh chị được mấy cháu rồi?
Đôi mắt buồn nhìn Sứ, hai hàng nước mắt chảy dài trên má Lưu. Một phút động lòng, Sứ lấy khăn lau nước mắt cho người yêu cũ. Nàng nhỏ nhẹ nói:
-Nếu vì câu hỏi vô tình của em đã làm anh buồn, thì cho em thành thật xin lỗi!
Lưu đưa tay nắm chặt tay Sứ, chàng âu yếm trả lời:
-Không! Em chẳng xúc phạm điều gì cả. Qua câu hỏi của em, làm anh nhớ đến mẹ vô cùng.
Sứ có vẻ ngạc nhiên hỏi:
-Qua câu hỏi của em làm anh  nhớ mẹ? Anh  nói thế em không hiểu gì cả?
Nét mặt dàu dàu, Lưu nhỏ nhẹ trả lời:
-Nguyên từ ngày chúng mình chia tay nhau, anh từ giã mẹ lên Sài Gòn vừa đi học vừa đi làm. Sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế, mẹ muốn anh cưới vợ. Anh kiếm cớ hẹn lần mãi mấy năm sau. Rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975, xảy ra cho quê hương đất nước. Cũng như bao người khác, anh mất việc làm tại một hãng xuất nhập cảng nọ. Lúc đó, mẹ anh bị ốm nặng. Mẹ ao ước được thấy mặt con dâu trước khi nhắm mắt theo ông bà. Thương mẹ, anh đồng ý cưới bất cứ người nào mà mẹ chọn vì ngoài người xưa ra, anh không hề thương ai cả. Thế là Hòa, một cô gái cùng làng, mà mẹ để ý lâu nay được làm dâu của mẹ. Ngày cưới vợ, mà lòng anh tê tái xót xa, vì quá thương nhớ người yêu cũ. Anh lỗi hẹn với lời mình đã tự nguyện:“ Dù em đã đi lấy chồng, nhưng anh vẫn ở vậy để nhớ, để thương một bóng hình em ”. Đêm tân hôn, anh không giấu giếm tâm sự của mình. Hòa biết được, tuy nàng buồn ra mặt, nhưng nàng vẫn ân cần lên tiếng:
-Được làm vợ anh là một diễm phúc cho cả đời em rồi, vì em là một trong những cô gái nghèo nhứt trong làng, ít học lại kém nhan sắc. Em hứa luôn luôn tôn trọng tình cảm riêng tư của anh, em sẽ không bao giờ dám làm phiền lòng. Chị Sứ nào đó thật là diễm phúc được anh yêu thương đến như thế, mà không được sánh duyên. Nghĩ cũng tiếc giùm cho chị ấy.
Do thời buổi khó khăn của đất nước lúc bấy giờ, mẹ thiếu thuốc  men chữa trị  nên  Người  đã  qua  đời  trong  sự thương tiếc vô cùng của anh. Thương mẹ, nhớ người yêu, một lần nữa, anh lại rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún, tạm biệt người vợ bất đắc dĩ, và hẹn nàng cứ mỗi tháng về thăm gia đình một lần, nhân chuyến về thăm mộ mẹ cha.
   Từ khi mẹ mất, anh đã chọn nơi nầy lập nghiệp, bởi trước kia anh có nghe phong phanh quê chồng của Sứ ở tỉnh Tây Ninh, nhưng anh chẳng rõ ở quận nào, xã nào. Anh chọn nơi nầy, với niềm hy vọng có một ngày nào đó, sẽ được gặp lại người xưa. Nào ngờ, ước mơ của anh nay đã thành sự thật. Xin tạ ơn Phật Trời đã không phụ lòng anh. Trái đất vẫn tròn, anh được gặp lại người yêu cũ.
Càng nghe lời nói thắm thiết của Lưu, Sứ càng nức nở khóc. Nàng khóc vì quá sung sướng có một người yêu hết dạ chung tình. Rồi, Sứ lại thầm trách ba nàng không biết nhìn người, nên đã đưa đẩy cuộc đời của nàng vào cảnh khổ bấy lâu nay. Trước tình đời ngang trái, giờ biết ăn nói làm sao?
Lưu lại lấy khăn lau nước mắt cho Sứ. Chàng thỏ thẻ bên tai nàng:
-Thôi đừng khóc nữa em à! Trời Phật đã cho chúng mình gặp lại nhau như thế nầy là phúc lắm rồi. Anh mãn nguyện vô cùng. Giờ anh muốn, trong lúc vừa ăn em vừa kể chuyện gia đình của em cho anh nghe với. Nếu có thể được, anh sẽ giúp em trọn vẹn  như ý muốn.
Gạt nước mắt, Sứ vừa ăn những thức ăn ưa thích nhất trước đây, vừa tâm tình cho Lưu nghe:
-Sau  khi  chia  tay  anh, em  vâng  lệnh  cha  mẹ  đi lấy chồng. Chồng  em  là  con  nhà  giàu. Tuy  không có bằng cấp cao, nhưng cũng chạy chọt được chức Trưởng Ty Ngư Nghiệp của một tỉnh nhỏ nọ. Rồi đất nước mất vào tay Cộng Sản Việt Nam, ông ấy đi “cải tạo” theo chính sách của nhà cầm quyền. Gia tài bên chồng cũng bị tịch thu, từ đó gia đình lâm vào hoàn cảnh thiếu trước hụt sau hết sức khó khăn. Càng khó khăn hơn cho em với ba đứa con  của em  còn nhỏ nheo nhóc. Em chẳng kham nổi, mặc dầu em đã  hết sức tảo tần xuôi ngược, bán buôn lén lút. Sau gần hai năm tập trung cải tạo, chồng em được khoan hồng tha về sớm. Nhưng vốn bản tánh ỷ lại con nhà giàu có trước đây, đam mê rượu chè cờ bạc, trác táng đã ăn sâu vào tim óc. Nên chẳng những không giúp ích được gì cho em mà còn là một gánh nặng trên đôi vai ốm yếu của em….
 Theo thời gian, việc học của ba đứa con ngày càng tốn kém. Lắm lúc vì quá kiệt sức, em muốn tự vận chết, cho khỏe xác thân bất hạnh nầy. Nhưng kịp nghĩ vì tương lai các con, nên em cố gắng hết sức mình, để nuôi con được ngày nào hay ngày nấy, chứ không còn ý trốn chạy nữa. Mấy ngày nay, em ra chợ tảo tần chạy mối thuốc tây chui. Phần vì mới tập tễnh, phần vì quá ít vốn, nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Mải mê suy nghĩ tìm phương cách khác làm ăn, đang thất thểu đi ngang qua tiệm kính nầy, nào ngờ được gặp anh. Thật em không ngờ có ngày hôm nay!
Sứ vừa nói dứt lời, không một chút suy nghĩ, Lưu mạnh dạn lên tiếng:
-Nếu em còn nghĩ đến chút tình xưa. Nếu em thật sự hết lòng “ Tất cả cho con ” thì xin cho phép anh được tiếp tay với em, để lo cho các con tiếp tục ăn học. Không gặp lại nhau chẳng nói gì, bây giờ đã gặp nhau, đã nghe rõ hoàn cảnh của em rồi, anh không thể làm ngơ được. Em! Một lần nữa, anh xin phép em cho anh được góp phần với em để lo cho các con nghe em. Từ nay, nếu em bằng lòng anh sẽ coi chúng nó như con  của anh vậy đó! Anh sẽ lo cho chúng nó ăn học đến nơi đến chốn.
Nắm chặt tay Sứ, Lưu tha thiết nói:
-Em! Từ nay anh không thể để cho em phải vất vả cực khổ nữa. Trông hình hài em đã quá tiều tụy cằn cỗi lắm rồi Sứ à! Mỗi ngày em chịu khó ra tiệm phụ anh mua bán. Tiền lời kiếm được anh sẽ chia cho em để trang trải chi phí nuôi con ăn học. Xin em đừng ngại ngùng  mà từ chối tấm lòng hết sức chân thật của anh.
Cảm động trước tấm lòng quý hóa của người yêu cũ, Sứ ngại ngùng bày tỏ ý mình:
-Được anh quan tâm giúp đỡ em trong lúc quá khốn khổ, em rất mừng. Nhưng em rất ngại với chị nhà. Sợ chị ấy làm khó dễ, khi biết được em ra tiệm làm chung với anh và được anh hậu hĩ cho nhiều tiền hàng tháng như vậy.
Lưu vội vàng nói:
-Ồ việc gì, chứ việc đó em khỏi lo! Bao nhiêu năm nay, vợ anh đã bằng lòng cho anh đi làm ăn xa, vả lại bà ta đã biết rõ tâm sự của anh với em ngay trong đêm tân hôn và bà ta đã tự hứa sẽ không bao giờ xen vào tình yêu  của anh với người yêu cũ. Hơn nữa, hàng tháng anh vẫn gởi tiền và về thăm nhà đều đặn. cho mẹ con nàng. Mỗi tháng anh cũng về thăm nhà một lần. Anh luôn luôn chu toàn bổn phận đối với gia đình….
Sắp chết đuối đến nơi, may mắn được gặp lại người yêu cũ. Anh ta lại hứa sẵn sàng dang tay giúp đỡ nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Như vớ được cái phao cứu tử, Sứ tự nghĩ:
-Mình có một người bạn gái, lấy chồng có được bốn đứa con. Trước năm 1975, chồng là một sĩ quan. Cô bạn ấy không có học thức, nhưng có nhan sắc khá mặn mòi, chỉ ở nhà chăm sóc gia đình con cái mà thôi. Rồi sau tháng 4 năm 1975, chồng nàng bị tập trung cải tạo. Gia đình lâm vào hoàn cảnh sống dở chết dở, con cái vì quá thiếu ăn nên đau ốm liên miên . Đối với chồng, nàng rất thương rất nhớ nhưng nhà quá nghèo, cơm không đủ ăn, thì làm sao có điều kiện đi thăm chồng được như các chị em khác. Lúc đó, anh chị em ruột thịt, họ hàng ai cũng khổ, nên chẳng ai giúp được ai. Trước sự ve vãn của tên nhà giàu, có máu mặt trong làng, cô bạn ấy đành nhắm mắt làm tình nhân hờ của hắn, để cứu lấy cái chết đói trước mặt của bốn đứa con và còn có điều kiện đi thăm nuôi chồng đang khốn khổ trong trại cải tạo bao nhiêu năm nay. Người đời chỉ giỏi đào xới bươi móc chuyện thiên hạ. Thuở đó, ai có thể cho con nàng một bữa ăn no? Tuy nàng thất thân với kẻ khác, thể xác của nàng không  đáng giá, nhưng tâm hồn nàng lúc nào cũng ở bên chồng, bên con. Nàng hy sinh cho  chồng  cho  con  được sự sống còn. Một người đàn bà như nàng, thật đáng ngưỡng mộ và trân quý vô cùng. Sau mấy năm cải tạo khổ sai, chồng nàng được thả về. Biết chuyện, chàng chẳng những không trách móc nàng, mà chồng còn rối rít cám ơn nàng đã cứu sống bốn đứa con của chàng và nhất là đã nuôi chúng ăn học, không bị dốt nát trong những năm tháng quá khốn khổ nghèo đói…
Nay, trường hợp của mình gặp lại người yêu cũ, chàng hứa quyết tâm dang tay cứu vớt mình khỏi lâm vào cảnh tuyệt vọng, bế tắc. Các con mình có cơ hội học đến nơi đến chốn. Mình cũng không bỏ chồng, dù chàng quá có lỗi với mình từ mấy mươi năm nay. Hơn nữa tình cảm của mình dành cho Lưu vẫn còn đầy ấp trong tim. Vả lại, Lưu cũng hết sức chân thành, khi gợi ý muốn giúp đỡ cho mình trong lúc nầy. Anh ta chẳng có ý lợi dụng gì cả. Vì tương lai tốt đẹp trước mắt của các con, mình không thể từ chối sự giúp đỡ quý báu hiếm có nầy.
 Bữa ăn kéo dài khá lâu mới chấm dứt. Sau khi dọn dẹp xong, Lưu ngỏ ý mời Sứ đi vòng quanh tiệm cho biết. Sứ cảm thấy rất tự nhiên, khi đi bên cạnh Lưu viếng thăm vòng quanh hết cửa tiệm rộng lớn của chàng. Tương lai các con nàng đang rộng mở trước mắt. Nàng mỉm cười sung sướng nắm chặt bàn tay của Lưu đưa lên môi hôn và nói khẽ:
-Mấy mươi năm trước, khi chia tay nhau, em hôn hai bàn tay nầy. Nay, mấy mươi năm sau được gặp lại, em xin hôn lại hai bàn tay đó. Bàn tay làm nên tất cả. Em sung sướng  quá! Em mãn nguyện quá! Ước gì cuộc  đời em mãi có anh bên cạnh! Một hạnh phúc thật tuyệt vời cho đời em.
Trước khi cáo từ ra về để chuẩn bị cho một công  việc mới. Sứ hôn nhẹ lên má Lưu nó:
-Em thành thật biết ơn anh đã có lòng giúp đỡ em trong hoàn cảnh quá bi đát nầy. Và trước khi ra đây làm ăn với anh, em muốn đề nghị với anh một chuyện.
Lưu tươi cười lẹ làng hỏi:
-Chuyện gì em cứ tự nhiên nói cho anh biết. Đừng ngần ngại gì cả!
Sứ lộ vẻ e thẹn, nàng đỏ mặt nhỏ nhẹ nói:
-Từ nhà em ra tới tiệm của anh khá xa. Nếu sáng đi chiều về, chắc em không đi nổi. Nếu anh thật lòng muốn giúp em, thì xin anh hãy sắp xếp cho em được ở lại tiệm, cuối tuần mới về. Được không anh?
Sự vui mừng lớn lao hiện rõ trên nét mặt Lưu, chàng tươi cười nói:
-Nếu được vậy, thì còn gì phúc đức cho anh hơn! Để tiện cho em sắp xếp công việc nhà, cũng như việc học hành của các con. Anh muốn em cầm đỡ số tiền nhỏ nầy về lo trong gia đình trước khi ra làm ăn với anh. 
Nhìn thấy cọc tiền quá lớn Lưu cầm đưa, tuy chưa đếm, nhưng Sứ đoán rất nhiều. Sứ nói:
-Em chưa bắt đầu làm mà anh đã cho số tiền nhiều quá! Em ngại lắm, không dám nhận đâu!
Lưu ra vẻ nghiêm mặt nói:
-Sao em vẫn khách sáo với anh quá vậy. Đã hiểu nhau rồi thì xin đừng khách sáo với  nhau  em à! Số  tiền năm mươi triệu nầy đâu  có là bao. Anh  muốn tạm đưa em để trang trải, sắm sửa bước đầu cho gia đình và lo  cho  các  con  ăn học. Anh muốn các con có đủ phương tiện học, không thua kém gì con nhà giàu ở trong quận này. Nếu có ai đó thắc mắc, xầm xì gì về tiền bạc trước sự mua sắm của em thì cứ trả lời vắn tắt là em vừa trúng số độc đắc.
Ngừng một lát, Lưu nói tiếp:
-Phải biết tận dụng tất cả cho con em à. Vì con là tất cả nghe em.

Lưu nắm tay Sứ nhắn nhủ thêm:
Hãy quyết tâm lo cho con ăn học,
Tương lai con là hạnh phúc của mình.
Muốn con thành, ta phải biết hy sinh,
Dồn tất cả cho con, dồn tất cả.

Thấm thoát Sứ làm ăn chung với Lưu được hơn ba năm rồi. Từ ngày có Sứ nhúng tay vào, cửa tiệm của Lưu phát triển vượt bực. Cả hai sung sướng nhìn nhau. Lưu tươi cười nói nới Sứ:
-Có lẽ số của hai đứa mình hạp nhau, nên làm ăn mau phát đạt quá phải không em?
Sứ mỉm cười bẽn lẽn, đôi má nàng ửng hồng.
Công việc làm ăn khá thoải mái lại ở trong mát, hơn nữa không còn cảnh chạy gạo hàng ngày, lo thiếu trước hụt sau, lo không có khả năng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Nên dạo nầy da dẻ của Sứ trông rất mơn mởn. Hàng ngày luôn tiếp xúc với khách hàng nên Sứ ăn mặc rất tươm tất. Chồng nàng sinh lòng ghen tương, bắt  nàng phải nghỉ ở nhà.
Cuối tuần các con của Sứ đi học ở Sài Gòn về, biết được sự việc, chúng nó phản đối thái độ của ba nó. Bị  tất cả các  con đồng loạt chỉ trích, phê bình:
-Lâu nay, tụi con được cắp sách đến trường hoàn toàn nhờ bàn tay của mẹ. Từ trước năm 1975 cho đến bây giờ, trong gia đình đói no cũng một mình mẹ lo. Lúc nào ba cũng vô trách nhiệm với mẹ, thiếu bổn phận với tụi con. Ngày ngày, ba chỉ biết rượu và rượu. Mở mắt ra là đã thấy ba say rồi. Lâu nay, ba đã tự giết ba! Quanh năm suốt tháng, ba cứ lấy cớ chán đời mượn rượu giải khuây. Trong khi mẹ ngược xuôi, bươn chải tảo tần không đủ sống. Ngày mẹ càng gầy ốm, hốc hác, không biết chết lúc nào. May mắn cho gia đình mình vô cùng, mẹ gặp được người bạn cũ ra tay tận tình giúp đỡ đủ điều. Từ việc sắm sửa trong gia đình, cho đến việc học hành của tụi con. Mang ơn không hết, ba lại sanh lòng ghen tương, không cho mẹ ra tiệm làm nữa. Thử hỏi việc ăn học của tụi con từ nay ai lo? Hay là phải đành nghỉ học, về nhà đi ở đợ chăn trâu, hay đi cày thuê, cấy mướn cho ba vui lòng? Giữa tương lai đang rực rỡ tươi sáng trước mắt của các con và sự ngu dốt đen tối đón chờ trước mặt, ba chọn cái nào? Chúng con mong ba hãy suy nghĩ kỹ lại kẻo hối hận sau nầy! Đừng chôn vùi tương lai của tụi con vào bóng tối âm u!
Tư rất đau lòng trước những lời chỉ trích chí lý của con, chàng không một lời biện minh được. Tư thua buồn, lặng lẽ bỏ đi  qua  làng  kế  bên  tiếp tục  tìm  rượu  giải
khuây.
 Tư vừa nhớ lại chuyện một thời vàng son đã qua, vừa buồn  chuyện  tài sản  của gia  đình  bị tịch  thu  sau năm 1975. Vừa buồn vợ con, lại gặp bạn bè và rượu  ngon. Tư uống quá chén, say túy lúy không còn biết trời trăng mây nước gì cả. Đến chiều, trên đường về, khi đi qua cây cầu khỉ của làng kế bên, Tư bị rớt xuống rạch. Có người trông thấy tri hô lên, nhưng khi Tư được vớt lên thì hồn đã lìa khỏi xác. Đó cũng là cách giải thoát cho Tư  và ngay cả vợ  con chàng …
              
             Buồn vui san sẻ lẫn cho nhau,
             Gác bỏ ngoài tai những nỗi sầu.
             Quên đi dĩ vãng buồn nhân thế,
             Hạnh phúc bên nhau đến bạc đầu.




 Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét