Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

HƯƠNG LỬA - Nguyễn Ninh Thuận

                            
Mấy đêm nay, Tám trằn trọc không ngủ được. Có tin từ quê nhà đưa sang: “ Ba Tám lâm trọng bệnh, cần có số tiền một ngàn đô la để vào nhà thương chữa trị ”. Tám thở dài ứa nước mắt, nàng nghĩ đến hoàn cảnh thương tâm của gia đình…
-Mình không gởi tiền về, thì lấy đâu ra tiền để ba trị bệnh. Ba cũng đã già, sức đã yếu kém. Nay ba lại lâm trọng bệnh, người như ngọn đèn trước gió biết tắt khi nào. Nếu mình không gởi tiền về, thì tiền đâu chữa chạy cho Người. Mà gởi về, thì hiện tại nàng không có. Tám buồn không ít, cả một cuốm phim dĩ vãng quay về trang tâm trí nàng…
<!>
…Nhà Tám nghèo, anh chị em con cháu rất đông. Ai cũng chạy gạo ăn từng ngày. Tất cả buôn gánh bán bưng, lam lũ và làm đủ mọi nghề quần quật suốt ngày đêm. Đã  nghèo lại  đông  con, nên  cuộc  sống  rất  khó  khăn  chật  vật.  Không biết tại sao cái nghèo cứ đeo đẳng gia đình nhà Tám, hết đời nầy sang đời khác? Như vậy, nào có đúng với câu: “ Không ai giàu  ba  họ, chẳng ai khó ba đới ”. Gia đình Tám nghèo từ trước  năm 1975, khi Tám còn ở dưới quê, nó kéo dài cho mãi tới hôm nay. Tính ra đã gần năm chục năm rồi, mà nghèo vẫn hoàn nghèo, không thể ngóc đầu lên được!...
  Hiện nay Tám có cơ hội sang Mỹ, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn bày ra trước mặt…Tám ngồi bật dậy, kéo hộc tủ ra… nàng đếm từng tờ giấy bạc, số tiền lâu nay Tám cố dành dụm để phòng thân. Nàng đếm mãi, vẫn vỏn vẹn chỉ có bảy trăm. Món tiền nầy rất nhỏ đối với mọi người, nhưng nó rất lớn đối với Tám. Nó là mồ hôi, nước mắt và sự cần cù vất vả của nàng sau bao nhiêu năm tháng làm  lụm vất vả mới dành dụm được. Tám thở dài, nàng buồn cho thân phận bèo bọt của mình. Cái nghèo không buông tha Tám từ khi lọt lòng mẹ, kéo mãi sang tới xứ người. Tám ứa nước mắt thương cho thân phận mình quá xấu số…
…Giã từ Việt Nam ngập tràn khói lửa chiến tranh, Tám theo chồng là lính Mỹ về quê chồng lạnh lẽo năm 1973. Tám những tưởng cuộc đời mình sẽ bước qua một giai đoạn mới, ít ra cũng sáng sủa hơn ở quê nhà. Tám được sống trong một nước văn minh, giàu có. Nàng nghĩ cuộc sống ắt sung túc, tương lai đầy hứa hẹn. Nhưng, mộng ảo của nàng sụp đổ, khi Tám bước vào căn nhà xập xệ của chồng ở nơi khỉ ho cò gáy, tuyết lạnh giá băng. Nhà nằm trong một xóm lao động, nghèo nàn. Nó cách xa thành phố nhộn nhịp  mấy dặm. Trong cái xóm nghèo nầy, nhà cửa rải rác, đa số quá cũ kỹ. Và chỉ cách đó vài dặm là khu sầm uất, nhà của thật khang trang, xứng đáng xứ văn minh giàu có. Gia đình chồng, từ căn nhà đến vật dụng, tất cả đều  cũ kỹ, ọp ẹp và không có được một món gì đáng  giá. Đến  nổi Tám  không  dám  ngồi  trên
bàn cầu tiêu đầy ghét bẩn hôi hám. Tám tự nhủ thầm “ Ôi xứ Mỹ văn minh nhất thế giới là đây hay sao?! ”
Cuộc sống đầy khó khăn thiếu thốn đang bày ra trước mắt chờ Tám, nhưng Tám không thất vọng. Nàng bắt tay ngay vào việc dọn dẹp nhà cửa bừa bộn của cha mẹ chồng già.
Cha mẹ chồng Tám tuổi đã quá già, sức khỏe đã yếu kém. Cũng vì thế mà nhà cửa, đành bỏ phế không lau chùi thường xuyên được. Ngày tháng cứ  thế chồng chất mãi lên trên những đồ dùng trong nhà. Đã tệ lại càng tệ hơn, với bụi thời gian bám vào, Tám cực lực lau chùi, sửa sang hơn một tuần, nhà cửa được sáng sủa hẳn ra. Đồ đạt được bày biện ngăn nắp, sạch sẽ, nhìn vào cũng mát mắt lắm. Bà má chồng Tám luôn miệng khen nàng nức nở. Ba chồng cũng phụ họa gật đầu tỏ ra rất hài lòng. Hai ông bà nhìn nhau mỉm cười sung sướng. Họ vui vẻ đón nhận cô dâu Việt Nam ngoan hiền siêng năng và chí thú lo làm ăn…
Ngôn ngữ bất đồng, một trở ngại lớn, nhưng Tám kiên nhẫn, vui vẻ sống trong gia đình nhà chồng. Nàng làm lụng tận tụy vất vả, nhưng bù lại nàng được an ủi phần nào vì cha mẹ chồng Tám rất hiền hậu. Họ chất phác như mấy ông bà già ở quê nhà Việt nam. Họ rất quý người, không câu nệ, không kiểu cách. Cuộc sống của Tám cũng dễ chịu và được an ủi phần nào.
Sau giờ đi làm về, Tám quán xuyến mọi công việc nhà. Nàng lo bữa ăn cho cả gia đình, lại quan  tâm  đến sức khỏe  cha mẹ chồng. Tám là dân lao  động ít  học, nàng  thuộc thành phần thấp kém trong xã hội, nên bây giờ gặp cuộc sống vất vả, Tám dễ thích nghi với hoàn cảnh mới. Nó không làm nàng chùng bước. Tám sống rất giản dị, ý nghĩ mộc mạc thô sơ và cần cù làm việc. Tuy bất đồng ngôn ngữ, nhưng cha mẹ chồng thấy cô dâu người Việt Nam hiền thục chăm chỉ làm ăn, ông bà cũng rất vui lòng và rất cởi mở. Mặc dầu họ không nói chuyện nhiều được với nhau, nhưng qua hành động đã xích lại gần nhau trong tình thương gia đình. Đó là niềm an ủi lớn đối với Tám nơi xứ lạ quê người…
Ngoài việc gánh vác giang sơn nhà chồng, Tám luôn chu toàn chăm sóc hai con nhỏ lần lượt ra đời. Thương con dâu ngoan hiền, vất vả, nên cha mẹ chồng Tám cũng để mắt dòm ngó phụ trông coi hai đứa cháu nội một phần nào. để nàng rảnh tay làm việc khác. Quanh năm suốt tháng, nàng chỉ biết làm việc và làm việc, hai tiếng đó luôn phủ kín đời nàng. Không quản gian khổ, Tám đã làm đủ nghề như quét dọn khách sạn, nhà thờ, tư gia trong vùng, phụ bếp nhà hàng, giữ trẻ và nấu ăn cho những nhà giàu xung quanh. Nàng không từ chối một việc gì, dù nặng nhọc đến đâu, miễn là có tiền. Cuộc sống cơ cực kéo dài triền miên nơi quê chồng. Tay làm hàm nhai, gánh nặng gia đình, nuôi cha mẹ chồng già và các con thơ dại. Nàng không sao ngóc đầu  lên  được  với  bà con thiên hạ ở xứ nầy. Tony, chồng Tám cũng thế, chàng là một anh lính Mỹ nghèo, ít học. Giải ngũ về nước chỉ hai bàn tay  trắng, không  nghề  nghiệp  gì  vững  vàng. Lăn  lóc ngoài đời với hai bàn tay chai  đá, Tony rất  chịu  thương chịu khó làm lụng phụ giúp vợ. Anh ta làm đủ mọi nghề như cắt cỏ, chăm sóc vườn tược cho cả vùng, cho nhà thờ, công viên, làm bồi bàn nhà hàng, khách sạn v.v.
Tuy phải làm lụng vất vả để kiếm sống, nhưng Tám cảm thấy được an ủi qua tình thương nồng nàn của chồng. Tony thấy Tám làm luôn tay, không có ngày nghỉ, chàng nóng lòng lên tiếng đề nghị:
-Em nên thu xếp bớt công việc lại, em cần phải có ngày nghỉ để dưỡng sức, không thôi có hại cho sức khỏe 
 Tám nhìn chồng âu yếm, nàng nhoẻn miệng cười:
-Em làm ít lại, thì làm sao có đủ tiền mà chi xài trong nhà hả anh?
Vuốt tóc vợ, Tony bùi ngùi lên tiếng:
-Tội nghiệp cho vợ anh phải vất vả quá!
Rưng rưng nước mắt, Tony trầm giọng xuống:
-Anh thật bất lực! Đưa em sang đây, mà để em phải làm lụng quá cực khổ.
Thở dài, Tony nói tiếp:
-Nhìn thấy em quá cực khổ, anh đau lòng lắm, nhưng anh đành bó tay, chẳng biết làm sao hơn? Cuộc sống ở xứ nầy phải thanh toán đủ thứ nợ hàng tháng.
Áp mặt vào ngực chồng, Tám thổn thức:
-Cực khổ cỡ nào em cũng chịu đựng được  hết,  miễn trọn đời anh vẫn một lòng thương yêu là em toại nguyện lắm rồi!
Hai vợ chồng Tám xúc động ôm cứng lấy nhau.
Tám sống vơi cha mẹ chồng được hơn bốn năm, thì ông  bà  cũng lần  lượt  qua đời. Họ để lại cho vợ chồng Tám bao nhiêu nợ nầng, vì lo ma chay cho hai đám tang trước sau có mấy tháng.
Tám lại đầu tắt mặt tối mà cũng vẫn không sao ngẩng đầu lên được! Đám tang cha mẹ chồng chưa được bao lâu, thì chồng Tám đột ngột ngã bệnh nặng. Sau thời gian khá lâu nằm nhà thương chữa trị, Tony khá hơn. Thật vất vả cho Tám lúc ấy, nàng vừa đi làm kiếm tiền, vừa phải vào nhà thương thăm nom chồng và vừa săn sóc con cái. Từ khi rời nhà thương về, sức khỏe của Tony ngày một yếu hẳn đi. Chàng đau ốm liên miên, chàng chỉ giúp được việc nhẹ trong nhà, chàng không còn sức khỏe như trước nữa. Bao gánh nặng chồng chất lên hai vai yếu đuối của nàng. Tám than thầm…
 Số phận Tám sao quá bất hạnh như thế nầy? Con người ở đời cũng có lúc sướng lúc khổ. Nhưng đối với cuộc đời của Tám, trước sau gì cũng chỉ là một chuỗi dài bất hạnh vây kín cả đời nàng không lối thoát. Tám thầm trách Trời cao nỡ nào bạc đãi với nàng đến thế?
Cũng may, sau đó ít lâu Tony xin được tiền bệnh, chàng vui mừng báo tin cùng Tám:
-Anh được hưởng tiền bệnh rồi. Từ nay, hàng tháng nó cũng đỡ gánh nặng cho em.
Trong lòng quá đỗi vui mừng, Tám lên tiếng:
-Từ nay, cũng nhẹ bớt cho em mối lo tiền nhà, tiền nợ nầy nợ nọ. Hy vọng mình có thể lo cho con cái đi học .
Tony sung sướng nhìn vợ:
-Đã đỡ gánh nặng tiền nhà rồi, em cũng nên thu xếp làm ít lại, để giữ gìn sức khỏe. Em lỡ ngã bệnh như anh, chẳng có ai lo cho các con thì khổ lắm em à!
Nở nụ cười trên môi, Tám nhìn chồng trả lời:
-Vâng! Em sẽ nghe lời anh.
Hai vợ chồng nghèo nhìn nhau tràn trề tình thương yêu nồng thắm.
 Nhưng Tám có làm gì nên tội, mà đọa đầy thế hả Ông Trời? Sau một thời gian khá dài vật lộn với bệnh tật, Tony cũng nhắm mắt xuôi tay bỏ lại ba mẹ con Tám ở lại trần gian đầy lọc lừa gian trá, khổ đau. ..
Tony chết rồi, chỉ có hai đứa con bên cạnh, đó là nguồn an ủi duy nhất của Tám trên cõi đời nầy. Không quản gian khổ, Tám đem hết sức lực còn lại chăm lo cho các con học hành. Tám mong muốn các con mai sau nên người. Đó là một điều Tám không có được khi bước qua tuổi ấu thơ đầy cơ cực ở quê nhà…. Vì thất học, không nghề nghiệp, nên đời Tám trở nên tối tăm, chân lấm tay bùn khi còn ở quê nhà. Lấy chồng chiến binh Mỹ, tưởng đời lên hương, nào ngờ khi sang được nước Mỹ, cuộc đời của Tám cũng không sáng sủa gì hơn. Tăm tối vẫn là tăm tối gần hết cả cuộc đời nàng. Nên bây giờ nàng muốn tương lai hai đưa con của nàng lớn lên, có cuộc sống sung túc, có công ăn việc làm ổn định. Lúc nào nàng cũng khuyên các con:
-Trước mắt, hai con hãy lấy gương cha mẹ làm bài học. Thuở nhỏ, vì hoàn  cảnh  gia  đình  cha, cũng  như   mẹ  quá nghèo, không đủ ăn, phải làm thuê làm mướn kiếm sống. Ngay từ nhỏ, không có cơ hội đi học. Lớn lên không nghề nghiệp vững vàng, nên cuộc sống  luôn  luôn cực khổ mà vẫn không đủ ăn.
Trời cũng  không  nỡ  hoàn toàn phụ lòng người hiền lương chất phác như Tám. Đứa con gái rất chăm học, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Ngược lại, thằng con trai quá ham chơi, không chịu học, đó là điều làm Tám buồn lo ngày đêm. Tám sợ thằng con trai bước vào vết chân của cha mẹ, học hành không đến nơi đến chốn, sau nầy lại cực khổ tấm thân.
Biết con trai ham chơi, Tám đã ngày đêm cầu nguyện Ơn Trên phù hộ cho con trai hiếu học, để tương lai của nó được vững vàng sống trên xứ Mỹ nầy. Nơi đây, có nhiều điều kiện học hành, nhiều cơ hội tiến thân, thế mà nó lại chạy theo chúng bạn xấu. Con trai nàng tự phá hỏng tương lai rồi. Hoài bão trông chờ vào tương lai thằng con trai đành tuyệt vọng. Âu đó cũng là số kiếp nghiệt ngã mà Trời chưa buông tha cho Tám!
Nỗi lo buồn của Tám trở thành sự thật. Vì ham chơi, con trai của Tám bỏ dở học hành. Nó đã lấy vợ sớm ở lứa tuổi chưa đầy hai mươi, có đứa con nhỏ trên tay, cuộc sống của vợ chồng nó cũng lập lại cái khốn khó như cuộc sống của cha mẹ nó ngày nào.
Con gái Tám lớn lên có việc làm tương đối vững chắc. Nó đã lập gia đình, được hai con, nghề nghiệp vững vàng và cuộc sống ổn định. Các con Tám đã Mỹ hóa hoàn toàn ngay từ khi chúng mới được sinh ra đời…
Sáng nay, Tám vội vã đến nhà con gái mượn đỡ ba trăm, cho đủ số một ngàn để gởi về chạy chữa thuốc men cho ba nàng.
Nghe mẹ hỏi mượn tiền, con gái Tám thắc mắc hỏi:
-Mẹ cần tiền để làm gì thế?
-Mẹ cần một ngàn để gởi về chữa bệnh cho ông  con.
Đứa con gái càu nhàu:
-Con nhớ không lầm, mới mấy tháng trước, mẹ đã gởi về cho ngoại hai trăm rồi kia mà!
Tám dã lã với con gái:
-Tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống con à!
Vẫn với giọng càu nhàu, con gái Tám nói tiếp:
-Con nhớ không lầm, hồi còn nhỏ, con có nghe mẹ kể chuyện về ông ngoại, về những cảnh khổ của mẹ đã trải qua. Mẹ chỉ được ông bà ngoại cho học biết đọc biết viết là phải ở nhà đi bán khoai lang. Vì đói bụng, mẹ cắt bớt phần thâm đen trên củ khoai để ăn cho đỡ dạ. Ông ngoại thấy củ khoai bị ngắn đi, nên đánh đòn mẹ. Ông ngoại có thương mẹ đâu, mà nay mẹ lại lo lắng nhiều cho ông ngoại như vậy?
Tám dịu giọng, tỏ vẻ buồn rầu với con, để che dấu nỗi niềm riêng:
-Cha mẹ nào mà không thương con hả con! Nhưng vì khi đó, nhà ông ngoại quá nghèo khổ, thấy mẹ cắt bớt củ khoai, ông sợ người ta chê ít, không mua, nhà sẽ không có tiền mua gạo nên mới đánh mẹ. Chuyện đơn giản chỉ có thế thôi. Ông Ngoại là đấng sanh thành của mẹ. Thương ông ngoại không hết, có đâu mà giận hờn oán trách hả con?
Tám nói thế cho qua chuyện với con, Tám đâu có kể hết những chuyện thương tâm của đời mình cho con biết. Thật tình, trong lòng Tám cũng buồn  ba  nàng  không  ít. Nhưng  vì  bổn  phận làm con, nàng phải lo  cho  cha  già
trong lúc ốm đau bệnh hoạn nơi quê nhà cho phải đạo.
Nhớ lại…Ba Tám tánh rất nóng nảy, ông thường hay đánh Tám, mỗi khi nàng làm sai trái một điều gì, dù chỉ rất là nhỏ nhặt, không đáng gì cả. Ông hay dùng roi vọt để dạy con, như phần nhiều gia đình khác trong xóm nghèo của nàng. Có lẽ vì quá nghèo khổ, thiếu trước hụt sau, người ta hay sinh ra bực bội, nóng nảy trong lòng thất thường. Người ta hay dùng bạo lực đối với trẻ con. Hay đó là một lối giáo dục của một số người lớn mà họ cho là cần thiết chăng?
Ngay từ thuở nhỏ, Tám đã phải cắp rổ đi bán khoai lang, khoai mì buổi sáng. Buổi trưa, nàng lại bưng một rổ trái cóc, trái me. Tối đến thì đội trên đầu một thúng hột vịt lộn được ủ trấu đi rao bán khắp nơi. Các anh chị Tám, người thì bán bánh mì, kẻ đi bán bánh kẹo, xôi chè v. v. Cả nhà, ai cũng làm tất bật nhưng vẫn không đủ no cho năm, sáu miệng ăn. Cả nhà lớn nhỏ, không ai có quần áo lành lặn mà mặc. Đời sống lăn lóc khổ cực. Cuộc đời cứ thế, kéo dài từ năm nầy sang năm khác.
Năm mới lên mười sáu tuổi, Tám đã được Hải, anh chàng vá lốp xe ở đầu xóm, đem lòng thương yêu. Nên mỗi lần thấy Tám gánh khoai lang đi ngang, Hải hay gọi nàng ghé  lại  cho  chàng   mua. Hải cố  tình  muốn  cầm  chân Tám ở lại chuyện trò với mình. Thay vì mua xâu khoai lang xong, thì cầm trên tay mình, Hải lại cứ để phần khoai đã mua trong gánh khoai của Tám mà bóc vỏ chậm rãi ăn. Để lấy lòng anh chàng khách hàng hay mua mỗi ngày, nên Tám cũng đành chịu trận chờ Hải ăn xong mới dám gánh đi. Quen biết trò chuyện với nhau được vài tháng. Một hôm, có lẽ vì quá thương Tám, Hải nhỏ nhẹ thố lộ tấm lòng của mình::
-Tám! Bấy lâu nay anh để ý thương em. Nếu em không chê thân phận anh nghèo nàn, thấp kém, anh sẽ về thưa chuyện lại với ba má anh, cậy mai mối đến nhà cầu hôn em cho anh nghe Tám!
Tám cũng cảm thấy lòng mình có rung động trước tình yêu của Hải, nhưng Tám nghĩ thầm trong bụng
-Nghèo mà gặp nghèo thì chỉ có nước cạp đất ăn!
Nhưng vì lịch sự xã giao, Tám không dám nói ra cái ý nghĩ của mình, sợ phật lòng Hải, sợ mất mối bán khoai hàng hằng ngày, nên Tám nhỏ nhẹ từ chối khéo:
-Em còn nặng nợ với gia đình, em phải buôn bán kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi mấy đứa em nhỏ nữa. Em chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng đâu anh à!
Thật ra, Tám liên tưởng đến cảnh vợ chồng nghèo, sanh con đẻ cái một lũ nheo nhóc, đói khổ và áo quần rách nát, xốc xếch... Chợt nàng rùng mình, nên đành tránh né, tảng lờ mối tình vừa hé nở của anh chàng.
Tám nhớ một ngày nọ, nàng được người bạn gái cùng làng đến nhà chơi. Thấy cảnh quá nghèo khổ của gia đình Tám, nàng ta  động lòng lên tiếng:
-Chị Tám! Nay chị đã lớn rồi, thời buổi nầy mà cứ gồng gánh bán ba củ khoai lang, khoai mì thì làm sao sống nổi. Chị hãy dẹp quách nó đi, chị theo em vô trại lính Mỹ mà làm cho có nhiều tiền với người ta.
Nửa mừng nửa lo, Tám ngại ngùng hỏi người bạn:
-Tôi quá dốt, không biết một tiếng Mỹ nào cả, thì làm sao đi làm cho Mỹ được?
Người bạn gái nắm chặt hai tay Tám, nhanh nhẩu trả lời:
-Đâu cần phải biết tiếng Mỹ! Hồi em mới vô làm cũng vậy, em không có biết một tiếng Mỹ nào cả! Nhưng làm lâu ngày, nghe người Mỹ nói riết, rồi cũng quen, nên biết được chút đỉnh tiếng bồi chị ạ.
Thế rồi theo chân người bạn, Tám đi giặt áo quần trong trại lính Mỹ. Thu nhập từ đó khá hơn. Nhưng gia đình nhiều miệng ăn, số tiền Tám kiếm được cũng không thấm tháp vào đâu. Làm trong trại lính Mỹ, bị nhiều lính Mỹ chọc ghẹo, suồng sã không sao chịu thấu. Một phần muốn yên thân, không bị ai quấy rầy chọc ghẹo nữa, một phần muốn cho gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khổ bấy lâu nay và cho bản thân mình được sung sướng đủ đầy. Tám bằng lòng làm vợ một chàng lính Mỹ còn trẻ.
Nhưng điều khắc nghiệt lại đến với Tám. Chẳng bao lâu, người chồng Mỹ của nàng được lịnh về nước, trong lúc nàng đang mang thai hơn một tháng. Hoàn cảnh nghiệt ngã nầy đã đưa Tám đến khúc quanh tuyệt vọng. Nàng đành nhắm mắt bán thân nuôi miệng và giúp đỡ  gia đình, cũng như dành dụm chút ít chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời của nàng. Tám đã nuốt nước mắt, đạp trên dư luận để sống còn.
Có vài tiếng xì xào của kẻ thừa mứa, ăn không ngồi rồi bàn qua tán lại:
-Con nhỏ Tám dạo nầy hết đi làm sở Mỹ, rồi nay lại lấy Mỹ nữa.
Họ trề môi nhún mỏ đầy ác ý, nói xấu sau lưng nàng. Đám trẻ con trong làng hay chỉ trỏ khi thấy Tám đi ngang qua:
-Kìa! Kìa! Con Me Mỹ kìa bụi bây ơi!
Người lớn gièm pha theo người lớn, trẻ con bêu diếu theo trẻ con. Tám nhứt đầu nhứt óc không ít trước dư luận khắc khe của dân làng. Tám đành tản lờ không quan tâm đến. Nàng nghĩ “ chén cơm manh áo cho gia đình và bản thân là trên hết, mình phải chấp nhận tất cả lời dị nghị. Không có ai ban bố cho mình một chén cơm thừa, một hạt muối rơi hay một manh áo rách. Mình phải đạp trên dư luận mà sống cho chính mình & gia đình được sinh tồn! ”
Bước vào nghề bất đắc dĩ quá đau thương, quá ê chề nhục nhã. Hàng ngày, hằng đêm thể xác bị giày vò. Mới đầu, Tám còn sợ ảnh hưởng đến bào thai, nàng chỉ tiếp khách lai rai, nên thu nhập không thắm vào đâu cả. Tám phải cắn răng chịu đựng những đòi hỏi vũ phu của kẻ bỏ đồng tiền mua vui trên thân xác của nàng. Có khi phải tiếp thằng lính Mỹ to lớn, nàng nằm gọn lỏn trong vòng ôm ngột ngạt của nó. Nàng ứa nước mắt chịu bao nhục nhã ê  chề,  cho  nó  vùi hoa dập liễu. Chúng  như  những  con thú khát mồi… Thằng nào cũng giống nhau, bày ra đủ trò, đủ kiểu ái ân. Chúng nó coi phụ nữ như một món đồ chơi. Có lúc Tám mệt lả, tưởng chừng như đã đứt hơi, khi phải làm vừa lòng khách mua hoa. Tiền  và tiền!  Tất  cả cũng vì tiền! Cái thai  trong  bụng  Tám  được  hai  tháng, cũng bị đọa đày theo tấm thân bị bầm giập theo mẹ nó.
 Thế rồi may mắn, Tám gặp Tony, anh chàng lính Mỹ thứ hai, trông rất hiền lành tử tế. Chàng ngỏ lời muốn lấy Tám làm vợ. Chàng ôm Tám vào lòng thỏ thẻ:
-Anh thương em, muốn cưới em làm vợ. Nếu em không chê anh là thằng lính nghèo, thì hãy bỏ nghề nầy mà về sống với anh. Anh sẽ nhờ người đến nói chuyện với ba má em, để chúng mình làm đám cưới hẳn hòi.
Tám sung sướng đến rơi nước mắt, nàng gục đầu vào lòng Tony. Tony vuốt tóc Tám thỏ thẻ những dự định tương lai:
-Anh sẽ mướn một căn phòng nhỏ cho em ở. Hay nếu em muốn tiếp tục ở với gia đình ba má, anh sẽ đưa em một số tiền, để sửa sang lại căn nhà cho vợ chồng mình có một phòng riêng biệt. Tùy em quyết định thế nào anh cũng chiều ý em.
Tám vui mừng vòng tay ôm chặt Tony:
-Cám ơn anh đã lo chu toàn cho em. Anh đã ra tay cứu vớt đời em. Em rất vui mừng đón nhận tình yêu của anh đến trọn đời, dù bất cứ hoàn cảnh nào, em cũng vượt qua để chung sống với anh đến mãn kiếp.
Tony ôm hôn Tám tha thiết, chàng nói:
-Khi nào  anh  được  về  nước, anh sẽ  đưa  em  cùng  về quê với anh cho ba má anh biết con dâu Việt Nam rất dễ thương nầy.
Như vớ phải cái phao lúc sắp chết đuối, Tám vui vẻ chấp nhận làm vợ Tony. Thế là đám cưới đơn giản được tổ chức. Tony đã rửa mặt cho Tám với bà con  xóm làng.
Tuy chồng Tám chỉ là lính, nhưng cuộc sống cũng tạm ổn cho Tám có nơi nương tựa, chờ ngày khai hoa nở nhụy. Tony quá ngây thơ, không biết Tám đã có thai hai tháng rồi. Chàng luôn luôn tỏ ra hết mực yêu thương, chiều chuộng Tám. Cuộc sống của gia đình Tám khá hơn từ ngày có Tony dọn vào ở chung. Chàng ta sống rất đơn giản, dễ hòa hợp với gia đình nàng. Tuy là người Mỹ, nhưng Tony ăn uống không cầu kỳ. Có lẽ ví quá thương vợ, nên Tony thích ăn cơm Việt Nam do chính tay Tám nấu nướng. Dù sống chung, bao bọc hết mọi chi phí cho gia đình, nhưng Tám cũng dành dụm được chút đỉnh tiền để hậu thân. Những ngày hạnh phúc êm đềm kéo dài theo năm tháng hửng hờ trôi…
 Thế rồi, sau Hiệp Định Paris năm 1973, cũng như bao nhiêu chiến binh Mỹ khác, Tony được lệnh trở về cố quốc. Tám từ giã cha mẹ, từ giã anh chị em, từ giã xóm làng thân yêu để theo chồng.
 Xứ lạ quê chồng, nơi tiểu bang lạnh lẽo, gia đình bên chồng nghèo nàn. Cuộc sống mới nầy của Tám, cũng không sáng sủa hơn xưa bao nhiêu. Quanh năm suốt tháng làm việc quần quật, bươn chải ngoài đời mới kiếm ra đồng tiền. Cũng khổ vì tiền! Tám nghĩ thầm:
-Có lẽ kiếp trước mình vụng đường tu, nên kiếp nầy phải vương mang nhiều khổ lụy. Nhưng nàng vẫn tin tưởng ở ngày mai tốt đẹp đang chờ đón mình. Con gái Tám trước mắt đã thành công và hạnh phúc. Tám và con trai Tám đang sống ở xứ của cơ hội, nên nàng tin tưởng ngày mai tốt đẹp sẽ đến với gia đình nàng …

Nỗi khổ nào hơn nỗi khổ nầy!
Hoa Kỳ đất hứa phải là đây?
Sao ta chẳng hưởng đời hạnh phúc?
Nghiệp báo oan gia mãi thế nầy!

Tin tưởng ngày mai đời đi lên.
Ngày tháng thung dung hết buồn phiền.
Có khổ, mới thương người cùng khổ,
Trần gian thế tục khổ vô biên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét