Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

THẾ À! - Nguyễn Ninh Thuận

Lệ Hoa ngồi trước bàn phấn, nàng trang điểm lại dung nhan trước khi đi Chùa. Nhìn vào kính, nàng sung sướng khi thấy khuân mặt xinh đẹp của mình lộ lộ hiện ra. Lệ Hoa lấy bút chì đen tô lại đôi mắt phượng mày ngài cho sắc nét hơn. Nàng lấy bông phấn thấm thêm một ít má hồng lên đôi má căng tròn của mình. Lệ Hoa không quên thoa một lớp son bóng lên đôi môi căng mọng, như hoa hàm tiếu vừa hé nở. Khuôn mạêt của Lệ Hoa đã đẹp, lại càng rực rỡ hơn dưới sự chăm sóc kỷ của nàng. Nó thích hợp với mái tóc dài, đen mượt như nhung xõa xuống hai bờ vai no tròn. Lệ Hoa đứng dậy, nàng mở tủ áo quần và tần ngần trong giây lát; nàng ướm thử mấy bộ quần áo lên người. 
<!>
Cuối cùng, Lệ Hoa chọn bộ áo quần trang nhã nhất, khoát vào tấm thân cân đối và đầy sức sống của nàng. Lệ Hoa mỉm cười hài lòng trước sắc đẹp hoàn mỹ của mình hiện ra trong tấm gương to lớn của chiếc tủ đứng. Nàng quay mình một vòng, kiểm soát kỷ sắc diện một lần cuối tước khi xách ví rời khỏi nhà.
Lệ Hoa lái xe, ghé chợ mua một ít trái cây và hoa cúng Phật. Cô tính tiền quen thuộc đon đả hỏi chào :
-Hôm nay, trông cô đẹp quá!
-Cám ơn chị đã khen quá lời.  
-Tôi nói thật đấy! Cô đi dự tiệc, hay đi đâu  mà rực rỡ như một nàng tiên giáng trần vậy?
Lệ Hoa cúi mặt xuống, nàng e thẹn và né tránh câu trả lời, Lệ Hoa vui vẻ chào tạm biệt cô tính tiền :
-Tôi gấp quá, phải đi ngay! Chúc chị mua may bán đắt.
Trên đường lái xe đi đến Chùa, lòng Lệ Hoa rộn rã mừng vui khôn xiết. Nhớ lại lời khen tặng hồi nãy của cô tính tiền, nàng cảm thấy thích thú và tự mãn với sắc đẹp thiên phú của mình. Lệ Hoa nhẩm hát theo một bài tình ca trong radio gắn trên xe. Đến đoạn đọc quảng cáo, nàng vói tay tắc radio. Im lặng trở về trong xe, đưa Lệ Hoa với ý nghĩ trong đầu…
-Thầy Thích Thiện Nhân, trụ trì Chùa Thiền Tự còn trẻ, lại quá đẹp trai. Giọng thuyết pháp của Thầy sao êm dịu, ngọt ngào như mật rót vào tai người nghe. Thầy đáng yêu quá !
Giật mình vì ý nghĩ không tốt chợt đến, Lệ Hoa lâm râm khấn nguyện:
-Nam Mô A Di Đà Phật, cúi lạy chư Phật tha thứ cho cái ý nghĩ đen tối vừa qua của con!
…Lệ Hoa nhớ lại, cách đây không lâu, vào dịp lễ Phật Đản. Nàng theo bạn bè đến Chùa Thiền Tự đảnh lễ. Tại nơi đây, Lệ Hoa gặp mặt và nghe Thầy Thiện Nhân thuyết pháp. Nàng tự nhủ thầm:
-Người đâu mà đẹp trai, cao ráo và hòa hoa phong nhã đến thế!?
Thật vậy, Thầy Thiện Nhân có vẻ đẹp thoát tục, gây nhiều ấn tượng cho người đối diện. Nhìn vào Thầy và nghe giọng thuyết pháp của Thầy thì mê mẩn cả hồn vía và cảm thấy tâm hồn lâng lâng khó tả. Lệ Hoa khó quên được hình bóng của Thầy đã in sâu vào tâm khảm của nàng khi nào không biết? Nó như có ma lực làm đảo điên nàng. Cũng vì thế, Lệ Hoa tìm cách đến viếng Chùa thường xuyên để thỏa lòng thầm thương trộm nhớ. Biết thế là có lỗi với người tu hành và tội với Trời Phật, nhưng nàng không cưỡng lại được với lòng. Nàng tự tạo cho mình nhiều nghiệp chướng quá nặng nề và bao oan trái đè nặng lên tâm hồn trong trắng ngây thơ. Lệ Hoa luôn luôn tìm cách đến gần Thầy, nhưng Thầy hay tạo ra những khoảng cách giữa hai người khác phái… Lệ Hoa cố tìm cách lân la và tỏ những cử chỉ thân thiện. Biết nữ thí chủ có ý không hay, Thầy Thiện Nhân cố làm mặt nghiêm. Thầy cương quyết tránh né, cự tuyệt đến cùng.
Thở dài Lệ Hoa nghĩ tiếp:
-Thầy Thiện Nhân sao quá nghiêm nghị, khó mà bắt chuyện riêng với Thầy. Lòng dạ Thầy như một tảng băng, khi nàng bất chợt có cơ hội nói chuyện riêng với mình! Thầy chỉ trả lời qua loa, gượng ghịu khi nàng bắt chuyện, dù nàng là đệ tử thường xuyên đến chùa cúng bái. Thật trái ngược, khi Thầy giảng bài thuyết pháp trước hàng trăm ngàn đệ tử; giọng Thầy, ôi sao mà đĩnh đạc, trầm bổng làm người không ai bảo ai đều im lặng như tờ, để uống vào lòng, từng lời nói, từng câu giảng của Thầy một cách thích thú say mê.
Thầy càng lạnh lùng, Lệ Hoa càng tìm cách dọ hỏi kỷ hơn thân thế của Thầy trước khi xuất gia…
… Nhân là con trai út của một gia đình khá giả. Nhân có ba anh chị em đã thành tài và đã lập gia đình. Ba má của Nhân rất thương yêu và cưng chiều chàng hết mực. Ngay từ nhỏ Nhân là một đứa con hiếu hạnh với cha mẹ và thuận thảo với anh chị em trong nhà. Nhân luôn luôn nghe theo lời khuyên răn dạy bảo của người lớn. Chàng lại nhún nhường và hay giúp đỡ bạn bè trong lớp. Dù học rất giỏi, Nhân không tỏ ra tự cao. Trái lại, chàng sẵn sàng giúp đỡ bạn bè học yếu một cách tận tình. Từ nhỏ cho đến khi khôn lớn, Nhân chưa bao giờ làm cho gia đình phải lo âu, buồn rầu về bản thân mình một điều gì. Trong thời gian còn cấp sách đến trường, Nhân lưôn luôn được thầy cô giáo thương yêu vì học giỏi mà lại rất ngoan ngoãn. Nhân luôn luôn đứng đầu lớp. Chàng là gương tốt cho chúng bạn noi theo về tài năng đức độ. Nhân có tấm lòng vị tha với tất cả mọi người. Ngay từ nhỏ Nhân đã thể hiện tấm lòng từ bi, biết thương xót chúng sanh. Chàng không bao giờ chơi đá dế, chọi gà... hành hạ loài vật như những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Ngoài thì giờ chăm chỉ học hành, phụ giúp công việc trong nhà, Nhân lăn xả vào những công tác từ thiện ngoài xã hội, giúp đỡ kẻ nghèo khổ. Những cảnh sinh, lão, bệnh, tử gây cho Nhân nhiều ấn tượng và nhiều băn khoăn trong cuộc sống hằng ngày. Nhân có những ý tưởng vượt xa các bạn cùng tuổi thời bấy giờ:
-Tại sao có một số bạn mình sống quá ích kỷ, họ chỉ biết sống cho mình, sống buông thả, thác loạn không nghỉ đến hậu quả và tương lai ở ngày mai.
 Ngay từ nhỏ, mẹ của Nhân đã nhiều lần than thở cùng chồng:
-Tuy còn nhỏ, nhưng thằng Nhân, sao nó có đạo hạnh của kẻ chơn tu thế. Không khéo lớn lên nó sẽ đi tu đó ông à!
-Nếu nó có chơn tu, thì đi tu cũng tốt thôi! Nó giải thoát được cho nó và cho cả gia đình mình nữa đó! Mình phải hãnh diện và mừng cho con. Nhưng tu được hay không là một vấn đề quan trọng đó bà ơi!
Thế rồi cái ý niệm muốn đi tu của Nhân càng mạnh hơn khi...
… Long bạn của Nhân, cũng là một học sinh ngoan ngoãn được cô thầy bạn bè yêu mến. Cha mẹ Long rất giàu, chàng là em trai độc nhất trong ba chị em gái. Long được cả nhà thương yêu chiều chuộng hết mực. Long là con trai một, cha mẹ lại già nên muốn Long lập gia đình sớm để có cháu đích tôn. Thế rồi, vì tình quen biết xưa kia với một người bạn cũ có cô con gái xinh đẹp, hai gia đình muốn kết thông gia với nhau, nên hai gia đình tìm cách để hai trẻ có dịp gặp nhau để tìm hiểu nhau hơn…với hy vọng qua đó hai đứa trẻ nẩy sinh ra yêu thương, và thật vậy tình yêu của họ một ngày một thắm thiết hơn…
 Long chờ khi học xong trung học sẽ tiến tới hôn nhân với người yêu. Nhưng...Trên đời này cũng vì chữ “ nhưng” mà thay đổi bao nhiêu dự tính, mọi điều tốt đẹp cho tương lai...
Trong một chuyến đi chơi xa với gia đình, Long bị chấn thương sọ não trong một tai nạn xe cộ. Tất cả mọi người trên xe chỉ bị thương nhẹ, hay chỉ bị xây xát chút ít. Trong khi Long bị bán thân bất toại nằm một chỗ. Cha mẹ của Long đau khổ tột cùng. Họ nguyện đánh đổi tất cả tiền bạc và sản nghiệp cho sinh mạng của thằng con trai yêu quý duy nhứt… Mẹ của Long đã lăn xả gào khóc:
-Không những đánh đổi tất cả tiền bạc của mẹ cho con, mà cả ngay cả sinh mạng của mẹ, mẹ cũng không từ nan....
 Mẹ của Long như điên dại trước nỗi bất hạnh của con trai mình. Bà đau ốm liên miên, tuy vậy tất cả đều vô hiệu trước hoàn cảnh bất hạnh của Long. Gia đình Long dù cố tình chạy chửa cách nào, nhưng bệnh tình của Long vẫn không hề thuyên giảm. Chàng vẫn nằm đó, để nhìn người yêu vuột qua vòng tay đau ốm của mình. Chàng chỉ biết buồn, câm nín và nghĩ nhiều:
-Đời là thế! Thế thái nhân tình quả thật không sai.
Những khi quá tuyệt vọng, Long muốn tìm cái chết để chấm đứt một kiếp sống thừa. Nhưng Nhân đã tìm đến an ủi Long hằng ngày. Chàng đem biết bao kinh kệ, lời dạy, bài thuyết pháp để hai người cùng nhau học hỏi, thấm nhuần đạo lý Đức Phật: Sắc Sắc, Không, Không...Để rồi Long thấm nhuần:
-Mình trả nợ cho tiền kiếp, xong nợ mình sẽ thanh thản tâm hồn và đời sẽ vui tươi hơn...
Nhân thì dứt khoát xin cha mẹ cho ngã Phật qui y. Chàng muốn xa lánh chốn phàm tục đầy cảnh trớ trêu ngao ngán nầy...
Lệ Hoa mãi suy nghĩ về Thầy Thiện Nhân, nàng bỗng giựt mình vì xe đã chạy qua Chùa một đoạn ngắn. Nàng mỉm cười rồi quày xe trở lại Chùa và nhanh chóng lái xe vào sân đậu. Lệ Hoa vội vã bước nhanh vào trong điện thờ Phật cúng lễ. Trong Chùa im lặng như tờ, không một ai đi lễ Phật. Lệ Hoa thầm nghĩ:
-Hôm nay không phải ngày lễ vía Phật và rơi vào ngày thường, nên không thấy ai lễ Phật.
Thở dài, Lệ Hoa nghĩ tiếp:
-Mình vì có cảm tình đặc biệt với Thầy, nói rõ ra vì quá thương thầm nhớ trộm Thầy, mình mới lặn lội đi đến đây để mong gặp mặt Thầy cho đỡ nhớ thương trong lòng. Hôm nay không biết có Thầy ở Chùa không? Nếu Thầy đi vắng thì dã tràng xe cát biển Đông!
 Lệ Hoa tự nhủ thầm:
-Mình phải kiên trì và tỏ ra yêu thương Thầy thật nhiều, may ra Thầy còn đoái hoài đến mình! Mình đã quá mù quáng và lú lẫn khi đem lòng yêu thương Thầy mất rồi. Tội lỗi, tội lỗi, nhưng biết tính sao đây? Mình xinh đẹp, bao nhiêu người quyền cao chức trọng cầu cạnh chạy theo săn đuổi, nhưng trái tim mình dửng dưng. Thật oan nghiệt thay! Đó là lý lẽ của con tim mù lòa.
 Sau khi đảnh lễ xong. Lệ Hoa rảo bước ra sân sau Chùa. Mắt Lệ Hoa sáng rực lên khi thấy thấp thoáng bóng dáng Thầy đang tưới cây kiểng. Nàng vội bước nhanh đến bên Thầy lên tiếng:
 -A Di Đà Phật, xin kính chào Thầy ạ ! Sao Thầy không để các đệ tử tưới cây cho, mà Thầy phải tự làm chi cho mệt vậy?
 Ngước mắt lên nhìn Lệ Hoa,Thầy ôn tồn nói:
-Tu là giác ngộ, phải biết tự ép xác và phải chịu khổ hạnh. Thầy làm những việc này là rất nhẹ nhàng có chi mà nhọc thân đâu. Việc gì mình làm được, mình phải tự làm không ỷ lại vào người khác. Thầy không muốn ỷ vào quyền hành mà sai bảo người khác phải làm trong khi mình không làm gì cả!
Lệ Hoa lấy trong túi xách ra một gói sâm, nàng lên tiếng:
 -Đệ tử thấy Thầy dạo này hơi gầy, nên có mua một ít sâm để Thầy bồi dưỡng sức khỏe.
 Nghiêm sắc mặt, Thầy xua tay bảo:
-Thầy vẫn khỏe. Thầy không nhận đâu! Đệ tử để dành lại cho những người khi họ cần đến sự giúp đỡ của mình hay hơn. Đệ tử đừng phí phạm tiền bạc vô ích. Đệ tử có dư dả tiền, nên giúp đỡ kẻ khốn cùng. Biết bao kẻ nghèo khổ, không nhà cửa, không cơm ăn áo mặc và đau ốm triền miên cần sự giúp đỡ của những người có lòng hảo tâm. Rồi thiên tai, bão lụt và động đất đầy dẫy khắp nơi trên thế giới. Họ cần mọi người, kẻ ít người nhiều; tất cả cùng chung vai góp sức để xoa dịu một phần nào nổi bất hạnh mà họ phải gánh chịu. Chia cơm xẻ áo là lúc này đó đệ tử ạ! Sống là phải vị tha, đừng vì cái ta quá to lớn mà quên tất cả.
Giọng Thầy vẫn đều đều giảng đạo lý cho Lệ Hoa:
-Đức Phật Thích Ca đã từ bỏ ngai vàng, vinh hoa phú quý, nhung lụa tiền bạc, vợ đẹp và con ngoan để đi xuất gia tu hành. Ngài đã chịu bao thử thách và khổ hạnh để được đến cõi niết bàn. Ngài quên thân mình để đi tìm con đường cứu nhân loại thoát vòng khổ lụy, vì họ mải mê đắm trong cõi ta bà với tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ và cứ quay cuồng làm khổ con người mãi mãi..Rồi thì sinh, lão, bệnh và tử cứ rập rình chờ đón con người không chút thương tiếc. Cái vòng luân hồi cứ quay cuồng xung quanh chúng ta với bao lo toan chục chờ rình rập...
Lệ Hoa bùi ngùi thố lộ tâm can của mình cho Thầy nghe:
 -Từ khi mới gặp Thầy, đệ tử đã mất ăn mất ngũ. Hình bóng Thầy cứ lởn vởn mãi trong tâm trí, không một phút giây phai nhạt. Không biết tiền kiếp có nợ duyên gì không? Đệ tử cứ phân vân mãi chuyện nầy Thầy ạ!
 Với ánh mắt vô cùng từ bi, Thầy dịu giọng nói như một lời phát xuất từ đáy lòng kẻ tu hành nhắn nhủ cùng Lệ Hoa hay nói với chính mình:
-Cuộc đời vốn hư không- Sắc Sắc, Không Không. Ngày nay có tiền là có tất cả, lắm kẻ hầu người hạ xum xê ra vào. Bạn bè và người cần ta giúp đỡ lui tới thăm viếng tấp nập…nhưng khi ta thất cơ lỡ vận, thì đố ai bén mảng thăm viếng, nói chi là giúp đỡ và cưu mang. Địa vị, danh vọng và tiền bạc chỉ là vật ngoài thân.

                                     Trò đời dâu bể chán lắm thay,
                                      Đồng bạn, đồng minh, tạm tháng ngày.
                                      Chỉ có đồng tiền là trên hết,
                                      Lưu Bình, Dương Lễ hỏi mấy ai?

Thầy ngưng nói, đưa mắt nhìn Lệ Hoa một lát, rồi Thầy cất giọng hỏi Lệ Hoa:
-Ngay cả sắc đẹp của đệ tử đó, hỏi nó có trường tồn mãi mãi với xác thân của đệ tử không? Thầy hỏi để cho có hỏi, vì Thầy đã biết được câu trả lời của đệ tử rồi!
Thầy Thiện Nhân cất giọng ôn tồn nói tiếp:
 -Mai này có một biến cố xấu gì xẩy ra cho đệ tử, hay với thời gian chồng chất theo năm tháng trôi qua, đệ tử có còn xinh đẹp như hiện nay không? Chắc chắn là không rồi phải không đệ tử ! Chỉ có tấm lòng nhân hậu, từ bi và hỉ xả với mọi người mới trường tồn và vinh cửu mãi với thời gian mà thôi.
 Vừa nói dứt lời; Thầy thu xếp vòi nước ngay ngắn. Thầy lui bước vào bên trong chùa, Lệ Hoa lẽo đẽo theo sau. Thầy dừng bước trước cửa phòng của mình, quay lại nhìn Lệ Hoa, Thầy ôn tồn lên tiếng:
 -Đã đến giờ Thầy phải tịnh tâm rồi! Đệ tử đừng đi theo Thầy e không tiện, nam nữ thọ thọ bất tương thân, đệ tử đi về đi! Hơn nữa Thầy là kẻ tu hành, lánh xa mùi phàm tục, lấy Phật pháp làm cứu cánh. Tu hành là con đường giải thoát, không gì có thể lay chuyển ý Thầy đã chọn. Thầy đã tâm nguyện đem hết cuộc đời này dấn thân và bảo vệ cho đạo pháp. Thầy  đã từ bỏ sắc dục và bao phiền toái ở cõi ta bà từ lâu rồi. Thầy đã tâm nguyện một lòng hướng về ngã Phật. “ Tu là cõi phúc, tình là dây oan ”. Đệ tử về đi và đừng quấy rối việc tu hành của Thầy nữa mà chuốc lấy tội lỗi với Phật pháp.
 Bẽ bàng trước những lời giảng đạo đức của Thầy, Lệ Hoa không thức tỉnh, mà nàng còn tỏ ra oán hờn Thầy Thiện Nhân nhiều hơn. Lệ Hoa buồn bã quay gót ra về. Trước khi đi đến chùa nàng háo hức bao nhiêu, thì khi ra về nàng ê chề buồn tủi, tức giận bấy nhiêu. Với cái Ta không nhỏ trong lòng, Lệ Hoa biết mình rất xinh đẹp, đã có biết bao nhiêu vương tôn, công tử phủ phục xin xỏ tình yêu của nàng ban bố. Thế mà nàng vẫn  ngoảnh mặt làm ngơ. Nàng lại chạy theo một ông Thầy tu, để chuốc bao nhục nhã ê chề và đau buồn như thế nầy. Tự ái bị tổn thương nặng, Lệ Hoa đâm ra thù ghét Thầy vô kể. Nàng hậm hực nhủ thầm:
-Không chịu uống rượu mừng, thì phải uống rượu phạt. Đã thế mình phải trả thù. Ăn không được thì phải khuấy cho hôi!
     Nhích mép cười gằn, Lệ Hoa nhìn vào tấm gương chiếu hậu của xe. Nàng vẫn tự mãn với sắc đẹp trời cho của mình. Lệ Hoa thầm nghĩ:
 -Thầy đã thẳng thừng và tàn nhẫn từ chối tình yêu cuồng nhiệt của mình hiến dâng. Nhứt định mình phải làm cho Thầy một bài học đáng giá, làm thân bại danh liệt mới đả cơn tức giận của mình.

   “ Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bòn hòn cũng méo”

    Lệ Hoa thất vọng vì tình yêu cuồng si không được đáp ứng. Nàng đâm ra hận đời, hận tất cả mọi người. Nàng bất cần đời, sống buông thả và tìm quên qua ăn chơi trụy lạc. Nàng ăn chơi đàn đúm với đám con trai choai choai. Nàng sống nhiều cho ảo tưởng, luôn luôn muốn được đám trẻ chúc tụng hoan hô mình nồng nhiệt. Nàng vui với những lời chúc tụng ngoài môi, cho nàng bay bổng lên chín tầng mây:
 -Lệ Hoa quá xinh đẹp.
 -Nàng là nữ hoàng của sắc đẹp.
 -Lệ Hoa là tuyệt tác giai nhân.
 -Nàng là kỳ công của tạo hóa đã sinh ra.
 -Nàng là tiên nữ giáng trần.
 -Lệ Hoa là nữ hoàng ngự trị trên bao trái tim cuồng si...
    Lệ Hoa ỡm ờ, nàng lãng mạn không nhất thiết phải cặp với một ai. Quá buồn khổ vì thất tình một vị thầy tu, nàng muốn tìm quên. Nhưng càng cố quên, nàng lại càng nhớ nhiều hơn...
Thế rồi trong một phút bốc đồng với men rượu, Lệ Hoa thất thân với một gã thanh niên đã yêu nàng cuồng nhiệt. Sự thật đây chỉ là một tai nạn trong tình trường. Lệ Hoa có yêu thương gì hắn cho cam! Nàng đã bao lần từ chối lời tỏ tình của hắn ta trước đây kia mà! Rốt cuộc, Lệ Hoa có thai với gã kia qua một lần ái ân. Hắn ta chỉ muốn chiếm đoạt thân xác đẹp đẽ của Lệ Hoa, cho thỏa mãn tự ái, thú tính và cuồng si chất chứa trong lòng. Khi biết Lệ Hoa có thai, hắn ta cao xa bay chạy, nhẫn tâm chối từ đứa con trong bụng nàng.
Lệ Hoa cảm thấy mình bị hụt hẫng trước cái bào thai trong bụng ngày càng lớn. Nàng ranh mảnh có dự định kế tiếp...
Bụng Lệ Hoa ngày một lớn ra, nàng không thể che đậy đôi mắt xoi bói của mẹ nàng:
 -Dạo này mẹ thấy ở con có cái gì khang khác lúc trước, gầy ốm và xanh xao lắm đó con à! Con có đau ốm gì không hả con gái yêu quí của mẹ?
 -Thưa mẹ, con vẫn khỏe, con không bệnh tật gì cả. Mẹ yên tâm đi.
 -Mẹ làm sao yên tâm được, khi thấy con hay nôn mửa hoài. Không biết con có đau bao tử không? Con đi khám bác sĩ chưa?
 Hơi hờn giỗi vì mẹ xoi bói mình quá kỷ, Lệ Hoa tỏ ra gay gắt :
 -Con đã bảo không đau ốm gì kia mà! Mẹ có để yên cho con không?
Bực mình vì đứa con quá ương ngạnh, không thành thật và dường như muốn che giấu một điều gì bí ẩn. Bà đành bắt mạch đoán mò, may ra Lệ Hoa sẽ thật thà thố lộ những điều thầm kín trong lòng:
 -Nếu con không đau ốm gì cả. Thì theo kinh nghiệm làm mẹ của mẹ, mẹ đã từng mang thai sanh đẻ mấy đứa con rồi. Qua việc con hôi cơm, tanh cá và nôn mửa là triệu chứng đã có thai đó con à! Mẹ đoan chắc không sai vào đâu được!
Lệ Hoa xanh mặt, nàng run rẩy và im lặng. Một phút trôi qua sao mà quá nặng nề và ngột ngạt khó thở. Để phá tan không khí nặng nề ngột ngạt và buồn thảm mới thoáng qua. Với giọng dỗ dành, mẹ Lệ Hoa lên tiếng:
 -Con không che giấu được kinh nghiệm làm mẹ của mẹ đâu. Con cứ thành thật tâm sự cho mẹ nghe đầu đuôi câu chuyện đã xãy ra, để mẹ con mình ngồi lại tìm cách gỡ rối, may ra còn kịp cứu chữa con à. Nếu không chẳng còn mặt mủi nào nhìn bà con thiên hạ xâm xì to nhỏ.
 Đắn đo, ngập ngừng một lát, Lệ Hoa ôm mặt khổ sở gục xuống bàn. Nàng ngước đôi mắt đầy tội lỗi lên thú thật cùng mẹ:
 -Mẹ đã đoán biết rồi. Con không thể giấu mẹ được nữa. Con đã...Con đã có thai gần ba tháng nay rồi mẹ à!
 Bà Năm quá hốt hoảng trước một sự thật rành rành được con mình xác nhận. Tai bà không nghe lầm mấy tiếng “ Con đã có thai ” từ cửa miệng của Lệ Hoa thốt ra. Trời đất như quay cuồng trước một sự thật quá phũ phàng. Bà chỉ đoán mò, để bắt nồ con gái yêu thôi. Sự thật trong thâm tâm bà không bao giờ nghĩ có chuyện đó xãy ra. Bà cứ luôn luôn thầm nghĩ:
 -Lệ Hoa con gái bà, sắc nước hương trời. Bao thanh niên con nhà quyền quý đánh tiến cầu cạnh. Nhiều kẻ có chức có quyền cũng lui tới tấp nập. Lệ Hoa vẫn một mực từ chối, không đoái hoài đến. Nàng còn treo giá ngọc cành vàng, thế mà…
 Bà không dám nghĩ tiếp cái tương lai u ám của đứa con cưng nữa. Đất trời như sụp đổ dưới chân bà. Thế là hết! Bao ước vọng đều tan thành mây khói. Giờ bà có khóc than, oán hận và đay nghiến Lệ Hoa cũng bằng thừa. Thôi thì nhỏ nhẹ, khuyên bảo và đánh vào đòn tâm lý của Lệ Hoa xem sao? ! Suy nghĩ như thế, bà xây qua con gái dỗ dành:
 -Thế tác giả cái bào thai đó là ai hở con! Sao con không nói họ tiến tới hôn nhân, xây dựng hạnh phúc gia đình êm ấm với con là xong chuyện. Có như thế, mẹ mới nở mặt, nở mày với bà con chòm xóm. Phần con ngửng mặt với bạn bè và thân bằng quyến thuộc xa gần.
Im lặng vẫn im lặng, Lệ Hoa vẫn câm nín, nàng không hề hé răng.
Bà Năm cố vuốt giận, lên tiếng dỗ dành thêm nữa:
 -Nếu người ta không nhận thì cũng chả sao! Mẹ nghĩ cũng chưa muộn lắm đâu. Mẹ sẽ dẫn con đi gặp bác sỹ, trục nó ra ngoài khi chưa ai biết đến, như vậy cũng êm đẹp thôi! Một thời gian sau với sắc nước hương trời của con, cũng không thiếu gì người muốn tiến tới xây dựng gia đình với con.
 Lệ Hoa vừa nghe mẹ nói tới hai chữ “ sắc đẹp ” thiếu gì người muốn kết hợp. Sự oán hờn Thầy nổi lên, kẻ đã coi thường sắc đẹp và từ chối tình yêu cuồng nhiệt của nàng. Lệ Hoa dứt khoát và mạnh dạng lên tiếng để thỏa mãn lòng căm thù và tự ái nung nấu trong lòng với Thầy đến tột độ:
 -Thưa mẹ, con thật đốn mạt, tội lỗi và không thể tha thứ được. Con lỡ thương...
 Lệ Hoa như nghẹn trong cổ họng, nàng không nói nên lời, trước sự nôn nóng trông chờ của mẹ nàng. Bà Năm thúc giục:
 -Con thương yêu ai, nói cho mẹ nghe nào? Có gì mẹ sẽ xuống nước năn nỉ người ta để con gái yêu quí của mẹ được vuông tròn và toại nguyên hạnh phúc.
Thở ra và buồn rầu, bà Năm tiếp lời:
 -Mẹ chỉ có mình con là gái, mẹ yêu quí và thương con nhất trên đời.  Mẹ dù có bị thiệt thòi và lép vế mẹ cũng hy sinh thân mẹ, cho con hạnh phúc.
 Lệ Hoa cảm thấy hối hận, nhưng sự việc đã lỡ cưỡi lên lưng cọp rồi, nàng biết tính sao?  Nàng ôm chầm lấy mẹ nức nở khóc, giọng đứt quãng:
-Con thật có tội với mẹ, con không yêu thương ai, lại đi yêu thương Hòa Thượng Thiện Nhân, trụ trì chùa một chùa nọ. Con lỡ dại với Thầy...
 Trời đất như quay cuồng khi chính con gái yêu thốt ra những lời đó. Lòng bà sôi sục vì tức giận vị chân tu đã làm ô uế cửa Phật. Người bình thường, thì có thể tha thứ, không truy cứu đến nơi đến chốn. Nhưng Hòa thượng là bậc chơn tu mà đã phạm giới “sắc dục ” thì không thể bỏ qua được. Bà nhứt quyết phải làm cho ra lẽ để răn dạy kẻ khác. Nó là một bài học để đời cho mấy sư hổ mang lấy đó mà tu tâm, sửa tánh, giữ hạnh tu hành. Bà Năm là một tín đồ sùng đạo, bà muốn nhân dịp nầy tẩy sạch hàng ngũ kẻ xấu, ẩn núp trong giới tu hành làm băng hoại đạo pháp. Bà không muốn Phật pháp đến chỗ diệt vong, mang danh nhơ nhuốc với đời và đạo. Bà Năm lên tiếng giận dữ:
-Con phải theo mẹ lên chùa vạch mặt chỉ tên kẻ đã phạm giới, kẻ đã đang tâm phá nát đời con.
-Thôi mẹ à, cho con xin đi, đừng làm to chuyện mà xấu mặt.
 -Không được, con phải theo mẹ đi làm cho ra lẽ, không thôi mẹ tức đến vỡ mật và ăn ngủ không yên đâu. Nếu con không nghe theo lời mẹ, thì xem tình nghĩa mẹ con từ nay chấm dứt. Mẹ không muốn nhìn mặt con trong nhà này nữa.
 Chẳng đặng đừng, Lệ Hoa đã lỡ leo trên lưng cọp, nàng phải cởi đi thôi! Lệ Hoa ríu ríu theo mẹ lên Chùa gặp Thầy Thiện Nhân.
Bước vào Chùa, hai mẹ con bà Năm gặp chú tiểu nhỏ tuổi. Mặt hầm hầm dầy nét giẫn dữ, bà Năm to tiếng hỏi.
-Thầy trụ trì chùa đâu?
-Dạ, Thầy con đang ngồi thiền ở phòng trong.
-Tu hành, thiền tâm gì mà làm điều đốn mạt, xấu xa bỉ ổi như thế. Hãy vào bảo Thầy ra đây cho tôi gặp mặt ngay bây giờ.
-Thầy con là bậc chân tu khổ hạnh, có làm điều gì sai quấy đâu mà bà lại to tiếng như vậy? Khi Thầy con ngồi thiền không ai được quấy rầy. Con không dám vào phòng đâu ạ.
-Chú tiểu không dám vào mời Thầy ra đây, thì để tôi vào tận phòng Thầy cũng được.
Nói xong Bà Năm hùn hổ bước về phía phòng Thầy Trụ Trì Chùa. Lệ Hoa và chú tiểu lẽo đẽo theo sau. Đến cửa phòng, Bà Năm vừa gõ mạnh vào cánh cửa vừa quát lớn:
-Ác tăng! Hãy mở cửa ra cho tôi gặp, mau đi.
Một sự im lặng bao trùm khắp chùa. Đặc biệt là bên trong phòng của Thầy vẫn im lặng, không một tiếng đọng. Bà năm bực tức gõ vào cánh cửa mạnh hơn như trút bao bực tức chất chứa trong lòng. Bà Năm quát to hơn:
-Thầy đang tiếp nữ thí chủ nào trong phòng hay sao, mà không chịu mở cửa ra thế? Đừng giả vờ tu hành, lấy vải thưa che mắt Thánh mà có tội với Trời Phật. Thầy quả là một vị sư hổ mang không sai chút nào cả.
 Nghe lời thóa mạ khác thường. Thầy Thiện Nhân nhỏ nhẹ cất tiếng vọng ra:
-Có gì ồn ào bên ngoài đó vậy con?
-Thưa Thầy, có một bà đến chùa đòi gặp Thầy ngay. Con can mãi không được. Bà ta cứ xông lại đập ầm ầm vào cánh cửa hoài. Bà ta nhứt quyết đòi phải được gặp Thầy. Bà ta cho biết bà không thể chần chờ lâu hơn được.
Tiếng Thầy Thiện Nhân vọng ra:
-Được rồi, con mời thí chủ ngồi ở phòng khách, chờ Thầy trong giây lát, Thầy sẽ ra tiếp ngay. Con nhớ rót nước mời khách nghe con. Thầy không tiếp bất cứ ai ở phòng Thầy đâu.
Bà Năm nhích mép mỉa mai:
-Thầy không tiếp bà già ở phòng riêng của Thầy, nhưng nếu là cô gái trẻ đẹp thì Thầy sẽ O.K liền chứ gì?
Không kịp nghe tiếng trả lời của Thầy, chú tiểu nhanh nhẩu lên tiếng mời hai mẹ con bà Năm ra phòng khách:
-Xin mời hai nữ thí chủ vui lòng bước ra phòng khách ngồi chờ đợi Thầy tôi ra tiếp.
Chưa hết một tuần trà, Thầy Thiện Nhân khoan thai bước đến phòng khách. Hai người khách vẫn cứ ngồi bình thản, như không hề hay biết sự hiện diện của Thầy. Thầy Thiện Nhân có vẻ ngạc nhiên trước thái độ của hai nữ thí chủ nầy. Thầy nhớ dường như có quen quen khuôn mặt Lệ Hoa đã gặp Thầy nhiều lần trước đây khi đến lễ chùa. Nhưng bẵng đi một thời gian khá lâu, không thấy nàng đi lễ chùa nữa. Thầy Thiện Nhân cũng không hề quan tâm đến việc đó. Cửa chùa rộng mở, ai đến viếng chùa lúc nào cũng được. Nhưng hôm nay nàng lại đi với một người đàn bà lớn tuổi, có lẽ là mẹ nàng. Vài phút trước đây, bà ta tỏ vẻ giận dữ, một hai đòi gặp Thầy cho bằng được mặc dầu Thầy đang ngồi thiền. Nhưng bây giờ Thầy đã bước ra, thì họ lại ra vẻ dửng dưng như không thèm để ý tới. Lấy làm lạ trước thái độ nầy, Thầy Thiện Nhân suy nghĩ:
-Người đàn bà nầy là ai, mà trong cảnh tôn nghiêm của nhà chùa lại ăn nói hằn học như hồi nãy thế?
Thầy điềm đạm ngồi xuống ghế đối diện. Với giọng hết sức ôn tồn Thầy chậm rãi hỏi:
-Thí chủ có gì muốn chỉ dạy bần đạo?
 Lúc đó Bà Năm mới ngẩng mặt lên quan sát Thầy Thiện Nhân từ đầu đến chân rất kỷ, Bà tự nhủ thầm:
-Người đâu mà chững chạc, khí sắc thoát tục và ăn nói lại từ tốn thế nầy! Thầy thật quá bảnh trai, con gái mình mê mệt là phải rồi!
Ý nghĩ vụt thoáng qua trong đầu, Bà Năm lấy lại tư thế kẻ thượng phong. Bà quắc mắt chỉ tay vào đứa con gái của bà đang ngồi gục đầu ở ghế kế bên, giọng đanh đá bà lên tiếng:
-Thầy có biết Lệ Hoa nầy không? Nó là con gái của tôi đó!
Vẫn giọng trầm tĩnh, Thầy Thiện Nhân chấp hai tay trước ngực: -Mô Phật, nữ thí chủ nầy trước kia hay đến lễ Phật trong những ngày lễ vía mùng một và ngày rằm. Thầy có nhớ mặt.
Với giọng mai mỉa thật khó chịu, Bà Năm tiếp lời:
-Còn tiến xa hơn nữa chứ quen mặt không thôi à? Thầy là bậc tu hành, ngày đêm lo kinh kệ. Tại sao Thầy lại nở đang tâm phá hoại đời con gái của tôi như thế?
Vừa nghe Bà năm nói dứt lời, Thầy Thiện Nhân sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái. Tuy hết sức ngạc nhiên nhưng Thầy Thiện Nhân vẫn ôn tồn  nói:
-Thế à!
Thầy nhủ thầm:
-Có lẽ đây là thử thách trên bước đương tu hành hạnh đạo của mình. Gương Phật Bà Quan Âm ngày xưa là kim chỉ nam dẫn bước đường tu hành. Có lẽ nghiệp chướng mình còn quá nặng nề, nên mới xãy ra cảnh éo le nầy để thử thách mình. Thôi thì ta hãy cứ bình tâm đón nhận mọi thử thách, dầu có gian nguy cũng không sờn lòng kẻ chân tu.
Bà Năm chưng hửng khi nghe câu trả lời ngắn ngọn của Thầy. Bà lại tiếp lời:
-Con gái tôi đã có chửa với Thầy mấy tháng nay rồi. Bây giờ Thầy tính thế nào đây? Thầy quả thật là sư hổ mang làm nhơ nhuốc cửa Phật.
Thầy Thiện Nhân vẫn điềm đạm trả lời ngắn gọn:
-Thế à!
Mắng chưởi nặng lời cũng vô hiệu. Thầy vẫn chỉ có hai tiếng “ Thề à ! ” làm Bà Năm cụt hứng đứng dậy chỉ tay xỉa xói vào mặt Thầy:
-Tôi sẽ đi kiện cho Thầy mất hết đạo hạnh luôn. Thầy sẽ bị mang tiếng xấu với đời. Cái nhục của Thầy không thể gột rửa sạch được đâu.
Mấy hôm sau, chính quyền trục xuất Thầy Thiện Nhân ra khỏi chùa và truy tố Thầy trước tòa án. Sau một năm thọ án oan, Thầy được trả tự do. Không nơi nương tựa, Thầy Thiện Nhân lần mò về ngôi chùa của Thầy sáng lập trước đây. Các vị sư ở trong chùa rất sợ lịnh của nhà cầm quyền, nên không dám cho Thầy tá túc trong chùa. Nhưng họ nghĩ tình một vị sư có công sáng lập chùa và bao nhiêu năm tu hành khổ hạnh nên họ đồng ý cho Thầy đêm đêm được tạm ngủ ngoài mái hiên. Ngày ngày Thầy vẫn mặc áo nhà tu ôm bát khấc thực sống qua ngày. Đêm về trải chiếu ngủ ngoài mái hiên lạnh lẽo. Được biết, những vị sư còn lại trong chùa đều là đệ tử của Thầy Thiện Nhân trước kia. Dầu bị các đệ từ ngày trước cư xử tệ bạc, nhưng không ai nghe thấy một tiếng than thở của Thầy. Mặt mày Thầy lúc nào cũng tươi tỉnh, như mãn nguyện với kiếp sống tu hành hiện tại của mình.
Phần Lệ Hoa, sau khi gia đình nàng truy tố làm nhục Thầy Thiện Nhân được vài tháng thì nàng hạ sanh được một bé trai rất kháu khỉnh, dễ thương vô cùng. Thằng bé vừa biết bò thì Bà Năm nghe tin Thầy Thiện Nhân mãn án tù và hiện tá túc ở ngoài mái hiên của ngôi chùa ấy. Như chưa thỏa mãn lòng hận thù một vị Thầy tu đã phá nát đời con gái cưng của bà. Một hôm, bà gọi Lệ Hoa nói:
-Con phải mau mau ẵm thằng oan gia đó lên chùa, giao cho thằng cha ác tăng đó chăm sóc, nuôi nấng dạy dỗ nó như thế nào thì mặc xác. Phần con, con cần rảnh tay chân, chăm lo lại nhan sắc của mình để nghĩ tới tương lai đang rộng mở trước mắt. Con có thể lấy được một tấm chồng danh giá. Con có sắc đẹp như thế là vũ khí lợi hại lắm con à! Sẽ có khối thằng chết mê chết mệt trước cái nhan sắc tuyệt vời của con.
 Lệ Hoa nghe xuôi tai, nàng nhỏ nhẹ cất tiếng trả lời mẹ:
 -Thưa mẹ vâng ạ!
 Hai mẹ con sắp xếp đồ đạt, bồng ẵm thằng bé lên chùa. Họ gặp Thầy Thiên Nhân trước cổng chùa. Bà Năm trao thằng bé tận tay Thầy còn nói cạnh nói khóe:
 -Thầy tạo ra thì Thầy phải có trách nhiệm. Con Thầy đây! Thầy phải nuôi nó. Thầy hãy dạy nó như thế nào khi lớn lên đừng giống như cha nó làm ô danh Phật pháp, nhơ nhuốc cửa chùa nghe chưa!
Thầy Thiện Nhân đưa hai tay đón lấy thằng bé vào lòng. Người cúi xuống hôn lên đôi má nó rồi điềm nhiên trả lời:
 - Thế à!
 Hai mẹ Lệ Hoa thanh thản đi về. Cả hai mẹ con Lệ Hoa như trút được gánh nặng, chất chứa trong lòng từ bấy lâu nay. Riêng Lệ Hoa, nàng cảm thấy sung sướng vô cùng vì trả được lòng căm tức. Nàng tự nhủ với  mình:
 -Đáng kiếp cho Thầy! Ai biểu Thầy ngu dại, cố tình từ chối tình yêu nóng bỏng của tôi hiến dâng. Thầy lại lên lớp dạy đạo đức cho tôi. Thầy làm tổn thương tự ái tôi rất nhiều. Nên bằng mọi cách tôi phải trả thù cho hả dạ. Trước mắt, Thầy phải nhận lãnh tiếng xấu với đạo, với đời. Dù tôi có mang tội lỗi cỡ nào với Trời Phật vì đã vu oan giá họa cho một vị chân tu, tôi cũng xin chấp nhận. Miễn là tôi trả thù được Thầy là mãn nguyện rồi. Tôi là một Thị Mầu của thời đại. Dầu sau nầy sự thật được phơi bày trước ánh sáng, người đời nguyền rủa, tôi vẫn cam chịu. Dù bị đày đọa dưới chín tầng địa ngục, tôi vẫn đón nhận một cách vui vẻ...
Từ khi có thằng con ngang hông bên mình, Thầy Thiện Nhân vất vả trăm bề. Phần không có nhà cửa, phòng ốc đàng hoàng trú mưa trú nắng, che gió che sương. Phần phải lo cái ăn cái uống cho cả hai người. Nhất là cưu mang thằng bé mới tròn một tuổi. Thầy vẫn không than thở, tâm sự cùng ai. Hàng ngày Thầy cỗng thằng bé đi khất thực khắp nơi. Thể xác cực nhọc không nói làm gì, nhưng miệng đời gian ác, lời ong tiến ve bủa vây quanh Thầy không ít, Thầy chỉ biết chắp tay tụng niệm :
 - Mô Phật A Di Đà Phật....
Thầy vui với thằng bé và thương nó vô cùng. Thầy chăm chút sữa tả cho thằng bé thật đầy đủ. Thầy vỗ về, và chăm lo sức khỏe cho nó chu toàn, khi mạnh giỏi cũng như khi nó đau ốm bệnh tật. Những khi trái gió trở trời, thằng bé bị nóng sốt, ngày đêm Thầy kề cận bên giường bệnh không phút nào ngơi. Thầy đã thức khuya dậy sớm chăm chút cho nó đủ điều. Mặc dù không được vào bên trong chùa tụng niệm kinh kệ, nhưng khi nghe tiếng kinh kệ vang lên bên trong chùa, ờ ngoài mái hiên Thầy cũng quì gối, chấp tay, miệng lâm râm đọc theo không xót một hồi kinh nào cả. Thầy vui với  câu kinh tiếng kệ, với thằng bé theo thời gian... Bao nhiêu tình thương Thầy trao cho thằng bé hết. Thầy như là người cha thật sự của nó. Thầy lo cho nó với đầy đủ bổn phận của gà trống nuôi con.
Thời gian thắm thoát thoi đưa với bao gian khổ, chịu đựng ê chề..Thằng bé giờ này đã chập chững biết đi, bi  bô tập nói:
- Ba, ba, ba...
Thầy không xưng “ ba “ với nó. Nhưng với bản năng của con người, tiếng nói đầu tiên “ ba “ vẫn phát xuất từ cửa miệng ngây thơ, vô tội của trẻ con. Thầy không thể chối từ. Thầy ôm nó vào lòng và cảm thấy lòng ấm áp vô cùng. Một tình thương dạt dào, không bờ bến lan rộng, lan rộng mãi trong hai tâm hồn nương tựa vào nhau để sống.
 Thầy đã đau lòng khi bé vấp ngã trầy xước tay chân. Hay Thầy hốt hoảng lên khi nó khóc thét lên vì bị u đầu, sưng trán. Thầy đã ân cần  chạy vội đến đỡ bé đứng dậy với lời mắng yêu:
-Con hãy cẩn thận khi chạy nhảy nô đùa, không khéo bị u đầu bể tráng nghe con!
-Con hãy ngoan ngoãn nghe theo lời Thầy chỉ dạy, con sẽ được thưởng. Con làm sai quấy và làm ngược lại những lời Thầy chỉ bảo, con sẽ bị phạt tùy theo tội trạng nặng nhẹ nghe con!
Lời nói của Thầy thì mạnh bạo, nhưng tấm lòng của Thầy thì quá rộng mở và dạt dào tha thứ...Thằng bé cứ lao vào vòng tay ấm áp của Thầy để nhận lãnh bao điều tốt đẹp đưa đến cho nó.

                                                 * * *

….Riêng phần Lệ Hoa, sắc đẹp đã chín mùi. Gái một con có khác! Cũng có lắm người đua nhau tán tỉnh nàng. Họ tìm cách săn đón, lui tới thăm viếng nàng thường xuyên. Trong số đó có Thúc một thương gia, xuất nhập cảng giàu có tiếng tăm. Ông ta đã từ lâu vẫn đeo đuổi Lệ Hoa. Nhưng trước kia  nàng mãi chạy theo ảo ảnh, Thầy Thiện Nhân, nên nàng không mặn mà với Thúc. Nay một sự tình cờ đưa đẩy hai người gặp lại nhau sau một thời gian bặt tin. Tình cảm trong Thúc vẫn đầy ắp, chàng  vồn vã lên tiếng trước:
- Đã lâu không gặp em. Nhưng anh không bao giờ quên hình bóng yêu kiều của em đã in sâu trong tâm khảm anh. Lâu nay anh phải bôn ba xuôi ngược, hết đi nước này, lại đến nước kia lo việc kinh doanh. Nay công việc đã đi vào ổn định . Anh không phải xuôi ngược, mà phải trụ cột ở nhà để tính việc gia đình, tương lai...
Chưa nói dứt câu, Thúc nheo mắt  nhìn Lệ Hoa đắm đuối, miệng xuýt  xoa không ngừng:
- Độ rày em đẹp quá! Lần này anh phải theo bén sát em mới được. Bằng mọi cách anh không để mất em. Anh đã ngưỡng mộ em từ lâu, Em không nỡ để anh thất vọng chứ? Em cho anh đến nhà thăm Bác cùng em nhé?!
Không do dự, Lệ Hoa mỉm cười đáp khẽ:
- Thật hân hạnh cho em vẫn được anh một lòng chiếu cố. Em cảm động vô cùng. Để tỏ chân tình mời anh đến nhà chơi.
Thế rồi Thúc thường xuyên lui tới thăm viếng Lệ Hoa. Tình cảm lớn dần theo những món quà hậu hĩ tặng mẹ con nàng. Tình cảm hai người mỗi ngày mỗi khắng khít hơn theo thời gian. Lệ Hoa thật tốt phước, đúng là “ chuột sa hủ nếp “.Họ hẹn hò đi chơi, đi dự tiệc tùng liên miên. Đâu đâu cũng thấy hình bóng họ sánh đôi chung bước. Lần cuối trong một dịp ăn tối ở một nhà hàng. Thúc làm bộ quỳ xuống trong gian phòng nhỏ sang trọng chỉ có hai người. Với chiếc hộp đựng chiếc nhẫn xoàn sáng chói trên tay, Thúc âu yếm nói:
- Anh yêu em tha thiết. Anh không thể thiếu  em trong cuộc đời anh được. Em có bàng lòng làm vợ anh không?
Lệ Hoa đưa bàn tay nõn nà của mình cho Thúc mang chiếc nhẫn vào. Đó là một câu trả lời thiết thực hơn muôn vạn lời nói từ cửa miệng của nàng. Hai người tình tứ trao cho nhau những nụ hôn bốc cháy cho đến khi tàn bữa ăn.
Thế rồi một đám cưới rình rang được tổ chức dưới sự chứng kiến của hai họ, làm rỡ mặt mẹ con Lệ Hoa.
Thúc tuy giàu sang, nhưng hơi đứng tuổi vì mãi lo làm ăn mua bán. Chàng ta cưới được Lệ Hoa không những còn trẻ mà lại quá đẹp. Chàng cưng chiều nàng hết mực. Nàng nhỏng nhẻo hết sức, nay nàng đòi món này, mai lại  đòi món khác. Thúc không cho nàng làm động móng tay việc gì hết. Nàng chỉ việc đi chơi mua sắm. Lệ Hoa đi vào đi ra riết rồi cũng nhàm chán. Sau cùng để giết thì giờ, nàng thỉnh thoảng vào công ty của chồng điều hành nhân viên làm việc. Cưới nhau hơn hai năm, họ mong mỏi có một mụn con cho vui cửa vui nhà. Hơn nữa bên gia đình Thúc hiếm muộn, nên họ trông chờ có cháu để nối dõi tông đường. Đôi ba lần Thúc bâng đùa với vợ:
- Anh ao ước có một đứa con, để làm vui lòng cha mẹ trong tuổi già bóng xế và anh còn đủ sức khỏe lo cho con tới nơi, tới chốn. Chứ mai đây anh già cả, anh không lo được cho con vuông tròn. Em không sinh cho anh đứa con nào, anh sẽ đi ra ngoài kiếm đó!
Tát nhẹ vào má chồng, Lệ Hoa nũng nịu:
- Anh mà lộn xộn là chết với em liền.
Nói cứng với chồng thế, nhưng Lệ Hoa cũng cảm thấy hơi lo lo. Nàng thường xuyên lui tới các phòng mạch bác sĩ để chữa trị. Ai chỉ đâu nàng cũng bươn chải tìm đến thuốc thang. Thế rồi một thời gian sau , Lệ Hoa có triêu chứng cấn thai. Nàng vui vẻ báo tin cùng chồng:
- Hình như em đã có thai.
Thúc nhảy cỡn lên, chàng hôn lấy hôn để vợ:
- Tối nay chúng mình đi nhà hàng ăn mừng. Ngày mai, anh sẽ đưa em đi khám bác sĩ.
 Từ ngày biết vợ có thai, Thúc càng yêu vợ nhiều hơn, chàng càng cưng chiều vợ vô cùng. Thúc nâng niu chăm sóc Lệ Hoa thật chu đáo. Chàng mua về bao nhiêu sơn hào hải vị tẩm bổ cho vợ. Nhưng mấy tháng đầu, Lệ Hoa tanh cá hôi cơm, nàng ói mửa tùm lum. Nàng biến ăn mất ngủ, nên người sa sút và sụt cân thấy rõ. Thúc quýnh quáng mua bao nhiêu là thuốc tẩm bổ cho mẹ con Lệ Hoa. Bà Năm phải lên tiếng can ngăn với con rể:
 - Con đừng mua thuốc tẩm bổ nhiều cho Lệ Hoa  mà cái thai lớn nhanh, sau này sinh nở khó khăn. Đợi khi  vợ con sanh xong, hãy cho ăn  uống và bồi  dưỡng thuốc men cũng không muộn.
Thúc thường xuyên nhắc nhở Lệ Hoa:
 - Em nhớ đi đứng cẩn  thận, tránh té ngã nghe em. Còn nữa, em phải cố ăn uống đều đặn và thường xuyên đi khám bác sĩ.
 Một hôm vì sơ ý, Lệ Hoa trượt té ở phòng tắm. Máu ra nhiều, người nhà chở nàng vào nhà thương cấp cứu. Tình trạng của Lệ Hoa rất xấu. Bác sĩ đưa nàng vào phòng mổ gấp. Được tin, Thúc vội vã đến túc trực trước  phòng giải phẫu chờ tin. Chàng như ngồi trên đống lửa trước hung tin của vợ con. Thời gian  từng phút trôi qua sao nó chậm như rùa bò. Đôi mắt mẹ  cũng như chồng Lệ Hoa như dán chặt vào cánh cửa phòng mổ. Cánh cửa phòng bỗng sịch mở, hai người vội vã trong hồi hộp chạy ào tới hỏi thăm Bác sĩ:
 - Thưa Bác sĩ, tình trạng mẹ con Lệ Hoa thế nào?
 - Xin lỗi, tôi đã làm hết cách để giữ cái thai, nhưng vô phương. May ra chỉ cứu được người mẹ. Và rồi bà nhà sẽ không bao giờ sinh nở được nữa. Tôi xin chia buồn cùng gia đình. Thôi tôi phải trở vào trong, để theo dõi tình trạng sức khỏe của bà ấy kẻo sợ biến chứng có thể xẩy ra.
 Thúc đứng chết lặng như bị Trời trồng trước hung tin.
Mấy hôm sau sức khỏe Lệ Hoa đã ổn định, nàng được xuất viện. Thúc đón nàng về nhà. Không khí trong nhà rất buồn tẻ, vắng tiếng cười đùa của hai vợ chồng. Lệ Hoa biết được tình trạng vô sản của mình, nàng khóc lóc thảm thiết. Thúc vuốt tóc nàng an ủi:
 - Em đừng buồn rầu mà có hại cho sức khỏe. Số phận chúng mình không có con, để rồi sau này mình sẽ tính sau.
 - Anh có còn thương yêu em nữa không ? Cha mẹ chắc có định kiến với em. Không biết các cụ có nói ra nói vào, bắt anh ly dị em. Để rồi kiếm vợ khác cho anh để kiếm cháu nối dòng.
 - Em đừng suy nghĩ nhiều mà có hại. Chuyện đâu còn có đó. Em đừng suy nghĩ viển vông. Em cứ tin tưởng nơi anh, anh vẫn một lòng thương yêu em. Có gì anh sẽ cố gắng thuyết phục cha mẹ già…Chúng mình có thể xin một đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà.
 Hai chữ  “con nuôi “ nhắc nhở Lệ Hoa nhớ đến đứa con trai của mình đã vất bỏ cho Thầy Thiện Nhân nuôi. Nàng cảm thấy hối hận và thầm nghĩ:
- Có lẻ đây là hậu quả việc làm gian ác của mình phải gánh chịu “tuyệt tự ”. Cái giá rất đắt cho việc làm ngu xuẩn của mình từ trước “ gieo gió thì phải gặt bão “ Tội nàng gây ra,  Trời không dung đất không tha. Vì  cuồng  yêu, tội lỗi ngập trời..Nàng lại đi vu oan gieo họa cho kẻ chơn tu, đức độ. Nàng có nhảy xuồng sông Hoàng Hà cũng không gột rửa tội lỗi của nàng cho sạch được.
 Lệ Hoa tự nguyền rủa mình thậm tệ, nàng lẩm nhẩm:
 - Đúng là quả báu nhãn tiền. Trời thật có mắt. Lưới Trời tuy cao lồng lộng mà không bỏ sót một ai xấu xa. Nghiệp chướng mình quá nặng nề. Từ nay mình phải tu nhân tích  đức, mới mong thanh thản để sống an vui hạnh phúc... Thầy là một tấm gương sáng để mọi người noi theo và sùng kính muôn đời. Không lời nào và bút mực nào tả hết những  đức tính tốt của Thầy.. Lệ Hoa vạch định một chương trình trước mắt...
…Một buổi sáng đẹp trời, bầu trời xanh ngắt, mây trắng lững lờ trôi. Ánh nắng vàng trải xuống khắp vạn vật. Cây cỏ xanh tươi sau một giấc ngủ dài tắm sương đầy đủ. Mấy nàng hoa đua nhau khoe sắc, khoe hương thơm ngát cả bầu trời. Chúng đang rung rinh mỉm cười với chàng gió đang mơn trớn trên da thịt chúng. Các nụ hoa đủ màu sắc đang e ấp làm dáng với lũ ong bướm chập chờn vây quanh chọc ghẹo chúng. Trên cành cây, chim chóc ríu rít nhảy múa như chào đón một ngày đẹp trời vừa ló dạng. Lệ Hoa cảm thấy trong người khỏe mạnh, nàng gọi điện thoại cho bà Năm:
- Mẹ sửa soạn nhanh lên, con sẽ đến đón mẹ đi lo công chuyện gấp.
 - Có chuyện gì quan trọng mà con úp mở, không cho mẹ biết  thế?
 - Khi đến đó mẹ sẽ rõ. Thôi gấp quá, con còn phải sửa soạn để đi cho sớm. Con hẹn gặp mẹ sau.
Trên đường đi, mặc cho mẹ gặn hỏi đủ điều, Lệ Hoa vẫn giữ im lặng. Nàng đang phác họa ra cuộc đối thoại sắp đến với Thầy Thiện Nhân... Lệ Hoa mãi đắm chìm trong suy tư, nàng bỗng giật mình vì tiếng mẹ cất lên:
 - Con đến Chùa Thiền Tự làm gì thế? Con muốn lể Phật, thì đi chùa nào chả được. Mẹ không muốn gặp lại nhà sư hổ mang đó một chút nào. Đó là một vết nhơ, làm ô uế nơi thờ phượng trang nghiêm cửa Đức Phật từ bi. Suốt đời mẹ không thể tha thứ cho hành vi của kẻ đội lốt tu hành mà vướng vòng sắc dục . Thật là đốn mạt cho kẻ tu hành không thể chấp nhận được.
 - Mẹ đừng nguyền rủa Thầy quá lời, mà tội cho kẻ chơn chánh tu hành. Mẹ càng chưởi rủa Thầy nhiều, con càng vướng nhiều nghiệp chướng tội lỗi khó sám hối để tẩy xóa được.
Bà Năm ngạc nhiên , trố mắt nhìn chằm chặp vào con gái mình. Bà chưa kịp hỏi điều gì, Lệ Hoa xuống xe nhỏ nhẹ nói với mẹ:
 -Mẹ theo con vào gặp Thầy; mẹ sẽ hiểu rõ ngọn ngành. Con mong mẹ tha thứ mọi tội lỗi nặng nề của con gây ra.
 Không kịp có phản ứng, bà Năm bất đắt dĩ  đi theo Lệ Hoa để xem hư thật ra sao?
Hai mẹ con Lệ Hoa vừa đến mái hiên chùa đã thấy Thầy Thiện Nhân đang thu xếp chỗ ngủ của hai cha con cho gọn gàng. Thằng bé mũm mĩm đang lăng xăng bên Thầy lên tiếùng nũng nịu:
 - Con đói bụng, ba cho con ăn.
Tiếng Thầy Thiện Nhân nhẹ vỗ về cháu bé:
 - Con ngoan đừng quấy rầy Thầy. Để Thầy xem còn bánh trái gì cho con ăn tạm. Con ráng chờ chốc lát cháo chín, chúng ta cùng ăn nhé! Con chóng ngoan, Thầy thương, cưng chiều con nhiều..À! con có thương Thầy không nào?
Tiếng nói ngây thơ, dễ thương của thằng bé cất lên:
 – Con thương ba nhiều nhất..Thế mẹ con đâu hở ba? Sao con không thấy mẹ con đến thăm con.
 Có tiếng thở dài thay cho câu trả lời. Im lặng bao trùm không gian cửa Phật.
Mẫu đối thoại ngắn gọn của hai người nghe rõ mồn một làm mẹ con Lệ Hoa khựng lai giây lát. Cố nuốt nước mắt vào lòng, Lệ Hoa xông đến bên thằng bé nghẹn ngào :
 - Mẹ đây con! Mẹ đến đón con về ở với mẹ. Tội nghiệp cho con tôi. Chỉ vì mẹ đốn mạt, xấu xa, lòng dạ mẹ quá hẹp hòi nhỏ nhen và tư thù không đúng chỗ. Mẹ đem lòng yêu thầm Thầy, mẹ quyến dụ Thầy vào vòng sắc dục không được. Thầy khuyên lơn để đem mẹ về với chính đạo. Mẹ không thức tỉnh mà lại đem lòng thù ghét Thầy tận xương tủy. Mẹ bày trò có con để đổ vấy cho Thầy cho thỏa mãn lòng tự kiêu của mẹ.
Lệ Hoa ngừng nói giây lát.  Nàng thao thao bất tuyệt, e sợ không nói lúc này để sám hối. Nàng sẽ không có dịp nói lên những điều nàng đã bi lương tâm dày vò từ lâu:
-Thầy đã vì mẹ mà ô danh tu tập, hạnh đạo. Nhưng Thầy quá cao cả, Thầy nhận lãnh hết nổi oan, Thầy không một lời biện hộ cho bản thân mình.  Nay mẹ hối hận rất nhiều...Mẹ mong con tha thứ mọi tội lỗi do mẹ gây ra. Mẹ lòng lang dạ thú, mẹ nở bỏ con khi con còn thơ dại. Mẹ để con phải bơ vơ, may nhờ có tình thương vô bờ của Thầy cứu vớt con. Âu đó cũng cái nghiệp của tiền kiếp, chúng ta đã mắc nợ nhau, kiếp này phải trả. Con hãy tha thứ mọi lỗi lầm của mẹ tạo ra. Con hãy về với mẹ, dù mẹ sẽ mất tất cả hạnh phúc hiện mẹ đang nắm giữ, mẹ cũng cam lòng. Dưới ánh sáng mặt trời, không thể che dấu mọi điều mình làm dù tốt hay xấu đi nữa. Mai đây cha dượng con có biết, mà không tha thứ những lỗi lầm của mẹ đã vướng phải, thì đành chịu thôi! Mẹ có con là được rồi, mẹ không mơ ước gì hơn. Con tới với mẹ đi con!!!
Xây qua Thầy Thiện Nhân, Lệ Hoa chấp tay xá dài:
 - Bạch Thầy, con đáng tội chết. Con mong Thầy với lòng từ bi hỷ xã hãy tha thứ bao lỗi lầm con đã gây ra. Con cũng vì quá mù quáng yêu thương Thầy tha thiết, con nhắm mắt lao theo tình yêu điên cuồng một chiều của mình. Thầy không thèm đoái hoài đến tình yêu tha thiết con đã dâng hiến. Thầy lại lên giọng đạo đức dạy bảo, khuyên răn con... Trong môt phút cuồng si, không kịp suy nghĩ hơn thiệt. Con muốn trả thù Thầy. Con đã đi lại với kẻ xấu để có thai ,rồi đổ vấy cho Thầy. Nay con hối hận không kịp. Cầu xin Thầy cho con ăn năn, sám hối dưới chân Thầy. Con  nhận bao lỗi lầm đã làm cho Thầy phải bị đày đọa, mang tiếng nhơ nhuốc với Phật pháp và chư tăng Phật tử.
Với giọng từ tốn,  Thầy Thiện Nhân chấp tay nói:
 - Thế à!
Trước sau như một, vẫn hai tiếng “thế à!” phát ra từ cửa miệng của kẻ  tu hành chân chánh. Ngài từ trước đến nay  không một lời biện hộ. Thật cao cả thay một đấng chơn tu đã giác ngộ, theo sát chân Đức Phật.
Bà Năm bừng tỉnh sau khi nghe rõ ngọn ngành. Bà quỳ lạy một vị hòa thượng đã giác ngô cửa Phật. Đó là một vị Thánh sống đã thấm nhuần đạo lý nhà Phật không còn ÁI, Ố, HỈ, NỘ. Bà mong Thầy với tấm lòng từ bi rộng mở, Thầy sẽ hướng dẫn con người vốn đắm chìm trong tham,sân, si thoát khỏi vòng tục lụy cho trí óc thanh thản. Con người trong vòng sanh, lão, bệnh, tử tìm được lẻ sống lý tưởng hợp với đạo lý làm người. Bà Năm cảm thấy mình đã hồ đồ, bà đã đem bao lời rất nặng để thóa mạ kẻ bị hàm oan tu hành. Và để chuộc lỗi lầm cho đứa con yêu đã làm ra, bà nguyện quỳ đó cho đến khi Thầy tha thứ mới thôi.
Lệ Hoa ôm con vào lòng nức nở:
-  Xin Thầy tha tội cho con và cho con đón cháu bé về nuôi nấng dạy bão. Nó sẽ là đứa con tinh thần của Ngài. Con mong cháu sẽ học hỏi những chân thiện mỹ do Thầy truyền dạy cho cháu. Một lần nữa, con tha thiết xin Thầy cho con đón cháu bé về.
Vẫn giọng từ bi cố hữu, Thầy Thiện Nhân ôn tồn lên tiếng:
 - Thế à!
Thầy Thiện Nhân xây qua bà Năm mỉm cười lên tiếng:
- Không có gì đệ tử phải bận tâm. Đệ tử yêm tâm ra về lo cho cháu con. Cửa Chùa rộng mở để chào đón đệ tử đến tu học.
Ba người bùi ngùi chia tay Thầy. Bé trai chạy đến bên thầy bịn rịn không nở chia tay :
 - Hàng tuần, con sẽ xin mẹ đến vấn an ba. Sau này đến tuổi đi học, con sẽ đến chùa học tiếng Việt và kinh kệ do ba chỉ dạy.
Mọi người vui vẻ trước lời thỏ thẻ của bé trai, nó là đứa bé khôn trước tuổi và ăn nói chững chạc. Có lẻ nó đã thấm nhuần bản tánh người đã cưu mang nó từ tấm bé. Thật phước đức cho cháu bé có người cha nuôi đúng như cái tên “ Thiện Nhân “ Ôi cao  cả quá một vị “ Phật Sống “ ở trần gian lắm lọc lừa gian xảo. Một Quán Thế Âm của thế tục hồng trần ngày nay.

             Thấu lý đạt tình Sắc Sắc Không
              Vẹn giữ cho nhau trọn tấm lòng
                  Nhân nghĩa ở đời nên tạc dạ,
                   Tiền tài, sắc đẹp chỉ Không Không..

Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét