Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

BƠ VƠ 2 - Nguyễn Ninh Thuận

                              
  Một khúc quanh cuộc đời Trà Mi xảy khi Trà Mi chính thức làm vợ một bác sĩ làm chung trong bệnh viện. Ông Bác sĩ này đã có một đời vợ, và vợ chồng họ đã chính thức chia tay nhau hơn cả năm nay. Trà Mi mang danh vợ một bác sĩ có địa vị trong xã hội, nhưng nàng chẳng hưởng được bổng lộc gì của ông ta mang đến. Trà Mi cũng phải tay làm hàm nhai. Hàng ngày nàng phải làm tròn trách nhiệm của một người y tá săn sóc bệnh nhân trong bệnh viện lớn của thành phố. Suốt ngày vật lộn với cuộc sống, Trà Mi rất mệt mỏi, về nhà nàng còn bị mẹ chồng chì chiết kiếm chuyện khó dễ chỉ vì nàng không làm ra nhiều tiền mang về cho bà ta. Tuân, chồng Trà Mi mặc dầu đã trưởng thành, có vợ con,  nhưng  cuộc sống của chàng hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Chàng ta như đứa bé cứ bám víu vào mẹ để mẹ quyết định mọi việc trong nhà.
<!> 
Cuộc sống vợ chồng của Trà Mi chả khá hơn chút nào. Nó thiệt tẻ nhạt, buồn chán trước cặp mắt cú vọ của bà mẹ chồng, luôn theo dõi từng cử chỉ của nàng dâu hiền thục. Có những lúc ở nhà thương bệnh nhân quá nhiều, Trà Mi làm việc mệt muốn đứt hơi. Về tới nhà, nàng muốn ngả lưng đôi phút, mẹ chồng đã trề môi nặng nhẹ:
   -Dâu con gì mà lười biếng chảy thây, đi làm về là nằm dài. Gia đình đã có sẵn con mẹ già này làm đầy tớ hầu hạ cơm nước tận tay.
  Có đôi lúc mẹ chồng nói to với Tuân, cốt ý cho nàng nghe:
   -Con liệu mà răng dạy vợ con đi chứ. Nàng dâu là phải hầu hạ mẹ chồng, phục tùng chồng hết mực. Không phải viện cớ đi làm, rồi bỏ bê việc nhà cho thân già này lo liệu hết đó nhé!
  Tuân, chồng Trà Mi đã không thông cảm cho tình huống của nàng, mà chàng còn như muốn đổ dầu thêm lửa.
   -Em sao không chiều theo ý mẹ vậy?. Mẹ đã già cả rồi, cần sự tịnh dưỡng nghỉ ngơi. Em phải quán xuyến, đỡ đần chuyện nhà cho mẹ được rảnh rỗi, thong thả trong tuổi già. Mình phải hầu hạ mẹ, ai đời để mẹ phải cực nhọc với vợ chồng mình như thế, coi sao được hả em?. Tuân đã lớn tiếng trách cứ Trà Mi…
    Những ngày đầu tháng, Tuân và Trà Mi lãnh lương đưa cho mẹ chồng, thì trong nhà vui vẻ cả làng. Đến giữa và cuối tháng, không có tiền bạc mang nộp cho bà, thì y như rằng sóng to gió lớn nổi lên trong nhà, bà kiếm chuyện với nàng nầy nọ đủ thứ. Suốt trong thời gian về làm vợ Tuân là chuỗi ngày Trà Mi đầy nước mắt buồn tủi vì phận dâu con. Cuộc sống đầy sóng gió trong gia đình Tuân dần dần xảy ra như cơm bữa…
  -Thôi thì mình phải ráng nhẫn nhục cho hết một kiếp người. Đàng nào mình cũng qua mấy lần gãy đổ. Số mình, hồng nhan bạc phận thì đành phải cam chịu thôi. Chạy trời không khỏi nắng. Chỉ có cách nắng đàng nào cố che đàng đó cho qua ngày đoạn tháng mà thôi.. Trà Mi cố nén buồn tủi và nghĩ đến thân phận của mình...
   Nhưng cây muốn lặng mà gió không ngừng. Tuấn tính tình bủn xỉn, lại bị mẹ chỉ huy nên sóng gió vẫn luôn xảy ra. Chàng đang tâm hành động vũ phu với Trà Mi. Những vết bầm trên mặt, trên tay chân Trà Mi làm cho bạn bè nàng phải xót thương cho thân phận nàng không ít. Một hôm, Trà Mi đi ăn đầy tháng con của một người bạn thân. Qua sự giới thiệu của bạn, Trà Mi làm quen với một người đàn bà tên Bạch Trúc. Sau một hồi chuyện trò thăm hỏi thân mật, Trà Mi biết được Bạch Trúc trước kia là vợ  của Tuân. Qua lời tâm sự của Bạch Trúc, Trà Mi càng hiểu rõ tâm địa của Tuân và mẹ chàng hơn...
...Bạch Trúc sinh ra trong một gia đình giàu sang, tiền rừng bạc bể. Nàng khá xinh đẹp, là con một nhà xuất nhập cảng. Tuân cố công đeo đuổi lâu ngày mới chiếm được quả tim của người trinh nữ. Sau một thời gian dài đeo đuổi và đã được lòng Bạch trúc, Tuân đề nghị với nàng:
  -Anh đã ra trường bác sĩ. Vậy chúng ta nên nghĩ đến chuyện xây dựng tương lai. Em bằng lòng cho anh đưa mẹ anh đến thưa chuyện với ba má em về việc hôn nhân của chúng mình chứ?
   Bạch Trúc thấy Tuân đã là một bác sĩ trẻ, đẹp trai và có một tương lai đầy hứa hẹn, nên nàng vui vẻ bằng lòng:
  -Anh tính như thế cũng phải. Chuyện của chúng mình, ba má em đã biết. Vậy anh cứ xúc tiến việc hôn nhân của chúng mình càng sớm càng tốt.
   Thế  là  một  đám  cưới  linh  đình  được  tổ  chức vài tháng sau đó. Của hồi môn của cô dâu là một căn nhà khang trang và một triệu đồng trong trương mục của Bạch Trúc. Ngay trong ngày đám cưới, Tuân đón mẹ ruột về ở chung nhà với vợ chồng chàng. Những ngày hạnh phúc thoáng trôi qua mau lẹ. Mẹ của Tuân luôn luôn chen vào cuộc sống lứa đôi của vợ chồng nàng. Biết được cô con dâu có tiền bạc triệu trong nhà băng, mẹ của Tuân bãi bôi dịu ngọt với Bạch Trúc vô cùng. Mẹ chồng cũng như  chồng của nàng dịu ngọt với nàng là nhằm để rút tỉa tiền bạc của nàng trong ngân hàng về túi riêng của bà ấy. Bà mẹ chồng kiếm cớ mua món này món nọ trong nhà để vòi tiền nàng. Khi thì bà ấy bảo:
   -Bộ bàn ghế này cũ quá, con nên mua bộ khác cho xứng với ngôi nhà mới.
  Lúc thì:
   -Ăn tiêu trong nhà chi phí nặng lắm, con đưa thêm cho mẹ tiền chợ nữa.
   -Anh muốn mua cái xe mới.... Tuân lại lên tiếng vòi vĩnh...
  Trăm thứ đều đổ lên đầu Bạch Trúc. Có những lúc đưa tiền cho mẹ chồng mà chả thấy bà ấy mua sắm cái gì mới trong nhà cả. Nhưng vì sự cả nể mẹ chồng, Bạch Trúc chẳng dám hở môi . Núi vàng ngồi không ăn cũng hết, huống hồ chi tiền bạc, lần lần cũng bị hao mòn cạn túi.  Bạch Trúc cũng xót ruột vô cùng. Đôi khi nàng không đáp ứng được lời yêu cầu của hai mẹ con, thì họ mặt sưng  mày  xỉa.  Không  khí  ngộp  thở bắt  đầu  xuất hiện. Mới đầu còn nhẹ nhàng sau rõ nét dần. Tuân dù là một Bác sĩ, nhưng mọi việc trong nhà chàng đều để cho mẹ chỉ huy hết, nên hay kiếm chuyện với Bạch Trúc hàng ngày. Cơm không lành, canh không ngọt bắt đầu xuất hiện. Lần lần số tiền hồi môn của nàng bị hao mòn cạn lán lúc nào không hay biết. Một hôm, Tuân khảo tiền nàng không có, chàng ta lên tiếng nặng nhẹ nàng đủ lời... Chàng lại còn lên tiếng xúi nàng:
   -Ba má em giàu có, tiền rừng bạc bể. Hôm đám cưới của chúng mình, ba má em cho một triệu đồng như hạt cát giữa sa mạc thôi chớ gì. Nay đã tiêu xài hết số tiền đó rồi, em về xin thêm một ít vốn, để chúng mình mở một phòng mạch riêng nghe em...
  -Ba má mới cho em một triệu đồng chưa được bao lâu. Nay em biết ăn nói làm sao để xin tiền thêm tiền nữa hà anh? Thôi, em không dám về xin đâu. Chúng ta liệu cơm mà gắp mắm. Từ nay chúng mình tiêu pha cần kiệm lại thì cũng được thôi. Đưa mắt không vui nhìn chồng, Bạch Trúc lên tiếng.
  -Cô nói sao dễ nghe thế. Mang danh lấy vợ con nhà giàu có, mà phải sống dè xẻn cần kiệm hả? Khi chưa lấy em, anh có cả khối người thương, nhưng anh chỉ chọn em mà thôi. Đưa mắt lườm Bạch trúc, Tuân quát lớn.
-Vậy anh lấy tôi là nhắm vào túi tiền của ba má tôi chớ gì? Tôi đã đem về một triệu đồng cho mẹ con anh rút rỉa hết rồi. Giờ cạn túi, anh lại kiếm chuyện với tôi đủ điều. Tôi nhất định không xin thêm ba má tôi một đồng nào nữa. Bản mặt giả nhân giả nghĩa của mẹ con anh đã rớt xuống rồi.. Khi tôi cầm trong tay bạc triệu, mẹ con anh dịu ngọt rút tỉa hết. Nay tôi sạch túi thì lại kiếm chuyện nầy nọ hả. Tức nước thì phải vỡ bờ. Tôi chán cái gia đình nầy rồi. Tất cả không sống với nhau  bằng tình  nghĩa,  mà chỉ  tiền  bạc thôi. Xấu xa bỉ ổi lắm! Bạch Trúc gục mặt nức nở khóc.
   Thế rồi cuộc ấu đã xảy ra. Tuân lòi ra thói vũ phu đánh đập, hành hạ vợ. Mẹ chàng chạy đến không can ngăn sự nóng giận của con trai mình, mà còn lớn tiếng đổ dầu vào lửa:
 -Cô đừng ỷ con nhà giàu, rồi nói hỗn với chồng và dùng lời không đẹp với tôi đấy nhé. Tôi đã hầu hạ cô hết mực rồi kia mà. Tôi không chấp nhận cô con dâu đanh đá như thế đâu nhé, liệu mà giữ thân...
  Bạch Trúc giờ mới mở mắt vì sự tính toán bòn rút của hai mẹ con Tuân. Họ lấy danh nghĩa kẻ trí thức để đi lừa gạt tình cảm và tiền bạc của nàng. Quá tức giận Bạch Trúc gào to:
  -Tôi không thể là cái túi không đáy, để cung ứng tiền bạc cho các người nữa. Tiền bạc của ba má tôi có được cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được, chứ chẳng phải đơn giản như lượm lá mùa Thu rơi rụng mà có được. Tôi thà cho kẻ nghèo khổ đói rách ăn xin, còn hơn ngoan ngoãn để kẻ lưu manh gạt gẫm như bao lâu nay nữa...
   Bạch Trúc nói toạc ra những uất ức đè nén trong lòng bấy lâu nay cho vơi bao sầu khổ. Nói xong, nàng thu xếp đồ đạc vào va-ly rồi xách về nhà ba má ruột của nàng với bộ mặt thảm thương. Trước khi đi, nàng không quên lên tiếng xua đuổi mẹ con Tuân ra khỏi nhà:
  -Vì không thể chịu đựng được cảnh sống nầy, nên tôi buộc lòng phải trở về với cha mẹ tôi. Hai mẹ con anh nên biết điều mà dọn ra khỏi căn nhà của cha mẹ tôi cho tôi hôm đám cưới. Đừng để tôi nhờ chính quyền can thiệp đó nhé!
   Nói xong nàng xách túi quần áo ra đi, không ngoảnh mặt lại nhìn căn nhà lần cuối.Với vết tích bị Tuân đánh dập hành hạ còn in rõ trên người Bạch Trúc rành rành. Nàng đi Bác sĩ khám lấy giấy y chứng và nạp đơn xin ra tòa xin ly dị với người chồng coi nặng tiền bạc và xem nhẹ tình nghĩa phu thê như thế nầy. Chàng ta là người đàn ông trí thức, nhưng chỉ biết bám gấu quần đàn bà và để mẹ chỉ huy. Với túi tham không đáy của hai mẹ con Tuân, Bạch Trúc không thể chịu đựng nổi nữa...
  Nghe những lời tâm sự của Bạch Trúc, Trà Mi đã giật mình sáng mắt. Nàng càng mở to đôi mắt ra để nhận định giả tâm của hai mẹ con của Tuân. Nàng đưa đến một quyết định nhanh và dứt khoác:
  -Phải ly dị với Tuân ngay, để tránh thân tàn ma dại sau này. Trà Mi không muốn thân bại danh liệt vì sự tính toán quá độ của hai mẹ con của người chồng có túi tham không đáy. Họ không biết đến sự liêm sỉ, nhân cách của con người là gì, mà chỉ biết đồng tiền đã làm mờ mắt của họ mà thôi...
  Sau khi chính thức ly dị với Tuân, Trà Mi trở về sống cô đơn với hai đứa con thơ dại. Duyên số đưa đẩy, Trà Mi gặp lại Lân trong một phiên chợ Tết. Hôm đó, nàng dẫn hai con đi mua sắm quà Tết. Ba mẹ con đang đứng tần ngần trước một hàng áo quần chất cao như núi. Cháu bé gái đang níu áo mẹ chỉ trỏ một cái áo đầm xinh xắn, mặt phụng phịu nói:
  -Mẹ mua cho con cái áo đầm nầy, con không chịu cái áo đầm khác đâu.
  Thằng con trai ướm thử bộ đồ tây người bán hàng vừa mới trao cho nó.
Trà Mi ước tính hai món hàng hai đứa con thích. Một bài toán về chi tiêu trong gia đình qua nhanh trong đầu óc nàng. Đang giằng co trong tư tưởng về món tiền sẽ chi ra rất lớn so với khả năng dành dụm của nàng. Bỗng nàng giật mình vì một tiếng nói quen thuộc vang lên bên tai nàng.
  -Ồ! Em Trà Mi, lâu quá anh mới gặp lại em. Anh mừng quá. Em vẫn khỏe chứ?
Ngẩng đầu lên, nàng bắt gặp lại Lân với đôi mắt tha thiết nhìn mình đắm đuối. Trà Mi cảm thấy xao xuyến trong lòng như uống một ly rượu mạnh. Nàng cũng cuống cuồng mừng rỡ thét lên:
  -Ồ! Anh vẫn còn sống đấy chứ? Đã lâu lắm anh biệt tăm đâu mất. Em cứ ngỡ anh đã....
Chưa nói hết câu Trà Mi lúng túng giấu bao cảm xúc đang dạt dào trong lòng. Tình yêu còn đầy ấp trong hai kẻ yêu nhau tha thiết. Họ nghẹn lời một giây, mắt nhìn nhau không biết chán, Lân phá tan sự im lặng:
  -Anh muốn mời mẹ con em đi ăn với anh, rồi chúng mình hàn huyên tâm sự lâu hơn.
Hai đứa trẻ dùng dằng không muốn đi, vì chưa mua được áo quần mới. Lân tinh tế nhận ra điều đó, chàng âu yếm nhìn hai đứa con trẻ, lên tiếng nói với cô bán hàng:
  -Cô gói hai bộ quần áo đó cho hai đứa trẻ, cô tính bao nhiêu tiền tôi sẽ trả cho cô.
  Được mối bán hàng không cò kè giá cả, cô bán hàng mau chóng gói hàng cho khách. Hai đứa trẻ cầm áo quần mình thích, với vẻ hân hoan theo mẹ đi với chú Lân đến tiệm ăn. Sau khi ăn uống no nê, hai trẻ được cho vào sở thú. Chúng há hốc mồm nhìn những con công xòe lông muôn màu sắc vui múa. Những con chim đủ màu sắc  chuyền cành này sang cành khác, nhảy nhót ca hót vui tai. Đây đó vang lên tiếng mấy chú két thi nhau chào hỏi tiếng người rõ mồm một. Rồi thì trong cũi sắt, mấy chú khỉ thi nhau nhảy nhót làm trò đùa cho thiên hạ vui coi. Tiếng cười tươi rộn ràng của đám trẻ vang lên vang lên không ngừng nghỉ...
   Trên ghế đá dưới gốc cây mát dịu, Lân dìu Trà Mi ngồi xuống tâm tình. Họ không quên trách nhiệm kẻ làm cha mẹ dõi mắt trông chừng lũ con thơ đang nô đùa...
  -Tại sao chúng mình đang yêu nhau tha thiết, anh lại lặng đâu mất? Anh làm em dạo đó mất ăn mất ngủ vì thương nhớ anh vô cùng. Anh ác lắm đó. Anh đi theo tiếng gọi của ả nào chứ gì? Trà Mi nũng nịu hỏi Lân.
   Lân đưa mắt rảo quanh một vòng. Chàng không thấy ai chú ý đến mình. Chàng vội hôn nhẹ lên má người yêu. Cầm tay Trà Mi, anh nhỏ nhẹ nói:
  -Em nói oan cho anh lắm, khi đó anh bị bắt buộc phải xa em, dù anh rất thương nhớ em vô cùng.
   Lân trầm giọng xuống, chàng xúc động nói tiếp:
  -Em có biết không? Chồng cũ của em, thuê du đãng đâm chém và định thủ tiêu anh. Anh thoát vòng vây chạy bán sống bán chết. Anh phải đành đi xa và trốn biệt vì sợ trả thù tiếp. Chỉ vì tội anh dám yêu em. Nhưng dù xa em, anh vẫn yêu em như ngày nào. Tâm tình của anh vẫn trọn vẹn dành cho em. Anh vẫn chờ đợi ngày được trùng phùng với em. Còn em thế nào hả Trà Mi?
   Trà Mi chậm rãi kể lại quãng đời bất hạnh làm vợ ông bác sĩ. Nàng kể lại bao nỗi khổ đau. Trà Mi khóc vùi trên vai Lân.
   -Đám mây mù sẽ tan nhanh. Sau cơm mưa trời lại sáng. Biết em bất hạnh, anh còn thương em nhiều hơn. Anh nguyện đem tình còn lại lo cho em và con, em chịu không? Lân vỗ về an ủi Trà Mi.
   Nghe lời người yêu dỗ dành an ủi, Trà Mi càng khóc lớn hơn, Lân nâng mặt Trà Mi lên lấy khăn lau nước mắt cho nàng. Chàng đặt một nụ hôn nồng thắm lên  đôi  mắt đẹp nhiều u uẩn với lời tha thiết:
  -Anh dù nghèo, không bằng người ta lắm tiền nhiều bạc, nhưng tình anh đầy ấp trong tim. Em hãy nhìn về tương lai trước mặt, anh luôn sát cánh bên em.
   Trà Mi cười tươi với hai hàng nước mắt chảy dài vì mừng vui. Nàng sung sướng đón nhận lại tình yêu chợt đi, rồi chợt đến. Đôi mắt nàng đang dõi trông theo hai con bướm đang chập chờn bay lượn trên  vườn  hoa  xinh đẹp. Một cơn gió nhẹ thoảng qua, cánh hoa rung rinh như mỉm cười, chào đón hạnh phúc của hai người vừa mới kết hợp. Cảnh vật hôm nay rộn rã hơn với tiếng đùa vui của con trẻ. Hòa nhịp với tiếng cười như pháo nổ của người lớn. Cây cối hình như cũng xanh tươi hơn mọi ngày. Sắc hoa cũng tươi thắm hơn, chúng đang đùa giỡn với lũ ong bướm lượn quanh với nàng gió mơn trớn trên da thịt chúng. Khí trời cũng dịu hẳn xuống, làm cho tâm hồn hai kẻ yêu nhau thơi thới hơn mọi ngày. Bầu trời cũng xanh hơn với những chuỗi mây trắng lững lờ trôi. Nó đem theo hạnh phúc vừa chớm nở đến chốn thiên thai. Ánh nắng nhạt dần ở cuối chân trời. Những tia nắng cũng ngừng nhảy múa để yên lặng ngắm niềm vui của hai kẻ hiểu nhau, thông cảm và san sẻ cuộc sống cho nhau. Trong cuộc đời của Trà Mi, khoảng thời gian chung sống với Lân là chuỗi ngày hạnh phúc và đáng nhớ nhứt. Nếu cuộc đời cứ êm ả trôi qua với hạnh phúc trước mắt thì sung sướng biết ngần nào...
   Nhưng... Cuộc đời nầy nếu không có chữ nhưng thì còn  gì  vui  bằng.  Cũng  do  cái  duyên  số,  cái  nghiệp chướng quá nặng nề của con người mà tạo ra…
..Lợi sau khi ly dị với Trà Mi đã lập lại gia đình và có được mấy đứa con. Sau năm 1975, gia đình Lợi đi vượt biên và định cư ở Mỹ. Trà Mi còn ở lại Việt Nam và cuộc sống hơi khó khăn trước mắt. Tương lai mấy đứa con bước vào ngõ tắt, học hành không khá hơn, vì lý lịch không được trong sáng. Thời bấy giờ trẻ em đi học, bị nhà cầm quyền xét theo lý lịch. Muốn lên  đại  học  phải có cách mạng chống đỡ. Trà Mi nghĩ đến tương lai các con nên buộc lòng nàng viết thư cầu cứu với cha nó.
   -Vì tương lai các con, em nhờ anh đứng ra bảo lãnh cho các con sang bên đó để cho chúng nó có cơ hội học hành tiến thân. Chúng có học thì tương lai mới được tươi sáng. Chúng ta hãy quên đi những dị biệt, tập trung lo cho tương lai các con được tươi sáng hơn tốt đẹp hơn.
   -Tôi không có trách nhiệm gì với con cái. Bà nên gánh vác lo cho chúng nó. Tôi nhứt định không bảo lãnh cho chúng nó đâu... Lợi viết thư hồi âm thẳng thừng từ chối.
     Trà Mi có một người bạn làm ở cơ quan thiện nguyện, lo về việc di trú cho người tị nạn. Ông ta bất bình trước một người cha tàn nhẫn từ bỏ trách nhiệm, không lo cho con cái. Con Trà Mi dưới tuổi vị thành niên, nên ông ta mở hồ sơ nhờ luật sư làm áp lực Lợi phải bảo lãnh con sang. Thế chẳng đặng đừng, Lợi phải đứng ra bảo lãnh mấy dứa con . Vì các con còn quá nhỏ nên Trà Mi được ăn theo. Thế là vì tương lai của các con, nàng đành phải khăn gói lên đường theo các con sang Mỹ. Trà  Mi  đành để lại hạnh phúc đang hồi nồng thắm ở lại. Vòng tay buông lơi. Vợ chồng bùi ngùi chia tay , Lân đau khổ than vãn:
   -Em đi thế là tình chồng vợ chúng mình đứt đoạn. Em đi để lại đằng sau tình yêu nồng cháy của chúng mình theo ngày tháng buông trôi. Với nửa vòng trái đất, biết bao giờ chúng ta mới gặp lại nhau...

“ Người đi một nửa hồn tôi mất,
   Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ ”

   Cuộc chia ly nào mà không đầy nước mắt, đau đớn...Nhưng tình mẫu tử rất mạnh trong người Trà Mi. Nàng đành câm nín ra đi không hẹn được ngày tái ngộ vì nó xa vời vợi...
   -Đi là hết, nhưng nàng đành chấp nhận cái đoạn trường này, số kiếp nàng chỉ được hưởng một khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi hay sao? Kiếp hồng nhan phải chịu đọa này nữa hay sao? Trà Mi tự nghĩ:
   Thế rồi vài năm sau, Lân cảm thấy vô vọng trước cuộc sống độc thân tẻ nhạt. Lân là người đàn ông rất tốt và hiếm có trên đời. Chàng là mẫu người tốt, lắm đàn bà mơ ước được nâng khăn sửa túi. Chàng bị khuyến dụ, bị lung lay và bị mua chuột. Chàng ta không thể tránh bao cám dỗ rình rập ngày đêm. Cô đơn đè nặng lên cuộc sống với số tuổi ngày mỗi chồng chất lên cao; Lân lặng lẽ chung sống với một người đàn bà  trong tuổi già bóng xế cần người an ủi, sớm hôm chăm sóc... 

               Những tưởng trăm năm mối tình  đầu,
               Nào ngờ hai đứa phải xa nhau.
               Anh vui duyên mới vui duyên mới,
               Bóng lẻ thân em lỡ nhịp cầu.

               Nhớ mãi anh ơi một mối sầu,
               Làm sao quên được nỗi niềm đau.
               Bao nhiêu mộng đẹp theo năm tháng,
               Tan nát tim em giấc mộng đầu.

    Riêng Trà Mi, biết bao ê chề trên con đường phía trước. Nó lắm chông gai, gập ghềnh. Mấy mẹ con Trà Mi bước xuống phi cơ vào mùa đông ở xứ lạnh với tuyết giá băng lạnh. Mẹ con nàng bỡ ngỡ và run sợ trước khung cảnh phần hoa, rộn rịp của phi trường đồ sộ. Nó lại càng hồi hộp lo sợ hơn khi chung quanh mẹ con Trà Mi chả có  người thân ra đón. Nơi xứ lạ quê người, tiếng xứ người không có một chữ lận lưng, trong bụng Trà Mi đánh lô to liên hồi...Sau một giờ nhận hành lý, các con Trà Mi mệt mỏi ngáp ngắn ngáp dài vì cũng đã gần 11 giờ khuya. Các con nàng đứa thì cầm tay Trà Mi, đứa thì níu áo nàng mếu máo nhao nhao hỏi...
  -Ba đâu rồi mà không đón mẹ con mình hả mẹ?
   -Con buồn ngủ lắm mẹ ơi, con muốn về nhà ngủ.
  Trà Mi nước mắt lưng tròng, trăm mối ngổn ngang, cố nuốt mắt vào lòng....
   -Ba các con chắc bận việc, hay xe cộ bị kẹt dọc đường nên đến trễ, các con cố gắng chờ đợi xem sao! Nếu các con buồn ngủ, thì dựa vào người mẹ thiếp đi cho khỏe. Trà Mi gượng vui, xoa đầu các con, lên tiếng an ủi dỗ dành:
   Trà Mi vừa nói vừa ngồi trên băng ghế cho các con kê đầu vào đùi nàng. Nhìn các con đi vào giấc ngủ một cách  dễ dàng, nàng không những thương cho thân mình mà cho các con rất nhiều, khi không biết tương lai mẹ con nàng sẽ ra sao khi lâm vào tình cảnh “ dắt con bỏ chợ ” thế này! Lại 1 giờ nặng nề trôi qua một cách chậm chạp với bao buồn lo chất chứa trong lòng Trà Mi.
   ...Người thanh niên ngồi cạnh mẹ con nàng trong suốt hành trình từ Việt Nam sang đã nghe lời tâm sự của Trà Mi.  Chàng ta đã ái ngại và thấu rõ  tình cảnh mẹ con nàng vừa đi ngang qua chỗ mẹ con Trà Mi ngồi ngạc nhiên lên tiếng:
  -Chị vẫn chưa có ai đón há? Tôi cứ ngỡ mình là kẻ cuối cùng trong chuyến bay rời phi trường đó chứ. Người nhà tôi kẹt công chuyện nên đón trễ, còn chị thì sao?
   -Ba tụi nhỏ chắc bỏ rơi mẹ con tôi rồi! Tôi hy vọng ông Mục sư bảo trợ cho mẹ con tôi sẽ đến đón, nhưng đến giờ này không thấy tăm hơi của ông ấy đâu, tôi lo quá. Rưng rưng nước mắt, Trà Mi nghẹn ngào trả lời.
    -Hay chị cho các cháu về nhà tôi tam trú qua đêm, rồi mai liên lạc với hội sau. Nhìn quang cảnh vắng lặng của phi trường, người thanh niên ái ngại lên tiếng đề nghị...
   -Cám ơn anh đã nghĩ thương tình cho hoàn cảnh khốn khổ của mẹ con tôi. Nhưng tôi phải cố chờ người bảo trợ đến, không thôi sẽ bị phiền phức sau này... Tôi sợ, mẹ con tôi sẽ là gánh nặng cho anh.
   -Tôi đã nói hết lời, mà chị không hiểu tấm lòng của tôi. Mình là người đồng hương, nơi xứ lạ quê người giúp đỡ nhau là chuyện thường. Nhưng chị đã ngại, thì thôi vậy! Chúc chị và các cháu gặp may mắn . Chào chị, tôi về đây!
    Vừa nói xong, người thanh niên vội vã đi nhanh ra lối ra vào. Trà  Mi  đưa  mắt  buồn  rầu  nhìn  theo  và tự nghĩ:
   -Không biết mình có sai lầm khi từ chối lời đề nghị của chàng thanh niên tốt bụng đó không nhỉ? Mình có hối hận không, khi vẫn vô vọng trông chờ và trông chờ...
   -Ba vẫn chưa đón mẹ con mình hả mẹ? Bây giờ mình đi đâu đây mẹ? Sau một giấc ngủ dài, mấy con Trà Mi thức giấc, ngơ ngác hỏi mẹ.
    Trà Mi không biết nói với con lời gì nữa... Cách đây mấy phút, tiếng sột soạt lau chùi phòng ốc của mấy nhân viên làm cho Trà Mi còn được an ủi vì biết bên mình còn có tiếng người. Nhưng nay chung quanh mẹ con nàng vắng lặng và vắng lặng bao trùm. Nàng lo sợ đến rợn người... Xa xa còn có nhân viên chờ đợi mẹ con nàng rời chỗ để họ hoàn thành nhiệm vụ. Họ cũng không biết đối xử với mẹ con nàng sao nữa, vì đôi bên bất đồng ngôn ngữ. Tất cả không hiểu nhau muốn nói gì và giúp gì cho nhau nữa....Thời gian cứ  chậm chạp trôi qua như mối tơ vò. Đã 2 giờ khuya, mẹ con Trà Mi lại ngủ gà ngủ gật và người nhân viên cũng  cố  nhướng  mắt  lên  chống  buồn ngủ ập đến. Trong khi tất cả cố chống chỏi với thần ngủ, bỗng có một bóng người xuất hiện tiến về phía mẹ con Trà Mi lên tiếng:
   -Tôi đoán không lầm, bà tên Trà Mi và các cháu đây há?
Mẹ con Trà Mi mừng rỡ, như người vừa thoát khỏi tay tử thần cũng nhao nhao trả lời:
  -Thưa phải, mẹ con  tôi  đã trông  chờ  Ông  đến  đón hơn mấy tiếng đồng hồ rồi.
  -Xin lỗi, Tôi bận phải đi xa giải quyết một số công việc. Tôi không kịp đến đón gia đình bà đúng giờ. Tôi đã liên lạc với ông nhà ra đón bà và các cháu kia mà!
   Ông Mục sư chặt lưỡi nói tiếp:
   -Tôi không ngờ ông ấy đã xử quá tệ với mẹ con bà như thế, không tình cũng còn có nghĩa mấy đứa con chứ!
   Nghe lời phiền trách của ông Mục sư, mẹ con Trà Mi chỉ biết cúi đầu thở dài và nhìn về tương lai vô vọng... Mấy mẹ con Trà Mi ríu rít đi theo Ông Mục sư  ra cửa đến chỗ đậu xe. Ông Mục sư không quên dừng lại đôi phút nói vài lời phân bua xin lỗi với người nhân viên. Trà Mi chưa hết buồn lo, nàng lại lên ruột vì ông Mục sư lái xe ra đồng mông hiu quạnh dừng lại cả giờ đồng hồ. Trà Mi nhìn mãi không thấy ông Mục sư lái xe đi, nàng ngạc nhiên hỏi:
   -Sao ông không đưa mẹ con tôi về nhà kẻo đêm đã khuya lắm rồi.
    -Thú thật với bà, tôi cứ tưởng ông nhà lo nhà cửa cho mẹ con bà xong xuôi rồi, nên hội tôi không nhúng tay vào. Nay tôi không biết đưa gia đình bà về đâu đây! Ngập ngừng một lát, ông Mục sư nói.
   Ông Mục sư suy nghĩ giây lát rồi reo lên:
  -Trong Hội có một góa phụ nhà cũng rộng rãi lắm. Tôi đưa mẹ con bà đến tá túc tạm vài hôm rồi sẽ tính sau.
    Mẹ con Trà Mi đến tá túc nhà bà góa phụ được  mấy hôm, mà cũng không thấy bóng dáng ông Mục sư  lai vãng thăm viếng.
   -Ba các con đã bỏ mẹ con mình, không thèm đoái hoài tới. Nay mẹ con mình trông đứng trông ngồi ông Mục sư  đến; ông ấy cũng biệt tăm luôn. Sự sống mẹ con mình không biết trôi nổi sao đây?! Xứ lạ quê người, biết trông cậy vào ai và sống sao hỡi Trời!!! Trà Mi lo sợ cuống cuồng, ôm các con than thở...
    Như thông cảm với nỗi buồn của nàng, bầu Trời cũng u ám, cây cỏ ủ rũ rũ trông thật tiêu điều làm sao.  Đến trưa bầu Trời trong sáng, vài dãi nắng vàng bắt đầu xuất hiện. Vạn vật như rộn rịp hẳn lên, hứa hẹn một ngày đẹp xuất hiện.  Đúng là một ngày đẹp; Ông Mục sư xuất hiện với nụ cười trên môi, bên cạnh là Lợi chồng trước của Trà Mi, lên tiếng nói:
   -Mấy hôm nay tôi đi săn lùng ông Lợi mang về cho các người đây, cha con chồng vợ vui mừng nhé!
    Mấy đứa con Trà Mi hớn hở ra mặt. Chúng lăn xăn chạy a tới ôm chầm ba chúng. Mọi  người  đều  mừng  rỡ tíu tít hỏi chuyện như pháo nổ. Riêng Lợi xụ mặt, không tỏ vẻ gì mừng vui cả. Chàng ta thản nhiên nói như ngầm ra lịnh:
   -Sửa soạn đồ đạt rồi đem ra xe cho lẹ để đi.
   Trà Mi lên tiếng cám ơn chủ nhà đã cưu mang mẹ con nàng mấy hôm nay. Trà Mi không quên cám ơn ông Mục Sư đã lo lắng cho mẹ con nàng chu toàn.
   -Không có gì mà bà ngại. Hội của tôi luôn luôn chăm sóc, hướng dẫn bước đầu cho những người mới định cư. Sau này bà cần gì cứ liên lạc với Hội qua số điện thoại tôi đã đưa cho bà. Vật dụng, áo quần, bà cần gì cứ cho tôi biết tôi sẽ đi quyên góp giúp bà. Thôi chúc gia đình bà vui mạnh và sớm hội nhập vào đời sống mới. Chào bà! Ông Mục sư vồn vã lên tiếng.
   Mẹ con Trà Mi từ biệt những ân nhân hết lòng giúp đỡ họ bước đầu với lòng cảm xúc dâng tràn.... Mấy mẹ con Trà Mi  theo Lợi  về một căn phòng xập xệ mà chàng  đã thuê sẵn với đồ đạt thô sơ. Tình cảm khô cằn, chàng ta hằn hộc thốt lên:
-Mẹ con bà đã muốn sang đây, thì tự lo liệu mà sống. Tôi giờ thất nghiệp, chả giúp cho các người được gì cả.
   Người cha vô trách nhiệm mới ngày đầu đã trốn chạy bổn phận. Ông ta bỏ rơi mẹ con nàng bơ vơ nơi xứ lạ quê người ngay từ ngày mẹ con Trà Mi chân ước chân ráo tới Mỹ . Trà Mi cố nuốt nước mắt tủi hờn lần mò tìm cách sống dìu dắt các con thơ. Cuộc sống  ở  xứ  Mỹ  này cũng không dễ dàng hội nhập mau lẹ, Trà Mi từng bước dò dẫm lèo lái con thuyền gia đình. Với hai bàn tay nhỏ bé, nhưng khối óc thông minh và lòng can đảm phi thường. Trà Mi lần lần khắc phục mọi khó khăn bằng những nghề tay chân, cần mẫn. Nàng bước qua lãnh vực làm đẹp cho phụ nữ. Nàng đã có một cảm tưởng sung sướng đem cái đẹp xinh xinh cho chị em phụ nữ. Nhìn mọi người cùng đẹp, nàng cảm thấy thích thú và mỉm cười mãn nguyện. Những đứa con do Trà Mi nuôi từ mồ hôi nước mắt nàng chảy xuống. Trà Mi đã chắt chiu từng đồng bạc lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Vừa làm mẹ, vừa làm cha, nàng đã quên thân mình lo cho con nên người hữu dụng với đời. Nhưng khi con có lông có cánh, nàng được gì đây? Chúng hay than van:
  - Mẹ quá khó khăn, mẹ lại hay răn đe cấm đoán con đủ điều...
    Chúng đâu biết để nuôi dạy con cái nên người, Trà Mi phải bấm bụng đưa các con vào khuôn phép. Cái giá các con thành người hữu dụng là những lo âu, rầy la, uốn nắn cho các con vào khuôn phép là có tội hay sao? Trà Mi thầm than thân trách phận:
   -Các con làm sao hiểu được tấm lòng vô bờ bến của mẹ. Mẹ đã quên đi hạnh phúc riêng tư của mẹ, để theo các con qua đây chăm lo cho các con có được ngày hôm nay; cũng là ngày mà mẹ đã mỏi mòn héo hon gầy ốm...Tuổi già chồng chất mãi, rồi một ngày nào đó mẹ sẽ nhắm mắt xuôi  tay, có  được  những  giọt  nước  mắt chân thành của các con đổ xuống không?
Trong khi người cha vô trách nhiệm, đã dùng lời ngon tiếng ngọt đã kéo các con về phía ông ta. Chúng quên đi những cư xử của người cha đã dành cho chúng khi chúng mới định cư ở xứ này!  Các con Trà Mi nay đứng ra lo không những cho ông ta mà còn cho những đứa em cùng cha khác mẹ với các con nàng. Các con Trà Mi đã quên đi những ngày mình bơ vơ đến đây, không nơi  nương tựa. Trà Mi không dám nói nhiều sợ bị gán cho cái tội chia rẽ tình cha con của chúng nó. Nhưng sự việc xảy ra quá ức lòng, nên Trà Mi phải nói ra để cảnh giác các con đừng sa vào hủ mật. vì ngọt mật thì chết ruồi...
   Qua bao chuyện vật đổi sao dời...Nhân tình thế thái, khổ đau triền miên ập xuống cuộc đời Trà Mi, nàng cảm thấy tâm hồn mình lắng dịu xuống, Trà Mi không còn ái, ố, hỉ, nộ thái quá... Nàng nay cũng  có một cửa tiệm khang trang, thu nhập ổn định và làm ăn không phải vất vả. Bên cạnh Trà Mi cũng có nhiều bạn bè thương mến và sẳn sàng chia xẻ buồn vui, tâm sự với nàng ...

         Nợ trần vương vấn thuở nào nguôi?
         Mang kiếp tơ tằm trả nợ thôi.
         Đã biết hồng nhan là bạc phận,
         Thì xin đi nốt  quãng đường đời .

Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét