Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

BUỒN TÊNH - Nguyễn Ninh Thuận

             
Lâm vội vã thu xếp sách vở bừa bãi trên bàn cho gọn lại. Để tránh bao ý nghĩ đang ngổn ngang trong đầu, Lâm cố gắng chú tâm vào công việc, nhưng rồi bao ý nghĩ miên mang đó vẫn bám chặt lấy chàng, Lâm lẩm bẩm tự hỏi:
- Mình đang vui hay đang buồn đây? Mơ ước của mình là đi du học Mỹ; nay mình đang cầm mảnh giấy báo trên tay, và giữa tháng tới sẽ được lên đường du học. Tại sao mình không vui mà lại phân vân thế như nầy? Sao mình tự mâu thuẫn với mình quá vậy?
Nét mặt buồn buồn, Lâm thở dài nghĩ tiếp:
- Kim Xuyến đang mang bầu đứa con thứ hai của tình yêu đầu đời với mình… Nàng đã đến thời kỳ khai hoa nở nhụy. Mình có nên ở lại, để lo cho nàng sanh nở để trọn tình, trọn nghĩa vợ chồng không? Hay mình cứ ung dung khăn gói lên đường du học, như lịch trình chính phủ đã thông báo để lo cho tương lai sau này tốt đẹp hơn?!
<!>
Mãi đắn đo suy nghĩ, Lâm bỗng giật mình, khi nghe mấy bạn đồng liêu thân thiết lên tiếng:
- Chúc mừng anh thỏa mãn được mơ ước “ Du Học ” nước Mỹ từ bao lâu nay đươc đạt thành!
- Nghe nói giữa tháng tới anh đi du học Mỹ phải không?
- Anh được đi du học Mỹ mấy năm vậy?
-Anh được theo học ngành nghề gì bên ấy?
-Hình như chị nhà sắp sanh rồi phải không? Anh có ý định xin dời ngày đi, hay vẫn theo lịch trình đã được thông báo?
-Nếu anh xin dời ngày đi, sẽ sinh ra nhiều phiền toái lắm đó!
Mỗi người một câu, không khí trong sở làm trở nên ồn ào và rộn ràng hẳn lên... Lâm chưa kịp trả lời những câu hỏi dồn dập của các bạn, thì đã tới giờ tan sở. Mọi người bắt tay Lâm từ biệt nhanh chóng, họ vội vã rời khỏi sở làm. Với tâm trạng ngổn ngang trong lòng, Lâm cũng vội vàng về nhà.
Như mọi ngày, Kim Xuyến và đứa con gái lên ba đứng đón Lâm trước cửa nhà. Khi thấy Lâm về tới, nàng ân cần hỏi chồng:
-Hôm nay có chuyện gì lo nghĩ lắm sao, mà em nhìn thấy nét mặt của anh không tươi như mọi ngày vậy hả anh?
 Lâm chưa kịp trả lời câu hỏi của vợ, thì Kim Xuyến với giọng điệu lo lắng, nàng hỏi tiếp:
-Anh không được khỏe hả? Để em bảo chị Sen nấu nước pha cho anh tắm nhé? Chiều nay anh muốn ăn cơm, hay cháo để em lo liệu cho chu đáo?
 Thấy vợ ân cần chăm sóc sức khỏe cho mình, Lâm cảm động và thầm cám ơn vợ đã săn sóc tận tình. Mọi khi từ việc nhỏ đến việc lớn, đều do một tay Kim Xuyến lo liệu cho chàng; nào nước tắm, áo quần và thức ăn... nhưng từ khi thấy bụng vợ vượt mặt và đi đứng khó khăn, Lâm lo ngại bảo vợ:
-Em nên xin phép nghĩ vài tuần lễ, để dưỡng sức trước khi khai hoa nở nhụy. Mọi việc trong nhà, em phải giao hết lại cho chị Sen lo liệu và đỡ đần hộ em!
-Em cảm thấy sức mình còn khỏe, nên mọi việc vẫn cán đáng nổi. Khi nào em cảm thấy quá bết bát, mệt mỏi sẽ nhờ chị ấy giúp đỡ. Anh đừng bận tâm lo cho em nhiều!...
 Với giọng nhỏng nhẻo, nàng nói tiếp:
-Em muốn tự tay em chăm sóc cho anh, để thể hiện tấm lòng yêu anh vô bờ bến. Mỗi khi em tự làm điều gì cho anh, em cảm thấy lòng mình vui mừng, sung sướng vô cùng; bởi lúc nào em cũng nghĩ, đang có anh bên cạnh.
Hai vợ chồng âu yếm quàng vai nhau, Lâm khom lưng đưa hai tay bế đứa con gái đầu lòng lên. Bầu không khí hạnh phúc của gia đình Lâm được phụ họa bằng tiếng cười giòn giã của đứa con gái đầu lòng lên ba. Nhớ mới ngày nào...
…Lâm và Kim Xuyến thường gặp nhau ở sân trường Đại Học và ở Hội Việt Mỹ một thời gian khá lâu, tình bạn nhẹ nhàng kéo dài theo năm tháng và chưa có cơ hội xích lại gần nhau hơn. Thật là “ Bên trong thì đã, mặt ngoài còn e” Lâm chú ý đến Kim Xuyến, một nữ sinh viên thật dễ thương hiền dịu và chững chạc, nhưng chàng chưa có cơ hội chuyện trò, tâm sự lâu... Nàng luôn ăn nói nhỏ nhẹ và hòa đồng với tất cả bạn bè. Kim Xuyến có nét đẹp mộc mạc của hương đồng gió nội. Nàng không kiêu sa, sắc sảo của các bậc giai nhân tuyệt hảo, nhưng ở nàng toát ra một cái gì thật nhẹ nhàng thanh khiết, khiến Lâm càng muốn đến gần nàng làm quen...
Một hôm, sau giờ học buổi chiều, Kim Xuyến loay hoay mãi bên chiếc xe gắn máy bị xẹp lốp của mình. Thành phố đã lên đèn, chỗ vá bánh xe lại khá xa. Thân gái ốm yếu, Kim Xuyến rất ngại phải đẩy chiếc xe trên một khoảng đường dài... Nàng đang lúng túng, chưa biết phải giải quyết như thế nào?!... Kim Xuyến hết nhìn trời tối, lại đưa mắt nhìn chiếc xe của mình mà chắc lưỡi, thở ra... Sự buồn rầu và lo âu hiện rõ trên nét mặt nàng...
Bất chợt Lâm nhìn thấy Kim Xuyến đang đứng tần ngần bên chiếc xe gắn máy với vẻ mặt đầy âu lo. Cơ hội ngàn năm một thuở, Lâm vội chạy đến bên Kim Xuyên, chàng tỏ ra ân cần lên tiếng hỏi:
-Kim Xuyến có việc gì cần Lâm giúp không?
Với giọng thật dịu dàng, Kim Xuyến vừa đưa tay chỉ vào chiếc xe gắn máy của mình, nàng vừa nhỏ nhẹ đáp:
-Chiếc xe Kim Xuyến bị xẹp bánh, chắc cán phải đinh. Kim Xuyến không biết phải làm sao? Trời càng lúc càng tối, mà chỗ vá bánh xe lại quá xa; Kim Xuyến hết sức bối rối, lo lắng vô cùng anh à!
-Ồ tưởng việc gì, chứ việc nầy chẳng có gì lớn lao và khó khăn cả. Kim Xuyến hãy an tâm, để Lâm giúp cho.
Lâm vội chạy ra đường, chàng giơ tay ra hiệu gọi một chiếc xích lô gắn máy. Chàng nhờ chở chiếc xe của Kim Xuyến đến tiệm sửa xe ở cuối đường nhờ vá lốp. Phần Lâm, chàng lên tiếng:
-Kim Xuyến đừng ngại, là chỗ bạn bè chúng mình hãy giúp nhau khi cần, Kim Xuyến hãy ngồi lên yên sau xe của tôi, để tôi chạy theo chiếc xe xích lô đó đến chỗ sửa xe.
 Nghe lời đề nghị hợp lý của Lâm, Kim Xuyến rất ngượng ngùng; nhưng trước sự việc chẳng đặng đừng, Kim Xuyến đành ngoan ngoãn ngồi lên yên xe của Lâm để chàng chở đi.
Giao chiếc xe gắn máy của Kim Xuyến cho anh thợ lo liệu; Lâm vội đưa tay chỉ vào tiệm ăn phía bên kia đường, chàng đề nghị:
-Trong khi chờ đợi anh thợ vá bánh xe của mình, anh xin mời Kim Xuyến sang bên tiệm đó uống nước.
Nghe Lâm nói mấy tiếng “ chiếc xe của mình ” Kim Xuyến thẹn đỏ mặt, nàng cúi đầu lí nhí:
-Dạ vâng! Em làm phiền anh nhiều quá!
-Không có gì, chỗ bạn bè chúng mình giúp đỡ nhau khi hữu sự là chuyện rất thường tình. Chẳng có gì mà Kim Xuyến phải ngại ngùng cả!
-Nếu không có anh ra tay giúp em trong lúc nầy, thật cũng khó khăn cho em nhiều lắm đó!    Nhìn bầu trời càng lúc càng tối, thật sự em muốn khóc rồi đó, may mà có anh...
Kim Xuyến bỏ dở câu nói, làm Lâm cảm thấy lòng mình sung sướng vô cùng. Chàng đánh bạo nắm tay Kim Xuyến băng nhanh qua đường. Cái nắm tay bất ngờ của Lâm khiến cho Kim Xuyến giật mình. Nhưng Kim Xuyến cũng không can đảm rút tay lại. Trong lòng nàng lúc đó cũng có cái cảm giác nóng ran, không bình thường đang lâng lâng khắp cơ thể. Nàng ngoan ngoãn theo Lâm bước chân vào tiệm, Lâm kéo ghế mời Kim Xuyến ngồi. Chàng dịu dàng lên tiếng:
-Chắc cũng phải mất thời giờ khá lâu, anh thợ mới sửa xong bánh xe. Hiện kiến đang bò trong bụng, anh đề nghị nhân dịp nầy chúng mình cùng ăn một tí gì dằn bụng nghe em!
 Như không để cho Kim Xuyến kịp phản ứng, Lâm vội lên tiếng gọi người bồi bàn cho xem bản thực đơn.
Trước sự việc chẳng đặng đừng, Kim Xuyến gượng cười hưởng ứng lời mời của Lâm. Thế là họ có một buổi tối ăn uống vui vẻ đầu đời bên nhau. Trong buổi gặp gỡ bất ngờ nầy, hai người hàn huyên tâm sự. Họ bộc lộ cho nhau nghe hoàn cảnh và thân thế của mình. Với nét mặt buồn buồn, Lâm lên tiếng trước…
…Sau Hiệp Định Geneve 20 tháng 7 chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17, lấy con sông Bến Hải làm ranh giới. Gia đình anh vội vã từ bỏ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Hiện gia đình anh  đang cư ngụ tại Sài Gòn. Gia đình anh ra đi với hai bàn tay trắng. Bước đầu nhiều khó khăn, nên tất cả thành viên lớn nhỏ trong gia đình anh, ngày đêm phải chí thú làm ăn để mong sớm hội nhập với xã hội miền Nam lúc đó.
Nỗi buồn càng hiện rõ lên nét mặt, Lâm chậm rãi kể tiếp:
-Ở ngoài Bắc, gia đình ông bà nội anh khá giả lắm. Ông bà có rất nhiều ruộng vườn. Khi Cộng Sản cướp được chính quyền trong tay. Chúng bày trò “ cải cách ruộng đất ” để tịch thu ruộng vườn, tài sản của dân. Chúng đấu tố, giết chết địa chủ hết sức dã man. Ông bà nội anh không thoát khỏi chính sách ăn cướp tàn bạo của kẻ cầm quyền. Chúng đã giết chết ông bà nội anh hết sức dã man.
Nói tới đó, giọng Lâm trầm xuống, đôi mắt chàng rướm lệ.
-Chúng bắt tất cả dân làng già trẻ bé lớn tụ họp trước sân Đình. Chúng bày cái trò “ Tòa Án Nhân Dân ”. Bốn tên du kích mặt mày còn non choẹt. Chúng hăm hở cầm súng chĩa vào hai bên hông ông bà nội anh đang bị trói ngược khuỷu tay dẫn ra giữa sân. Chúng hùng hổ nộ nạt, quát mắng:
-Bọn mầy là cường hào ác bá, chúng bây có tội lớn với nhân dân. Bọn mầy hãy quỳ xuống để nhận lãnh bản án đích đáng.
 Rồi chúng dùng đủ thứ ngôn từ mất dạy xỉ vả ông bà nội anh. Chúng sách động một số người thân tín của chúng, họ thay phiên nhau nhảy vào đấm đá túi bụi vào mặt, vào lưng, vào ngực, vào đầu, vào cổ... của ông bà nội anh hết sức tàn nhẫn. Nhiều vết bầm đỏ hiện ra rõ ràng trên gương mặt nạn nhân. Vài giọt máu trong miệng ông bà nội anh chảy ra. Bố mẹ anh đớn đau và uất hận theo từng cái đấm cái đá của bọn chúng vào tấm thân gầy yếu của đấng sanh thành. Nhưng bố mẹ anh chẳng hành động được gì, bởi hai tên du kích chĩa hai mũi súng bên tai. Hai hàng nước mắt thương cha thương mẹ chảy dài trên đôi má của bố mẹ anh. Thật là một cảnh tượng hết sức dã man, hơn loài thú dữ đang ra sức cấu xé hai người cao niên lương thiện. Người chỉ phải tội có nhiều ruộng đất, có nhiều tài sản. Chúng ra sức hò hét và buộc tội ông bà nội anh :
-Chúng mầy là địa chủ ác ôn!
-Hãy hành hạ và bỏ đói hai tên địa chủ nầy cho đến chết, mới hả dạ lòng oán hận của nhân dân!
-Hãy tịch thu tất cả nhà cửa ruộng vườn, tài sản chìm, nổi của chúng ngay bây giờ!
-Hãy giết chết hai tên địa chủ nầy ngay tức khắc!
Màn đấu tố kết thúc. Dân chúng túa ra về. Kẻ chiến thắng nô nức phấn khởi nói cười, nhiều người buồn bã tiu nghỉu trước cảnh tượng dã man vừa xảy ra. Có người lau vội nước mắt thương nạn nhân, và thương chính bản thân mình, nhưng không một người nào dám hé môi. Ai ai cũng sợ  “ Tai vách mạch rừng ”. Họ không biết ngày nào đến lượt mình sẽ bị kẻ cầm quyền đem ra đấu tố?.. Trong khi mọi người ra về, bọn chúng lôi sền sệt ông bà nội anh vào bên trong đình làng. Chúng đã dùng chỗ thờ phượng lâu đời nầy làm nơi giam giữ ông bà nội anh và giam giữ những người mà chúng cho là có tội với cách mạng. Ruộng vườn, nhà cửa của ông bà nội anh bị bọn chúng tịch thu hoàn toàn. Chúng làm bộ lên tiếng nhân đạo với bố mẹ anh:
 - Vì chính sách nhân đạo của cách mạng, Đảng và nhà nước cho ông bà cùng hai đứa con nhỏ ( trong đó có anh); được tạm trú trong cái chuồng trâu của gia đình ông bà.
 Ba ngày sau, một tên du kích “ Hỉ mũi chưa sạch ” đến gặp bố anh báo tin:
-Mầy lên nhà giam ở đình làng mà nhận lãnh hai cái xác ông bà già ác ôn đó đem về chôn đi! Chúng nó chết hết cả rồi!
Bố anh đau điếng trước hung tin, Người đưa đôi mắt căm thù nhìn trừng trừng vào tên du kích như muốn ăn tươi nuốt sống nó. Mẹ anh khóc òa lên, bà vội nắm tay bố anh lôi đi như chạy về hướng đình làng. Một lát sau, bố anh cõng xác ông nội. Mẹ anh cõng xác bà nội chạy lúp xúp về.  Nhà cao cửa rộng của ông bà nội anh vẫn còn đó, nhưng hai xác của chủ nhân nó chỉ được đặt nằm ngoài mái hiên chuồng trâu; bởi ngôi nhà đã bị chúng niêm phong tịch thu mấy ngày trước rồi. Mẹ anh chạy đến nhà hai người bà con xin hai chiếc chiếu cũ làm quan tài quấn xác nạn nhân. Bố anh nhờ vài người bà con phụ đào huyệt vừa đủ vùi lấp kẻ xấu số. Sau hơn hai tiếng đồng hồ hì hục, xác ông bà nội anh được lấp kín dưới ba tất đất. Trên đầu hai kẻ xấu số chẳng có một nắm cơm, chẳng một nén nhang. Hai đứa con, hai đứa cháu của người chết chẳng có được một mảnh vải trắng làm khăn tang. Đau đớn nào hơn cho gia đình anh trong cảnh ngộ đó!!!
Hôm sau, bố mẹ anh bị hai tên du kích mời lên Ủy Ban Nhân Dân Xã làm việc, chúng ra lịnh:
-Trong giờ hành chánh mỗi ngày, ông bà phải đi lên Ủy Ban trình diện và làm tờ kiểm thảo...
 Chúng khủng bố tinh thần bố mẹ anh đến cùng cực. Toàn thể gia đình anh như ngồi trên đống lửa. Bố mẹ anh thấy không thể kéo dài sự sống trong chế độ Cộng Sản bạo tàn... Một hôm, vào lúc nửa đêm, bố mẹ anh bồng bế hai con trốn chạy vào miền Nam tìm sự sống.
Như thông cảm trước hoàn cảnh quá bi thảm của Lâm, Kim Xuyến bùi ngùi an ủi:
-Thôi đừng buồn nữa anh à! Chuyện đã qua, xin anh hãy giữ kín trong lòng. Trước mắt, anh hãy nhìn về tương lai đang rộng mở. Anh hãy quyết chí lập thân, tạo nghiệp lớn và chờ ngày phục hận cho ông bà nội cũng như cho cả dân tộc Việt Nam.

Lòng hận thù chất đầy trong tâm khảm,
Nhớ muôn đời muôn kiếp chẳng hề phai.
Hãy lập thân cho tỏ rõ chí trai,
Thề phanh xác quân thù cho hả giận.

Thở dài, Kim Xuyến tỏ bày tâm sự của mình:
-Gia đình em cũng khá thương tâm, ba em mất sớm; mẹ em ở vậy nuôi con. Mẹ đã khó nhọc buôn bán tần tảo nuôi bốn anh chị em của em lần lượt nên người.
Lau vài giọt nước mắt chực trào, Kim Xuyến kể tiếp:
-Sau khi ba anh chị lớn của em lập gia đình và em cũng đã khôn lớn. Lúc đó, em vừa học hết bậc trung học, chờ ngày tựu trường đại học. Nhân ngày đám giỗ ba em, mẹ em họp mặt tất cả con cái, bà chậm rãi lên tiếng:
-Tuổi mẹ nay đã cao. Sau một thời gian dài nhọc nhằn lo cho các con nên thân nên người, ngoại trừ đứa con gái út của mẹ mới chập chững bước vào ngưỡng cửa đại học. Mẹ cảm thấy chán ngán cảnh đời ô trọc đầy dối trá lọc lừa nầy quá rồi! Mẹ muốn thanh thản tuổi già sức yếu trong câu kinh tiếng kệ. Mẹ quyết định xuống tóc, nương nhờ cửa Phật ở một ngôi chùa cổ kính gần đây.
Các anh chị của em nhốn nháo, ai ai cũng bùi ngùi xúc động, nhưng biết nói sao bây giờ? Người anh cả của em lên tiếng:
-Đáng lẽ mẹ về sống với vợ chồng con, để cho con có cơ hội trả hiếu với mẹ; nhưng mẹ đã có ý hướng muốn nương nhờ cửa Phật. Thôi thì mẹ muốn vậy, chúng con nghe theo vậy  “ Tu là cội phúc. Tình là dây oan! ”Chúng con sẽ thường xuyên đến thăm viếng mẹ. Mẹ cần sai bảo chúng con điều gì thì cứ gọi chúng con sẽ đến ngay.
Ngưng một lát , Kim Xuyến tiếp lời:
-Anh chị, ai cũng có gia đình đầm ấm hạnh phúc sum vầy hết cả. Riêng em, từ bé đến lớn sống nhờ vào tình thương của mẹ. Nay mẹ vào chùa ở rồi, em buồn lắm, nhưng ý mẹ đã quyết, em cũng gượng cười làm vui cho mẹ yên lòng kinh kệ.
 Mỗi ngày, em đều ghé thăm mẹ hai ba lần. Mẹ đã ôm em vào lòng dặn dò:
-Con phải để cho mẹ yên tâm trong câu kinh tiếng kệ, lo việc tu hành. Mỗi ngày con cứ đến thăm hai ba lần như thế nầy chỉ làm quấy rầy mẹ thêm thôi. Còn thì giờ thanh tịnh đâu cho mẹ tu hành chứ? Từ nay, mẹ muốn một tuần con chỉ ghé thăm mẹ một lần cũng đủ lắm rồi. Có gì cần, mẹ sẽ nhắn con đến.
 Thở dài buồn rầu, Kim Xuyến tâm sự thêm:
-Tuy mẹ nói thế, nhưng mỗi ngày em vẫn đến chùa để thăm, để nhìn mẹ đôi ba phút. Có lúc mẹ bận rộn việc Phật pháp và kinh kệ không tiếp em. Em chỉ nhìn thấy hình dáng mẹ là em yên lòng ra về.
Hai người càng tâm sự, họ càng tỏ ra tương đắt và thông cảm nhau hơn. Xe đã sửa xong, đôi trai gái tạm biệt ra về... Lâm đưa đôi mắt tha thiết nhìn Kim Xuyến đầy vẻ lưu luyến, Lâm lên tiếng ướm thử:
-Anh muốn đưa tiễn em một đoạn đường. Em cho phép anh được diễm phúc đó chứ?
Như mãi luyến tiếc giây phút vừa qua, Kim Xuyến nhỏ nhẹ trả lời:
-Còn gì sung sướng cho em hơn, khi được anh đưa tiễn như thế!
Họ lại được dịp chạy xe song song bên nhau trên một đoạn đường về nhà. Hai người nói cười vui vẻ, mở màng cho một chuyện tình tốt đẹp của hai kẻ có cảm tình với nhau...Thế rồi họ có dịp gặp gỡ nhau thường xuyên hơn. Khi thì ở sân trường đại học, lúc ở trong lớp học của Hội Việt Mỹ. Tình cảm hai người mỗi ngày một khắng khít hơn. Họ có dịp tâm tình, tìm hiểu nhau nhiều hơn... Tình yêu đôi lứa đến với họ ngày một đậm đà tha thiết. Họ hay hẹn hò đi chơi đây đó, họ thường rủ nhau đi ăn, đi học... Tay trong tay mắt trong mắt, họ không thể thiếu nhau được.
Một hôm, trong dịp đi chơi ở Thảo Cầm Viên, hai kẻ yêu đương mải mê nhìn đôi chim đang xòe cánh rỉa lông cho nhau. Lâm bóp nhẹ tay Kim Xuyến, chàng âu yếm nói:
-Anh ước gì chúng mình được như đôi chim đó hả em? Trông chúng hạnh phúc bên nhau  mà anh thèm thuồng vô cùng em à!
Lâm bắt gặp đôi má Kim Xuyến ửng đỏ lên, nàng thẹn thùng nhìn xuống đất:
-Anh nói kỳ quá hà!
Không bỏ lỡ cơ hội, Lâm tiếp theo:
-Tháng sau anh ra trường rồi, anh muốn trình với bố mẹ anh đến thưa chuyện cùng mẹ em!
Ra vẻ ngạc nhiên, Kim Xuyến tròn xoe đôi mắt, nàng lên tiếng hỏi Lâm:
-Có chuyện gì mà anh muốn bố mẹ anh đến gặp mẹ em vậy?
Không trả lời vội người yêu, Lâm ôm chầm lấy Kim Xuyến đặt một chiếc hôn phớt nhẹ lên má hây hây đỏ của nàng. Chàng chậm rãi bày tỏ nổi lòng với Kim Xuyến :
-Ngày đêm anh muốn được ôm em, hôn em như thế nầy như đôi chim kia. Anh không thể thiếu bóng hình em trong đời sống của anh được. Anh muốn bố mẹ anh đến gặp mẹ em, xin cưới em về làm vợ anh đó!
Gở tay người yêu ra, Kim Xuyến cố thoát khỏi vòng tay ôm chặt của Lâm. Nàng muốn chạy trốn nụ hôn tới tấp của chàng, Kim Xuyến bẽn lẽn trách yêu Lâm:
-Anh kỳ quá! Người ta nhìn mình kia kìa!
-Anh đã nhìn trước nhìn sau đâu đó nhìn kỹ càng rồi. Không có ai ở gần bên cạnh mình cả, nên anh mới hôn người yêu của anh đó chứ! Có chăng chỉ là mấy chú chim đang đứng nhìn và ganh tị với hạnh phúc của chúng ta thôi đó em à!!!
Hai người chạy rượt đuổi nhau như hai đứa trẻ ngây thơ trong sáng, đang nô đùa chạy giỡn. Đuổi kịp Kim Xuyến, Lâm nắm tay nàng âu yếm hỏi:
-Em chưa trả lời ý muốn cầu hôn của anh hồi nãy!
-Anh muốn sao cũng được!
Nói xong tay Kim Xuyến vân vê vạt áo, mặt ửng đỏ, nàng bẽn lẽn không dám nhìn Lâm. Âu đó cũng là câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi của Lâm. Nó phát xuất tự trái tim của người con gái đang yêu và hết sức rạo rực trong lòng. Bấy nhiêu đó cũng đã thể hiện sự chấp nhận lời cầu hôn của người con trai dễ mến như Lâm.
Lâm dìu Kim Xuyến ngồi xuống băng ghế đá khuất sau bụi cây. Chàng đặt nụ hôn tha thiết lên đôi môi mọng đỏ của nàng. Kim Xuyến ngửng đầu lên uống trọn mật ngọt của tình yêu đầu đời. Tay trong tay, họ hoạch định một chân trời hạnh phúc:
-Anh định hai tháng nữa sẽ xin bố mẹ hai bên cho chúng mình làm lễ đính hôn. Gần Tết mình sẽ làm đám cưới với nhau. Anh không muốn kéo dài thời gian chúng mình rụt rè e lệ như thế nầy lâu hơn nữa.
-Chúng mình nên làm đám cưới thật đơn giản. Tránh rình rang mà tốn kém, lãng phí vô ích nghe anh!
-Tùy em quyết định, mọi việc anh chiều em hết, nhưng phải giữ đủ nghi lễ theo phong tục của ông bà từ ngàn xưa để lại.
Suy nghĩ một lát, Lâm dò hỏi ý Kim Xuyến:
-Em muốn sắm sửa những thứ nữ trang nào em thích, hãy nói để anh lo liệu cho chu đáo.
-Tùy anh muốn mua thứ nào cho em cũng được, nhưng hãy  “liệu cơm gắp mắm ”. Theo em, chỉ cần hai chiếc nhẫn cưới, để chúng mình trao nhau trong ngày làm lễ là đủ rồi! Miễn trọn đời anh mãi mãi thương yêu em là được! Em không đòi hỏi gì hơn nữa...
Nghe người yêu nói hết sức chân thành, Lâm càng thấy lòng mình yêu thương Kim Xuyến hơn...

                                           ****

Lâm đang ngồi thừ người trên chiếc ghế dựa, chàng muốn sống lại với bao kỷ niệm cũ. Chàng giựt mình vì tiếng nói âu yếm của vợ bên tai:
-Anh có chuyện gì đang lo nghĩ mà không nói cho em biết để em cùng chia xẻ với anh!
Thở dài Kim Xuyến nói tiếp:
-Đã là vợ chồng, chúng ta nên chia bùi xẻ ngọt. Dù hoàn cảnh nào chúng ta cũng cùng nắm tay nhau và cùng có nhau trong suốt cuộc đời. Không vì hoàn cảnh khó khăn gian khổ nào mà chúng ta phải chùng bước...
Đưa tay xoa nhè nhẹ lên khắp bụng vợ, Lâm âu yếm thỏ thẻ bên tai Kim Xuyến:
-Anh vẫn mãi lo cho đứa con sắp chào đời của chúng mình.
Như nghẹn lời, Lâm không nói được hết câu. Thấy thế, Kim Xuyến quýnh quáng, nàng vội vàng lên tiếng hỏi chồng:
-Anh lo cho con như thế nào, sao không nói rõ cho em biết? Bộ có chuyện gì hệ trọng liên quan đến đứa con sắp chào đời của mình hả anh?
Vừa nói Kim Xuyến vừa đưa tay nắm lấy tay Lâm giục giặc.
 Trước sau gì cũng phải nói cho vợ nghe biết chuyện được đi du học của mình; Lâm nở nụ cười trấn an vợ:
-Em đừng lo lắng thái quá, mà có hại cho sức khỏe của em và ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Từ từ anh nói cho em nghe để mừng, anh mới nhận được giấy báo tin, giữa tháng sau anh được đi du học ở Mỹ rồi đó!
-Ồ như vậy là vui quá! Anh được mãn nguyện rồi. Như vậy mà từ hồi chiều tới giờ, em thấy mặt mày anh bí sị như đang lo lắng một điều gì quan trọng lắm. Hay có điều gì khác mà anh cố tình muốn giấu giếm không cho em biết nữa?
-Không! Anh chẳng có điều gì phải giấu em cả. Thật sự anh lo lắng, vì em sắp đến ngày sanh nở mà anh lại vừa nhận được giấy báo tin đi du học Mỹ vào giữa tháng tới. Anh buồn vì khi em sanh, anh không thấy được mặt con của mình, và không săn sóc được cho em đó thôi!
-Anh đừng lo nghĩ nhiều mà nhọc tâm mệt trí. Anh hãy an tâm đi học vài năm, để sau nầy có điều kiện bảo bọc cho mẹ con em chu đáo hơn. Tương lai ở phía trước, anh hãy mạnh dạn ra đi. Anh đừng bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở anh à. Cơ hội tiến thân của anh đó! Hãy nghe lời em nghe anh? Anh đừng bịn rịn chuyện gia đình mà hối tiếc suốt đời anh à!
Kim Xuyến hơi nhăn mặt, vì đứa bé trong bụng nàng đang đạp mạnh. Hai tay nàng xoa nhẹ lên bụng, miệng nàng gượng cười năn nỉ con:
-Ngoan đi con trai của mẹ, con hãy nằm yên để cho mẹ nói chuyện với ba con một chút coi nào!
Phì cười, Lâm lên tiếng:
-Sao em biết con trong bụng em là trai mà bảo với con như thế?
-Em chắc một trăm phần trăm. Lần nầy em có thai khác lần trước. Ngay cả thèm ăn món nầy món nọ cũng trái ngược. Em nghe mấy cụ già nói như vậy là đổi đầu con đó anh à. Hơn nữa ai thấy bụng em cũng bảo bụng nhọn quá, nhất định là con trai mà thôi. Lần trước cái bụng em bè bè nên sanh bé Hồng Loan đó. Mấy bà cụ có nhiều kinh nghiệm sanh đẻ, nên nói không sai đâu anh à!
Một phút bàn luận và quyết đoán về phái tính của cái bào thai trong bụng Kim Xuyến một cách hào hứng khiến hai vợ chồng Kim Xuyến vui vẻ hẳn lên như quên hiện tại với bao nỗi lo âu buồn phiền... Sực nhớ ra, Kim Xuyến tiếp lời nói dở:
-Theo tính toán của em cũng như quyết đoán của bác sĩ, thì cuối tháng nầy em sẽ sanh. Nếu chậm lắm, thì cũng chỉ qua một hai ngày đầu tháng tới mà thôi. Giữa tháng tới anh mới lên đường đi du học kia mà, khi đó thì mẹ con em cũng đã cứng cát rồi. Anh đừng lo nghĩ nhiều mà có hại cho sức khỏe nghe anh!
-Anh định xin dời ngày đi. Chờ đợt sau!
-Anh đừng làm thế mà chậm bước tiến thân. Em không bằng lòng đâu! Khi anh ra đi, thì cũng thấy mẹ con em vuông tròn rồi! Ở nhà, mẹ con em cũng sống đầy đủ với tình thương yêu đùm bọc của hai bên nội, ngoại. Có ai bỏ bê mẹ con em đâu, mà anh lo quá như vậy. Hơn nữa chị giúp việc nhà rất nhiệt tâm, chị ấy tận tình chu toàn mọi công việc được giao phó. Chị ta là người đắt lực giúp em mọi việc chân tay. Anh hãy an tâm lo việc tiến thân. Anh đừng bận bịu chuyện gia đình vợ con, mà chùng bước xin dời ngày đi. Em sẽ không bằng lòng và buồn anh nhiều lắm đó!..,
-Em là người vợ trọn tình, trọn nghĩa. Em cư xử tốt với tất cả mọi người. Ngay cả người giúp việc nhà, em cũng đối xử quá tốt. Anh thật có phước lớn, mới cưới được một người vợ ngoan hiền như em.
Tát yêu vào má người chồng, Kim Xuyến nũng nịu:
-Anh học cách nịnh đầm từ hồi nào đấy?
Ôm vợ vào lòng, Lâm say sưa hôn lấy hôn để khắp mặt mũi Kim Xuyến không ngừng...
 Đúng như ước đoán của Kim Xuyến trước đây, cuối tháng đó nàng hạ sanh một bé trai kháu khỉnh. Thế là Kim Xuyến đã khai hoa nở nhụy trước ngày Lâm lên đường du học được nửa tháng. Ngày từ giã ra đi, Lâm ân cần dặn dò:
-Em còn non ngày non tháng, em không nên lo buồn nhiều, mà có hại cho sức khỏe nghe em. Em ráng ăn uống tẩm bổ để có sức lo cho hai con nhỏ. Anh đi học xa, trọng trách của em đối với gia đình, đối với con rất lớn. Anh kỳ vọng ở tài đảm đang của em, em sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn đưa đến cho gia đình khi không có anh ở bên cạnh.
Cố làm vui để vợ yên tâm, Lâm cao giọng:
-Anh sẽ tin tức thư từ thường xuyên về em. Anh quyết tâm cố gắng học hành, để khi về nước còn đỡ đần cho gia đình, cho em. Anh sẽ chung vai góp sức với em dạy dỗ con cái nên người hữu dụng cho nhà, cho nước sau nầy...
Những lời dặn dò không làm sao nói hết nỗi lòng của hai vợ chồng trẻ thương yêu nhau thắm thiết. Đã đến giờ Lâm phải từ biệt vợ con để lên phi trường Tân Sơn Nhứt cho kịp chuyến bay. Trước cửa nhà, người bạn thân nhận làm tài xế, đưa chàng đến phi trường bóp còi xe inh ỏi, anh ta như nhắc nhở Lâm phải mạnh dạn chia tay vợ con khăn gói ra đi, đừng bịn rịn mà trễ giờ phi cơ cất cánh...
Lâm vội vã hôn vợ con để lên đường, Kim Xuyến bồng con thơ ra tận cửa tiễn đưa chồng. Lâm vẫn bịn rịn chưa nở bước đi... Lâm quay lại hôn vợ con một lần nữa để từ giã lên đường. Chàng nựng thằng con mới hai tuần tuổi trên tay vợ:
-Ba thương con quá, mới vừa lọt lòng mẹ được hai tuần lại phải xa cha như thế nầy. Hãy ngoan ngoãn nghe lời mẹ nghe con, Ba đi du học vài năm sẽ về với con.
Chàng cúi xuống hôn thằng bé, rồi quay qua vuốt tóc đứa con gái dặn dò:
-Ở nhà, con hãy ngoan ngoãn nghe lời mẹ dạy bảo khuyên răn. Con cố hay ăn chóng lớn nhé! Ba sẽ gởi quà về cho con...
Con bé tròn xoe đôi mắt im lặng, nó hết ngơ ngác nhìn ba rồi quay sang nhìn mẹ. Hình như con bé nó cũng cảm nhận được giờ phút chia tay lắm bùi ngùi... Cháu bé vụt chạy đến bấu quần mẹ và khóc òa lên:
-Ba! Ba! Ba ở nhà với con! đừng đi.
 Nghe tiếng con thơ bập bẹ nói từng tiếng một, lòng Kim Xuyến đau như cắt. Nàng vờ cúi xuống sửa tã lót cho thằng bé mới sanh đang bồng trên tay. Kim Xuyến cố giấu hai dòng lệ tuông rơi... Lâm vẫy tay, chàng quay gót bước nhanh ra xe, như trốn chạy giây phút chia tay đầy nước mắt...

                                                 ***
Lâm rời phi trường Tân Sơn Nhứt hôm trước, hôm sau Lâm đếm Mỹ. Ổn định chỗ ở ăn học, Lâm vội viết thư về thăm vợ con nơi quê nhà. Từ đó, hai vợ chồng Kim Xuyến thư từ qua lại hàng tuần…
Năm tháng âm thầm lặng lẽ trôi, niềm thương nổi nhớ chất chồng lên hai tâm hồn yêu thương nhau tha thiết bên hai bờ đại dương. Ở Mỹ Lâm rất chuyên cần học tập. Mấy ngày cuối tuần chàng đi làm để kiếm thêm ít tiền gởi về quê nhà cho vợ chi tiêu và không quên gởi quà cáp về cho hai con để tỏ lòng thương nhớ khôn nguôi...
Lâm đi hơn hai mùa lá rụng. Chàng thường xuyên nhận được hình ảnh của vợ con từ quê nhà gởi sang. Cầm tấm hình mới nhận được, Lâm vui mừng ngắm tới ngắm lui, chàng nhận xét:
-Kim Xuyến hơi gầy, nét mặt nàng không được tươi tắn lắm, có lẽ nàng nhớ thương mình nhiều và quá vất vả với hai đứa con thơ; tội nghiệp nàng quá!
Nhìn tấm hình bé Hồng Loan, đứa con gái đầu lòng của chàng, Lâm tặc lưỡi:
-Con bé xinh đẹp ghê! Nó giống mẹ vô cùng. Trông nó mủm mỉm dễ thương quá, muốn cắn nựng vào hai má bầu bĩnh của nó. Năm nay nó cũng đã hơn năm tuổi rồi, tuổi phải đi trường mẫu giáo, không biết nó có nhỏng nhẻo khóc nhè không nhỉ?.
Cầm tấm hình thằng con trai lên, Lâm cười hớn hở:
-Thằng con của mình bảnh trai quá! Nó giống ba nó hồi nhỏ như đúc. Nhớ mới đây mà đã hơn hai tuổi rồi, mau quá! Ngày mình về nước chắc nó đã lớn bộn rồi!..
Bao nhiêu câu tự hỏi, tự trả lời cứ đua nhau đến trong đầu óc Lâm trong lúc nầy. Chàng thở dài lật cuốn lịch trước mặt. Chàng mong cho mau hết ngày hết tháng để sớm được về nước với vợ đẹp con ngoan, Lâm lại lẩm bẩm:
-Mình sang đây hồi giữa năm 1972, giữa năm 1975 là được ba năm. Sau ba năm khóa học sẽ mãn, mình sẽ về sống bên cạnh vợ con. Ôi còn gì sung sướng và hạnh phúc hơn sau ba năm xa cách được gặp lại vợ con!...
Miên mang nghĩ đến ngày đoàn tụ vô cùng hạnh phúc qua trí tưởng tượng, đã đưa Lâm vào giấc ngủ say, mà trên nét mặt chàng vẫn còn hiện rõ sự tươi tắn mừng rỡ, tay chàng vẫn còn cầm mấy tấm hình của vợ của con úp trên bụng. Nhưng...
 …Cuộc đời không suông sẽ như  dự tính của Lâm từ bấy lâu nay. Bàn cờ chính trị trên quê hương Việt Nam, không do chính người Việt Nam quyết định. Sự thắng thua của hai miền Nam Bắc, lại do thế lực của những siêu cường phân chia ảnh hưởng. Còn nỗi đau nào hơn cho dân tộc nhược tiểu Việt Nam? Khi thế giới tự do không còn cần Miền Nam Việt Nam làm tiền đồn chống Cộng nữa. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bị bạn đồng minh nhẫn tâm vội bỏ rơi và cắt hết viện trợ. Để trong một thời gian ngắn thôi, Miền Nam Việt Nam sẽ phải lọt vào tay Cộng Sản Việt Nam. Bên Miền Nam bị đồng minh tự do bỏ rơi tức tưởi, nhưng bên Việt Cộng được tất cả bè bạn Cộng Sản khắp năm châu ùng ùng tiếp tế. Trước hoàn cảnh trớ trêu đau thương nầy, Lâm biết trách ai đây? Chàng xót xa tự nghĩ:

Xót xa quá khi mưu đồ chiến lược,
Họ không cần nên bức tử ta thôi...

Biết trước cảnh hấp hối của Miền Nam Việt Nam đang xảy ra. Giờ bức tử chỉ là thời gian không còn lâu lắm, Lâm vội vã nhờ Tòa Đại Sứ Mỹ ở Thái Lan làm giấy tờ đưa vợ con chàng sang Mỹ. Nhưng có lẽ tại số vợ chồng chàng phải xa cách hay sao, mà khi giấy tờ vừa đến tay Kim Xuyến thì gia đình nàng bị tai nạn xe cộ. Kim Xuyến và hai con nhỏ của nàng chỉ bị xây xát nhẹ, trong khi bà mẹ già của Kim Xuyến lại bị hôn mê bất tỉnh đang nằm trong bệnh viện, Kim Xuyến phân vân:
-Mẹ già đang mê man bất tỉnh trên giường bệnh, như thế nầy mình sao đành ôm con đi đoàn tụ với chồng bên xứ Mỹ được! Cả một đời mẹ già đã hy sinh cho mình kia mà!
Thở dài, Kim Xuyến tự nói với mình:
-Mình đâu phải là đứa con bất hiếu, nhẫn tâm dứt áo ra đi, trong khi không biết tánh mạng của mẹ già đi về đâu? Sống chết ra sao? Thôi thì mình cố chần chờ đến khi nào mẹ mình khỏe mạnh hãy hay. Vả lại cha mẹ chồng của mình cũng đã già yếu lắm rồi... Ông bà ấy cũng rất cần bàn tay chăm sóc của mình. Việc đi Mỹ thư thả tính sau, chẳng lẽ nào đất nước ...
Nhưng rồi vận nước đâu có chờ đợi Kim Xuyến giải quyết xong chuyện gia đình đâu!... Tình hình chính trị ngày một xấu thêm rất nhanh. Hết mất chỗ nầy lại bỏ ngõ chỗ kia... Rốt cuộc chỉ còn lại Sài Gòn và vài vùng phụ cận. Mọi người túa ra đi tìm phương tiện di tản khỏi quê hương, vì nó sắp lọt vào tay Cộng Sản. Kẻ chen lấn chầu chực trước cổng tòa đại sứ Mỹ, người tranh nhau xuống bến Bạch Đằng để mong được lên tàu ra đi. Lúc đó, sức khỏe của mẹ Kim Xuyến đã tạm bình phục. Biết chuyện, bà lên tiếng hối thúc con gái:
-Sức khỏe mẹ nay đã bình phục rồi, con coi dắt díu hai đứa nhỏ qua Mỹ với chồng con đi. Mẹ thấy tình hình đất nước không xong rồi con à. Cấp lãnh đạo đã trốn ra nước ngoài gần hết rồi. Đau lòng xót dạ cho người dân thấp cổ bé miệng quá!
Ngừng một lát, mẹ Kim Xuyến thở ra, đôi má bà ràn rụa nước mắt, Bà nói trong nghẹn ngào:
-Quân ta như rắn mất đầu; cấp lãnh đạo ban hành lệnh tử thủ cho thuộc cấp thi hành. Họ lại chạy trốn như bầy vịt hốt hoảng trước sức tiến công như vũ bão của giặc. Thật tội nghiệp cho những sĩ quan cấp nhỏ và binh sĩ dưới quyền phải ở lại chịu trận vì ngoan ngoãn chấp hành lệnh thượng cấp...
Lấy khăn lau nước mắt, mẹ Kim Xuyến nhìn đứa con gái và hai đứa cháu ngoại nói:
-Mẹ vô cùng ân hận khi con có giấy tờ ra đi mà mẹ lại bị hôn mê trên giường bệnh trong một tai nạn thảm khốc... Nếu không, thì giờ nầy con và mấy đứa nhỏ đã được đoàn tụ với chồng với cha trên xứ Mỹ rồi!
Kim Xuyến mủi lòng ôm mẹ nói:
-Mẹ đừng buồn mà có hại cho sức khỏe. Sức khỏe của mẹ cũng mới vừa tạm ổn định sau tai nạn thôi. Mẹ đừng lo nghĩ nhiều mà không tốt đó. Mọi việc đều đã được Ơn Trên an bài hết cả mẹ à!
Ngập ngừng một lát, Kim Xuyến thố lộ:
-Cả tuần nay, con đã liên lạc nhiều lần với Tòa Đại Sứ Mỹ, nhưng họ trả lời gần như tuyệt vọng. Họ cứ bảo đến đó chờ đợi, may ra có thể đi được.
Bà mẹ Kim Xuyến hối thúc nàng:
-Ngay bây giờ, con hãy dẫn hai đứa con đến đó xem sao? Hy vọng con được nhiều may mắn...
Nghe lời mẹ, Kim Xuyến tay bồng tay dắt hai đứa con lên chầu chực ở Tòa đại sứ Mỹ. Nhưng sức yếu đuối lại thêm bận bịu hai đứa con nhỏ, Kim Xuyến không làm sao có thể vào bên trong cổng Tòa Đại Sứ Mỹ được. Nàng như muốn ngộp thở trước lượng người chen lấn quá đông. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của hai đứa trẻ, Kim Xuyến quyết định đưa chúng về nhà mặc cho số Trời định đoạt rủi may...
Mẹ Kim Xuyến chưng hửng khi thấy ba mẹ con Kim Xuyến dắt díu nhau trở về nhà. Bà ôm chầm cả ba mẹ con Kim Xuyến, nước mắt thương con thương cháu lại chảy dài:
-Thôi lo tắm rửa cho các cháu rồi cho chúng ăn uống nghỉ ngơi, mọi việc sẽ tính sau.
Cơm nước xong, mẹ Kim Xuyến lên tiếng nói với nàng:
-Mẹ nhớ ra rồi! Mẹ có đứa cháu trai, con của người chị họ sống nghề đánh cá. Nó có thuyền đánh cá cũng khá lớn ở ngoài Bà Rịa, mình thu xếp đi ra đó liền xem sao?
Bà luôn miệng hối thúc:
-Mình chỉ cần thu xếp một ít quần áo và lương khô để đi liền ra đó nghe con. Hãy nhanh lên con à!
Khó khăn lắm Kim Xuyến mới thuê được một chiếc xe hơi chịu chạy ra Bà Rịa với giá rất cao. Thật vô cùng vất vả, gia đình Kim Xuyến mới đến được nhà người bà con ở Bà Rịa. Nhưng gia đình Kim Xuyến vừa đến nơi, thì gia đình người cháu đã lên tàu ra khơi. Thế là sẵn còn xe, gia đình Kim Xuyến vội vã nhờ chở quay trở về Sài Gòn trong tuyệt vọng...
...Những ngày Miền Nam Việt Nam giãy chết, Lâm khắt khoải lo âu chờ đợi vợ con sang, nhưng vẫn biệt tăm không tin tức. Lâm như ngồi trên lò lửa, chàng trông ngóng tin tức vợ con từng giờ từng phút. Lâm biếng ăn mất ngủ... Hàng giờ, Lâm ngồi trước máy truyền hình theo dõi tin tức xấu trong nước đưa sang. Những đợt di tản tới đảo Guam vẫn tiếp diễn...bằng nhiều phương tiện khác nhau như tàu bè lớn nhỏ, máy bay trực thăng từng phút từng giờ đáp xuống đảo liên tục không ngừng nghĩ. Mọi người đi tìm tự do bằng cách bám chặt vào máy bay, bấu vào khoang thuyền... Mạng sống của họ như sợi chỉ mành treo chuông, thế mà họ vẫn chấp nhận. Có những chuyến máy bay mới cất cánh lên, đã bị gãy cánh và bị biển cả cuốn trôi. Rồi không ít những chuyến bay bị gãy cánh vì bom đạn Việt Cộng pháo kích dữ dội hay không cất cánh lên được trước bao họng súng của quân thù nã vào tới tấp. Tất cả thật hỗn độn và thoi thóp trong tuyệt vọng....        
 Lâm tự an ủi mình:
-Hy vọng một ngày gần đây, mình sẽ có tin của vợ con từ đảo nầy đưa sang.
Hy vọng thì cứ hy vọng... Chờ đợi thì chàng vẫn mỏi mòn ngóng trông..
...Thế rồi cái gì đến đã đến... Miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn bị rơi vào tay Cộng Sản. Thật là một ngày vô cùng buồn bã, đầy nước mắt và máu trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lâm thẫn thờ đi săn tin tức của vợ con, nhưng hoài công vô ích, biệt tăm vẫn biệt tăm...
Tháng tư đen đã ập lên đầu lên cổ người dân miền Nam. Kim Xuyến cũng như tất cả người dân hiền lành phải rơi vào bàn tay thống trị của Cộng Sản bạo tàn. Của cải tài sản bị chúng vơ vét tịch thu. Nhiều người không nén được nỗi uất hận, đã tự tử chết thật thảm thương. Cuộc sống tất bật đói khổ kéo dài theo năm tháng. Người lính Việt Nam Cộng Hòa thì vào tù, gia đình lính và người dân ở những thành phố, tỉnh lỵ thị trấn đã bị chúng cưỡng chế đi vùng kinh tế mới. Người người rỉ tai nhau trong uất hận: “ Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói ”. Kim Xuyến tập tễnh mua bán ngoài chợ trời. Tay làm hàm nhai. Nàng cố gắng lo cho hai đứa con nhỏ ăn học.
Trong suốt thời kỳ nầy, Kim Xuyến cũng tìm đủ cách để vượt biên, nhưng chắc số mệnh của nàng còn bị đọa đày hay sao mà ba lần vượt biên, nàng đều bị phát hiện và bị bắt nhốt tù. Tiền mất tật mang, may nhờ có hai đứa con nhỏ, nên Kim Xuyến chỉ bị ở tù vài tháng thì được thả ra. Dẫu sao nàng cũng được nếm mùi ở tù Cộng Sản ngoài Côn Đảo. Cũng như bao nhiêu người tù khác, nàng luôn luôn chịu đựng sự đói khát đến lả người suốt thời gian bị giam giữ . Biết bao đau đớn ê chề, nhục nhã dành cho người tù của chế độ tàn nhẫn, bất nhân nhứt trên đời. Kim Xuyến liên tưởng đến những anh quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đang bị kẻ chiến thắng trả thù, chắc chắn khổ gắp mấy lần nàng, Kim Xuyến không cầm được nước mắt...
Có lẽ Trời cũng muốn thử thách sức chịu đựng của Kim Xuyến, và trong những lần chạy đôn chạy đáo, mua bán kiếm tiền nuôi sống gia đình và lo cho các con ăn học. Nàng đã bị tai nạn xe cộ tổng cộng đến sáu lần suýt vong mạng. Trong lần bị tai nạn sau cùng, Kim Xuyến bị chấn thương sọ não, khi chiếc xe đò chở nàng bị lao xuống hố sâu. Tất cả tiền bạc, vốn liếng trong chuyến đi buôn đó bị mất hoàn toàn. Mẹ già và mấy anh chị của Kim Xuyến tận tình lo chạy chữa cho nàng. Sau một thời gian điều trị khá lâu, nàng được cứu sống để về với hai con, nhưng tinh thần nàng không còn minh mẫn như trước kia nữa... Kim Xuyến bị mất trí nhớ trầm trọng, nàng như ngơ ngơ ngẩn ngẩn, quên trước quên sau, tâm thần luôn bất định. Thật tội nghiệp cho Kim Xuyến, một người đàn bà hiền lành, nết na, hiếu hạnh mà phải chịu đựng biết bao đau thương dồn dập, lại còn mang bịnh mất trí. Trời cao sao nở bày chi bao đau thương, dồn dập cho người đàn bà đức hạnh như thế ?!
...Thời gian trôi qua một cách chậm chạp trong sự mong chờ của Lâm qua làn sóng di tản trong những ngày tháng cuối tháng tư. Sau đó phong trào vượt biên ồ ạt vào sau năm 1975, nhưng hoài công vô ích... Sự chờ đợi, trông ngóng vẫn kéo dài theo ngày tháng hững hờ trôi. Tin tức gia đình vợ con vẫn bặt tâm. Hai vợ chồng hai phương trời xa cách hơn nửa vòng trái đất. Ôi biết bao niềm thương nổi nhớ giằn vật trong lòng hai kẻ chân thành yêu nhau...
Lâm vẫn một lòng son sắt với vợ, dù chàng sống trên đất Mỹ vật chất dư thừa, tiền bạc dồi dào... Từng đêm, từng đêm, Lâm ôm gối chiếc, chạnh nhớ đến gia đình, nhớ vợ thương con. Lâm trằn trọc mãi với đêm dài lạnh lẽo. Lâm thấy mình thật bất hạnh. Chàng phải sống thui thủi một mình, không có gia đình, nhất là không có vợ con bên cạnh để an ủi sớm hôm. Chàng thì thầm với màn đêm tịch mịch:
- Không biết giờ này Kim Xuyến ra sao? Các con mình như thế nào? Chắc mẹ con nó phải khổ cực và thiếu thốn nhiều lắm... Hiện giờ mình, vật chất đang quá dư thừa; còn gia đình  vợ con mình ở Việt Nam thì phải...
Lâm không dám nghĩ tiếp nữa.... Chàng sợ bao khổ hạnh mà người thân ở Việt Nam phải gánh chịu. Lâm úp mặt lên gối, chàng mong được một giấc ngủ yên, để lấy sức cho ngày mai đi làm. Nhưng Lâm không tài nào dỗ giấc ngủ được khi bao hối tiếc cứ giày vò trong lòng chàng:
- Giá như trước kia mình đừng đi du học Mỹ. Thà rằng ở Việt Nam mà vợ chồng con cái được gần gũi nhau. Vui cùng vui, buồn cùng buồn, kham khổ có nhau vẫn hơn... Vợ chồng nương tựa vào nhau mà sống cho trọn tình trọn nghĩa đến hơi thở cuối cùng. Giờ nầy, sống lẻ loi một mình, không một người thân nơi quê xa xứ lạ như thế nầy thì đời sống của mình chẳng có ý nghĩa gì cả? Sống mà thương nhớ, khắt khoải chờ mong, và nỗi cô đơn vây kín. Lúc tuổi già, đau yếu bệnh tật biết trông cậy vào ai?!
Sau bao năm miệt mài với sách vở, gặm nhắm niềm thương nổi nhớ theo thời gian, Lâm ra trường dạy ở Đại học Long Beach. Chàng có mức lương hậu hĩ, nên cuộc sống khá ổn định, nhưng đời sống tình cảm của chàng quá thiếu thốn, khô khan nơi đất khách quê người. Lâm không có ai thân thuộc để chia xẻ buồn vui, chàng lại mất hẳn tin tức vợ con và gia đình ở quê nhà, Lâm hoàn toàn tuyệt vọng...
Trong những năm tháng còn khỏe mạnh, Lâm tìm quên lãng chuyện đau buồn của gia đình qua bài giảng ở lớp học. Chàng gượng cười bên cái không khí vui vẻ hồn nhiên của các sinh viên.
Thế rồi vào năm 1978, Lâm mắc chứng bệnh nghẽn tim, chàng vào bệnh viện chờ ngày giải phẫu. Khi đau ốm chàng phải nằm một chỗ, chẳng một người thân kề cận hỏi han an ủi. Bây giờ, Lâm mới thấm thía cái buồn của kẻ sống đơn thân độc mã như chàng. Chàng cảm thấy rất cần bàn tay của người đàn bà chăm sóc, vỗ về an ủi... Nhất là chàng đang cần làn hơi ấm áp chuyền vào trái tim đau đớn của chàng. Chàng muốn được vuốt ve dỗ dành như đứa con cần tình thương của mẹ ấp ủ để được nhỏng nhẻo, vòi vĩnh khi đau ốm bệnh tật như thế nầy... Lâm buồn và buồn rất nhiều, thế rồi...
...Một ngõ quanh tình cảm đến với Lâm trong cơn bệnh ngặt nghèo của chàng. Khi Túy Vân, cô sinh viên cũ, đã đứng tuổi đến thăm ông thầy giáo cũ với bó hoa trên tay:
-Anh Việt của em, là đồng nghiệp của Thầy dạy ở Trường Long Beach. Anh ấy cho em biết tin Thầy bệnh nặng và đang nằm điều trị ở đây. Em vội đến thăm Thầy ngay đó!.
Lâm ngờ ngợ, chàng không nhận ra cô học trò cũ của mình… Nàng tuy đã đứng tuổi, nhưng nhan sắc hãy còn khá mặn mòi, dễ thu hút người đối diện. Bao nhiêu năm dạy học ở đây, hằng trăm nữ sinh viên chàng đã dạy qua... Lâm cố moi trong trí nhớ của mình, nhưng chàng vẫn không nhớ ra. Nở nụ cười trên môi, Lâm lịch sự lên tiếng nhỏ nhẹ :
-Xin lỗi em, trí nhớ của Thầy lúc nầy kém quá, Thầy đành chịu thua không nhớ em học với thầy hồi năm nào?
Túy Vân thoáng buồn trong lòng, khi biết sự hờ hững của Lâm dành cho mình lâu nay, nhưng nàng kịp nghĩ :
-Chàng nằm nhà thương là cơ hội ngàn vàng để cho mình gần gũi, chiếm cảm tình của chàng. Đừng vì một chút tự ái không đúng chỗ mà hỏng việc lớn đã mơ ước.
Nghĩ thế, nên Túy Vân cố nén cái giỗi hờn trong lòng, để mong đạt được mục đích xích lại gần Lâm. Chàng là người mà nàng có nhiều cảm tình khi được chàng dạy ở trường Long Beach. Anh của nàng vẫn thường khen lấy khen để ông thầy giáo Lâm rất dễ thương nầy, làm cho nàng càng để ý thương thầm nhớ trộm. Chàng có rất nhiều đức tính tốt khó tìm được ở người đàn ông khác. Túy Vân mỉm cười nhắc lại chuyện cũ:
-Em là Túy Vân, người sinh viên vẫn ngồi ở giữa hàng ghế đầu, sát bên bục giảng của Thầy vào năm 1976. Thầy cũng mới đến nhà anh trai của em dự lễ sinh nhật của anh ấy vừa rồi, ở địa chỉ.....
Thể hiện cử chỉ nhận lỗi, Lâm đưa tay vỗ trán, chàng vui vẻ cất tiếng:
-Ồ! Tôi thật có lỗi, mới đó mà đã quên mất rồi! Thành thật xin lỗi cô Túy Vân nhé. Đầu óc tôi dạo này sao tệ quá! Tôi thật đáng trách vô cùng. Xin đừng chấp nhứt cho sự việc nầy nghe cô Túy Vân.
Ra dáng e lệ, Túy Vân nở nụ cười tươi trên môi, nàng nhỏ nhẹ nói:
-Em thương thầy không hết, có đâu lại dám oán trách thầy như vậy!
Nghe giọng nói nũng nịu, ngọt ngào cùng những lời tha thiết của cô học trò cũ, Lâm thấy lòng mình xao xuyến và rung động lạ lùng. Bao nhiêu năm sống trong cô đơn gối chiếc, nay lại gặp cảnh ốm đau như thế nầy; Lâm rất cần bàn tay vỗ về an ủi của người thân, nhứt là của người đầu ấp tay gối trong đời, nhưng Kim Xuyến, vợ chàng đang ở bên kia vòng trái đất, hiện giờ không biết sống chết ra sao? Mấy năm nay đã bặt vô âm tín... Chàng không biết đến bao giờ mới có thể gặp được?
Nước mắt nhớ vợ thương con từng giọt tiếp nhau lăn dài trên má của Lâm... Bất chợt, chàng quay mặt sang nơi khác, như cố giấu không cho Túy Vân nhìn thấy những giọt lệ đó, nhưng Túy Vân đã lên tiếng:
-Dường như anh đang khóc phải không anh? Có điều gì không vui chất chứa trong lòng khiến anh phải rơi lệ như thế? Hãy coi em như người thân tín nhứt để anh có thể giãi bày cho vơi bớt niềm tâm sự thầm kính trong lòng. Em hứa sẽ chia xẻ bất cứ nỗi buồn nào của anh và nguyện sẽ lo cho anh đến hơi thở cuối cùng của đời em.
Vừa nói Túy Vân vừa lấy khăn lau nước mắt cho Lâm, hành động thân thiết tự nhiên của cô học trò cũ, khiến cho tâm hồn Lâm ngất ngây bấn loạn. Tim chàng hồi họp đập mạnh như tiếng trống ngũ liên. Chàng nhắm mắt lại, như sợ nhìn thấy sự thật hiện hữu trước mặt. Chàng đau, đang nằm trên giường bệnh mà được một cô nữ sinh dễ thương đứng bên cạnh chăm sóc và ngỏ lời chia xẻ, an ủi chàng như một người vợ hay như một người tình. Lòng chàng trỗi dậy một sự giằn vặc rất lớn, nó tự mâu thuẫn với chính mình. Lý trí Lâm như muốn trốn chạy hình ảnh người con gái dễ thương nầy, nhưng con tim cô đơn buốt giá lâu nay của chàng lại muốn đón nhận cơ hội ngàn năm một thuở. Lâm mở mắt nhìn Túy Vân trong tích tắc rồi nhắm lại.... Chẳng biết giọt lệ đau thương hay giọt lệ vui mừng, lại tiếp tục chảy nhiều hơn nơi khóe mắt của Lâm? Túy Vân lại tiếp tục lau những giọt lệ ấy trong sự bàng hoàng khó tả của nàng. Nhìn thấy đôi môi của Lâm mấp máy như muốn nói điều gì đó, nhưng không ra lời. Túy Vân bước sát lại cạnh giường, nàng cúi xuống kề tai Lâm âu yếm nói:
-Anh muốn nói gì phải không? Sao anh không nói cho em nghe với? Hãy nói cho em nghe những gì anh muốn nói đi anh? Em đang khao khát muốn nghe từng tiếng nói của anh đây nè! Vui buồn gì cũng được. Sao anh không nói, lại nín thinh hoài vậy? Anh có biết không, em đang sốt ruột lắm nè!
Mở mắt nhìn Túy Vân đám đuối như gả si tình, Lâm không nói gì cả. Nước mắt vẫn trào ra hai bên khóe mắt của Lâm... Trong giây phút căng thẳng, Lâm tự đưa tay nắm lấy tay Túy Vân, chàng nắm thật chặt như sợ vuột mất. Khóe mắt chàng lại rướm lệ nhiều hơn, Túy Vân lại lau nước mắt cho chàng. Một hồi lâu, Lâm nhoẻn miệng cười nói:
-Anh thành thật cám ơn em đã cư xử tốt với anh trong lúc nầy. Một điều ngoài sự mơ ước của anh!
Bàn tay của Lâm càng nắm chặt bàn tay Túy Vân hơn. Nàng cảm thấy một luồng hơi nóng chuyền từ Lâm sang khắp cơ thể nàng. Túy Vân mắt cỡ, mặt nàng đỏ bừng. Một cảm giác sung sướng lâng lâng trong lòng nàng không ngưng nghỉ... Túy Vân dịu dàng lên tiếng:
-Anh nói quá lời. Em tự xét mình chưa có làm một điều gì cho anh cả, sao anh lại nói lời cám ơn làm em thẹn vô cùng, À! Anh thấy đã đói bụng chưa, để em  đi mua một tô phở nóng về anh ăn nhé? Em không biết tình trạng bệnh hoạn của anh như thế nào, nên em chưa mang thức ăn vào. Từ ngày mai, anh thích ăn món gì cứ bảo trước, em sẽ lo liệu đầy đủ theo ý thích của anh. Còn nữa em sẽ mang một ít sách báo để anh xem cho đỡ buồn .
-Túy Vân em, chỉ cần nghe câu nói hồi nãy của em thôi, cũng đã là một ơn lớn cho anh rồi. Nó như một viên thuốc hồi sinh cực mạnh, đã làm cho anh có nhiều sức sống mãnh liệt đang dâng lên trong lòng. Hiện thời anh cảm thấy mình như không còn đớn đau gì cả. Nó quả là một phép nhiệm mầu vô cùng. Anh có cảm tưởng bụng mình đã được ăn no nê rồi, nên anh không cần ăn uống gì cả, em đường bận tâm nhiều lắm. Một lần nữa, anh thành thật cám ơn em nhiều... Em thật chu đáo quá. Không những lo cho bệnh tật của anh, mà em lại còn lo cả miếng ăn miếng uống, cùng nhu cầu giải trí cho anh nữa. Anh thật có phước đức lắm mới được gặp em hôm nay.
Lâm xúc động mạnh vì sự việc xẩy ra quá đột ngột. Chàng ngừng một lát, uống một ngụm nước rồi tiếp lời hỏi Túy Vân:
- Mải vui mừng được diện kiến với em, anh quên hỏi thăm em đã chọn ngành nghề nào theo học vậy?
-Em chọn nghề dạy học như anh. Em đã ra trường và hiện đang dạy ở trung học. Trường cũng gần nhà lắm anh à!
-Chúng mình cùng một nghề nghiệp, sẽ dễ thông cảm nhau hơn phải không em? Anh thích quá!
Nét mặt Lâm tươi tỉnh hẳn ra, như không có dấu hiệu gì của một người bệnh cả, Lâm khẽ nói:
-Anh hết sức cám ơn em đã ban cho anh một niềm tin, một sức sống mãnh liệt trong cuộc sống ly hương nầy.
-Sao anh cứ mãi nói điều ân nghĩa với em hoài vậy? Anh là bạn với anh Việt, thì em coi anh như anh của em. Em có chăm sóc lo lắng cho anh cũng là chuyện bình thường thôi. Chẳng nên nói điều ân nghĩa nữa nghe anh! Vả lại em tự thấy mình có bổn phận phải lo cho anh trong lúc nầy nên em lo đó thôi.
Đưa đôi mắt tha thiết nhìn Lâm một hồi, Túy vân nói tiếp:
-Từ nay em không muốn nghe anh nói tới hai tiếng ơn nghĩa với em nữa có được hôn?
Vừa siết mạnh bàn tay Túy Vân, Lâm vừa kéo tay nàng đặt lên môi mình, chàng hôn một hơi dài trên bàn tay nõn nà của Túy Vân. Mắt chàng nhắm lại như để tận hưởng niềm hạnh phúc đang chớm nở trong lòng. Trước cử chỉ biểu lộ tình cảm của Lâm, Túy Vân cảm thấy mình như được bay bổng lên cảnh thần tiên, mà nàng đã đọc qua sách vở hồi thuở nhỏ. Lòng nàng sung sướng lạ. Tình cảm cô sinh viên như giành trọn vẹn cho ông thầy giáo cũ mất rồi! Túy Vân đắm đuối nhìn Lâm, nàng bối rối không biết nói gì... Lâm đưa đôi mắt đa tình, tha thiết nhìn Túy Vân không nói một lời. Hai tâm hồn cô đơn đang thổn thức...
Túy Vân xin phép nghỉ dạy một tuần để chăm sóc Lâm trong những ngày mới giải phẫu. Suốt ngày Túy Vân quấn quít bên giường bệnh của Lâm. Nàng đã đút từng muỗng cháo, ly nước. Nàng chia xẻ từng cái đau nhức với Lâm. Nàng như một người vợ hiền lo lắng cho Lâm từng chút một:
-Anh phải ráng ăn thật nhiều cho mau lại sức.
-Món nầy anh ăn không được, để em làm món khác cho anh ăn.
-Anh cần gì cứ bảo với em, đừng ngại ngùng chi cả.
-Anh phải ráng uống thuốc đều đặn như lời hướng dẫn của bác sĩ.
Lâm như đứa trẻ ngoan ngoãn được mẹ, được chị chăm sóc vỗ về từng chút một. Tình cảm giữa hai người mỗi ngày một nẩy nở thêm lên. Khi Lâm lành bệnh xuất viện là lúc tình yêu của họ đã chín mùi.
Mặc dầu hết sức cố gắng, nhưng Lâm hoàn toàn không liên lạc được với vợ con bên quê nhà. Chàng không một chút hy vọng có ngày đoàn tụ với vợ con. Lâm thật sự tuyệt vọng. Chàng không kiên nhẫn đợi chờ một việc ngoài tầm tay lâu dài hơn nữa...
Sau một thời gian Lâm suy tính hơn thiệt, chàng đã đi đến quyết định cho đời mình... Một buổi chiều cuối tuần đẹp trời, Lâm mời Túy Vân đi dạo biển. Hai người sánh bước bên nhau trên bờ biển thật thơ mộng. Gió nhẹ thổi, xua đuổi hơi nóng ngột ngạt trong ngày đi qua. Với tâm trạng thảnh thơi khoan khoái, Túy Vân hồn nhiên reo lên:
-Hoàng hôn ở biển đẹp quá anh ơi! Anh nhìn kìa, mặt trời đỏ ối từ từ khuất dần sau rạng núi xanh thẫm ở cuối chân trời. Những tia nắng vàng hình như còn nhảy múa đùa vui để tạm biệt với sóng biển mênh mông. Tất cả như trầm xuống với điệu nhạc êm dịu làm lòng người yên tĩnh lạ.
Như đồng tình với Túy Vân, Lâm lên tiếng:
-Từng đợt sóng vỗ vào bờ. Hết đợt nầy đến đợt khác không ngừng nghỉ. Con người cũng thế. Sự việc cùng đến rồi đi, biến hóa không ngừng. Nhưng chúng ta phải biết nắm giữ những cái gì đáng quý. Như tình yêu của mình chẳng hạn, phải biết trân quý, nắm giữ và vun xới mỗi ngày một tốt đẹp hơn...
Bóng tối xuống nhanh, biển đêm vắng lặng, Túy Vân khoanh tay trước ngực, nàng co ro bước chậm. Thấy thế, Lâm lên tiếng đề nghị:
-Thôi chúng mình trở về thành phố đi ăn tối nghe em?
-Vâng, em cũng hơi lạnh và đang đói bụng, chúng ta đi ăn thôi.
Hai người sánh bước vào một nhà hàng lịch sự. Sau khi ổn định chỗ ngồi, gọi thức ăn xong. Lâm lấy trong túi ra một cái hộp nhỏ. Chàng mở nắp hộp lấy ra một chiếc nhẫn, Lâm nhỏ nhẹ bảo với Túy vân:
-Cho anh cầu hôn em. Em bằng lòng không?
Vừa nói Lâm vừa đưa tay nắm lấy bàn tay của Túy Vân. Túy Vân cảm động, nàng sung sướng để Lâm đeo chiếc nhẫn hôn ước vào ngón tay của mình.
Một thời gian ngắn sau đó, đám cưới Lâm-Túy Vân được tổ chức. Đám cưới tuy đơn sơ, nhưng rất ấm cúng trước sự chứng kiến của người thân và bè bạn hai bên. Cuộc tình êm đẹp của họ kéo dài theo năm tháng... Mới vài năm cưới nhau, Lâm và Túy Vân đã có hai đứa con bụ bẫm dễ thương.
Trong thời gian nầy, Lâm lại liên lạc được với gia đình vợ con bên Việt Nam. Nghe hoàn cảnh bi thảm của Kim Xuyến, Lâm thương xót vô cùng... Chàng rất hối hận cho việc không giữ lòng chung thủy với vợ ở quê nhà, trong khi Kim Xuyến vẫn một lòng chờ đợi, trông ngóng chồng từng giây từng phút...
Mặc dầu cuộc sống ở Việt Nam lúc đó quá khó khăn, nhưng nàng vẫn lo chu đáo cho hai con ăn học đàng hoàng. Lâm thầm khóc thương cho duyên phận lỡ làng của mình, của Kim Xuyến. Nhưng mọi việc đã lỡ rồi, Lâm đành cắn răng nuốt lệ, tôn thờ tình cảm của Kim Xuyến dành cho mình từ bao lâu nay. Để chuộc một phần nào lỗi lầm của mình đối với vợ con, Lâm quyết định bảo lãnh hai đứa con nhỏ từ Việt Nam sang, để sau nầy hai đứa con đó bảo lãnh Kim Xuyến qua diện đoàn tụ. Lâm nghĩ chỉ có giải pháp đó là ổn thỏa hơn hết, sẽ không làm phật lòng Túy Vân nhiều hơn.
Rồi cái ngày cha con Lâm đoàn tụ đã đến. Chàng rất sung sướng vui mừng đón hai đứa con từ Việt Nam về ở chung với gia đình Lâm. Biết tánh người vợ mới của mình không rộng rãi với con riêng của chồng, Lâm lên tiếng trước với Túy Vân:
-Em à, dầu gì thì anh cũng là cha của con Hồng Loan và thằng Bảo Trân. Anh đã bảo lãnh chúng nó sang đây, thì anh phải có trách nhiệm. Em nên vui vẻ cho hai con về ở chung nhà để anh tiện việc dạy dỗ và nuôi dưỡng chúng nghe em.
Tuy không mấy hài lòng nhưng trước sự việc nầy, Túy Vân cũng đành gượng cười chấp nhận:
-Con của anh thì anh lo, em đâu dám nói gì, nhưng anh đừng quên rằng bên cạnh anh còn có hai đứa con khác rất cần anh chăm sóc cho chúng nó nữa.
Lâm không mấy hài lòng khi nghe Túy Vân trả lời như thế, nhưng muốn cho sự việc êm xuôi, Lâm đành im lặng, chàng cố nín thở qua sông...
“ Mấy đời bánh đút có xương,
Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”
Câu ca dao đó ngàn đời không sai chút nào. Qua những cử chỉ đối xử không tế nhị của Túy Vân, hai đứa con của chàng rất buồn; chúng nó khóc muốn được trở về với mẹ bên Việt Nam, tuy nghèo đói, nhưng được tình mẹ yêu thương tràn trề.
Lâm thầm khóc trước nghịch cảnh của mình, chàng khuyên hai con phải ráng chịu đựng. Nhưng hai đứa con riêng của Lâm chỉ ở chung với chàng được hơn một năm, thì phải ở riêng. Còn gì đau xót cho Lâm hơn, nhưng vì hạnh phúc gia đình, chàng đành phải bóp bụng thu xếp cho hai con ở riêng. Đồng lương thầy giáo của chàng có giới hạn, nên khi con phải ở riêng chàng lo không xuể. Nước mắt làm cha ngày đêm lăn dài trên đôi má của Lâm. Thấy thế, các con Lâm ngoan ngoãn kiếm việc làm cuối tuần, để phụ cha mình lo cho cuộc sống chúng nơi xứ lạ quê người...
Càng ngày Lâm càng thấy thương Kim Xuyến vô cùng. Với hoàn cảnh đất nước lúc đó mà nàng vẫn lo cho hai đứa con chàng ăn học, không một lời than thở... Ôi cao quý thay tấm lòng một người vợ, một người mẹ như Kim Xuyến, nàng quả thật tuyệt vời, không một câu thơ lời văn nào diển tả hết được...
Nhờ siêng năng, cần mẫn học hành, sau một thời gian, Hồng Loan ra trường với mảnh bằng Dược Sĩ. Còn thằng Bảo Trân cũng lấy được bằng cấp kỹ sư tin học. Đã vững vàng tài chánh, có đủ điều kiện bảo lãnh mẹ sang đoàn tụ, nên chúng nó đã làm đơn bảo lãnh mẹ qua. Kim Xuyến sung sướng được đoàn tụ với hai con trên đất Mỹ, nhưng nàng không khỏi ngỡ ngàng, đau nhói trong trong lòng khi nhìn thấy Lâm đi bên cạnh một người đàn bà khác. Để cố quên đi bao nỗi đắng cay, buồn bã chất chứa trong lòng. Kim Xuyến ghi danh theo học ở trường Golden West College. Tuy đã trọng tuổi, nhưng với nhan sắc mặn mà trời ban cho, Kim Xuyến vẫn có nhiều kẻ đeo đuổi tán tỉnh, mong được gá nghĩa trăm năm. Nhưng trước chuyện tình đầu đời dang dở, Kim Xuyến rất buồn, nên nàng chỉ mỉm cười lắc đầu từ chối những lời ngon tiếng ngọt của bao gả đàn ông đeo đuổi tán tỉnh nàng...
Lâm, chồng Kim Xuyến vì thời thế phải đi lấy vợ, nhưng chàng cũng chu toàn ân nghĩa không để Kim Xuyến thiếu thốn vật chất...Chàng vẫn âm thầm an ủi và nhắc nhở con cái thay mặt mình lo lắng chu toàn cho Kim Xuyến. Giờ này Kim Xuyến mản nguyện vì hai con đã thành danh lại rất có hiếu với me...Kim Xuyến đã khép kín tình cảm trai gái, nàng  thường xuyên thăm viếng cảnh Chùa vui với câu kinh tiếng kệ và sẳn sàng vui với hạnh phúc gia đình các con, các cháu...

Tủi duyên phận, nên em đành khép nép,
Sống âm thầm nơi xứ lạ người xa,
Chồng của mình, giờ chồng của người ta,
Đành  cam phận, mặc số trời đã định...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét