Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

TÂM SỰ MỘT NGƯỜI MẸ - Nguyễn Ninh Thuận

(hình minh hoạ)
     Những vấp ngã của bạn bè trên trường tình, khiến cho Tâm hoài nghi tất cả...với đầu óc thủa ngây thơ nàng nghĩ…
 “   Tình yêu là phải thánh thiện, tôn thờ, hy sinh, giữ gìn cho nhau. Nhưng những chàng trai đã đến với Tâm, từ lúc còn thơ ngây chỉ một thời gian ngắn nói tiếng yêu đương tha thiết để lấy lòng mình... Sau đó, khi có dịp gần gũi nhau, thì hai bàn tay của họ không để yên, cứ táy máy ... Tại sao? Có phải họ là những kẻ sở khanh không? Họ tìm cách vuốt ve, mơn trớn, kích thích, lường gạt để mong chiếm đoạt mình phải không?...<!>
 Thật vậy chàng trai nào đến với Tâm, mà có ý nầy ý nọ muốn lợi dụng cơ hội để đụng chạm vào da thịt Tâm là nàng rất sợ, tìm cách xa lánh ngay lập tức, không một chút lưu luyến… Tâm chấp nhận đến với Hưng, tuy rằng trong lòng không có chút tình yêu nào cả... Tâm chỉ đến với Hưng trong một sự tính toán hơn thiệt dành cho những đứa con của Tâm sau nầy mà thôi!... ”
 Thế là chỉ một thời gian ngắn cân phân hơn thiệt, Tâm đã bằng lòng về làm vợ Hưng, mặc dầu chưa một lần hẹn hò, yêu đương tình tứ... Tâm quyết định lấy Hưng thật nhanh, khiến cha mẹ Tâm cũng phải ngạc nhiên, vì Hưng trông già nua, cằn cỗi... Tâm ngụy biện:
   - Có thể vì duyên nợ tiền kiếp chăng? Hay vì mình muốn có sự đánh đổi vật chất cho tương lai con cái của mình sau nầy?  Nghĩ buồn cười cho cuộc tình của mình lùi lại mấy thế kỷ trước!...
    …Không biết Tâm có sai lầm khi về làm vợ Hưng không? Tình yêu chưa có trong lòng nàng chút nào cả!... Nhưng rồi, ngày tháng sống chung đụng với nhau, có đứa con đầu lòng, trong thâm tâm Tâm cũng có chút lòng cảm mến Hưng dầu chưa biết yêu thương nồng thắm... Phần Hưng, cưới được một cô giáo ngây thơ, trong trắng, chưa va chạm với đời. Mừng quá, đêm tân hôn, Hưng ôm chầm lấy Tâm đòi hỏi chăn gối... Tâm run lên lẩy bẩy, nàng sợ điếng hồn cố né tránh. Thông cảm cho Tâm, Hưng từ tốn không vồn vã đòi hỏi ở người vợ trẻ nầy. Cho đến cả tuần, đã quen với hoàn cảnh làm vợ, Tâm mới chịu dâng hiến cho chồng cái quí giá nhất của đời người con gái...
…Một năm sau, Tâm có con. Bao nhiêu tình thương, Tâm dồn hết cho đứa con gái đầu đời của mình. Nàng yêu thương con còn hơn bản thân mình. Con là niềm vui duy nhất của Tâm, chồng chỉ là bổn phận. Tâm sao quá mắn con, hễ “ gặp” chồng là mang “ bầu tâm sự ” vì Tâm vẫn bám trụ sinh sống ở Sài Gòn, Hưng đổi đi đâu cũng mặc...có nhiều người hay đùa:
   - Cô Tâm thắt đáy lưng ong thì nhiều con lắm. “ đàn bà thắt đáy lưng ong đã giỏi chiều chồng lại khéo nuôi con ”...
    Từ khi có con, Tâm quần quật suốt ngày lo nuôi dạy con thơ. Nó là niềm hạnh phúc vô biên của nàng. Nhiều đêm khuya khoắt nằm bên con, nàng tự hỏi “  Mình có thật sự hạnh phúc bên chồng không nhỉ ???!!! ”
Tâm không có thì giờ để trả lời câu hỏi của chính mình, Tâm cũng chẳng rảnh để suy nghĩ vẩn vơ thêm nữa... Giờ đã có con rồi, con là trên hết! Ngoài giờ bắt
buộc phải đi dạy, con của Tâm đã choáng hết cả thời gian còn lại.... Chồng có thuyên chuyển phục vụ ở đâu, nàng cũng không quan tâm đến... Tâm có con bên cạnh là được rồi! nàng tâm nguyện “ Tất cả cho con! Ngoài con ra, cuộc đời mình giờ nầy không cần gì cả! Con mạnh khỏe là niềm vui lớn lao nhứt của đời mình. Con ốm đau là tai nạn của mình... ”
      Thế nhưng cuộc đời Tâm buồn nhiều hơn vui... con cái thì hay đau ốm, bệnh tật... Sanh đẻ bốn lần, nhưng không lần nào có được một người thân bên cạnh. Âu đó cũng là cái số phần quá cô đơn, hiu quạnh của Tâm... Tuy mang tiếng có chồng, nhưng nàng đâu có sống cạnh bên chồng được nhiều thời gian. Chưa một lần được tay trong tay đi dạo đâu đó với chồng dầu chỉ năm ba phút!...
 
      Nỗi đau nào hơn nỗi đau nầy,
      Tưởng rằng hạnh phúc mãi nơi đây!
      Xe duyên kết nghĩa bền tơ tóc,
      Bỗng thoáng mây trôi mắt lệ đầy... 
 
    Đến nỗi, bạn bè thân thuộc của Tâm hay đến nhà thăm viếng phải lên tiếng “ Sao chúng tôi chưa bao giờ thấy hai vợ chồng anh chị ngồi gần bên nhau thế ? Chị ở nhà trên, thì anh ở nhà dưới, chị ở bếp, anh lại ở phòng khách... ”
    Tâm buồn rầu trả lời “ Có Trời mới biết!...”
     Hưng đã không có những cử chỉ tỏ ra thương yêu, chiều chuộng Tâm, mà lại còn tạo ra những mâu thuẫn giữa Tâm và gia đình chàng. Một người chồng nếu thật sự yêu thương vợ, thì phải cố tạo cơ hội cho gia đình bên mình thương yêu, quí mến vợ chứ ? Cũng vì thế những chưởi rủa thậm tệ đủ lời... bà chị chồng còn lớn tiếng hách dịch đuổi mẹ con Tâm ra khỏi nhà khi trong thời gian đầu từ Qui Nhơn đổi vào Sài gòn tạm trú nhà chồng...
   Tâm thầm trách “  Ôi thôi, ông chồng của tôi! sao ông luôn tạo cho tôi những sự hiểu lầm, thêm hố ngăn cách để gia đình ông ghét bỏ tôi đến thế kia? Ông chỉ đặt tôi vào sự việc đã rồi! Mọi việc ông quyết định nói trước với gia đình. Là vợ chồng, nhưng ông không bao giờ bàn bạc trước với tôi bất cứ một việc gì từ nhỏ đến lớn, để tôi có ý kiến và thay ông thực hiện ... ”
Sau năm 75, ngoài giờ phải dạy học ở trường, còn lại bao nhiêu thời gian, Tâm tập trung hết cho các áp phe nầy nọ, như mua bán vòng vàng, hột xoàn, Mỹ kim, chuyển ngân lậu... Tâm đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt cho việc mua bán... Ngày đêm, Tâm luôn luôn phập phồng  lo sợ…
   - “  Mình làm ăn trái phép như thế này, có ngày vào nhà đá như chơi! ...”
    Cảnh tù tội rình rập trước việc làm ăn của Tâm có thể xảy ra bất cứ lúc nào!....  Nhưng vì sự sống còn của gia đình, vì tương lai của các con, Tâm phải cắn răng nhắm mắt làm liều, bất chấp hiểm nguy cho bản thân, trong khi Hưng bị “ đi tù cải tạo”...Rồi sau bao phen bị tù tội vì vượt biên, Tâm chạy vạy lo cho chồng tạm tha, và chạy chọt lo cho cả gia đình ra đi theo diện bảo lảnh, khi Hưng thả về mới có tạm trú trong khi gia đình…
  Tâm chờ chuyến bay đi Mỹ theo diện bảo lãnh. Không biết vì lý do gì, Hưng lên tiếng đuổi hai mẹ con chị Hường ra khỏi nhà ngay lập tức, mà không cho nàng biết trước! Người chị ơn nghĩa đã có công nuôi cha mẹ và Tâm ăn học thành tài khi nàng còn bé. Và dưới chế độ Cộng sản dù có tiền, Tâm cũng không nuôi người giúp việc; nên sau khi cha mẹ Tâm chết, nàng nhắn mẹ con chị từ Huế vào chung sức làm ăn mua bán. Trong khi Phong lo chạy hàng, chị Hường đã thay Tâm lo cho gia đình em út, các các cháu chu toàn để Tâm rảnh tay mua bán làm ăn... Tâm chua chát rủa thầm
 -“ Lòng dạ nào mà ông chồng mình cư xử tệ với người chị ruột và cháu ruột của mình như thế? Có lẽ sợ khi vợ chồng con cái của Tâm đi rồi, cái nhà này sẽ thuộc về tay hai mẹ con Phong chứ gì?...”
   Thật vậy, Tâm vô cùng tức giận khi được cháu Phong đến trường báo cho biết sự việc. Nàng tức tốc về nhà để hỏi cho ra lẽ. Vừa bước vào nhà, thấy chồng đang đứng lớ ngớ ngó trời ngó đất, Tâm phát cáu to tiếng
- “ Lâu nay, tôi đã nói cho ông biết chị Hường là người ơn rất lớn trong đời tôi. Chị đã có công nuôi tôi ăn học đến thành tài như ngày hôm nay. Tôi chưa có dịp nào để trả cái ơn nghĩa cao quí đó. Tôi đã van xin ông cho tôi có một chút cơ hội để gọi là đền ơn chị. Ngày nay, ông nỡ lòng nào cư xử với hai mẹ con chị cạn tàu ráo mán như vậy, nhất là lại tự ý tự quyền, không một lời bàn bạc trước với tôi. Giờ ông với tôi coi như hết tình hết nghĩa rồi! Tình vợ chồng giữa chúng ta đành chấm dứt từ đây! Tôi không thể chấp nhận mãi sự sống chung với ông, người đầu ấp tay gối mà ông vẫn cứ tiếp tục coi tôi quá rẻ rúng, không bằng con ở như vậy! Cuộc đời con gái trong trắng của tôi đã bị ông lường gạt, coi rẻ đến thế là cùng! Đổi lại tôi ở trong cái nhà này với các con tôi. Ông hãy đi đi, hãy về sống với gia đình đầy lòng ích kỷ của ông đi... Hiện nay tôi là cột trụ của gia đình lo làm ăn mua bán; tôi đủ sức đi làm để lo cho gia đình này cơ mà!...”
    Tâm ngao ngán nhớ lại ngày di tản năm 1975...
  -“ Hưng sao quá ít nói, dường như chỉ có miệng ăn, chứ không có miệng nói. Suốt ngày cứ im lặng, chỉ biết nghe, chứ không chịu nói kể cả với vợ con. Chuyện di tản lúc đó là một chuyện rất quan trọng, sống chết của gia đình! Có giấy tờ đi bằng máy bay trong tay...Quyết định đi hay ở, cũng không một lời bàn bạc với vợ để lấy ý kiến chung cho gia đình, may nhờ rủi chịu... Nói chi thốt lời âu yếm tâm tình chuyện trò với vợ... Chán thật! Thế mà Tâm chung sống được hơn ba chục năm, ngoài sức tưởng tượng của mình!....”
Nhưng vì tương lai các con, Tâm đành tỏ qua quyết định “ ly dị ” và âm thầm đau khổ nuốt nước mắt vào lòng để ra đi... Khi đến nước Mỹ, Tâm càng cô đơn lẻ loi một mình. Trước đây khi còn ở Việt Nam , Tâm còn có mấy đứa con nhỏ, bạn bè, chị em người thân lui tới thăm viếng an ủi. Tâm sang Mỹ một thân một mình, không có thân nhân bên cạnh. Tâm cố nén tủi hờn, quên mình để sống bên cạnh các con. Cố đem sức lực làm lụng cực khổ nuôi các con ăn học thành tài... Nay các con Tâm đã khôn lớn hết rồi, chúng đã vuột ra khỏi tầm tay bảo bọc của nàng. Chúng không cần vòng tay thương yêu trìu mến, ôm ấp của mẹ hiền nữa. Chúng khéo léo từ chối những cái vuốt ve, nâng niu, những nụ hôn âu yếm, trìu mến, mà trước đây Tâm vẫn thường ngày đặt lên trên môi, trên má của các con từ lớn chí nhỏ “  Nay con đã lớn rồi, mẹ đừng hôn hít như vậy nữa, con không chịu đâu. Kỳ quá hà!
     Bất ngờ, Tâm bị các con chối từ sự âu yếm, mà bao lâu nay nàng dành cho chúng từ khi mới lọt lòng. Tâm cảm thấy mình bị hụt hẫng ngoài sức tưởng tượng... Tâm ôm mặt khóc thầm. Nàng tủi cho thân phận mình “  Mình không được tình yêu nồng thắm của chồng, ngay từ buổi ban đầu mới cưới . Cho đến những năm tháng  cuối đời, thì cũng còn được tình thương mặn mà của các con nơi xứ lạ quê người. Nào ngờ, nay chúng cũng từ chối nốt thì làm sao mình ngăn được dòng nước mắt than thân, tủi phận đây?!”
 
              Nhớ ngày Tâm mới ra trường,
              Lấy chồng xa xứ, lệ vương mắt Người...
              Tình duyên con chẳng đẹp đôi,
Xứ người, con sống cảnh đời cô đơn.
Suối vàng cha mẹ tủi hờn,
Thương con gái út cô đơn một mình.
Đời con sao quá linh đinh,
Vì đâu nên cảnh duyên tình lở trao.
Nhớ  cha lòng luống nghẹn ngào...
              Thương Mẹ con biết thuở nào tìm ra....
 
    Thật vậy, Tâm cảm thấy mình thật sự bị hụt hẫng trong tình thương của các con. Cô đơn như vây kín tuổi về chiều của một người vợ, một người mẹ nơi xứ lạ quê người... Từ ngày đặt chân lên xứ Mỹ, Tâm chỉ lo chí thú làm ăn không chịu học lái xe, vì ỷ lại đi đâu cũng có chồng hoặc con đưa đón. Tuy không biết bơi lội, nhưng Tâm rất đam mê nhìn ngắm biển cả trong buổi hoàng hôn. Ngoài cái thú được hít thở không khí trong lành, mát mẻ của biển sau một tuần cắm cúi làm việc, thích sống gần với thiên nhiên cho bớt căng thẳng thần kinh... Tâm thích ngồi trên bãi cát, say sưa nhìn những đợt sóng ngoài khơi lượn mình ập vào bờ, làm tung tóe những bọt nước trắng xóa với liên tưởng
  -“  Thân phận mình cũng như những bọt nước đó. Nó sẽ tung tóe và tan biến đi trong vô tình...”  Tự nhiên hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi má gầy hóp của Tâm...
    Nhớ có lần, trong một chiều cuối tuần, con chuẩn bị cùng các bạn đi biển, Tâm nhờ con chở ra bãi biển để thưởng ngoạn, để thỏa mãn thú đam mê của mình, nhưng con lại trả lời làm cho Tâm cảm thấy lòng đau nhói dầu biết rằng con có lý của nó “ Bọn con tuổi trẻ, đi chơi với tuổi trẻ mới thích hợp hơn. Có mẹ xen vào tụi con mất tự nhiên, không thể vui vẻ hồn nhiên được. Mẹ nhờ bố đưa đi để hai người cùng dạo biển luôn “
 Nghe con trả lời có lý, Tâm quay qua ông chồng, âu yếm lên tiếng “  Nay con cái đã lớn hết rồi! Chúng có cuộc sống riêng tư của chúng. Hồi trước, anh đi lính ở xa gia đình, ở nhà một mình em vừa đi dạy, vừa làm thêm, vừa chăm sóc dạy dỗ con cái. Một tay em quán xuyến tất cả mọi việc trong nhà, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ trong ra ngoài, không bao giờ em nghĩ đến bản thân em. Nay con cái đã trưởng thành, vả lại vợ chồng mình cũng đã lớn tuổi, em muốn chúng mình cũng nên hưởng tuổi già. Anh ở nhà cả ngày cũng buồn, suốt tuần em đi làm cũng mệt mỏi. Từ nay, em muốn cuối tuần hai vợ chồng mình cùng đưa nhau ra biển đi dạo trên cát, hít thở không khí trong lành của gió biển, hay vào Park đi bộ cho rảng chân, hoặc đi thăm viếng những thắng cảnh chùa nầy chùa nọ cho vui...”
     Tâm đang nói ngon trớn thì ông chồng của nàng cắt ngang “ Bà muốn đi chơi ở đâu thì cứ đi một mình đi! Tôi chẳng ham thích gì những chuyện ấy! ”
  Câu trả lời tẻ nhạt của chồng làm Tâm cụt hứng và buồn vô cùng! Cố nén lòng lắm, nhưng vẫn có vài giọt nước mắt rơi trên đôi má, Tâm buồn rầu suy nghĩ ...“ Mình không biết lái xe thì làm sao mua xe để mà đi đâu cho được. Nhờ vả bạn bè giúp đỡ ư ? Bạn nào có lòng lắm thì chỉ nhờ vả được đôi ba lần là cùng, chứ ai nào rảnh rang mà giúp mãi cho mình?..”  Thế rồi Tâm nhớ lại...
   ...Có lần Cộng Đồng người Việt tổ chức ngày đi bộ  ở  Park để góp một bàn tay cho thuyền nhân ở Phi Luật Tân. Tâm rủ chồng cùng đi ủng hộ. Vì ích lợi chung của cộng đồng người Việt, nên chồng Tâm buộc lòng phải chở nàng đến địa điểm, thả Tâm xuống một góc đường và hẹn giờ đến đón... Tâm lặng lẽ bước đi trong tủi hờn “  Vợ chồng con cái của người ta sao vui vẻ sánh vai nhau đi như thế? Còn mình, đi đâu cũng chỉ một mình thui thủi... Có vài gia đình người quen cùng đi, xong việc gia đình họ ngồi quây quần dưới gốc cây ăn uống, nói cười vui vẻ sao mà hạnh phúc thế !...”
      Tâm ao ước, thèm thuồng... nhìn lại thân phận mình, mặt mũi mình cũng không đến nỗi tệ, tại sao chồng mình lại không muốn sánh vai cùng đi đây đi đó cho vui “ Mình có lầm lỗi gì trầm trọng lắm sao, mà chồng luôn luôn tránh né không muốn đi đây, đi đó cùng với mình nhỉ? Dường như ông ta có ý muốn xa lánh mình thì phải? Từ ngày cưới đến nay, hơn bốn, năm chục năm rồi, vợ chồng ăn ở với nhau có bốn mặt con đã khôn lớn. Đêm nằm đâu lưng với nhau, không một vòng tay âu yếm, lời nói ngọt ngào êm dịu...Con cái đã có gia đình hết ba đứa rồi. Thế mà một nụ hôn, chồng cũng tiếc rẻ, một lời âu yếm cũng không ban phát để cho mình cảm thấy mản nguyện... để mình tự cảm nhận rằng mình cũng được chồng thương yêu nồng thắm lắm lắm...”
 Những lúc mệt mỏi đi làm về đến nhà, Tâm  chỉ  mong “  Chồng mình sẽ ân cần thăm hỏi vài lời. Chàng sẽ âu yếm ngồi cạnh nhau bên mâm cơm, tỏ vài cử chỉ thân mật mời mọc những món ăn nóng sốt...” Có những lúc, Tâm thèm ngồi cạnh chồng nơi phòng khách để xem truyền hình, nhưng Tâm vừa ngồi xuống, thì chồng nàng vội đứng lên đi chỗ khác. Sự việc xảy ra nhiều lần làm Tâm vô cùng tự ái. Và nàng tự hứa với lòng
-“  Mình sẽ không bao giờ tìm cách ngồi cạnh bên chồng nữa... Tình nghĩa vợ chồng, ngay từ đầu đã không tha thiết mặn nồng, mà lúc lớn tuổi lại càng nhạt như nước ốc, buồn chán thật!... Không biết chồng mình có thật sự thương yêu mình không? Nếu không thương sao đi cưới mình làm gì? Hay chỉ bỏ tiền ra cưới một cô giáo trẻ, có nhan sắc không đến nỗi tệ để giải quyết sinh lý cho ông ta khi cần, và là cái máy đẻ cho chàng có con nối dõi tông đường? Nếu không, tại sao ông nở lạnh lùng và cứ mãi lạnh lùng với mình đến như vậyKhông biết có người mẹ nào trên đời nầy thương con như mình đã dành trọn cho các con  không nhỉ? Nếu như mình, cũng như bố chúng cứ buông thả và chìu theo mọi ý thích theo tự do nông nỗi của tuổi trẻ dại khờ muốn ăn chơi đua đòi đàn đúm bạn bè, không lo học hành thì tương lai chúng sẽ về đâu? Chúng có thành đạt như ngày hôm nay không để rồi oán trách mẹ khó khăn ngăn cấm!...
    Thật vậy khi sang bên Mỹ, Tâm chợt cảm thấy mình thật có lỗi với các con. Với lối giáo dục của Tâm, không biết khi nào các con mới được khôn ngoan ra?...Và có thể đây là lý do các con xa rời mẹ, không xem mẹ nó là người bạn thân thiết để chuyện trò tâm sự, hỏi ý và hay có ý phiền trách nàng làm chúng ngu khờ nhút nhát... “  Đi một ngày đàng, học một sàng khôn  ” với  lối giáo dục khắt khe đối với con cái, nhưng một sớm một chiều nàng chưa bỏ được!... Tâm cũng trông, cũng ngóng, rồi cũng thở phào nhẹ nhõm khi chúng về đến nhà. Hôm nào có đứa về trễ, Tâm đứng ngồi không yên, như đang ở trên đống lửa. Con mới bước chân về, nàng vội hỏi “ Con đi đâu về trễ thế, làm mẹ lo lắng quá! ”
    Con cái Tâm không hài lòng, hứ hé, càu nhàu hoài mà Tâm cũng không bỏ tật lo lắng thái quá như vậy...“ Khi nào mẹ cũng nghĩ chuyện xấu xảy ra cho tụi con !”
    Thật lòng Tâm đâu phải thế, nhưng vì nỗi lo sợ tai nạn chết chóc ám ảnh suốt đời Tâm từ khi khi mới lập gia đình... Số là sau đêm động phòng hoa chúc, Hưng bị tai nạn thảm khốc khi lái xe đưa gia đình ra sân bay về Sài Gòn, và sau đó hai lần suýt bỏ mạng khi bị lật xe trên đường công tác... Còn rất nhiều lần Tâm phải hồn phi phách tán vì Hưng đi công tác theo đoàn xe “công voa ” lại nghe tin bị mìn, VC chặn đường đánh phá...  Ngoài ra Tâm quá thương con, tại tánh sợ sệt hay lo xa.... Mặc dầu biết lo như thế chỉ làm phiền phức cho chồng, cho con mà thôi. Tâm muốn bỏ cái tính lo đó vô cùng nhưng chưa bỏ được. Lo nhiều quá cũng khổ thân mình thôi với tâm thần bất an như người mang bệnh thần kinh, mất ăn mất ngủ, lại phải uống thuốc ngủ tối ngày... Tâm biết thế, nên đã từng ao ước “ Có một viên thuốc thần diệu nào đó, uống vào làm cho mình trở nên bạo dạn, không lo sợ viễn vông nữa... Thuốc đó giá mắc cỡ nào mình cũng nhịn ăn nhịn mặc ráng mua uống, để không còn làm phiền con cái vì cái tật hay lo của mình một cách thái quá! ”
    Tâm rất nhác gan, sau 75 phải dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển trên chiếc xe đạp nhỏ thấp tối đa, đi nép bên lề đường, khi băng qua đường phải trụt xuống nhắc sang đường. Sang đây phụ thuộc vào chồng con đưa đón trong phiền phức càu nhàu... Đi làm thì phải quá giang bạn bè... Nhưng rồi khi chán đời muốn biến mất trong cuộc đời, nên tập lái xe... không sợ chết nữa... thế rồi Tâm đã biết lái xe, để không phải làm phiền ai đưa đón. Nay Tâm muốn ra biển hứng gió, ra Park để ngắm cây cỏ hoa lá, đi họp bạn... là vài phút sau được toại ý... Thật đúng với câu “ Tái Ông mất ngựa ”
Số Tâm là vậy đó... không nhờ chồng, phải tự lực cánh sinh. Khi về làm vợ đến nay, từ việc lớn đến việc nhỏ trong nhà... Tâm  một mình phải quán xuyến hết, ngay cả muốn kê cái bàn, dời cái giường, leo ghế treo tấm tranh... cũng lui cui làm một mình trước đôi mắt thờ ơ của chồng ... Tâm muốn thì tự làm lấy, chồng không có ý kiến, nên dửng dưng không đóng góp vào việc nàng làm. Khi chồng làm ra tiền, thì bị nhà chồng chửi rủa, vì bị hiểu lầm do chồng không biết bàn bạc cùng Tâm mà ra. Rồi nay thất nghiệp, cũng tự Tâm lo hết... Sở dĩ Tâm kéo dài cuộc sống với chồng được mấy mươi năm, là vì thuở đó quanh năm suốt tháng, Tâm đã dành hết thì giờ cho đám con bé nhỏ. Con cười là Tâm vui, con đau ốm là nàng buồn bã vô cùng, mất ăn, mất ngủ.... Tâm quên thân xác nhọc nhằn này cho các con! Nhưng nay, các con đã khôn lớn, có nghề có nghiệp đã yên bề gia thất. Tâm không thể tự đày đọa xác thân nàng nữa.... Tâm phải sống cho nàng trong những tháng ngày cuối đời! Tâm không muốn hàng ngày phải đối diện với cái lạnh lùng nhạt nhẽo của chồng.  Ngày càng lớn tuổi, nhan sắc đã tàn phai, Tâm cũng muốn yên phận, cho hết một phận /người dù không được hạnh phúc. Nhưng càng ngày càng thấy ngộp thở hơn khi đếm thời gian trôi qua một cách chậm chạp, nặng nề...
    Tâm không thể chịu đựng được nữa, nên chọn ra sống một mình! Sự sống này nàng tự chọn lấy, cũng như ngày nào nhắm mắt chọn người bạn đời chung sống, nhưng rủi thay không như lòng mong ước lãng mạng...Cuộc sống của Tâm do nàng tự chọn, không oán trách một ai. Nàng chỉ thầm trách số mạng mình sao quá hẩm hiu ...
 
  Thôi đành cam chịu thiệt thòi,
  Tơ duyên cam chịu lẻ loi một mình...
 
 Như lời các bà thầy bói vẫn rót bên tai Tâm khi nàng buồn, tìm đến với họ nhờ vấn kế...“ Hồng nhan bạc mệnh ” số phải ngủ một mình! Buồn thật!!! Cũng như Nguyễn Công Trù đã để lại mấy câu thơ bất hủ...
 
             “ Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
               Trần có vui sao chẳng cười khì?! …”
 
     Đúng vậy, con người sinh ra trong bể khổ. Từ nhỏ phải lo ăn học, lớn lên phải chen chân vào cái xã hội: lọc lừa, bon chen… để tìm miếng cơm, manh áo. Dấn thân vào bánh xe của cuộc sống với bao hoài bão, mơ ước không ngừng nghỉ, để tự làm khổ mình. Nếu mình tự cho là đủ thì là người hạnh phúc thôi! Cuộc sống cũng vô vị, nếu mình không sống trong một gia đình hạnh phúc. Rồi tháng ngày qua nhanh cái bệnh, cái già sồng xộc vội đến...
       Chẳng biết kiếp trước Tâm có làm điều gì ác đức lắm hay sao? Mà kiếp này, dù Tâm đã làm biết bao nhiêu điều lành mà vẫn cứ lận đận truân chuyên mãi. Con người Tâm cũng có tâm từ lắm chứ ! Hưởng ứng lời kêu gọi nồng nhiệt của cộng đồng -Người này chết không có tiền chôn, giúp đỡ kẻ tàn tật, thương phế binh, cô nhi quả phụ. Luôn luôn Tâm đóng góp rất nhiệt tình. Mấy năm trước, đi dự bữa cơm gây quỹ của nhóm ‘ Cây Dừa Nha Trang ’, Tâm đã đứng ra bảo trợ cho hai sinh viên Việt Nam nghèo đang học Y khoa, với lý lịch cha mẹ là giáo viên, gia cảnh khó khăn... Để rồi hàng năm gởi tiền về đóng học phí cho chúng. Khi ra trường, chúng trở về quê hương nghèo khổ giúp lại kẻ nghèo khổ. 
  Tâm  thiết nghĩ “ Việc này cũng là công tác nhân đạo thiết thực cho xã hội Việt Nam. Mình chỉ tưới tí nước bón tí phân, để cây ra trái và đem hữu ích cho người nghèo khó cần Bác sĩ  chữa bệnh”...Rồi thì thỉnh thoảng gởi tiền cho chị Hậu nấu bữa ăn cho người nghèo. Gởi cho Hòa mua gạo mang vào chùa giúp mấy cụ già phải tha phương cầu thực. Những việc nhỏ này, chỉ là hạt muối bỏ biển, nhưng nó phát xuất tự tấm lòng biết thương người như thể thương thân của Tâm ! Ước gì Tâm có thật nhiều tiền, để có đủ sức giúp cho những người nghèo khổ. Mỗi khi ra đường, nhìn thấy cảnh người nghèo khổ, ăn xin là Tâm rất động lòng, buồn bã mấy ngày liền. Giờ Tâm còn nặng nợ trần gian, phải sống lăn lộn với đời để trả nợ. Một ngày nào đó, có lẽ Tâm sẽ vào chùa để cho tâm hồn lắng đọng trước bao đau thương của cuộc đời ô trược này. “ Hỉ, Nộ, Ái, Ố… ” sẽ không còn trong lòng Tâm!  Nay Tâm  như con chim mẹ bảo vệ đàn chim non đến hơi thở cuối cùng. Dù mưa gió bão bùng cũng xòe đôi cánh yếu mềm ra che gió che mưa cho chúng an bình trước bao đe dọa của mọi tình huống xấu  “  Cha mẹ thương con biển hồ lai láng, con thương cha mẹ kể tháng kể ngày ” Nhưng thôi, đó là luật tạo hóa “  Nước mắt chảy xuống ”
   Ngày tháng cứ hững hờ trôi qua một cách chậm chạp và rồi cuộc sống buồn tẻ cũng trôi theo thời gian... Trong thời gian thất nghiệp, Tâm đi học điểm huyệt chữa bệnh, học sử dụng máy điện toán, viết văn làm thơ, làm báo... Rồi lấy đó làm niềm vui cho mình, qua bạn bè, thân cũng như sơ giao, rủ nhau đi nghe nhạc, lễ chùa, lăn xả sinh hoạt trong cộng đồng…
 
Đêm buồn trở giấc suốt năm canh,
Thao thức thâu đêm tủi phận mình. 
Vừa mới ra trường nhiều phận bạc,
Có chồng, đánh mất tuổi ngày xanh.
 
Chẳng chút thương nhau lại lấy nhau,
Chỉ làm tổn hại nỗi buồn đau.
Để nghe con trách con hờn oán,
Tủi phận làm sao tóc ngã màu...
 
Mẹ biết con buồn trách mẹ thôi,
Mẹ không tâm sự hết khúc nôi.
Giữa cha và mẹ con đâu biết,
Uẩn khúc con ơi cả cuộc đời.
 
Nay mừng con cái đã nên danh,
Mẹ muốn an thân sống một mình.
Mẹ không đòi hỏi con chăm sóc,
Mong được các con hiểu sự tình...
 
Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét