Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Trường Quốc Học kỷ niệm 120 năm & Đồng Khánh 100 năm ngày thành lập trường

Garden Grove/ Nguyễn Ninh Thuận- Trưa Chủ Nhật 12-3-17, 
  
Thầy Cô Giáo và cựu Học sinh hai trường Quốc Học & Đồng Khánh Huế đã tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày thành lập trường Quốc Học, 100 năm ngày thành lập trường Đồng Khánh tại nhà hàng Seafood Place số 12181 Brookhusrt St Garden Grove CA 92843 trong không khí mừng vui, đoàn tụ đã tiếp đón hơn 400 quan khách tham dự.
<!> Được biết trong các trường Trung Học tại miền Nam trước năm 1975, trường Trung Học Khải Định (Quốc Học) và Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh tại thành phố Huế, là hai ngôi trường được xem là lâu đời nhất. điều đặc biệt là hai ngôi trường này được xây dựng ở sát cạnh nhau, bên bờ hữu ngạn sông Hương/ Huế, chỉ cách một con đường nhỏ là Nguyễn Trường Tộ. Hai ngôi trường nam nữ cùng hiện diện trong thành phố Huế mộng mơ, lại ở sát cạnh nhau, nên từ xưa đến nay đã tỏ ra khắng khít trong mọi sinh hoạt..Do đó các cựu học sinh hai trường lớn lên, trưởng thành đã có những mái gia đình chung.
    Sau nghi thức khai mạc, ban văn nghệ Quốc Học-Ðồng Khánh đồng ca bài “Quốc Học Trường Xưa” của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương. MC Như Hảo giới thiệu Quan Khách, Thầy Cô Giáo, các cơ quan truyền thông báo chí về tham dự…
  
Mở đầu chương trình, BS Võ Đình Hữu, Trưởng Ban Tổ Chức đọc diển văn chào mừng Quan Khách, Thầy Cô Giáo, cùng tất cả đồng môn. Ông trình bày những khó khăn trong quá trình chuẩn bị tổ chức lể, nhờ sự động viên của Thầy Cô giáo & sự đoàn kết của tất cả các thành viên trong BTC, có đọan đọc thơ: “...Ngày xưa còn nhỏ tao mi/Ngày nay đã lớn vẫn còn mi tao/Giờ đây, mi có “mần” chi/Tình thân bạn cũ cả đời mi tao. Chúng ta chung một mái trường, chung một đất nước, một quê hương, thì không có lý gì mà giận hờn nhau cả, chúng ta rất vui mừng cho buổi họp mặt rất đông đảo này, dù cho ban tổ chức có chút gì sơ sót...Ngày xưa, chúng ta đã đóng góp rất nhiều trong tiến trình phát triển của đất nước Việt Nam. Khi ra hải ngoại, cựu học sinh Quốc Học và Ðồng khánh vẫn tiếp tục công việc đó, vẫn tiếp tục đóng góp cho cộng đồng, vẫn tiếp tục đi vào vòng chính làm phồn thịnh cho đất nước này! Nhưng quan trọng, là chúng ta không bao giờ quên quê hương, và mong rằng, sẽ có một ngày nào đó chúng ta sẽ trở về. Và ngày vui nhất là ngày chúng ta được tổ chức Quốc Học-Ðồng Khánh hội ngộ của hai trường trên bờ sông Hương. Tôi nghĩ rằng, ngày đó sẽ không xa, vì chúng ta đồng tâm hỗ trợ cho tất cả những cuộc đấu tranh của đồng bào trong nước...”
   
 Tiếp theo, Ô. Nguyễn Minh Trì đọc tiểu sử trường Quốc Học “Trường Quốc học Huế thành lập ngày 23/10/1896, theo sắc dụ của vua Thành Thái thời nhà Nguyễn. Tên được đặt đầu tiên là Quốc Học, gọi tắt cuả Quốc Gia Học Đường( Collège Quốc Học). Năm 1936, trường mở thêm cấp 3 lấy tên là Lycée Khải Định, đến năm 1960, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trường lấy lại tên cũ là Quốc Học, là trường trung học đệ nhất cấp đầu tiên ở Huế. Ngay từ lúc sáng lập, được dạy bằng tiếng Việt cùng với tiếng Pháp…”
   
Nối tiếp,  Hội phó Công Tôn Kim Chi, đọc tiểu sử của trường Ðồng Khánh “ Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi trường này diễn ra vào ngày 15 tháng 7 năm 1917, với sự hiện diện của Vua Khải Định. Đây là ngôi trường nữ học đầu tiên và duy nhất dành cho nữ sinh cả 13 tỉnh Trung Kỳ lúc bấy giờ. Từ 1919, trường mang tên Cao đẳng tiểu học Đồng Khánh. Từ 1955- 1975, trường được gọi là trường Nữ trung học Đồng Khánh có thêm Đệ Nhị cấp…Trong khi quan niệm, thế giới của phụ nữ vẫn là sau cánh cửa, thì việc thành lập ngôi trường Nữ Ðồng Khánh là một sự kiện mới mẻ và trọng đại; thêm vào đó nền giáo dục khoa bảng Việt Nam đầu thế kỷ 20 còn quá giới hạn cho nam giới, thì nói chi đến nữ giới! Khi thành lập trường Ðồng Khánh, người Pháp chỉ có mục đích duy nhất là đào tạo phụ nữ An Nam biết tiếng Pháp, để phục vụ chính quyền bảo hộ, nên trong mấy thập niên đầu, hiệu trưởng vẫn là người Pháp. Họ quên rằng, phụ nữ Việt Nam, mang dòng máu Trưng Triệu, đã là những nhân tố của dân chủ, độc lập, tự do, và bình đẳng; nay với mái trường Ðồng Khánh và những luồng gió Tây học đã tạo cho phụ nữ Việt Nam trọn vẹn vai trò: Trong cánh cửa tròn vai nội tướng, ngoài xã hội biết kề vai sát cánh với nam giới trong công việc xã hội, kể cả việc đấu tranh cho tự do và quyền làm người…”
   
BTC xướng danh nhiều mạnh thường quân tặng quà, để BTC tặng Thầy Cô Giáo. BTC lên trình diện trước quan khách…
     
Trưởng ban phụ trách chương trình phụ diễn văn nghệ năm nay là Cô Trần Bạch Lan. MC: Bùi Bích Hà
     Mở đầu  chương trình văn nghệ, Vũ Đoàn Đình Luân Việt Cầm với y trang trắng toát trong vũ khúc “ Lưu Thủy Kim Tiền ” được quan khách vỗ tay không ngớt. Chương trình văn nghệ rất hay & phong phú với rất nhiều điệu vũ đầy màu sắc dân tộc của các đoàn thể đóng góp như:-Chiều Lên Bản Thượng/ Đoàn vũ Hậu Duệ Ðền Hùng-Non Nước Hữu Tình- Hoạt cảnh Hò Giã Gạo-Nhạc cảnh “ Mừng Xuân Mới/CĐ Pomona- Hò Huế/ Bích Thuận-Múa Bụng Ấn Độ/ thiếu nhi- Ngâm thơ giọng Huế/anh Thẩm; nhiều & nhiều đoàn thể giúp vui qua những tiếng hát của cựu học sinh Quốc Học-Ðồng Khánh và thân hữu Trưng Vương, Minh Phượng, Nguyễn Cao Nam Trân…
  
Chúng tôi & rất nhiều quan khách ở lại cho đến khi chương trình chấm dứt để thưởng thức chương trình văn nghệ quá hay với cái hẹn năm tới sẽ gặp nhau trong ngày Đồng Khánh/Quốc Học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét