Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

CON TÔI & NHỮNG BÀI HỌC ĐẠO ĐỨC - Nguyễn Ninh Thuận

(Hình minh hoạ)
        Đã hơn năm chục năm trôi qua mà những bài học luân lý, đạo đức của các Thầy Cô giáo dạy lúc tuổi thơ vẫn còn khắc sâu trong trí óc Tâm. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ! Mới ngày nào Tâm là một cô bé ngây thơ, chỉ biết ăn, ngủ, vòi vĩnh, nhỏng nhẻo với cha mẹ và anh chị em trong gia đình…Ngày hai buổi, cô Bé tung tăng cắp sách đến trường Tiểu học Hải-Chánh của quê nhà. <!>
Thế rồi theo vật đổi sao dời, vận nước đổi thay… nàng đã là một người vợ của lính trong thời chinh chiến. Ngày đêm Tâm đã dõi mắt theo từng bước chân của chồng trong những trận ác chiếc ác liệt. Cuộc đời của lính lắm gian khổ, sinh mạng con người như chỉ mành treo chuông…Và cuộc đời vợ lính cũng phụ thuộc theo sự trôi nổi của chồng!…Rồi thì với thiên chức làm mẹ, Tâm đã một đời lao tâm, lao lực nuôi dạy con thơ… Cho đến khi đất nước Việt Nam nằm trên bàn cờ chính trị, Miền Nam hoàn toàn bị nhuộm đỏ bỡi chủ nghỉa Cộng Sản. Một số người may mắn sớm ra đi bằng đường hàng không, ghe tàu sẵn có, Họ sớm định cư ở các nước tự do trước ngày 30 tháng 4 năm 75. Sau tháng tư đen, một số người tìm đủ mọi phương tiện để vượt biên tìm đến chân trời Tự Do. Nhưng để đổi lấy hai tiếng Tự Do, họ phải đổi bằng tất cả tài sản và sinh mạng của gia đình, bà con thân thuộc và ngay chính bản thân của mình nữa!…Đa số còn lại với tương lai tăm tối... trước mặt là ngõ cụt! Biết làm sao đây? Họ đành câm nín và sống lây lất với số phận an bài!…Tâm nằm trong thành phần này! Bây giờ gánh nặng gia đình đè lên hai vai bé bỏng của nàng. Ngoài việc nuôi dạy con thơ, Tâm phải bương chải, lăn lóc ra chợ buôn bán kiếm thêm tiền nuôi sống các con và gồng gánh những gói quà ân tình trèo non lội suối đi thăm chồng trong trại “Tù cải tạo”. Nói sao cho hết những đoạn trường… ai có qua cầu mới hay!
       Với đồng lương chết đói của giáo viên, Tâm đuổi theo cuộc sống tất bật trước mắt đến phờ người…Nàng lên lớp với “giáo án sáo ngử ”. rồi “tiết tốt”, “thăm lớp dự giờ”, học tập nghị quyết của Đảng đề ra…choáng hết thời gian! Những bài học truyền đạt cho đám học sinh là những bài ca tụng Bác và Đảng, những chiến công của các anh hùng của chủ nghĩa Cộng Sản! Miệng Tâm nói thao thao bất tuyệt, nhưng là những rập khuôn theo chế độ đề ra. Miệng thì nói, nhưng tâm trí nàng lại nghĩ :
     - Mình đang là một trong những “kỹ sư của tâm hồn”! Nhưng thế hệ này bị nhồi nhét những ý tưởng quá sắt máu, quá hận thù, quá giáo điều của một chủ thuyết đã lỗi thời! Những gương anh hùng dân tộc qua công cuộc dựng và giữ nước của các bậc tiền nhân từ đời Hùng Vương trãi qua bốn ngàn năm văn hiến nay còn đâu? Nay chỉ toàn là đánh bóng tô son hình ảnh Bác và Đảng mà thôi! Còn nữa, những bài học luân lý đạo đức sao không nghe nói đến! Thế hệ tương lai là những con người mất gốc, chỉ nhắm mắt lao theo những gì chế độ cố nhào nặn tạo ra!…
     Tâm như người chèo thuyền trên dòng sông. Nếu như dòng sông, nước chảy êm đềm, nàng được buông tay chèo để cho con thuyền nương theo dòng nước trôi đi nhẹ nhàng, êm xuôi. Nếu như phải qua thác, qua ghềnh, không may lại gặp phong ba bão táp thì phải tay chống, tay chèo; Tâm phải đem hết sức lực ra thi gan với nghịch cảnh…Trong thời gian này Na, đứa con gái đầu lòng của Tâm mới hơn năm tuổi, cái tuổi chỉ biết ăn ngủ vòi vĩnh và nhỏng nhẽo. Tâm nhớ laị…
    …Ngày đầu tiên đến mẫu giáo, Na còn nắm áo mẹ, không chịu vào lớp và khóc nhè đòi về. Cô giáo đến bên nhỏ nhẹ xoa đầu Na:
  - Em theo cô vào lớp đi, bên trong bạn bè đang chờ em vào cùng vui chơi đó! Trong đó vui lắm, em đừng sợ!...
    Na đang dùng dằn với nước mắt lưng tròn, Tâm vỗ về an ủi và tự tay đưa con vào chỗ ngồi hẳn hoi. Là chỗ đồng nghiệp với nhau, Tâm ở lại đôi phút chuyện trò với cô giáo với lời gởi gắm chân thành…Thấy Na thích nghi với lớp học mới, Tâm len lén rời khỏi lớp học. Tâm  không yên lòng vì biết tính con rụt rè, nhút nhác… nên Tâm trốn vào một góc trường theo dõi hành động của con. Sau hơn một giờ nghe ngóng động tỉnh, Tâm thấy tình trạng khả quan, nên vội vã ra về vì  còn hai con nhỏ ở nhà trông ngóng mẹ…Theo thời gian Na lớn dần và lên học tiểu học. Là chị cả của các em, Na là tấm gương cho các em noi theo về học lực. Trong cấp tiểu học, Na luôn luôn nhất nhì lớp. Không những thế, Na biết Ba phải “ Đi tù ” nên cháu nó biết lo trước tuổi trong mọi công việc gia đình nào là giúp mẹ chăm sóc các em, trông coi dọn dẹp nhà cửa. Nhà Tâm ở gần chợ, nên Na còn phụ mẹ đi chợ mua lặt vặt rau trái…
Ï   Theo năm tháng Tâm gìm giử tay chèo, chồng Tâm được thả về với thân tàn ma dại, nay ốm mai đau... Sau thời gian chữa trị lành mạnh, Tâm tìm đường cho chồng và Na vượt biên, vì thấy tương lai đen tối trước mắt... Nhưng không ngờ đường dây đi dỏm, nên cha con bị tù. Na còn bé nên được thả về sớm. Riêng chồng Tâm vì còn nặng nợ với tù đày, nên từ Hộ Phòng chuyển xuống trại Rạch Gừa một thời gian rồi bị đày xuống làm ruộng dưới gần cửa biển Sông Ông Đốc. Trong thời gian này, một tháng Tâm gồng gánh quà đi thăm nuôi chồng một lần. Mỗi lần đi về phải mất bốn ngày đường. Tưởng đâu chồng Tâm phải đi tù mút mùa, vì khi bị bắt khi chàng chưa kịp thủ tiêu giấy “ra trại học tập cải tạo tạm thả về” May nhờ có người quen chỉ đường, Tâm lo lót mấy cây, nhưng chàng cũng bị tù đày gian khổ gần bốn năm. Trong thời gian này, Na lên học trường Trung Học Cao Bá Quát thuộc Quận Phú Nhuận. Na vẫn học nhất nhì trong lớp và chỉ dạy cho ba em nhỏ hàng ngày. Những lần mẹ đi thăm ba, Na thay mẹ quán xuyến công việc trong nhà ba bốn ngày dưới sự trông chừng của hàng xóm láng giềng. Trong thời gian đó ngoài đi dạy học, Tâm phải lao ra chợ buôn bán kiếm tiền nuôi chồng nuôi con. Những đêm nằm bên con, Tâm ứa nước mắt nghe Na thủ thỉ:
   - Con thương mẹ quá! Nhưng con đâu biết làm gì ra tiền phụ giúp mẹ bây giờ!
   Cố nuốt nước mắt vào lòng, Tâm ôm con vào lòng vỗ về:
   - Tội nghiệp con tôi còn bé bỏng quá mà sớm biết suy nghĩ hơn thiệt…Con giúp mẹ chăm sóc nhà cửa và trông em như thế là đầy đủ quá rồi! Mẹ chỉ muốn con học giỏi thôi!
    - Con hứa với mẹ bây giờ con học giỏi và về sau cũng sẽ học giỏi luôn. Con sẽ học lấy bằng kiếm tiền  nuôi  ba mẹ và các em…
    - Con ngoan quá, thôi đi ngủ sớm, để mai còn đi học và giúp mẹ quán xuyến gia đình nhé con!
    Hai mẹ con im lặng trong bóng tối và mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau... Nhưng rồi là trẻ con, nên một lát sau Tâm nghe tiếng ngáy đều của con thơ, và trong giấc ngủ, thỉnh thoảng Tâm nghe tiếng ú ớ của Na vang lên… Tâm vổ về con và ôm mặt khóc thầm trong bóng đêm mà thầm nghĩ:
    - Không biết Na đang mơ gì ? Chắc không phải là giấc mơ đẹp của tuổi thơ đâu! Rồi tương lai đen tối của gia đình mình sẽ về đâu? Và các con trẻ sẽ ra sao?!…
    Thời gian chậm chạp trôi qua một cách nặng nề trong sự chịu đựng của toàn thể gia đình Tâm. Thế rồi qua bao vật đổi sao dời, khắt khoải chờ mong… chồng Tâm được thả về trong sức khỏe yếu kém vì lao động quá sức. Cùng lúc đó, cô em chồng Tâm gởi giấy bảo lãnh cả gia đình đi đoàn tụ. Khi đó chồng Tâm mới chỉ được tạm trú trong hộ khẩu, nhưng  trong sự chạy vạy của Tâm qua bạn bè chỉ bảo và Tâm đã nạp được đơn đi đoàn tụ và chửa bệnh vào năm 84-85 và đầu năm 87 ra đi, khi đó chưa có chương trình H.O.  Tâm cứ nghĩ :
   - Chắc gia đình mình đi theo diện ODP đi thẳng sang Mỹ…nhưng mình cứ chuẩn bị nồi niêu, soon chảo, vật dụng linh tinh cho cuộc sống ở đảo Phi Luật Tân, cùng mua những mặt hàng có thể bán đi để chi tiêu như cafe, đồ thêu, tiêu, trà, đồ mây tre…
   Đúng như dự định, gia đình Tâm sau khi làm thủ tục ở Thái Lan đã được đưa sang đảo Batan học anh văn chỉ  bốn tháng, thay vì như những khóa khác phải ở lại sáu tháng. Trong thời gian này Na học ở trường BAS . Cuối khóa học, Na là học sinh giỏi nhất và được lảnh huy chương vàng do nhà trường trao tặng trong buổi lễ thật long trọng. Các em Na cũng không thua chị, cũng là những học sinh giỏi. Ngoài giờ học, Na phụ giúp ba mẹ chỉ dạy các em học tập, giặc đồ, nấu ăn, đi canh lấy nước…Tâm hằng nghĩ:
    - Như người xưa vẫn nói, mình chỉ cần dạy dỗ cháu lớn kỹ và đứa lớn là đầu tàu cho đàn em noi gương theo…
     Sau thời gian rèn luyện văn hoá và chuẩn bị hành trang thích nghi với nếp sống ở Mỹ, gia đình Tâm đến Mỹ trước lể “ Ma Qủy” mấy hôm. Và gia đình Tâm được định cư ở Little Sàigòn. Nàng ra đi với hai bàn tay trắng, sinh sau đẻ muộn. Tâm lại lao vào cuộc sống xứ lạ quê người, để gầy dựng sự nghiệp với cuộc sống khó khăn trước mắt. Tất cả nỗ lực lo cho các con học hành nên người… Ban ngày lao động chân tay để kiếm tiền lo cho gia đình. Dù có cực nhọc thân xác, nhưng trí óc nàng rất thanh thản, không sợ tiếng gõ cửa về đêm của bọn “bò vàng” trong những ngày sống trong ngục tù Cộng Sản. Nay, những đêm nằm bên con, Tâm  đem những học thuộc lòng  đã ăn sâu vào trí óc non nớt của nàng khi học tiểu học ra ngâm nga cho chúng nghe. Có khi quên lời thơ, Tâm cố diễn tả đại ý công dân giáo dục và đạo đức qua lời thơ của mình. Rồi những câu ca dao tục ngữ, những bài ngụ ngôn mà các con không có dịp học trong mái trường XHCN. Tâm đọc lại từng đêm để con trẻ thấm nhuần những ý tưởng đạo đức của con người…
        
           Ruột Già và Ruột Non.
 
           Ruột Già trách móc ruột Non:
          - Lại đây ta bảo, nhóc con câu nầy:
           Tao già, nhịn chú lâu nay,
           Trẻ con dám đứng trên đầu của tao!
          - Rằng tôi đâu dám trèo cao,
          Trẻ già, già trẻ, tôi nào biết đâu!
          Chẳng qua tên gọi khác nhau
          Trẻ già đoàn kết, việc nào chẳng xong!
 
            Tay và Chân
     
         Có một ngày kia
         Chân tay đổi việc
         Tay thì đi thử
         Chống xuống đất đen
         Ngã ngã, nghiêng nghiêng
         Không sao bước nỗi
         Chân thì cầm bút,
         Nghệch ngoạc như ma
         Không sao thành chữ
         Đứng thở hồi lâu
         Sau mới bảo nhau
         Thôi đừng đổi bậy
         Người nào việc nấy
         Là luật hóa công
         Tính chuyện viễn vông
         Chỉ làm hư việc!”
 
      Quả Sung và Cái Nấm
 
       Quả Sung cao ở trên cành,
       Rơi vào cái nấm, tan tành thịt xương…
       Nấm rằng : " Sao chút lòng thương,
       Làm cho khốn khổ nấm hương thế này !"
       Sung ta lên mặt cải ngay,
       "Sá chi bùn đất, lũ mầy đáng khinh! "
       Nấm rằng, " sao quá hợm mình,
       Xét xem ai trọng ai khinh đã nào ?
       Tôi thì được nấu, được xào,
       Còn anh cho lợn cám nhào với sung...”
 
      Ngoài những bài học Tâm ngâm lên, là con trẻ hiểu liền. Tâm còn tìm mua những sách ghi lại những câu ca dao tục ngữ, mà điển hình như những câu :
- Có công mài sắt, có ngày nên kim.
- Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
- Một cây làm chẳng nên non,
  Ba cây chụm lại, nên hòn núi cao.
- Bầu ơi thương lấy bí cùng,
  Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn!
 - Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
  Người trong một nước phải thương nhau cùng!...  

Những câu ca-dao tục-ngữ, nói lên những lời khuyên lơn, răn dạy nhiều vô số kể... Tâm cứ tìm tòi, mua cho các con đọc. Nàng hy vọng không nhiều thì ít, cũng bổ ích cho cuộc sống của chúng và biết đâu mai sau chúng truyền dạy cho con cháu, cho những thế hệ kế tiếp ...
    Ngoài ra Tâm còn kể những chuyện của thế thái nhân tình cho các con nghe...
 Chuyện ngụ ngôn về mấy con cua trong giỏ! Tất cả đều muốn thoát ra khỏi cái giỏ ấy. Nhưng chúng cứ níu kéo, rị nhau, không cho con nào bò ra khỏi miệng giỏ. Hễ con nào ngoi lên được cũng bị đồng bọn níu kéo xuống. Có khi chúng níu kéo nhau đến sức càng gãy gọng và đuối sức luôn!...
   Nhân câu chuyện nầy, Tâm muốn các con của nàng hiểu rộng thêm. Ở đời có những hạng người “không lấy cũng khuấy cho hôi”! Và cũng không thiếu những người có lòng ganh tị. Mình không bằng người ta, nhưng không muốn người ta hơn mình!...Đó là những thói hư tật xấu mà các con nên tránh. Ngoài ra Tâm cũng khuyên các con nên có tấm lòng độ lượng, thương người. Biết tha thứ và sẵn lòng giúp đở những kẻ không may gặp cảnh khó khăn... Mặt khác, không được tự kiêu coi khinh những người thua kém mình, trái lại phải nâng đở lẫn nhau để cùng tiến lên!...
            Khi thấy các con đã hiểu được những điều mình muốn dạy dỗ chúng, Tâm khe khẻ ngâm những vần thơ nàng vừa sáng tác qua cuộc đời đầy sóng gió của mình:
 
Ngao ngán làm sao chuyện nực cười,
Ghét ganh, ganh ghét, chán đi thôi!
Mấy ai là bạn tri âm nhỉ ?
Dìu dắt cho nhau tiến với đời.
 
Đã là bạn hữu, hãy giúp nhau,
Bằng không, đừng bôi bẩn đàng sau.
Hay gì, cái thói sân-si ấy!
Ném đá hại người lại giấu tay!...
 
    Với những bài học bổ ích, mẹ con tâm sự với nhau hằng ngày. Tâm hy vọng các con nàng sẽ là những người hữu ích cho xã hội với cuộc sống vật chất dư thừa ở xứ Mỹ
 này! ....
     Và rồi trong thời gian sang đây, Na vào học trường ở Fountain Valley lớp cuối trung học và học cũng rất xuất sắc..Na theo kịp lên học college và làm tutor lớp toán cho các bạn trong trường với công việc Work stady lấy tiền. Tâm đã mướn nhà gần trường College OCC để tiện lợi cho việc học các con. Sau bao thay đổi nghề nghiệp, Tâm nhận nấu cơm phần và nhận nấu tiệc cho những đám tiệc trong Cộng Đồng vào cuối tuần. Tâm đã ra sức làm việc bảy ngày một tuần, từ 4 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm mới đi ngả lưng. Các cô con gái con Tâm  đã đóng góp công sức trong việc nấu nướng của mẹ cho bá tánh dùng. Nhất là Na sau hơn hai năm học ở OCC, hàng ngày sau giờ học và cuối tuần không đi đâu chơi, chỉ quanh quẩn bên mẹ lo phụ giúp nấu nướng cho khách hàng. Có khi một ngày, hai ba đám đặt hàng vì vào năm 89-95 rất ít food togo mở cửa. Mẹ con Tâm làm không ngưng tay…Sau hơn hai năm học ở OCC, Na lên học USC trường Dược ở Los, Na đi đi về về, nhưng vẫn lăn xả giúp mẹ hoàn thành công việc “ làm dâu thiên hạ” Vào những năm cuối trước khi ra trường, Na vẫn lái xe đi bỏ cơm cho khách hàng ăn. Tâm hay bông đùa cùng con :
   - Con có mắc cỡ khi đi đưa cơm không? Các khách hàng chắc ăn mgon miệng khi một Dược Sĩ tương lai đi đưa cơm tận tay với nét mặt vui tươi hớn hở?!
- Con thấy mẹ quá cực khổ, nên làm đỡ đần được gì cho me,  con không từ nan. Nhưng khi con ra trường, con muốn mẹ kiếm việc gì nhẹ nhàng và có thì giờ nghỉ ngơi, vì sức khỏe mẹ mỗi ngày một yếu đi và tuổi già sẽ sồn xộc đến…
     Đúng như lời Na nói, sau bốn năm học hành ra trường, Na lấy bằng ở Cali và sang Hawaii lấy thêm bằng hành nghề ở đó vì có ý trung nhân bên đó, Na nói cùng Tâm:
   - Con sắp lập gia đình, nhưng con có giao hẹn với chồng sắp cưới của con là con không muốn mẹ tiếp tục làm nghề nấu bếp nữa, con phải chu cấp mẹ một tháng $500, ngoài ra con phải phụ giúp lo cho các em tiếp tục học ra trường như con vậy! Nếu chồng con bằng lòng thì cưới, còn không chịu, thì ráng đợi thời gian con lo cho các em ra trường hết và trả hiếu mẹ cha…
   - Mẹ tính sang lại food togo Thanh Nhàn khi đó một gian gần $15,000, lúc đầu chưa có khách,  thì mẹ vẫn giữ cơm phần. Khi khá hơn, mẹ sẽ bỏ cơm vì vất vả lắm, mẹ sẽ chuyên về food togo, vì người ta sẽ mang hàng đến cho mình gối đầu nên đỡ vất vả hơn…
  Các con Tâm đồng loạt nhao lên:
    - Mẹ muốn làm thì mẹ làm một mình đi nhé! Các con không phụ mẹ nữa đâu! Chị Na đã ra trường nói giúp mẹ rồi và còn một hai năm nữa chúng con ra trường hết; mỗi đứa phụ mẹ một ít là mẹ sống phè phỡn rồi! Mẹ an hưởng đi là vừa rồi, sao muốn chuốc cực vào thân thế!
   Na nhỏ nhẹ lên tiếng:
    - Tụi con không để mẹ thiếu thốn điều gì đâu! Mẹ muốn mua TV lớn, hay thay tủ lạnh hai cánh cửa, bàn ghế tủ giường…từ từ con sẽ làm vừa lòng mẹ hết, đừng bon chen nữa mà khổ mẹ ơi! Mẹ cứ hưởng nhàn đi là con vui rồi!
Hùng thằng em trai út độc nhất  được dịp mặc cả với chị:
- Vài tháng nữa, chị đổi xe cho em nhé!
- Em rán học, chị sẽ thưởng cho em!
 Hai cô em gái kế Na nhìn Tâm  vui cười nói:
 -Thế là có dịp gia đình mình đi Hawaii chơi vào dịp hè hằng năm đó!
- Các em cũng sắp ra trường, cũng sẽ lo được cho mình! Hằng năm chị đón mẹ sang chơi vài tuần và sẽ tháp tùng anh chị đi chơi khắp nơi. Đứa nào muốn đi, khi chưa đi làm, anh chị sẽ “ bao” hết! Nhưng khi các em đi làm rồi, nhà anh chị rộng mở tiếp đón các em ăn ở thôi đấy nhé!
 Các con Tâm nhao nhao lên:
  - Chưa chi, mà chị Na tính kỹ quá!
  Tâm âu yếm nhìn các con ôn tồn nói:
  - Các con đừng xử ép chị con quá đáng! Chị con lo được cho mẹ là mừng vui rồi!...
     Với những bài học bổ ích mẹ con tâm sự với nhau hàng ngày. Tâm hy vọng các con nàng sẽ là những người hữu ích cho xã hội với cuộc sống vật chất dư thừa ở xứ Mỹ này! ....
 
   Tam Thuan Nguyen   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét