Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

NGHĨA TÌNH - Nguyễn Ninh Thuận

 
Đã có dấu hiệu sinh nở, bà Bảy vội vã đi tắm gội... Bà không quên xếp vài bộ quần áo cho em bé sắp chào đời và vài bộ quần áo cho bản thân mình vào túi xách.
Ngoài ngõ có tiếng mở cổng rào và tiếng lao xao nói chuyện vọng vào... “ Xin chị giúp nhà em, đưa bà ấy đến bảo sanh viện hộ em.... Tiếng ông Bảy ôn tồn cất lên pha chút lo lắng...”
<!>
   -Dượng yên trí, để tôi đưa dì nó đi. Chị em phải giúp đỡ nhau khi cần. Dượng cứ ở nhà chờ tin. Đàn ông con trai đừng nên đến chỗ đó sớm. Giờ mới gần trưa, phải đến gần tối may ra dì nó mới sanh nở. Tiếng bà Sáu, chị của bà Bảy nhỏ nhẹ đối đáp...
  -Em cám ơn chị rất nhiều...
  -Có gì mà dượng nói lời cám ơn như xa lạ thế? Tôi mau mắn nên dì nó sẽ sinh nở sớm thôi! Dì nó sinh xong, tôi sẽ về cho dượng hay tin rồi dượng vào thăm cũng không muộn!
    Bà Bảy nhăn nhó ôm bụng nặng nề lên xe đi với bà Sáu đến bảo sanh viện... “ Ba nó nấu cơm cho con Thi đi học về có ăn. Ba nó nhớ nấu nhiều hơn mọi bữa. Nhớ bới cơm kha khá cho tôi ăn để có sữa cho con bú. Tôi cũng mới ăn một tô cơm nguội, nên trưa nay khỏi bới. Bà Bảy không quên dặn vói chồng...”
    Hai chị em bà Bảy đưa nhau đi đến bảo sanh viện. Ông Bảy ở nhà nôn nóng trông theo... Để cho đỡ sốt ruột, ông lui cui dọn dẹp nhà cửa. Ông quét dọn sân trước sân sau để giết thì giờ trông chờ tin vợ sanh. Thì giờ trôi qua thật chậm chạp. Ông Bảy làm hết cả việc nhà mà mới hơn xế trưa. Ông chặt lưỡi tự nói một mình “ Mình chạy ra chợ ở đầu xóm mua mấy lạng thịt nạc, nghe nói đàn bà đẻ ăm cơm nóng với thịt heo kho tiêu cho chắc bụng ”
   Ông Bảy nhanh chóng nhóm lửa nấu cơm kho thịt xong xuôi. Ông ra vườn hái vài nắm rau lang nấu tô canh cho Thi đi học về có ăn. Cơm canh xong xuôi, ông trông đứng trông ngồi tin vợ...

   Bà Bảy đến bảo sanh viện vội vã vào phòng khám...” Đã nở bốn phân. Bà nên đi đi lại lại quanh phòng cho dễ sanh. Cô mụ tươi cười bảo...”
   Theo lời cô mụ, Bà Bảy kiên nhẫn đi đi lại lại quanh phòng, những cơn đau dồn dập làm bà Bảy toát cả mồ hôi khắp người. Bà nghiến răng cố nhịn cơn đau không kêu la một tiếng nào. Bà là người đàn bà vốn nhiều chịu đựng. Bà không như những người đàn bà xấu miệng. Khi đau thì lời ra, kêu gọi chồng con chưởi bới. Nói ra những lời xấu xa ở phòng the. Bà tự nhủ với mình “ Không có đau nào hơn đau đẻ, nhưng mình đã chấp nhận lấy chồng thì phải sinh con đẻ cái. Sinh thì phải đau đớn thôi! ”
    Cơn đau mỗi lúc mỗi dồn dập hơn. Đau đến thấy ông Trời Xanh. Những lúc quá đau đớn thân xác, bụng gò cứng lên, bà nằm trên cái giường sắt, tay rị cong song sắt ở giường. Không biết khi đó để tránh cơn đau, bà lại có sức mạnh ghê gớm, bà rị cong sắt đến cong cả giường của bệnh viện... Mấy tiếng đồng hồ vật vã với cơn đau qua đi. Có khi bà Bảy tưởng chừng như đứt hơi thở đến nơi. Nhưng rồi cơn đau cũng qua... nếu như cứ kéo dài hoài thì không có người đàn bà nào can đảm dám sanh nở nữa. Bà Bảy thở phào nhẹ nhõm khi nghe mấy tiếng oe oe của con khóc lên, bà Bảy nhỏm dậy hỏi bà mụ cho chắc ăn. Tuy những người quen biết, những bà cụ già nhìn vào bụng bà Bảy cũng đoán trước rồi. Hơn nữa, hôi cơm tanh cá cũng có khác nữa. Lần nầy bà thèm ăn ngọt không như hồi có bầu con bé Thi cứ thèm chua. Những khi cháu bé trong bụng gò đạp mạnh bà vẫn âu yếm vuốt bụng nói thầm với con yêu của mình “ Con trai yêu quý của mẹ, đừng chòi đạp mạnh làm đau mẹ lắm con à! ”
    -Mừng cho chị được mẹ tròn con vuông. Cháu trai bụ bẫm hơn 3 ký lô. Mặt mũi trông lanh lợi lắm. Bà mụ vui mừng báo tin.
   Lau mình mẩy, mặt áo, quấn khăn cho bé trai xong xuôi, bà mụ đặt bé sát cạnh bà Bảy “ Chốc lát chị nặn ra tí sữa đầu bỏ đi, chị ráng tập cháu bú cho quen nhé!”
    Bà Bảy ôm con sát vào lòng, Bà muốn chuyền hơi ấm cho con, dù mới phút trước phải vật vã đau đớn bởi những cơn đau dồn dập đến làm mệt lã tưởng như đứt hơi. Bà nhìn con thiêm thiếp ngủ, khuôn mặt mủm mĩm ngây thơ vô tội,  bà Bảy như quên đi bao đau đớn buồn lo. Giờ nầy bà cảm thấy một niềm vui khôn tả dâng lên dạt dào, bà Bảy sung sướng ôm con trai vào lòng thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn đến.... Bà bỗng giật mình choàng tỉnh dậy khi cảm thấy có bàn tay âm ấm trên trán mình “ Mẹ nó có khỏe không? Mẹ nó ráng ăn cơm cho lại sức để có sữa con bú nhé! Giọng trầm ấm của Ông Bảy cất lên...:”
   -Thật vất vả cho anh phải coi sóc nhà cửa lại lo cơm nước cho mẹ con em. Anh đã ăn cơm chưa? Anh ăn với em cho vui nhé. Âu yếm nhìn chồng, Bà Bảy nhỏ nhẹ nói.
   -Anh đã ăn ở nhà rồi. Anh bới nhiều cơm và thịt kho tiêu cho em. Em ăn coi có vừa miệng không? Có mặn lạt gì nói cho anh biết, để lần sau anh sửa đổi lại cho vừa miệng em. Nhanh tay dọn cơm lên bàn nhỏ, Ông Bảy ôn tồn với vợ...
    Nhìn vợ ăn uống ngon lành. Ông Bảy cảm thấy vui trong lòng vô cùng. Ông tiến sát lại giường đưa tay vuốt nhè nhẹ đứa bé. Nhìn thấy nó quá nhỏ, ông không dám bế con lên sợ lọt tay. Nhìn kỹ thằng bé, ông buộc miệng “ Nhìn nó thấy thương quá! Nó cũng có da có thịt lắm chớ bộ!”
   -Anh muốn đặt tên cho con là gì? Bà Bảy ngừng nhai cơm hỏi chồng.
   -Tên Thành có được không em? Đưa mắt âu yếm nhìn vợ, ông Bảy lên tiếng.
   -Tùy anh định liệu. Tên Thành cũng tốt thôi. Mong cuộc đời con sau này sẽ công thành danh toại.
   -Thôi anh về để lo cơm nước cho bé Thi đi học về có ăn. Em cố ngủ cho mau lại sức khỏe. Ngày mai em muốn ăn gì cho anh biết để lo liệu nè? Quấn quít bên vợ hơn hai tiếng đồng hồ. Ông Bảy lên tiếng từ giã vợ ra về..
   -Sinh đẻ phải ăn kiêng, ngày mai anh kho cho em một ít nước mắm kho quẹt là được rồi! Chắc em phải ở lại bảo sanh viện vài hôm nữa mới về nhà. Em cũng trông về nhà sớm để cho anh đỡ vất vả. Nắm tay chồng, Bà Bảy tươi cười nói.
  -Nhìn thấy mẹ con em khỏe mạnh là anh vui mừng rồi! Anh có mệt một chút cũng chả sao. Anh mừng vì em sanh cho anh một đứa con trai nối dõi tông đường. Dù có vất vả anh cũng cam lòng. Đưa tay sờ thằng con trai một lần nữa trước khi ra về. Ông Bảy vui mừng thố lộ...
   ...Nỗi mừng vui của hai vợ chồng Ông Bà Bảy kéo dài được năm năm. Những năm tháng tập ăn, tập nói, tập đi của Thành được sự dìu dắt ấm tình thương yêu của ba lẫn mẹ. Thành cũng hay đau ốm vặt vãnh khi lật, khi trườn, lúc mọc răng...Vào lúc Thành tròn năm tuổi, Thành bị cơn nóng sốt cao độ “ Thằng Thành sao nóng sốt li bì anh à! Em cho uống mấy thứ thuốc mà không hạ được nhiệt. Em lo quá anh ơi! Bà Bảy hốt hoảng nói cùng chồng...”
   -Em thử bồng con đến bệnh xá xem sao! Ông Bảy vội vã hối vợ.
   -Chắc em phải đưa con đi ngay bây giờ. Bà Bảy quýnh quáng nói.
     Nói xong, Bà Bảy vội vã ẵm con đi tới bệnh xá. Rủi cho thằng bé hôm đó, bác sĩ bận việc gia đình nên không có đi làm. Cô y tá trực chỉ cho bà Bảy mua thuốc hạ nhiệt và cách chườm nước đá để đỡ nóng dù đang bú “ Ngày mai bà chịu khó ẵm cháu đến để bác sĩ khám kỷ cho cháu nhé! Con nít sốt cao cũng sợ lắm đó! Bà đừng ỷ y để cháu ở nhà. Hẹn gặp bà ngày mai ...”
    Suốt đêm đó, hai vợ chồng ông Bảy thay phiên nhau chăm sóc Thành. Nhưng Thành vẫn không hạ được cơn sốt. Đến sáng Thành khóc than kêu đau chân không ngớt. Bà Bảy vội thuê xe chỡ con lên nhà thương huyện. Thành được nhập viện ngay. Nhưng rồi không kịp nữa rồi. Thành bị sốt tê liệt, bác sĩ chỉ cứu được tính mạng của nó mà thôi! Hai chân Thành bị liệt không cử động được và teo dần dần rồi nhỏ lại chỉ còn lủng lẳng thôi. Thành không đi đứng được nữa. Thật bất hạnh cho Thành, thằng bé bụ bẫm dễ thương phải mang thương tật không đi đứng được đến suốt cuộc đời. Ông Bà Bảy khóc hết nước mắt thương tiếc cuộc đời bất hạnh của đứa con trai yêu quý của mình.
....Theo năm tháng trôi qua, Thành lớn lên trong buồn đau. Bù lại, Thành học rất thông minh, bạn bè rất yêu quí. Các bạn bè thương yêu Thành thay phiên nhau đến nhà chở chàng đi học. Xe đạp vừa đến trường, các bạn lại thay nhau cỏng Thành vào tận lớp học. Hết năm này đến năm khác, Thành được bạn bè đón đưa đi học. Thành cũng được thầy cô giáo thương yêu hết mực. Một học sinh tật nguyền nhưng rất thông minh xuất sắc, vượt bậc. Đúng là Trời thương “  người có tật có tài ” để an ủi phần nào trong cuộc sống vốn nhiều đau khổ của Thành. Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi qua trong buồn tủi, nhưng Thành vốn có nhiều nghị lực, chàng tìm sự sống trong tật bệnh của mình. Lấy sự học làm cứu cánh. Chàng vừa lấy xong bằng tú tài. Với trí thông minh sẵn có, Thành tự nghĩ ... “Mình phải học một nghề để sinh sống. Mình không muốn ăn bám vào xã hội, vào gia đình. Mình không muốn là gánh nặng cho cha mẹ trong tuổi già sức yếu....”
 Thế rồi Thành chọn ngành điện tử để học. Chàng muốn đem trí thông minh của mình để nghiên cứu từng cái truyền hình, từng cái radio. Chàng đã tìm quên bên những cái máy truyền hình không còn phát ra hình, cái máy radio im tiếng. Qua bàn tay và khối óc tìm tòi học hỏi, trí thông minh nhạy bén của Thành, chàng đã làm cho tất cả những máy hư hoạt động trở lại bình thường... Dù bị tật nguyền không đi đứng vững vàng, nhưng Thành không buông xuôi cuộc đời. Chàng cố vươn lên để sống còn cho xứng đáng một kiếp người. Chàng tìm quên nỗi bất hạnh của mình qua nghề điện tử và rỗi rảnh chàng mượn cây bút giãi bày tâm sự qua thơ văn. Cuộc sống của Thành cũng khá ổn định. Song song với nghề nghiệp vững vàng, Thành lại có một tấm lòng nhân hậu hiếm có...
...Một hôm, Thành gặp một người đàn bà nghèo khổ đến tiệm chàng, bà ta dắt theo một đứa bé trai độ sáu bảy tuổi trông rất dễ thương.
   -Thằng con tôi còn quá nhỏ, ba nó mất sớm. Gia cảnh của tôi lại quá nghèo khổ, luôn luôn thiếu trước hụt sau. Tôi cảm thấy mình không thể nào lo cái ăn cái mặc cho nó đừng nói chi đến việc học hành. Cậu có thể giúp tôi nuôi cho nó khôn lớn được không? Đứng lặng yên nhìn Thành một hồi bà ta cất tiếng nói trong nghẹn ngào...
  -Thân tôi tật nguyền như thế nầy thì làm sao mà lo được cho cháu hả chị? Rất xúc động trước những lời than thở của người đàn bà nghèo khó, nhưng biết mình thân tàn phế nên Thành buồn bã trả lời.
   -Cậu đừng lo, tuy nó còn nhỏ, nhưng nó biết tự chăm sóc cho mình thật chu toàn!  Tôi nghĩ không làm phiền cậu lắm đâu. Nó còn có thể giúp cho cậu phần nào nữa đó! Chỉ ngặt là tôi quá thiếu cái ăn cái mặc, không can đảm nhìn con chết đói, nên tôi đành cắn răng cắt núm ruột của mình mà đem cho cậu. May ra, nó còn sống sót được khôn lớn nên người với đời. Người đàn bà tha thiết nói.
   Gạt nước mắt, người đàn bà âu sầu thố lộ “ Cậu không giúp tôi nhận nuôi nó, thì nó đành chịu chết trong đói khát mà thôi. Cậu làm ơn làm phước đi cậu! Làm phước sẽ hưởng được phước cậu à! ”
  Thành lại đưa đôi mắt nhìn sang thằng bé. Chàng nhìn thấy đứa bé áo quần rách rưới tả tơi. Động lòng trắc ẩn, sẵn có bà bán xôi rao hàng đi qua cửa tiệm của chàng. Thành vội gọi lớn “ Bà bán xôi ơi, bà làm ơn bán cho tôi hai gói xôi lớn, mỗi gói ba đồng ”
   Nhận hai gói xôi trên tay, Thành ân cần trao lại cho hai mẹ con người đàn bà nghèo khổ nầy với lời chân tình “ Hai mẹ con chị chia nhau ăn cho đỡ đói ”
    Nhìn hai mẹ con người thiếu phụ nghèo ăn ngấu nghiến gói xôi. Thành thấy tội nghiệp quá, chàng thấy lòng mình xót xa vô cùng. Đứa bé chỉ ăn có nửa gói xôi thì ngừng, nó không ăn nữa. Nửa gói còn lại nó trịnh trọng đưa cho mẹ với lời nói thật cảm động “ Con ăn no rồi. Mẹ ăn thêm phần xôi nầy. Hôm qua có mấy củ khoai, mẹ đã nhường cho con ăn hết, chắc giờ mẹ đã đói lắm rồi ”
    -Tội nghiệp con tôi quá. Tôi không đủ sức nuôi nó, nhưng nó là đứa con rất hiếu đễ. Con cần ăn nhiều cho mau lớn, con ăn đi con! Mẹ đã no rồi! Người thiếu phụ ứa nước mắt đưa tay vuốt tóc con.
     Hai mẹ con cứ nhường qua nhường lại nửa gói xôi làm mủi lòng Thành không ít. Chàng tự nghĩ thầm ...” Thôi thì mình nhận nuôi thằng bé nầy để cho bà ta rảnh tay rảnh chân, đi làm thuê làm mướn may ra nuôi được tấm thân! Mình tật nguyền, có ai chịu thương mình để được có con. Trời cho mình được đứa con nuôi dễ thương như thế nầy cũng hủ hỉ, an ủi sau này ”
    Nghĩ thế, Thành quyết định trong lòng nên lên tiếng... “ Tôi bằng lòng nuôi cháu bé nầy cho tới khôn lớn nên người. Tôi hứa sẽ lo cho nó ăn học đàng hoàng. Nhưng chị phải đi với tôi đến Ủy Ban Hành Chánh Xã làm giấy tờ hẳn hòi để tránh lôi thôi sau này! ”
   -Tôi thật cám ơn cậu rất nhiều... Cháu có phước lắm mới được cậu nhận làm con nuôi. Tạ ơn Trời Phật đã đưa đường chỉ lối cho tôi gõ cửa đúng người có lòng nhân hậu như cậu. Tôi danh dự xin hứa không đòi lại con dù sau này Trời Phật có cho tôi khá giả đi nữa. Ở xứ nầy tôi chả làm ăn gì được hết. Đã được cậu nhận nuôi cháu, tôi sẽ đi xa làm ăn, may ra nuôi được tấm thân. Người thiếu phụ mừng rỡ ra mặt, bà ta vội cám ơn Thành rối rít.
   Với tấm lòng nhân hậu, Thành cho người thiếu phụ một ngàn đồng để làm lộ phí mưu sinh. Cầm số tiền quá lớn trên tay, người thiếu phụ mừng rỡ ... “ Thật là quý hóa vô cùng. Tôi yên trí con tôi đã gặp được người cha vô cùng nhân đức. Thôi chào cậu tôi đi đây! ”
   -Mẹ quá đói khổ, mẹ sợ con chết đói. Nên mẹ đành cắn răng, bóp bụng, gạt nước mắt đem cho con như thế nầy cũng đau lòng mẹ lắm. Nhưng chắc chắn con sẽ được sự sống và sẽ được ăn học nên người sau này. Con phải ngoan ngoãn ăn ở cho có hiếu đễ với cha nuôi con. Mẹ có công sanh con, nhưng vì quá nghèo khổ không thể nuôi con được. Tuy thế lúc nào mẹ cũng thương con và ngày đêm luôn cầu nguyện cho con sớm nên người. Cha nuôi con không có công sanh, nhưng người có công dưỡng dục. Con phải ăn ở làm sao cho xứng đáng làm người tốt nghe con! Quay sang thằng con trai, núm ruột của mình, người thiếu phụ ôm hôn con một hồi lâu, nước mắt ràng rụa trên đôi má, với giọng nức nở nghẹn ngào, người đàn bà ân cần dặn con.
    Bịn rịn nhau cũng chẳng giải quyết được gì. Người thiếu phụ gạt nước mắt dứt áo ra đi, nàng phải cố nén đau thương, buồn bã trong lòng để nhìn về tương lai của con. Đứa bé lặng im, nước mắt ràn rụa trên đôi má, nó đau đớn đứng nhìn theo bước chân của người mẹ thân yêu nhứt của nó xa dần, xa dần... rồi khuất hẳn.
   Từ ngày có Đạo, tên đứa bé vừa được Thành đặt cho, cuộc sống của Thành cảm thấy ấm áp hơn. Với những lời nói thật vô tư, những cử chỉ hết sức ngây thơ của Đạo đã làm cho thành quên đi cuộc sống buồn bã vì tấm thân tàn tật của mình. Hai cha con dựa vào nhau để sống. Những đêm trở gió, khí trời lành lạnh, Thành thức giấc đắp mền cho Đạo với tình thương yêu chân thật. Chàng mỉm cười nghĩ thầm ... “ Tội nghiệp con tôi, nó ngây thơ vô tội quá! Nó là thằng bé rất ngoan ngoãn chăm chỉ học hành. Mình phải cố gắng nuôi cho nó ăn học nên người ! ”
   Tình cha con nồng mặn kéo dài theo năm tháng trôi qua êm đềm. Những khi thấy Thành hắc ho, Đạo lo sợ quấn quít bên Thành hỏi “ Ba đã uống thuốc chưa? Để con đi lấy thuốc cho Ba uống nhé! ”
   -Ba đã uống thuốc rồi con ạ, nhưng chưa thấy bớt bệnh. Nhìn thằng con nuôi với đôi mắt hài lòng, Thành trả lời.
    -Để con chạy ra tiệm thuốc kế bên mua thuốc khác cho Ba uống chắc sẽ khỏi đó! Đạo nhanh nhẩu lên tiếng.
   -Thôi con à! Để ba uống thuốc nầy thêm vài ba ngày nữa xem sao, chừng nào không hết hãy thay đổi thuốc khác. Thành nở nụ cười lên tiếng.
   -Thế ba ăn cháo hay ăn cơm để con lo liệu? Thằng Đạo lanh lợi lên tiếng...
   Vừa hỏi Đạo vừa lăn xăn đi vo gạo nhóm bếp. Đạo không quên mang áo ấm đến cho Thành, nó nhỏ nhẹ thưa “ Ba mặc thêm áo cho ấm để mau lành bệnh. Ba làm con lo sợ quá hà! ”
   -Con tôi ngoan quá. Thật có phước nên tôi mới được một đứa con ngoan hiền hiếu thảo như thế nầy. Mĩm cười, Thành ôm Đạo vào lòng vỗ về.
   -Con mới là người có phước được gặp ba, ba đã hết lòng thương yêu chăm sóc con. Không bao giờ con quên được công ơn của ba đã dành cho con. Dụi đầu vào lòng Thành, Đạo rưng rưng nước mắt tỏ bày.
   -Cha con mình cứ khen nhau hoài, người ngoài nghe được chắc họ cười hết cả hai đó! Thành phì cười nhỏ nhẹ nói.
    Đạo cất tiếng cười theo Thành. Hai cha con ôm nhau cười trong tình thương nồng nàn. Đang sung sướng với tình thương rộng mở trước mắt. Bỗng hai cha con im lặng lắng tai nghe giọng một đứa bé tỉ tê khóc trước cửa tiệm... “ Con mau ra trước cửa tiệm xem có việc gì thế? Thành lên tiếng bảo Đạo ! ”
Đạo ù té chạy ra trước cửa tiệm. Nó thấy một đứa bé trai Mỹ lai, áo quần xóc xếch đang nhớn nhác nhìn quanh khóc “ Mẹ đâu rồi! Con đi tìm mẹ từ chợ lên đây mà không thấy mẹ... Hu! Hu! Con sợ quá mẹ ơi... Hu! Hu!
Đạo xông đến cầm tay đứa bé lai ân cần  “ Nhà em ở đâu? Em đi tìm mẹ hả ? ”
   -Nhà em ở quê xa lắm, em không biết tên. Mẹ dẫn em lên chợ từ hồi sáng rồi mẹ biểu em đứng chờ. Mẹ đi đâu em không biết nữa. Em cứ đứng chờ mãi vẫn không thấy mẹ trở lại. Em đói bụng nên đi tìm mẹ, nhưng vẫn không thấy mẹ ở đâu cả. Đứa bé lai vội ngừng khóc trả lời.
    Nói tới đó thằng bé Mỹ lai lại khóc hu hu. Đạo nhớ lại cảnh mình trước đây cũng đói khổ, nên nó thương tình nói “ Anh dẫn em vào gặp ba nhé! Em sẽ được ăn no bụng1 ”
Đứa bé vui mừng bước theo Đạo vào gặp Thành. Với tấm lòng nhân hậu bao la, Thành mở rộng vòng tay đón đứa con lai vào nhà. Cũng không hơn gì Đạo, Thành cũng chỉ biết sơ qua lai lịch của đứa bé lai như nó đã nói với Đạo...” Con không có cha. Mẹ ở quê dẫn con lên chợ. Hai mẹ con ăn bún xong, mẹ biểu con ngồi chờ mẹ đi mua chút đồ rồi sẽ trở lại, nhưng con ngồi chờ hoài đến xế trưa vẫn không thấy mẹ trở lại... Bà bán hàng đuổi con đi:
   -Chắc mẹ mầy dẫn con bỏ chợ rồi. Thôi mầy đi kiếm mẹ mầy đi. Tao đâu có của dư của để đâu mà nuôi mầy. Tao còn một đàn con nheo nhóc phải nuôi mà. Bà ấy nghĩ tình dúi cho con một chiếc bánh ú và xua con đi. Con đi lang thang hết mấy con đường kiếm mẹ mà không thấy. Và khi đến đây, quá đói và mỏi chân lại mệt mỏi, sợ sệt nên đứng khóc.
   Thấy thằng bé Mỹ lai mặt mũi cũng hiền lành dễ thương lại bị lạc mất mẹ. Thành ôn tồn lên tiếng “ Thôi con tạm nghỉ ở đây vài hôm cho đến khi nào mẹ con gặp lại nhau ”
    -Con thật biết ơn ông đã thương giúp con! Đứa bé vui mừng chạy lại ôm chầm lấy Thành.
    -Con đi lấy cơm cho em con ăn đi con. Quay qua Đạo, Thành hối thúc.
   Đạo nhiệt tình lăn xăn soạn áo quần ngắn của mình cho thằng bé lai tắm rửa thay đồ rồi ăn cơm. Một tuần trôi qua mà mẹ thằng bé lai chẳng gặp nhau. Từ ngày có thằng bé lai vào chung sống, không khí trong gia đình Thành vui nhộn hẳn lên. Nhất là Đạo càng vui hơn vì có bạn cùng trang lứa. Nó luôn miệng tía lia “ Thưa ba, ba nhận em lai làm con nuôi luôn đi ba! Con sẽ thương yêu và chăm sóc em thật chu đáo!  ”
   -Thôi thì thêm cái chén đôi đũa. Mình đi làm giấy tờ nhận nó làm con nuôi luôn cho có đôi bạn với thằng Đạo… Âu yếm nhìn hai đứa trẻ quấn quít bên nhau, Thành tự nghĩ và gọi hai thằng nhỏ đến bên nói:
  -Ba sẽ tới chính quyền làm giấy tờ nhận thằng lai làm con. Giờ ba đặt tên con là Hạnh. Từ nay, hai đứa là anh em phải biết thương yêu đùm bọc, nhường nhịn lẫn nhau. Có no có đói cùng chia xẻ với nhau nhé!
   -Thưa Ba yên trí, con sẽ thương bé Hạnh như em ruột của mình. Chúng con sẽ cùng nhau phụng dưỡng ba. Đạo vui mừng hớn hở.
     -Con cám ơn ba đã nhận con làm con nuôi của Ba. Con hứa sẽ ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Sau này lớn lên con sẽ đỡ đần giúp ba mọi chuyện. Bé Hạnh cảm động, nó cầm tay ba Thành bùi ngùi nói.
    -Cám ơn anh đã thương yêu em bước đầu. Em nguyện sẽ là người em dễ thương của anh và sẽ phụ giúp anh mọi công việc. Xây qua Đạo, Hạnh tiếp lời.
    Nghe hai đứa nhỏ nói chuyện, Thành cảm động đến rơi nước mắt. Chàng chỉ buồn về sự bất hạnh vì tàn tật của mình thôi. Về phần con cái, Thành yên trí có hai đứa con nuôi hủ hỉ lúc tuổi già.
... Thở dài, Thành nghĩ đến mối tình tuyệt vọng của mình. Trong suốt thời gian học trung học, Thành yêu thầm Dung người bạn gái học chung mấy năm liền. Tự thấy mình tàn tật không xứng đáng với Dung, người con gái dễ thương thùy mị. Thành không muốn ngỏ lời, sợ bị từ chối thì quá ngỡ ngàng. Chàng đành câm nín chôn chặt tự đáy lòng. Thành tự nghĩ:

 “ Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề ”

Quá tự ti mặc cảm, Thành tự an ủi mình qua những câu thơ của Hồ Dzếnh. Chàng cố quên hình ảnh của Dung vẫn chập chờn trong mộng...
    Năm 1975, Miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản thôn tính, dân tình sống trong nghèo khổ đói rách. Thời gian lặng lẽ trôi qua trong buồn lo. Rồi có chính sách Mỹ muốn đón nhận con lai Mỹ và gia đình liên hệ đi Mỹ. Thành dò hỏi tin tức để chuẩn bị làm hồ sơ chờ ngày đi định cư với hai thằng con nuôi. Tương lai cha con Thành đang mở rộng trước mắt. Cũng trong thòi gian đó, Việt Cộng mở chiến dịch càn quét văn hóa đồi trụy với nhà chứa ma cô. Thy Vân là bà chủ chứa trong  xóm gần nhà Thành. 
   Một  hôm, trong chiến dịch càng quét, Thy Vân tháo chạy và trốn trong tiệm sửa chữa máy móc của Thành với lời khẩn trương cầu cứu... “ Xin anh hãy thương tình lên tiếng nhận em là vợ của anh, để em thoát cuộc bố ráp đang diễn ra. Nếu không em sẽ bị bắt đày đọa tội nghiệp lắm..!”
   -Cô cứ yên trí ở trong nhà tôi, mọi việc để tôi lo liệu, đối phó với đám công an bố ráp. Tôi sẵn sàng nhận cô là vợ nếu chúng nó có hỏi. Vốn con người đầy lòng nhân từ, Thành vui vẻ nhận lời.
    Quả nhiên không đầy năm phút sau, mấy tên công an ập vào tra hỏi Thy Vân định bắt nàng đưa đi ‘ cải tạo ‘ “  Xin lỗi mấy anh, mấy anh có biết Thy Vân là gì của tôi không? Vợ của tôi đó! Các anh định vu oan giá họa cho nàng để làm tiền đấy hả? Tôi sẽ đem vụ việc nầy trình thưa lên cấp trên của các anh mới được... Thành mạnh dạng lên tiếng.
 -Xin lỗi, chúng tôi không biết nên đã làm phiền anh chị. Chúng tôi xin cáo từ. Một tên công an trẻ lên tiếng nhận lỗi:
    Thoát được cơn nguy hiểm, Thy Vân lui tới thăm viếng Thành thường xuyên. Sau vài lần thăm viếng, Thy Vân biết được Thành thuộc diện có con lai Mỹ, sẽ được chính phủ Mỹ rước đi trong một ngày không xa lắm nếu chàng chịu làm đơn. Bằng mọi cách, Thy Vân đem bao sở trường lời ngon tiếng ngọt của mình ra quyến dụ Thành. Là một người tàn phế, đi đứng thật khó khăn, không tự làm chủ lấy mình được. Thành tự nghĩ suốt đời mình thiếu bóng dáng đàn bà bước vào cuộc đời. Bỗng dưng nay Thành được một người đàn bà từng trải, nhan sắc khá mặn mòi lên tiếng tự nguyện đến với chàng không một chút điều kiện. Lòng Thành làm sao không cảm động, chàng vô tình lọt vào bẫy rập của Thy Vân đã giăng sẵn... “ Từ ngày gặp anh, với hành động hết sức nhân hậu của anh đã cứu giúp em, một kẻ lỡ bước sa chân. Em vô cùng cảm động và từ ngày đó đến nay, lúc nào em cũng muốn nâng khăn sửa túi cho anh suốt cả cuộc đời còn lại của em. Những cử chỉ vuốt ve, những lời nói mật ngọt của Thy Vân đã ru ngủ Thành...”
    -Cám ơn em đã cho anh một tình yêu tuyệt vời. Lâu nay, anh cứ ngỡ suốt cuộc đời này anh sẽ cô đơn và chết cũng thiếu tình yêu mặn nồng của tình chồng nghĩa vợ. Nay đã được em chấp nhận làm vợ anh thì không gì sung sướng bằng. Thành hân hoan sung sướng đón nhận hạnh phúc do một người đàn bà từng trãi đem lại. Với giọng thật ngọt ngào, Thành đã nhỏ nhẹ bên tai Thy Vân.
    -Thế mình tổ chức một buổi tiệc nhỏ mời bà con, bạn bè đến dự tiệc cho vui. Rồi sau đó mình đến chính quyền làm hôn thú hẳn hòi nghe anh! Ngả đầu vào vai Thành, Thy Vân nũng nịu lên tiếng.
   Thành vui vẻ gật đầu liền và vội tiến hành theo lời đề nghị chí tình của Thy Vân. Những ngày mật ngọt kéo dài cho đến khi chương trình con lai thành hình. Thành cùng Thy Vân và hai thằng con nuôi sau khi ở Phi Luật Tân sáu tháng học Anh văn, học phong tục tập quán để sớm hội nhập nước Mỹ.
    Bước đầu ở Mỹ cũng nhiều khó khăn dù Thành được lãnh tiền SSI. Vì bị tàn tật, Thành di chuyển rất khó khăn, nên chàng không học lái xe được. Ngay cả đến vấn đề chăn gối cũng là kẻ phải phụ thuộc vào vợ. Dù trong tim chàng đầy ấp tình cảm dạt dào... Thành thương vợ con hết mực. Nhưng Thy Vân đến với Thành có chủ đích lợi dụng hẳn hoi... Thành chỉ là cái cầu bắt ngang con sông cho nàng ung dung đi qua. Qua được con sông vững vàng rồi thì Thy Vân muốn trở mặt rút ván. Đó là chuyện thường tình ở thế gian đầy lọc lừa gian xảo này...
    Điệu bộ giả nhân giả nghĩa của Thy Vân lần lần xuất hiện thấy rõ. Bước đầu, nàng sống bám vào tiền trợ cấp của Thành để tiến thân. Thy Vân học lái xe đâu đó xong xuôi, với số tiền dành dụm được, nàng mua ngay một chiếc xe hơi cũ, rồi nàng đi học Nail tóc.. Những ngày mật ngọt ban đầu lần lần phai nhạt. Thy Vân ăn mặc thật lòe loẹt, chưng diện hết mực... “ Tôi học xong Nail tóc, có mảnh bằng trong tay, tôi sẽ “ bái bai ”cái thằng chồng què trệt luôn, không một chút thương xót. Thy Vân mạnh dạn tuyên bố với bạn bè...”
  Thật vậy, sóng gió càng ngày càng xuất hiện trong gia đình êm ấm của Thành, mà nguyên nhân lúc nào cũng ở Thy vân “ Đi đâu thì thôi, hễ về tới nhà là thấy ngột ngạt quá! ”
Chỉ một sơ suất nhỏ do Thành gây ra như lỡ làm rớt một vật gì chẳng hạn, cũng nghe Thy Vân quát tháo ầm lên “ Người đâu mà tệ bạc quá như vậy, chẳng làm được việc gì nên thân hết...”
  -Anh là thằng tàn tật từ thuở nhỏ, em đã biết và chấp nhận lấy anh làm chồng, chứ nào anh có giấu giếm gạt gẫm gì em đâu mà nay em lại lời nầy lời nọ với anh nhiều quá vậy! Vẫn giọng nhỏ nhẹ ngọt ngào, Thành ôn tồn nói... Thở dài Thành tiếp lời:
  -Anh lúc nào cũng thương yêu em hết mực. Vì tàn tật anh không đi đứng được nên sống bên anh, em thấy không có hạnh phúc. Anh thành thật xin lỗi em!
    Không chút mũi lòng trước lời nói chân tình của chồng. Thy Vân vẫn vô cớ bày những chuyện linh tinh để cằn nhằn gây sự. May cho Thành, hai đứa con nuôi vẫn giữ đạo nghĩa cha con thắm thiết mặn nồng. Đó cũng là niềm an ủi cho Thành trong tuổi xế chiều.
    Thế rồi chuyện phải đến đã đến... Lấy được mảnh bằng nail tóc trong tay, Thy Vân đơn phương nạp đơn xin ly dị Thành. Từ đó, nàng tươi cười đi ra khỏi căn nhà của Thành và biệt tích luôn. Thành sống trong đau khổ nhớ thương người vợ đầu đời. Nhưng thời gian quả là liều thuốc chữa trị vết thương lòng công hiệu nhứt. Thành đã dành được một số tiền kha khá nên đã mua vé bay về quê hương thăm gia đình cha mẹ, anh chị em một chuyến. Những ngày trở về quê hương là những ngày vui vẻ nhứt trong đời Thành. Khi còn bé và lớn lên là chuỗi ngày sống âm thầm trong cô đơn bệnh tật. Mọi người nhìn Thành dưới con mắt ơ hờ, xót xa. Lời nói của họ là những lời bố thí tình thương động lòng trắc ẩn. Nay thì khác, giờ đây dưới cái mác Việt Kiều Mỹ, ngồi trên xe lăn với đầy đủ tiện nghi, Thành đã khác hẳn. Họ nhìn Thành bằng con mắt thán phục. Đồng đô la là sức mạnh phi thường. Nó phá tan mọi ranh giới để đưa Thành xích lại gần với bất cứ mọi người của quê hương. Ngay cả những cô gái trẻ đẹp hơ hớ xuân thì cũng muốn nâng khăn sửa túi cho chàng.
   Bên trong lời nói ngọt dịu, cử chỉ săn đón đó chỉ là một cái bẩy giăng. Họ muốn con mồi ngoan ngoãn trong lưới là phương tiện đưa họ ra khỏi nước nghèo khổ. Họ chỉ muốn đến vùng đất hứa để khi họ đủ lông đủ cánh thì sẽ bay xa, đi tìm chân trời rộng mở. Thành cũng tự ngầm hiểu...
   Thành là thượng khách của gia đình bà con ruột thịt và bạn bè thân, sơ giao. Đi đâu Thành cũng được tay bắt mặt mừng ... “ Trông anh Thành lúc nầy trẻ ra hơn hồi còn ở Việt nam quá chừng! ”
    -Với cái xe dành cho người tàn tật tối tân như thế nầy còn sung sướng hơn chúng tôi rất nhiều. Dù chúng tôi chân tay còn lành lặn nhưng coi như bất lực hoàn toàn. Thua xa anh Thành bây giờ quá nhiều....
  -Chúng tôi có  mắt có tai, đầy đủ chân tay nhưng xem như đui què, mẻ sức thôi!
   -Xứ Mỹ sung sướng quá anh nhỉ! Người già, người bệnh đều có chế độ ưu đãi để sinh sống hẳn hoi, đôi khi còn sung sướng hơn người lành lặn xứ mình nữa là khác.
   Thành chỉ mĩm cười, chàng tự nghĩ ...” Bên trong cũng lắm ê chề buồn chán vô cùng. Có thể tiền bạc khỏi lo, nhưng tình cảm khan hiếm. Cuộc sống cũng rất tất bật. Cũng phải tay làm hàm nhai. Không phải ra đường là hái ra vàng, ra tiền dễ dàng đâu. Đừng nhìn sự tiêu xài của những người Việt Kiều mà lầm. Khối người trở về nổ to toàn là bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nha sĩ... Nhưng họ phải đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, rồi dành dụm dè sẻn mới có tiền để tiêu xài rộng rãi ở quê nhà...”
    Trở về thăm quê nhà lần nầy, người mà Thành quan tâm nhứt là Dung. Chàng đến thăm người tình trong mộng.... Người đã in sâu dậm trong quả tim đa tình của cậu học sinh thuở xa xưa...Mới gặp Dung, Thành ngờ ngợ không nhận ra người bạn gái thuở nào. Nhưng vẫn còn phảng phất hình bóng đã khắc đậm trong tim Thành..” “Xin lỗi, có phải cô là Dung, người con gái đã học chung với Thành què mấy năm ở cấp ba hồi trước không? ”
  -Ồ anh Thành đó hà? Ngọn gió nào đưa anh đến nhà thăm Dung thế? Lâu lắm rồi không gặp anh!  Cuộc sống của anh lúc nầy ra sao? Em có nghe tin anh đã đi Mỹ từ lâu rồi kia mà? Và em có biết là anh đã lập gia đình trước khi đi Mỹ. Chị có đi theo anh về không? Anh về chơi được bao lâu vậy? Vẫn giọng ấm dịu, nhưng nay đượm vẻ vui mừng, Dung thánh thót trả lời.
    Dung mừng rỡ hỏi và hỏi không để cho Thành kịp trả lời. Khi nghe câu hỏi câu Dung về vợ Thành, chàng buồn bã vô cùng. .. “ Nhờ tôi nuôi thằng con lai Mỹ trước kia nên được chính phủ Mỹ cho tái định cư bên nước Mỹ. Vì có chủ đích trước nên Thy Vân tự kiếm đến tôi và xin làm vợ, nhờ thế mà nàng cũng được đi Mỹ với cha con tôi. Khi sang nước Mỹ có đủ lông đủ cánh thì nàng đã cao bay xa chạy. Tôi quá buồn đau nên trở về thăm lại quê hương, thăm gia đình, thăm bạn bè được mấy ngày nay rồi và gần một tháng nữa sẽ trở về Mỹ. Nếu vui, tôi có thể ở lại chơi lâu hơn cũng được! Ngồi im lặng một hồi lâu, Thành tâm sự với Dung. ...”
    Với giọng ân cần Thành tiếp lời  “ Sao cuộc sống của Dung lúc nầy như thế nào? Đường chồng con ra sao rồi?  ”
Không khí đang vui bỗng trầm xuống khi Thành hỏi gia cảnh của Dung. Cố nén xúc động, Dung ngậm ngùi bày tỏ... “ Như anh đã biết, sau khi tốt nghiệp cấp ba, em vào ngành Sư Phạm, ra trường dạy cấp một cho hợp với hoàn cảnh gia đình mong muốn. Em không đủ sức học cao hơn vì phải phụ nuôi đám em nhỏ. Em vô duyên bạc phước nên mãi giờ vẫn phòng không chiếc bóng. Sau năm 1975, như anh biết, nghề dạy học nghèo và khó khăn nhứt. Tuy nó nghèo khó nhưng em vẫn bám lấy để sinh sống qua ngày...”
    Cười ra nước mắt, Dung nhỏ nhẹ hỏi tiếp Thành... “ Anh xem em có tệ lắm không? Làm sao anh có thể nhận ra được em với nhan sắc tiều tụy, khuôn mặt khắc khổ với thời gian trải qua trong nhọc nhằn....”
   -Dung dưới mắt Thành khi nào cũng là người bạn gái chiếm một địa vị quan trọng. Hình hài vóc dáng hiện giờ vẫn không xá nhòa được hình bóng cũ đã khắc ghi trong quả tim này. Tấm hình kỷ niệm hồi đó của Dung, Thành vẫn còn lưu giữ. Tình  bạn với Dung, Thành vẫn ấp ủ từ dạo ấy đến nay không bao giờ phai nhạt. Nhưng Dung là một cô giáo cao vời vợi, còn Thành chỉ là kẻ tàn tật què trệt nên không dám ước mơ vì sợ rằng mình không có khả năng đem lại hạnh phúc cho người con gái mà Thành đã đem lòng yêu thương từ dạo đó. Thành đành im lặng sống trong mơ, không dám nói ra sợ phải chuốc lấy buồn đau khi bị người ta từ chối. Đưa đôi mắt tình tứ nhìn Dung. Thành chân thành trả lời Dung .
   -Người con gái như món hàng, ai muốn mua hàng thì cứ lên tiếng hỏi mua. Ở đời trâu tìm cột chớ cột nào tìm trâu phải không anh? Mặc dù anh là người tàn tật, nhưng anh là người tốt, lại hiếu học, tính tình nhân hậu cũng hiếm có trên đời. Anh vì quá tự ti mặc cảm nên để mất cơ hội đó thôi. Trên đời này cũng có người đến với nhau vì tình yêu phát xuất từ quả tim chân thành, với tấm lòng chứ? Đâu nhất quyết phải hình hài tráng kiện, bảnh trai mới có người yêu thương. Dung cúi mặt xuống tránh đôi mắt nồng ấm của Thành, miệng nàng ấp úng...
   Thành hiểu được một phần nào tâm sự của Dung, nên trong thời gian còn ở Việt Nam, Thành thường xuyên lui tới thăm viếng Dung. Bây giờ Dung ở trong tầm tay của Thành, Thành có thể tiến tới gần nàng được. Tình yêu hai người một ngày một rõ nét hơn. Còn hai tuần trước khi trở lại Mỹ, Thành run run giọng thố lộ tâm tình với Dung... “Anh đã yêu em tha thiết từ khi hai đứa mình học chung. Khi đó anh cảm thấy em ở trên cao vời vợi, anh không thể vói tới được vì tự ti mặc cảm của anh. Anh chỉ yêu thầm nhớ trộm mà thôi, không dám ngỏ lời. Giờ nầy cũng thế thôi. Nhưng anh phải nói ra hết những uẩn khúc để em định liệu mà ban bố cho anh một tình yêu. Anh tàn tật vẫn là tàn tật. Anh sẽ làm chiếc cầu đưa em sang Mỹ, em có bằng lòng không? ”
    Chép miệng thở dài, Thành tiếp lời..“ Anh biết thân phận mình chỉ là kẻ sống thừa, không đem lại hạnh phúc cho bất cứ ai. Anh là một thằng bất lực chỉ biết nằm ngửa để chờ sung rụng. Nhưng anh yêu em tha thiết từ xưa đến nay. Anh muốn làm giấy tờ hôn thú với em. Yêu phải biết cao thượng, phải biết hy sinh cho người mình yêu được sung sướng. Anh hứa sẽ đưa em sang Mỹ, xứ của cơ hội để em có cơ hợi tiến thân. Em nghĩ sao? Rồi tùy em định liệu, sống với anh càng tốt, và nếu muốn xa anh để tìm tương lai cho riêng mình, anh cũng vui lòng. Trước mắt anh chỉ nghĩ là thương yêu em, anh muốn cuộc sống của em ngày một thăng tiến thêm lên thôi...”
   -Em rất cảm động khi nghe những lời phát xuất từ tim óc của anh. Cám ơn anh đã cho em tình yêu phi thường cao cả. Em chấp nhận về làm vợ anh và xin hứa suốt đời bên cạnh anh để lo cho anh đến hơi thở cuối cùng. Úp mặt vào lòng Thành, Dung thổn thức....
   Đôi tình nhân ôm chầm lấy nhau trong tình yêu nồng thắm với những nỗi cảm thông nhau lan rộng dần. Những ngày còn lại ở Việt Nam là những chuỗi ngày hạnh phúc nhứt đời của Thành. Chàng đã nắm trọn tình yêu đầu đời. Ôm người yêu trong mộng, Thành ngỡ là một giấc mơ đẹp... Thế rồi sau một thời gian mật ngọt tình yêu, Dung được Thành bảo lãnh sang Mỹ, với sự giúp đỡ về mặt pháp lý của người thân Thành có công ăn việc làm vững chắc... Tất cả đều bỡ ngỡ và xa lạ với Dung. Dung bắt tay vào gầy dựng sự nghiệp. Nàng học lái xe và chọn nghề nail để sinh sống. Những trăn trở trong cuộc sống làm Dung cũng bị chao đảo trước người chồng tàn tật không đi đứng vững vàng. Chàng chỉ là kẻ lúc nào cũng thụ động trong tình nghĩa gối chăn. Nhìn thiên hạ, bạn bè sống hạnh phúc đề huề với chồng con đưa đón đi chơi đây đó. Dung chợt nhớ đến hoàn cảnh của mình. Nàng cảm thấy tủi hờn cho thân phận bọt bèo của mình. Có chồng cũng như không, tất cả đều phụ thuộc vào nàng.
Dung tự hỏi với chính mình... “ Nói rất là dễ, vỗ tay mới thật là khó!  Nhân tình thế thái... Con người với những đòi hỏi thấp kém. Ở xứ nghèo khổ, chạy từng hạt gạo, bữa ăn. Cái bao tử nó khô teo làm cho ý nghĩ đạo đức nó đóng khung trong khuôn khổ. Ở xứ Mỹ nầy, với đồ ăn dư thừa, con người chạy theo nhu cầu, lại lắm đòi hỏi tư riêng... Cái tôi rất lớn có thắng đạo đức ân nghĩa và tình yêu thánh thiện không?
    Dung bây giờ đã lột xác hoàn toàn. Từ một cô gái lỡ thời khô cằn già nua. Ngày nay bơ sữa đã biến nàng trẻ đẹp ra với áo quần nhung lụa gấm hoa phủ trên một thân thể trắng nõn đầy sức sống. Liệu nàng có thắng nổi những đòi hỏi thấp hèn, nàng có giữ lòng son sắt với người chồng tàn tật như Thành mãi mãi không???...

Anh biết thân anh kẻ tật nguyền,
Nỗi niềm bất hạnh thật vô biên.
Tâm tư trĩu nặng buồn da diết..,
Hỏi mấy ai thương kẻ tật nguyền?


Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét