Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

NHỮNG CÁI TẾT TRONG KÝ ỨC - Nguyễn Ninh Thuận Nguyễn Ninh Thuận

Những phiên chợ Tết ở quê nhà, không bao giờ phai nhòa trong ký ức Minh... Mồng 5 tháng 5 âm lịch là “ Tết Đoan Ngọ ”. Trước đó mấy ngày, người người chuẩn bị gói bánh tro. Sống ở đây, Minh nhớ rất rõ món cháo mà Minh thích ăn thuở còn ấu thơ. thân cây mè đốt lấy tro để vào nước lắn lấy nước trong, gạo nấu với nước trong đó là một món cháo tuyệt cú mèo, ăn hơi giống bánh tro. 
<!>
Đúng ngày mồng 5, mọi người tấp nập đi hái lá thuốc phơi khô, họ để dành chữa bệnh cho cả năm. Tiếng”cạp cạp” của mấy chú vịt kêu inh ỏi vang lên cả chợ Tếtï. Mâm cỗ bày lên bàn thờ cúng Tổ Tiên với thịt vịt nấu đủ thứ: nào là vịt xáo măng, vịt luộc, vịt nấu thơm... Chè kê xúc bánh tráng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Đúng mười hai giờ trưạ, mọi người tủa ra ngoài sân, ngước mặt lên nhìn ông Mặt Trời nháy mắt mấy cái.
-Con cháu mau mau ra nháy mắt với ông Mặt Trời để khỏi đau mắt và đỏ mắt! Đứa nào bắt được thằn lằn ra đây ông thưởng! Các cụ già bảo.
 Nghe đâu con thằn lằn để vào chậu nước cho trẻ con tắm thì tránh được ghẻ lở., và cho trẻ con ăn hột gà để trị bệnh nữa... Nhưng mấy ai bắt được mấy chú thằn lằn tinh khôn nầy. Có người rỉ tai  bảo nhau:
     -Ra mấy bụi chuối tách bẹ ra, các con thằn lằn hay trốn trong đó!
Hết Tết Đoan Ngọ, đến rằm tháng 7, mùa báo hiếu, xóa tội vong linh đến trong mọi gia đình. Người người tấp nập đi chùa cầu nguyện cho người chết. Họ còn cầu xin cho cha me ïcòn sống được trăm tuổi, gia đình hòa thuận, hạnh phúc... Sau ngày rằm, người trong phố chợ lại bày biện cúng “ Cô hồn ”. Con nít có dịp tụ tập quanh những đám cúng để giựt đồ ăn, chúng tranh giành la hét om sòm.
 Rồi thời gian trôi qua nhanh như thoi đưa, Tết Trung Thu rập rình ngoài ngõ. Những bậc phụ huynh lấy tre, trúc vót làm lồng đèn như ngôi sao, con cá, máy bay, tàu thuyền... với giấy bóng đủ màu sắc làm háo hức lũ trẻ con. Các nhà nghèo cũng cố gắng lượm lon sữa bò đục khoét, cắc xén thành những chiếc lồng đèn trông cũng xinh xinh.
Đêm Trung Thu ông Mặt Trời đi ngủ sớm, nhường chỗ cho chị Hằng vui chơi với lũ trẻ con. Từng đám trẻ nối đuôi nhau đi rước đèn với tiếng hát hồn nhiên vang dội cả xóm làng. Thỉnh thoảng có tiếng đứa trẻ khóc ré lên vì lồng đèn bị cháy sém...
Trong một góc nhà hay ngoài hàng hiên, các cụ già tụm năm tụm ba ngồi uống trà, ăn bánh đối ẩm, ngâm thơ. Cả một khung cảnh thanh bình nên thơ của làng quê hiện ra... với tình làng nghĩa xóm thân thương dạt dào tình người dân thôn quê mộc mạc.
Thời gian qua nhanh với cuộc sống tất bật, bon chen xảy ra hàng ngày... Rồi cũng đến 23 tháng chạp: Ngày đưa ông Táo về Trời. Dưới gốc cây đa đầu làng,  những lò bếp, những ông Táo chất cao ngất. Người làng đưa các ông Táo cũ ra đó để mua rước ông Táo mới vào nhà. Mâm cỗ đưa ông Táo về Trời cũng tùy theo túi tiền từng nhà. Có nhà khấm khá thì gà vịt, xôi chè, trái cây, vàng bạc... Có nhà chỉ hương đăng trà quả, nhang đèn đơn sơ cũng đưa được ông Táo về Trời như thiên hạ.
    Gia đình Minh sinh sống với nghề làm bánh mứt để độ nhật qua ngày. Miền Trung xứ nàng, mỗi khi cúng giỗ luôn luôn có dĩa bánh trong mâm cỗ. Tết là dịp người ta mua sắm bánh mứt rất nhiều. Vì thế trước Tết mấy tháng, tất cả các chị cùng mẹ Minh tất bật làm bánh mứt suốt ngày đêm. Các loại mứt thông dụng nhất là mứt gừng, mứt bí, mứt dừa, mứt me, mứt tắt... Trong đó mứt bí làm rất công phu với tỉa hoa lá cành... Ngoài ra bí lại phải để trong nước vôi trong với nồng độ mà bí vẫn trắng nõn và không nát ... Khi xên mứt, lửa phải riu riu để khỏi bị vàng và vỡ mất hình dạng đã tỉa rất công phu. Minh nhớ có khi ngủ say, nàng thức giấc nửa đêm vẫn thấy mẹ còn lui cui bên mấy chảo mứt. Mẹ đã cả một đời buôn tảo bán tần vất vả quanh năm, để nuôi sống gia đình trong thời kỳ gia đình suy vong vì chiến tranh khốc liệt. Hình ảnh của mẹ hiền yêu dấu được Minh ghi lại trong mấy vần thơ...

                Hôm nay Trời đổ mưa nhiều,
                Không gian mờ mịt, tiêu điều biết bao.
                Mặt Trời đã lặn ngõ sau,
                Đâu còn nắng ấm rọi vào đời con.
                Xứ người một nỗi cô đơn,
                Hướng về quê mẹ tủi hờn làm sao.
                Nhớ xưa, lòng mẹ dạt dào,
                Thương đàn con trẻ cho bao ân tình.
                Vì con mẹ đã hy sinh,
                Kiếm từng đồng bạc hết mình nuôi con.
                Tảo tần dầu dãi không sờn,
                Cố làm mứt bánh ngọt ngon cho đời..
                    
Sau ngày 23 tháng chạp, chợ búa vui nhộn hẳn lên. Người buôn, người bán tấp nập. Kẻ thì mua sắm áo quần Tết cho trẻ con. Thường người ta lo may sắm quần áo Tết trước cả tháng... Cò bay, ngựa chạy, cá chép hóa rồng treo tòn ten khắp cửa hàng. Quầy bánh mứt, thèo lèo cứt chuộc đầy nhóc; chen chúc với nhang đèn, giấy tiền vàng bạc. Hoa quả xanh tươi vui mừng đón chào khách hàng đến mua sắm...Cửa hàng nhà Minh đầy nhóc mứt bánh , rượu trà, hoa quả...
 Một số người chen chúc nhau lựa chọn những miếng thịt heo, bò...tươi ngon. Ga,ø vịt kêu inh ỏi cả một góc chợ làm phiên chợ Tết thêm nhộn nhịp, ồn ào hơn... Cá, tôm cũng bày bán la liệt không thua gì thịt, trứng... Những ngày thường, phiên chợ làng Minh chỉ kéo dài đến xế trưa. Riêng trong dịp Tết nó kéo dài mãi đến sập tối.
Gia đình nhà Minh huy động tất cả thành viên trong nhà lo hàng hóa bán trong dịp Tết, Minh cũng góp một phần nhỏ trong những lúc không có lớp học. Nàng lăn xăn phụ gói hàng hay nghe lời sai bảo của các chị. Nghĩ đến những cái bánh, miếng mứt ngon ngọt hay chua chua làm Minh muốn ứa nước miếng. Ngoài việc lo làm bánh mứt cung cấp cho cửa hàng, mẹ Minh kiêm luôn chuẩn bị thức ăn Tết cho cả nhà. Những hủ dưa món, dưa cải, củ kiệu, củ hành, bánh tét, thịt kho, cá kho... cũng được mẹ Minh chuẩn bị trước Tết cả mấy tuần…
Hàng Tết bày ra với hương đèn, bánh mứt đủ màu sắc trông rất rực rỡ, đẹp mắt. Người người mua bán tấp nập, rộn rịp. Tiếng nói tiếng cười vang vội khắp nơi. Ai ai cũng nô nức chào đón chúa Xuân về. Các cửa hàng may áo quần, kẻ ra người vào may đo tấp nập.
Chiều 30 Tết chợ búa vắng tanh. Mọi người đổ dồn đi chùa, nhà thờ để cầu xin, khấn nguyện cuối năm. Minh không bao giờ quên được khung cảnh êm đềm, thanh khiết trong đêm giao thừa. Ba Minh trong bộ áo dài đen, khăn đóng, đứng trước bàn thờ Tổ Tiên. Với khói hương nghi ngút, Người đang lâm râm khấn nguyện. Trên bàn thờ với mâm cỗ chay, bánh mứt, hoa quả tinh khiết, nước trà quên với hương trầm  và mùi thơm của bình hoa thập cẩm mới hái ngoài vườn thơm ngát tỏa khắp cả ngôi nhà. Không khí như trầm hẳn xuống với khí trời hơi lành lạnh đượm đầy vẻ trang nghiêm, ngoài vườn tiếng côn trùng rên rỉ như hòa nhịp thêm bản nhạc buồn miền quê nghèo nàn. Tuy thế Minh không bao giờ quên giây phút thiêng liêng đó trong quãng đời bôn ba, có khi huy hoàng và cuộc sống dư thừa tại xứ Mỹ này!
Thật vậy, tiền bạc có thể kiếm được, nhưng tình thâm, kỷ niệm nay còn đâu?!
Sáng hôm sau, mồng một Tết, gia đình Minh được dịp thức dậy muộn hơn mọi ngày, bù trừ sau một thời gian dài thức khuya dậy sớm làm hàng bán Tết.
Ba ngày Tết chợ búa không nhóm họp. Mọi người lớn bé vui chơi với bàn bầu cua cá cọp. Các cụ già thì chơi tứ sắc, tổ tôm, xì dách, cát tê. Đặc biệt ở quê Minh, người dân thích chơi đánh bài tới, một loại bài với những hình ảnh lạ mắt. Quê Minh theo đúng với câu ca dao...
“ Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè ”.
Trẻ con xúng xính trong những bộ quần áo mới còn thơm mùi vải. Các cô thiếu nữ e lệ trong những chiếc áo dài sặc sỡ đủ màu sắc. Các cậu  thanh niên cũng trong những bộ quần áo mới tinh hảo. Họ đua nhau đốt những chiếc pháo lẻ còn rơi rớt lại trong đêm giao thừa. Họ muốn trêu ghẹo cho các cô giật mình để có dịp làm quen.. Cả một khung cảnh thanh bình bừng sống dậy trong trí óc Minh với bao nuối tiếc thời thơ ấu. Minh nhớ nhất là những mẩu chuyện cổ tích và sự tích các loại bánh, hoa quả... do mẹ kể lại cho nàng nghe khi nàng nằm gọn  trong lòng mẹ...


Nguyễn Ninh Thuận 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét