Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

U Uẩn - Tâm Như

                                            

Cho đến bây giờ Bích vẫn chưa có được một tình bạn theo đúng nghĩa của nó !
Ngoài trừ Công, một người bạn học ở lớp Đệ Lục năm 1956. Đến nay, tất cả đã có gia đình. Thỉnh thoảng chúng tôi đến thăm nhau vài lần, chứ cũng ít khi rủ nhau đi ăn uống, nầy nọ... Bích mến Công vì tính tình chân thật. Công mến Bích có lẽ vì hiểu được hoàn cảnh của chàng. Ngày Bích mới quen Lan, Công có nói một câu mà Bích vẫn  nhớ mãi:
   - Mầy coi chừng đấy! Cù lần như mày, đứa khác sẽ phỗng tay trên, đó bạn ạ !...
      Bích suy nghĩ chuyện đời và cảm thấy :
   -  Quả thật đúng y như Công đã tiên đoán !...
      Ở Đại Học, Bích cũng không có người bạn nào thân, ngoài vài đứa hay lui tới hỏi bài lẫn nhau. Cuộc sống riêng tư chẳng đứa nào tâm sự với nhau hết!
<!>

     Đến khi nhập ngũ, cuộc sống tập thể đầu tiên là một đám hỗn độn trong Quân trường. Tiếp theo là ở cơ quan làm việc với sự ngăn cách giữa cấp bậc, chức vụ trong quân đội!...
    Ngày tới làm, tuy trong phòng có đến năm Bác sĩ. Nhưng nhiệm vụ và cấp bực khác nhau nên cũng có rất nhiều ngăn cách... Nhất là đối với nhóm Bác Sĩ ở các phòng khác thì lại càng khó hội nhập!...
    Do điều kiện tài chánh và cách sống khác nhau, nên Bích tự thấy :
    - Mình không đủ điều kiện hội nhập vào cuộc sinh hoạt của số người đó! Như vậy mình chỉ có cách là hòa mình với lớp hạ sĩ quan và nhân viên dân chính.
     Bích muốn yên thân, không làm phiền và đụng chạm đến ai... Nhưng cây muốn yên , mà gió không ngừng thổi !... Chỉ vì :
    - Hình như vì điểm này, mà các bạn đồng nghiệp ở đây đã không thích mình chăng?
    Thật vậy họ chèn ép Bích đủ thứ!... Từ việc khen thưởng, thăng cấp cho đến quyền lợi về tài chánh!...  Bích nắm giữ những chức vụ chỉ có danh mà không có thực! Chàng buồn :
    - Mình làm việc thật nhiều để rồi người khác được khen thưởng !...
  Nhưng chàng vẫn  nghĩ :
    - Mình không thể vì những quyền lợi trên mà lại không làm tròn nhiệm vụ của mình !
   Bích vẫn hằng ước mơ :
    - Mình sẽ có những người bạn hiểu mình và chúng tôi thật sự hiểu lẫn nhau, biết hy sinh cho nhau !
   Nhưng rồi, Bích cũng chỉ sống trong mơ ước như chàng từng đã ước mơ có được một người bạn đời hiểu được những suy tư của mình!...Ước sao nàng  thông cảm và chia xẻ những buồn vui trong cuộc đời trải dài trước mắt lắm chông gai và buồn nhiều hơn vui!...
     Đối với ba anh em Bích, thì không có gì đáng nói. Vì hoàn cảnh của anh em chàng, chẳng hơn gì nhau. Bích vẫn tiếc :
  - Mình không có em gái để được thấy cô em nũng nịu, vòi vĩnh, hờn dỗi và rồi tâm sự khi vui buồn. Nàng sẽ nhẹ nhàng săn sóc cho mình rồi thì mình sẽ đem hết tình thương của người anh ra dành cho cô em gái hay nhỏng nhẻo và dễ thương!...
    Các anh chị Bích, con Mẹ Lớn thì đều có tuổi tác cách chàng quá xa... Bích cảm thấy xa cách :
   - Các anh chị mình khó thông cảm được những băn khoăn lo nghĩ của mình. Anh Lực, người anh cả, tuy giàu có, những cuộc sống của gia đình anh từ vợ đến các con anh đối với mình là cả một sự ngăn cách về ý nghĩ và lối sống! Những gì anh ấy giúp đỡ mình quả thật rất to lớn! Nhưng người ta thường nói “của cho không bằng cách cho”! Thế nên mỗi lần Bích nhận được sự giúp đỡ của anh, lòng chàng cảm thấy xót xa làm sao!..
     Nhưng đối với Bích, chàng luôn nghĩ đến công ơn nuôi nấng của anh. Bích vẫn tâm niệm :
    - Mình đã và đang chịu ơn của anh Lực, cho nên không việc gì anh nhờ mà mình bỏ qua!...
       Anh chị Phấn, người anh thứ tư, có công nuôi Bích một thời gian  trong lúc Thầy Má chàng mất với một tình thương nồng ấm! nhưng gia đình anh không được dư dả mà con lại đông và ở quá xa, thế mà anh chị ấy cũng đã giúp Bích trong việc chàng  lập gia đình...
       Từ những mất mát và thiếu thốn về tình thương yêu của gia đình, càng cô đơn, Bích càng thích làm việc ngoài xã hội chỉ vì :
   - Qua những việc làm chàng cảm thấy mình có thêm niềm vui và an ủi thắm thiết nào đó !
   Trước ngày lập gia đình, Bích đã dành hầu hết những thời gian rảnh rỗi vào công tác xã hội. Bích nhìn những nét mặt hân hoan, vui mừng của những người kém may nắm, chàng đã bằng lòng về mình qua những suy nghĩ:
   - Mình lấy niềm vui của họ cho chính mình, Ít ra mình cũng làm được những việc hữu ích cho đồng loại... Bích thấy, chàng như sống hẳn trong cuộc sống của lớp người thiếu thốn về vật chất, nhưng rất giàu về tình thương của con người... Bích đã đi làm công tác xã hội ở khắp các xóm lao động trong Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Chàng cũng đi một số tỉnh Cao Nguyên, Miền Trung... Nơi đâu, Bích cũng được đồng bào giành cho nhiều tình thương chân thật... Khi phục vụ công tác y tế tại một bệnh viện Quân Dân Y phối hợp, hàng ngày Bích chứng kiến biết bao cảnh thương tâm của những thương bệnh binh. Những kẻ đã hy sinh cho một lý tưởng cao đẹp, cho chính nghĩa tự do, cho quê hương đất nước... Hay đó chỉ là những vật hy sinh cho lớp người có quyền thế, hưởng thụ trên xương máu của đồng đội, đồng loại ?... Bích không thể nói hết những nỗi đau thương của thân phận con người sống trong một thời đại nhiễu nhương!
      Những ngày tù tập trung qua đi như một một cơn ác mộng... Rồi Bích được thả về đoàn tụ với gia đình. Bích đi tù về, chàng bị “mất quyền công dân”! Bích lại chịu sự quản chế của địa phương. Tuy nhiên Bích mừng vì là một trong những người nhận được cơ may về sớm... Đó là một điều mà trong cuộc đời thăng trầm của chàng được đãi ngộ !
     Ăn Tết xong, Bích đến  Sở Y Tế  thành-phố xin việc, nhưng chưa có việc! Một dịp may đưa đến với Bích, chàng gặp Dược sĩ Trương, người bạn cùng lớp tại trường Dược. Anh ta nhờ hoãn dịch, không phải cầm súng, nên không phải đi “học tập”. Anh ấy giới thiệu Bích vào làm tại Viện Bào Chế mà anh có phần hùn trong đó.
     Đây chỉ là cơ sở tư nhân, Việt cộng tạm thời cho phục hoạt để giải quyết tình trạng khó khăn về kinh tế “hậu giải phóng”! Chính vì vậy tư cách “công nhân viên” của Bích không đáp ứng đươcỳ tiêu chuẩn ở lại thành phố! Áp lực đi kinh tế mới ngày đêm đè nặng lên tâm tư Bích. Chàng phải xin vào một cơ quan nhà nước mới có hy vọng không bị đày đi kinh tế mới!     
     Vì vậy, sau hai năm làm việc với dược sĩ Trường, Bích đã xin việc tại đội Vệ Sinh Phòng Dịch quận qua sự giới thiệu của người bạn là BS Du:
   - Tôi xin giới thiệu với chị Thủ trưởng đây là Bích, bạn tôi. Anh ta là Dược Sĩ, mong chị thâu nhận anh ấy vào làm trong đội Vệ sinh phòng dịch của quận...
   Chị Kim Hường, thủ trưởng hứa với Bích :
  - Trên nguyên tắc tôi đã chấp thuận thâu nhận anh vào làm. Anh về nhà chờ thủ tục chính thức tuyển dụng đi làm...
  Bích đến làm việc ở Đội Vệ Sinh Phòng Dịch, sau đó được cử đi học lớp “bồi dưỡng xét nghiệm” ở Pasteur.
     Trong thời gian Bích làm ở đội phòng dịch, ngoài tiền lương, chàng được mua nhu yếu phẩm gồm gạo, thịt, xà phòng, dầu hôi, đường sửa, thuốc lá... Thỉnh thoảng được chị thủ trưởng “bồi dưỡng” thêm đường, sửa... . Bích suy nghĩ:
    - Mình không hút thuốc lá, nên đem về biếu ba Mai hút. Mặt khác, các con mình đã gởi nhà bà ngoại trông hộ thì mang tất cả nhu yếu phẩm về để chúng có cái ăn!...
      Trước cuộc sống bấp bênh cả tinh thần lẩn vật chất. Bích nhận thấy :
     - Càng ngày, người dân càng tìm mọi phương tiện rời bỏ quê hương dù phải chấp nhận nhiều hiểm nguy trên bước đường vượt biên !
      Chị Kim Hường, “Thủ Chưởng” cơ quan Bích làm việc là một nữ “Y-sĩ”, người miền Bắc. Chồng chị là một cán bộ người Nam tập kết trở về. Ông nầy giữ một chức vụ quan trọng trong ngành thương nghiệp. Ông là con của một bà chủ tiệm cầm đồ giầu có tại Phú-Nhuận trước khi Sài Gòn thất thủ. Bà cụ rất khéo léo trong việc giao tiếp đối xử với cô dâu “cách mạng”nầy! Bích thường đùa với các bạn trong phòng :
    - Chẳng bao lâu chị Kim Hường sẽ trở  thành người đàn bà miền Nam với cách ăn mặc và trang điểm vượt xa các chị cán bộ “Giải Phóng” từ Bắc vào hoặc từ “B” ra cho mà coi !
    Thật thế chỉ một thời gian ngắn, chị Kim Hường đã lột xác từ một người quê mùa miền Bắc trở thành một người ăn mặt theo dân Sài Gòn.
Chị Kim Hường tự biết :
    - Khả năng chuyên môn của mình hạn hẹp không bằng nhóm lưu dụng. Họ vì hoàn cảnh đổi thay của đất nước, là những người thất thế như Bích phải chấp nhận thua thiệt mọi mặt, từ lương bổng cho đến các “bồi dưỡng đời sống” v.v...
    Với những suy xét bén nhạy, chị nhận xét các nhân viên dưới tay chị :
    - Về mặt công tác, thì Bích và bác sĩ Du, thuộc“chế độ cũ” đã giúp cho Đội VSPD quận luôn luôn đứng đầu trong mọi công tác về Y-Tế Phòng Dịch và Chữ Thập Đỏ của thành phố Sài Gòn ...
    Nhờ thành tích đó, chị “ Thủ Trưởng “ thường dành cho bọn Bích một số ưu đãi bằng cách buộc “ Ban Chăm Lo Đời Sống ” :
   - Ban Đời sống hãy cung cấp Nhu Yếu Phẩm cho nhóm Bích giống như các nhân viên đã vào “ biên chế ”...
    Sau đó thỉnh thoảng Bích được lãnh thêm một hộp sữa bột hay một lon sữa đặc cho con...  Đôi lúc vui miệng chị nói thẳng với chàng :
     - Tôi biết các ông không thích “cách mạng”, lúc nào cũng tìm cách ra đi ! Tuy nhiên có đi thì đi cho lọt nhé. Đừng để công an họ kêu chúng tôi đi lãnh các ông về thì phiền lắm đấy!
Bích đáp lại nửa đùa, nửa thật:
- Chị yên trí, khi nào bọn tôi vượt biên sẽ báo chị biết để xin chị cấp “Giấy Đi Công Tác”!
    Không khí trong cơ quan ngày càng ngột ngạt...  do cung cách làm việc và đãi ngộ của chế độ mới. Vì thế nhóm lưu dụng của Bích vẫn tìm cách vượt biên! Nhóm của Bích có ba người, bác sĩ Du, Mỹ Hoa và Bích. Bác sĩ  Du tâm sự :
    - Tôi chọn cách đi “đăng ký chính thức”.
Mỹ Hoa nói :
    - Nếu có đi, em theo sự chọn lựa của gia đình khi thấy an toàn!
Bích trầm ngâm suy nghĩ :
     - Hai cách đi nầy rất tốn kém, gia đình mình không đủ khả năng tài chánh để lo. Chỉ còn cách là rủ nhau tự tổ chức...
     Tuy cùng chung ý định vượt biên, nhưng không ai dám nói cụ thể dự tính của mình. Bởi lẽ nếu sơ hở một chút là bị lộ ngay! Trong gia đình, Bích cũng rất kín đáo:
    - Mình nên âm thầm tính toán ... Không nên bàn tính với người thân kể cả vợ mình !
    Thế rồi tình cờ, vào đầu năm 1979, người anh cô cậu ruột, anh Ngoan và chú em rể, chồng cô em bạn dì ruột tên Bính đến nhà rủ Bích :
    - Anh nên tham gia tổ chức vượt biên cùng với chúng tôi.
    Hai người nầy  cho biết :
    - Chúng tôi có quen một nhóm trẻ ở Long Xuyên dự tính mua “tàu” tổ chức chuyến đi. Họ chỉ cho bà con trong gia đình đi thôi! Nhóm nầy có bà con ở Sài Gòn, nên mình có thể liên lạc trực tiếp để theo sát các diễn tiến của chuyến đi. Dự chi, mỗi người lớn chỉ đóng có “ba cây” trẻ em thì miễn phí.
    Nghe xong câu chuyện, Bích quyết định :
   - Với sự đóng góp như vậy, gia đình mình có thể chịu đựng được! Mình nên  tham gia chuyến đi này !
    Kế hoạch thực hiện chia ra như sau:
    - Mua “tàu”, mua máy, ráp máy...  Bãi đáp do Hinh, trưởng nhóm thanh niên  Long Xuyên lo liệu...
    - Giám sát, kiểm tra và đôn đốc công việc do anh Ngoan và Bính phụ trách.
    - Thu tiền, sắp xếp thu nhận người đi, do bà Bảy ở Sài Gòn phụ trách.
Công việc tiến hành gặp nhiều trục trặc về việc mua “ghe” và máy móc. Sở dĩ phải dùng chữ “ghe”vì nói là mua “tàu” nhưng sự thật đây chỉ là chiếc “ tác ráng ” dùng để đi trong sông lạch chứ không thể đi biển! Còn máy móc thì cũng chỉ là hai chiếc máy đuôi tôm F10 đủ sức đẩy chiếc xuồng đi trong sông mà thôi!
Trở lại việc chọn người cùng đi, thì càng rắc rối và nguy hiểm hơn! Bà Bảy đã vô tình hay cố ý để cho một đôi tình nhân biết được chuyến đi nầy. Lúc đầu họ nói:
     - Chúng tôi đồng ý đóng góp số vàng đã quy định sáu cây cho hai người.
Nhưng đến ngày sắp khởi hành thì cặp nầy đòi :
     - Chúng tôi không đủ sức đóng góp. Vậy tổ chức phải cho chúng tôi đi miễn phí. Nếu các người không cho, chúng tôi sẽ đi tố cáo với công an!
      Sau nhiều lần dàng xếp không được. Nhóm tổ chức bàn nhau :
- Thôi đành cho họ đi không, để công chuyện khỏi bị lộ ra!...
Ngày, 19-5-1979 được chọn làm ngày khởi hành, chọn ngày nầy vì là ngày “sinh nhật” của Hồ Chí Minh. Anh em trong nhóm bàn nhau :
     - Các cơ quan kiểm soát của Cộng sản lo tiệc tùng sẽ lơ là nhiệm vụ. Do đó chuyến đi sẽ thuận lợi hơn...
Mỹ Hoa cháu gọi bà già chồng  của chị “Thủ Trưởng” bằng cô ruột. Cô ta  được tuyển vào làm việc tại Đội VSPD. Vì là con cháu trong nhà nên chị Hường thường bảo :
     - Cô rất tin tưởng Mỹ Hoa nên  giao cho nhiệm vụ giữ sổ sách chi tiêu và sổ tiết kiệm của cơ quan.
     Mỹ Hoa vượt biên trước Bích mấy ngày. Trước khi đi, nàng rút hết tiền trong sổ tiết kiệm của cơ quan giao cho Bích và nói nhỏ :
    - Em  nhờ anh trao tất cả lại cho chị Hường...
    Sáng hôm ấy Mỹ Hoa ghé nhà Bích và nói :
    - Anh cho em mượn một chiếc quần dài phụ nữ của chị và cho phép em vào nhà để hóa trang cho chuyến đi của em. Xong đâu đó, nàng chào từ biệt Bích để lên đường ...
    Sự việc Mỹ Hoa vượt biên và nhờ Bích trao tiền lại cho chị Hường đã tạo ra nhiều bàn tán trong cơ quan...  Họ cho rằng :
    - Cặp Bích – Mỹ Hoa có sự liên hệ tình cảm với nhau sâu đậm!...  Thế nào, sau Mỹ Hoa cũng sẽ đến lượt Bích ra đi!...
Bích chỉ mỉm cười, yên lặng với những suy tính...

Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét