Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Nỗi Niềm - Nguyễn Ninh Thuận


 Bùi Công Minh gục xuống bàn chết lịm đi... Chàng không còn nước mắt để khóc than cho mối tình đầu của mình vừa tan vỡ.  Thu Nguyệt thật sự xa rời vòng tay của Công Minh mất rồi. Lòng chàng buồn vô hạn... Nỗi buồn cứ ray rức, ray rức mãi trong lòng một chàng sinh viên đa tình. Nó cứ lan rộng và lan rộng mãi ra... Con tim của Công Minh bắt đầu rỉ máu và cứ rỉ máu hoài không ngừng nghỉ... Không biết khi nào nó lành lại được?! Theo thời gian, nó sẽ ăn sâu vào ký ức của Công Minh không bao giờ phai nhạt. Công Minh như người điên dại, chàng lẩm bẩm một mình:
     -Thu Nguyệt đang tâm phụ rẫy duyên thề với mình rồi sao? Nàng đã trao trọn tâm hồn lẩn thể xác cho mình rồi kia mà! Tại sao thế? Lòng dạ đàn bà thật khó hiểu vô cùng!!!
<!>
     Hôm nay đã ngày 18 rồi, mà trăng vẫn còn sáng vằng vặc. Ánh bạc vẫn lung linh đùa giỡn với vạn vật, cây cỏ... Muôn hoa vẫn khoe sắc, khoe hương với Chị Hằng và Chú Cuội. Nhưng Công Minh đâu còn tâm trí đâu để ngắm nhìn cảnh đẹp của thiên nhiên với gió mát trăng thanh. Chàng tự nhủ thầm:
    -Ánh trăng đâu còn trong sáng nữa để in bóng hình mình với Thu Nguyệt... Thôi hết rồi, nó không còn gì cả. Có chăng chỉ là một màu đen tối phủ lên cuộc đời của Công Minh mà thôi...!
    Trăng của mọi người và của văn nhân thi sĩ sao trong sáng tuyệt đẹp vô cùng. Nhưng trăng trong lòng của Công Minh đã tắt lịm từ khi Thu Nguyệt thật sự bước ra khỏi cuộc đời của chàng. Mãi mãi trong lòng Công Minh, trăng đã bị đám mây đen bao phủ mất rồi! Nguyệt là Trăng, Trăng là Nguyệt. Kể từ giây phút này nó đã lẩn trốn Minh mất rồi. Nó bây giờ thuộc về của riêng ai đó để được kề cận nâng niu đêm ngày...
      Công Minh với nỗi cô đơn trống vắng đè lên tâm hồn tê tái biết thuở nào vơi?! Chàng ngồi bất động với kỷ niệm thời thơ ấu âm thầm kéo về...
      ...Công Minh được sinh ra trong một gia đình khá giả ở tỉnh Bạc Liêu. Chàng được cha mẹ hết lòng thương yêu, chiều chuộng... Ông Tư, Ba của Công Minh có một chiếc tàu chở hàng. Người đã ký hợp đồng chở hàng cho chính phủ đi khắp nước Việt Nam. Một hôm ông bàn cùng vợ:
     -Mỗi khi chở hàng, mình nên mang một ít hàng của riêng mình tháp tùng theo mua bán thêm bà à.
     Bà Tư lộ vẻ lo sợ ra mặt. Bà kề tai nói nhỏ với chồng:
     -Việc chở nàng mua bán của mình như vậy có hợp pháp không ông? Tôi lo sợ việc làm ăn trái phép lắm ông à. Sự việc bị đổ bể thì ngồi tù như chơi đó. Thôi ta cứ ăn chắc mặc bền đi ông. Đừng phiêu lưu mạo hiểm mà mất cả chì lẩn chài đó ông à.
      Ông Tư phá lên cười trêu vợ:
    -Sao mẹ nó nhác như thỏ đế vậy. Có phước làm quan có gan mới làm giàu chứ! Mình cứ làm ăn theo kiểu nhút nhát sợ sệt như vầy hoài thì chỉ có kiếm ba cọc ba đồng. Như thế làm sao mà khá nổi, chỉ có nước húp cháo Rùa mà thôi!
     Ông Tư nhìn sang vợ, thấy bà còn lộ vẻ sợ hải; ông cảm thấy lòng mình bồi hồi xúc động và thương cảm người vợ thật thà chơn chất vô cùng. Ông đã biết tính vợ hay lo và sợ sệt đủ thứ... Vợ ông là người đàn bà có lòng từ tâm, hay giúp đỡ kẻ khốn cùng. Con kiến bà ấy cũng không nỡ giết chết... Ông Tư ôn tồn trấn an vợ:
-Tôi nói chơi để hù bà đó thôi, Mẹ nó an tâm, đừng lo lắng thái quá mà có hại cho sức khỏe. Mỗi chuyến chở hàng đi, họ cho mình được phép mang theo một ít để mua bán làm ăn thêm. Tôi đã tìm ra mối lái mua bán hẳn hòi rồi. Mẹ nó chuẩn bị tủ để thâu tiền vô đi nhé. Bay giờ bà vui chưa nào?!
Hai vợ chồng ông Tư nhìn nhau nở nụ cười thông cảm. Họ cảm thấy hạnh phúc tràn ngập trong mấy chục năm kết tóc xe duyên. Như nhớ ra việc mới đi chấm lá số tử vi của thằng Công Minh hồi sáng, Bà Tư nhỏ nhẹ âu yếm nói cùng chồng:
-Ba nó à! Cái số thằng Công Minh của chúng mình nó sẽ lận đận đường tình duyên... Nó cũng khắc với cha mẹ nữa.
Bà Tư thở dài, bùi ngùi nói tiếp:
     -Cái số của thằng Công Minh thật bạc phước. Nếu con ở bên cạnh chúng mình, nó sẽ bị èo ọp, nay đau mai ốm... Con nó lại khắc cha me, rất xấu cho đường công danh sự nghiệp, làm ăn mua bán của ông sau này.
Ông Tư biết tính vợ rất tin vào bói toán. Ông lên tiếng:
     -Mẹ nó không đi coi thì thôi. Nhưng bà đã bỏ công tìm thầy chấm số tử vi cho con. Không nhiều thì ít, chúng mình cũng phải tin lời thầy nói chứ! Thế ông Thầy có cho biết cách hóa giải hay không?
Bà Tư buồn bã trả lời chồng:
     -Ông Thầy khuyên mình nên ký thác con vào Chùa. Cũng có thể cho nó làm con nuôi của ai đó. Tình thế sẽ hóa giải mà khá hơn...
     -Giờ mẹ nó tính sao đây!
Bà tư vừa quẹt nước mắt vừa trả lời chồng:
     -Thằng Công Minh là nắm ruột của tôi đã mang nặng, đẻ đau. Tôi từ bỏ nó để cho ai đó nuôi sao đành lòng được hả ông! Tôi thương yêu và quý mến con lắm. Tôi không thể xa lìa con được ông à!
Bà Tư mủi lòng khóc nức nở, bà nói trong nghẹn ngào:
     -Sao Ông Trời nở đành bày chi tình mẫu tử phải chia lìa tội nghiệp như thế hỡi hóa công! Hu! Hu...
Ông Tư vỗ về an ủi vợ không ngớt lời:
     -Mẹ mầy đã một lòng tin tưởng vào lời ông thầy bói danh tiếng đó thì mẹ mầy hãy bình tĩnh, suy nghĩ hơn thiệt đi. Mẹ mầy đừng khóc lóc làm tôi quýnh quáng lên, không biết phải tính toán sao cho ổn thỏa hết cả...
Ông ân cần cầm tay vợ bùi ngùi tiếp lời:
     -Thằng Công Minh cũng là máu mủ của tôi. Tôi cũng thương nó đứt ruột đi chứ. Chúng mình cố suy nghĩ tìm cách hóa giải cho con nó tốt đẹp sau này để khỏi ân hận...
Bà Tư như nhớ ra điều gì thích thú, bà lộ vẻ vui mừng vội reo lên:
     -Ba nó à! Tôi nhớ ra rồi, Dì Út nó, em gái của tôi không chịu lấy chồng. Nay Dì ấy đã lớn tuổi rồi, Dì cũng cần một mụn con hủ hỉ tuổi già. Sao mình không bồng thằng Công Minh đặt vào tay Dì nó. Chắc chắn Dì Út nó sẽ hân hoan và cảm động nhận lãnh thằng Công Minh làm con nuôi của nó. Thằng Công Minh sẽ có người mẹ như ruột thịt vì đằng nào Dì Út nó cũng là máu mủ ruột thịt của em...
“ Mất cha còn Chú, Mất mẹ bú vú Dì ” kia mà! Đằng này chúng mình còn đây sẽ lui tới thăm viếng con thường xuyên đâu mất mát gì cho cam phải không ông?
Bà Tư  quá vui mừng vì tìm ra giải pháp tốt đẹp. Bà tiếp lời:
     -Không những thằng Công Minh được ấp ủ tình thương của Dì Út. Mà nó được cả ông bà ngoại thương yêu chăm sóc trọn vẹn nữa... Kể ra tiền hung, hậu kiết. Như vậy là thằng Công Minh cũng có phước có phần lắm rồi phải không ông... Con nó có đầy đủ tình thương tứ phía, hơn cả mấy anh chị em nó rất nhiều!
Thế là ngay từ buổi ấu thơ, Công Minh đã xa lìa tình thương đầy ấp của đấng sinh thành. Bù lại tình thương bên ngoại cũng dạt dào, nồng ấm trao trọn cho Công Minh. Chàng không những được bên ngoại nuông chiều, mà tiền bạc lại được cha mẹ hỗ trợ hết mực. Cuộc sống của Công Minh cứ bình thản trôi qua bên dòng sông êm dịu, với lũy tre hiền hòa của làng quê... Gia đình ngoại của Công Minh rất đạo đức. Họ ngày đêm tụng niệm kinh kệ, bố thí và giúp đỡ kẻ nghèo khó khốn cùng... “ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng ”.
Thật vậy, ngay từ tuổi bé thơ, Công Minh đã học được đạo đức làm người của ông bà ngoại. Triết lý nhà Phật cũng thấm nhuần trong huyết quản của cậu bé còn thơ dại. Tấm lòng của Minh trải dài với việc thiện, bố thí... Hoàn cảnh tốt đẹp đã un đúc chàng có nhiều từ tâm... Công Minh tiêu xài tiền bạc thoải mái, không đắn đo suy nghĩ gì cả. Chàng nối gót “ Công Tử Bạc Liêu ”... Nhưng không vì thế mà chàng hư thân mất nết, lêu lổng ăn chơi phù phiếm... Công Minh học rất chăm và giỏi trội hơn lũ trẻ cùng trang lứa. Chàng hay giúp bạn bè bài vở thua kém cùng tiến lên. Chàng được Thầy Cô yêu mến và bè bạn quý trọng. Chàng hào phóng tiền bạc với tất cả mọi người. Bạn bè túng thiếu, cần chàng giúp đỡ, chàng luôn vui vẻ sẵn lòng đáp ứng ngay không đắn đo do dự một chút nào cả... Ngày tháng êm đềm cứ lặng lẽ trôi qua... Bước qua ngưỡng cửa trung học cấp ba và chuẩn bị bước vào đại học, Công Minh thu xếp hành trang lên Sài Gòn trọ học. Nơi chốn phồn hoa đô hội, Công Minh được cha mẹ tiếp tế tiền bạc đầy đủ nên ăn tiêu thoải mái như công tử... Bạn bè hay rủ rê:
-Công Minh à, hôm nay có phim rất hay, chiếu ở rạp Văn Hoa Đa Kao chúng mình đi xem nhé!
     -Cuối tuần này bọn mình đi nghe nhạc nhé bạn.
-Sắp đến ngày lễ sinh nhật của Huy rồi, chúng mình đi chọn quà cho bạn ấy nghe Công Minh!
-Tụi mình kéo nhau đi uống cà phê và ăn sáng trước khi đến trường....
Bạn bè rủ đi đâu, Công Minh cũng không từ chối... Tuy vậy, Công Minh không ham chơi, bỏ bê bài vở. Chàng vẫn là học sinh giỏi của Lớp, của Trường. Trong thời gian này, Công Minh gặp Thu Nguyệt. Nàng là người con gái đẹp làm cho trái tim của Công Minh rung động, xao xuyến trong lòng không ít... Nàng cũng là nữ sinh ở Tỉnh lẻ lên Sài Gòn trọ học. Nét đẹp ngây thơ của Thu Nguyệt làm cho chàng ngây ngất và ngày đêm đeo đuổi không biết chán. Công Minh tự nói với chính mình:
-Thu Nguyệt dù có khó tánh đến đâu mà mình chịu khó bền gan đeo đuổi chắc thế nào cũng chiếm được quả tim của nàng thôi. Đẹp trai không bằng chai mặt kia mà...
      Công Minh chịu khó đêm ngày bỏ công đeo đuổi Thu Nguyệt không ngừng nghỉ... Thấy Công Minh bỏ công đeo đuổi mình ngày đêm, Thu Nguyệt cũng cảm động không ít nên bỏ ngõ trái tim của mình cho Công Minh chen vào. Tình cảm hai người mỗi ngày một tiến sâu hơn theo ngày tháng hẹn hò, tìm hiểu... Thế rồi, hai người yêu thương nhau tha thiết... Tình đầu choáng ngợp cả tim óc của Công Minh. Hai người như hình với bóng, họ không thể thiếu vắng nhau được. Tay trong tay, họ âu yếm dìu nhau đi  rong chơi khắp phố phường Sài Gòn hoa lệ... Những ngày cuối tuần, Công Minh bàn với Thu Nguyệt:
-Tuần này chúng mình lên Lái Thiêu hái trái cây ăn và hít thở không khí trong lành của miền quê nghe em!
Thu Nguyệt tựa đầu vào vai Công Minh nũng nịu lên tiếng:
     -Phải đó anh, Em muốn tránh cái không khí ngột ngạt, chứa nhiều bụi bặm dơ bẩn của chốn phồn hoa đô hội này...
     Thế là hai kẻ mặn mà yêu nhau có dịp hái trái đút cho nhau ăn từng múi một. Họ lại hân hoan nắm tay nhau luồn lách từng hàng cây, thi nhau hái trái cây đầy túi. Hay thi nhau cười đùa rộn rã bên những chùm quả sai trái ngọt lịm... Cùng nhau nhăn mặt khi cắn phải vị chua, chát của trái cây chư chín. Như hai đứa trẻ, họ rượt đuổi bắt nhau làm cây trái cũng cười theo. Đến lúc thấm mệt, Thu nguyệt dựa vào vai người yêu nhỏng nhẻo... Công Minh lấy khăn tay lau mồ môi cho người yêu. Họ không quên trao cho nhau những nụ hôn nồng thắm và cùng mơ về tương lai tươi sáng... Tình yêu của họ đẹp như một khúc tình ca tuyệt diệu, không bút mực nào có thể diễn tả hết được...
Thỉnh thoảng Thu Nguyệt vòi vĩnh:
-Em muốn chúng mình cùng ngồi ăn nem nướng ở Thủ Đức cơ. Bao nhiêu tiệm sang trọng ở Sài Gòn chúng mình đều có ghé qua hết rồi. Tiệm nào cũng ồn ào, tiếng nhạc rập rình, nghe riết rồi cũng chán quá phải không anh?
Công Minh nở nụ cười tươi, tay nựng càm người yêu thỏ thẻ:
-Em nói nghe rất chí lý, Anh thích nhất phong cảnh ở quê nhà. Nhất là không khí trong lành rất thích hợp với phong cảnh êm đềm của đồng quê. Nơi chốn có lũy tre xanh bao bọc quanh làng xóm. Với hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng bên con sông nước chảy êm đềm. Nước sông trong xanh mát dịu mặc cho bọn anh vẫy vùng đùa giỡn trong những buổi trưa hè nóng nực. Kỷ niệm không bao giờ phai nhòa trong ký ức của anh. Nó thắm đượm tình thương yêu mộc mạc tình làng nghĩa xóm, bà con thân thương... Nơi chốn đó nuôi sống gia đình anh đầy yên vui đầm ấm. Cũng chính nơi đó là chứng tích tuổi trẻ hồn nhiên của anh lớn lên theo năm tháng ngây thơ vô tội.
Công Minh vuốt tóc Thu Nguyệt và đặt một nụ hôn nồng nàn lên bờ môi đỏ thắm của người yêu vừa hé nở. Chàng lại âu yếm nói:
-Em rất hợp với tính ý anh. Chúng ta đều là dân ở tỉnh lên Sài Gòn học. Gốc gác của mình là dân quê mọc mạc nên ý nghĩ cũng đơn sơ và hướng về nơi chôn nhao cắt rún. Sài Gòn tuy là “ Hòn ngọc Viễn Đông ”, đời sống nhộn nhịp xô bồ, xe cộ qua lại như mắc cưỡi, đường sá rộng rãi, nhà cao cửa rộng, chợ búa tấp nập... dân số rất đông. Có nơi họ sống chen chúc nhau ngay trên kinh rạch. Có khu lao động như bàn cờ, nếu đi lạc vào đó khó mà tìm đường đi ra một cách dễ dàng. Có khu nhà ở như ổ chuột. Cũng không thiếu gì gia đình phải chui rúc dưới gầm cầu hay che liều sống tạm ở nghĩa địa...
Công Minh ngừng lại thở dài một lát rồi nói tiếp:
-Thành phần trong xã hội sống thật phức tạp em à! Thượng vàng hạ cám, đủ hạng người. Kẻ giàu nức vách, tiền bạc tiêu xài phủ phê, nhà cao cửa rộng hai ba cái. Trong nhà lắm kẻ ăn người ở ra vào tấp nập. Người tìm một manh chiếu rách để nằm cũng không có. Họ phải lê lếch đầu đường xó chợ xin từng bát cơm thừa cá cặn... Kể sau cho hết bao cảnh khổ ở đời nầy phải không em? Anh nói mấy ngày cũng không hết chuyện đau buồn của xã hội được. Thôi anh không nói chuyện buồn nữa làm em mất vui đi.
Nói đến cảnh khổ, Công Minh sa sầm ngay nét mặt. Chàng có lòng từ tâm ngay từ thuở bé và nó đã ăn sâu vào trái tim của chàng khi chàng khôn lớn. Thở một hơi dài rồi chàng chuyển hướng sang chuyện khác, để đem niềm vui đến cho người yêu:
-Mai mốt chúng mình sẽ đi Biên Hòa chơi nghe em. Anh sẽ mua bưởi Thanh Trà cho em ăn để em có dịp so sánh với bưởi Năm Roi như thế nào em nhé?
Thu Nguyệt có dịp reo lên thích thú:
-Em thích ăn bưởi lắm đó. Anh nhớ thu xếp thời gian càng sớm càng tốt. À, tuần tới chúng mình có thể đi chơi ở Biên Hòa được không hả anh?
Công Minh nhìn nét mặt rạng rỡ của người yêu, lòng chàng cũng rộn rã mừng theo. Chàng ôn tồn rót mật ngọt vào tai của Thu Nguyệt:
-Nữ Hoàng của lòng anh mà. Em muốn gì anh cũng chiều theo em hết. Chỉ có gan Trời là anh không thể tìm kiếm được cho em thôi. Em ưa thích gì trong tầm tay của anh, anh cũng sẽ săn lùng bằng được cho em. An Lộc Sơn mà còn phải rong ruổi vó ngựa hái trái vải cho Dương Quí Phi ăn kia mà!
Thu Nguyệt nũng nịu dúi đầu vào ngực Công Minh nhỏng nhẻo nói:
-Anh cứ chiều em hoài là tập cho em tánh xấu đó nghe. Sau này anh đừng than trách em đấy nhé!
Đưa tay vuốt tóc người yêu, Công Minh tươi cười nói:
-Anh nguyện đem hết tấm lòng của mình ra phục vụ cho người yêu, em có chịu không?
Tình yêu keo sơn của họ như đôi Sam không rời nhau nửa bước. Công Minh nhỏ nhẹ bàn cùng Thu Nguyệt:
-Anh mướn một căn phòng khá rộng rãi và thật xinh xắn ở Thị Nghè. Ở đó có vườn hoa và gần với không khí trong sạch. Xa chỗ ồn ào náo nhiệt. Chỗ em ở anh thấy quá chật hẹp và chung chạ nhiều người. Em có thể dọn đến ở chung với anh cho tiện. Đằng nào anh cũng xem em như người vợ sắp cưới của anh rồi. Em đừng ngại gì cả!
Công Minh đưa tay kéo người yêu sát vào lòng dỗ dành. Chàng đưa tay lên Trời nói:
-Anh xin thề có Trời Phật chứng giám cho tình yêu của anh. Anh nguyện một lòng một dạ trao trọn tình anh cho em. Nếu mai nầy anh có sai trái với lời thề anh sẽ...
Công Minh chưa nói hết câu thì Thu Nguyệt đưa tay lên bịt miệng chàng, nàng âu yếm nói:
-Em hoàn toàn tin tưởng ở tình yêu của anh. Anh đừng thề thốt mà mất đi cái ý nghĩa tốt đẹp của tình yêu chúng mình anh à. Em không dọn vào ở với anh được, nhưng em sẽ thường xuyên lui tới thăm viếng anh cuối tuần và chúng ta sẽ cùng nấu nướng ăn uống với nhau cho vui.
Công Minh và Thu Nguyệt đã đến với nhau như đôi vợ chồng. Chị Hằng và Chú Cuội đã chứng giám tình yêu của hai người đồng trang lứa. Những đêm trăng sáng, hai bóng người như một in trên vườn hoa thơm ngát. Họ đã dìu nhau đi dạo dưới trăng, cùng thề non hẹn biển, hứa trọn đời sống bên nhau... Công Minh đã xem Thu Nguyệt như người vợ chưa cưới. Chàng mua áo quần, đồ trang sức và xe cộ cho Thu Nguyệt chi dùng. Tình yêu thương mật ngọt của hai người kéo dài theo năm tháng êm ả trôi qua...
...Rồi Công Minh phải xếp bút nghiên theo việc đao binh. Đến tuổi động viên, chàng phải thi hành nghĩa vụ, Công Minh tình nguyện chọn vào ngành Hải Quân. Chàng làm ở công xưởng đóng tàu ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn.
Thu Nguyệt tiếp tục lên học Đại Học Sư Phạm. Và nay nàng vừa ra trường, dạy cấp 3. Một hôm cha mẹ của Thu Nguyệt nhắn tin cho nàng:
-Con phải về quê lấy chồng. Cha mẹ đã bằng lòng chọn một Dược Sĩ là chàng rể tương lai của gia đình mình rồi. Gia đình họ cũng danh giá lắm, rất xứng hợp với con. Con hãy mau thu xếp về nhà gấp nghe con.
Từ khi Công Minh đi lính, tình yêu của Thu Nguyệt dành cho chàng cũng nhạt phai dần. Bây giờ nàng học cao, có địa vị và chức phận trong xã hội. Thu Nguyệt ít lui tới thăm viếng Công Minh như trước kia. Chàng là người đón nhận nhiều thua thiệt trong tình trường. Mối tình đầu chàng đã đặt trọn cho Thu Nguyệt. Chàng đã bảo bọc và lo cho Thu Nguyệt từng ly từng tí trong việc ăn học. Thật là “ uổng công xúc tép nuôi cò, nuôi cho cò lớn cò vò cò bay ”.
Thu Nguyệt cũng không về quê lấy chồng theo ý cha mẹ của nàng mông muốn. Ở Sài Gòn, nàng tự gá nghĩa với một giáo sư dạy cùng trường. Trước ngày chính thức đi lấy chồng, Thu Nguyệt tự ý đến nhà Công Minh xin trả lại những kỷ vật và xe cộ lại cho Công Minh. Chàng đã ủ rũ thốt lên:
-Anh đâu cần những thứ nầy. Tiền bạc của cải là vật ngoài thân em à. Anh chỉ cần tình yêu chân thật của em mà thôi. Nhưng nay em đã thay lòng đổi dạ, không còn yêu thương anh nữa thì thôi đường ai nấy đi. Em đem trả lại cho anh những thứ nầy làm gì? Nếu em không muốn giữ làm kỷ niệm thì cứ vứt bỏ nó đi như em đã mạnh dạn vứt bỏ tình anh không một chút xót thương chớ gì!
Thu Nguyệt lạnh lùng đáp:
-Xin lỗi anh, vì hoàn cảnh nên em không thể giữ trọn lời thề ngày trước với anh được. Chúng ta có duyên nhưng không có nợ thì thôi đường ai nấy đi anh à. Đừng bịn rịn chẳng ích lợi gì!
Nét mặt Công Minh buồn rũ rượi, chàng đưa mắt nhìn người yêu tha thiết nói:
-Nếu không lấy được em làm vợ thì anh cũng xin em vui lòng cho phép anh được bước vào làm rể nhà em chứ?
Thu Nguyệt ngạc nhiên, nàng đưa đôi mắt nhìn Công Minh trâng tráo:
-Anh nói gì lạ vậy? Em không hiểu gì cả? Anh có thể nói trắng ra cho em biết được không?
Đưa đôi mắt buồn thảm nhìn Thu Nguyệt một hồi, Công Minh rơi nước mắt, chàng chậm rãi nói:
-Em đã mạnh dạn vứt bỏ tình anh thì anh muốn cưới chị em làm vợ. Anh muốn vào làm rể nhà em để có cơ hội thuận tiện theo dõi cuộc đời của em sau nầy như thế nào? Chỉ có cách đó, anh mới có thể dõi mắt theo hạnh phúc của em thôi Thu Nguyệt à. Dầu không duyên nợ nhưng lúc nào anh cũng thương yêu em vô cùng. Anh có ý nghĩ táo bạo đó em thấy thế nào hả Thu Nguyệt?
Thu Nguyệt mỉm cười trả lời tỉnh bơ:
-Nếu anh muốn như thế cũng được thôi. Anh đã có ý định như thế thì em sẽ cố gắng dấu tuyệt chuyện tình cảm của chúng mình. Và em hứa sẽ lên tiếng góp phần cho anh được toại nguyện. Nếu câu chuyện thật sự được ngã ngũ thì quả là tình em duyên chị. Em xin chúc mừng trước cho anh. Mong anh sẽ tìm được hạnh phúc bên người chị của em.
Công Minh nở nụ cười chua chát trả lời Thu Nguyệt:
-Vì quá yêu thương em nên anh mới có ý định táo bạo xin cưới chị em đó thôi em à. Anh chưa bao giờ trò chuyện với chị em chứ đừng nói gì đến yêu thương. Nhưng vì quá yêu em, anh nguyện sẽ lo cho chị em được vuông tròn hạnh phúc suốt đời.
Thế rồi Công Minh cậy người mai mối xin cưới Ngoan, chị của Thu Nguyệt về làm vợ. Chàng đinh ninh trong lòng:
-Ngoan sẽ là người vợ ngoan hiền như cái tên cha mẹ đã đặt cho nàng vậy.
Được sự nói vào của Thu Nguyệt, nên Ngoan bằng lòng ưng thuận lấy Công Minh làm chồng. Thế là một đám cưới rình rang được tổ chức êm xuôi theo mong ước của chàng.
Công Minh là một chàng trai hiền lành tốt bụng, chàng luôn luôn có tâm từ đối với tất cả mọi người. Tuy chưa bao giờ yêu thương hò hẹn, nhưng khi đã cưới được Ngoan rồi, Công Minh đã tự nguyện:
-Mình sẽ là người chồng tốt và là người cha có trách nhiệm với con cái sau nầy. Mình sẽ chí thú làm ăn và lo cho gia đình thật hạnh phúc vuông tròn.
Dòng đời cứ lặng lẽ trôi qua một cách êm đềm. Cuộc sống vợ chồng Minh Ngoan vẫn phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Ngoan dạy bậc tiểu học ở quê nhà. Sau nầy Công Minh phải theo tàu ở phương xa thỉnh thoảng mới về thăm gia đình một hai ngày. Thời gian vợ chồng chung đụng không thắm thiết như những cặp vợ chồng khác. Họ chỉ có trách nhiệm và nghĩa vợ chồng để sinh con đẻ cái nối dõi tông đường. Ba mẹ của Công Minh rất thương yêu Ngoan. Mẹ của Công Minh có lúc bảo nhỏ với chàng:
-Hôm trước mẹ có cho vợ con một triệu đồng, nó có nói cho con biết không?
Công Minh muốn cho yên nhà yên cửa nên chàng làm bộ tươi cười vui vẻ trả lời mẹ:
-Thưa có mẹ à!
Tuy miệng chàng tươi cười trả lời với mẹ như thế, nhưng trong lòng chàng cảm thấy không vui chút nào. Chàng thầm nghĩ:
-Tại sao tánh tình Ngoan lại xấu xa đến như thế? Tiền do mẹ mình cho mà nàng không nói cho mình hay biết? Nàng cố tình giấu nhẹm như thế là có ý gì?
Thật lòng Ngoan không ngoan hiền như cái tên của nàng chút nào cả. Nàng tính toán so đo với chàng từng chút một.... Vốn bản tính hiền lương, Công Minh vẫn bỏ qua tất cả những lầm lỗi sai quấy của vợ. Chàng tự nghĩ:
-Dù mình không có yêu thương nồng thắm với vợ từ trước. Nhưng đã là vợ chồng, không có tình cũng có nghĩa đầu ấp tay gối. Hơn nữa, mình phải tỏ ra mình là người chồng tốt để Thu Nguyệt nghĩ lại mà hối hận hay tiếc rẻ chăng? Đó cũng là cách trả thù người yêu một cách tế, nhị nhẹ nhàng của Công Minh.
Thời gian lặng lẽ trôi qua cho đến cuối tháng tư năm 1975. Đất nước bị Cộng Sản nhuộm đỏ. Dân tình sống trong phập phồng lo sợ. Luôn luôn bị khốn khổ cơ cực lầm than. Một màu đen tối tang tóc đè lên đất nước Việt Nam thân yêu. Lệnh của kẻ cầm quyền ban ra cho sĩ quan chế độ cũ khăn gói lên đường trình diện “ học tập cải tạo ”. Cũng như bao nhiêu anh em sĩ quan khác, Công Minh cũng khăn gói lên đường trình diện, nhưng chỉ mấy tháng sau, vì nhu cầu của kẻ cầm quyền. Chàng được bọn chúng thả về để chỉ dạy cho chúng những máy móc dưới tàu. Thật hú hồn cho Công Minh, trong khi bạn bè của chàng phải bị khổ sai nhiều năm trong chốn rừng thiên nước độc. Thậm chí có nhiều bạn bè của chàng đã không chống chỏi nổi những khắc nghiệt trong tù nên đành nhắm mắt xuôi tay, không bao giờ trở lại với gia đình vợ con.
Qua một thời gian dài sống với Cộng Sản, Công Minh cảm thấy không thể hòa hợp được nên chàng lên tiếng bàn với vợ:
-Anh thấy nếu cứ sống như thế nầy hoài thì tương lai con của chúng mình không thể nào ngóc đầu lên được. Em nên thu xếp chuyện gia đình. Chúng mình gom góp tiền bạc tìm đường vượt biên nghe em.
Nghe chồng lên tiếng cho biết ý định muốn vượt biên nên Ngoan cũng thỏ thẻ cho cha mẹ chồng hay:
-Thưa ba mẹ, qua một thời gian dài sống trong chế độ nầy, chồng con cảm thấy quá khó khăn trong cuộc sống nên có ý định muốn vượt biên để lo cho tương lai con cái sau nầy. Ý ba mẹ như thế nào xin cho con biết.
Cha mẹ của Công Minh biết ý định của chàng nên cũng thôi thúc bàn vào:
-Tụi con cứ yên tâm ra đi. Cha mẹ già cả rồi, sống nay chết mai không thành vấn đề. Tương lai mấy đứa cháu là quan trọng. Nếu có cơ hội đi được thì cứ đi, tụi con đừng chần chờ mà hối tiếc sau nầy.
Buổi chia tay nào cũng đầy nước mắt. Gia đình Công Minh âm thầm ra đi để lại bao thương nhớ cho cha mẹ già ở quê nhà. Nhờ Trời Phật độ trì, gia đình Minh đi được trót lọt. Nhưng thời gian ở đảo khá lâu vì không có người bảo lãnh sang Mỹ. Chàng cũng đã viết thư cho Hội Hải Quân Việt Nam ở Mỹ:
-Xin các anh chứng nhận và can thiệp giúp cho gia đình chúng tôi sớm được định cư ở Mỹ.
Công Minh hớn hở đã gởi thư đi, nhưng chàng trông đứng trông ngồi vẫn bặt tâm. Chẳng biết Hội Hải Quân Việt Nam ở Mỹ có nhạân được hay không mà chàng trông hoài cũng không thấy tin tức gì cả. May nhờ lời khai của Công Minh đúng với tên ông cố vấn Mỹ, nên gia đình chàng được Mỹ cứu xét cho đi định cư theo ý nguyện.
Cũng như bao nhiêu người Việt Nam mới tới Mỹ. Với hai bàn tay trắng, Công Minh cùng với vợ bốn đứa con và ba người cháu ghép chung một gia đình. Nhờ con và cháu đều còn nhỏ nên chàng được lãnh tiền trợ cấp xã hội. Tuy thế, chàng vẫn cố gắng đi học để lấy tiền sinh sống thêm. Bao nhiêu tiền bạc từ lâu nay, chàng giao cho vợ nắm giữ hết. Vợ chàng chả bao giờ gởi về cho cha mẹ chàng một đồng bạc. Minh đi học lấy được tiền của nhà trường cho, chàng cũng đưa vợ hơn hai phần ba, còn lại gần một phần ba chàng để tiêu xài xăng nhớt. Chàng cần kiệm từng đồng để có được vài trăm đô gởi về cho cha mẹ mình để tỏ lòng hiếu thảo. Thế mà khi Ngoan biết được sự việc, nàng nở tâm viết thư gởi về than thỉ với cha mẹ chàng:
-Ở bên nầy vợ chồng con còn nghèo khổ túng thiếu lắm. Các cháu nhỏ dại không đủ ăn tiêu.
Nhận được những lời than thở của vợ Công Minh như vậy, cha mẹ chàng cảm thấy lòng thương xót con vô cùng. Tuy đang sống nghèo khổ nơi xứ người xa lạ, mà con vẫn ky cỏm gởi tiền về cho mẹ cha nhứ thế. Đọng lòng thương con vô bờ bến, cha mẹ của Minh liền viết thư gởi qua khuyên bảo chàng:
-Công Minh à, con ra đi chỉ hai bàn tay trắng. Còn cha mẹ ở bên nầy dầu gì cũng còn nhà cửa, ruộng nương. Nếu vì quá túng thiếu hụt hẫng, cha mẹ sẽ bán lần bán hồi sống qua ngày cũng được. Con đừng bận tâm mà gởi tiền về cho cha mẹ như vậy nữa nghe con!
Cầm lá thư của cha mẹ từ quê nhà gởi qua, Công Minh mới hay cớ sự. Chàng tủi buồn trong lòng không ít, nhưng vì hạnh phúc của gia đình, chàng không một lời trách móc vợ. Chàng âm thầm cắn răng chịu đựng một mình theo thời gian nơi xứ lạ quê người. Thế rồi, chàng muốn đi học châm cứu cũng phải đi ủi áo quần ở shop may và đóng khuy nút mới có tiền đi học. Ngoan, vợ chàng không chịu bỏ ra một đồng cho chàng theo học một nghề mà chàng ưa thích. Công Minh đã chịu thương chịu khó học đủ nghề nào là xây cất nhà cửa, làm bánh...
Qua bao năm ky cỏm dành dụm, khi có được một số tiền kha khá, chàng liền sang một tiệm làm bánh Pizza. Chàng lăn xả vào học nghề và đi đưa bánh tận nhà cho khách hàng. Một tuần chàng làm đủ bảy ngày không nghỉ xả hơi một ngày nào cả. Tiền bạc vợ chàng thu gom hết, chàng không hề biết đến. Vì gia đình còn ăn trợ cấp của xã hội nên căn nhà và cửa tiệm, vợ chồng chàng nhờ người em vợ và em trai của Minh đứng tên. Thế mà chẳng được mấy năm, Ngoan cố tình xóa bỏ tên người em ruột của Minh ra khỏi tên trong căn nhà và cửa tiệm mà Minh không hay biết gì cả. Nhờ một hôm nọ, người bà con của vợ chàng gọi điện thoại qua. Hôm đó không có vợ chàng ở nhà, chàng bóc điện toại và người bà con đó nhờ chàng nói lạo với vợ chàng:
-Lâu rồi chị Ngoan có cho em mượn tiền. Nay chị ấy gọi điện thoại qua đòi em trả lại cho chị năm ngàn. Em có ký tấm check năm ngàn gởi qua cho chị Ngoan, nhưng bây giờ em coi lại số tiền trong băng không có đủ. Nên nay em gọi qua nhờ anh nói lại với chị để khỏi bị phạt vì check lủng.
Nhờ cú điện thoại đó Minh mới vỡ lẽ ra rằng tiền bạc do chàng còng lưng cực khổ làm ra, mà vợ chàng tùy tiện đưa ra cho người nầy người kia vay mượn, không nói với chàng một tiếng nào cả. Rồi một hôm Minh đã bàn bạc cùng các con nên mua nhà, mua đất. Ngoan vợ chàng cuỗm hết tiền đem đi không cho chàng biết. Trông mãi vẫn không thấy vợ về. Thế là cha con chàng hỏng việc mua bán làm ăn như đã dự tính.
Một hôm Công Minh nói cùng vợ:
-Anh muốn mượn năm chục ngàn trong cái nhà nầy để đặt cọc căn nhà mới đó em!
Ngoan nhích mép cười gằn:
-Cái nhà nầy nó đâu còn phải là cái nhà của ông mà ông muốn dùng nó để mượn tiền nhà băng?
Mặt mày của Minh xanh như tàu lá, chàng chới với trước câu nói bất ngờ của vợ. Sau vài phút lấy lại bình tĩnh, chàng hỏi vợ:
-Em nói như thế là thế nào anh không hiểu được? Em hãy giải thích cho anh hiểu rõ ràng lời em vừa nói. Lâu nay cái nhà nầy là của mình kia mà, mình chỉ nhờ em của em và em của anh đứng giùm tên mà thôi!
Ngoan bĩu môi trả lời:
-Em của ông không còn đứng tên trong cái nhá nầy cũng như cái tiệm từ lâu rồi ông không biết à?!
Công Minh tròn xoe đôi mắt nhìn vợ trân trân. Chàng như người từ cung trăng mới rớt xuống. Sau một hồi bấn loạn tâm thần, chàng cố định tâm thần, ôn tồn hỏi vợ:
-Tại sao bao công việc trong nhà mà em không bàn bạc với anh một tiếng nào hết vậy?
Ngoan đưa nửa con mắt hái chàng:
-Có gì quan trọng đâu mà phải bàn trước với ông chứ. Bàn chuyện với ông để ông bàn trớt ra hả?
Công Minh nhỏ giọng:
-Thôi thì mọi việc trước sau gì cũng đã lỡ hết rồi, anh nhịn em thêm một bước nữa. Nhưng nay con cái mình đã khôn lớn hết rồi. Hai đứa con gái lớn đã là dược sĩ và đã có gia đình hẳn hoi. Em coi thu xếp nói Dì Út nó sang tên lại cho mấy đứa con lớn của mình đi em nhé!
Với giọng thật trịnh thượng, Ngoan sẵn giọng với chồng:
-Công việc đó để thư thả tôi sẽ tính sau...
Nói xong, vợ chàng te rẹt ra xe nổ máy lái đi đâu chàng không biết. Công Minh rơi nước mắt ngó theo chiếc xe của vợ đến khuất dạng. Công Minh buồn quá chẳng biết nói gì hơn, chàng đành bỏ vào phòng riêng khóa cửa lại. Chàng ngồi thừ người trên chiếc bàn nhỏ suy nghĩ nhiều về người vợ của mình...
...Tuy không có thời gian yêu đương tình tứ hẹn hò, nhưng Công Minh cũng đã sống chung với Ngoan những năm tháng thật êm ả, hạnh phúc tràn đầy. Cuộc sống vợ chồng chàng cũng như con thuyền đang lướt trên dòng sông. Thỉnh thoảng cũng có những gợn sóng li ti làm chiếc thuyền hơi lắc lư đôi chút. Nhưng với sức chịu đựng và lòng vị tha bác ái của một người giàu lòng từ tâm, Công Minh cố chèo chống con thuyền gia đình lướt qua bao sóng gió để được sự bình an tốt đẹp đến ngày nay. Và theo thời gian trôi qua, chiếc thuyền gia đình của Công Minh đã thoát xa dòng sông nhỏ bé của quê nhà, để đi vào vùng đất hứa thênh thang mở rộng...
-Đến đất Mỹ, thuở hàn vi, vợ chồng Công Minh chân ướt chân ráo mới đến nước Mỹ lập nghiệp thì “ Phu xướng phụ tùy ”, trong nhà ấm êm hạnh phúc. Khi có cơ ngơi kha khá thì cơm không lành canh không ngọt thường xuyên xảy ra giữa hai vợ chồng Công Minh mà phần nhiều là do vợ chàng cố tình tạo ra. Tất cả của cải trong nhà hiện nay có được là do công sức của Công Minh hì hục làm. Với một con người nhiều nghị lực, chịu thương chịu khó, từng bước Công Minh tạo ra nó. Ngoan chỉ việc ngồi thu tiền cất giữ.
Thở dài, Công Minh suy nghĩ:
-“ Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng ”. Anh chị em Ngoan lần lượt sang Mỹ sinh sống. Họ ăn bám vào trợ cấp của xã hội. Họ không muốn gia đình Công Minh khuếch trương ra thêm. Ngoan vợ chàng lại nghe lời xúi biểu của ruột thịt mình không chịu làm ăn thêm nữa. Ngoan lại có máu tham lam. Nàng chỉ muốn “ ngồi mát ăn bát vàng ”. Đồng tiền của chồng cực khổ làm ra, nàng muốn cất giữ cho riêng mình và muốn láy đó để giúp đỡ cho anh chị em ruột thịt của mình mà thôi. Tuyệt nhiên Ngoan không bao giờ nghĩ đến bên chồng một chút nào cả, kể cả cha mẹ chồng đã có lòng rất thương nàng.
Công Minh gục mặt xuống bàn tê tái cõi lòng, chàng nghĩ tiếp:
-Mình làm có cực khổ cỡ nào cũng không sờn lòng nản chí. Ngoan cứ ở nhà ngồi không rung đùi đếm tiền bạc và lo cho con cái thì hay biết mấy. Đằng nầy, đã không chịu khó phụ chồng làm ra của cải mà Ngoan lại muốn đua đòi nhà mới với thiên hạ. Nàng cho phá căn nhà cũ bỏ đi. Nàng mạnh dạng vay tiền ngân hàng cất căn nhà mới to lớn đồ sộ hơn. Nàng tiêu phí đồng tiền không đúng chỗ, chỉ tội cha con chàng phải nay lưng ra gánh vác số nợ nầy nữa thôi. Giờ nầy Công Minh hơn sáu chục tuổi rồi mà vẫn còn xuôi ngược vất vả với công ăn việc làm. Đêm hôm khuya khoắt lạnh lẽo, Công Minh cũng phải gõ cửa từng nhà, từng phòng đưa từng cái bánh Pizza theo nhu cầu của khách hàng. Các con chàng ngoài giờ học, giờ làm cũng phải ra tiệm vất vả bán buôn để có tiền trả nợ ngân hàng. Ngày đêm, cha con chàng gù lưng ra làm kiếm tiền trả nợ, nhưng không biết sau nầy cái nhà và cửa tiệm thuộc về ai đây? Trong khi trên pháp lý, vợ ông đưa tiền mặt cho cô em vợ của ông ký check trả nhà băng, và tên chủ nhà cũng của cô ấy luôn. Bây giờ nghĩ lại Công Minh rất giật mình hối tiếc, quả thật Công Minh đã làm một chuyện quá liều lĩnh không thể tưởng được. Trên xã hội xứ Mỹ nầy biết bao người thân bị người thân tước đoạt mất nhà cửa cũng vì trường hợp tương tự như thế. Ham cái nhà lớn nhà mới làm chi mà cho khổ tâm như vậy?
Minh tặt lưỡi lo nghĩ thêm:
-Hôm Dì Út nó sang nhà chơi, các con của Minh lên tiếng đề nghị bà ta sang tên căn nhà và cửa tiệm lại cho chúng nó đứng tên. Nhưng Dì nó lờ đi như không có nghe biết tới và mẹ chúng cũng im lặng không điếm xỉa gì cả. Chắc phải có điều gì bí ẩn bên trong mà Minh không thể hiểu được? Sao lại như thế? Ở đời, mồ hôi chồng con đổ ra thì chồng con phải được hưởng chứ? Trước kia vì con còn nhỏ, gia đình muốn tiếp tục hưởng trợ cấp của xã hội thì nhờ Dì nó đứng tên hộ cũng tạm được đi. Nhưng nay các con nó đã lớn hết rồi, nếu không có gì gian ý bên trong thì tại sao khi các con chàng lên tiếng đề nghị sang tên, thì em vợ và cả vợ của chàng đều làm ngơ như không biết gì cả? Sao có chuyện lạ lùng đến thế? Lỡ ra Dì nó đau ốm bệnh hoạn, phải vào nhà thương nằm điều trị một thời gian dài. Thì chắc gì nhà thương không khấu trừ y phí của Dì nó qua cái nhà và cửa tiệm? Lúc đó cha con chàng đành mất trắng tay thôi. Tại sao vợ chàng đành đoạn nhẫn tâm đối xử tệ bạc với cha con chàng đến thế? Hay bà ta sợ sau khi sang tên lại cho các con chàng đứng tên, thì chúng lại chia phần cho chàng chăng? Nghĩ tới đó Công Minh buồn vô hạn, nước mắt chàng lại rơi... Đã là vợ chồng chính thức với nhau từ mấy mươi năm nay mà sao Ngoan lại cư xử quá xấu với chàng đến như thế đó? Chàng không hiểu nổi lòng dạ, tâm địa của vợ chàng.... Mấy mươi năm nay, chàng lo làm ăn mua bán rất cực khổ, nhưng chàng vẫn vui vẻ không than phiền một lời nào. Bao nhiêu tiền bạc chàng làm ra Ngoan nắm giữ hết. Chàng chỉ giữ lại một ít tiền “ típ ” để chi xài. Chàng tiện tặn dành dụm một ít tiền, thỉnh thoảng chàng gởi về làm quà cho hai cô em gái còn ở Việt nam. Chàng bị vợ nặng nhẹ chưởi rủa thậm tệ đủ lời và hai cô em gái cũng bị vạ lây. Nhà cửa chàng đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt mới tạo ra. Ba má của Công Minh đã chết sau mấy năm chàng vượt biên sống ở nước Mỹ. Thương cha nhớ mẹ, chàng lập bàn thờ ở phòng khách, Ngoan đã phản đối và các con  của chàng cũng phản đối theo. Chúng nó nỡ đành lên tiếng:
-Phòng khách là nơi dành để tiếp khách khứa. Ở xứ Mỹ nầy khác nước Việt Nam. Ba muốn thờ ông bà nội thì hãy đem chỗ khác mà thờ!
Nghe con nói như thế, Công Minh tê tái cõi lòng, chàng rơi nước mắt. Chàng rất buồn vợ con. Chúng không nghĩ đến đấng sanh thành dưỡng dục. Không biết cội nguồn gốc rễ của mình. Lắm lúc chàng muốn quên tất cả... quên vợ, quên con... sống cuộc đời cô độc cho thanh thản tâm hồn. Nhưng vì là người có lòng nhân từ, chàng không đành lòng bỏ bê, phó mặc cho chúng. Tuổi chúng còn nhỏ dại ngây thơ quá. Chàng chỉ trách vợ thôi. Có lẽ bà ấy đã giáo dục con như thế. Thôi thì đành thế! Chàng bóp bụng để làm bổn phận một người cha tốt với các con. Chàng hy sinh tấm thân già yếu, ngày đêm ráng lo kiếm tiền gồng gánh cho con yên tâm ăn học.
Công Minh thiếp lịm đi vào suy tư:
-Nhớ trước đây, chàng theo học ngành nghề gì Ngoan cũng trề môi, nhúng mỏ, dè biểu, phản đối... Để khỏa lấp bao nỗi buồn phiền chất chứa trong lòng từ bấy lâu nay. Mới đây, chàng đi tìm niềm vui qua học sáng tác cổ nhạc và tân nhạc. Công Minh đã chịu khó chịu khổ học viết lách sáng tác ngoài giờ làm.. Cũng như những lần trước, Ngoan phản đối kịch liệt dù nàng không có bỏ tiền ra cho chàng một đồng nào. Rồi Minh làm CD tân nhạc, cổ nhạc. Ngoan đứng trước cửa phòng của Minh chưởi rủa chê trách thậm tệ. Lòng tham của nàng không đáy. Tiền bạc Minh làm ra Ngoan nắm giữ hết không cho chàng một xu. Công Minh phải bươn chải mua bán riêng để có chút đỉnh tiền xoay xở cho bản thân cũng như giúp đỡ cho các em bên Việt Nam. Nàng ta cũng muốn trấn lột hết cho vừa túi tham của nàng. Ngoan đã ở cạn tàu ráo mán với chàng. Công Minh không thể tha thứ được nữa.
 Bị dồn vào chân tường quá sức nên chàng bóp bụng phải sống ly thân với vợ. Chàng nhứt quyết không chung đụng với người vợ quá xấu xa bỉ ổi hơn mười năm nay rồi. Cũng có thể vì Ngoan phát hiện được trước đây Công Minh yêu tha thiết Thu Nguyệt mà không thành mới quay qua cưới nàng làm vợ nên nàng trả thù bỏ ghét chăng? Bao nhiêu thắt mắt rồi cũng trôi qua theo thời gian. Hiện nay lòng Công Minh cảm thấy thanh thản với đời, không còn bi lụy với mối tình đầu nữa. Trước đây, cũng vì quá yêu Thu Nguyệt, muốn dõi mắt theo cuộc sống của nàng. Công Minh đã cãi số nên quyết tâm bước vào gia đình của Thu Nguyệt. Công Minh không yêu Ngoan nhưng vẫn xin cưới nàng làm vợ, và chàng phải chấp nhận cuộc sống hoàn toàn không hạnh phúc cho đến ngày hôm nay.
Không biết nguyên nhân vì sao giờ nầy Thu Nguyệt mang phải bệnh tâm thần như thế? Chàng thấy lòng mình thương xót vô biên, nhưng biết làm sao hơn? Bao nhiêu kỷ niệm xưa với Thu Nguyệt vụt hiện về. Lòng chàng buồn tê tái. Không hạnh phúc bên vợ con, người yêu đầu đời đang lâm bẹânh hoạn. Công Minh thấy lòng mình ngổn ngang trăm mối như tơ vò. Để tìm quên lãng cho tâm hồn và nhớ lại mối tình xưa, Công Minh đã làm nhiều bài ca để tưởng nhớ mối tình đầu của mình. Khi đã đem được tâm sự của mình trải dài qua những câu ca tiếng hát. Lòng Công Minh cảm thấy bình yên phẳng lặng như không vướng bận gì cả.
Nhưng tình yêu trai gái vẫn còn đeo đẳng mãi Minh hay sao? Trong một dịp tình cờ, Công Minh quen với Tuân. Chàng ta có người em gái tên Thiên Kim hiện đang làm Phó Giám Đốc cho một công ty lớn ở Việt Nam. Nàng ta công tác sang Mỹ để tìm thị trường trao đổi mua bán làm ăn. Thiên Kim choáng ngợp trước nền văn minh của nước Mỹ. Nàng quyết định tìm mọi  cách để ở lại. Thiên Kim mới ngoài ba mươi tuổi. Nàng là một quốc sắc thiên hương. Thân hình nàng rắn chắc cân đối như thần vệ nữ. Khuôn mặt nàng ôi tuyệt đẹp với đôi mắt như bể oan cừu muốn cuốn hút mọi người. Nhìn vào đôi mắt đó ai mà không thấy lòng mình xao xuyến rung động? Dưới cái mũi dọc dừa là cái miệng xinh xắn thật dễ thương. Đôi môi mọng đỏ của nàng luôn luôn nở nụ cười xinh tươi làm lòng người phải chao đảo. Tiếng nói của nàng nó thánh thót làm sao, làm ngất ngây lòng người không ít!
Tất cả con người của nàng là một tác phẩm tuyệt tác của tạo hóa đã dầy công tạo ra. Nàng lại là một nữ sinh viên đại học ở Việt Nam. Nàng ăn nói rất hoạt bát, tiếng hát trầm bổng của nàng làm say đắm người nghe và nàng có những bước nhảy đầm cũng rất điêu luyện. Thiên Kim đã có một đời chồng và được một đứa con gái kháu khỉnh dễ thiơng, nhưng vợ chồng nàng đã ly dị nhau mấy năm nay rồi.
Phút đầu mới gặp gỡ Thiên Kim, Công Minh như đã bị choáng ngợp trước sắc đẹp lộng lẫy của nàng. Công Minh cũng là một người đàn ông bằng xương bằng thịt như bao nhiêu người đàn ông khác trên trần gian nầy. Chàng đâu phải là Thần Thánh mà không thấy lòng mình rung động trước sắc đẹp tuyệt mỹ của người phụ nữ. Công Minh đã thật sự rung động và cảm thấy lòng xao xuyến trước một Thiên Kim tuyệt trần... Có cơ hội trò chuyện, hai người trao đổi tâm tình với nhau từ chuyện nầy đến chuyện khác không biết chán... Một hôm, Thiên Kim nhỏ nhẹ mở lời với Công Minh:
-Em muốn ở lại Mỹ sinh sống, không muốn trở về bên Việt Nam nữa anh à, nhưng không biết phải làm sao?
Công Minh thật thà trả lời:
-Chỉ có cách em phải gá nghĩa với một người đàn ông nào đó mới hợp lệ ở lại được mà thôi.
Đưa mắt âu yếm nhìn Công Minh, Thiên Kim tươi cười hỏi nhỏ:
-Anh có thể ra tay giúp em chuyện đó được không?
Nghe Thiên Kim lên tiếng nhờ mình, Công Minh đánh thót giật mình, mặc dầu trong lòng chàng cũng thòm thèm người con gái nầy lắm. Chàng nhanh nhẩu trả lời:
-Anh còn kẹt giấy tờ hôn thú với vợ anh. Anh và vợ anh chỉ mới ly thân nhau thôi chứ chưa có ly hôn. Nên anh không thể giúp em được Thiên Kim à!
Nghe Công Minh trả lời, Thiên Kim buồn trong lòng không ít, nàng thỏ thẻ:
-Hay là anh xúc tiến ngay việc ly dị với vợ anh đi để giúp em nghe anh!
Công Minh lắc đầu nói nhỏ:
-Với vợ anh thì không còn chút tình nghĩa nào, chuyện ly dị cũng có thể thực hiện được thôi. Nhưng tội nghiệp cho các con anh, chúng nó cần có cả cha lẫn mẹ bên cạnh em à! Vì thế nên anh không thể giúp em thỏa mãn ý muốn được. Tốt hết là em hãy tìm một người đàn ông nào đó không vướng bận, nhờ họ giúp đỡ cho, tốn một số tiền cho người ta.
Thiên Kim ứa nước mắt nhìn Công Minh nói:
-Em cũng đâu có tiền bạc gì để chung cho người ta mà nhờ vả hả anh? Mình muốn làm việc gì cũng phải có tiền hết anh à!
 Nghe Thiên Kim thật thà trả lời, Công Minh thấy lòng mình thương xót vô cùng, nhưng chàng chẳng biết phải làm sao. Một hồi suy nghĩ, chàng vồn vã lên tiếng:
-Em hãy cứ tìm người chịu làm giấy tờ cho em đi. Anh sẽ cố gắng chạy chọt cho em mượn đủ số tiền cần thiết.
Đưa đôi mắt u buồn nhìn Công Minh, Thiên Kim trả lời:
-Cám ơn lòng tốt của anh quá nhiều. Nghĩa cử của anh làm em cảm động vô cùng. Sau này có tiền em sẽ gởi trả lại anh sau.
Thế là Công Minh chạy mượn bạn bè một số tiền ba chục ngàn đưa cho Thiên Kim ngọt xớt để nàng xúc tiến thực hiện ước mơ muốn ở lại Mỹ của nàng. Không biết Công Minh có yêu thầm Thiên Kim không? Hay chàng dại gái mà để ra một số tiền lớn như thế để mua chuộc lòng nàng chăng? Thiên Kim chỉ hơn tuổi con của Công Minh một hai tuổi. Tuổi tác quá chênh lệch làm chàng lo sợ chăng? Cũng có thể Minh là người tính toán quá kỷ trong tình yêu chăng?
Cầm ba chục ngàn trên tay, Thiên Kim thấy con mồi béo bở nên nàng đệ nghị với Công Minh:
-Em muốn có con với anh. Anh là một người đàn ông thật sự là đàn ông với nhiều đức tính tốt hiếm có. Không những anh là người mua bán giỏi mà lại có học thức và có máu văn nghệ nữa. Anh lại là một nhạc sĩ, một soạn giả tân nhạc và cổ nhạc. Con em sẽ hưởng được di truyền cái giỏi giang đó của anh.
Suy nghĩ một lát, Thiên Kim nói tiếp:
-Anh yên trí, khi có con với anh em sẽ đi xa. Em sẽ không gặp anh nữa. Em sẽ không làm phiền anh đâu!
Một thoáng suy nghĩ hiện ra trong đầu Công Minh:
-Tuy Thiên Kim nói vậy, nhưng khi có con, nàng có thể đi xa lập nghiệp. Nhưng nếu nàng sống bám vào trợ cấp xã hội, người ta sẽ điều tra ra cha nó. Mình sẽ bị phiền phức và trách nhiệm sau nầy. Tốt nhứt là không nên dây dưa với nàng lâu hơn sẽ chuốc khổ vào thân. Cỏ non ai mà không muốn ăn! Nhưng hậu quả sẽ khó lường trước được... Suy đi tính lại hơn thiệt, Công Minh đành thối thác tình yêu của Thiên Kim tự nguyện dâng hiến cho chàng. Với tư thế nghiêm nghị, Công Minh đĩnh đạc nói:
-Thiên Kim à, anh chỉ xem em như đứa em gái dễ thương của anh thôi. Em cần gì anh giúp đỡ được thì anh giúp. Chúng mình chỉ có thể kết tình anh em thôi Thiên Kim à. Nay anh đã già rồi, anh sợ không còn đầy đủ sức khỏe để lo cho em và cho con của chúng mình sau nầy được.
Thiên Kim buồn bã trong lòng không ít, nàng muốn ỏng ẹo với Công Minh hơn nữa để làm siêu lòng chàng. Nhưng trước những lời nói nghiêm nghị đĩnh đạc của Công Minh, nàng đành phải nén lòng chấp nhận thôi.
Thế rồi việc tìm kiếm người gá nghĩa của Thiên Kim gặp trở ngại. Nàng đã bị một tên lưu manh xảo quyệt gạt gẫm. Sau khi Thu Nguyệt được hắn ta thỏa thuận những điều kiện. Thu Nguyệt mừng quá vội vàng đưa hai phần ba số tiền cho hắn trước mặt Công Minh. Thu Nguyệt yên tâm chờ nhậân những giấy tờ hợp lệ để được ở lại nước Mỹ. Thế mà tới ngày ra Tòa làm giấy tờ hôn thú, để bảo lãnh cho Thiên Kim, hắn chuồng êm đi mất. Hắn nuốt trọn số tiền hai chục ngàn rồi cao bay xa chạy... Thiên Kin buồn bã nói cùng Công Minh:
-Tiền mất tật mang. Tiền bạc của anh bỏ ra lo cho em như đổ sông đổ biển. Nhưng em hứa, em còn sống sẽ cố gắng làm ăn để có tiền hoàn trả lại anh. Dù chân trời góc biển, em không bao giờ quên lòng tốt của anh đã dành cho em.
Thế rồi nàng ra đi biệt tăm, không một lời từ giả Công Minh ...
Bắc thang lên hỏi ông Trời,
Đem tiền cho gái có đòi được không?
Có lẽ con người của Công Minh lắm nợ với đàn bà con gái. Không biết từ nay cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt, chàng có còn nặng nợ với ai nữa không? Hiện giờ chàng cứ mãi cực lực đi làm để cho hai đứa con còn nhỏ ăn học đến thành tài. Trong thâm tâm chàng ao ước có một ngày nào đó, chàng sẽ gặp được một hồng nhan tri kỷ để an ủi chia xẻ cho nhau những nỗi buồn vui thăng trầm trong quãng đời còn lại.

Không yêu thương gá nghĩa vợ chồng,
Cuộc sống thế nầy hạnh phúc không?
Nếu có chẳng qua là tạm bợ,
Rồi theo năm tháng mãi đau lòng!

Ai biết ai người chung thủy đâu?
Se duyên kết tóc buổi ban đầu.
Cứ ngỡ cuộc đời nhiều hạnh phúc,
Không ngờ lắm cảnh hóa nương dâu.

Tôi biết rằng tôi quá khổ đau,
Vì thương vì nhớ mối tình đầu.
Nên đành kết nghĩa cùng ai đó,
Để suốt cuộc đời lắm khổ đau.

Tôi biết yêu là chỉ khổ đau,
Nên không vướng bận dẫu ai trao.
Chỉ mong thoát được niềm đau khổ,
Để khỏi thương đau, khỏi lệ trào

Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét