Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

TÌNH ĐẦU/Trích Truyện Dài Tình Cảm Xã Hội NỖI LÒNG & KHÁT VỌNG / Sentiment & Aspiration - Nguyễn Ninh Thuận



Nhân sinh ra và lớn lên ở làng Lương Điền, thuộc Hải Lăng, cách Mỹ Chánh dọc một con sông. Ba của Nhân là lính nghĩa quân trấn giữ cầu Mỹ Chánh. Cái cầu trên quốc lộ số 1 bắc ngang sông Mỹ Chánh và Lương Điền. Mẹ chàng bán rau trái ở chợ Mỹ Chánh, ngôi chợ xem như to lớn quanh vùng đó chỉ họp chợ kéo dài từ sáng đến xế trưa. Thực phẩm rau trái tươi, gà vịt, trứng...  người dân quanh vùng đưa đến họp mặt. Dọc bên đường chợ theo bờ sông và ba phía bao quanh chợ là hàng quán tấp nập như lò bánh mì, tiệm thuốc tây, tiệm chụp hình, tiệm may... Trong lòng chợ có một đình chợ bán thức ăn nấu sẳn và thịt heo bò, gà... Ngoài ra có những mái che cho  những sạp hàng bán đồ khô, vải áo, đồ khô gia vị.... Những quang gánh, mẹt rau, hoa quả ngồi dưới đất. Sự mua  bán  rất sầm uất...
<!>
    Mỗi buổi sáng, Nhân phải thức dậy sớm để theo mẹ đi học ngang qua chợ Mỹ Chánh. Đầu làng là ngôi chùa to lớn. Ngôi trường Tiểu học Hải Chánh cuối làng  khang trang nhất trong vùng quanh đó. Trường xây gạch, mái lợp tôn, có nhiều cây to bóng mát như cây Sầu Đông, cây Trứng Cá sai trái là chỗ cho bọn học trò tụ họp sau hay trước giờ học để hái những trái Trứng Cá nho nhỏ chín đỏ ngon ngọt. Trường cũng có một vườn rau trồng cà rốt, cà chua... để học sinh thực tập trong giờ canh nông trồng trọt và thu hoạch kết quả cho ngân quỹ các lớp. Ngoài ra có sân chơi rộng lớn để tập thể dục hay thực tập trong giờ Hoạt Động Thanh Niên....
Có ai đến Mỹ Chánh mà không ghé vào chợ. Ở đó có nhiều món ăn rất ngon. Bánh ướt thịt heo luộc, người ăn qua một lần là nhớ suốt đời... Miếng thịt heo “cỏ ”, người bán hàng có bí quyết  luộc sao mà miếng thịt trắng nõn.  Khi ăn vào miệng cảm thấy vị ngọt, hương thơm của thịt toả ra thơm thơm kích thích vị giác đến ngất ngây... Miếng thịt không béo ngậy, mà giòn, ít mỡ. Khách chấm miếng thịt heo luộc vào chén nước mắm cay cay, ăn kèm với bánh ướt, hay bún xoắn lại từng lọn thì ngon, không có gì bằng! Người ăn xuýt xoa, người ngồi cạnh đó, ai mà không chảy nước miếng...
Rồi thì nồi bánh canh làm bằng bột gạo cắt lát dài dài như con sâu nấu với cá lóc, hay tôm thịt, lền lền bốc lên thơm ngát quyện vào không gian. Với váng màu đo đỏ của ớt màu, làm người đi qua như bị buộc đôi chân lại, phải ngồi xuống thưởng thức... Xem kìa! Nồi cháo gà sôi lên sùng sục, chú gà no tròn, vàng ngậy treo tòn ten đập vào mắt khách. Khiến ai đó không thể nào dời gót đi được!
Còn nhiều quà bánh khác nữa, kể sao cho hết... như bánh ít, bánh ráng, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo... thực phẩm tại chợ Mỹ Chánh giống chợ Đông Ba Huế. Tất cả mùi vị đó đã làm cho khứu giác, vị giác của những người thoạt trông thấy phải thức dậy, đòi hỏi và thòm thèm không quay gót được. Thỉnh thoảng mẹ Nhân buôn bán khá, cho nếm những quà bánh hấp dẫn ở chợ Mỹ Chánh, đến bây giờ chàng vẫn nhớ mãi …
Lương Điền, quê Nhân nghèo xơ xác, ít ruộng lúa, nương dâu... Dân quanh vùng chỉ trồng khoai sắn, đậu mè, ớt... theo từng mùa. Những bụi mía, giàn bầu mướp, rau trái, hoa quả đơn sơ để sinh sống qua ngày. Đất đai thì khô cằn với đồi núi chập chùng hoang vắng. Nơi đây là nghĩa địa dành cho dân địa phương. Có những ngôi mộ, với ngôi mồ to lớn, bia đá sừng sững. Bên cạnh đó là những nấm mồ thấp lè tè. Nhìn vào đó, người ta có thể dễ dàng đoán biết thân nhân của những nấm mồ kia thuộc thành phần giàu nghèo trong làng. Dưới chân đồi và quanh bãi tha ma là rác do dân làng thải ra...
Tuy nghèo khổ như thế, nhưng Nhân yêu quê hương làng xóm mình chi lạ!

Quê tôi nghèo khổ lắm thay!
Áo không đủ ấm, cơm ngày không no.
Nhiều người phải sống co ro,
Thiên tai bão lụt làm cho khổ đời....

          Cũng giống như nhiều làng khác ở miền Trung và một phần phía nam của Việt Nam, Lương Điện nằm trên bờ của một dòng sông. Nhân thường đi bộ dọc bờ sông theo các hàng cây râm… Dọc bờ sông có nhiều hàng cây râm mát nghiêng mình soi bóng dưới nước như các cô thiếu nữ làm dáng soi gương. Bờ sông có nhiều bến đá để mọi người xuống lấy nước chi xài. Dân làng Lương Điền sinh sống cũng nhờ con sông trìu mến này! Mới sáng sớm, người người vội vàng gánh trên vai những  gánh  nước sông mát ngọt về nấu ăn, uống, và sử dụng hàng ngày... Trưa trưa, chiều  chiều cũng dòng nước trên con sông nhỏ thân thương này, mọi người trai gái lớn bé tắm gội, giặt giũ áo quần...
Bên này sông Lương Điền nhờ đất cát bồi, nên dòng sông cạn, Nhân và chúng bạn rủ nhau đi tắm, ra đến gần một phần ba con sông mà mực nước chỉ ngang ngực. Nếu cả con sông đều cạn thì hàng ngày Nhân có thể đội áo quần trên đầu mà băng qua sông đi học. Chàng khỏi vất vả đi bộ đến mấy cây số, chỉ vì bên kia sông Mỹ Chánh thì bị sạt lở, nên rất sâu...
Những buổi trưa Hè, nắng cháy da thấy mà kinh! Trên những bậc thềm được xây dọc theo chiều dài con sông, rải rác đó đây từng nhóm vài người đang giặt giũ. Có những cụ già không chịu cái nóng nực ở nhà đã ra ngồi dưới bóng cây trốn chạy thời tiết khắc nghiệt làm mỏi mòn thân già khô héo. Những cơn gió mát từ sông thổi đến làm các cụ thiu thiu ngủ để nuối tiếc tuổi thanh xuân qua mau.
Chính nơi đây làm cho mọi người dễ chịu trong những ngày Hè oi bức. Cũng nơi đây là chỗ lý tưởng hàng ngày cho lũ trẻ nhỏ như Nhân vui chơi, đánh bi, đánh đáo. Dưới bóng mát của những tàn cây lớn, có người mắc võng kẽo kẹt ngủ trưa. Một khung cảnh dễ thương hiện ra dưới mắt người dân nghèo khổ của quê Nhân...
Học hết tiểu học, Nhân lên đệ thất ở trường trung học Hải Chánh của nhà thờ công giáo trên đường quốc lộ số 1. Trường đối diện ga xe lửa Mỹ Chánh. Nhân là con trai độc nhất của gia đình. Kinh tế gia đình không sung túc, Nhân vẫn được ba má dồn hết nổ lực cho con trai lên học trung học với hoài bảo:
- Má nó à! Tui và má nó không được học hành gì. Cuộc sống khó khăn lam lũ. Má nó phải mua gánh bán bưng, đầu tắt mặt tối. Tôi thì đi lính nghĩa quân, lương ba cọc ba đồng, tiền lính là tính liền, chưa hết tháng là đói rồi! Nhờ mẹ nó tiện tặn mua bán tảo tần mới đắp đổi qua ngày. Vậy chúng mình hy sinh lo cho thằng Nhân ăn học tới nơi tới chốn. Hy vọng sau này nó ra làm ông này ông nọ cho mình nở mặt nở mày với bà con làng xóm…
- Tôi thấy mấy ông giáo dạy học tôi kính phục lắm ! Chúng mình cố gắng nuôi nó học trở thành ông giáo trường làng cho nhàn tấm thân nghe ba nó!
- Má nó nói đúng ý tui lắm! Nếu nó phải đi lính, thì cũng quan này quan nọ với người ta. Trước đền ơn tổ quốc sông núi, sau được chỉ huy lính tráng, một điều tôi thèm thuồng, ao ước mà không được. May ra con trai mình rửa mặt cho vợ chồng mình được hãnh diện…
Thời gian thấm thoát trôi qua, cuộc sống của gia  đình Nhân ngoắc ngoải theo năm tháng hững hờ trôi. Có đôi lúc hai vợ chồng xem như buông xuôi không thể nuôi nổi Nhân tiếp tục học. Nhân là con ngoan, chàng biết hoàn cảnh khó khăn và sự hy sinh của ba má nên cố chăm học. Chàng hy vọng xứng đáng với sự hy sinh vô bờ bến của ba má đã kỳ vọng vào mình. Lên cấp ba, Nhân đã thi vào đệ tam trường Nguyễn Hoàng. Thế là ba má Nhân phải cơm đùm gạo bới cho con ra tỉnh Quảng Trị học. Tưởng rằng cuộc sống cứ thế trôi qua êm ả. Cho dù ba má Nhân phải cật lực làm việc thật nhiều để đáp ứng nhu cầu ăn học của con, nhưng một biến cố quan trọng đã cướp mất người cha thân yêu của chàng.
Trong một cuộc pháo kích của Việt Cộng vào đồn lính, ba của chàng bị trọng thương, máu ra nhiều... Ông được chở ra quân y viện Quảng Trị điều trị, chẳng may ông không thoát khỏi tay tử thần. Trước phút lâm chung, ông nắm tay vợ con trăn trối:
- Má nó, tôi phải ra đi không thấy thành quả học vấn của con trai. Còn đến hai năm nữa Nhân mới thi tú tài phần I, tệ lắm má nó cũng cố cho con lấy mảnh bằng đó nghe bà! Đó là ước nguyện của tôi mong muốn. Má nó hứa với tôi một lời cho tôi yên tâm nhắm mắt!
- Tôi hứa với ông! Dù có làm lụng cực khổ, hay cùng quá đi ở đợ, tôi cũng cho con học như ý ông mong muốn. Ông yên tâm ra đi thanh thản và phò hộ cho mẹ con tôi. Nói xong má Nhân khóc ngất, và lịm đi…
Nhân đưa tay vuốt mắt ba và gào lên:
- Ba ơi! Sao ba đành bỏ hai mẹ con bơ vơ thế này! Con hứa với ba sẽ cố học. Con sẽ thi đậu để không phụ lòng ba mong muốn. Ba được mĩm cười nơi chín suối!..
Noi gương bất khuất đấng anh tài,
Vượt biển trèo non thỏa chí trai
Quốc biến xông pha ngoài trận mạc
Hy sinh vì nước dạ nào phai...
Công trận các anh nhớ cả đời,
Những chàng chiến sĩ Việt Nam ơi!
Ngày đêm gian khổ ghìm tay súng,
Gìn giữ an ninh cho mọi người...

Đứng trước hoàn cảnh thương tâm của gia đình Nhân. Hưng, bạn cùng lớp rất thông cảm. Gia đình Hưng có tiệm ăn, nên Hưng đề nghị với cha mẹ:
- Thưa cha mẹ,  con  có người  bạn  tên Nhân rất hiếu học. Ba của bạn con bị tử thương trong trái pháo của Việt Cộng bắn vào đồn. Nhà anh ấy nghèo. Mẹ anh chẳng biết làm nghề gì cả. Ba anh ấy trước khi chết, muốn má anh ấy hứa một lời cố cho anh tiếp tục đi học. Vậy cha mẹ thu xếp mướn má anh ấy vào nhà mình ăn ở phụ việc bếp núc bán hàng. Con hy vọng giúp bạn con có cơ hội tiếp tục học. Cha mẹ mướn bác vào làm việc nhé! Để bác hoàn thành lời hứa với bác trai trước phút lâm chung tội nghiệp!
- Bác trai chết linh thiêng đó! Dui dủi, người phụ bếp tiệm mình mới xin nghỉ làm.Vậy mai con nói bác gái đến làm nhé! Tưởng ai chứ má bạn con, thì xem như người thân. Chỗ tin cẩn tốt thôi…
                                         ***
Tối hôm sau, trong giờ ăn cơm tối, thầy Thế Oanh tươi cười nói cùng vợ:
- Em à! Chiều nay sau khi tan trường, thầy Nguyễn Thành đưa Nhân đến giới thiệu với anh. Anh Thành bảo nó là học sinh gương mẫu của lớp anh ấy, nhà nghèo, cha chết trận, mẹ phải đi làm cho tiệm ăn ở đây. Nhân hiếu học lắm, nó xin đến ở nhà mình ăn ở, để đỡ gánh nặng cho mẹ. Nhân xin kèm con mình học. Anh nhìn qua thấy nó lễ phép, và có cảm tình ngay, em nghĩ sao?
- Thế thì mình nhận lời em Nhân đi! Tội nghiệp nó, nhà nghèo, cha mất sớm mà lại hiếu học. Mình chỉ thêm cái chén đôi đũa. May ra con của mình theo cái gương nó mà chăm học thì tốt biết mấy!
Hôm sau vào ngày Chủ Nhật, thầy cô Thế Oanh sửa soạn lại nhà cửa, ngăn lại phòng ốc.. Một phòng cho thầy cô và Thế Hòa, một phòng cho Thế Huy và Nhân, một phòng cho Tú Oanh và Hoa.
Tuần sau Nhân dọn vào nhà cô thầy Thế Oanh làm gia sư. Từ ngày có Nhân vào ở, không khí vui hơn, cửa nhà tươm tất thêm. Ngoài giờ chỉ dạy cho các em học, Nhân năng động và siêng năng nên trồng thêm hoa. Nhà cửa đầy màu sắc vui tươi. Từ đó Hoa cảm thấy rảnh rỗi hơn. Những việc nặng Nhân cán đáng làm hết. Chàng xách nước đổ đầy bể, tưới hoa...
Những khi Hoa mang áo quần ra giặt, Nhân thả gàu kéo nước giúp cho nàng. Cuối tuần chàng phụ Hoa giặt giũ mùng màng chăn gối, lau chùi phòng ốc…Nhân không đến nhà bạn bè chơi, mà chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp Hoa. Chàng lấy đó làm niềm vui... Tuy bận rộn như thế, nhưng Nhân không xao lãng việc học của mình. Chàng càng cố học hơn nữa với tình yêu chớm nở, và nghĩ cho tương lai...

Phải nợ duyên từ ngàn năm không nhỉ?
Mới gặp nhau như thân thiết lâu rồi!
Hạnh phúc này mơ ước cả đời tôi.
Sung sướng quá được gặp người trong mộng!....

Chiều chiều, Hoa vẫn bồng Thế Hòa sang trường Nguyễn Hoàng để học lóm môn Văn học, Anh văn và Sử Địa. Những môn đó Hoa không sợ. Nàng chỉ nghe qua là thu  thập được. Riêng môn  Toán Lý Hóa  phải ghi chép lại mới nhớ. Tối tối Nhân dạy cho Thế Huy và Tú Oanh học. Hoa hay bồng Thế Hòa lai vãng trước phòng học để được học lóm những điều chàng dạy cho lũ trẻ. Nhân cứ ngỡ Hoa có cảm tình sâu sắc với mình, nên niềm hy vọng càng lớn hơn…
Năm đó Thế Huy học đệ ngũ. Nếu Hoa không ghi chép sẽ không theo kịp. Nàng lén ghi chép… Nhân yêu thầm Hoa, nên ghi chép những bài giảng dạy trao tận tay nàng. Hoa cảm kích ơn nghĩa đó, nên sau khi chủ dùng bữa xong, dọn xuống nàng để phần ăn lại cho Nhân nhiều hơn với ý nghĩ:
- Nhân dù là gia sư, nhưng thân phận cũng kẻ làm mướn để lấy tiền ăn học. Sự hiếu học đó khiến mình khâm phục, chàng ta sức trai mới lớn sẽ ăn nhiều, thôi thì nhường phần nhiều cho chàng ta vậy!
Nhân đi học về trễ thấy cơm canh tươm tất rất vui vì nghĩ Hoa yêu thầm mình như chàng đã yêu Hoa. Trong khi Hoa ngây thơ thố lộ “ Em để phần anh nhiều cho anh, anh phải giúp em bài vở đó nhé! ”
Từ đó sau khi chu toàn công việc, Hoa chăm chỉ ôn bài vở sẵn có. Trước vẻ đẹp nhu mì, khối óc thông minh của Hoa đã làm cho trái tim người con trai mới lớn rung động. Nhân dệt biết bao mộng ước của kẻ tình si, có dịp rảnh rỗi, Nhân giảng bài cặn kẻ cho nàng. Nhân nhìn sâu vào đôi mắt đẹp của Hoa để đo thử tình cảm của nàng:
- Hoa hiểu không?
Mỗi lần Nhân nhìn sâu vào mắt, Hoa cảm thấy hơi xao xuyến và tâm hồn bấn loạn. Nàng lo sợ đủ điều…
- Tại sao Nhân nhìn mình với con mắt say đắm như thế ? Trong đôi mắt đó, mình thấy có hình ảnh của mình trong đó! Nhân đẹp trai, học giỏi, bên cạnh biết bao là nữ sinh đẹp, con nhà danh giá xứng đáng với chàng. Mình chỉ là con bé đi ở đợ, lem luốc có xứng đáng với chàng? Không, ta không yêu chàng với tình yêu trai gái, chỉ thương hoàn cảnh khốn cùng hiếu học của chàng thôi!
Nhiều đêm trăn trở, dệt biết bao mơ mộng  với những trang tiểu thuyết gối đầu … Hoa vùng dậy soi gương, tự hỏi:
- Mình có đẹp không? Với sắc đẹp mộc mạc này có so bì với các nữ sinh trường Nguyễn Hoàng không nhỉ?
Có những lúc Nhân ngồi trầm tư trước tập vở. Hoa làm bộ đi ngang qua nhìn vào trang tập. Nàng thấy trang tập Nhân tràn đầy tên mình. Ngoài ra có tên  Vũ Nhân & Hồ Thị Hoa dính liền nhau đủ dạng kiểu chữ... nhưng Hoa phớt lờ xem như không thấy. Trong một dịp giặt áo quần ngoài giếng, Hoa làm dáng soi gương, bỗng nàng giật mình khi nghe một giọng trầm ấm thoảng qua tai nàng:
- Hoa đẹp quá! Em hiền ngoan quá! Anh sẽ đi theo suốt đời để giúp em… Vừa nói Nhân vừa thả gàu kéo nước lên để vào chậu cho Hoa giặt áo quần.
Hoa vò áo quần, Nhân làm bộ đổ nước vào chậu để đụng chạm nhẹ vào tay Hoa. Mặt Hoa e thẹn ửng hồng lên và im lặng cúi xuống… Mới đầu Nhân chỉ làm bộ sơ ý đụng chạm nhẹ để thăm dò ý tứ Hoa. Thấy nàng không giận hờn trách, Nhân tiến mạnh hơn bóp nhẹ tay Hoa.
-  Anh làm kỳ quá! Cô thầy biết thì chết! Hoa mắc cỡ cúi đầu thỏ thẻ…
- Trai gái yêu nhau là chuyện thường. Anh không phải kẻ sở khanh lường gạt con gái đâu mà em lo ! Anh đứng đắn và nuôi dưỡng tình yêu cho đến ngày nên duyên chồng vợ khi anh công thành danh toại.
Một buổi chiều, Hoa đang quét sân, đoàn học sinh Nguyễn Hoàng tan học lũ lượt đi trước nhà. Hoa ngưng quét sân ra trước cổng nhà nhìn theo. Nàng nhìn họ với đôi mắt thèm thuồng ao ước… Hoa quý trọng những người trí thức và ngưỡng mộ họ... Chạnh nghĩ đến mình phải sinh ra trong một ngôi sao xấu, gia đình nghèo khó, không được may mắn cắp sách đến trường như bao cô gái may mắn hơn mình.
Tuy thế Hoa không bao giờ có lòng ghen tị, mà chỉ là mơ ước thôi!...Vì thế mà Trường Nguyễn Hoàng là ngôi trường trong mộng của nàng. Thâm tâm Hoa bao giờ cũng nghĩ nàng đã học trường đó rồi! Mình là nữ sinh của trường. Những khi đi chùa, Hoa luôn chắp tay khấn vái với Đức Phật, “Lạy Phật, kiếp sau cho con sinh ra trong nhà khá giả và được học trường Nguyễn Hoàng ” và khi đi ngang qua chùa Tỉnh Hội, Hoa sống trong mộng tưởng và thì thầm: “ Con là nữ sinh trường Nguyễn Hoàng đó Phật, Phật có biết không? ”  Hoa tự hỏi :
-Không biết tại sao mình chỉ mơ ước là nữ sinh Nguyễn Hoàng, trong khi đó mấy năm trước mình giúp việc cho ông bà Bửu Long, sống một nhà với Diễm, con gái cưng của ông bà chủ là nữ sinh trường Đồng Khánh, nhưng chỉ ước mong là được đi học như bao cô gái đồng trang lứa...
Hoa không bao giờ ao ước mình là nữ sinh Đồng Khánh... Tuy trường Đồng Khánh là ngôi trường cổ kính, nổi tiếng nhất miền Trung, nữ sinh Đồng Khánh rất đẹp, cao sang, biết bao Công Tằng Tôn Nữ, con vua cháu chúa học ở đó! Hoa không nghĩ mình là họ, hay từ nghìn xưa nàng cũng đã là dòng dõi “ Tôn Thất ” nên nay không màng nữa... Hoa đang thừ người ra suy nghĩ, thì một nam sinh đứng lại nhìn Hoa, xây qua hỏi bạn:
- Ê! Con nhỏ nào đẹp vậy? Nó học lớp mấy trường Nguyễn Hoàng mà tau không biết!
Chưa có tiếng trả lời, thì ông Gray, ông thầy người Mỹ dạy Anh văn đi tới. Cùng đi với ông có các nam sinh lớp lớn đang đấu hót với ông
 Khi đi đến gần Hoa, ông dừng lại bắt tay Hoa và hỏi:
- Are you a Nguyen Hoang student ?
Đám thanh niên chưa kịp lên tiếng giúp Hoa thông dịch, thì nàng điềm nhiên trả lời:
- No, I’m not. I’m babysitter for Thế Oanh family. I wish had become a Nguyen Hoang student.
Đám học sinh nhìn nhau ngạc nhiên. Đám con gái vừa đi tới, thấy Hoa đẹp lại nói tiếng Anh lưu loát cũng ngạc nhiên theo... Chị Lan xây qua hỏi nhỏ anh Lê:
- Con nhỏ đó là ai vậy?
- Người giúp việc cho thầy cô Thế Oanh đó!
Lê nghiêng tai nói nhỏ với Lan: « Cô ta là người Nhân thương thầm đấy!»
Một nam sinh khác ra điều biết chuyện, mau mắn nói thêm.  « Hoa sợ Nhân dệt mộng trong tình yêu mà xao nhãng việc học ; nàng ta không ngừng khuyến khích Nhân chăm lo học tập... Nghe Nhân kể lại Hoa thường nói...
- Kỳ thi tú tài bán phần năm nay mà anh không đậu, là em buồn lắm. Anh thi đậu thì tương lai mới rộng mở trước mắt. Từ đó chúng ta mới tính chuyện xa vời...!
Sau một năm vật lộn với sách vở, hôm nay Nhân khăn gói vào Huế thi tú tài bán phần. Hành trang Nhân lên đường dự thi do Hoa sắp xếp. Nàng không quên dúi vào tay Nhân một nắm tiền làm lộ phí với ý nguyện như người em gái…
- Anh hãy cầm số tiền em đã dành dụm để chi xài cho mấy hôm dự thi. Nghe anh nói ở An Cựu, anh có người bà con chịu cho anh tá túc trong mấy ngày anh dự thi thì tốt lắm! Nhưng mình phải biết điều góp tiền ăn uống với họ cho vui vẻ cả làng... Em nghe An Cựu có giòng sông nước chảy hiền hoà, thơ mộng lắm… Có một điều lạ, mùa Hè thì nước đục, mà mùa mưa nước lại trong xanh mát lạnh đó anh  à!
 Biết Vũ Nhân buồn, bịn rịn chia tay, Hoa nói huyên thuyên để Nhân tạm quên nỗi buồn nhen nhúm trong tim…
  - Em cất tiền đi để gởi giúp gia đình vì ba em bệnh cần chữa trị. Lại nữa, em phải phụ mẹ lo cho các em ăn học. Anh tiếc là học trò khó! Anh không giúp được gì cho em… sao lại cầm tiền em được! Anh thật áy náy trong bụng vô cùng!
- Anh lại khách sáo với em rồi đó! Anh không cầm tiền này, em buồn lắm! Anh đã có công khai mở trí tuệ, ơn nghĩa đó em không bao giờ quên ! Chúng mình xem như người thân, tiền của em là của anh, và ngược lại của anh là của em. Anh không cầm là em giận, không chơi với anh nữa…
- Thôi để chìu theo hảo ý của em, anh nhận phân nửa số tiền này là đủ rồi! Má anh mới đưa cho anh một số tiền lộ phí rồi! Hơn nữa, cô thầy Thế Oanh đã thương mến, nên vừa cho anh một ít tiền xe đây! Trước bao sự lo lắng của người thân, anh sẽ cố thi đậu kỳ này! Anh sẽ không làm cho mọi người thất vọng...
Những ngày tất bật lo lắng thi cử ở Huế cũng qua đi… Sau khi thi xong, Nhân nôn nóng quay về Quảng Trị thân yêu ngay. Nơi đó đang có mẹ già, người thân và nhất là Hoa đang trông ngóng tin tốt của Nhân mang về. Trong khi dồn hết nổ lực cho thi cử, Nhân tạm để hình ảnh và tình yêu nồng cháy của Hoa vào một góc trái tim. Nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ, chàng nhớ Hoa quay quắt…
- Mình không thể vắng Hoa trong đời sống của mình được! Chỉ mới vài ba ngày xa Hoa để đi thi mà xem như dài cả thế kỷ. Ôi tình yêu tuyệt vời quá! Mình phải cố học và vun đắp cho tình yêu mãi mãi là một bài thơ tuyệt tác.
Nhân quay trở về nhà thầy cô Thế Oanh vào buổi tối trong khi cả nhà đang dùng cơm tối. Hoa kín đáo nhìn Nhân thay cho lời hỏi chào. Cô Thế Oanh vui vẻ lên tiếng:
- Chiều nay mới chấm dứt thi, cô tưởng mai em mới trở về chứ! Em ngồi đây ăn cơm luôn.
- Sao bài vở em làm thế nào? Có hy vọng không? Thầy Thế Oanh điềm đạm hỏi Nhân.
- Thưa thầy cô, mới thi xong em ra bến xe liền để kịp chuyến xe chót. Bài vở em làm xuất sắc lắm. Em hy vọng sẽ đậu cao.
Cơm nước xong xuôi, cả nhà lên phòng khách đọc báo và xem Tivi. Nhân nhanh nhẹn phụ Hoa dọn bàn xuống bếp để nàng rửa chén bát. Chàng muốn mượn cơ hội để nói chuyện với Hoa đôi ba phút cho thoả lòng nhung nhớ…
- Anh xa em mấy ngày mà sao thấy lâu ghê! Anh nhớ em lắm! Em có nhớ anh không?
- Nhớ gì mà nhớ! Anh đừng lộn xộn, cô thầy biết được là chết em! Hoa xuống giọng, nguýt...
Đôi má nàng ửng hồng, và đôi mắt bối rối, lẫn tránh cái nhìn tha thiết của Nhân đang hướng về mình…
Một thời gian sau, có tin Hội đồng thi đã niêm yết danh sách học sinh thi đậu tú tài I. Tuy vậy, Nhân và các bạn sinh sống ngoài thành phố Huế không phải đi xem bảng niêm yết.  Đài phát thanh  Huế thông báo là theo lời yêu cầu của thính giả, đài sẽ xướng danh học sinh thi đậu vào tối hôm sau. Thế là tối hôm sau, trong giờ dùng cơm tối, thầy cô Thế Oanh cho mở radio thật lớn để đón nghe kết quả kỳ thi.
Cả nhà chăm chú theo dõi xướng ngôn viên xướng danh học sinh trúng tuyển theo từng ban A, B, C. Đến ban B, ban Nhân theo học, chàng hồi hộp theo dõi thứ tự tên mình theo vần alphabet, và số ký danh… Giọng đọc rõ ràng , chậm rãi …”số ký danh 130 Vũ Nha … số ký danh 131 Võ Nhân… số ký danh 132 Vũ  Nhân…”Cả nhà reo lên chúc mừng Nhân. Riêng Hoa hồi hộp…
- Mình muốn Nhân để tâm vào việc học, không bị phân tâm về tình yêu trai gái... Mình nên mềm mỏng để chàng tin tưởng vào tình yêu mà cố gắng hơn để đạt được mảnh bằng toàn phần và mình được học thêm rồi hãy hay...
Nhân mới thi đậu Tú tài I, còn  học đệ nhất rồi thi tú tài II. Hoàn thành xong trung học, mới kiếm việc làm, tiếp tục học lên nữa, hay đi lính… để giúp anh ấy học thành tài và mình có cơ hội được anh ấy dạy mình học thêm để có một mớ kiến thức lợi ích cho mình sau này!..
Tuy sự học có sút kém, nhưng Nhân vẫn ì ạch gắng học khi lên Đệ Nhất, trong sự cổ động không ngừng và lời đe doạ của Hoa:
- Anh không thi đậu Tú tài toàn phần thì em không nhìn mặt anh !
- Anh sẽ cố gắng học hết sức để khỏi phụ lòng em và người thân.
- Từ nay, em sẽ tránh mặt và không gặp gỡ anh thường xuyên để anh yên tâm vào bài vở thi cử đó nhé! Anh mà lộn xộn thì biết tay em. Hoa nghiêm trang làm mặt giận với tiếng ngâm khe khẻ… rồi vùng chạy trốn …
Sáng trăng, sáng cả vườn chè,
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ…
Nếu chưa thi đậu thì chưa động phòng…”
Mặc dầu Hoa cố né tránh gặp mặt Nhân, nhưng trai gái mới lớn lại cảm thông và những săn sóc nhẹ nhàng dành cho nhau hàng ngày làm tình yêu của đôi trai gái ngày một lớn mạnh hơn...  « Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén ! ».  Một thời gian sau, Hoa và Nhân thú thật tình yêu của họ cho Thầy Cô Thế Oanh biết và nhận được sự hỗ trợ của Thầy Cô...
- Đừng để chúng nó yêu nhau quá trớn, mà xảy ra điều xấu trong nhà mình vì sự nông nổi của chúng là được! Thầy Thế Oanh điềm đạm dặn vợ.
- Anh đừng lo, chuyện hôn ước mai sau của chúng không bước qua vòng lễ giáo. Mẹ của Nhân có đến thăm gia đình mình và rất ưng ý Hoa, cô con dâu tương lai ngoan hiền của bà. Bà cũng có gởi gắm chúng cho em trông chừng và ngấm ngầm vun đúc tình yêu cho chúng. Bà không quên nhờ em đốc thúc sự học cho Nhân công thành danh toại rồi mới tính sự chung thân, gia đình sau…
- Không biết về phía gia đình Hoa khi biết chuyện tình cảm của con gái, có ý kiến gì không?
- Hôm sau Tết, mẹ Hoa biết nó bận, không về ăn Tết với gia đình được nên có ra thăm nó ở lại chơi một ngày.
Em sợ trách nhiệm, nên có cho bác gái biết chuyện tình cảm của chúng. Bác ấy đã gặp Nhân, xem ra rất ưng ý chú rể tương lai này, Thật ra Hoa có phước lắm mới gặp được anh chàng học trò nghèo hiếu học, mà rất lễ phép và hiếu hạnh này! Đằng nào cũng là dân học thức chứ bộ!
- Con nhỏ ngoan hiền, lễ phép và tư chất thông minh, học một biết mười, chưa chắc một nữ sinh đương  thời  theo  kịp! Thật  tội nghiệp, nó xấu số phải sinh ra trong  nhà khó, nhưng anh thấy khuôn mặt sáng sủa của Hoa, anh chắc sẽ có một tương lai khá… Chúng mình xử sự phải với nó, xem như người thân kẻo tội nghiệp!
- Vợ chồng mình đã xem Hoa như người thân, không phân chủ tớ và các con chúng mình xem nó như người chị. Nhất là Tú Oanh, con gái cưng của mình rất thương Hoa và hết lòng đỡ đần công việc với  Hoa!... Hai đứa quấn quít thương mến nhau thật tình… Em cũng vui vì tính ngoan hiền, hiếu học của Hoa sẽ ảnh hưởng tốt cho con cái mình…
Theo thời gian tình yêu trong sáng của Nhân-  Hoa êm đềm trôi qua theo năm tháng… Tuy sự học có sút kém, nhưng vẫn ì ạch
- Anh không thi đậu Tú tài toàn phần thì chúng ta chia tay. Em không muốn mang tiếng là vì yêu em mà anh xao lãng việc học. Anh thi rớt, không những em có tội với mẹ anh và không có mặt mũi nhìn thầy cô Thế Oanh đã thương yêu và đặt nhiều kỳ vọng vào anh. Anh cố gắng học nghe anh! Anh học cho tương lai chúng mình…
- Anh sẽ cố gắng học hết sức để khỏi phụ lòng em và người thân. Nhưng anh quá yêu  em sâu đậm nên cầm bài học mà hình ảnh em cứ đầy trang sách. Trí óc anh luôn nghĩ đến em, đến ngày chúng ta được chung sống với  nhau. Nhân hôn nhẹ trên má người yêu thì thầm...

 Anh yêu em như rừng xanh yêu lá
 Như thuyền buồm yêu biển cả đại dương
 Như Hằng Nga yêu khúc hát Nghê Thường
 Như chú Cuội yêu trăng rằm sáng tỏ
 Anh yêu em, với tấm lòng thế đó
 Nguyện trọn đời không phai nhạt trong tim
 Khó khăn nào, anh cũng cố đi tìm
 Và nguyện ước suốt đời luôn chung thủy
 Nhưng chuyện đời có đẹp lòng vừa ý
 Như chúng mình mơ ước mãi không em?
 Dẫu thế nào tình mãi giữ trong tim
 Nét tươi đẹp như màu xanh em nhé!

 Đã yêu nhau, hãy cùng nhau san sẻ,
 Những vui buồn của trần thế đẫy đưa
 Dẫu cuộc đời nhiều gút mắc nắng mưa
 Xin nguyện giữ mãi lòng không thay đổi
 Thề Đất Trời, chẳng bao giờ nói dối,
 Để được lòng em thương xót anh đâu!
 Đã yêu nhau phải giữ vẹn trước sau
 Lời ước nguyện mới thật lòng trân quí
 Đã yêu nhau, chớ bận nhiều suy nghĩ
 Phận giàu nghèo, có sự nghiệp hay không?
 Chuyện yêu đương là chuyện của riêng lòng,
 Mà tiền bạc không bao giờ mua được.
 Chuyện yêu đương có ai mà lấy thước
 Đo lòng người dài ngắn phải không em?
 Thật hay không, hồi kết mới rõ rành.
 Ai bội bạc, ai thật lòng em nhé!
 Thật yêu nhau hãy cùng nhau chia sẻ,
 Nỗi vui buồn, cay đắng của trần gian
 Đừng làm ngơ, nhắm mắt thật phủ phàng,
 Mà xót dạ đau lòng ai không ít...
 Thật yêu nhau, dẫu đêm trường tịch mịch,
 Cũng một lòng an ủi mãi bên nhau.
 Dẫu phong ba bão táp chẳng núng nao,
 Tình yêu đó mới là tình chân thật.
  Anh yêu em với cõi lòng ngây ngất,
  Yêu và yêu, yêu quá thật em ơi!
  Trọn vẹn yêu em, chẳng biết dùng lời
  Nói cho hết tình yêu em bất diệt.
  Ở nơi em, anh thấy lòng tha thiết,
  Thương làm sao mà chẳng biềt nói sao?
  Nhớ thương em nước mắt cứ tuôn trào,
 Thương em quá, tình yêu ôi bất diêt....

Với quyết tâm của bản thân và sự khuyến khích từ mọi phía của Mẹ Nhân, gia đình thầy cô Thế Oanh và Hoa, Nhân đã chăm chỉ học hành và thi đậu Tú Tài II. Sau đó Nhân bị động viên và chàng quyết định theo học trường sĩ quan Thủ Đức...
- Anh  thấy  sức học của  em cũng khá, em xin Thầy Cô tối tối sang trường Nguyễn Hoàng học thêm Toán Lý Hóa để thi bằng Trung học và khi thi đậu xin đi tu học một khóa giáo viên Ấp Tân Sinh rồi về quê nhà dạy trẻ con cho nhàn nhã tấm thân và có tương lai sau này! …
- Anh tính như vậy rất tốt! Anh cứ yên tâm nhập ngũ, là con dân nước Việt, trăn trở với quê hương, em ủng hộ anh hết mình! Anh yên tâm đi lính trả nợ non sông, xứng đáng con yêu của ba anh đã kỳ vọng vào anh là một sĩ quan tốt. Em sẽ xin phép thầy cô học thêm Toán Lý Hóa và cố lấy cho được mảnh bằng Trung học và xin đi dạy học như anh mong ước!
Trước khi đi lính, Nhân xin phép thầy cô Thế Oanh cho Hoa nghỉ làm một tuần để đưa nàng về quê thăm cha mẹ nàng...
Ông bà Sửu thấy con rể tương lai đàng hoàng, một lòng  muốn xây dựng gia đình với con gái mình nên vui mừng lắm...
- Ðâu ngờ có ngày con gái mình ngày nay kiếm được một tấm chồng học thức, nay mai nó cũng là ông này ông nọ... một sĩ quan trong QLVNCH chứ bộ! Bà Sửu hí hửng to nhỏ với chồng.
- Tôi rất vui mừng thấy con gái mình thành đạt, hạnh phúc. Con Hoa rất hiếu học, nay mai cũng sẽ là cô giáo với người ta. Tôi sung sướng quá chừng! Nó là tấm gương hiếu học cho các em nó noi theo... Ông  Sửu cười ha hả phụ hoạ theo vợ.
- Phải đó ông, Hoa nó làm mình rỡ ràng mặt mũi với bà con làng nước... Bà Sửu vui mừng chạy đi lo bữa cơm tối cho gia đình...
Trong bữa cơm con cái gia đình quây quần bên nhau chuyện trò bàn tính chuyện gia đình...Các em Hoa tíu tít hỏi han chị và cám ơn anh rể tương lai đã tặng chúng tập sách đi học... Cơm nước xong, Nhân và Hoa ra trước nhà ngồi trên tảng đá dưới bóng cây mít bàn chuyện tương lai.
Tối đến hai người đi dạo dưới hàng cau trước nhà hưởng gió mát trăng thanh. Trên trời chị Hằng hình như mĩm cười chung vui với tình yêu của họ..Ông bà Sửu trong nhà nhìn ra hai con với ánh mắt thương yêu trìu mến vì biết dự tính tốt đẹp của đôi trẻ...
Nhân đi học khóa sĩ quan, Hoa đi học Toán Lý Hóa như lời bàn tính cùng người yêu. Nhưng học một thời gian, Hoa quyết định đi học Anh Văn và đánh máy chữ với mong ước suy tính âm thầm:
- Nếu mình đi dạy học, tiền lương một tháng chỉ bốn, năm  nghìn đồng  thì  làm  sao giúp ba mạ và có tiền nuôi các em  ăn học vào trường Nguyễn Hoàng đây! Một điều mà mình hằng ấp ủ...
Thế rồi sau khi chu toàn việc nhà, thầy cô Thế Oanh bằng lòng cho Hoa được học lớp tối Anh văn ở trường Nguyễn Hoàng do Giáo sư Mỹ, Gray dạy. Do thiên khiếu, Hoa học rất giỏi, khả năng tiếng Anh vượt xa các bạn trong lớp. Với sắc đẹp trời cho kèm theo tính tình hiền dịu, lại chịu thương chịu khó… Hoa đã hoàn toàn chiếm cảm tình ông giáo Mỹ ngày một nhiều… Ông Gray yêu Hoa vẫn thư từ qua lại an ủi thăm viếng khuyến khích lẫn say đắm, yêu mà chưa dám tỏ. Thế rồi do công vụ, giáo sư Gray phải đổi vào Đà Nẳng. Cùng lúc ấy Hoa nhận chứng chỉ bằng đánh máy. Tình yêu Nhân vẫn đầy ắp trong tim Hoa.
Phần Nhân trong năm đầu ở quân trường với những thử thách gian khổ hàng ngày cho đời lính để thích nghi với mọi tình huống, đối diện tử thần, súng đạn… Nhân rất yêu đời, vui vẻ vượt qua với hạng ưu trước mắt, hứa hẹn một chỗ đứng trong nghề lính như Quân Nhu, Quân Cụ, Công  Binh… 
Chàng nhìn đời qua lăng kính màu hồng với hai quả tim cùng một nhịp đập tràn đầy hy vọng cho hạnh phúc lứa đôi… Những đêm Đông lạnh lẽo với rừng núi âm u trong những thử thách cam go, canh gác, tập trận… Hành trang của Nhân là tình yêu của Hoa với khuôn mặt hiền dịu, ánh mắt thân thương, giọng nói ngọt ngào của người yêu choáng ngợp...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét