Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

CƠ MAY/Trích Truyện Dài Tình Cảm Xã Hội NỖI LÒNG & KHÁT VỌNG / Sentiment & Aspiration - Nguyễn Ninh Thuận


H
oa hấp tấp lên tàu như trốn chạy sự chia ly với nước mắt chực trào ra... Sau khi thu xếp hành lý và ổn định chỗ ngồi, Hoa đứng dậy tỳ lên cửa sổ đưa đôi mắt buồn rầu hướng về phía gia đình ông bà Bửu Long. Con tàu từ từ chuyển bánh, Hoa nhìn lui vẫn thấy gia đình ông bà chủ vẫn còn đứng ở sân ga đưa tay vẫy chào. Hoa cảm động khóc sụt sùi, nàng lấy khăn tay lau vội nước mắt thầm nghĩ:
- Lần nầy trở về quê, lòng mình cảm thấy buồn nhiều hơn vui. Đa số dân làng sống với nghề nông. Chân lấm tay bùn thật cực khổ, vẫn không đủ cơm no áo ấm. Đời sống rất cơ cực với khí hậu thật khắc nghiệt. Trẻ con đa số không được đi học. Chúng phải ở nhà giúp cha mẹ làm ruộng hay chăn trâu. May ra chỉ có vài gia đình khá giả, con cái họ mới được cắp sách đến trường. Khi lên bậc trung học, mới được gởi ra Quảng Trị vào học trường Nguyễn  Hoàng.
<!>
Mấy năm nay, Hoa đã quen lối sống thành thị, đi đâu cũng dùng xe đạp. Nàng ở trong mát, không phải xuống sông trơn trợt gánh nước như ở quê nhà. Máy nước gần nhà, nên cũng đỡ vất vả vì chỉ gánh nước chi dùng hàng ngày, còn giặt giũ đợi vắng người thì ra đó giặt áo quần...! Bốn năm nay, Hoa vào Huế giúp việc cho ông bà Bửu Long cũng nhàn nhã tấm thân. Hoa được ông bà chủ đối xử tốt. Công việc không cực nhọc mấy, chỉ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa như nàng đã từng làm ở nhà. Lại nữa, nàng được ăn uống đầy đủ. Suốt ngày Hoa ở trong mát nên trắng da, dài tóc, ra dáng một thiếu nữ dậy thì xinh xắn. Ngoài tiền lương, ông bà Bửu Long còn cho ba má Hoa mượn trước tiền lương của nàng để ông chữa bệnh và nuôi các em Hoa ăn học... Nay thì Hoa phải làm lụng cực khổ, mà lại không kiếm đủ tiền lo cho gia đình!... Phải tính sao đây?
Mãi buồn rầu suy nghĩ lo toan cho tương lai ngày mai... Con tàu dừng lại ở ga An Hoà lúc nào mà Hoa không hay biết. Khi tiếng nói lao xao, tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng chân rầm rập của hành khách lên xuống tàu, kéo Hoa về với thực tế trước mắt... Khách ào lên đông. Họ chen lấn tìm chỗ ngồi. Trước mặt Hoa một cặp vợ chồng tuổi khoảng ngoài ba mươi, dáng dấp họ cao sang, có vẻ học thức, họ ăn mặc rất trang nhã.
Người đàn bà tay bồng một bé trai khoảng một tuổi. Bé gái khoảng mười ba tuổi rụt rè níu áo mẹ. Người đàn ông đi sau, hai tay xách hành lý. Bên cạnh ông là bé trai hơn mười tuổi đang dáo dác tìm chỗ ngồi. Hoa đổi lại tư thế, bỏ hai chân xuống, nàng nép lại một bên để có đủ chỗ ngồi cho gia đình mới lên ngồi. Tuy thế cũng chỉ đủ chỗ cho mấy mẹ con người khách mới lên. Người đàn ông vẫn đứng với hai xách đồ trên tay. Thấy vậy, Hoa đứng dậy lễ phép tươi cười:
- Thầy xách nặng, xin mời thầy ngồi đây! Em đứng, khi nào có ai xuống em ngồi cũng được!
Cả hai vợ chồng người khách trìu mến nhìn Hoa. Họ có thiện cảm trước sự lễ phép và thân thiện của người con gái nhu mì trước mắt. Nàng có nước da trắng hồng, mái tóc đen nâu xõa ngang vai. Khuôn mặt cô ta rất xinh, với đôi mắt đen nhánh như hai hột nhãn. Miệng nàng cười rất tươi lại có hai má núng đồng tiền, trông ra vẻ học sinh ở quê lên tỉnh đi học.
- Em ngồi xuống đi! Thầy là đàn ông, đứng cũng được. Em  là nữ sinh Đồng Khánh về thăm nhà hả? Người đàn ông vui vẻ lên tiếng.
- Dạ không, thưa thầy cô! Em giúp việc cho gia đình ông bà Bửu Long ở Huế, nay ông bà ấy đi Saigon làm ăn, vì quá xa xôi, em không đi theo được nên phải trở về quê em ở Bến Đá sống với cha mẹ... Hoa đang vui vẻ, vừa nghe người đàn ông hỏi, không giấu được nỗi buồn, hai giọt nước mắt chợt ứa ra trả lời.
Nghe cô bé trả lời, hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau cùng có ý nghĩ  “ nhà mình đang cần người giúp việc, nay gặp cô bé nầy hiền lành lễ phép thì tốt quá ”. Người đàn ông ôn tồn lên tiếng:
- Thầy cô ở Quảng Trị. Thầy dạy ở trường Nguyễn Hoàng. Cô cũng đi dạy tiểu học ở gần đó. Gia đình đang cần một người giữ em và nấu ăn. Vậy em về quê thu xếp chuyện gia đình vài ngày, rồi lên giúp việc cho thầy cô! Người đàn bà ôn tồn lên tiếng.
- Phải đó, rất hên cho thầy cô đang tìm người, vậy em về thăm nhà vài bữa rồi ra Quảng Trị, tìm đến số nhà… đường Trần Cao Vân. Nhà thầy trước cổng trường Nguyễn Hoàng. Nhà thầy Hiệu trưởng Thái Mộng Hùng, gần nhà thầy cô. Em cứ hỏi thầy Cung Thế Oanh, giáo sư dạy Pháp văn, ai cũng biết. Người đàn ông loay hoay ghi vội địa chỉ trao cho Hoa, với nụ cười vui trên môi tiếp lời vợ.
- Dạ thưa thầy cô, để em về thăm gia đình và thưa với ba mạ chuyện đi làm cho thầy cô. Ba mạ em cho phép, em sẽ ra Quảng Trị tìm thầy cô...
Hoa về quê sống với Ba Má được vài ba hôm. Nàng thấy cảnh gia đình quá khó khăn, thiếu trước hụt sau, nàng rất buồn... Vẫn cảnh sống cũ, ba Hoa bệnh nằm một chỗ. Mạ nàng mưa gió cũng phải đi làm thuê, cuốc mướn cho người ta. Có điều hơi khá hơn trước là mấy em nàng được tới trường làng học nhờ Hoa đi làm mướn gởi tiền về cho các em ăn học như ý mong ước của nàng...
- Khi lên trung học, các em đành phải ở nhà vì gia đình không kham nổi chi phí ra tỉnh học!  Hoa thầm nghĩ.
Nỗi buồn càng lớn hơn khi thời tiết vào mùa mưa gió giá rét. Đường đất nhỏ hẹp, lầy lội trơn trợt. Hoa thấy lòng se thắt với cuộc sống trước mắt nên nàng thưa cùng ba mạ:
- Tình cờ trên tàu hoả về đây, con đã gặp thầy cô Thế Oanh, dạy Pháp văn ở trường Nguyễn Hoàng muốn mướn con giúp việc. Vậy xin ba mạ ngày mai cho con ra Quảng Trị giúp việc cho thầy cô để có tiền giúp ba mạ và các em ăn học.
- Sống ở quê khổ lắm, chắc con đã quen với cuộc sống thành thị, thôi con nó muốn thì cho nó đi nghe ông! Bà Sửu ôn tồn nói với chồng.
- Mọi việc tùy mẹ con bà định đoạt. Con nó đã thích thì cứ cho nó đi làm cho người ta. Trước mắt thân nó cũng đỡ dầm mưa dãi nắng. Sau nó lại giúp đỡ cho gia đình thì tốt thôi!
- Chị đi làm có tiền, gởi về cho em mua sách vở đi học nghe chị! Các em Hoa nhao nhao tranh nhau nói.
- Các em ngoan ngoãn chăm lo học tập. Thân chị có sá chi mô! Chị sẽ cố làm lụng có tiền cho ba uống thuốc và các em ăn học. Chị đi làm xa nhà, các em nhớ phải nghe lời dạy bảo của ba mạ. Chăm lo công việc cơm nước, coi sóc nhà cửa cho mạ đó nghe! Đứa mô ngoan, khi có tiền chị sẽ thưởng...
Thế là hôm sau, Hoa đón xe ra Quảng Trị tìm nhà cô thầy Thế Oanh xin việc làm. Quảng Trị không xa lạ với Hoa từ nhỏ trong trí nhớ... Thành phố không được lớn và sầm uất như ở Huế. Hồi trước nhờ Sen dẫn đường nên Hoa không thấy bỡ ngỡ với thành phố Huế. Nay đi một mình qua Thành Cổ Quảng Trị, tuy nhỏ hơn Huế, nhưng Hoa cảm thấy lo sợ làm sao!... Cũng may Hoa đã có bốn năm ở thành phố Huế, nên không lúng túng, ngơ ngác như cô gái quê lên tỉnh. Hành lý Hoa mang theo nhẹ, nên muốn đi bộ một vòng để làm quen với Quảng Trị. Nàng sợ không có dịp đi dạo khi chưa biết tính ý chủ thế nào?...
Như lời đồn, trí nhớ và trong sách vở Hoa đọc... Thật vậy, Quảng Trị quả có một sắc thái riêng. Thành phố này nghèo nàn thật! Một cái chợ với vài ba dãy phố, con đường Trần Hưng Đạo là đại lộ chính của thành phố có hai nhà sách nhỏ nằm đối diện nhau, đó là nhà sách Lương Giang và Sáng Tao. Hầu hết những dãy phố đều được xây từ thời Pháp thuộc. Hoa thả bộ trên phố Quang Trung dưới hai dãy phố lầu. Đa số nhà cửa, phố xá ở đây không uy nghi như Huế. Với vách gỗ, mái tôn làm cho Quảng Trị những ngày Hè vốn đã nóng còn oi bức hơn nhiều... Quảng Trị có con sông Thạch Hãn, cái tên đọc lên làm ta liên tưởng đến vùng đất khô cằn, cháy nắng, đá cũng đổ mồ hôi! May nhờ bên bờ sông có hàng Phượng Vỹ xanh mát làm dịu đi không khí oi bức khó chịu. Nơi đây có vẻ nhộn nhịp, vui tươi hơn với màu đỏ thắm của cánh Phượng báo hiệu mùa Hè đến. Từ nhỏ Hoa thường nghe mẹ hò ru...
         « Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử
   Vợ trông chồng lên đứng núi Vọng Phu...»

Câu hò mà người dân Quảng Trị ai cũng nghe qua, sông Ái Tử chảy qua xã Triệu Giang rồi nhập vào sông Thạch Hãn để đổ ra cửa Việt. Từ dòng sông Ái Tử đã phát sinh truyền thuyết về đền thờ Trão Trão Phu Nhân, đi vào tâm hồn người dân qua câu hò trên. Hoa còn nghe nói Tỉnh Quảng Trị có nhiều con sông như: Vĩnh Định, Lai Phước, Hiếu Giang, Bích La, Bến Hải. Sở dĩ Hoa tò mò tìm hiểu điều nầy vì nàng rất yêu thích sông nước. Những dòng nước ngọt dân quê nhờ vào đó để sinh sống hàng ngày. Nàng hy vọng sẽ có dịp ngao du sơn thủy như lúc ở với ông bà Bửu Long tại Huế để Hoa được du ngoạn đó đây...
Huế có những phong cảnh nên thơ và thức ăn đặc thù của nó. Nghe đâu Quảng Trị cũng có nét đặc biệt qua những thành ngữ mà Hoa từng nghe qua...

   « Khoai Quán Ngang, dầu tràm Đại Nại
      Mai Trường Phước, nước độc Kim Long
      Gạo Phước Điền, chiêng Sắc Tứ
      Cá bống Bích La, thịt gà Trà Lộc
      Môn độn An Đôn, tôm đồng Bồ Bản
      Bánh ít Đạo Đầu, nguồn trầu Khe Gió
      Nghệ vàng An Lộng, xôi thống Hải Thành
      Chợ Ngô Xá, nón lá Cổ Thành
      Nắng Đông Hà, đàn bà Hội Yên...”

Phụ nữ từ Hội Yên! Hoa bối rối dòng cuối cùng tự hỏi nếu những người phụ nữ từ Hội Yên có thể đã được ghi nhận cho ghen tị hay khoan dung, người đàn bà này hay rầy hoặc khiêm tốn

Trời ngã về chiều, Hoa hỏi thăm đường để bước vội về hướng trường Nguyễn Hoàng vì lâu rồi nàng đã quên mất với ý nghĩ:
- Mình tìm được trường Nguyễn Hoàng là tìm ra nhà thầy cô Thế Oanh, vì ông bà cho biết nhà họ ở trước trường nầy!
Hoa đi loanh quanh một lúc thì đứng ngay trước cổng trường Nguyễn Hoàng. Trường không có lối kiến trúc cổ kính như Quốc Học và Đồng Khánh, nó tọa lạc trên một khu đất rộng và bề thế, nằm cạnh góc Cổ thành Quảng Trị. Phía sau trường giáp sân vận động rộng lớn... Kìa! Một dãy lầu hai tầng ngói đỏ, sơn màu hồng. Bức tường cao ngăn sân vận động với trường. Bên phải là sân chơi và cây Sầu Đông đứng lẻ loi một mình, và có vài cây Phượng với sắc hoa đỏ ối...
Theo lời chỉ dẫn của thầy Thế Oanh trên tàu hoả, Hoa tìm ra đường Trần Cao Vân khá dễ dàng. Nàng đứng trước cổng nhà, gõ cửa, khi đó trong nhà đã lên đèn và đang dùng cơm tối. Giọng nói êm nhẹ của cô chủ thoáng vọng ra...
- Đã ba ngày rồi mà không thấy Hoa đến, chắc con bé không muốn giúp việc cho mình!
Bỗng tiếng chó sủa vang lên liên hồi vì Hoa đã đứng trước cửa. Cả nhà vui mừng buông đũa xuống chờ đợi, chỉ trừ Thế Huy. Cô Thế Oanh đứng dậy ra mở cửa đon đả:
- Em đã tới rồi, chắc em chưa ăn cơm tối! Em ngồi xuống đây ăn cơm với thầy cô và các em!
- Thưa thầy cô! Để thầy cô và các em ăn xong, em dọn xuống rồi ăn sau cũng được! Hoa nhớ lại sinh hoạt ở nhà ông bà Bửu Long nên cúi đầu khẻ trả lời.
Thấy Hoa ngập ngừng, thầy Thế Oanh ân cần..
- Hôm nay cô thầy cho phép em ngồi ăn chung với cả nhà, những hôm sau tùy em.
Hoa cầm chén cơm lên lễ phép:
- Xin phép thầy cô!
- Em cứ tự nhiên! Thầy cô Thế Oanh không ai bảo ai nhìn nhau cùng nói.
Trong bữa ăn, Hoa từ tốn, ăn uống e dè... Cô Thế Oanh và Tú Oanh thay phiên nhau gắp thức ăn cho Hoa. Ăn xong, thầy cô Thế Oanh và Thế Huy ra phòng khách xem báo, nghe radio.. Riêng Tú Oanh ở lại phụ giúp Hoa mang chén tô xuống bếp cho Hoa rửa.
- Anh xem, Tú Oanh hôm nay ngoan ghê, phụ giúp Hoa dọn dẹp bàn ăn, một điều em chưa thấy con làm bao giờ! Cô Thế Oanh nói khẽ với chồng.
- Nếu thế cũng tốt thôi, biết thời thế sau này sẽ ra sao?  Con gái không những chăm học mà siêng năng làm việc nhà để chuẩn bị sau này cho một gia đình riêng rất đáng khuyến khích. Thầy Thế Oanh ngừng đọc báo nhìn vợ nói.
- Em rất vui vì chúng mình gặp may, đã mướn được một người giúp việc lễ phép và dễ thương.
Trong khi đó, Hoa vừa rửa chén vừa suy nghĩ:
- Mình rất mừng, vì đã gặp được gia đình chủ mới tốt bụng như ông bà Bửu Long. Mình phải siêng năng làm việc để khỏi phụ lòng chủ nhà đã tin tưởng. Mình gặp được nhà chủ tốt cũng đỡ tủi thân cho kiếp “ cơm thừa, canh cặn ”!...
Sau vài ngày sống trong gia đình chủ mới, Hoa mừng thầm về cách đối xử giữa chủ tớ. Cả gia đình không gay gắt, và cũng đầy tình người như chủ trước. Công việc ở nhà này cũng giống như nhà ông bà Bửu Long. Nhưng có phần đỡ mệt nhọc hơn vì ban trưa, buổi tối khỏi phải ra máy nước gánh đến oằn vai cho cả nhà sử dụng. Sân sau nhà cô thầy Thế Oanh có một cái giếng nước. Việc giặt áo quần, rửa chén đĩa, nồi niêu soong chảo, rau trái v.v... cứ đem ra giếng để làm. Thầy Thế Oanh và Thế Huy ra giếng tắm. Hoa chỉ lo xách nước đổ đầy bể nước cho giới phụ nữ sử dụng. Đôi khi cha con thầy Thế Oanh cũng giúp Hoa thả gàu lấy nước, thầy còn mau mắn hai tay xách hai thùng nước giúp Hoa. Chỉ một loáng là đầy bể nước trước đôi mắt ái ngại của Hoa:
- Thưa thầy để con làm. Thầy xách làm gì cho mệt!
- Ba xách nước làm gì cho mệt thế! Đó là việc của chị Hoa phải lo. Thế Huy xịu mặt không bằng lòng.
- Đây là một cách tập thể dục đó con! Sáng sáng ba vẫn tập tạ -  nhấc lên nhấc xuống cả chục ký lô -  cho thân thể tráng kiện thì có sá gì mấy thùng nước giúp chị ấy, Thầy Thế Oanh vui vẻ nói.
         Ông bà có ba người con: Tú Oanh mười hai tuổi, Thế Huy, bảy tuổi, và Thế Hoà gần hai tuổi. Bà Oanh, một phụ nữ cẩn thận, hướng dẫn Hoa phải làm gì trong gia đình và thậm chí còn đưa cô đến và giới thiệu cô cho các nhà bán lẻ để Hoa sẽ đến và mua thực phẩm cho gia đình. Một trong các nhà bán lẻ là bà Ba mà Hoa yêu thương và hay dừng lại và chào hỏi ngay cả khi Hoa không mua bất cứ thứ gì.
Thấm thoát Hoa đã giúp việc cho cô thầy Thế Oanh hơn nửa năm. Cũng như gia đình ông bà Bửu Long, cả nhà xem Hoa như người nhà. Tú Oanh, con gái lớn cô thầy hơn mười hai tuổi rất thân thiện. Em xem Hoa như người chị và hay giúp việc lặt vặt cho Hoa những khi rảnh rỗi như nhặt rau, dọn bàn. Ngoại trừ Thế Huy không biết tại sao không thương mến Hoa. Cậu ta ra điều ta đây ông chủ con.
Thầy cô Thế Oanh theo đạo Phật, nên hay đi lễ Phật tại ngôi chùa Tỉnh Hội với lễ hội hoa đăng vào dịp Vu Lan... Hoa thích nhất là được đi chùa Sư Nữ vì quang cảnh ở đây rất đẹp và yên tĩnh làm sao! Mùi thơm của hoa Ngọc Lan dịu dịu với những nụ trắng còn e ấp như các thiếu nữ xuân thì chưa vướng bụi trần. Chùa có một vườn cây ăn trái sum sê, Hoa có thể len lén bỏ vào miệng với vị chua ngọt của các trái cây thơm ngon.
Dịp Hè thầy cô đưa gia đình về Ái Tử thăm người cô, nên Hoa được đi theo gia đình thầy cô và được dịp đi lễ Tổ Đình Sắc Tứ Tịnh Quang, một ngôi chùa xưa nhất của tỉnh Quảng Trị và chùa đã được bảo tồn và trùng tu nhiều lần theo thời gian. Chùa ở làng Ái Tử, xã Triệu Giang, quận Triệu Phong.
Ngôi chùa này do Tổ sư Tánh Tu, hiệu là Chí Khả, vốn người Trung Hoa lúc mười hai tuổi đi thuyền đến Thuận An học tiếng Việt.  Sư hoà nhập phong tục tập quán người Việt và học đạo với Thiền Liễu Quán. Thiền Sư đã thế độ cho Ngài với pháp danh Tề Pháp? Sau mười năm Ngài được chính thức thọ Cụ Túc giới  thành  bực Tỳ Kheo. Sư được Thiền Sư Liễu Quán cho phép vân du hóa đạo. Ngài đã đi qua Hải Lăng, bên bờ sông Vĩnh Định đi lên thượng nguồn Sông Vĩnh Định đến chỗ hiệp lưu của hai sông Vĩnh Định -  Thạch Hãn rồi lần đến làng Ái Tử dựng một ngôi am. Ngài đặt tên Am Tịnh Độ, sau đổi ra Sắc Tứ Tịnh Quang Tự.
Cuối tuần gia đình thầy cô Thế Oanh hay đi chơi đó đây. Đi đâu cũng mang Hoa đi giữ Thế Hoà, con trai út mới hơn hai tuổi. Thế là có dịp Hoa được đi viếng những danh lam thắng cảnh của Quảng Trị. Một điều mà Hoa nghĩ, không bao giờ thực hiện được với hoàn cảnh khốn khổ của mình... Chẳng hạn như đi viếng Linh Địa La Vang mà Hoa được đọc qua sách vở...
      ...Ngày trước La Vang là một nơi rừng thiêng nước độc. Một cảnh rừng núi thoai thoải bao la với cây lá xanh rờn chạy dài từ hai cánh đồng Cổ Vưu và Thạch Hãn đến tận núi Chân Mây rất thơ mộng và hùng vỹ. Những nét đẹp của núi rừng được ánh bình minh và hoàng hôn tô điểm thêm làm người ta cứ ngỡ là chốn Bồng Lai Tiên Cảnh hay ngỡ là Thiên Đường hạ giới mà Lưu Nguyễn đã từng lạc vào động thiên thai như trong văn học nước Việt còn ghi chép lại.
Nhưng thật ra La Vang hồi xa xưa chỉ là rừng Lá Vằng mọc chằng chịt với rừng núi hoang vu đầy chướng khí độc hại. Nó lại đầy thú nguy hại cho con người. Sau dân cư lập ra một nhà thờ đạo nhỏ thờ phượng Chúa, và đọc trại ra La Vang. Sau bao biến cố đàn áp tôn giáo... gây bao cảnh cảnh máu đổ thịt rơi...nhất là xứ Bình Trị Thiên. Tiếng tha oán thấu đến trời xanh... dân cư các vùng lân cận chạy vào La Vang ẩn núp.
Ngày đêm vào rừng kiếm củi để độ nhật và trốn tránh sự lùng bắt. Đêm đêm tập trung dưới một trong ba cây đa cổ thụ, cành lá  rậm rạp. Họ cầu nguyện và lần chuổi mân côi. Đời sống họ rất túng thiếu mọi bề... Họ không có quần áo ăn mặc. Nhà cửa không có để làm nơi trú ngụ. Thuốc men thì khan hiếm, nhưng họ một lòng theo Chúa giữ vững đức tin. Tiếng van xin cầu khẩn thấu tới Trời.
Bỗng một đêm thanh vắng vào cuối Thu, có một bà mặc áo choàng màu xanh dương, tay bồng em bé xuất hiện an ủi, và dạy họ hái lá xung quanh nấu nước uống sẽ lành bệnh. Từ đó về sau, ai đến đây cầu xin, Mẹ đều ban ơn.. Sau khi bị đốt thiêu rụi nhà thờ. Giáo dân vào rừng đốn cây dựng nên nhà thờ La Vang lần thứ hai. Hiện nay là linh đài đức Mẹ.
Năm 1886 việc cấm đạo mới chấm dứt. Giờ khải hoàn đã đến... Số người hành hương mỗi ngày một đông. Giáo xứ Bình Trị Thiên tức là địa phận Huế đã chung lưng đấu cực xây nên một nhà thờ ngói tại Linh địa La Vang được xây dựng đạt được ý nguyện. mọi người hành hương xin Mẹ ban phép lành và chữa lành bệnh...
Từ đó hàng năm nơi này có Đại hội hoặc minh niên theo truyền thống. Đây là một địa linh danh tiếng chỉ cách tỉnh Quảng Trị sáu cây số. Thầy cô Thế Oanh mang gia đình đi thăm viếng. Trong chuyến đi này, Hoa được tháp tùng theo trông em. Nàng có dịp mục kích những câu chuyện chung quanh các phép lạ mọi người kể...
Từng đợt người đến rồi đi, hay ở lại vài ba ngày qua các phương tiện xe hơi, xe lửa chật ních người. Mọi người như cá hộp trong những chuyến tàu tốc hành hay chạy suốt từ Nam và các tỉnh Phan Thiết, Khánh Hoa, Đà Nẳng, Huế... ra Quảng Trị..
Khi trở về họ mang đi những lá cây, gạch vụn, vài ba chai nước lạnh múc ở giếng được làm phép của Mẹ La Vang.
Dịp này Hoa được ăn bún bò đặc biệt, miếng giò heo con con. Miếng thịt heo cỏ đen đen, giống heo không to. Giống heo này ăn toàn cám và chuối cây trộn chung nên thịt không nhiều mỡ. Miếng huyết heo với gân bò, thịt bò dòn trong vị cay váng màu đo đỏ. Hoa vừa ăn vừa hít hà, suýt xoa khen ngon. 
Thời gian trôi qua một năm, vào dịp Hè thầy cô Thế Oanh nhận được tin ông chú, sinh sống ở Đông Hà cưới vợ cho con trai.  Thế là thầy cô thu xếp công việc mua xe đò mang cả gia đình, trong đó có Hoa đi Đông Hà dự đám cưới người em chú bác ruột. Hoa rất hạnh phúc vì cô có thể lần đầu tiên đến Đồng Hà. Cô bắt đầu hình dung, thành phố sẽ như thế nào?...
     ...Đông Hà đây rồi! Thị xã này nhỏ hẹp thật, những con đường ngắn với vài ba ngã tư giao nhau. Hai bên đường nhà ngói, nhà tôn lụp xụp xen kẻ xem ra hơi lộn xộn. Hôm nay ngày nóng khô gió  Lào từ trên núi Long Phạm thổi qua với bụi đỏ đã được khuấy động lên trong không khí cát bụi mịt mù. Từng đoàn xe nhà binh khuất dần theo từng vết bụi lan rộng, lan rộng... Hoa tự hỏi thầm:
- Không biết người dân ở đây có bị mắt loét không nhỉ? Nếu những cô nữ sinh áo trắng kia bám bụi vào đổi màu áo thì buồn thật. Khuôn mặt đẹp với làn da trắng mịn, và đôi mắt đẹp kia trở thành mơ huyền mờ thì tiếc quá nhỉ! Hoa mĩm cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh vừa thoáng qua...
Cả gia đình thầy cô Thế Oanh đến trú ngụ tại ngôi nhà rộng lớn của ông chú tại ngã ba phố chợ. Ở đó có bến đò dòng sông Hiếu rộn ràng tấp nập từ tờ mờ sáng đến chiều xế bóng. Hoàng hôn buông xuống, phố thị lên đèn. Muôn màu ánh sáng về đêm của thị trấn Đông Hà xem ra cũng rất rực rỡ đẹp mắt...
Thời đó Đông Hà nhộp nhịp mua bán không thiếu mặt hàng nào kể cả hàng từ P.X của Mỹ như đồ hộp, mỹ phẩm, thuốc men... Tôm cá, mực, tép... từ cửa sông và biển Cửa Việt rất thơm, tươi rói, hương vị không nơi mô bằng. Ngũ cốc, trái cây, rau quả không thiếu một thứ gì mà rất xanh tươi ngon dòn... Mấy ngày ở Đông Hà, Hoa được ăn bánh ướt An lạc, bánh bèo Thượng Nghĩa với nước mắm ớt, nước lèo cay hít hà. Nàng vừa ăn vừa chảy nước mắt mà ngon chi lạ!.. Trong đám cưới Hoa gặp rất nhiều thiếu nữ  Đông Hà rất xinh đẹp. Các cô có nước da thật trắng mịn, đôi má hồng tự nhiên. Mũi các cô cao, mắt to, thân hình cân đối. Nhất là các mệnh phụ phu nhân, dù tuổi đã cao, nhưng nét đẹp đài các, đoan trang vẫn hiện ra lồ lộ. Hoa nghe những mẫu đối thoại của các bà các cô...
- Bà Xuân, nay đã đứng tuổi, nhưng vẻ đẹp vẫn còn kiêu sa. Hồi trẻ là hoa khôi một thời của Đông Hà. Bà từng làm say mê bao anh lính chiến ghé qua hành quân hay đóng quân ở Đông  Hà.
- Không những bà Xuân, nay là phu nhân một Trung Tá. Nhiều bà Xuân khác như bà Tuyết Lê, Hồng Nhung, Bạch Hạc... là những thiên sắc quốc hương, đã làm chết mê những chàng trai lính chiến kiêu hùng của bốn vùng chiến thuật. Anh lính chiến nào đến Đông Hà đều trồng cây si với gái Đông Hà đã đẹp người, đẹp nết mà rất giỏi giang...
Hoa nghe nói từ Đông Hà theo con đường dọc núi Trường Sơn, con đường thật đẹp vắt qua nhiều sườn núi rộng rãi. Hai bên đường rừng cao su bạt ngàn. Những hàng cây tiêu, cây hạt điều và các loại cây công nghiệp xanh mượt mà...
 Không những Hoa được tháp tùng cùng gia đình thầy Thế Oanh đi chơi đó đây, mà được nếm qua những đặc sản của tỉnh Quảng Trị, như nem nướng Chợ Sãi. Những lọn nem được gói lá vông, rồi mới lá chuối bên ngoài. Nem mau chua và có một hương vị thật đặc biệt. Nem nướng ở đây hết chỗ chê! Nem thơm ngào ngạt, nem được nướng xèo xèo trên lửa than óng ả. Nước tương đậm đà. Đặc biệt là dĩa rau sống tươi xanh, có trộn những cọng rau má xanh non mơn mởn. Dĩa rau thêm những ngôi sao khế chua chua, nửa vầng trăng khuyết hồng hồng của trái vả, và vài lát mỏng của chuối chát trắng nõn làm người ăn nhớ mãi...   
Thời đó chả lụa Quảng Trị kén làm lắm. Thịt lấy từ lò sát sinh, nên thịt chả còn tươi roi rói. Thịt phải được giã bằng cối và giã đều tay. Người giã không ngơi nghỉ, thì chả mới ngon dòn. Không như bây giờ phải nhờ đến hóa chất độc hại...
Trứng lộn Quảng Trị thì ngon hết sẩy! Có lẽ thủ công ít ỏi, nên người ta chăm sóc từng cái trứng nên mới ngon như thế! Trứng lộn luộc chín được ủ trong một cái thúng có trấu để được nóng lâu ăn với rau răm và muối tiêu. Ăn một cái thì thòm thèm,  phải ăn liền vài ba cái mới đã cơn thèm....
Ở Diên Sanh có món lòng thả (lòng sả) một món ăn đặc biệt lấy từ lòng, huyết, xương, tinh chất của con heo, ăn với bún, sả và gia vị mắm muối... Những món ăn của Quảng Trị cũng na ná Huế như bánh cuốn Bắc của ông bà Sơn. Trời lạnh được ăn bánh cuốn nóng mới lấy từ trên bếp lò xuống. Bánh thì dẻo, nóng hôi hổi với nhân tôm thịt và nấm mèo cắt nhỏ. Bánh ăn với nước mắn chua ngọt, ớt cay cay thì đậm đà biết bao! Bún bò của bà Ba ở đường Lý Thái Tổ ngon nổi tiếng. Ăn một tô, còn muốn ăn tô thứ hai. Món xôi thịt hon cũng ngon tuyệt cú mèo.
Ngoài ra những tối trời lạnh mà được ăn đậu phụng rang, bắp nấu hay ổ bánh mì nóng, dòn rụm thì đâu gì bằng. Thích nhất là được lể ốc gạo, một đặc sản của lòng sông Thạch Hãn được dân chài đem bán đong từng lon sữa bò.
Trưa hè mà được ăn một ly chè của mấy o gánh qua nhà. Các o gánh hàng với áo dài, bước chân thoăn thoắt tiếng rao trong trẻo lanh lảnh cất lên làm cổ họng mát dịu qua ly chè đậu xanh, đậu huyết, đậu đen, đậu ván nước, bột lọc bọc đậu phụng hay dừa...Mùi vị các chè khác nhau... Chè đựng trong cái chén be bé làm người ăn muốn ăn thêm chén nữa... Nếu  được đi chơi Gio Linh, được ăn trái cây hoang dã như hồng leo, sim, muồng, mốc, hạt sót và mít rừng...
Có khi Hoa được tháp tùng về Cửa Việt tắm biển và ăn các đặc sản tôm cá ở đó. Trái cây thì Hoa được ăn như quít, thanh trà, chuối đủ loại như chuối ba hương, chuối cau, chuối mật mốc phong phú và rẻ tiền.
 Hoa nhớ... Cô Thế Oanh là một người nội trợ giỏi; Cô chuẩn bị tất cả các loại công thức nấu ăn cho Hoa  hàng ngày. Vào những dịp đặc biệt như Tết âm lịch, sinh nhật, đám tiệc đã có công thức nấu ăn đặc biệt cho mỗi dịp. Nhất là những ngày trước Tết, cô Thế Oanh đã đi chợ mua cải cay Nhan Biều, về làm dưa chua. Khi ăn, hương cay bốc lên tận hốc mũi. Thế mà ai cũng nhớ đến nó trong mấy ngày Tết để ăn kèm với thịt heo kho béo ngậy. Một giỏ củ kiệu đầy ắp với rễ lá tùm lum không bỏ thứ nào! Củ kiệu được ngâm chung trong hủ tro bếp cho bớt hăng cay. Sau mấy ngày đem  ra cắt rửa sạch ngâm chua để mấy ngày Tết ăn với tôm khô. Cô Thế Oanh hay bông đùa với chồng :
- Em làm mấy món nhậu dưa cay cho các ông vui xuân, trong ba ngày Tết. Lá củ kiệu được cắt riêng trộn chung với giá, củ hành làm một lọ dưa giá dòn dòn ăn với thịt heo cuốn chung trong bánh tráng thì ngon tuyệt !
Ở với cô giáo Thế Oanh đầy đủ công dung ngôn hạnh, Hoa được học hỏi cách làm mứt của cô. Nào là cô lựa những mãng gừng non, no tròn. Cô chịu khó chờ đợi người bán bào ra lát mỏng to rất đẹp mắt. Cô đem về trụng đi xả nước, rồi xên nước đường. Mẻ thì khi xên chưa tới vắt chanh vào làm mứt dẻo. Mẻ thì xên cho khô, khi khô đường tơi ra bụi bụi. Cô vừa chỉ Hoa làm vừa nói :
- Gừng Quảng Trị rất cay, ngày Tết lạnh lạnh, nhâm nhi với nước trà nóng thì ấm bụng biết bao! Những trái dừa khô già, hay còn non, được máy cắt lát, cô cháu mình chia ra thứ dừa non, thứ dừa già khác nhau. Cô muốn làm ở nhà cho nó trắng phau. Không như ở chợ bán đủ màu xanh đỏ, nhìn đẹp mắt. Nhưng sợ phẩm màu ăn độc.... Cô Thế Oanh còn chỉ dạy thêm cho Hoa:
- Trong mấy thứ mứt, mứt bí đao khó làm lắm! Mình phải lựa bí già, nặng tay đặc ruột, không xốp. Bí được cắt ra đủ hình thù mình thích, ngâm trong nước vôi vừa đủ độ nồng, bằng cách thử bằng bã mía... Khi xên mứt, lửa phải riu riu để mứt được trắng và không mất đi hình dạng mình đã tỉa hoa lá cành.
Được trớn, Cô vui vẻ ân cần chỉ dạy tiếp đủ thứ...
- Để có thì giờ cô sẽ chỉ dạy làm mứt mãng cầu xiêm, mứt trái tắt, còn gọi là trái quất. Gọt trái tắt này phải dùng lưỡi lam, gọt vỏ từng tí một, công phu lắm... xong xẻ ra từng khứa xung quanh để nặng hột và chất chua ra rồi cho đường theo phân lượng để xên khô hay dẻo nữa... vài ngày nữa cô sẽ lựa me về ngâm một hủ me rốp, và một ít xên làm mứt gói trong giấy bóng kiếng. À quên xứ mình nhiều khoai lang, chúng mình sẽ làm mứt khoai, ăn cho vui nhé!
- Thưa cô, nhà mình có làm dưa món và gói bánh tét, bánh chưng không? Hoa nhỏ nhẹ hỏi.
- Có chứ em, những món đó là món chính, không thể thiếu trong ngày Tết được! Ngoài ra cô còn kho một nồi cá lóc, cá thu ở Cửa Việt mà thầy thích ăn nữa đó. Nếu có thì giờ, cô sẽ làm bánh đậu xanh, bột bình tinh, bột nếp. Nếu bận rộn thì ra chợ mua một ít để chưng bàn thờ với giấy trong xanh đỏ, vàng, tím cho đẹp mắt vào ngày Tết. Cô còn kiếm một cành mai và mấy chậu bông Cúc, bông Vạn Thọ, và một dây pháo đốt cho vui cửa vui nhà...
Ngày mai cô ra hướng bờ sông, đến hẽm ở chợ, gần tiệm ngũ cốc bác Xuyến đêể đón những gười dân quê ở các làng thượng nguồn Thạch Hãn như An Đôn, Tích Tường, Như Lệ hay xa hơn là tận Trấm, Trái... đón mua rẻ gánh than củi về xài ba ngày Tết...
Thời gian lạnh lẽo trôi qua, những ngày nô nức đón Tết cũng qua đi theo nhịp sinh hoạt hàng ngày. Ngoài việc giữ em, lo cơm nước, Hoa hay lau chùi nhà cửa phòng ốc...
Một hôm, sau khi cho Thế Hòa đi ngủ, Hoa vào phòng học lau chùi bàn ghế. Nàng đi ngang bàn học của Thế Huy, thấy nó đang làm cộng trừ số thập phân. Hoa liếc nhìn, thấy Thế Huy cứ thế cộng trừ một lèo, không chú ý dấu phẩy ở số thập phân... Hoa lên tiếng nhắc:
- Khi cộng hay trừ hai số thập phân phải chú ý dấu phẩy hàng trên cùng vị trí giống hàng dưới rồi làm mới đúng kết quả.
Nghe Hoa nhắc bài, đáng lý Thế Huy lên tiếng cám ơn Hoa, nhưng vốn không thích Hoa từ trước vì nó nghĩ:
- Hoa vốn là người ăn kẻ ở mà không biết an phận. Đi làm để kiềm tiền là đủ, lại làm thầy đời dạy nó ! Khi trông giữ Thái Hòa, lại ham đọc truyện để cho em nó té ngã...
Thế Huy nhớ lại bài, và hằm hằm làm lại toán. Xong đâu đó nó lấy bài Sử ra học bài Lý Thường Kiệt, về mưu chước đánh giặc Tống có bài hịch của Ngài làm nức lòng quân sĩ chiến thắng quân giặc, nó đọc lớn:
       « Nam quốc sơn hà Nam đế ư,
         Tiệt nhiên định phận tại thiên
         Như hà nghịch lỗ lai xâm phạ
         Nhử đẳng thành khan thủ bại ư
- Em đọc sai rồi, bài hịch thế này:
      « Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
         Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
         Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
         Nhử đẳng thành khan thủ bại hư”

Nghĩa là:
      « Sông núi nước Nam, Vua Nam coi,
         Rành rành phân định ở sách Trời.
         Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
         Bây sẽ tan tành chết sạch toi! ”

Hoa từ tốn nói cùng Thế Huy.
- Chị biết chi mà sửa sai tôi. Chị là người làm thì lo làm tròn phận sự chị đi! Thế Huy tự ái, một lần nữa sa sầm nét mặt, xong mặt hằm hằm xô ghế đứng dậy nạt lớn.
Hoa buồn rầu, đi làm nốt công việc... Sau đó Hoa mãi mê đọc truyện để Thế Hòa chập chững đi một mình trong sân vấp té trầy đầu gối la khóc. Hoa hết hồn bồng bé lên dỗ dành, bên tai nghe lời hăm dọa của Thế Huy:
- Ba má em về, em sẽ mách chị ham đọc truyện để Thế Hòa đi té trầy cả đầu gối!
   Hôm đó Hoa làm thức ăn sớm và dọn sẵn lên bàn chờ thầy cô Thế Oanh về dùng. Thầy cô Thế Oanh về tắm rửa sạch sẽ, bồng ẵm nựng con út, rồi cả nhà ngồi vào bàn ăn. Hoa đón lại Thế Hòa trên tay cô Thế Oanh, lên tiếng xin phép cô thầy như mọi buổi chiều thường nhật...
- Thưa cô thầy, em bồng Thế Hòa ra sau trường Nguyễn Hoàng chơi. Cô thầy với các em dùng cơm xong đến giờ bé buồn ngủ là em trở về cho bé ngủ. Em ăn sau và dọn dẹp chén dĩa. Nếu cần gì sai bảo, cô thầy cho các em gọi em.
- Em cứ bồng bé đi chơi đi, nếu cần gì gấp, cô sẽ cho các em đi gọi về!
Sau giờ  tan  học, sân trường vắng lặng. Nhưng cổng trường vẫn mở vì còn vài lớp học tiết cuối.
Không được cắp sách đi học, nhưng Hoa rất hiếu học. Nàng tìm cơ hội sang trường Nguyễn Hoàng học lén. Hoa cũng như Thầy Tử Lộ ngày xưa nhà nghèo không được đi học, phải tìm cách học lén thật cực khổ gian nan... Nhưng với tư chất thông minh, Thầy học một biết mười và sau trở thành nhà thông thái.
Theo gương thầy Tử Lộ qua sách vở ghi lại... thế là chiều nào Hoa cũng bồng Thế Hòa đến trường. Cô thầy nào dạy tiết cuối Hoa biết hết. Hoa đứng ngoài lớp học của cô Bùi Ngọc Lan nghe giảng về văn học. Cô ấy đã đề cập đến nhân vật Mai trong tác phẩm Nửa Chừng Xuân- một phụ nữ trẻ tự do, có xu hướng là chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, và có một tâm hồn quảng đại. Cô ta đem lòng yêu một người đàn ông trẻ.  Họ yêu thích có một đứa con với nhau. Mẹ đã cố gắng để can thiệp vào các mối quan hệ lãng mạn với con trai mình…
 Hoa thích Mai về sự hy sinh của cô cho Huy em trai. Mai đã làm tất cả tốt nhất của mình để hỗ trợ Huy để hoàn tất việc học bất cứ giá nào…  Từ đó Hoa mơ ước «  mình sẽ là cô Mai. Người chị lo cho em trai là Huy học hành đỗ đạc nên người... Hoa sẽ là một người chị hy sinh cuộc đời lo cho các em ăn học... »
Ngoài ra Hoa thích nhất nghe cô Trần Kim Nhạn giảng bài Anh văn cho học sinh. Những khi cô luyện giọng cho học sinh, Hoa đứng ngoài chăm chú đọc theo và mê cách phát âm rất chuẩn của cô và tự nghĩ: 
- Mình có linh tính, mình sẽ tiến thân nhờ môn sinh ngữ này! Vậy mình cố học theo, và cố luyện giọng để phát âm cho đúng...
Thật vậy, Hoa có khiếu với ngoại ngữ, nên tuy học lén mà xâm nhập vào trí óc được rất nhiều. Từ nào học qua là nàng nhớ dai không quên đi. Trời cũng thương cho kẻ hiếu học, nên cho nàng một khiếu học khác người, học một biết mười...
Hoa là một cô thiếu nữ độ tuổi trăng tròn, đọc nhiều tiểu thuyết nên tâm hồn rất lãng mạn. Nàng chuộng cái đẹp, ưa mơ mộng... Những ngày hè nắng chói chang, để tránh cái nóng nực của thời tiết khắc nghiệt Quảng Trị với ngọn gió Lào thổi đến làm con người khó chịu trong căn nhà chật chội.
Hoa hay bồng Thế Hòa sang sân trường Nguyễn Hoàng tìm bóng mát của những cây phượng to lớn. Đi dưới hàng cây phượng hoa đỏ ối, Hoa cảm thấy tâm hồn thơi thới nhìn những cánh phượng rơi bay trong gió như hàng trăm con bướm tung bay trong sân trường.
Những cánh phượng còn vương vấn trên mái tóc thề óng ả của Hoa như những kẹp tóc, tô điểm khuôn mặt nàng thêm tươi sáng hơn... Hoa tinh nghịch nô đùa cùng Thế Hòa trên xác phượng đỏ ối tràn ngập cả lối đi. Hai chị em cùng lắng tai nghe tiếng ve  sầu cùng hòa tấu một bản nhạc «Mùa Chia Tay của học sinh » như trong Radio của ba tháng hè oi bức, đầy thương nhớ của những mối tình học trò ngây thơ...
Hai chị em lang thang khắp tất cả ngỏ ngách của trường Nguyễn Hoàng. Đằng sau là phòng thí nghiệm, chỗ gần nhà vệ sinh mà gốc dương liễu trầy trụa vì xe đạp dựng vào. Cái  trống và  cầu thang chắc nịch. Hàng hiên có giàn cây leo che nắng. Những dây hoa leo trăng trắng, tim tím và dãy nhà phía kia là dãy lầu làm phòng học của trường màu hồng.
- Ngôi trường này, bây giờ là của riêng mình để mà nhìn ngắm và sống trong ảo tưởng mình là nữ sinh của trường. Hoa âm thầm đi và ao ước...
Nhưng mơ ước vẫn là mơ ước, hiện thực vẫn là hiện thực hiện ra trước mắt Hoa... Thế Hòa đã ngon giấc trên vai nàng...
- Bây giờ đã hơn sáu giờ, cả nhà đã dùng cơm xong. Mình nên mau chóng bồng Thế Hòa cho nó vào giường. Mình còn ăn uống và dọp dẹp nhà cửa. Hoa suy nghĩ như thế, nên thu xếp về nhà... Đang loay hoay thu xếp, thì bóng dáng Thế Huy hiện rõ ở cổng trường. Nó đi lù lù vào sân trường với giọng gay gắt gọi lớn:
- Chị Hoa! Ba me biểu chị bồng em về gấp...
Hoa mau chóng đi theo bước chân Thế Huy với bao niềm lo sợ ngổn ngang...
- Không biết tai hoạ gì đây? Tối hôm qua mình láu táu sửa sai bài của Thế Huy. Hay mình ham đọc truyện để Thế Hòa té chảy máu chân và Thế Huy ghét đã mách tội mình với cô thầy đây! Có lẽ chuyến này cô thầy đuổi mình, không mướn mình nữa...
Niềm lo sợ tràn ngập trong lòng, Hoa buồn rầu thở dài cho thân phận- người đi ở đợ... Hoa rón rén bước vào nhà, vẫn thấy  mâm cơm còn nguyên trên bàn, nỗi lo sợ càng lớn hơn trong nước mắt lưng tròng, Hoa lễ phép thưa:
- Thưa thầy cô tha lỗi cho em, hôm qua em mê đọc truyện để Thế Hoà chập chững đi bị té chảy máu chân!
- Thế Hòa đi chưa vững, té ngã là chuyện thường, em để em vào giường, rồi ra đây ăn cơm với cả nhà! cô Thế Oanh, tươi cười đưa đôi mắt trìu mến nhìn Hoa.
Hoa vâng dạ, đi vào bên trong đặt Thế Hòa vào giường ngủ với tảng đá ngàn cân được bỏ xuống :
       - Quái lạ mình không bị cô thầy rầy la mà được cô thầy chờ về ăn cơm là vì chuyện gì đây !
       Hoa rón rén ngồi vào bàn ăn với bao thắc mắc trong lòng... Dù bụng đang đói cồn cào, nhưng nàng ăn chẳng ngon chút nào. Cơm nước xong, thầy Thế Oanh nghiêm nghị lên tiếng :
       - Cả nhà ra phòng khách có việc cần !
       Hoa hồi hộp ra ngồi bệt dưới đất phòng khách. Nàng dựa lưng vào vách, đưa đôi mắt lo buồn nhìn cô thầy Thế Oanh... Cả nhà ngồi trên sofa. Thay vì nhìn Hoa, thầy Thế Oanh dừng mắt lại trên khuôn mặt Thế Huy :
- Thế Huy ! Lúc này sao con học bết quá vậy ! Trong lớp con không chăm học, ghi chép bài thiếu sót. Trong giờ Sử, cô giáo giảng bài Lý Thường Kiệt, con đọc bài sai, chị Hoa nhắc bài cho con, con lại vô lễ với chị thế !
- Thưa ba me, hôm đó con ngủ gật trong lớp. Cô giáo giảng bài con không nghe. Khi cô giáo giảng bài xong, biểu trưởng lớp chép bài trên bảng, để cả lớp chép lại vào tập. Đến đoạn bài hịch, trưởng lớp viết, xong hết giờ xóa gấp con viết không kịp nên chép sai. Thế Huy đứng dậy khoanh tay ấp úng nói...
Cô thầy Thế Oanh đang còn giận dữ, nghe Thế Huy nói thế
đồng phì cười. Sửa lại thế ngồi, lấy lại tư thế nghiêm trang, thầy Thế Oanh ôn tồn:
- Cuộc đời không có gì vĩnh cửu đâu con ạ! Ngày hôm nay, chị Hoa phải giúp việc cho nhà mình. Biết đâu mai sau này cuộc đời chị gặp vận may mà thay đổi đi. Chị sẽ làm chủ một cơ sở nào chẳng hạn. Còn mình vì thời thế xuống dốc, phải đổi đời đó con! Chị đã biết đã chỉ bảo con, con phải vui vẻ cám ơn lời chỉ dạy tốt đó chứ. Con phải xin lỗi chị Hoa đi!
- Em còn nhỏ dại, ăn nói không phải, xin chị tha lỗi cho em! Thế Huy ào tới, nước mắt chảy dài ôm chồm Hoa lên tiếng.
Hoa xoa đầu Thế Huy và hôn lên trán nó.
Tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, thầy Thế Oanh phải dạy thêm một số giờ các trường tư mới đủ chi tiêu trong gia đình. Tối về cô phải phụ thầy chấm  bài. Cô thầy không có thì giờ dạy dỗ Thế Huy vì thế việc học của nó xuống dốc. Một hôm thầy bàn cùng cô:
- Chúng mình bôn ba đi dạy thêm giờ ở các trường tư. Kiếm thêm tiền lo cho gia đình khỏi bị túng thiếu. Mình không có thì giờ kèm cho Thế Huy. Độ rày nó học sa sút lắm ! Vậy chúng mình nên tìm một em học trò nghèo hiếu học ở dưới quê lên ở hẳn nhà mình kèm cho hai con mình học. Ăn uống thì thêm cái chén đôi đũa thôi!
- Anh nói nghe rất phải, vậy anh xúc tiến việc tìm kiếm một em nam sinh học giỏi ở trường Nguyễn Hoàng đi !
- Mấy  hôm nay, anh  cũng  nhờ  các đồng nghiệp để mắt  tìm  kiếm  một  em  học giỏi  mà ngoan  hiền ở  trong  nhà  để dạy  kèm cho các con. Vừa  rồi anh  Nguyễn  Thành giáo sư  hướng  dẫn  lớp Nhị B1  nói  với anh là  để  ý đến Nhân, và  cho anh biết hoàn cảnh của Nhân...

còn nữa...


  




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét