Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

ĐỔI ĐỜI - Nguyễn Ninh Thuận


      -Trái với nguồn tin có ác ý! Mấy tháng nay, tin đồn về việc anh Lê mất là sự thật anh Đạt à! Cảnh sát phát giác một thi thể người chết đã rữa thịt, chỉ còn trơ xương. Nhờ có giấy tờ tùy thân trong túi quần xác chết, cảnh sát đã biết ngay danh tánh và địa chỉ kẻ xấu số.  Sau khi cảnh sát tiến hành thủ tục giảo nghiệm điều tra xong, vợ con anh Lê đã được nhận xác về lo mai táng. Quân lau vội nước mắt ràn rụa trên đôi má…và trước khi ra về, Quân hẹn  Đạt:

  -Chúng mình cùng đến nhà quàn Peak Family tham dự đám tang anh Lê nhé?
<!>
  -Không biết thì thôi, khi biết gia đình tổ chức ngày tang lễ anh ấy; là chỗ bạn bè thân tình, chúng mình phải đến giúp một tay vào tang lễ. Để chúng ta cùng xót thương một đại úy pháo binh bị bắt buộc “phải bại trận “ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau đó, anh ta phải chịu nhục nhã tám năm tù khổ sai trong trại “ Cải tạo ” tận miền Bắc Việt Nam … Mình đến đó để chia sẻ nỗi đau bất hạnh của một H.O, mà người gây ra chính là vợ con của anh  ấy! Bản thân anh ta đã cưu mang họ từ Việt Nam Cộng Sản sang đất Hoa Kỳ văn minh giàu có nầy! Thế mà họ không nhớ cái giá họ được phây phây sống hiện nay trên xứ Mỹ là công lao của anh ấy đã đỗ ra trên chiến trường binh lửa, cùng những năm tháng dài bị Cộng Sản  đày đọa trong tù!  Hay tự nhiên, chính phủ Mỹ đặc ân bốc mẹ con họ qua Mỹ? Vùng đất họ được cơm no áo ấm. Nay họ được giàu sang, lắm tiền lắm bạc, tiêu xài như nước và vung tiền qua cửa sổ. Họ hãnh diện về  thăm  quê  hương rửa mặt mũi bằng đô la. Họ đối xử rộng rãi với người xa kẻ lạ để được lời tâng bốc khen tặng Việt kiều thơm thảo. Trong khi họ đành lòng xua đuổi thẳng tay người chồng, người cha có ơn lớn của họ đã cưu mang họ qua đây, đuổi  ra khỏi căn nhà chẳng một chút  xót thương!
     Vài lời báo tin ngắn ngủi của Quân, người bạn đồng khóa, Đạt thở dài lắc đầu ngao ngán cho nhân tình thế thái…
    Cả khúc phim dĩ vãng cuộc đời anh Lê, Đạt được nghe chính miệng anh ấy tâm sự từ lâu lắm, nay nó như hiện rõ mồm một trong trí nhớ của Đạt… Văng vẳng tiếng hát của một ca sĩ phát ra từ chiếc radio bên nhà hàng xóm: “ Anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ đêm qua ”, bản nhạc mà anh Lê ưa thích nhất, trong những bản nhạc hay thuở đó. Những bản nhạc được ăn sâu trong lòng người dân, người lính Miền Nam Việt Nam.. .
    Một buổi sáng nắng ấm, trên bầu trời trong xanh, vài dãi mây trắng lưa thưa hờ hững trôi lơ đãng. Những tia nắng vàng nhảy múa trên cành cây ngọn cỏ. Tiếng ríu rít của đàn chim nhỏ hòa lẫn với các chú quạ đậu trên những sợi dây điện như chào đón một ngày mới bắt đầu. Đạt cầm trên tay tờ nhật báo Việt từ cửa tiệm bán báo hấp tấp bước ra. Đạt dừng lại cạnh thùng rác lớn của khu thương mãi. Chàng đưa tay bá vào vai một người đàn ông đang lom khom, chăm chú bươi móc trong thùng rác. Đạt lên tiếng:
   -Chào anh Lê! Lâu quá mới có dịp gặp anh. Dạo nầy anh chị và mấy cháu vẫn khỏe chứ?
   Một người đàn ông cao nghệu, gầy ốm đang cúi mặt, anh ta dùng hai cây nhặt những lon nhôm, lượm giấy cát tông trong thùng rác lớn của khu thương mãi. Nghe tiếng người chào hỏi quen giọng. Người  đàn  ông  ngẩng  đầu lên nhìn. Trong ánh mắt ông ta như bừng lên một nỗi vui mừng hớn hở. Nhưng không dấu được nét u buồn ẩn chứa trong lòng một thân hình gầy ốm khắc khổ ấy. Người đàn ông chậm rãi trả lời:
   -Thật quý hóa! Gặp tôi đang lượm lon mót bọc như vầy, mà anh vẫn đứng lại chào hỏi thân thiện như thế nầy, làm cho tôi cảm thấy lòng mình ấm áp lắm rồi.
   Chợt  Lê thở dài buồn bã nói:
   -Đạt chỉ là một người bạn đồng hương, có liên hệ với thằng em vợ tôi. Anh nhìn thấy tôi làm cái nghề thấp hèn, bần tiện nầy, vẫn đứng lại ân cần thăm hỏi. Anh vẫn tay bắt mặt mừng, không tỏ một chút cử chỉ nào nghê tởm và khinh khi. Một lần nữa tôi cám ơn Đạt đã làm cho tôi thật xúc động! trong khi vợ và mấy đứa con của tôi, thấy tôi đi làm cái nghề bần tiện nầy, họ ra mặt khinh bỉ và ghét bỏ. Họ còn buông những lời đuổi tôi ra khỏi nhà:
   -Nếu không từ bỏ cái nghề lượm lon mót bọc, làm xấu hổ gia phong. Anh hãy tìm nơi khác mà ở. Anh đừng ở trong căn nhà nầy làm xấu mặt xấu mày vợ con.
   -Trong xã hội, con người cũng vậy thôi anh à! Có ai giống ai đâu? Hơi sức nào mà buồn làm chi, cho tổn hại sức khỏe. Mình sống cho mình. Miễn lương tâm mình không lên án mình là kẻ lường gạt, xảo trá, ăn cắp, ăn trộm, phản đạo và phản thầy là được! Mình không tham phú phụ bần, ton hót nịnh bợ là được rồi. Trong xã hội, chỉ có người hèn, chứ không có nghề hèn. Mình đem công sức, mồ hôi nước mắt đổi lấy đồng tiền, bát gạo trong liêm chính. Mình đâu có lười biếng ngồi không ngửa tay xin của bố thí. Anh buồn rầu cho thiệt thân vô ích. Lịch sử nước Mỹ, có những nhà triệu phú và những tai to mặt lớn, trước kia họ cũng làm những nghề thấp hèn như chạy bàn, rửa chén. Lịch sử Việt Nam cũng có một Đinh Bộ Lĩnh, từ một đứa bé chăn trâu đã làm nên nghiệp lớn. Tỉnh Tây Ninh mình cũng có ông Tô Văn, chủ tiệm vàng lớn ở chợ quận Gò Dầu Hạ, thuở nhỏ mồ côi cha mẹ sớm, vừa đi học, vừa gánh nước mướn  ở Sài  Gòn. Anh ấy lớn  lên có nghề nghiệp vững vàng. Sau ngày chiếm trọn Miền Nam , Việt Cộng đã tịch thu của  ông  ta hơn một ngàn lượng vàng…
    Xúc động trước lời an ủi của bạn đồng hương, Lê tâm sự tiếp:
   -Sở dĩ tôi nai lưng ra lượm lon mót bọc như thế nầy là để kiếm thêm ít tiền. Tôi muốn gởi về giúp cho bạn bè, bà con còn quá nghèo khổ bên Việt Nam .Tôi còn dành dụm chút ít đóng góp cúng chùa cúng miễu. Thân tôi hay ốm đau, tôi không thể làm việc được như những người khỏe mạnh để có tiền giúp đỡ người thân. Hai đứa con gái lớn của tôi làm nghề Nail cũng có khá tiền. Nhưng chúng đã có chồng có con, chúng phải lo gánh vác chuyện gia đình của chúng. Tôi không thể hỏi xin tiền bạc của chúng để giúp thân nhân và bè bạn bên Việt Nam được! Thế mà vợ con tôi nỡ lên tiếng cấm đoán không cho tôi đi lượm lon mót bọc vì sợ xấu hổ với bạn bè và với sui gia. Vợ con tôi đã từ bỏ tôi! Tôi buộc lòng tôi phải theo tá túc với thằng em ruột của mình. Tôi rất ngại với em dâu và các cháu, nhưng không biết tính sao trước hoàn cảnh chẳng đặng đừng nầy?
    Lấy tay quẹt hai hàng nước mắt lăng dài trên má, Lê buồn bã tâm sự tiếp…
   -Qua Mỹ, tôi có quen biết một người tên Hiếu. Anh ấy gốc gác ở tỉnh Kiến Hòa ( Bến Tre ). Anh ấy là phế binh cụt mất bàn tay phải trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 ở tỉnh Bình Long. Gia đình anh Hiếu vượt biên sang Mỹ rất sớm. Anh có hai thằng con trai còn nhỏ. Vì cụt mất một bàn tay, anh Hiếu không biết làm nghề gì để sinh sống. Vợ anh  không  biết  may, lãnh  cắt chỉ quá ít tiền không đủ sống. Anh chị ấy đi làm hãng  cũng không xong vì tiếng xứ người không biết. Trước nhu cầu đòi hỏi của gia đình. Nhứt là muốn đầu tư cho tương lai hai thằng con nhỏ. Sau mấy ngày đêm bàn tính. Vợ chồng anh Hiếu quyết định mượn đỡ bạn bè số tiền mua một chiếc xe Truck nhỏ cũ, để làm phương tiện mưu sinh. Ngày ngày, hai vợ chồng anh Hiếu đưa nhau đi lượm giấy cát tong và nhặt lon mót bọc. Nhờ chịu khó, chịu khổ với công việc nhiều người chê bai là bần tiện thấp hèn nầy, nhưng nhờ nó, gia đình anh Hiếu sống rất vững vàng và hạnh phúc trên đất Mỹ. Anh chị ấy còn có khả năng, thỉnh thoảng biếu xén quà cáp cho thân nhân ở bên Việt Nam qua cơn ngặt nghèo...Năm tháng trôi qua, Trời đã đãi ngộ cho người có lòng nhiệt tâm với cuộc sống. Thằng con lớn của anh chị Hiếu ra trường với mảnh bằng Kỹ Sư  Computer loại giỏi. Nó xin việc làm dễ dàng, đồng lương rất hậu hĩ. Vài năm sau, thằng con út của anh ấy ra trường Nha Sĩ. Gia đình anh Hiếu vô cùng hạnh phúc. Con dâu lớn là kỹ sư, con dâu út là Dược Sĩ. Một người lượm lon mót bọc như vợ chồng anh Hiếu có đáng cho người đời chê bai khinh miệt hay phải ngả mũ chào tôn vinh?
     Thông cảm trước những lời tâm sự của anh Lê, Đạt lên tiếng an ủi:
    -Anh đừng buồn nữa, có dịp gặp Bé Hai con gái của anh, tôi sẽ lựa lời nói phải quấy cho nó nghe. Hy vọng mấy đứa con anh sẽ  nghĩ  lại  thương  anh  mà đón  rước anh về chung sống trong gia đình cho vui nhà vui cửa.
    Nói xong,  Đạt từ giã anh Lê đi về chuẩn bị  cho  giờ  đi làm ca ba. Nhìn theo Đạt ung dung lái xe đi. Lê buồn vô hạn. Chàng nhớ về dĩ vãng của cuộc đời mình…
….Thuở ấy, Lê sinh ra trong một gia đình khá giả. Lê chỉ có ba anh em, hai trai một gái. Lê là anh cả. Chàng bước vào ngưỡng cửa đại học được hai năm. Có lệnh tổng động viên. Lê đành gác bút nghiên theo nghiệp binh đao cũng như hàng ngàn thanh niên trai tráng trong thời buổi đó. Chiến tranh cuốn hút Lê vào bổn phận trai thời chiến. Ra trường Bộ Binh Thủ Đức, Lê chọn ngành pháo binh để phục vụ. Cũng như luật sinh tồn của loài người. Lớn lên phải có yêu đương, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường, Lê theo đuổi Huỳnh Thương, một nữ sinh con nhà giàu nổi tiếng trong tỉnh. Chàng đã bao ngày “ Anh theo đường về, anh theo ngõ về “ Khi đó, Lê cũng con nhà giàu có hạng trong tỉnh. Một chuẩn úy mới ra trường, bảnh trai, dễ gây cảm tình với bao cô gái trẻ đẹp. Anh vừa đẹp trai, vừa chai mặt, nên Lê đã nhanh chóng chiếm được trọn vẹn cảm tình của Huỳnh Thương, con gái cưng của một doanh gia lớn trong tỉnh.
Tình yêu của họ đẹp như một bài thơ, êm xuôi không một cản trở của gia đình. Họ hẹn hò, đưa đón. Như bao cặp tình nhân khác trên đời, được sự đồng ý của cha mẹ hai bên. Một đám cưới linh đình được tổ chức làm rỡ ràng hai họ Lê- Huỳnh. Là tiểu thơ con nhà giàu , Huỳnh Thương về làm vợ Lê. Nàng không hề ra đời bươn chải làm ăn kiếm sống phụ chồng. Nàng chỉ ở nhà lo  việc  tề  gia  nội trợ. Nàng lần lượt làm mẹ của bốn đứa con. Huỳnh Thương chỉ trông cậy vào đồng lương hàng tháng của Lê. Hạnh phúc gia đình êm đềm theo năm tháng. Nhưng rồi, ngày 30 tháng 4 năm 1975 xảy ra, Lê phải trình diện  “ cải tạo “ như bao nhiêu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa khác. Vợ con chàng nhờ vào mức sống căn bản vững vàng của gia đình cha mẹ hai bên. Nàng không đến nỗi nào phải bươn chải chật vật lắm. Các con nàng đã được nội ngoại hai bên phụ nuôi. Huỳnh Thương chỉ phụ giúp chút ít trong cơ sở kinh doanh của cha mẹ ruột. Cuộc sống cũng khá ưu đãi quãng đời của Huỳnh Thương. Giữa năm 1995, gia đình Đạt cũng được đến Mỹ theo diện H.O, sau gia đình anh Lê khoảng bốn năm. Bé Hai, con gái của anh Lê, là bạn với con gái của Đạt. Được tin, Bé Hai đến thăm và chúc mừng gia đình Đạt được đến Mỹ.
    Hơn một giờ hai đứa trẻ thăm hỏi nhau chuyện nầy chuyện nọ. Đạt lên tiếng xen vào hỏi Bé Hai:
   -Lúc nầy ba cháu có khỏe không, làm gì?
    Con gái anh Lê bĩu môi, ranh mãnh trả lời:
   -Cám ơn lời thăm hỏi của chú. Ba cháu vẫn khỏe. Nhưng từ ngày qua Mỹ đến nay, ba cháu chỉ đi làm cái nghề bêu xấu danh dự gia đình mà thôi. Tụi cháu cảm thấy nhục nhã lắm khi anh cháu bị bạn gái bỏ rơi. Bởi chị ấy cảm thấy xấu hổ với cái nghề của ba cháu. Mấy anh chị em cháu đồng lòng lên tiếng với ba cháu:
   - Nếu ba muốn ở chung với tụi con, ba phải bỏ nghề lượm lon mót bọc tức khắc. Bằng không, ba phải rời khỏi căn nhà nầy ngay!
    Con bé vừa nói dứt lời, máu nóng trong người Đạt như dâng cao. Không kềm chế được. Đạt đăm đăm nhìn vào mắt con bé. Chàng như muốn ăn tươi nuốt sống một đứa con quá ngỗ nghịch và bất hiếu không thể tha thứ được. Tự nhiên, những giọt lệ thương hoàn cảnh  anh Lê rơi trên đôi  má của chàng. Con  gái  Đạt  nhìn  thấy, nó hốt hoảng hỏi:
   -Sao ba lại khóc?
    Đạt ngậm ngùi trả lời con:
   -Hôm nay, anh Lê bị đám con của anh cư xử như vậy! Chẳng biết đến khi nào đám con của ba cũng cư xử với ba như thế? Danh dự ! Danh dự ! Bạn của con cư xử với cha nó táng tận lương tâm như vậy chỉ vì chút danh dự  hảo không phải chỗ. Nó không phải đạo làm người và chẳng phải đạo làm con! Như vậy,  nó có đáng cho con kết bạn nữa không?
    Con gái Đạt đưa đôi mắt tròn xoe nhìn chòng chọc vào bạn gái nó một hồi. Rồi nó chạy lại ôm chầm lấy Đạt mạnh dạn nói:
   -Không bao giờ! Con không bao giờ có thể tàn nhẫn cư xử với ba như vậy được. Dầu gì con cũng là con người. Con có mặt trên đời nầy cũng do cha mẹ tạo ra. Con không phải là kẻ ở dưới đất nẻ chui lên. Con cũng không phải là loài thú dã man mà có thể can đảm cư xử với người cha mình như thế được! Dầu thế nào cũng là cha đẻ của mình. Hơn nữa con được đến đất Hoa Kỳ nầy cũng nhờ Ba đã cang cường chiến đấu và sự đánh đổi sau sáu năm tù khổ sai tủi nhục của ba mới có được!
     Đạt sung sướng ôm con vào lòng.
    -Ba rất ấm lòng khi nghe con của ba nói được những lời tốt đẹp đó.
    Cố nén xúc động trong lòng, ngừng một hồi Đạt hỏi Bé Hai...
    -Cháu có biết Thiếu Úy Cảnh Sát Nguyễn Kim Tiên ở Gò Dầu Hạ không?
    Bé Hai ngập ngừng trả lời:
    -Cháu không biết, nhưng có nghe nói đến tên Thiếu Úy Nguyễn Kim Tiên
    -Cháu có biết vì sao vợ con của thiếu úy Tiên không được đi Mỹ không?
    -Dạ cháu có nghe nói!
    Đạt gằn giọng:
    -Nếu cháu đã biết trường hợp vợ con của thiếu úy Tiên không được Mỹ chấp thuận cho đi diện H. O, chỉ vì thiếu úy Tiên đã chết mấy ngày trước khi được phỏng vấn. Mặc nhiên cháu đã hiểu rằng, nếu không có ba cháu thì chắc chắn mẹ con cháu sẽ không bao giờ được đặt chân lên xứ sở nầy! Thế mà mẹ con cháu lại đành lòng cư xử tệ với ba cháu như vậy?  Nếu không còn quý trọng tình vợ chồng, nghĩa cha con. Ít ra cũng phải nhớ tới cái ơn ba cháu đã cưu mang mẹ con cháu từ ngục tù Cộng Sản tăm tối đói nghèo, sang xứ sở tự do văn minh giàu có này mới phải đạo làm người chứ! Lẽ nào lại nhẫn tâm cư xử tàn tệ  với ba cháu đến như thế sao hả cháu? Các cháu qua đây đã lớn, không theo đuổi việc học vì sống dưới chế  độ Cộng sản bị phân chia lý lịch, nên không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng xứ Mỹ là xứ của cơ hội nên các cháu học nghề nail tóc…Với bàn tay khéo léo của người Việt Nam, cộng thêm khối óc thông minh thừa hưởng của cha ông, lại chịu thương chịu khó, tìm tòi học hỏi nghề càng thêm tốt đẹp hơn! Mặc dầu các cháu cũng gặp bao thử thách gian nan, nhưng “ có chí thì nên” nên đã vượt qua nhiều thử thách nghề nghiệp để được thành công như hôm nay! Nghe đâu các cháu đều có cửa tiệm khang trang, nhà cửa tươm tất, tiền bạc rủng rỉnh, chồng con đề hề! Giá như các cháu còn ở Việt Nam thì có nước húp cháo, lao động gian nan…Nghe đâu các cháu theo nghề Nail Tóc phần đông đều khá giả, học lại  ngắn hạn, không như theo học Bác Sĩ, Kỷ sư lại dài ngày dồi mài kinh sử thi cử gian nan, rồi ra trường tìm việc khó khăn…Khi  ra trường mắc nợ đầy mình, nhưng có khi tiền bạc thu vào không như các cháu?!
    Đạt nhìn thấy bé Hai đã thấm thía trước những lời tâm tình của mình. Nó rơi nước mắt!... Đạt nói chuyện thêm để nó thấm hơn…
    -Hình ảnh anh kỹ sư Hùng, nhà đối diện với rạp chiếu bóng Văn Hoa Đa Kao Tân Định ngày trước, luôn luôn in sâu trong đầu chú. Cả toán hơn mười người, thấy anh Hùng ốm yếu nhất, tất cả anh em trong toán đồng ý để anh tưới rau. Số còn lại đi gánh nước từ xa đem lại. Trong lúc anh Hùng đang cầm khúc cây quậy phân – sản phẩm của người tù cải tạo - trong thùng nước. Thiếu úy bộ đội Cộng Sản tên An, chỉ tay vào mặt anh Hùng quát lớn:
   -Thằng tù kia, mạng sống của mầy còn chẳng ra gì  mà còn sợ hôi sợ thúi hả? Mầy hãy vứt khúc cây kia xuống đất, lấy tay thò vào thùng nước mà quậy. Vừa quậy, vừa bóp phân cho mau loãng vào nước mà tưới. Mầy quậy bằng khúc cây biết đến bao giờ mới tưới được. Mầy lao động chay lười đến thế kia à?
   Chú liếc nhìn thấy anh Hùng buộc lòng phải vứt khúc cây xuống đất. Anh ấy nhanh nhẩu đưa hai tay vào thùng nước đầy phân người vừa quậy vừa bóp nát theo lệnh  “ dã man ” của viên sĩ quan quản giáo ấy. Khi thấy anh Hùng râm rấp tuân theo lệnh. Nó mỉm cười “ đắc thắng ” đứng nhìn anh Hùng quậy nước phân. Nước mắt anh Hùng trào ra. Lòng chú se thắt lại để chia sớt nỗi nhục nhã của kẻ bại trận. Bọn chú im lặng làm nhiệm vụ thằng tù không bản án…
  Bé Hai  thăm hỏi rồi ra về, nhưng số trời đã định. Bà Huỳnh Thương & anh trai  của Bé Hai vẫn khăng khăng không chịu rước anh Lê về..Rồi thì hôm nay Đạt phải đi dự đám tang của anh Lê…

Chấp nhận đau thương ôm xuống tuyền đài,
Chôn chặt nỗi lòng ngàn năm dưới mộ.
Bạn tình ơi nếu mai này có nhớ,
Xin thương giùm tâm sự một H.O


Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét