Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

GIA THẾ/Trích Truyện Dài Tình Cảm Xã Hội NỖI LÒNG & KHÁT VỌNG / Sentiment & Aspiration - Nguyễn Ninh Thuận

T
hắm cô gái có sắc đẹp mặn mà. Nàng có đôi mắt to trong sáng, mũi cao, nước da bánh mật, đôi môi luôn nở nụ cười rạng rỡ. Thân hình Thắm rắn chắc, tính nết hiền dịu và siêng năng việc nhà. Khi Thắm học chưa hết lớp năm thì mẹ nàng âu sầu than thở :
       - Nhà mình quá nghèo, cha mẹ lo việc đồng áng cực khổ nhưng không đủ miếng ăn, lấy tiền đâu lo cho con tiếp tục ăn học. Vậy con phải nghỉ học phụ mẹ lo việc bếp núc và trồng trọt chăn nuôi...
    Gia đình Thắm và Sửu đều nghèo lại ở gần nhau. Ở nhà quê, tình giao hảo hàng xóm láng giềng rất thân thiết. Tuổi trẻ Sửu và Thắm gắn liền nhau, ngoài những trò chơi ô làng, trốn tìm, tắm sông… cả hai lại phụ cha mẹ đi nhặt lúa, bắt ốc hái rau… Riêng Thắm còn giúp mẹ những việc lặt vặt trong nhà như giữ em, quét nhà… Cuộc sống hồn nhiên theo năm tháng… Hai người bạn thuở ấu thơ trở thành đôi trai gái dậy thì. Thắm có chút nhan sắc và  giỏi  giang, nên có nhiều chàng trai trong làng ngấp nghé, nhưng nàng  chỉ phải lòng Sửu, chàng thanh niên vạm vỡ, hiền lành và cũng chăm làm như nàng.
<!>
 Tình thân thiện giữa hai gia đình kéo dài mấy chục năm. Tất cả hiểu rõ gia cảnh và nhất là tính nết nhau, nên cha mẹ hai bên muốn kết tình sui gia. Một đám cưới đơn sơ, với sự chứng kiến của hai họ qua mâm cơm đạm bạc, nhưng đầy đủ lễ nghi để Sửu - Thắm thành vợ chồng. Lúc đầu Thắm về làm dâu nhà Sửu, Thắm đi làm ruộng kiếm tiền thêm phụ vào ngân quỹ gia đình eo hẹp. Hai năm sau, đứa con đầu lòng tên Hoa chào đời, ba mạ Sửu lên tiếng:
-Nay chúng con đã có con cái, vậy ba mạ cho các con một khoảnh đất bên cạnh nhà, các con đốn tre, tìm tranh dựng lên một mái nhà để che mưa che nắng mà sinh sống...
 Vợ chồng Sửu qua sự giúp đỡ của cha mẹ hai bên đã tạo dựng được một mái nhà tranh vách đất làm tổ ấm cho gia đình. Theo năm tháng, bảy đứa con lần lượt ra đời.
  Hoa nhớ lại nhiều điều... Năm Hoa bảy tuổi, để đỡ miếng ăn, bà Sửa bàn cùng chồng:
 -Mình gởi Hoa cho bà ngoại nuôi dùm, đàng nào cũng có cậu mợ, ở với mạ có chút vườn trồng trọt nên con mình có cái ăn…
  Lần đầu tiên  Hoa theo mợ từ quê nhà ra ở với cậu mợ và bà ngoại ở ngoại ô tỉnh Quảng Trị... Mợ cháu xuống xe tại bến  Nguyễn Hoàng và phải đi bộ qua trường Nguyễn Hoàng đang giờ  tan học.  Khi đó Hoa chưa đọcchạy chữ viết, nhưng thấy một đoàn  anh chị đạp xe đạp từ trường túa ra mọi phía như đàn ong vỡ tổ rất vui mắt. Rồi kìa các anh lớn áo sơ mi trắng quần xanh bỏ vào quần đàng hoàn, tay ôm cặp từng đoàn đi với các chị tóc dài buông xõa hai vai trong những tà áo dài trắng toát, nghiêng vành nón duyên dáng đang nói cười vui vẻ, khiến Hoa đứng lại nhìn trong lòng  khâm  phục và đầy thèm muốn với ý nghĩ « Mình lớn thêm chút  nữa sẽ được cắp sách đến trường Nguyễn Hoàng dồi mài kinh sử... »  Hoa đang đứng ngẩn ngơ ngó theo đoàn nữ sinh khua tiếng guốc trên vĩa hè với dáng điệu kiêu sa, bỗng Hoa sực tĩnh...
    -Mi đứng lại làm chi đó! mới đi bộ một đoạn mà đã muốn ăn vạ hả! Mi đứng đó, tau bỏ mi lại cho mà coi ! Trời về chiều rồi, phải đi mau mau, không thôi tối trời mất! Bà mợ cất cao giọng nhắc nhở.
    Thế là Hoa bỏ lại bao mộng ước mới lóe lên trong nuối tiếc trước cổng trường và lóc cóc bước theo mợ sát nút...
     Tuy Hoa mới bảy tuổi, nhưng hàng ngày cũng giúp cho cậu mợ chăm sóc vườn tược cây trái. Cậu mợ Hoa rất thương nàng, nhưng vì tài chánh eo hẹp không thể nuôi nàng ăn học được! Bà mợ nhìn chồng than thở…
      -Tội nghiệp con Hoa nhìn mấy đứa con mình đi học với đôi mắt thèm thuồng!.. Nhưng mình biết tính sao đây, gia đình mình nghèo, tay làm hàm nhai… cố gắng lắm cũng chỉ lo được cho hai đứa con mình được cắp sách đến trường thôi! Đi học rất tốn  kém, nào tiền sách vở áo quần, giày dép. Lo cho nó ăn thêm cái chén đôi đũa thì được!
     -Cái khó bó cái khôn! Thương cháu biết làm sao đây!  Thôi thì bảo sấp nhỏ chỉ bài vở cho nó biết đánh vần, viết vài chữ  cũng tốt rồi! để sau này Hoa có thể biết đọc biết viết…  
   Hoa ở với bà ngoại, cậu mợ một thời gian rồi vì kinh tế khó khăn, cậu mợ trả Hoa cho ba mạ nàng...
  ...Một hôm chú Oanh đi lính xa về thăm ba trong bộ đồ lính thẳng nếp và dáng vẻ oai hùng. Ba nhìn thần tượng với bao mơ ước...
   -Làm sao mà chú được đi lính văn phòng, áo quần thẳng nếp ra vẻ nhàn nhã oai phong thế ?
  -Có tiền là muốn gì được đó! Anh có muốn đi lính như tôi không!
  -Chú thấy nhà tui nghèo rớt mùng tơi. Tiền không có mà ăn, lấy gì mà xin đi lính như chú. Ba thở dài tâm sự...
   -Lúc trước nhà tui nghèo, con Oanh nhà tui đi ở đợ có tiền để nhà có cơm ăn và tui có tiền đi “ lính cậu ” đó!
   Hoa khi đó còn nhỏ đang bồng em đứng gần đó nghe lời chuyện trò của ba và chú nên nàng mới nảy ra ý nghĩ : «  mình phải  hy sinh thân mình đi ở đợ để ba được toại nguyện và có tiền cho em út học hành... »
  Sau đó Sửu đi lính, nhưng không như mộng ước mong đợi mà ra tác chiến. Đời lính phiêu bạt, rày đây mai đó, nên Thắm vẫn bám trụ tại quê nhà, không theo chồng. Cận với cái chết, xa vợ con, cần người an ủi khuya sớm cận kề, Sửu rất buồn. Những khi về hậu cứ thui thủi một mình, chàng theo bạn  ra  quán  nhậu  cụng  vài ly giải sầu, để rồi quen với cô Lan, em bà chủ quán cốc. Sau thời gian hẹn hò vung vít họ có với nhau một bé trai bụ bẫm. Trong khi ở quê nhà, Thắm cũng sinh cho Sửu đứa con trai thứ năm. Thắm được tin xấu đã ôm hận khóc thầm, nhưng bản tính hiền lương, nàng đành câm nín thở dài...
 Hoa, cô con gái đầu lòng tuổi mới lớn, thương mạ vô cùng tâm sự cùng mạ :
 -Con không thể để người khác cướp mất ba! Mạ không đi gặp người ta nói cho ra lẽ, vậy con quyết thay mạ đi đánh ghen...
  Với tấm lòng hiếu để muốn ba mạ hạnh phúc, Hoa không muốn người đàn bà khác phá gia cang, khiến gia đình mình tan vỡ. Nàng lặn lội tìm ba trả giá:
   -Con muốn ba phải bỏ cô Lan, đưa em về cho mạ nuôi, nếu ba không chịu, con sẽ tự tử chết cho ba vui lòng!
   Sửu biết tính con gái cương trực nói là làm, hơn nữa với đồng lương lính eo hẹp, vui chơi thì được, nhưng khi đi vào ràng buộc thực tế là cả một vấn đề nan giải, một cảnh hai quê tốn kém lại nhức đầu vì tiếng bấc tiếng chì hàng ngày, đúng với câu ca...
“ Một vợ thì nằm giường lèo, hai vợ thì nằm chèo queo, ba vợ thì ra chuồng heo mà nằm! ” Sửu buông Lan ra khi phải đổi đi một đơn vị khác, Lan buồn chán để cho Hoa bồng em đi để nàng rảnh tay đi xây dựng cuộc sống khác may ra tốt đẹp hơn. Quang, cậu em ngoại hôn của Sửu, sau này lớn lên cứ ngỡ là anh em song sinh với  Hùng.
  “ Tái Ông mất ngựa ” quả thật không sai! trong cái may có cái rủi và ngược lại, trong thời gian đi lính, Sửu bị vu khống và bị tù, Hoa thay mạ ra Quảng Trị thăm Người. Hành trang Hoa mang theo trong đạm bạc, nhưng chứa đựng bao ân tình quê nghèo với mấy khúc cá kho mặn nhiều ớt cay như cuộc đời cay đắng của gia đình. Gói thuốc hút rẻ tiền cho ba hút để vơi đi bao cô đơn trong cuộc đời đen bạc. Tàu lá chuối bao bọc nắm cơm gạo lứt còn ấm ấm nghĩa tình chồng vợ đâu đây! Nghe nói ba và cậu bị tù oan ức, nhưng khi đó Hoa còn nhỏ nên đâu hiểu tình đời ra sao!... Nàng  chỉ biết khóc lóc và nhìn ba trong xót xa thương nhớ. Hoa gặp mặt ba, thấy Người bơ phờ gầy yếu xanh xao, nhưng nàng chỉ đưa mắt nhìn, không được hỏi han nói chuyện câu nào! Bên kia đoàn người tù gánh nước dưới sông Thạch Hản lên Trại và đoàn người đi thăm đi song song mà không ai mở miệng, chỉ câm như hến mà xót xa làm sao! Những người cầm súng lè kè đi sát bên cạnh. Thời gian thăm tù chỉ thoát chốc là hết, thật là ngựa chạy tên bay! Cánh cửa tù khép lại để lại cho nhau những thương nhớ rạc rào, thời gian vô nghĩa trong trông chờ mong đợi để thấm thía câu “ nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại ”. Hoa thẩn thờ ra bến xe và lại đi ngang qua trường Nguyễn Hoàng, để rồi đứng lại ngắm nhìn về tương lai....   “ Ngày mai và kiếp sau ta là một tiểu thư xinh đẹp, con nhà giàu,  ta sẽ được đi học. Ta chọn sinh ra tại Tỉnh Quảng Trị và với áo dài trắng, tung tăng cắp sách đến trường Nguyễn Hoàng học. Ngôi trường xinh xinh  trong ký ức và giấc mơ của ta...”
  Thời gian sau, bản án sáng tỏ, Sửu được trả tự do, Sửu lại  bị bệnh đau bao tử trầm trọng, nên được giải ngũ. Chàng không có  sức khỏe để làm việc nặng nhọc. Cuộc sống ngày càng khó khăn, hàng ngày Thắm phải bương chải đi làm thuê, cuốc mướn kiếm tiền nuôi sống gia đình. Mùa lúa, bà đi cấy thuê, gặt mướn. Cuối ngày chỉ đủ mua năm mười lon gạo. Bà bọc nó trong vạt áo dài đeo tòn teng trước bụng. Trên tay cầm mấy con cá chuồn khô và ít mắm muối. Rau trái thì quơ bậy trong vườn khi thì dĩa rau lang luộc, lúc thì tô canh tập tàn nóng hay bầu, bí thay đổi qua ngày...
           Theo thời gian, Hoa cô con gái đầu của ông bà Sửu tròn mười ba tuổi. Dáng Hoa mảnh khảnh, ẻo lả như một cành hoa, đúng như cái tên được cha mẹ đặt cho nàng – Hoa, Cô bé đẹp giống mẹ. Nhưng Hoa càng rực rỡ hơn với làn da trắng hồng. Mái tóc đen nhánh xõa ngang bờ vai. Con nhà nghèo không được đi học, nhưng với tư chất thông minh, Hoa học một biết mười. Tuy không được cắp sách đến trường, Hoa chỉ được cha dạy thêm ở nhà một thời gian ngắn mà nàng đã biết đọc, biết viết và thông thạo bốn phép tính. Hoa khôn trước tuổi, biết lo lắng cho gia đình và hết lòng thương yêu ba mạ cùng các em. Biết cảnh khổ trước mắt, nàng đã ray rức từng ngày, từng đêm...
Hàng ngày Hoa giúp mạ làm công việc nhà. Nàng săn sóc một đàn em sáu đứa, chỉ cách nhau vài tuổi và đứa em trai út mới lên sáu. Hoa băn khoăn suy nghĩ «  mình phải làm một việc gì đó  kiếm tiền giúp các em được cắp sách đến trường... » Ngày ngày Hoa làm việc cực nhọc, về đêm thì thao thức không ngủ được...
Thế rồi trước Tết, Sen cô bạn cùng xóm thời thơ ấu cũng có nhiều kỷ niệm đã vào Huế giúp việc cho một gia đình giàu sang quyền quý khi Hoa về sống với bà ngoại, nay Sen về thăm nhà. Nàng không quên Hoa nên sang nhà ông bà Sửu, ba má Hoa để biếu một gói trà cúng Tết, Hoa ngỡ ngàng:
- Ai như Sen rứa?
- Tau đây, chứ ai mô!
- Sen lạ chưa tề, mi trắng da dài tóc, tau nhìn mi không ra mô!
- Tau ở trong mát. Tau không dầm mưa giang nắng, hái rau, bắt ốc ngoài ruộng đồng, nên không còn đen đủi nữa.
Thật vậy trước mắt Hoa, Sen bây giờ đã khác xưa, nàng lột xác hẳn...từ một đứa bé đen điu, khô cằn vì ở ngoài trời bắt ốc hái rau suốt ngày dưới ánh nắng gay gắt của khí hậu miền nhiệt đới. Nay Sen đã khác hẳn, lớn hẳn ra với áo quần mượt mà tươm tất. Hai người bạn lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng chuyện trò tíu tít. Sen nhìn bạn hồi lâu, ngập ngừng:
- Chủ có cho tau một ít quần áo cũ. Mầy không chê, tau đem qua cho chị em mầy một ít để mặc.
- Mầy thấy tau đây mặc áo quần vá chằng vá chịt, ở đó mà chê! Tau cũng muốn làm một việc gì kiếm tiền giúp gia đình và lo cho các em tau ăn học. Tau đây xem như bỏ đi. Ba tau đau ốm. Tau cần có tiền chạy chữa thuốc men cho ông và lo cho ông đi lính. Mạ tau một mình làm lụng cực khổ, không nuôi nổi chín miệng ăn, tau thấy thương bà quá!
- Tau có một việc này định bàn với mi.
- Có chi mi cứ nói thẳng, mi cứ úp úp mở mở làm tau hồi hộp quá!
- Nếu ba mạ mi cho mi vào Huế giúp việc cho một nhà giàu thì hay biết mấy! Mi được cơm ăn, áo mặc đầy đủ. Sáng sáng có tiền ăn quà sáng. Mi không tiêu tiền ấy. Ăn quơ quào ba hột cơm nguội cũng được. Mi lại được ở trong mát. Tháng tháng lãnh tiền gởi về giúp đỡ ba mạ và các em mi ăn học thì hay biết mấy! Chuyến ni tau về đây, trước thăm gia đình, sau chị bà chủ nhờ tau kiếm cho một người giúp việc cho gia  đình bà ấy. Người  tau nghĩ  trước nhất là mi đó! Mi thử bàn với hai bác xem sao rồi cho tau biết tin nghe! Thôi tối rồi, tau phải về nhà để phụ mạ tau lo sửa soạn nhà cửa ăn Tết. Có chi mi trả lời sớm, để tau còn tính đi kiếm người khác cho bà chị chủ tau. Bà ấy gia đình danh giá và hiền lành lắm, bỏ qua uổng lắm nghe!
Sen ra về, Hoa thừ người ngồi suy nghĩ…
Mẹ Hoa đi làm về thấy nhà cửa tối đen, đèn đuốc chưa thắp sáng, lên tiếng la rầy:
- Hoa, con hư quá! Tối rồi không thắp đèn lên xua muỗi để nó cắn các em sinh ra ghẻ đó! Con đã nấu cơm nước chưa?
- Dạ con đã nấu nồi cơm, luộc dĩa rau và đang chờ mạ đem  đồ ăn về kho mặn đó mà!  Mạ có nhớ con Sen không?
-  Tau nhớ chớ !
-  Nó đi làm mướn trong Huế về thăm nhà. Nó đang kiếm người làm cho bà chị của chủ. Độ rày Sen trắng trẻo, mập khỏe lắm mạ ơi! Nghe nói chủ nó dễ chịu và gia đình bà chị cũng hiền lành. Con định xin ba mạ cho con theo nó đi làm cho người ta. Như thế may ra có tiền lo cho ba  và các em con ăn học. Từ lâu con muốn đi học mà không được toại ý. Con thương các em lắm, con mong các em con được học hành tử tế!
Bà Sửu im lặng thở dài… Không khí đè nặng hai mẹ con với những dự tính vừa mới manh nha... Những lo sợ hồi hộp chợt đến với Hoa...
- Mình không thể tin tưởng hoàn toàn vào lời nói của Sen. Thân mình không kể đến, dù cực nhọc thế nào cũng chịu được, gặp chủ tốt thì là cơ may. Nếu gặp chủ nhà khắc nghiệt thì sẽ ra sao đây?!...
Không biết bao nhiêu câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu óc thơ ngây của Hoa… Cô bé dù sống trong hoàn cảnh nghèo khổ, nhưng từ nhỏ vẫn sống đầy đủ trong tình thương của ba mạ và những đôi mắt trìu mến của lũ em dại khờ. Chị em còn giành nhau từng miếng bánh, viên kẹo…
Bà Sửu băn khoăn như mối tơ vò:
- Mình giữ con gái cưng ở nhà cũng tội cho nó! Cuộc đời  nó biết  bao giờ ngửng đầu lên với thiên hạ. Cho con đi ra ngoài, cơ may cuộc đời nó thoát khỏi chân lấm tay bùn…
Bà Sửu cũng như bao người đàn bà Việt Nam khác, luôn phụ thuộc vào ý kiến quyết định của chồng, bà ôn tồn nói với Hoa:
- Việc đó để mạ tính với ba rồi hãy hay. Con lo dọn cơm cho cả nhà ăn đi. Chắc các em con đói bụng rồi! Tội nghiệp chúng từ sáng đến giờ chỉ có mấy củ khoai, củ sắn dằn bụng thôi!
Trên chiếc chiếu trãi giữa ngôi nhà tranh vách đất, chín người lớn bé quây quần quanh mâm cơm đạm bạc rau mắm. Bà Sửu tằn hắn rồi nhỏ nhẹ...
- Ông à! Hoa, con mình muốn theo con Sen vào Huế giúp việc cho ông bà Trung tá Hảo, chị bà chủ của Sen, ông nghĩ sao?
- Con nay cũng khôn lớn, tùy nó quyết định! Gia đình mình nghèo khổ mà cứ cầm chân nó lại trong sự khốn khó cũng tội nghiệp! Con đi ở đợ cho người ta, mình cũng đau lòng lắm. Nhưng biết đâu đó là cơ hội để nó có thể tiến thân. Ông Sửu điềm đạm trả lời vợ, xong ông đọc tiếp câu ca dao: “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.”
- Thưa ba mạ cứ cho con đi làm thử một thời gian. Ba mạ đừng lo! Con hứa ngoan ngoãn, và chịu  khó siêng năng làm việc.  May ra chủ nhà sẽ thương tình giúp đỡ thêm cho gia đình mình ! Từ  đó có tiền lo cho các em ăn học và ba có tiền chữa bệnh. Hoa lễ phép thưa cùng ba mạ nàng.
- Con tôi ngoan quá! Con còn bé mà biết lo cho gia đình. Mạ cảm động quá! Bà Sửu rơm rớm nước mắt xoa đầu Hoa bùi ngùi nói.
Mấy đứa em Hoa im lặng buồn rầu vì nghĩ ngày mai chúng phải xa người chị thân yêu. Người chị hàng ngày đã săn sóc, bồng ẵm cùng chia ngọt sẻ bùi với chúng. Bầu không khí buồn tẻ bao trùm gia đình Hoa…

Thao thức mãi cả đêm dài không ngủ,
Nhớ làm sao hình ảnh của quê mình!
Thuở bé thơ đượm thắm biết bao tình,
Bên cha mẹ, bên họ hàng ruột thịt...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét