Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

ẤU THƠ- Trích Truyện Dài Tình Cảm Xã Hội NỖI LÒNG & KHÁT VỌNG / Sentiment & Aspiration - Nguyễn Ninh Thuận


 H
oa được sinh ra và lớn lên ở thôn Bến Đá, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ; đây là tỉnh địa đầu giới tuyến ngăn cách hai miền Nam Bắc Việt Nam bằng chiếc cầu oan nghiệt Hiền Lương (còn gọi là cầu Bến Hải). Bên kia cầu phía Bắc là phần đất của phe Cộng Sản. Bên nầy cầu phía Nam là phần đất của người Việt Quốc Gia theo khối thế giới Tự Do. Đời sống thôn Bến Đá tuy được tự do, nhưng vùng nầy “đất cày lên sỏi đá ”. Lại nữa “Trời đày cơn lụt mỗi năm, mùa Đông thiếu áo, mùa Hè thời thiếu ăn…”
<!>
Tất cả những nỗi khổ trong dân gian, người dân ở đây gánh chịu hết. Ca sĩ Duy Khánh, một người của Quảng Trị đã diễn tả tuyệt vời trong ca khúc “ Tiếng Sông Hương ”của  nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Từ đầu Hạ đến cuối Thu, làng Bến Đá vốn thuần nghề nông, nên mãi nghèo xơ xác. Với con trâu đi trước cái cày  theo sau    phương  tiện  sinh sống của dân làng. Nó đem lại từng hạt lúa trăn trở cho dân quê chân lấm tay bùn. Ngoài ra từng vồng khoai sắn, đậu mè góp cho cái bao tử vốn xẹp lép được căng ra chút đỉnh. Khí hậu ở đây quá khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi.
Nguồn thu hoạch không được bao nhiêu, dù dân làng đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt tưới lên ruộng đồng. Mùa Hè, khí trời nóng bức làm người và vạn vật uể oải, cây cối thiếu nước ủ rũ, ruộng lúa nức nẻ. Hoa cũng như mọi người đã dùng những chiếc quạt mo để đem chút hơi mát đến, hay trốn chạy cái nóng dưới những tàn cây râm mát...
Những trận gió Nam Lào nóng hổi thổi về miền Trung khô cằn. Gió đem theo cát bụi mịt mù, thổi rào rào trên những mái nhà tôn. Con người như khô kiệt, buổi trưa trăn trở tìm hơi mát trên những tấm phản gỗ ướt đẫm mồ hôi. Cơn gió nóng không buông tha giường chiếu. Sờ vào nơi nào cũng cảm thấy nóng hôi hổi. Sửu cũng như những người đàn ông con trai trong làng cởi trần, quạt phành phạch cố xua đi cơn nóng phừng phực như trêu ghẹo sức chịu đựng người dân quê lam lũ, nghèo khổ... Dù mệt mỏi sau khi làm việc vất vả, nhưng mọi người không muốn ngả lưng nghỉ ngơi...
Thập niên 60, về đêm, làng Bến Đá chìm trong bóng tối với những ngọn đèn dầu hiu hắt. Những đêm trăng sáng, khung cảnh vui hơn. Tiếng cười khúc khích của các cô thôn nữ trổi lên không ngớt. Những câu hát đối đáp của trai gái làm vơi bớt sự mệt nhọc của công việc đồng áng: tuốt nếp, đạp lúa, giã gạo… Bến Đá nói riêng, Quảng Trị nói chung hay cả miền Trung có bốn mùa rõ rệt... 
 Mùa Đông thì ôi thôi buồn thúi ruột, mưa rả rích, mưa dầm mưa dề đến thối cả đất. Người và vật co ro trong những chiếc áo lạnh sờn vai. Sửu cũng như mọi người trong làng che mưa bằng những cái tơi chằm bằng lá lụp xụp, gió bề nào che bề đó không đủ mời gọi chị mưa đi chỗ khác chơi.
Mọi người ra đường, những hàm răng thường đánh lặp cặp vào nhau đến tê tái làn da xám ngắt, những đôi chân run run, xiêu vẹo trơn trợt trong vũng bùn nhắc lên không nổi. Đôi bàn tay xương xương, vuốt khuôn mặt hốc hác đầy nước mưa như dòng lệ không ngừng chảy trong tâm cang phát ra… Nhưng càng khổ hơn với cái lụt ào ào đến viếng không cần mời gọi. Hoa hay ra bờ sông thăm dò mực nước sông mấp mé bến đường để rồi thông báo cho bà con làng xóm chuẩn bị đối phó với « Thần Lụt ». Thế rồi nước ào ào thi nhau vào nhà, Hoa xắn quần xắn áo lội bì bõm phụ cha mẹ dời vật dụng trong nhà lên cao hơn. Ông Sửu gác mấy cây ván trên đòn dông nhà hối thúc vợ con «  Mẹ con bây phụ chuyển những vật dụng, nồi niêu son chảo cho tôi nếu không muốn cái sản nghiệp nhỏ nhoi, đồ đạc bị ướt hay nước lụt cuốn trôi đi... »
- Ông à ! Hoa, con ơi ! Chúng mình phải thu xếp vật dụng cần thiết, áo quần để phòng mang theo đò đi cứu dân làng khi lụt lên quá cao để đi trú ẩn những nơi cao như nhà ga, chùa trên núi... Giọng bà Sửu lo lắng cất lên. 
 Hoa u buồn góp chuyện « Khổ ơi là khổ ! không những bị lụt, mà hàng năm cơn bão cũng không tha và đã gieo bao tai họa khốn khổ cho quê hương nghèo đói của mình nữa... »
Là vùng địa đầu của miền giới tuyến, làng Bến Đá không tránh được bao bom đạn chiến tranh tàn phá khốc liệt. Đêm đêm vọng về những tràng đạn pháo, đại liên… Những ánh hỏa châu lập lòe như ánh sáng đom đóm trong những đêm tối trời xa vắng. Những tiếng rền trời đinh tai nhức óc của từng đoàn máy bay xuyên ngang vùng giới tuyến rồi cũng quen tai cho những khuôn mặt già nua ngơ ngác.
Tiếng thở dài bất tận suốt đêm thâu và trăn trở cho cuộc sống dân nghèo. Tuy vậy sức chịu đựng trước nghịch cảnh thiên tai vẫn tiếp diễn, tiếp diễn… Số phận hẩm hiu vẫn hằn in trên từng nét mặt dân làng và như bánh xe quay theo thời gian. Trong một năm, dân làng, cây cỏ cảm thấy nhẹ nhỏm với nàng Xuân tươi cười xuất hiện. Gần tiết Xuân hơi se lạnh, rồi Tết đến đem bao niềm vui cho trẻ thơ trông ngóng tấm áo mới, thay cho những áo quần đã chắp vá cũ mèm. Cái rộn ràng của tiếng Xuân, xóa đi bao sợ sệt của đám trẻ trong cơn hốt hoảng vì bom đạn chiến tranh, khiến chúng phải nép vào lòng mẹ tìm hơi ấm và sự che chở của tình thương.
Bến Đá đó đất khô cằn sỏi đá,
Cạnh bờ sông ít ruộng lúa nương dâu
Người dân sống hiền hoà trong mái lá, 
Làng tôi nghèo, vùng hoả tuyến địa đầu,

Bến Đá tôi, dân tình luôn khốn khổ,
Vẫn trụ mình bám đất giữ quê hương,
Sát nách giặc, nên ngày đêm máu đổ!
Đành xa quê, nhiều kỷ niệm buồn thương!…

Hoa, cô bé gái đầu lòng trong số bảy con của ông bà Sửu.  Gia đình sinh sống bằng nghề nông của làng Bến Đá. Cuộc sống của hai ông bà thật tất bật với chín miệng ăn. Cái ăn lo không đủ lấy chi lo cho các con cắp sách đến trường, đúng như câu ngạn ngữ “ cái khó bó cái khôn ”.
- Vợ chồng mình một nắng hai sương, cày sâu cuốc bẫm. Chúng mình làm thuê làm mướn trên mấy thửa ruộng khô cằn đến nám mặt. Làm cật lực như thế mà không lo đủ cho các con mỗi ngày một khôn lớn no bụng. Muốn thoát khỏi cảnh này thì phải cho các con đi học. Có như thế, may ra tương lai chúng khá hơn, không giống mình như hiện nay... Bà Sửu hay than thở cùng chồng.
- Mẹ nó nói như thế rất phải! Cái ăn cũng không có, lấy tiền đâu mà cho con đi học. Tôi thì đau ốm bệnh tật triền miên. Bao nhiêu gánh nặng, lo toan cho cuộc sống trong nhà đều trông cậy vào một mình bà hết!
Nói tới đó ông Sửu thấy thương cảm cho vợ, người đàn bà cùng quê đã chia ngọt sẻ bùi với ông hơn mười mấy năm qua. Bà đã sinh cho ông bảy đứa con vừa trai vừa gái, mấy đứa con gái giống mẹ rất xinh xắn. Hình ảnh bà Sửu hồi còn trẻ hiện về trong ký ức ông…

Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét