Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

SƠ LƯỢC VỀ PHONG TỤC TẾT VIỆT NAM( Tham khảo tài liệu ) - Nguyễn Ninh Thuận



Từ ngàn xưa, Nước Việt Nam có phong tục tập quán riêng của mình. Nhưng trong những thế kỷ bị người Tàu đô hộ mới chịu ảnh hưởng phong tục của Trung Hoa. Trong đó có hội hè đình đám, tế lễ… Một năm chúng ta nhiều ngày Tết như Tết Nguyên Đán- Tết Đoan Ngọ- Tết Trung thu- Tết Trùng Cửu...Nhưng Tết lớn nhất vẫn là Tết Nguyên Đán, đây là ngày đầu tiên của năm mới Âm lịch hay ngày mồng một tháng giêng ta vậy!
<!>
   Thời xa xưa khi phương tiện không đầy đủ như hiện nay, người ta sửa soạn và sắm Tết ít nhất một tháng. Nào là gạo, nếp, đường, đậu mè, vật dụng làm mứt… là những thứ để nấu bánh chưng, bánh tét, bánh ú, bánh dầy, xôi chè và các thứ bánh mứt khác của từng miền... Cực nhất là đãi đậu xanh, chẻ lạt, chọn lá trước khi gói bánh vài ba ngày Tết. Nhưng với trào lưu tiến hóa của nhân loại, nay đậu xanh đã được đãi vỏ sẳn xấy khô để vào từng bao, giây gói bánh bằng nylon, lá chuối tốt đã được để trong tủ lạnh của chợ...Chúng ta chỉ việc kiếm tiền mua tất cả về nhà gói bánh, hay bận việc thì mua chúng ở các cửa hàng, siêu thị với mức bánh ê hề...
   Trước Tết người ta lo sơn phết, trang hoàng nhà cửa cho khang trang sạch sẽ. Trẩy lá hoa Mai để kịp nở hoa vào dịp Tết. Nhà quê thì gieo trồng các loại hoa mà mình yêu thích như hoa Vạn Thọ, hoa Mồng Gà... Chợ Tết bày đủ các loại hoa nào là Mai, Đào, Vạn Thọ, Cúc, Thược Dược, Hướng Dương, Lay-Ơn...Rồi chậu Quốc sai trái, Bàn Tay Phật cũng không thiếu trong những nhà giàu sang khá giả. Hàng Tết gồm bánh, mứt, trà rượu, pháo...được bày bán khắp chợ để khách mua chi dùng và làm quà biếu xén trong dịp Tết.
    LỄ ĐƯA RƯỚC ÔNG TÁO:
  Không khí Tết như bắt đầu kể từ ngày 23 tháng chạp. Nhà nào cũng nấu chè xôi, bánh mứt, bông ba hoa quả. Nhà khá giả thì thêm gà, heo, cá gáy, rượu trà linh đình… trước cúng, sau để họp mặt gia đình chung vui... Nhiều gia đình còn giữ tục đốt vàng mã,, đốt giấy cá chép hóa rồng để Ông Táo có phương tiện cưỡi bay về Trời...
   Theo tục truyền Táo Quân gồm có hai ông và một bà được thờ trong bếp của người Việt Nam. Táo Quân là vị Thần trông coi mọi việc trong nhà để 23 tháng chạp lên báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế tất cả mọi việc của gia chủ đã làm trong năm vừa qua. Hồi xưa người ta nấu bếp bằng Ba Ông Táo bằng đất nung chụm lại, sau cải tiến bằng cái kiềng ba chân bằng sắt, thép gang... Và còn thờ Ba Ông Táo bằng đất nung nhỏ trên bàn thờ bếp... Cuối năm, người ta mang mấy Ông Táo ra để dưới gốc cây Đa đầu làng và mang Ô. Táo mới về dùng. Có nơi gọi Ô.Táo là Thần Bếp. Có người tin tưởng Thần ban phép lành cho sự yên vui, làm ăn phát đạt cho mọi người trong nhà, nhất là con nít khi đau ốm hay khấn khứa với Thần Bếp...
   Về sự tích ô.Táo có nhiều giả thuyết khác nhau. Sau đây là một trong những truyền thuyết trong dân gian...Có hai vợ chồng kia rất thương yêu nhau. Gặp một năm thất mùa đói kém, người chồng phải từ giã vợ hiền để đi tìm đường sinh sống làm ăn và hẹn ba năm sau dù thế nào cũng trở về đoàn tụ. Nếu ông không trở về thì xem như đã chết, bà vợ cứ đi lấy chồng khác. Người vợ đi làm công cho một Phú hộ và thủ tiết đợi chồng. Ông Phú hộ đã tận tình giúp đỡ nàng. Ba năm sau người chồng không trở về. Người vợ quá chương chồng, nên để tang chồng thêm ba năm nữa. Ông Phú hộ cảm kích người vợ, nên xin kết hôn với nàng. Vì ân nghĩa với ông phú hộ, nên bà bằng lòng kết hôn với ông ta. Một thời gian sau, người chồng trở về làng trong đói rách và đi xin ăn. Ông ta đến nhà Phú ông và gặp vợ cũ. Bà ta nhìn ra chồng cũ và mang cơm canh cho ăn gặp khi ông Phú hộ đi thâu tiền về. Người vợ sợ quá, giấu ông chồng cũ vào đống rơm. Không ngờ vì bất cẩn, đống rơm bốc cháy. Người vợ nhảy vào đống lửa chết theo chồng cũ. Ông Phú hộ quá thương vợ cũng nhảy vào chết theo.
   Cả ba người đều có tình nghĩa tốt đẹp với nhau. Vua Diêm Vương phong cho ba người làm Thần Bếp Lửa cho nhân gian và thường gọi là Vua bếp hay Táo quân.
   Sáng sớm ba mươi tháng Chạp hoặc hai mươi chín ( nếu tháng chạp thiếu) người ta rước ông Táo & Tổ tiên ông bà về ăn Tết với gia đình trong ba ngày Xuân. Ngày mồng ba hoặc mồng bốn tháng giêng, nhà nhà làm mâm cơm tiễn ông bà đi. Riêng ông Táo vẫn ở lại và ngày 23 tháng chạp hằng năm lại về Trời làm nhiệm vụ tâu trình...
TỤC TRỒNG CÂY NÊU
   Trước đây, nhất là ở thôn quê có tục trồng cây Nêu ở trước nhà để đón mừng Tổ Tiên, ông bà về ăn Tết và cũng để trừ ma quỷ quấy phá nhà mình. Họ trồng Nêu vào ngày 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo về Trời. Họ sợ trong dịp ba ngày Tết ông Táo vắng mặt sẽ bị ma quỷ quấy phá trong nhà!
  Cây Nêu là một cây tre dài khoảng 5,6 mét có đủ cành lá trên ngọn. Dưới chòm lá, người ta hay treo một vòng tròn nhỏ, có buộc vàng mã, bùa trừ tà ma, hình con cá chép để ông Táo bay về Trời. Đôi khi còn treo chiếc khánh của nhà Phật bằng đất nung. Mỗi khi có gió thổi, các đồ vật kêu leng keng làm ma quỷ sợ tránh xa... Tối đến người ta còn treo lồng đèn cho sáng để Tổ Tiên biết đường vào nhà ăn Tết. Nếu không có cây Nêu , người ta hay treo cành đa, lá dứa, cây xương rồng ở cửa ngõ để trừ ma quỷ. Có nhà lấy vôi bột vẽ những hình bàn cờ, hình cung tên trước và xung quanh nhà để ngăn ma quỷ. Ngày nay tục dựng Nêu chỉ có trong hội hè, đình đám Tết...để nhớ về phong tục tập quán ông bà ta xa xưa.
  Ngoài ra có tục tảo mộ cuối và đầu năm nữa.
   TỤC ĐÁNH ĐU, TẾ LỄ, HỘI HÈ...
   Đêm giao thừa và mùng một Tết người ta máng pháo vào cây nêu, hay trước cửa nhà để đốt, có khi cả mấy thước để gây tiếng nổ nhằm xua ma quỷ và đó như một lời chúc mừng đầu năm. Hồi xưa, mỗi khi một người đến thăm Tết, họ hay đốt lên những pháo lẻ. Sau đó đọc thơ hay những câu chúc tốt đẹp cho gia đình gia chủ như : Vạn sự như ý, sức khỏe tài lộc dồi dào, của tiền như nước... Ngoài ra có những câu: Chúc Mừng Năm Mới- Cung Chúc Tân Xuân cũng được treo lủng lẳng trên cành mai, hay những tấm thiệp thân nhân đã gởi tới được bày trên cành mai vàng làm cho cành Mai rực rỡ hơn... Tập tục đốt pháo được lưu truyền cho đến ngày nay trong những dịp Tết, tế lễ đình đám, cưới xin... Sau đó có tục xì xì tiền trong phong bì đỏ cho trẻ em... Ba ngày Tết có những hội hè đình đám rất vui với các trò chơi dân gian như chèo thuyền, đua ghe, chạy nhảy, đánh đu, leo trèo...
   CÂU ĐỐI ĐỎ.
  Để chuẩn bị ăn Tết vui Xuân hay mừng những đám tiệc, ăn nhà mới... thời xưa người ta hay có những câu đối viết bằng mực Tàu đen trên những tấm vải đỏ, vàng để trang hoàng nhà cửa trong những dịp lễ lộc. Đó là những câu bằng chữ Hán, chữ Nôm hay quốc ngữ mà ngày Tết hay đề cập đến trong thi văn là  “ Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
                                                                          Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh ”
   Các câu mừng Xuân được viết bằng chữ Nho màu đen trên giấy đỏ nên gọi là câu đối đỏ.
   Những cụ đồ Nho chuyên viết và bán các câu đối đỏ vào những phiên chợ Tết trước chiến tranh 1939-1945 đã được Vũ Đình Liên mô tả trong bài thơ bất hủ sau đây:
        “ Mỗi năm hoa đào nở,
           Lại thấy ông đồ già.
           Bày mực Tàu giấy đỏ,
           Bên phố đông người qua.

          Bao nhiêu người thuê viết,
          Tấm tắc ngợi khen tài.
          Hoa tay thảo những nét,
          Như Phượng múa rồng bay....”

 Sự Tích Bánh Chưng, Bánh Dầy, Dưa Hấu.
     Vào ngày Tết, trong mâm cỗ không thể thiếu bánh Chưng xanh, bánh Dầy. Hai thứ bánh này tượng trưng cho lòng hiếu thảo của con cái đối với Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ...
    Theo truyền thuyết, Vua Hùng Vương đã già, ngài muốn truyền ngôi báu cho con, nên gọi tất cả các con và truyền bảo ai tìm được của ngon vật lạ dâng lên nếu vua hài lòng sẽ được truyền ngôi báu. Tất cả các hoàng tử, kẻ lên rừng, người xuống biển hay đi các xứ lân bang tìm kiếm của ngon vật lạ để dâng vua. Lang Liêu con của một thứ thiếp, mẹ chết sớm nên sống ngoài dân gian, cày cấy sinh nhai. Chàng là một người con chí hiếu, nhưng không có tiền của để mua sơn hào hải vị dâng biến vua cha. Chàng ta đã than khóc. Đêm đó có một vị thần hiện ra bảo:
     -Trên đời này không có gì quý bằng hạt gạo nếp. Con lấy nếp gói làm thành cái bánh vuông vuông, ngoài gói lá xanh tượng trưng sự sống của cây cỏ. Giữa có đậu thịt. Cái bánh vuông tượng trưng cho Đất là bánh Chưng. Nếp xay thật nhuyễn, nặn thành hình tròn tượng trưng cho Trời, đó là bánh Dầy. Các bánh giản dị này đem dâng lên, thế nào vua cha cũng truyền ngôi cho con.
    Đến hôm sát hạch, vua Hùng Vương nhận được nhiều món ngon vật lạ của các con dâng lên. Duy chỉ có món bánh của Lang Liêu là giản dị và ngon miệng nhất. Vua hỏi, Lang Liêu giải thích ý nghĩa của hai thứ bánh đó, nói lên ý nghĩa là công ơn cha mẹ ví như Trời Đất. Nó nói lên lòng hiếu thảo của con cái đối với đấng sinh thành. Vua cha rất ưng ý và truyền ngôi báu cho Lang Liêu. Từ đó Ngài truyền trong dân gian dùng bánh này trong những dịp Tết lễ...
·         Về sự tích trái đưa hấu được tóm tắt như sau...
   An Tiêm bị nhà vua đày ra hoang đảo. Khi khô cạn thực phẩm không có cái ăn, An Tiêm nằm lã đi vì đói khát... Chàng bỗng thấy mấy chú chim đang rỉa ăn một trái lạ có vỏ xanh ruột đỏ và hột màu đen. An Tiêm suy nghĩ:
 -Trái cây, đồ vật chi mà chim ăn được thì người cũng ăn được!
  Suy nghĩ như thế, An Tiêm nếm thử một miếng thấy ngon ngọt và mát ruột. Chàng mang về nhà cho vợ con cùng ăn đỡ dạ. Sau đó, An Tiêm lấy hột làm giống trỉa khắp hoang đảo để sinh sống và bán cho các tàu buôn mang về đất liền. Về sau vua cha biết được tin, tha cho gia đình An Tiêm trở về đất liền sinh sống và truyền cho dân gian trồng loại đưa này ăn.
  Dân ta có tục cúng Dưa Hấu trong dịp Tết. Họ lại tin tưởng đầu năm mới bổ dưa thắm đỏ thì cả năm sẽ gặp mọi điều may mắn...
  GIAO THỪA VÀ LỄ CÚNG GIA TIÊN
  Vào lúc 12 giờ đêm 30 Tết, hay 29 nếu là tháng chạp thiếu, người ta bày bàn hương án bông ba hoa quả, nhang đèn, trầm hương , bánh mứt, lễ vật...để cúng giao thừa ngoài cửa chính ra vào nhà. Đó là lễ “ Tống Cựu Nghinh Tân ” Đưa cái cũ và mọi điều xui xẻo đi và đón cái mới tốt đẹp tới cho cả năm mới vào. Sau đó gia chủ vào nhà cúng Tổ Tiên, ông bà với mâm cỗ như cúng giao thừa, hay tùy lòng gia chủ. Lễ cúng Tổ Tiên kéo dài trong ba ngày Tết. Có chỗ có tập tục đón ông bà về vào chiều 30, hay 29 Tết với con cháu sum vầy trong ba ngày Tết. Ngày mồng ba Tết làm cỗ đưa ông bà đi, gọi là ngày “ hóa vàng ”. Có thể là ngày mồng bảy tháng giêng, tức ngày khai hạ, ngày đốt vàng mã, hạ cây nêu xuống...
   TỤC XÔNG NHÀ HAY GỌI LÀ XÔNG ĐẤT
  Ngày mồng một Tết, người khách đầu tiên vào nhà thì gọi là người xông đất. Người ta tin tưởng hên xui cho cả năm là do người xông đất mang đến. Để tránh xui xẻo, người ta hay nhờ người hợp tuổi, tên tốt, gia đình hạnh phúc con cháu đầy nhà...  ngày mồng một đến sớm xông đất để được tốt lành. Ngày Tết người ta thường chúc nhau lời hay ý đẹp....
  TỤC XUẤT HÀNH
   Đầu năm mới người ta hay chọn ngày tốt, hướng đi, giờ hạp... để xuất hành lấy hên. Đêm giao thừa, người ta hay đi Chùa, Nhà Thờ, Đền thờ...cầu phúc hái lộc đầu năm. Xin xăm bói toán và mua vé số cầu tài, thử thời vận năm mới... Người Việt Nam có thói quen đi thăm bạn bè thân hữu và mồ mã thân nhân trong ngày Tết.
  KHAI BÚT TÂN XUÂN
  Khai bút mừng Xuân xem như chỉ dành cho lớp nho sĩ và người có học thức mà thôi! Họ thường chọn ngày lành tháng tốt đầu năm để khai bút. Người mua bán làm ăn cũng chọn ngày lành tháng tốt, hợp tuổi để khai trương mở hàng mua bán làm ăn...
  Ngoài ra người ta có thói quen gỡ bài ( bói bài ) bói Kiều đầu năm. Trong dân gian có thói quen đánh các loại bài vui Xuân trong ba ngày Tết như bầu cua cá cọp, lô tô, mạc chược, xì dách...
  NHỮNG KIÊNG KỊ TRONG NGÀY TẾT
   Đầu năm mới, người ta cố tránh gắt gỏng, chưởi mắng, giận dữ, cải lộn... Họ cũng tránh không làm đổ vỡ đồ đạc chén dĩa ly tách.... Trách mặc áo quần đen trắng vì sợ xui xẻo. Kiêng đòi nợ đầu năm, nợ nần phải thanh toán trước ngày 30 Tết. Mọi sinh hoạt thường đình chỉ, nghỉ ngơi vui chơi, không đi làm để năm mới được thong dong. Quét nhà thì chỉ vun vào một góc nhà, không hốt đổ đi, để tiền bạc không hao hụt, mất mát. Đặc biệt người có tang chế và có thai nghén không được xông đất nhà ai. Nếu gặp phải những điều xui xẻo, không như ý người ta thì họ lại bày tục đốt phong long. Không những ngày Tết mà các cửa hàng mua bán cũng hay lấy giấy đốt phong long, khi cảm thấy khách mua hàng kèo cưa giá cả sẽ làm xấu thương vụ mua bán trong ngày của họ....
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét