Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

NGHỊCH CẢNH - Nguyễn Ninh Thuận

   Phi trường Tân Sơn Nhứt hôm nay nhộn nhịp hơn hẳn mọi ngày. Từng đoàn xe Bus bao thuê chở khách ra vào tấp nập. Từng tốp người với áo quần tươm tất đủ màu sắc lần lượt xuống xe Bus. Các cô gái trẻ đẹp được dịp khoe những đôi chân trắng nõn ngọc ngà của mình. Dưới chiếc áo đầm bó sát thân thể cân đối của họ lồ lộ hiện ra những đường cong tuyệt mỹ. Váy dài váy ngắn đủ cỡ, tà áo dài trước gió như những đàn bướm bay lượn với nhiều màu sắc sặc sỡ.
<!>
Đàn ông thì sơ mi đóng thùng, áo thun đủ cỡ. Vài ba người già và trung niên lên bộ complet đậm, nhạt khác nhau. Những bé gái tung tăng chạy nhẩy với những chiếc áo đầm hoa lá đủ mầu, còn những cháu bé trai thì cứng đơ trong những chiếc quần tây, sơ mi ca rô còn thơm mùi vải. Vang đâu đây tiếng của các bậc cha mẹ la rầy trách móc các con của họ. Tiếng một bà mẹ cất lên thánh thoát:
-Họa Mi con! Đừng nhặt hoa bên vệ đường mà lấm lem áo đầm đẹp đó nghe con!
Một chú bé òa lên khóc vì vấp ngã. Bà mẹ đỡ dậy vỗ về:
-Nín đi con chắc đau lắm hả con?
Trước lời dỗ dành của mẹ nhưng chú bé không nín khóc, nó vẫn thút thít nói:
-Đau chân con lắm mẹ ơi!
Đưa tay sờ vào vết trầy ở đầu gối rơm rớm máu của con, bà mẹ lên tiếng xuýt xoa:
-Tội nghiệp con tôi quá!
Ba chú bé hớt hải chạy tới, ông ta  quýnh quáng lên tiếng rầy vợ:
-Sao em không dẫn con để nó té như thế?
Hai vợ chồng nóng ruột vì thằng con bị té được dịp trách móc nhau:
-Anh cứ lầm lũi đi một mình để cho con chạy theo té như vậy còn trách em nỗi gì?
Dù có giận nhau chút đỉnh, bà vợ vẫn cố nhịn nhục chồng, nhỏ nhẹ lên tiếng:
-Anh coi đi tìm bông gòn và thuốc sát trùng xức cho con đi!
Nghe vợ nhỏ nhẹ nói, ông chồng mát dạ làm lành ngay, ông ta vội đi tìm thuốc xức chỗ đau của thằng bé.
Tiếng nói chuyện râm ran của hai người bạn vang lên nói về tình cảnh của Ba thằng Sơn:
-Ba của thằng Sơn và gia đình anh ta hên quá, được Mỹ rước qua nước nó!
-Âu đó cũng là niềm an ủi cho anh ấy và gia đình sau một thời gian dài nhiều năm anh ấy bị khốn khổ đi “ Học tập cải tạo ”.
-Anh ấy mang bệnh tật mới được thả ra đó. Cũng may là anh ấy đã khỏi bệnh nên gia đình mới được ra đi. Một tương lai tươi sáng đang chờ đón gia đình anh ấy trên xứ Mỹ văn minh, giàu sang. Nếu anh ta như thằng Thiếu Úy Nguyễn Kim Tiên, chết trước ngày phỏng vấn có một tháng thì gia đình vợ con cũng đành khốn khổ suốt đời ở đây thôi. Ai mà rước vợ con nếu đầu tàu đã chết.
Có người lên tiếng cãi lại:
-Nếu chết ở trong tù thì vợ con cũng được Mỹ rước đó!
-Nói gì, chết trong tù thì vợ con được đi thì phải rồi. Mỹ coi như chồng họ bị kẻ cầm quyền ngược đãi, hành hạ đến chết thì vợ con họ được Mỹ rước. Như vậy là Mỹ quá nhân đạo.

-Người ta thường nói: “ Xứ Mỹ là xứ của cơ hội ” hay có người còn nói là “ Vùng đất hứa...”
Thở dài, ông ta tiếp lời:
-Sau hơn hai năm bị đày đọa khổ sở trong tù, tôi bị bệnh nặng, trại không có thuốc men chữa trị. Trại nghĩ rằng tôi sẽ chết nên buộc lòng họ phải thả tôi về sớm, nên bây giờ tôi không có đủ ba năm ở tù để được làm đơn xin đi Mỹ như  Ba của thằng Sơn nầy.
Người bạn khác lên tiếng an ủi
-Thôi đừng buồn nữa bạn ạ! Giày dép còn có số huống chi con người. Trong cái rủi có cái may của nó. Đúng là “ Tái Ông mất ngựa ”.
Trên mặt mọi người, buồn vui lẫn lộn. Những ánh mắt của những gia đình HO được đi định cư ở Mỹ ngời sáng hướng về tương lai. Đây là ngày quan trọng của những người tù chính trị được đền bù xứng đáng sau bao năm tháng dài bị khổ sai lao động nơi rừng thiêng nước độc, mà họ còn sống sót trở về đoàn tụ với gia đình là điều may mắn lắm rồi! Những năm tháng nhọc nhằn chờ đợi một điều mà họ chưa bao giờ dám nghĩ đến. Được chính phủ Mỹ can thiệp cho đi định cư ở xứ Cờ Hoa. Người đi kẻ ở bùi ngùi lưu luyến. Mừng cho người thân được ra đi để đến xứ sở đầy hứa hẹn, và buồn cho kẻ ở lại với tương lai mịt mù đen tối, cuộc sống thật khó khăn trước mắt, con người bị mất hết tự do. Gia đình Ba của thằng Sơn nằm trong diện HO. được đi chuyến bay ngày hôm nay.
Ba của Sơn bắt tay chào từ biệt bạn bè với những câu rập khuôn:
-Các anh ở lại mạnh khỏe. Hẹn gặp lại một thời gian sau...
Các bạn bè tranh nhau chúc tụng nhốn nháo hẳn lên với những câu vui vẻ:
-Chúc anh và gia đình đi bình an!
-Tới nơi nhớ nhắn tin về cho biết nghe anh!
-Chúc anh gia đình sớm được thành công ở xứ Mỹ!
-Sau này làm ăn khá, đừng quên bạn bè nghèo bên Việt Nam anh nhé!
-Nhớ về thăm anh em bè bạn ở quê nhà nghe anh!
Ba của Sơn, một Thiếu-tá Thiết giáp với nhiều huy chương đầy ngực. Trong người anh cũng không thiếu những vết sẹo của súng đạn để lại từ khi xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao. Ba của Sơn theo học khóa Sĩ Quan Thủ-Đức ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy. Rồi với những chiến công lẫy lừng kéo dài theo thời gian cũng lắm gian nan khổ cực, mạng sống như đường tơ kẽ tóc. Ba của Sơn đã dãi dầu sương gió, nằm gai nếm mật để ngoi lên từ Chuẩn Úy đến Thiếu Tá. Người đổi biết bao xương máu của chính mình. Có những trận ác chiến, Sơn bị thương nặng. Gia đình hay tin vội tìm đến Quân Y Viện thăm. Thấy Ba của Sơn thiêm thiếp trên giường bệnh. Mẹ của Sơn cầm lấy tay chồng bệu bạo khóc:
-Anh thấy trong người thế nào? Anh làm em sợ quá!
Đưa đôi mắt yếu ớt nhìn vợ con, ba của Sơn cố nở nụ cười làm an lòng vợ con:
Anh không sao, mẹ con em đừng lo. Vài hôm nữa anh sẽ khỏi thôi! Rồi ông gọi anh em thằng Sơn đến gần xoa đầu dặn dò từng đứa một:
-Thằng Sơn lớn nhớ phụ mẹ chăm sóc các em nghe con!
Ông còn tiếp lời:
-Còn thằng Sơn nhỏ và con bé gái của ba hãy cố gắng chăm chỉ học hành, nghe lời mẹ dạy. Đừng làm mẹ buồn lòng. Ngoan ngoãn ba sẽ thương nhiều và sẽ có quà cho các con sau này.
Nghe ba của Sơn nói nhiều, mẹ của Sơn mắng yêu:
-Anh nghỉ ngơi cho khỏe đi. Đừng nói nhiều mà có hại cho sức khỏe.
Quay qua mấy đứa con thương yêu, bà nói tiếp:
-Các con hãy dang ra cho ba con nằm nghỉ.
Âu yếm cầm tay vợ, ba của Sơn ngậm ngùi nói:
-Em quả thật là một hiền phụ. Anh có phước lắm mới được gặp em đó. Anh mãi lo chuyện đáp đền ơn Tổ Quốc, luôn luôn đứng trước làn tên mũi đạn. Sự sống và chết chỉ trong gang tấc. Việc nhà em phải gánh vác hết mà không phiền trách anh một lời nào. Thật là một tri kỷ hiếm có trên đời nầy. Tội cho em quá.
Hai vợ chồng rưng rưng nước mắt thông cảm cho nhau.
Ba của Sơn lành bệnh, Người lại lao ra chiến trường tràn đầy khói súng.. Người hăng hái hòa nhập vào đồng đội, quyết một lòng xả thân đền ơn đất nước cho đến một ngày đất nước thật sự bị nghiêng ngửa bởi bàn cờ chính trị mà các cường quốc đã định trước.

Không biết do động cơ nào, lệnh trên bất nhất, rút chỗ này bỏ chỗ kia. Cuối cùng quân đội như rắn không đầu, để miền đất tự do rơi vào tay Cộng sản bạo tàn một cách vô lý chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh Việt Nam! Kẻ bại trận phải trả một giá rất đắt. Kẻ lanh chân đã trốn chạy, bỏ mặc bạn bè và đồng đội “sống chết mặc bay”. Người chậm chân phải khuất phục trước họng súng bạo tàn của kẻ chiến thắng, họ đành cắn răng nuốt hận trong các trại tù “ cải tạo ”. Dân chúng sống ngoài xã hội cũng không hơn gì những chiến sĩ đang nằm trong ngực tù. Họ rất khốn khổ trước những việc cướp bóc, tịch thu tài sản của kẻ dã man thắng trận. Kẻ dốt nát cầm quyền đã đưa người dân Việt Nam ở thế kỷ 20 trở về thời kỳ đồ đá xa xưa. Cũng lại con trâu đi trước cái cày đi sau, tất cả chỉ dùng bàn tay chai đá làm việc. Cuộc sống chậm tiến ấy kéo dài đến mấy mươi năm sau vẫn còn ì ạch đến ngày nay. Gia đình của Sơn chỉ chấm dứt kiếp sống khốn khổ đó khi được Chú Sam rộng lượng dang tay ra đón nhận cho định cư trên xứ sở của họ theo diện HO.
Sơn yêu Phụng, cô hàng xóm cạnh nhà. Tình yêu đầu đời của cặp nhân tình trẻ này thật thắm thiết. Thuở nhỏ, hai người đã cùng chơi cùng học với nhau dưới một mái trường. Tình cảm thơ ngây cứ theo ngày tháng sâu đậm thêm vào lòng. Cũng như hàng triệu triệu người dân cả nước, gia đình Sơn lâm vào hoàn cảnh quá khó khăn từ khi ba của Sơn bị tập trung “ cải tạo ”. Sơn và Phụng phải ra chợ trời mua bán làm ăn kiếm tiền phụ giúp gia đình. Riêng Sơn hoàn cảnh gia đình có khó khăn hơn nhiều vì ba của Sơn bị đi tù, mẹ của Sơn lại già, sức yếu sau bao năm vất vả, xuôi ngược nuôi chồng. Bao nhiêu vốn liếng cạn kiệt, đồ đạc trong nhà lần lượt ra chợ trời, hết đồ rồi đến quần áo cùng chung số phận, mới có tiền nuôi gia đình, nuôi ba của Sơn trong tù.
Thấy mẹ già đau ốm liên miên mà phải cố gắng tảo tần mua bán. Sơn lên tiếng đề nghị:
-Sức khỏe của mẹ cũng đã yếu lắm rồi, bây giờ mẹ chỉ làm những việc nhẹ thôi, mẹ đừng bôn ba buôn bán cực nhọc như trước đây nữa. Con sẽ thay thế mẹ buôn bán tảo tần kiếm sống qua ngày
Mẹ của Sơn vô cùng cảm động trước lời nói của thằng con trai lớn, bà ngậm ngùi nói:
-Tội nghiệp cho thằng con trai của tôi quá!
Sơn nhỏ nhẹ nói:
-Mẹ đừng buồn, để con ra mua bán làm ăn hòng có tiền đi thăm nuôi ba con.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, gia đình Sơn cực nhọc mua bán kiếm được số tiền đủ trang trải cuộc sống cho gia đình và đều đặn quà cáp thăm nuôi ba của Sơn. hàng tháng.
 Ba của Sơn được thả, Người mang tấm thân hình tiều tụy về nhà. Bệnh tật triền miên, sống lây lất qua ngày. Sơn là đầu tàu gánh vác tất cả chuyện nhà, chàng phải làm ngày làm đêm kiếm tiền chạy chữa thuốc thang cho ba mau bình phục. Ba của Sơn vừa hết bệnh cũng là lúc có chương trình H.O ra đời. Gia đình Sơn được đi định cư tại nước Mỹ sớm nhất.
 Dịp nầy, Sơn muốn ở lại VN để thành hôn với Phụng, cho trọn lòng họ quá yêu nhau. Họ  không thể không có nhau với bất cứ hoàn cảnh nào, họ đã thề non hẹn biển như vậy. Nhưng khốn thay, mặc dầu hai ông bà cũng rất thương yêu Phụng, hằng ao ước Phụng là con dâu của ông bà sau này, nhưng không vì Phụng mà Sơn ở lại Việt Nam trong thời điểm có cơ may duy nhứt đi Mỹ như thế này. Ngày đêm ba Sơn cố thuyết phục, cũng như mẹ Sơn từng giờ khóc lóc năn nỉ Sơn hãy ra đi với gia đình:
-Bố mẹ già biết trông cậy vào ai nếu con vì Phụng mà ở lại Việt Nam?
-Ba Má cũng đã biết con và Phụng thương nhau, nhưng trước mắt tương lai của con đang mở rộng, con cứ mạnh dạn ra đi, khi con có sự nghiệp ổn định rồi con trở về cưới Phụng có muộn màng gì đâu? Sau này sinh con đẻ cái, chúng mới có môi trường ăn học. Chứ con ở lại Việt Nam sẽ khổ sở suốt đời và làm cho Phụng nó cũng khổ theo con mà thôi, rồi kéo theo một đàn con cũng không ngóc đầu lên được. Ba Má khuyên con nên suy nghĩ cho kỹ thiệt hơn.
 Nghe lời khuyên hợp tình hợp lý của ba má, hơn nữa Sơn là đứa con rất hiếu thảo, không thể trái ý ba mẹ. Sơn quyết định từ giã người yêu ra đi!
Bây giờ ngồi đây trong phòng chờ tại Phi trường, đôi trai gái tay đan tay không muốn rời nhau, họ nói sao cho hết lời hứa hẹn, dặn dò, thề thốt.
Bỗng tiếng loa phóng thanh vang lên:
-Quý khách đi chuyến bay số... Xin vào phòng cách ly để chuẩn bị lên máy bay.
Sơn, Phụng bịn rịn chia tay, nước mắt tuôn dài trên má, Phụng âu yếm dặn dò Sơn lần cuối:
 -Tới Mỹ, anh nhớ gọi điện thoại về cho em ngay. Anh cố gắng học lấy một cái nghề gì đó để bảo đảm cho tương lai sau nầy!
Đâu đây tiếng khóc sụt sùi, hòa lẫn tiếng chúc nhau giữa kẻ ở người đi làm huyên náo cả một gian phòng đại sảnh rộng mênh mông. Tiếng chân vội vã kéo theo hành lý đi thật nhanh vào làm thủ tục cho kịp giờ khởi hành. Những cánh tay đưa lên cố vẫy chào nhau, giờ phút xa nhau bắt đầu cho những cuộc tình dở dang. Người đi tìm một cuộc sống mới với bao kỳ vọng vào tương lai! Kẻ ở lại, trở về với số phận hẩm hiu, nhọc nhằn tăm tối của mình.
 Cũng như bao gia đình người Việt khác đến Mỹ. Gia đình Sơn gặp nhiều khó khăn trước mắt. Hoàn cảnh xã hội mới lạ làm cho không ít người vỡ mộng, nó khác hoàn toàn với lời đồn đại:
-Qua Mỹ nơi rừng vàng biển bạc, dễ hái ra tiền, nơi làm chơi ăn thiệt.
Nhưng sự thật, nơi này phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra đồng tiền. Sau thời gian ngắn được lãnh trợ cấp. Ba của Sơn sáng sớm phải đi bỏ báo, Mẹ của Sơn làm rau ở chợ. Hai em của Sơn là Đức và Mai lỡ dở học chữ, nên đành phải học nghề Nail-Tóc để kiếm sống.
 Sơn vốn có chút kiến thức về xe cộ, nên theo ngay nghề sửa xe. Sơn lên tiếng thưa cùng ba mẹ:
-Con cũng đã lớn, học chữ chắc không vô. Con định đi học nghề.
Má của Sơn cướp lời con:
-Con định học nghề gì?
Ba của Sơn chen vào:
-Con nên học nghề thợ máy, hay sửa chữa nhà cửa.
Sơn chậm rãi thưa chuyện:
Con có biết chút ít về xe cộ, nên con muốn học nghề sửa xe hơi.
Má của Sơn mừng rỡ lên tiếng:
-Tùy con định liệu, nhưng nghe đâu nghề đó cũng cực nhọc lắm đó con!
Ba của Sơn chen vào:
-Nghề nào cũng phải cực nhọc thôi em à! Miễn con chịu thương chịu khó là được. Cực khổ cỡ nào nào cũng sướng hơn hồi còn ở Việt Nam.
  Thế rồi sau thời gian cần mẫn học tập, Sơn trở thành một anh thợ sửa xe giỏi có tiếng. Tay nghề mỗi ngày một cao vì chịu học hỏi từ những đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm. Dầu mỡ lem luốc suốt ngày, Sơn lăn lộn để có nhiều tiền, phần lo gia đình, phần gởi cho Phụng có vốn làm ăn.
Phụng ở nhà thì ngược lại, không lo làm ăn gì cả, mà sẵn có tiền của Sơn gởi về, đã ăn chơi phung phí. Nay quần này, mai áo kia mặc vài lần lại bỏ may cái khác. Đàn đúm nhảy nhót, của ngon vật lạ đều trải qua, la cà nơi ăn chơi phù phiếm. Hình như để bõ những ngày hàn vi cơ cực trước kia? Phụng đâu có biết rằng, những đồng tiền Sơn gởi về là kết quả của bao mồ hôi nước mắt của Sơn đánh đổi mới có được. Sơn muốn cho người yêu của mình bên quê nhà có nếp sống đầy đủ, và yên tâm đợi ngày Sơn trở về làm đám cưới. Sơn giấu biệt những khó khăn cực nhọc hàng ngày của Sơn ở bên nầy phải lăn lộn làm việc…
Phần đông người ở quê nhà. Thấy những thùng quà hay những số tiền lớn gởi về theo yêu cầu của người thân đòi hỏi, được đáp ứng. Họ đâu biết có được như vậy là cả một sự hy sinh to lớn của người nhà của họ ở bên Mỹ, đôi khi phải đi vay mượn của bạn bè gởi về, rồi trả góp lại sau, mà trả mãi vẫn còn nợ. Phải thức khuya dậy sớm, làm còng lưng với mấy cái máy xe hơi. Hai bàn tay lem luốc dính dầu mỡ, làm thêm giờ phụ trội buổi tối, kể cả ngày nghỉ. Gom góp từng đồng gởi về cho đủ số tiền thân nhân bên quê nhà yêu cầu. Trong khi bên này, tô phở cũng không dám ăn, quần áo thì mua garage sale mặc. Đồ dùng trong nhà đa số mua ngoài chợ trời. Chấp nhận sống thiếu thốn như vậy để đóng thùng quà gởi về VN. Người thân ở quê nhà lại ăn chơi phung phí, ném tiền qua cửa sổ!
 Phụng không ngoài hạng người đó, vật chất dư thừa, sinh ra bao thói hư tật xấu. Phụng như con thiêu thân lao vào ánh đèn trước mắt. Xa mặt cách lòng, Phụng quên Sơn đang nhớ thương, hy sinh cho mình. Phụng bây giờ đã lột xác hoàn toàn, ăn chơi sành điệu, chưng diện đúng mốt, Phụng đẹp hẳn ra.
 Sàigòn độ này nở rộ nhiều điểm ăn chơi, giải trí, quán ăn, quán nhậu, hình như để họ quên đi cuộc sống vất vả, khi kiếm được tiền họ lao ngay vào chốn ăn chơi trác táng, họ không biết những thú vui tao nhã nào khác. Cuộc sống không có ngày mai... Làm ra tiền không ăn chơi thì để làm gì? Họ sống không có lý tưởng, không có chí hướng. Cuộc sống xem ra quá ngắn ngủi, người ta cứ lao vào hưởng thụ và quên nó đi qua ly rượu mâm đèn! Kẻ cầm quyền bây giờ, luôn luôn mong muốn thế hệ thanh niên bây giờ không nên biết cái gì khác ngoài hút xách xì ke ma túy, ăn chơi sa đọa.
 Hằng đêm, Phụng theo chúng bạn lui tới các vũ trường, với những điệu nhạc quay cuồng, Phụng lao vào vòng tay khả ố của Kha.
 Kha là tay chơi bời lão luyện, khá đẹp trai với hàm râu mày én, áo quần hợp thời trang, Kha là cái đích cho nhiều phu nữ chú ý. Kha chinh phục những phụ nữ đứng tuổi sang trọng lắm tiền nhiều bạc. Không ai biết rõ Kha là thành phần nào, chỉ biết nơi chốn nào có ăn chơi là nơi đó có mặt Kha. Phong thái lịch lãm, áo quần bảnh bao. Kha xài tiền rộng rãi đối với đối tượng Kha đã chọn. Với lối sống đó, Kha làm cho nhiều phụ nữ muốn đến gần chàng. Nhưng Kha đến với phụ nữ nào đều có tính toán cẩn thận. Người Kha chọn phải có hai tiêu chuẩn bất di bất dịch: đẹp và nhiều tiền, vì Kha rất cần tiền để ăn chơi và để câu những con mồi chỗ khác.
Gặp được Phụng, Kha quyết chinh phục nàng, Kha lịch sự lên tiếng:
-Mời cô nhảy bài nầy với tôi.
Thấy Kha có bước nhảy điêu luyện, Phụng lên tiếng khen rối rít:
-Anh nhảy đẹp quá. Tôi mới học nhảy nên còn vụng về vô cùng.
Được dịp, Kha nhỏ nhẹ:
-Yên trí, tôi sẽ dìu cô nhảy, nhảy lâu ngày cô sẽ giỏi thôi!
Phụng bẽn lẽn nói:
-Cám ơn anh!
Thế rồi Phụng ngoan ngoãn bước ra sàn nhảy cho Kha dìu dắt. nàng cảm thấy sung sướng được nhảy với người sành điệu nhu Kha. Đã có chủ đích trước, Kha chiều chuộng Phụng vì nàng là đối tượng mà gần đây Kha mới phát hiện ra. Bằng mọi cách, Kha phải chinh phục người con gái trẻ đẹp biết ăn xài này! Phụng đang bị rình rập. Bẫy đã giăng sẵn mà nàng không biết. Phụng ngoan ngoãn tự chui vào!
 Sau nhiều lần gặp nhau ở vũ trường, Kha dìu Phụng đi những bước lả lướt, họ quay cuồng nhảy hết điệu này sang điệu khác, nhảy quên cả thời gian, đến mệt lả người. Kha nghĩ, cứ ôm nhau nhảy mãi cũng chả đi đến đâu mà Phụng thì ham nhảy nhót, nhưng hẹn về nhà chơi là một điều khó khăn, Kha phải nghĩ đến cách khác. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, Kha nói với Phụng:
-Sàigòn dạo này nóng quá! Nhảy nhót hoài cũng chán. Anh với một đám bạn định tổ chức đi tắm bùn nước nóng ở Bình Châu, bọn anh còn ghé qua Vũng Tàu tắm biển. Em và đám bạn em có tháp tùng không, để anh lo liệu.
 Không cần phải đắn đo suy nghĩ, Phụng vui vẻ lên tiếng:
-Em cũng chán không khí Sàigòn lắm rồi! Nếu bạn em không đi em cũng sẽ đi theo nhóm bạn anh cho vui.
Như mở cờ trong bụng. Kha đặt phòng và bao xe đi chơi. Hôm sau bọn Kha có mặt ở Bình Châu. Không khí Bình Châu thật êm dịu, đây là chỗ giải trí cao cấp mà Phụng chưa bao giờ đến. Nhà trọ ở đây giá rất cao, thiết kế theo kiểu gia đình, từng ngôi nhà một phòng với 2, 3, 4 phòng tùy số lượng người ở. Vừa đến nơi, Phụng đã nhanh nhẹn đi tắm bùn. Bùn được đắp khắp người, chờ bùn khô xong, xả sạch bùn trong bồn tắm nhỏ với nước suối ấm.
 Kha đã ôm Phụng, tập cho Phụng bơi trong hồ nước ấm. Phụng chưa biết bơi, nàng muốn tập để chuẩn bị cho buổi đi biển vào hôm sau. Lợi dụng dịp tập bơi cho Phụng, Kha đã vuốt ve mơn trớn để kích thích tính dục của Phụng. Dưới bàn tay điêu luyện của Kha. Phụng như con chuột mềm nhũn ngoan ngoãn để cho con mèo vờn mồi. Thấy cá đã cắn câu, Kha dìu Phụng về phòng ngủ, khi đó - như sự sắp đặt trước của Kha, tất cả bạn bè đã kéo nhau ra hồ tắm hết.
Viện cớ đưa Phụng về tận phòng ngủ, Phụng mới vừa bước vào chưa kịp khóa trái cửa, thì Kha đã nhanh nhẹn xông vào ôm gọn Phụng vào lòng hôn lấy hôn để trên môi, trên má rồi khắp cả người Phụng.
-Em đẹp quá! Anh tha thiết yêu em Phụng ơi!
Không để cho Phụng kịp phản ứng. Bàn tay điêu luyện của Kha không ngớt thám hiểm trên khắp thân thể Phụng, tạo cho nàng những khoái cảm tuyệt vời làm Phụng không thể cưỡng lại được những đòi hỏi của thể xác. Thân thể lõa lồ nóng hổi của Kha đã quyện lấy thân thể Phụng không còn một mảnh vải che thân. Cảm giác đê mê, lâng lâng xâm chiếm trọn tâm hồn Phụng, nàng đành nhắm mắt buông xuôi để tận hưởng những phút giây tuyệt vời bên Kha. Dưới mắt Phụng bây giờ chỉ có Kha, người đã đem đến cho Phụng bao cảm giác tuyệt vời mà nàng chưa bao giờ được hưởng. Bây giờ, hoàn toàn không còn hình ảnh của Sơn trong tâm trí của Phụng. Nàng buông thả bên Kha thỏ thẻ:
-Tất cả tấm băng trinh của em đã tra gởi cho anh rồi. Anh đừng phụ rẫy em nghe anh!
Kha làm như ngây thơ, chàng tỏ ra say mê đắm đuối Phụng, chàng thỏ thẻ hứa hẹn cho qua lề:
-Anh sẽ trọn đời yêu em tha thiết. Giờ trước mắt chúng mình phải tận hưởng tất cả lạc thú trên đời nhé em!
Chiều đến, Kha dìu Phụng ra suối nước nóng luộc hột gà. Họ đi bách bộ chung quanh rừng cây. Phụng thích nhất là đi dạo quanh những con đường nhỏ với suối uốn lượn quanh co. Ăn cơm tối xong, Phụng cùng Kha ngồi trên ghế đá trước nhà trọ. Dưới ánh trăng, khung cảnh ở đây rất nên thơ, ánh trăng huyền diệu nhảy múa trên những kẽ lá cành cây. Phong cảnh gần với thiên nhiên cây cỏ, không khí rất mát làm lòng người lắng xuống. Tiếng côn trùng thi nhau tấu lên một bản nhạc tuyệt diệu. Phụng hân hoan đón nhận một tình cảm sôi nổi của Kha trong khung cảnh thần tiên. Trở vào phòng ngủ với Kha, Phụng nôn nóng chờ đón những nụ hôn và cử chỉ vuốt ve mơn trớn của chàng. Phụng mãn nguyện ngụp lặn trong tình yêu như thác loạn của Kha.
Sáng sớm hôm sau, bọn Kha đã có mặt ở Vũng Tàu. Phụng đã reo lên khi nhìn thấy biển:
-Biển đẹp quá anh ơi. Chúng ta mau mau xuống tắm biển nghe anh!
Chiều lòng Phụng, Kha nhanh nhẩu lấy phòng thật nhanh rồi cùng sánh vai Phụng xuống nước biển.
Bây giờ, Phụng không còn e thẹn nữa, Phụng vui đùa với biển cả bên cạnh Kha. Phụng đã hồn nhiên vui sống với tuổi trẻ, quên hiện tại và cả tương lai, Phụng mặc sức vẫy vùng thỏa thích trong vòng tay điêu luyện của Kha.  Họ nô đùa rượt đuổi nhau. Phụng nũng nịu lên tiếng:
-Đố anh bắt được em!
Nói xong, nàng vùng chạy cười ngặt nghẽo. Ôm gọn Phụng trong vòng tay rắn chắc, Khoa âu yếm nói:
-Em thua rồi. Giờ thưởng cho anh gì nào?
-Chút nữa về phòng em sẽ thưởng cho anh.
Nói xong Phụng đỏ mặt, nàng e thẹn cúi đầu lẩn tránh cái hôn dồn dập của Kha. Được nước, Kha ôm Phụng chặt hơn. Cả hai lại hôn nhau đắm đuối tình tứ vô cùng. Vũ trụ hình như ngừng quay và thế gian nầy chỉ có hai người hiện hữu.
Dưới những ngọn sóng lấp lánh ánh nắng mặt trời, tâm hồn Phụng như nóng bỏng bởi tình yêu cuồng loạn của Kha.
 Sau chuyến đi chơi về, Phụng và Kha càng khắng khít hơn, Phụng say đắm trong tình yêu ngọt ngào của Kha.
Phụng bàn cùng Kha:
-Em dọn về ở chung với anh cho tiện
Thấy con cá đã cắn câu  không thể nhả ra được, Kha đáp lời:
-Anh rất vui mừng đón em về chung sống với anh, nhưng anh nói trước là anh hơi kẹt tiền.
Phụng nhanh nhẩu trả lời Kha:
-Anh đừng bận tâm lo lắng chuyện tiền bạc. Tiền của em là tiền của anh. Em sẽ đưa cho anh lo việc chi tiêu khi anh cần.
 Thế rồi Phụng dọn về ở hẳn với Kha. Mọi chi tiêu Phụng lo liệu hết. Sống với Kha được gần 6 tháng, thì Phụng có thai. Phụng hơi buồn báo tin với Kha:
-Em đã cấn thai rồi anh à. Bây giờ  anh tính sao đây?
Tuy trong lòng không vui trước tin nầy, nhưng Kha vẫn khỏa lấp:
-Thư thả rồi chúng mình sẽ tính em à. Em đừng hốt hoảng quýnh quáng lên như thế làm anh cũng không an tâm tận hưởng lạc thú bên em.
Tuy nói thế nhưng họ vẫn ngụp lặn trong tình yêu cuồng nhiệt say đắm.  “ Giấy không gói được lửa.” Tai tiếng loan truyền rộng khắp trong đám bạn bè của Sơn. Rồi tới tai bà con họ hàng của Sơn, và không dấu được Sơn dầu chàng đang ở xa hơn nửa vòng trái đất.
Sơn đau khổ tột cùng, chàng cố tìm quên lãng bóng hình người yêu. Hàng ngày, bên những chiếc xe hơi đang sửa, những con ốc, cái kềm, mỏ lết là niềm vui của chàng. Sơn cố quên đi khuôn mặt của Phụng, người mà Sơn đã đặt hết niềm tin, người mà Sơn cố đem sức lao động kiếm ra đồng tiền gởi về cho Phụng ăn xài. Nàng đã nhẫn tâm phản bội lòng tin của chàng, Phụng đã đạp lên tình yêu chân thật của Sơn để chạy theo những cám dỗ bồng bột thấp hèn. Sơn cố quên đi người con gái bạc tình kia! Nhưng trớ trêu thay khi cố quên Sơn lại càng nhớ rõ từng cử chỉ, từng lời nói ngọt ngào của người yêu trong lúc chia tay.
Mẹ Sơn biết chuyện đã an ủi chàng:
-Thôi con à, đừng buồn nữa mà có hại cho sức khỏe. Phụng không còn nặng tình với con thì con hãy quên nó đi.
Với khuôn mặt u buồn, Sơn nói với mẹ cũng như nói với chính mình:
-Con sẽ quên nàng dù lòng con vẫn yêu nàng tha thiết. Thời gian sẽ là liều thuốc chữa lành vết thương lòng của con..
Thở một hơi dài nghe não nuột, mẹ Sơn lên tiếng khuyên con:
-Giờ nầy con đã có sự nghiệp vững vàng. Thiếu gì con gái đẹp ngoan hiền ở Việt Nam thương con... Con lo buồn làm chi chuyện Con Phụng đã có thằng tình nhân khác!
Nước mắt lưng tròng, Sơn nghẹn ngào nói với mẹ:
-Con sợ xa mặt cách lòng lắm rồi mẹ à!
Đưa bàn tay gầy guộc sờ lên tóc con, mẹ của Sơn cũng rơm rớm nước mắt:
-Thôi con đừng buồn nữa. Con người ai cũng có duyên số với nhau cả con à. Có lẽ con và Phụng không còn nợ duyên với nhau nên đã khiến xảy ra việc như vậy đó thôi.
Mẹ Sơn ngâm nga hai câu thơ của tiền nhân để lại:
- “ Phải duyên ngàn dặm cũng gần,
Không duyên cách vách trần nó cũng xa”.
 Từ khi được tin Phụng có thai, Sơn không gởi tiền về cho Phụng nữa. Tình yêu của Kha cũng thay đổi hẳn luôn. Kha đã nhiều lần làm tiền Phụng, chàng giả vờ lên tiếng:
-Anh đang cần tiền, em cho anh mượn tạm mấy trăm ngàn đi!
Phụng thở một hơi dài não nuột rồi âu sầu nói nhỏ:
-Giờ nầy em đâu có tiền nữa anh à!
Kha xẵng giọng với Phụng ngay lập tức, chàng  lên tiếng sở khanh:
-Cô mà không có tiền thì ai có tiền bây giờ. Sao cô không xin xỏ người yêu của cô bên Mỹ gởi về như lâu nay hả?
Phụng bịt tai lại, nàng ôm đầu khổ sở khóc vùi sưng cả hai con mắt trông rất thương tâm. Kha không còn ân ái mặn nồng với Phụng như trước kia nữa. Họ hay cãi vã nhau như cơm bữa toàn những chuyện không đáng vào đâu. Nước mắt của Phụng bắt đầu đổ suốt năm canh chờ đợi Kha về. Kha về đến nhà với men rượu nồng nặc. Đã không còn  chiều chuộng nâng niu Phụng như trước kia nữa, ngược lại, còn dở thói vũ phu đánh đập Phụng hết sức tàn nhẫn khi tra khảo tiền bạc mà Phụng không có.
 Bộ mặt gian manh, đểu cáng của Kha hiện rõ nguyên hình. Kha là thứ đàn ông thật tồi tệ, chuyên sống bám vào gấu quần đàn bà. Với cái vẻ hào hoa phong nhã bề ngoài, Kha chuyên môn đi lừa gạt tình và tiền của những người đàn bà con gái non lòng nhẹ dạ, để thỏa mãn ý đồ thấp hèn của hắn. Bây giờ Phụng hối hận thì đã trễ rồi, Phụng đã phụ lòng tin của Sơn để chạy theo những dục vọng đê hèn. Có khóc lóc mấy cũng bằng thừa. Hãy câm nín, chờ đợi đón nhận cái giá phải trả cho việc làm sai trái của mình khi phụ bạc một mối tình chân thật để chạy theo một ảo ảnh của cuộc đời dầy lọc lừa gian dối.
Để chuộc lỗi lầm với người yêu thương mình thật tình. Ngày đêm Phụng thấp nhang van vái cầu  mong cho Sơn sớm tìm gặp một người con gái đẹp, nết na hiền hậu, đến với chàng hết sức chân thành, đầy ấp tình yêu trọn vẹn. Và nàng tin chắc như thế…

Bao năm gian khổ kiếp tù đày,
Được Mỹ tận tình giúp đổi thay.
HO đánh đổi bao gian khổ
Đến Mỹ tương lai sẽ có ngày. . .

Mơ ước duyên tình tốt đẹp hơn
Làm ăn vất vả vẫn không sờn
Kiếm tiền tiếp tế em bên đó
Nào biết lòng em chẳng sắc son?

Hối hận ăn năn quá muộn rồi!
Thôi đành mỗi đứa sống mỗi nơi
Dẫu rằng anh vẫn thương em lắm!
Nhưng thế. . . em ơi đã hết rồi.

Nguyễn Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét