Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

LỆ CHỨA CHAN - Nguyễn Ninh Thuận

Huệ Thi, thuở còn con gái, sắc nước hương trời. Con nhà trâm anh thế phiệt, giàu có tiếng tăm ở Thủ Đô Sài Gòn hoa lệ. Trong một buổi dạ tiệc tại một nhà hàng sang trọng. Nàng phải lòng một ông thầy giáo cũ là giáo sư tên Phòng, ông ta rất hào hoa phong nhã. Sau bao lần thầy trò hẹn hò, gặp gỡ và tâm sự ở phòng trà ca nhạc. Một phút yếu lòng, không tự kềm chế được mình trước sức cám dỗ tuyệt vời của tình yêu bốc cháy đang rạo rực trong lòng. Huệ Thi đã dâng hiến cho thầy Phòng sự cao quý nhứt của người con gái. Trước sự việc đã rồi, Huệ Thi cảm thấy hối tiếc tuổi thơ trong trắng của mình không ít. Nhưng sức quyến rũ tuyệt vời của thần tình ái, nàng không dừng lại được. Ngày ngày, nàng thúc hối thầy Phòng:
<!>
-Anh nên nhờ mai mối bước tới gia đình em nói chuyện trầu cau cho rỡ ràng hai họ.
Nhưng thầy Phòng khéo léo hẹn lần hẹn lựa:
-Em hãy cho anh thư thảm, mất đâu mà vội
. Để anh sắp xếp công chuyện. Anh vẫn yêu em tha thiết kia mà!
Trước chuyện đã lỡ rồi, Huệ Thi đành nhắm mắt theo lao. Cuộc tình thầm lén nầy, Huệ Thi giấu nhẹm gia đình. Đến khi bụng nàng, ngày càng không thể dấu ai được. Huệ Thi hối thúc thầy Phòng:
-Anh phải tổ chức lễ ra mắt cha mẹ trước khi em khai hoa nở nhụy.
Thấy Phòng ấp úng nói không rõ lời:
-Xin lỗi em, anh đã có vợ nhà. Nhưng vì quá thương yêu em, anh không thể cưỡng lại con tim mình được. Xin em tha thứ lỗi cho anh.
Lúc đó, Huệ Thi mới vỡ lẽ thầy Phòng đã có vợ hai con. Còn gì khổ đau hơn cho Huệ Thi lúc nầy. Nhứt là cha mẹ nàng quá xấu hổ với bà con lối xóm. Nhưng chẳng lẽ làm cha làm mẹ lại nỡ đem con ra giết chết trong trường hợp nầy hay sao? Huệ Thi cố nuốt nước mắt, cắn răng chấp nhận miệng thế khinh miệt, chê cười.
Làm thân con gái, một phút yếu lòng, bôi tro trét trấu, xấu hổ cả tông cả họ. Huệ Thi toan tự vận chết, để trốn chạy cái nhục của mình, của gia đình mình. Nhưng nhìn thằng bé bụ bẫm đang vô tư nằm đó. Huệ Thi không can đảm để cho đứa bé mới lọt lòng phải mồ côi mẹ.
Thời gian lặng lẽ trôi qua. Nỗi uất hờn bị ông thầy giáo cũ lường gạt tình cảm cũng nguôi ngoai dần theo năm tháng. Bỗng một hôm, Huệ Thi gặp lại cố nhân. Chưa kịp đùng đùng nỗi giận, mắng nhiếc kẻ lường gạt tình, thì tai nàng lại nghe những lời mật ngọt thân quen của thầy Phòng. Thân hình nẩy lửa của nàng được bàn tay điêu luyện của giáo sư Phòng vuốt ve mơn trớn. Phút yếu lòng không gìn giữ được. Một lần nữa, Huệ Chi lại dâng hiến cho thầy Phòng trọn tấm thân ngọc ngà. Sức hút tình yêu mãnh liệt, đã lôi cuốn Huệ Thi quên hết những người thân quanh mình từ bao lâu nay đã xấu hổ vì mình. Huệ Thi chấp nhận cho thầy Phòng được tự do đến với nàng trong những giờ phút thuận tiện. Rồi lại thêm đứa con gái ra đời. Huệ Thi tự an ủi mình để vui sống bên hai đứa con thơ:
-Có lẽ tại số phận mình phải thế!
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cộng Sản chiếm Miền Nam Việt Nam. Cao trào vượt biên bỏ nước ra đi lan rộng khắp nước. Giáo Sư Phòng bàn tính với Huệ Thi:
-Chúng mình nên tìm đường vượt thoát khỏi gông cùm Cộng Sản nghe em.
Tin lời người yêu đã có với nhau hai mặt con. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm lâu nay, Huệ Thi dốc hết đưa cho thầy Phòng để tìm đường dây vượt biên và làm lộ phí ra đi. Ngày giờ lên đường, thầy Phòng đã được chủ tàu tiết lộ cho biết thật chính xác. Thầy Phòng vội vã thông báo cho Huệ Thi không thiếu từng chi tiết nhỏ:
-Em nhớ sắp xếp hành trang gọn ghẽ cho hai con để vào ngày... giờ... có người đến đón mẹ con em lên đường.
Huệ Thi phấn khởi trong lòng, nàng mỉm cười âm thầm sửa soạn hành trang lên đường thật gọn gàng. Sắp đến giờ hẹn, Huệ Thi thong thả thay quần áo cho hai con và cho chúng ăn uống đủ đầy. Còn mười phút xe sẽ đến đón như lời người yêu căn dặn. Huệ Thi mới thỏ thẻ cho cha mẹ biết chuyến vượt biên lần nầy:
-Thưa cha mẹ, hôm nay con cùng hai cháu vượt biên với ba nó.
Ngừng một lát để đè nén sự xúc động, Huệ Thi nói tiếp:
-Vì tương lai của các cháu nhỏ, con phải bóp bụng lìa xa cha mẹ. Mong cha mẹ thông cảm cho con.
Mới đầu, cha mẹ Huệ Thi giật mình trước tin quá đột ngột. Sau vài giây lấy lại bình tĩnh, cha mẹ Huệ Thi cũng mừng cho con gái và hai đứa cháu ngoại sắp thoát khỏi chốn ngục tù, đày đọa dã man của Cộng Sản.
Tám giờ tối đúng hẹn, hai đứa con Huệ Thi ôm hôn giã từ ông bà ngoại. Giờ hẹn đã đến, nhưng xe tới rước đâu không thấy. Thời gian nặng trĩu trôi qua, Huệ Thi nôn nóng. Nàng phập phồng mong đợi, đứng ngồi không yên kéo theo sự lo lắng của cha mẹ già. Thật tội nghiệp cho sự lo âu của đấng sanh thành. Mười hai giờ đêm chậm chạp trôi qua cũng chẳng thấy gì. Thâu đêm suốt sáng, cả nhà không ai ngủ được. Chờ đợi! Rồi cứ mãi chờ đợi! Trời đã sáng hẳn, mặt trời đã lên cao. Đồng hồ đã điểm mười giờ trưa buồn bã, nhưng chẳng ai đến gõ cửa đón đi. Ông Lâm, thân phụ của Huệ Thi, ngồi trầm ngâm uống trà một mình trên bộ tràng kỷ giữa nhà. Hớp ngụm trà đắng, ông cố đưa đôi mắt buồn nhìn đứa con gái cưng của mình. Ông chậm rãi nói như nghẹn lời:
-Con lại bị thằng sở khanh khốn kiếp đó lường gạt thêm một lần nữa rồi. Một tên giáo sư lại đi gạt tình, gạt tiền một đứa học trò nhẹ dạ cả tin. Thầy gạt trò rồi quất ngựa truy phong. Thật là đốn mạt. Thời buổi luân thường đạo lý đã bị đảo lộn hết cả rồi.
Thân mẫu Huệ Thi lấy khăn lau nước mắt đang ràn rụa trên đôi má. Trong khi Huệ Thi thần sắc không còn. Nàng đứng lặng yên như pho tượng gỗ chẳng nói chẳng rằng. Hai đứa con nhỏ của Huệ Thi quá buồn ngủ, thiếp đi hồi nào không hay biết.
Thời gian lặng lẽ trôi qua. Huệ Thi âm thầm đau khổ một mình. Nàng gầy ốm hẳn đi. Nuốt hận vào lòng. Nàng an phận thủ thường, tảo tần xuôi ngược nuôi hai đứa con thơ dại. Hai năm trời đằng đẵng trôi qua. Vào một buổi chiều, Huệ Thi đi làm vừa về đến trước cửa nhà. Ông phát thư tươi cười cầm trên tay một phong bì gọi Huệ Thi nói:
-Cô Huệ Thi! Hôm nay cô có thư ở nước ngoài gởi về nè. Tôi mừng hộ cô đó! Chắc có tin vui!
Nghe ông phát thư nói thế, Huệ Thi rất đỗi ngạc nhiên. Nàng moi hết trí để nhớ xem có bạn bè thân thích nào ở nước ngoài không ? Họ hàng ruột thịt thì tuyệt nhiên không có ai rồi. Huệ Thi suy nghĩ chưa ra, thì ông phát thư đã chìa thư đưa tận tay nàng. Vừa mừng vừa giận khi thấy tên thầy Phòng trên góc trái bì thư. Lịch sự, Huệ Thi moi bóp lấy ít tiền lẻ trao cho ông phát thư để gọi là biết ơn người đưa thư. Nàng vội vàng bước vào phòng riêng, bóc thư ra đọc.
California, ngày...tháng...năm...
Huệ Thi yêu quí của anh,
Anh vô cùng có lỗi với em. Tội anh không thể tha thứ được. Anh đáng chết lắm. Đã hai năm đằng đẵng trôi qua. Anh biết em hờn giận, trách móc anh nhiều lắm. Nhưng tất cả đều ngoài ý muốn của anh. Mong em thương tình, thông cảm cho hoàn cảnh của anh em nhé.
Em yêu quí của anh, lẽ ra thì chuyến vượt biên đúng như chương trình anh đã báo trước với em. Nhưng khi người có trách nhiệm đón rước lại đón mấy mẹ con của Hà trước. Sau đó, người chủ tàu không cho đón em. Họ sợ hai bà gặp nhau, không dằn được cơn ghen tương và lỡ xảy ra ấu đã sẽ đổ bể cả chuyến đi của gần hai trăm người. Sau hơn một năm ở trại tị nạn. Gia đình anh mới được định cư ở Mỹ mấy tháng nay. Ổn định được công ăn việc làm. Anh liền viết lá thư nầy gởi về em. Trước tạ lỗi với em, sau xin em nghĩ tình.
Dầu gì chúng mình cũng đã có với nhau hai mặt con. Theo luật pháp bản xứ, anh có thể bảo lãnh hai đứa con qua Mỹ. Nhờ con còn nhỏ, em có thể theo chúng. Như vậy là rất tốt cho cả đôi đàng. Một lần nữa, anh tạ lỗi với em. Hãy vì tương lai hai đứa con của chúng mình nghe em. Em nhớ gởi khai sanh của hai con qua cho anh càng sớm càng tốt. Ngày đoàn tụ không xa lắm. Mong em hãy vì con. Tất cả cho con.
Cuối thư, nhờ em chuyển lời anh kính thăm bố mẹ và tất cả các anh chị trong nhà. Mong bố mẹ và gia đình tha thứ lỗi cho anh. Không giờ phút nào anh không thương nhớ em và con.
Hôn em và con thật nhiều
Chồng của em
Phòng
Đọc xong lá thư của thầy Phòng gởi về. Huệ Thi không khóc cũng chẳng cười. Nàng ngồi thừ người trên giường, đăm chiêu suy nghĩ. Huệ Thi nhớ lại, từ ngày lấy thầy Phòng, chưa bao giờ nàng được toại nguyện bất cứ một điều gì. Nay, qua lá thư nầy, Huệ Thi hoang mang nghi ngờ lắm. Đi hay ở? Tương lai con? Làm sao biết được ngày mai ra sao, tốt xấu thế nào?
Bà Lâm nghe tiếng con đã về. Như thường lệ, thay đồ đạc xong là Huệ Thi bước xuống nhà dưới chào hỏi bố mẹ; rồi nàng ôm hôn hai con mừng rỡ trước khi cùng gia đình ăn cơm chiều. Nhưng hôm nay, nghe con đã về hơn một giờ rồi mà sao không thấy Huệ Thi bước xuống nhà dưới như mọi khi. Chẳng lẽ nào con nó bị bệnh hay sao? Không an tâm trong lòng, bà Lâm từ nhà dưới vội bước đi lên. Tới cửa phòng, bà Lâm nhìn thấy Huệ Thi ngồi thừ người trên giường với mảnh giấy trên tay. Bà vội bước vào vồn vã hỏi con:
-Thư của ai gởi cho con vậy? Vui buồn ra sao mà con ngồi thừ người ra như vậy hả con?
Huệ Thi choàng tay ôm mẹ. Nàng gục đầu lên vai gầy của người mẹ thân yêu nhỏ nhẹ trả lời:
-Thư của ba sắp nhỏ từ Mỹ gởi về mẹ à!
Mẹ Huệ Thi vừa mừng vừa lo:
-Sao từ nãy giờ con không nói cho bố mẹ biết. Thôi thôi, con hãy cầm lá thư xuống nhà dưới đọc cho mẹ và bố con cùng nghe đi!
Huệ Thi ngoan ngoãn cầm lá thư bước theo chân mẹ xuống nhà dưới. Nàng đọc rõ ràng cho bố mẹ cùng nghe. Hai đứa con của Huệ Thi nghe ba nó bảo lãnh đi Mỹ, chúng nó vui mừng nhảy cỡn, la hét ầm ĩ cả nhà.
Thấy hai đứa cháu ngoại reo mừng, bố mẹ Huệ Thi cũng vui lây. Riêng Huệ Thi, nàng vẫn mãi phân vân trong lòng. Không biết có nên đi hay không? Vì dù sao mình vẫn là duyên hờ của thầy Phòng mà thôi. Biết khi qua đó, nàng có được ông ta mạnh dạn đứng ra giúp đỡ gì không. Hay phải tự mình bươn chải nuôi thân và nuôi hai đứa con nhỏ dại? Còn ở Việt Nam hiện giờ, nàng đã có công ăn việc làm tương đối ổn định. Tuy đồng lương không bao nhiêu, nhưng cũng tạm đủ sống qua ngày tháng.
Trước sự thúc hối của hai con nhỏ. Huệ Thi cũng liều nhắm mắt gởi khai sanh của các con cho thầy Phòng như ý chàng mong muốn. Nàng cũng muốn thỏa mãn sự háo hức mong được đi Mỹ của hai con.
“ Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu. ”
Từ ngày thấy mẹ đã gởi giấy tờ cho ba bảo lãnh, hai đứa con của Huệ Thi tỏ ra ngoan ngoãn hẳn ra. Chúng lúc nào cũng nói cười vui vẻ với ông bà ngoại, với mẹ. Bầu không khí trong nhà vui tươi, ấm áp và nhộn nhịp khác thường. Một niềm tin đang lóe sáng. Huệ Thi mơ tưởng ngày đến nước Mỹ, ba mẹ con nàng sẽ đón nhận toàn một màu hồng rực rỡ. Tương lai hai con đầy ấp huy hoàng xán lạn.
Nhờ có tên họ của thầy Phòng trong khai sanh của hai đứa con nầy. Thầy Phòng đã suông sẽ trong vấn đề làm thủ tục bảo lãnh đoàn tụ. Hai đứa con còn nhỏ, nên Huệ Thi được “ ăn theo ” sang nước Mỹ.
Không đầy một năm sau, Phi cơ hạ cánh xuống phi trường Los Angeles. Ba mẹ con Huệ Thi mừng rỡ khi thấy thầy Phòng tươi cười đứng đón ngoài phòng chờ đợi. Sau một hồi ôm nhau mừng rỡ, thầy Phòng lái xe chở ba mẹ con Huệ Thi đến căn nhà một phòng mướn sẵn, với vài vật dụng cũ kỹ, đơn sơ, cùng thức ăn nước uống đủ dùng cho một tuần lễ. Hơn một giờ sau, thầy Phòng đưa chìa khóa nhà cho Huệ Thi, rồi chàng âm thầm lặng lẽ đi bặt tâm, không một lời từ giã.
Chờ suốt bảy ngày đêm liền, Huệ Thi chẳng thấy bóng dáng thầy Phòng đâu cả, cũng không hề được thầy Phòng gọi điện thoại thăm hỏi một lời. Linh tính cho Huệ Thi biết số phận mình là thế! Số hẩm hiu, lúc nào cũng phải đón nhận sự hẩm hiu! Đời sao bạc bẽo với Huệ Thi đến thế!
Huệ Thi không có họ hàng thân nhân ruột thịt ở đây. Nàng quá bơ vơ lạc lõng nơi xứ lạ quê người. Huệ Thi vừa giận thầy Phòng đã lường gạt nàng từ chuyện nầy đến chuyện khác. Nàng tự nghĩ:
-Hay là vì bà Hà, vợ chánh thức của Phòng đã ngăn cấm không cho chàng ta lui tới với mẹ con nàng chớ gì?
Huệ Thi đành nén lòng gạt nước mắt nhờ gia đình một người Việt Nam ở kế bên hướng dẫn. Họ giúp đỡ nàng làm những thứ giấy tờ cần thiết khi nhập cư nước Mỹ.
Nhận được thẻ An Sinh Xã Hội, Huệ Thi tiếp tục nhờ người Việt Nam láng diềng tốt bụng đó đưa nàng đến DMV thi bằng viết. Sau khi đậu được bằng viết, Huệ Thi nhờ trường dạy lái xe. Hơn một tháng sau Huệ Thi đậu được bằng lái xe. Cũng chính nhờ người Việt Nam hàng xóm tốt bụng nầy cho mượn thêm một số tiền cộng với số tiền Huệ Thi mang theo, nàng mua được một chiếc xe hơi làm chân. Huệ Thi đọc báo tìm việc làm. May mắn, Huệ Thi tìm ngay được một chỗ làm. Vừa làm việc giấy cho văn phòng một khu chung cư lớn, vừa đưa rước con của chủ đi học với đồng lương hàng tháng vừa đủ trang trải chi phí vô cùng tiện tặn của mấy mẹ con Huệ Thi.
Nhiều đêm, Huệ Thi ôm hai đứa con vào lòng rơi nước mắt. Xứ lạ quê người, nhằm mùa Đông giá rét, hai đứa con nàng co ro trong chiếc áo lạnh cũ kỹ vừa được người láng diềng tốt bụng biếu cho. Ngày ngày, hai đứa con nàng mang cặp sách sau lưng, chạy lúp xúp cho kịp giờ học. Trong khi Huệ Thi phải lái xe của mình đưa rước con của chủ đi học thật đúng giờ. Chủ còn dặn phải mở máy sưởi ấm cho con bà khỏi lạnh. Còn cảnh nào ngang trái, đau khổ hơn cho một kiếp người nghèo nơi xứ lạ quê người, bị kẻ có đồng tiền miệt thị rẻ khinh?
Nhẫn nhục làm nơi nầy gần hai năm. Thấy bà chủ cũng là người Việt Nam, mà sao bà lại hách dịch quá đáng. Đưa rước con bà chỉ trễ một phút thôi, bà cũng rầy la không tiếc lời. Việc sổ sách, giấy tờ cho bà chậm một chút bà cũng hăm he cho nghĩ việc. Huệ Thi cũng ngoài năm mươi tuổi rồi. Nàng cũng đã một thời là con nhà vọng tộc giàu sang danh giá. Bố mẹ nàng cũng từng là ông chủ hãng nầy hãng nọ trước năm bảy lăm. Nhưng người đâu có hách dịch như vậy! Ngay chính bản thân mình, Huệ Thi cũng từng làm Phó Giám Đốc cho một công ty lớn trước khi đặt chân đến xứ Mỹ, nhưng có bao giờ nàng lớn tiếng và hách dịch với nhân viên như thế đâu? Thấy không thể lòn cúi mãi để nhận lãnh đồng tiền của bà chủ khu chung cư. Huệ Thi xin nghĩ việc. Nàng đọc báo tìm việc mới.
Thấy văn phòng bác sĩ cần một thư ký. Điều kiện giỏi tiếng Việt, thông thạo tiếng Anh. Tự thấy mình có khả năng ứng tuyển. Huệ Thi gọi điện thoại xin địa chỉ để đến xin việc. Mười lăm phút sau, Huệ Thi đã đến văn phòng một vị bác sĩ tên Lai. Vị bác sĩ bất ngờ được đối diện với một thiếu phụ xin việc có nhan sắc tuyệt vời. Ông ta vui vẻ chấp nhận cho Huệ Thi vào làm việc ngay không cần trắc nghiệm khả năng đòi hỏi như đã đăng báo tuyển nhân viên vừa rồi.
Sau vài tháng làm thơ ký văn phòng cho vị bác sĩ nói trên. Huệ Thi cảm thấy rất thoải mái. Nàng có thì giờ đưa rước con đi học, mà đồng lương thu nhập không thua gì chỗ cũ. Huệ Thi thầm mơ ước được làm lâu dài ở nơi đây để có cơ hội đưa rước con học hành. Nàng hy vọng nhờ đó, hai đứa con của nàng học hành có thể bắt kịp với bạn bè đồng trang lứa ở đây lâu năm.
Một hôm, phòng mạch vắng bệnh nhân. Bác sĩ Lai tươi cười ra bàn giấy trò chuyện với Huệ Thi. Cặp mắt đa tình của chàng bác sĩ ngoài năm mươi nhìn nàng không chớp mắt. Huệ Thi e thẹn không dám ngó thẳng mặt bác sĩ chủ nhân nữa. Tim nàng hồi hộp, rung động. Huệ Thi thấy lòng minh xao xuyến khác thường.
Qua tâm tình thăm hỏi, chủ nhân và cô thư ký thấu hiểu được gia cảnh nhau. Nhứt là hoàn cảnh đáng thương hiện nay của Huệ Chi. Bác sĩ Lai lên tiếng muốn kết nghĩa trăm năm với nàng. Huệ Thi đang gặp hoàn cảnh khó khăn nơi xứ lạ quê người. Nàng đang hụt hẫng tình cảm bị chồng bỏ rơi. Huệ Thi vui vẻ chấp nhận lời đề nghị của bác sĩ không một chút suy nghĩ, hay do dự.
Nàng thầm hãnh diện, một người đàn bà vừa bị chồng bỏ rơi như Huệ Thi, bỗng trở thành phu nhân của một vị bác sĩ, có nhà cao cửa rộng, có xe hơi bóng láng sang trọng chẳng kém ai. Còn mơ ước nào hơn? Huệ Thi sẽ không còn tủi phận phải làm vợ hờ cho một vị giáo sư dạo nọ.
Huệ Thi nhớ thời đau khổ khó quên, lúc mới trưởng thành, nàng chập chững bước vào đời đã bị ông thầy giáo cũ tiếng tăm lường gạt tình. Nàng lỡ thất thân với người đàn ông đã có vợ, Huệ Thi cũng đành nhắm mắt gá nghĩa trăm năm với ông ta cho trọn cuộc tình lẽ mọn. Nhưng cuối cùng, Huệ Thi cũng bị ông ta gạt cả tiền trong chuyến vượt biển vừa qua. Huệ Thi uất hận dâng cao trong lòng bao nhiêu năm trời. Rồi nàng cũng nguôi ngoai khi được thầy Phòng bảo lãnh hai đứa con của ông ta. Nhờ con còn nhỏ nên nàng được đi theo. Nhưng vừa đặt chân lên đất Mỹ, Huệ Thi lại bị ông ta bỏ rơi ngay. Còn gì đau đớn ê chề hơn cho cuộc đời tình ái của Huệ Thi? Nàng thầm nghĩ:
-Nay được một vị bác sĩ rửa mặt cho nàng. Ôi còn gì hãnh diện và hạnh phúc cho Huệ Chi hơn! Nàng mỉm cười sung sướng.
Nàng ra điều kiện:
-Anh thương em, muốn lấy em làm vợ. Em bằng lòng với điều kiện anh phải cho hai đứa con em về chung sống trong nhà.
Ông bác sĩ mỉm cười:
-Thương mẹ thì phải thương con chứ. Em yên trí. Để thong thả anh sắp xếp công chuyện cho ổn thỏa, rồi anh sẽ đón hai con em về.
Từ đó, Huệ Thi an tâm về làm vợ bác sĩ Lai. Nàng được biết ông bác sĩ chồng nàng vừa bị vợ ly dị mấy năm trước đây. Khi chia tay, bà Lan vợ của ông đã dẫn ba đứa con đi theo. Sau đó ít lâu, bà Lan đã lập gia đình với người tình nhân cũ thuở học chung dưới máy trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn.
Huệ Thi khám phá ra nguyên do chồng nàng bị vợ trước ly dị vì tánh quá keo kiệt. Coi đồng tiền trọng hơn nhân nghĩa. Cư xử với anh ruột thịt của bà Lan chẳng ra gì. Khi người anh ruột của bà Lan từ nước Pháp sang California thăm gia đình bà. Sau nhiều năm xa cách, người anh của bà Lan định ở lại thăm em thời gian một tháng. Vì sợ tốn kém, ông Lai lên tiếng không cho người anh vợ ở trong nhà, mà phải ra ngoài mướn motel ở. Buồn tình trước sự cư xử của thằng em rể, ngày hôm sau anh ruột của bà Lan vội trở về Pháp. Sau đó ít lâu, bà Lan nạp đơn xin ly dị chồng. Khi được Tòa chấp thuận, bà dẫn theo ba đứa con, hai trai một gái. Hiện ba đứa con riêng của chồng Huệ Thi đã đỗ đạt hai bác sĩ, một dược sĩ, nhưng chúng không có tới lui thăm ông bao giờ. Huệ Thi thầm nghĩ, đó chỉ là một khía cạnh nhỏ bên cạnh nhiều nguyên nhân thầm kín khác, mà ông chồng mới của nàng cố tình che dấu không cho nàng biết.
Sau khi chính thức về chung sống với ông bác sĩ Lai, Huệ Thi mới khám phá được tính nết của chồng mình. Nàng rất hỡi ôi cho thân phận và hoàn cảnh của mình:
-Chắc gì ông chồng nầy đồng ý cho nàng rước hai đứa con riêng của nàng về chung sống!
Tuy nhiên, Huệ Thi vẫn bám lấy chút hy vọng trong niềm tuyệt vọng. Đã gần một năm chung sống với ông chồng mới rồi, mà chẳng hề nghe ông ta đá động tới chuyện rước hai đứa con của nàng về như lời hứa trước đây. Huệ Thi lên tiếng hỏi:
-Em về làm vợ anh gần giáp năm rồi, hôm nay em xin phép anh cho em được rước hai con về chung sống với mình nghe anh!
Già vờ như không nghe thấy gì, bác sĩ Lai vẫn điềm nhiên ngồi trên ghế xa lông đọc báo. Huệ Thi rất giận trong lòng, nhưng nàng cố gượng vui bước tới ngồi sát bên cạnh âu yếm nói:
-Anh, em muốn anh cho phép em rước con về sống chung với mình. Gần một năm bỏ chúng nó, em sợ chúng nó hư đốn mất anh à!
Nghe Huệ Thi hỏi đem hai đứa con riêng của nàng về chung sống trong căn nhà nầy. Ông bác sĩ Lai không hài lòng chút nào cả, vẫn dán mắt vào tờ báo, ông ta lên tiếng trả lời chứ không thèm ngó mặt Huệ Thi:
-Nghe em có hai đứa con riêng, mẹ anh đã không bằng lòng cho anh lấy em làm vợ. Nhưng vì quá thương em, anh đã cãi lời mẹ để lấy em. Đó là điều phúc đức cho em lắm rồi. Hai đứa con của em lâu nay sống như thế nào thì nay vẫn cứ để chúng sống như vậy đi. Chúng nó có hư đốn đâu, mà em lo sợ dữ vậy. Bây giờ nếu em đem chúng về sống chung trong căn nhà nầy, mẹ anh sẽ phiền lắm đó, không yên với bà đâu.
Huệ Thi lỡ khóc lỡ cười trước cuộc tình mới nầy. Một bên là hai con nhỏ, một bên là sĩ diện được làm vợ một vị bác sĩ giàu có tiếng tăm. Một phần Huệ Thi quyết trả thù người chồng bội bạc cho bằng được. Nàng đành cắn răng bóp bụng, để hai đứa con nhỏ ở riêng. Gượng cười, Huệ Chi tiếp tục chấp nhận chung sống với bác sĩ Lai, dầu ông ta không giữ đúng lời đã hứa với nàng trước đây. Lời hứa quá ngọt ngào của ông chồng mới như vẫn còn văng vẳng bên tai:
-Nếu em chấp nhận về làm vợ anh. Anh sẽ bảo bộc, nuôi nấng hai đứa con của em ăn học đến nơi đến chốn. Anh coi chúng như con ruột của anh vậy đó!
Nhưng khi cá đã cắn câu rồi, lời hứa trước đây coi như trôi theo mây gió. Huệ Thi rất đau lòng, nhưng mọi việc đã lỡ rồi, nàng đành nhắm mắt chấp nhận.
Từ đó, cứ đầu tháng, Huệ Thi lo trang trải tiền phòng cho con. Cuối tuần, đi chợ mua thức ăn chất đầy tủ lạnh. Bổn phận làm mẹ của Huệ Thi chỉ được có bấy nhiêu đó việc. Rồi nàng điềm nhiên bước về căn nhà sang trọng hưởng lạc thú bên ông chồng mới.
Xứ văn minh đầy cám dỗ. Hai đứa con của Huệ Thi, không được ai chăm sóc, dìu dắt. Chúng sinh ra mê chơi hơn ham học. Trước mắt chúng, chỉ biết đua đòi chưng diện, trai gái bồ bịch cho thỏa thích và chẳng hề nghĩ đến tương lai nên không chú tâm vào việc học.
Một hôm, Huệ Thi bưng mặt khóc nức nở, khi nàng bất ngờ ghé nhà thăm con. Mảnh giấy nhà trường gởi về, hai đứa con nàng đều bỏ học. Huệ Thi kiên nhẫn ngồi chờ con đến nửa đêm. Hai đứa con nàng. Thằng con trai, tóc tai bù xù đang ôm eo ếch một cô gái trạc tuổi dìu vào nhà. Còn đứa con gái nàng, cũng được một cậu thanh niên choi choi đồng trang lứa bá cổ hun chùn chụt từ cửa ngõ đi vào. Thế là hết! Đất Trời như sụp đổ! Tương lai hai đứa con của Huệ Thi là không còn bao lâu nữa, đứa con gái sẽ được làm mẹ; thằng con trai sẽ được làm cha! Huệ Thi khóc lóc thở than thảm thiết:
-Lấy chồng địa vị sang giàu làm chi để hai đứa con mất hết cả tương lai như thế nầy! Chúng đang đi vào bóng tối của cuộc đời ở lứa tuổi mười lăm, mười bảy! Tạo Hóa sao nỡ cay nghiệt với Huệ Thi đến như thế?
Nàng vô cùng ân hận. Nhưng mọi việc đã muộn quá rồi, không thể nào trở tay được nữa!
Trong thời gian nầy, nếu như Huệ Thi chung sống với bác sĩ Lai được tràn đầy hạnh phúc cũng cam. Đàng nầy, mang tiếng là vợ một bác sĩ, Huệ Thi muốn làm hôn thú với ông ta, ông ta cũng không bằng lòng. Trái lại, ông ta còn bắt ép Huệ Thi phải viết tờ giấy tự nguyện dấn thân đến ở với ông như đôi bạn, chứ chẳng phải gá nghĩ vợ chồng gì cả. Tiền ai nấy xài, lương ai nấy sống, tiền chợ cũng chia đôi. Huệ Chi chỉ khỏi trả tiền nhà mà thôi. Cuối tuần đi chơi đâu đó cũng phải chia ra. Tuần nầy đi xe ông, thì tuần sau phải đi xe bà. Huệ Thi lỡ bước vào vòng rồi, mới hỡi ôi trước sự tính toán quá chi li của một ông bác sĩ giàu có, sang trọng.
Lắm lúc, Huệ Thi quá thua buồn. Nàng muốn xa rời ông bác sĩ ngay; nhưng vì sĩ diện của nàng. Lúc mới sáp vào ở với ông chồng bác sĩ nầy được vài tháng, Huệ Thi đã mượn tiền của một người quen, mua vé bay bao cho ông ta về Việt Nam để giới thiệu với họ hàng của nàng. Nhứt là Huệ Thi đã lỡ khéo léo giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của ông chồng mới, để lòe với gia đình họ hàng bên ông chồng cũ rồi. Giờ mặt mũi nào ngó ai, nếu Huệ Thi lại phải chia tay ông bác sĩ nầy? Buộc lòng nàng phải đành “ Ngậm bồ hòn làm ngọt ”.
Trước thảm cảnh hư đốn của hai đứa con. Huệ Thi có ý định muốn tự tay mình bắn chết ông bác sĩ nầy, rồi nàng tự sát để khỏi nhìn thấy cảnh đời quá bất hạnh của mình. Ông bác sĩ Lai đã lường gạt nàng về chung sống. Khi cá đã cắn câu, ông ta lấy lý do mẹ của ông không bằng lòng cho hai đứa con riêng của Huệ Thi về sống chung nên chúng mới hư đốn như vậy.
Huệ Thi đem chuyện đau lòng nầy tâm sự với người bạn lối xóm. Nàng nhận được một lời khuyên:
-Tất cả mọi việc đã xảy ra hết rồi. Giờ chị có chết cũng vô ích thôi. Hai đứa con của chị chẳng bao giờ trở lại được cái tuổi trong trắng, ngây thơ và hồn nhiên như trước nữa. Tốt hơn hết chị cần phải sống. Chị sống để dìu dắt tuổi đời còn lại của con. May ra, tương lai hai đứa con của chị sẽ khá hơn. Bây giờ chúng nó còn quá trẻ, còn rất nhiều cơ hội làm lại cuộc đời chị à!
Nghe lời bạn, Huệ Thi lau nước mắt. Nàng thở dài xót thương cho cuộc đời quá bất hạnh của mình, và của cả hai đứa con. Huệ Thi xuất thân từ một gia đình giàu có danh giá, nàng xinh đẹp có tiếng, mà những điều bất hạnh luôn luôn đến với nàng. Mọi việc đã lỡ rồi. Cả đời nàng vô cùng hối tiếc! Quả là “ Hồng nhan bạc phận !”
Huệ Thi đã lỡ cưỡi lên lưng cọp rồi, nàng đành phải cắn răng bám lấy, chịu đựng... Bên cạnh Huệ Thi, vị bác sĩ hào hoa nầy còn giao du thân thiện với nhiều mệnh phụ khác. Huệ Thi không có quyền can gián vào sự bay bướm tình cảm của ông bác sĩ. Người ở ngoài cuộc, phê phán và chỉ trích rất dễ. Nhưng khi vào vòng, vì một lý do gì đó họ có thể bị mê hoặc. sẽ trở nên tăm tối nhu nhược. Huệ Thi như con thiêu thân, biết lao vào ánh lửa trước mắt là chết, là thiệt thân mà nàng vẫn cứ đăm đầu lăn xả vào không một chút ngần ngại, nao núng gì cả...
Người ta vui vẻ đẹp tình,
Còn tôi lẻ bóng một mình bơ vơ.
Bao năm thương nhớ đợi chờ,
Phòng không chiếc bóng, bây giờ phòng không.
Trách Trờì sao quá bất công,
Hồng nhan bạc phận má hồng truân chuyên.
Đời tôi sao lắm ưu phiền,
Khổ đau tiếp nối triền miên thế này.
Yêu Anh sao vẫn đắng cay,
Vẫn là cái bóng lay quay dập dờ.
Bên em, anh vẫn ơ hờ,
Em là cái bóng mập mờ bên Anh.
Bao giờ bóng được thành hình,
Bóng hình là một mới đành dạ em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét