Danh sách Blog của Tôi

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

MẤT NƯỚC/Trích Truyện Dài Tình Cảm Xã Hội NỖI LÒNG & KHÁT VỌNG / Sentiment & Aspiration - Nguyễn Ninh Thuận

Hoa theo chồng sang Mỹ sinh sống chưa tới 5 năm mà hai lần khóc than cho nơi chôn nhau cắt rốn-  Quảng Trị với thảm hoạ Mùa Hè Đỏ Lửa, và lần này cho đất nước VN thân yêu dần dần mất vào tay Cộng Sản … Khi nghe tin tình hình chiến sự Việt Nam sôi động, hằng ngày từng giờ từng phút Hoa ôm chiếc radio mở lớn nghe tin tức quê nhà qua đài VOA, BBC… Hoa khóc vùi, khóc thương cho gia đình chưa nguôi ngoai năm 72, thì nay năm 75 lại khóc thêm nữa… Khóc cho quê hương Tổ quốc VN, khóc cho vận nước điêu linh, khóc cho gia đình ly tán… - Ôi! Tiếng súng quân thù đã nổ vang rền khắp lãnh thổ đất nước tôi, gieo tang tóc cho gia đình, cho dân tộc tôi!… Mở màn đau thương bi thảm là Ban Mê Thuột với các trận ác chiến khốc liệt… Không có ngôn từ để diễn tả hết nỗi thương tâm kinh hoàng của sinh ly tử biệt, của nước mất nhà tan. Lệnh rút quân  được ban ra, chiến  trường hỗn loạn, máu rơi thịt nát, xác dân xác lính chồng chất lên nhau sình thối… Tiếp theo tin thất trận từ các vùng 1,2,3 bay về dồn dập. Thảm thương thay cuộc rút quân hỗn loạn bi đát chưa từng có trong lịch sử và quân sử. Đài VOA và BBC đưa những tin thất bại nặng nề về phía QLVNCH khiến lòng quân dân hoang mang, khiếp đảm, bất lợi cho cuộc chiến một mất một còn với Cộng Sản… Vì thế có nơi chưa đánh mà đã bỏ cho địch tràn vào. Hoa nhắm mắt tưởng tượng...

<!>
... cảnh gia đình mình gồng gánh một tí tài sản theo chân người thân, xóm giềng lếch thếch rời Quảng Trị dưới làn mưa đạn của quân thù bắn xối xả vào đoàn người vô tội mà đau lòng… Những ngày tháng đó, Hoa không sao ăn no ngủ yên được! Những cơn ác mộng hiện về trong giấc ngủ chập chờn…
- Máu! Máu! Ba ơi, mạ ơi, em ơi! Sao máu đầy mình thế? Hoa thét lên liên hồi và ôm mặt khóc tức tưởi…
- Em, bình tĩnh lại…có gì mà em run rẩy, kêu gào khóc thế?  Tony ôm vợ vào lòng ân cần chia sẻ…
- Em thấy ba già run rẫy chống gậy đi trong đoàn người di tản. Mạ em tay ôm gói đồ, một tay quệt mồ hôi nhuể nhoại trên mặt thất thần. Năm đứa em áo quần tả tơi, tay cầm gói áo quần, tay kia nối kết nhau níu áo mẹ với những khuôn mặt kinh sợ tột cùng… Bỗng một loạt súng nổ rền của địch lia vào đoàn người di tản trong đó có bóng dáng các người lính VNCH. Mọi người nằm rạp xuống và máu chảy ra lênh láng… Em thấy ba, mạ và các em nằm bất động và mình đầy máu… Em kinh hải ôm mặt khóc và thét lên tức tưởi…
- Em lo sợ cho gia đình quá nên nằm mơ thôi! Em đừng lo sợ quá đáng mà hại cho sức khỏe. Anh tin tưởng gia đình em là những người tốt, nên sẽ có ơn trên che chở và tai qua nạn khỏi. Để tình hình ổn định, chúng mình sẽ nhờ bộ ngoại giao dò la tin tức gia đình. Cần nhất em phải giữ gìn sức khỏe để những ngày tới lo cho gia đình. Anh sẽ hỗ trợ và bên em ngày đêm an ủi, chung sức lo cho gia đình. Bây giờ trước mắt em cố dỗ giấc ngủ, vì nay mới 2 giờ sáng! Tony vỗ về ru Hoa ngủ…
Trong khi đó tại đất nước thân yêu của Hoa, mọi người tìm đường tháo chạy, một số các quan tai to mặt lớn va ly đầy ắp dollars, vòng vàng hột xoàn cùng gia đình vợ con trốn ra nước ngoài bằng máy bay và bằng mọi phương tiện tàu, xe, ghe… Người dân vội vã ra đi bỏ lại nhà cửa tài sản. Có kẻ mất hết niềm tin đeo vào cánh máy bay, bám vào khoang thuyền phó mặc cho tử thần chực sẵn. Nhưng cũng có những nơi quyết tử chiến đến cùng. Trong khi Sài Gòn bỏ ngỏ đầu hàng thì Cần Thơ vẫn an ninh. Kế hoạch hành quân đã thảo xong. Vũ khí lương thực đạn dược sẵn sàng, nhưng rồi kế hoạch bị vỡ đành chịu thua…  Các Tướng tài như Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam… đã tuẩn tiết không để lọt vào tay giặc lưu lại danh thơm “ Vị Quốc Vong Thân ”…
Lòng luôn tưởng nhớ đến các anh,
Những chàng lính chiến quá liệt oanh.
Vì nước quên mình, nêu chính nghĩa,
Ngàn năm lưu dấu mãi sử xanh.
Thuở đó, có người danh sĩ quan,
Giặc tít mù xa đã chạy làng.
Hỏi còn xứng đáng quan không nhỉ?!
Xấu hỗ làm sao danh sĩ quan!
Cảm phục đời đời những sĩ quan,
Giặc về cương quyết chẳng đầu hàng.
Dẫu rằng nát xác cam nát xác,
Thà chết còn hơn sống nhục hàng!
Khoa Nam, Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai,
Phạm Phú, Lê Hưng, năm tướng tài.
Danh thơm bất khuất, gương muôn thuở,
Vị Quốc Vong Thân được mấy ai?
Ngời sáng cháu con Trần Bình Trọng,
Vì dân trừ bạo, giữ non sông.
Lỡ thời nước mất, theo nước mất!
Bảo vệ Tự Do vẫn một lòng

Khi Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu từ chức, trao quyền lại cho Cụ Trần Văn Hương. Rồi vì hoàn cảnh đắm chìm của vận mệnh đất nước và chịu nhiều áp lực nên Cụ Hương đành phải trao quyền lại cho Tướng Dương Văn Minh để rồi ông ta đầu hàng Việt Cộng. Hơn nữa đất nước VN đã được định sẵn trong ván bài quốc tế nên lịch sử phải sang trang…
Hoa không còn nước mắt để khóc than cho số phận gia đình giờ này phiêu bạc nơi đâu, sống chết ra sao?
Hoa như ngồi trên lò lửa, ăn ngủ không yên. Nàng đâu có ngờ giờ đây đất nước đổi thay, đời sống cơ cực…
Non nước đâu rồi, non nước ơi!
Gợi bao tâm sự thuở nào vơi.
U ơ tiếng mẹ vang đâu đó...
Yên giấc ngàn năm vẫn nhớ đời...
Em vẫn là em của thuở nào,
Nỗi niềm riêng ấy gởi trăng sao.
Nhớ năm tháng đó ta thua cuộc,
Im lặng thương đau quá nghẹn ngào...
Nhớ nước non nhà tít mù khơi,
Hoàng hôn bảng lảng cuối chân trời.
Tim ai thổn thức thương ai đó!
Hương lửa trăm năm có vẹn lời?!...

Nếu có cơ hội, có phương tiện tiền bạc, mọi người sẽ liều chết tìm đường vượt biên trên những chiếc thuyền mong manh. Tính mạng họ phó mặc cho phong ba bão táp, làm mồi cho đàn cá hung hãn. Họ cũng có thể bỏ mạng trên rừng thâm núi thẳm làm mồi cho thú rừng phanh thây. Bệnh tật đói khát không làm nản lòng chỉ vì hai tiếng  « Tự Do... ». Tiếng oán than ngất trời, khổ đau ngập đất, quê hương đoạ đày, xót thương nhà tan cửa nát gia đình ly tán, con xa cha, vợ xa chồng…
Trại học tập được dựng lên khắp nơi. Quân dân cán chính ngây thơ, ngoan ngoãn trình diện “ học tập ” dưới chính sách mị dân. Để rồi thân tàn ma dại đói khổ triền miên với chiêu bài “ lao động là vinh quang ”. Người tù không bản án, không biết ngày về và hàng ngày phải lên núi xuống đồi, chặt tre đốn gỗ.  Thân bị lưu đày nơi rừng thiên nước độc, cơm ăn không no, ăn độn ngô khoai, bo bo… áo không đủ mặc. Hàng ngày thân tù còm cỏi phải lao động cật lực làm ra của cải cho bọn cầm quyền hưởng thụ. Đau ốm bệnh tật không có thuốc men. Họ phải xa vợ nhớ con, trí óc phải nhồi nhét những bài học chính trị khuôn rập khát máu. Tinh thần người tù sa sút trong giá rét căm căm hay phơi mình dưới ánh nắng như thiêu đốt. Kỷ luật sắt đá trên đe dưới búa của ban quản giáo, sơ hở một lời nói là bị chúng qui kết đủ tội hoặc cùm tay cùm chân, bỏ đói, khủng bố tinh thần…  
Đời sống người dân bấp bênh, hoang mang lo sợ đủ điều về cơm ăn áo mặc. Chế độ tàn ác cai trị dân qua cái bao tử bắt bớ giam cầm, chúng bảo vì có nợ máu với nhân dân nên nay phải trả.
Người giàu thành nghèo vì đánh tư sản mại bản, phút chốc tiền bạc của cải không cánh mà bay vào nhà nước để cho chúng đục khoét đem về làm của riêng. Người dân bị đưa đi kinh tế mới, phải sống trong cảnh đói khổ và kềm kẹp, bệnh tật triền miên, chết dần chết mòn trong hoàn cảnh cơ cực nơi chốn hoang vu, xương tàn cốt nhục. Vạn vạn dân ra nông trường đào sông vét rạch, nhà nhà hóa nông thôn, thi hành chính sách bần cùng hóa để dễ cai trị. Đất nước lầm than khốn khổ, xóm làng tiêu điều, người dân âm thầm ta thán… Họp hành kiểm thảo, gây nghi kỵ cho nhau để dễ bề khống chế, cai trị…
Một thời gian sau Hoa được tin Quế, cô bạn thân dạy học ở trường Tân Định Sài gòn có chồng là Đại Úy Phong của Hải Quân, hạm trưởng tàu ở Cát Lái có mẹ bận bịu nuôi bà ngoại bị tê bại ở Phan Thiết từ chối không đi, nên vợ chồng Phong đành ở lại. Để rồi Phong đi tù Cộng Sản hai năm, Quế nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của chính quyền mới tình nguyện mang ba con trẻ đi kinh tế dạy học để mong chồng được thả về sớm. Hoàn cảnh Quế thật đáng thương, trước khi đi kinh tế mới một tháng, cháu gái thứ hai mới năm tuổi, bị cụ già sáu chục tuổi có quyền thế gần nhà dụ vào nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi ở gần nhà xâm phạm tình dục. Quế mang con đi khám Bác Sĩ có y chứng hẳn hoi và kiện lên Hội Phụ Nữ Thành Phố Sài Gòn, nhưng bị chìm xuồng luôn... Chân yếu, tay mềm, một nách ba đứa con dại, Quế không kiếm đâu ra gạo, thực phẩm nuôi con, có ít khoai sắn cũng nhịn cho con ăn... Quá thương con, Quế nghĩ quẩn đã uống thuốc rầy tự tử để khỏi thấy con trẻ nheo nhóc đói khát...Nhà thương giải phẩu biết được trong bao tử Quế cả tuần nay không có một mẫu thực phẩm nào hết ! Thật đáng tội nghiệp...
         Hoà bình rồi sao đầy dẫy thảm khốc?!...
Người với người cùng dân tộc giết nhau?!
Vì dẫu sao cũng chung một máu đào,
Sao lại nỡ xem nhau hơn nước lã?!
Quê hương ơi! Ta thấy lòng nhớ quá!
Biết làm sao tìm lại nghĩa tình xưa?!
Dẫu cuộc đời phải rau cháo muối dưa,
Nhưng được ấm trọn nghĩa tình dân tộc!

Sau đó Hoa nghe tin một số người may mắn được di tản trước 30- 4- 75 bằng máy bay hay tàu sang đảo Guam chờ định cư đi Mỹ.  Hai vợ chồng Hoa tìm cách liên lạc với bạn hữu còn ở lại làm việc cho đến khi đất nước VN mất vào tay VC để cầu may hỏi thăm tin gia đình. Tony thấy vợ phờ phạc lo buồn cho gia đình, nên thương cảm chạy ngược chạy xuôi hỏi tin. May mắn Tony liên lạc được với Tom, một nhân viên sở Mỹ làm dưới quyền của chàng cho biết…
- Chúng tôi có lệnh cuốn cờ về nước cuối cùng giữa tháng 4- 75, tôi gấp rút di tản khỏi VN. Khi đó cô Hà, bạn gái tôi mà anh đã biết-  cùng làm chung sở với tụi mình đó! Cô ấy bận bịu thu xếp gia đình, không đi cùng chuyến với tôi nên lấy giấy tờ đi chuyến sau. Nay tôi mới bắt được liên lạc là Hà và gia đình đã đến trại tị nạn ở Guam. Tôi sẽ nhờ Hà, hình như cũng biết gia đình chị Hoa ở phi trường khi tiễn anh chị ra đi mấy năm trước. Sau đó nghe đâu chị Hoa có nhờ cô ấy thăm hỏi gia đình vào năm 72 nên cũng dễ nhận ra nhau. Để rồi Hà sẽ đi sục sạo hỏi thăm tin tức gia đình vợ cho bạn cũng là chỗ bạn bè với nhau, đừng lo!  Bạn cho tên gia đình bạn đi nhé! Thở dài Tom tiếp lời…
- Không biết trại tị nạn to lớn, chia ra từng khu, có tìm ra được không? Nhưng mỗi bữa ăn, mọi người sắp hàng đi nhận thực phẩm cũng dễ nhận ra nhau thôi! Chỉ tiếc là có đi được hay không?!
- Anh có thể nhắn Hà liên lạc với ban chỉ huy trại tìm người thân hay nhờ tìm người trên loa phóng thanh cho nhanh!  Cho vợ chồng tôi gởi lời thăm Hà và cám ơn hai bạn rất nhiều… Tôi hy vọng nhận tin anh một ngày gần đây, chào anh!
Về tới nhà Tony vui vẻ báo tin mừng cho vợ. Hai vợ chồng trông ngóng tin gia đình… Nhưng Hoa đã thất vọng vì Hà cho tin là gặp một số bạn ở Quảng Trị, đã dò hỏi và không ai biết tin tức gia đình Hoa… Họ chỉ biết chừng Quảng Trị đổ nát hoang tàn và người dân xuôi Nam tị nạn…
Đêm về nước mắt trào tuôn,
Nhớ thương cha mẹ tỏ nguồn khúc nôi.
Bên nầy bờ biển xa xôi.
Quê hương vạn dặm lòng ôi vương sầu!
Bây giờ con biết tìm đâu?!
Bóng hình tiên tổ đượm màu tình thương...

Mấy năm sau, qua sự thăm hỏi những người vượt biên mới đến, Hoa bắt được liên lạc với gia đình. Nàng chưa dám về thăm, chỉ gởi quà bánh tiếp tế cho gia đình qua cơn nguy khó… Khi đó thấy tiệm ăn ngày một khấm khá, Hoa nảy ra ý hùn vốn với Huệ, người bạn thân mở ra một nhà hàng to lớn hơn. Hoa truyền tất cả mọi bí quyết nghề nghiệp cho Huệ. Nàng cả tin vào tình bạn thâm giao, hơn nữa vì bận trông tiệm nhà, nên Hoa giao tiệm cho Huệ cai quản. Nhìn chung tiệm trên đà phát triển, nhưng sau đó vì lòng người tham lam gian xảo, mờ mắt trước đồng tiền, Huệ than:
- Tiệm làm ăn thua lỗ, không thể chia lời cho Hoa như giao ước..
Với khối óc thông minh, Hoa nhẩm tính trong đầu biết chi thu trong tiệm. Nàng buồn cho thế thái nhân tình, đúng với câu ca “ Dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người...” Hoa cảm thấy chung đụng lâu ngày sẽ gây thiệt hại nặng nề nên âm thầm rút lui… Tiền bạc thất thoát, việc làm xuống dốc, đúng là “ sông có khúc, người có lúc ” Khi số hên thì tất cả đều lên hương từ  công ăn việc làm gia đình hạnh phúc. Nhưng khi thời vận xấu thì tất cả điều tốt đều đội nón ra đi…
Trò đời dâu bể chán lắm thay!
Đồng bạn, đồng minh, tạm tháng ngày.
Chỉ có đồng tiền là trên hết!
Lưu Bình, Dương Lễ hỏi mấy ai?

Thật vậy kể từ đó gia đình Hoa xảy ra nhiều lục đục, vợ chồng cãi vả to tiếng với nhau. Hoa hay hoài nghi và suy nghĩ... “ Tony không còn chìu chuộng nâng niu mình như trước đây nữa, chàng kiếm cớ xa Hoa. Vài ngày Tony lại vào rừng săn bắn, có khi ở lại săn mồi suốt đêm ...   
- Không biết chồng mình đi săn mồi hay đi săn gái đây?! Hoa ôm hai đứa con dại buồn rầu lo lắng nghĩ quẩn…
Án mây mù bắt đầu bao phủ gia đình êm ấm hạnh phúc của Hoa. Đêm từng đêm, ngày từng ngày, Hoa ôm nỗi buồn vào lòng với ý nghĩ:
- Thôi thì mình đưa hai con nhỏ về VN sống với ba mạ và các em cho ấm tình gia đình! Mình ở đây chỉ trông mong vào tình yêu của chồng, nay anh ấy hờ hững với mình, bên cạnh chẳng có ai an ủi, chán đời lắm!...
Nghĩ sao làm vậy, Hoa mua vé máy bay chuẩn bị  về VN sinh  sống, trong thời gian chờ chuyến bay, Hoa lại nghe tin tàu Việt Nam Thương Tín đã qua đây lại trở về VN liền bị lùa vào tù tất cả!
- Hú hồn mình chưa đưa các con trở về nước sinh sống. Mình là nhân viên của Mỹ, lại lấy chồng Mỹ, nay có mấy chú Mỹ con thì làm sao thoát cảnh tù tội với kẻ gian ác, không có tình người, thật may phúc nhà đang còn...
Từ đó Hoa chí thú làm ăn, cố vui với những gì có trong tầm tay để yên tâm lo cho các con ăn học. Nàng bôn ba làm ba bốn việc nào là điều động mấy xe bán thức ăn, quán xuyến nhà hàng, rồi chạy lui chạy tới mua bán nhà đất với ý nguyện:
- Mình cố làm thật nhiều tiền chuyển về lo cho các em vượt biên để chị em sống kề cận bên nhau an ủi chia vui sẻ buồn nơi xứ lạ quê người...
Qua đi những án mây mù, những hiểu lầm trách cứ nhau cũng đội nón ra đi. Hoa không bao giờ nhận ra Tony đã làm việc rất chăm chỉ để kiếm thêm tiền, nhưng ông không muốn người vợ của mình biết những gì ông đã làm… Ông giả vờ rời khỏi nhà bởi vì ông đã nói với Hoa không làm bất cứ gì với tập đoàn với Huệ. Hoa không bao giờ lắng nghe anh ta, và vì vậy ông đã thay đổi chiến lược của mình… Hình hài anh là Mỹ mà tính tình là người Việt Nam tuyệt diệu, hiếm tìm thấy trong đời này! Chàng đã giữ lời hứa với Hoa suốt đời chung thủy với nàng và chỉ có hai đứa con vì Hoa sợ mang nặng đẻ đau. Khi đứa con thứ hai ra đời Tony đi cột ống dẫn tinh... Suy tư ngộ nhận của Hoa được xóa tan...
- Giá như mình lấy một người chồng Việt, chưa chắc chàng ta đã chung sức cùng vợ lo cho gia đình mình từ trước đến nay như thế này! Chàng ta đáng yêu quá! Chàng ta yêu thương mình hết mực! Yêu cả những lúc biết mình dùng mỹ nhân kế để mua chuộc chàng ký giấy cho mình vay mượn tiền lo cho gia đình, em út vượt biên với lời chồng nhỏ nhẹ bên tai: em lại dịu ngọt với anh rồi!, chắc muốn yêu cầu anh làm cho em điều gì đây!? Ký giấy mượn nợ xoay xở hả! Dù là gì, anh vẫn thương và ký cho em!...
 Nhưng rồi Hoa gởi về bao nhiêu tiền, đều bị tổ chức vượt biên gạt hết và nàng quyết định về thăm nhà một chuyến để đứng ra lo liệu cho gia đình em út...
Hoa hay tâm sự với các con:
- Mẹ sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, không được cắp sách đi học. Điều mong ước duy nhất là mong các con của mẹ học thật giỏi. Các con muốn trả hiếu cho mẹ là mang về những bằng cấp trong xã hội tân tiến để mẹ được hãnh diện lây. Các con không những học thật giỏi mà phải ngoan ngoãn, thương yêu mọi người nghèo khổ. Không cúi đầu mà phải hãnh diện là con của mẹ. Cần nhất là phải thương yêu quê ngoại. Mai đây VN có tự do dân chủ, các con về xây dựng quê mẹ nghe con! …
Ngẫm nghĩ cuộc đời quá khổ đau!
Buồn vui lẫn lộn mãi cho nhau...
Sao không giữ trọn niềm vui nhỉ?!
Hà cớ gieo chi lắm nỗi sầu?                                   
Thế thái nhân tình lắm bể dâu,
Mấy ai tránh khỏi mối u sầu?!
Thuyền ai sao mãi lênh đênh quá!
Xin đến bến này ta có nhau...

Tuy Hoa hay tâm sự với các con, nhưng hàng đêm nàng suy tư...
-Không biết giới trẻ hiện nay sống tại xứ Mỹ Tự Do với vật chất dư thừa, chúng có thấu hiểu những nỗi lòng, uẩn khúc của các bà mẹ Việt Nam nghèo khổ hay không?! Nhất là con mình, những Mỹ con, làm sao mà hiểu được cặn kẻ tâm tư tình cảm của mẹ mình. Hai môi trường, hai thế hệ, hai đất nước khác nhau về tâm sinh lý, tập quán phong tục... Đất nước này hầu như mọi người đều được đi học, chỉ có những kẻ lười biếng mới đi vào con đường bê tha trụy lạc, trốn học... Làm gì có chuyện mơ ước được cắp sách đi học, mà không được như mình trong đất nước nghèo khó chậm tiến khi xưa!...
Để nhớ về cội nguồn dân tộc, hàng ngày rãnh rỗi Hoa dạy thêm cho con cái biết đọc biết viết tiếng Việt, ngôn ngữ của quê ngoại...
Dầu nước nhà trãi qua bao biến đổi,
Ơn Vua Hùng dựng nước chẳng hề phai...
Dạy cháu con biết nguồn gốc sơ khai,
Và hãy dạy cháu con rành tiếng Việt.
Tiếng Việt còn, nước Việt còn anh  nhé!
Ráng làm sao cho con trẻ đừng quên.
Tổ Quốc Việt Nam, con cháu đáp đền,
Ơn  bất diệt Vua Hùng xưa dựng nước...

Sau thời gian Hoa quên mình lo cho con cái khôn lớn, học  thành  tài    nay  chúng đều  ra  Bác Sĩ hết, gần đây Sunflower cô con gái cũng đỗ Bác Sĩ, lập gia đình với một đồng nghiệp người Mỹ. Hoa nhìn hạnh phúc con cái đã thoả với lòng mong ước của mình…
- Nghe đâu Việt Nam mở cửa thị trường buôn bán, chào đón khách ngoại quốc du lịch, gia đình mình chuẩn bị về thăm ngoại một chuyến nghe các con!…
Hôm nay con mẹ ra trường,
Bỏ công đèn sách đêm trường học thi.
Bây giờ quẳng gánh lo đi,
Công danh sự nghiệp vậy thì đã xong.
Hân hoan sánh bước bên chồng,
Vui câu chung thủy mặn nồng ái ân.
Đời con đẹp tựa mùa Xuân,
Mẹ mừng con được vẹn phần công danh.
Mừng con mộng ước đã thành,
Gia đình hãnh diện, rạng danh giống nòi!...

Còn nữa….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét