Danh sách Blog của Tôi

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

ĐOẠN KẾT/Trích Truyện Dài Tình Cảm Xã Hội NỖI LÒNG & KHÁT VỌNG / Sentiment & Aspiration - Nguyễn Ninh Thuận

 

Hoa trở về Mỹ và vạch ra một cuộc sống có ý nghĩa hơn :
" Mình đã sống trọn cho cha mẹ em út, hy sinh cả tình yêu đầu đời đi làm sở Mỹ, rồi lấy chồng Mỹ để có tiền lo cho gia đình sinh sống, em út học hành...
-Mấy năm trước ba mình đau ốm bệnh tật nặng mình đã về nước săn sóc, đỗ biết bao thì giờ công sức lo cho Người. Tiền bạc chi ra rất nhiều, nhưng số trời đã định và ba đã không thoát khỏi lưỡi hái tử thần, đành chịu vậy !...Mình cũng đã gây dựng gia đình nhỏ bé cho riêng mình được vững chắc về tài chánh. Gần hết cuộc đời chăm lo làm ăn nuôi nấng con cái học hành nên người, và dựng vợ gả chồng cho chúng sống trong hạnh phúc êm ấm... Mình cũng muốn gánh vác một phần trách nhiệm với Nhân, người tình đầu đã vì mình mà chọn con đường binh nghiệp gian khổ và đã hiến một phần thân thể cho đất nước... Cuộc chiến tàn, đời sống chàng hơi khó khăn...Nhưng Nhân  có thể vì quá yêu thương mình, nên quá đau buồn, sinh ra hận đời,  oán trách mình mà không thể tha thứ cho sự phản bội của mình! Mình đã tìm đủ mọi cách chuộc lại lỗi lầm tình ái, nhưng chàng vẫn khư khư không chấp nhận thì đành chịu vậy! Hoa chỉ mong kiếp sau mới trả nợ cho chàng..
<!>.
Hoa hy sinh tình yêu đầu đời lấy chồng Mỹ để thiên hạ dè bĩm nuốt lệ vào tận đáy lòng cho ba mạ có được đời sống sung túc, em út học hành. Theo chồng sang Mỹ, Hoa vẫn tiếp tục hy sinh cho gia đình. Nàng đầu tắt mặt tối chạy ngược chạy xuôi lo cho cuộc sống gia đình chồng con và tốn một số tiền khổng lồ cho em út vượt biên không ngại tốn kém.
Sau đó lo cho mười lăm thành viên trong gia đình em út, cháu định cư tại Mỹ có công ăn việc làm đàng hoàn. May là thời điểm ngành nail tóc kiếm ra tiền dễ dàng, nên Hoa lo cho mỗi đứa em một tiệm. Nhưng mới bước đầu chưa hội nhập vào đời sống và xã hội Mỹ, các em Hoa cũng như phần đông thân nhân ở Việt Nam vẫn nghĩ xứ Mỹ ra đường là có vàng có bạc đầy đường, làm một thù lao trăm ngàn...
...Hoa nhớ khi họ lần đầu tiên đặt chân trên vùng đất mới, họ nghĩ rằng tiền như lá trên cây đã sẵn sàng để được chọn. Thực tế đã dạy họ một bài học. Họ đã giật mình nghĩ lại những ngày khi họ kêu gọi Hoa để gửi tiền cho việc này việc nọ... Không bao giờ trước khi họ nhận ra rằng số tiền họ nhận được đầy mồ hôi và nước mắt Hoa đã làm việc quần quật và tiết kiệm. Ngay cả sự thật khi họ nhìn thấy nhiều phụ nữ, hay người cao tuổi tìm kiếm trong thùng rác những lon hoặc chai được sử dụng vất đi... Số tiền thu được qua thu thập tài liệu recycleable và gửi cho người thân ở Việt Nam . Người thân ở Việt Nam cứ thoải mái, vô tội vạ xài hoang phí, sang trọng hoặc quá mức chi phí mà người tiêu tiền không bao giờ tưởng tượng những khó khăn như thế nào mà người thân ở Mỹ có được...
Bằng chứng người thân ở Việt Nam viết thư cầu cứu là tiền quà gởi về ào ào. Họ đâu biết, những quà đó là bao nhiêu mồ hôi và nước mắt người gởi gói trọn trong đó! Thùng quà càng lớn thì nước mắt, mồ hôi tuông ra như suối...
Để rồi bên Mỹ phần đông phải thắt  lưng  buộc  bụng dè  xẻn,  không dám ăn tiêu theo sở thích, mà  “ ăn mắm mút dòi ” dành tiền cho người thân ở quê nhà sống còn. Những tô phở, bữa ăn thịnh soạn, cái áo đẹp con cái bên Mỹ đòi, dành gởi về Việt Nam cứu đói.
Tuy vậy tiền đó cho gia đình sống còn thì sung sướng biết bao nhiêu! Nhưng có trường hợp sẵn tiền bạc rủng rỉnh, nó chui vào các cuộc đỏ đen, ăn chơi sa đoạ, mua sắm bạc mạng thì buồn biết bao!...Rồi vì tiền bạc phân chia tranh giành... lại sinh ra nồi da xáo thịt, bể đầu u trán...
Có người sang đến bên này cũng sanh nạnh nghĩ quấy:
- Người thân bảo lảnh lại thương yêu, lo toan không đồng  đều, người yêu kẻ ghét, sinh ra thù ghét, giận hờn... qui trách nhiệm cho người bảo trợ phải gánh vác hết!  Thật là điên đầu, nhức óc muốn tìm cái chết cho yên phận. Thấy cảnh đời trước mắt  Hoa khủng hoảng tinh thần, Tony là người sát cánh an ủi vỗ về lau nước mắt cho vợ suốt đêm thâu...
- Tội nghiệp cho em quá, suốt một đời hy sinh cho gia đình em út! Em hơn hẳn cô...mà anh quên tên đã nuôi chỉ một người em trai tên Huy mà anh hay nghe em kể trong truyện  “ Nửa Chừng Xuân ”. Em thì lo cho cả mười lăm người trong một bối cảnh dỡ khóc dỡ cười, chịu đựng... Nhưng em đừng nghĩ quấy mà thiệt thân! Em vui lên vì bên em còn có anh và các con chia sẻ, và biết đâu thời gian sau khá hơn với người hiền lương như em...
Thế rồi thời gian đã trả lời cho Hoa những cái đẹp của tình chị em ruột thịt, khi nàng và Tony bị một tai nạn thảm khốc bị liệt nằm chờ ở phòng cấp cứu trong bệnh viện không thuộc con nàng làm...
Bây giờ các em Hoa gia đình hạnh phúc êm ấm, con cái thành tài, mở ra một cuộc sống giàu sang. Hoa vui mừng, không bỏ công vợ chồng Hoa đã cưu mang từ trước đến nay. Các em nàng ở rãi rác các tiểu bang nghe tin vợ chồng Hoa bị tai nạn đã vội vã  bỏ tiệm, bỏ công ăn việc làm kéo về săn sóc anh chị trong cơn nguy biến, tính mạng như chuông treo chỉ mành. Tony, thân hình lực lưỡng nằm một vài ngày không nhúc nhích với mồ hôi nhễ nhại trên băng ca tại phòng cấp cứu sẽ sinh lở ghẻ. Hương, cô em Hoa rất lanh lẹ, đến Mỹ vài tháng là bắt kịp lối sống Mỹ và hội nhập mau lẹ. Sau khi làm vệ sinh cho Hoa, nằm cạnh Tony, Hương cầm một xấp khăn lông thấm nước ra lệnh cho anh rễ Mỹ:
- Anh dạng chân cho em lau bên dưới, không thôi sẽ lở loét khó chịu sinh bệnh thêm....
Tony, mắc cở cứ kẹp của quí lại không cho em vợ làm vệ sinh cho chàng với lời càu nhàu phân bua của Hương vang lên:
- Giờ phút này mà anh còn mắc cở há! Ba sinh ra em, anh cho em cuộc sống và sự sinh tồn. Em xem anh như ông cha thứ hai, đừng mắc cở nữa...
Thật vậy nhờ các em săn sóc tận tình hai vợ chồng Hoa từ từ khỏe ra và ổn định bệnh trạng rồi lành bệnh không bị biến chứng... Từ đó anh chị em thông cảm vì cuộc sống trước mắt dạy cho điều đạo nghĩa và niềm vui trong ý nghĩ của Hoa...
- Mình chấp nhận hiện tại và tương lai mở ra trước mắt...
Trước đó trong lúc quá buồn chán cho cảnh đời cũng như tình đời mà chuyến về quê đã gieo trong lòng Hoa bao nỗi chán chường khó nguôi. Hoa viết cho Tuyết cô em họ đã dẫn Hoa đi thăm những chứng tích chiến tranh tại quê nàng.
Em Tuyết,
Hôm nay chị viết cho em bức thư nầy trước là thăm em cùng bà con làng xóm của mình với lời chúc sức khoẻ  và ước mong sớm thoát ách xiềng xích của Cọng sản. Hồi ở Mỹ, khi nghe miền Nam bị Bắc Việt cưỡng chiếm, bên nầy nghe truyền thanh, truyền hình, báo chí tường thuật cảnh khốn cùng và tàn bạo của cọng sản, chị bán tín bán nghi về mức cai trị của họ. Khi về nước, từ tai nghe, mắt thấy mình mới thấy hơn những gì người ta đã tả hay đã kể.
Kỳ hè năm 2009, chị có dịp về Philadelphia tham dự hội ngộ Ðồng  hương  Quảng Trị  từ hầu khắp các Tiểu bang ở Hoa Kỳ, có cả những đồng hương QT từ Canada và Việt Nam góp mặt. Điều chị muốn nói đến là cuộc hội ngộ có ý nghĩa và thể hiện được tấm lòng trân quí, thân mến, dạt dào tình cảm người cùng quê nơi xứ lạ quê người. Trong chuyện trò tâm tư, ai cũng lưu nhớ về quê hương. Những người có dịp về thăm quê cũ thì ai cũng thở dài ngao ngán cho một đất nước đã gần 40 năm cầm quyền mà vẫn chưa xóa được mối hận thù quá khứ.
 Cũng trong dịp này chị có đọc một tài liệu lịch sử của nước Mỹ trong cuộc nội chiến của nước họ xẩy ra năm 1861- 1865, sau khi miền Nam phải đầu hàng miền Bắc để rồi cùng nhau xây xây dựng một nước Mỹ thịnh vượng và phú cường bậc nhất thế giới ngày hôm nạy Chị viết lại theo bài báo của anh Lê Bá Lộc đã cho đăng trong Đặc San Quảng Trị Mến Yêu của Hội ĐHQT Philadelphia phát hành trong kỳ hội ngộ toàn quốc Hè 2009.
Em đọc chuyên nầy để mà so sánh cuộc xâm lăng của Cọng Sản Bắc Việt tiến chiếm miền Nam Việt Nam. Về sự trả thù và hậu quả như thế nào thì mọi người Việt Nam ai cũng đã rõ, và thế giới cũng đã thấy, chị khỏi cần nhắc lại.
Chuyện của nước Mỹ:  Ðầu hàng…
Năm 1860, luật sư Abraham Lincoln đắc cử Tổng thống nước Mỹ. Trong diễn văn nhậm chức, Ông thề rằng trong nhiệm kỳ của ông, ông sẽ giải phóng nô lệ  và  thống nhất đất nước. Lời tuyên bố đó là pháo lệnh gây xung đột nam bắc. Vì các Tiểu bang miền Nam vốn được quyền nuôi nô lệ và miền Bắc thì không.
Ngày 4 tháng 2 năm 1861, phe các Tiểu bang miền Nam (11 tiểu bang, dân số 9 triệu cùng với 3 triệu rưỡi dân nô lệ) bầu ông Jefferson David làm Tổng thống. Dân miền Bắc bấy giờ rất hùng mạnh gồm 13 tiểu bang với dân số 20 triệu.
Chiến tranh chính thức bùng nổ lúc 4:30 rạng sáng ngày 12 tháng 4 năm 1861.
Chỉ huy quân miền Nam là Tướng Robert E. Lee, chỉ huy quân miền Bắc là Tướng Ulyseese S. Grant.
Cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm, quân lính hai bên bị giết chết hơn 620,000 sinh mạng và hơn một triệu người bị thương và tàn phế.
Sau bốn năm dài chinh chiến, đến đầu tháng 4- 1865, Tướng Grant đã dùng bộ binh cùng với kỵ binh siết chặt vòng vây, cô lập Thủ đô Richmond của miền Nam. Bên trong không liên lạc với bên ngoài, đường tiếp tế bị cắt đứt nên Richmond bị thất thủ. Tướng Lee viết thư cho Tướng Grant xin đầu hàng, vì lương thực thiếu thốn, đói khát và bệnh tật quá nhiều. Khi nhận được thư đầu hàng của quân đội miền Nam, tướng Grant rất vui mừng, ông ra lệnh cho thuộc cấp của ông từ sĩ quan đến binh  sĩ  không được tỏ  thái độ vô lễ với phe chiến bại, ông nói rằng chiến tranh nay chấm dứt, chúng ta đều là người Mỹ, làm nhục họ chẳng khác gì chúng ta tự làm nhục mình.
Trưa hôm ấy, ngày 9 tháng 4 năm 1865, tướng Lee cùng với viên Ðại tá tùy tùng, hai người hai ngựa được sĩ quan quân đội miền Bắc dẫn vào sảnh đường nơi Bộ Chỉ Huy của tướng Grant đóng quân. Hai bên đường với dàn quân nhạc nghiêm trang thổi kèn, đánh trống đón chào vị tướng chỉ huy quân đội phe đầu hàng. Theo luật chiến tranh thì quân đội đầu hàng phải giải giới, trả lại quân trang, quân dụng và vũ khí cho phe chiến thắng.
Tướng Lee cũng biết như vậy, nhưng ông chỉ xin tướng Grant cho binh sĩ của ông được lấy lại ngựa và lừa về để trả lại cho các nông trại vì trong lúc chiến tranh đã mượn từ các trang trại để dùng vì đó không phải là tài sản của chính phủ. Ðồng thời xin cấp một ít lương thực để cho binh sĩ của ông tạm dùng qua cơn đói, vì mấy ngày liền chưa nhận được tiếp tế. Tướng Grant liền quay lưng nhìn các đơn vị của ông gần đó rồi ra lệnh: Ðơn vị nào còn 3 phần ăn thì giao lại 2 phần gấp để giúp đỡ cho những người này. Hơn 26,700 người thất bại trở về được  phe chiến  thắng  đãi ngộ ân cần, giúp đỡ phương tiện hồi hương. Một nghĩa cử đậm tình nhân ái.
Quân đội  của một  quốc gia có lịch sử  chưa đầy 100 năm sao vỹ đại như thế!!!.
Nhìn lại cuộc chiến dài 20 năm (1954- 1975) của Cọng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam thì chúng lùa hơn nửa triệu quân, dân miền nam vào các trại tù lao động khổ sai, có nhiều người bị giết trong trại, có nhiều người bị tù kéo dài đến 15- 17 năm mới được cho về …và nhiều hình thức hành hạ người dân lương thiện khác …. thật kể sao cho xiết.
Tội ác của Cọng sản kể mấy cũng không hết...
Hôm nay nhân cơ hội đọc câu chuyện đầu hàng ở xứ Mỹ để mà so sánh cái đầu hàng của Tổng thống bất hợp hiến của Dương văn Minh ngày 30- 4- 1975
Thư đã quá dài, thư sau, chị sẽ kể thêm nhiều chuyện mà ở quê nhà bị bưng bít nên không ai được rõ tận tường...
                                                                                                                                                                                                                                           Hoa
Hoa sống với ý nghĩ, “Bây giờ quãng đời còn lại mình sẽ sống cho tha nhân trong nước ” cũng như những việc Hoa đã làm trước kia cho những người bản xứ trong những năm mới đến Mỹ khi đời sống gia đình đã tạm ổn định ...
       ...Xa cha nhớ mẹ, Hoa khắt khoải trong lòng… Ngoài những giờ bị cuốn hút trong công việc hàng ngày vì kế sinh nhai, những lúc rảnh rỗi hay đêm về trong tuyết trời giá lạnh dù đầy đủ tình thương yêu chồng con, nhưng Hoa vẫn thấy thiếu vắng tình thâm gia đình. Hoa sống trong thành phố nhỏ, xung quanh toàn người bản xứ, không một bóng người Việt lai vãng, nên tình hoài hương càng nung nấu trong lòng…  Hoa tưởng tượng đủ thứ xấu mà gia đình gặp phải nào là nghèo đói cơm ăn áo mặc, bệnh hoạn không không thuốc thang, thiếu thốn mọi phương tiện tối thiểu…. Nàng ôm mặt khóc ròng… Hoa tự nhủ “ mình phải làm một điều gì để khỏa lấp tình cảm trống vắng và tạo nghiệp tốt cho cha mẹ mình…” Sau một thời gian gởi đơn cho nhà dưỡng lão, Hoa được chấp nhận làm việc không công cho họ. Thế là trong những ngày nghỉ làm, Hoa đến nhà dưỡng lão để giúp các cụ già neo đơn những công việc lặt vặt như cắt móng tay chân cho các cụ, chăm lo bữa ăn cho người run rẩy tay chân không thể tự lo cho bản thân được! Thỉnh thoảng nàng làm bánh cookies chia ra những gói nhỏ ân cần đến biếu và thăm hỏi an ủi từng cụ . Nàng để ‎ý đến cụ Nancy hay ngồi một góc phòng buồn rầu tư lự, không hòa đồng với mọi người… Hoa đến bên ân cần bắt chuyện, nhưng cụ im lặng xa vắng. Hoa tìm hiểu mới biết cụ không có người thân thăm viếng an ủi. Thông cảm hoàn cảnh cụ già bạc phận, Hoa dẹp tự ái săn sóc cụ một cách chân tình… Mới đầu cụ cáu gắt:
   -Tại sao cô săn sóc tôi, tôi không có bà con thân thuộc gì với cô cơ mà !? Tôi không có tiền đâu, mà cô lân la đến…!
  - Cháu là người VN rời xa gia đình, tổ quốc thân yêu, thiếu tình thương gia  đình cha mẹ, nên cháu đến đây muốn tìm hình ảnh cha mẹ già để khây khỏa lòng. Cháu muốn làm con nuôi bà để săn sóc an ủi bà và tìm hơi ấm gia đình nơi xứ lạ quê người!
  -Tôi không tin vào lời nói đầu môi chót lưỡi của người dưng nước lã như cô đâu! Cô hãy dang xa tôi ra  để yên cho tôi, đừng quấy rầy tôi nữa…
  Nhưng rồi lâu ngày chày tháng, Hoa vẫn lăn xã đem tình thương, ân cần săn sóc các cụ vô vị lợi. Những ân tình đó đã cảm hóa bà Nancy để rồi bà  nhận Hoa làm con nuôi với lời tâm sự…
   -Mẹ không có chồng con, chỉ có một đứa cháu ruột tên Tom, hàng ngày đến chăm sóc lo lắng cho mẹ một cách ân tình. Bao nhiêu tình thương, mẹ dành hết cho cháu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đắn đo hơn thiệt, mẹ quyết định sang tên trang trại ruộng nương nhà cửa cho Tom, dù gì cũng  là tình máu mũ con cháu để  mẹ an hưởng tuổi già với hy vọng Tom sẽ lo cho mẹ khi mẹ già yếu đau ốm … Thế rồi sau đó mẹ đau ốm liên miên, không đi đứng được và Tom đã đưa mẹ vào đây. Mới đầu Tom còn lui tới thăm viếng quà cáp, nhưng sau đó thưa dần và mấy năm nay bặt tin luôn… Nhân viên ở đây liên lạc với Tom, nhưng hắn đã đổi số điện thoại và đã bán tất cả tài sản của mẹ dọn đi đâu không ai có tin tức gì cả! Mẹ hận mình nhẹ dạ để máu mũ ruột thịt mất tính người, đóng kịch thương yêu chăm sóc mẹ hết mình để cướp đi tài sản của Mẹ ! Từ đó mẹ mất lòng tin với tất cả mọi người. Xin lỗi con, mẹ đã hoài nghi đối xử không tốt với con, mong con thông cảm cho mẹ!
  -Mẹ à! mía sâu có đốt, nhà dột có nơi, lòng người cũng thế, tốt xấu tùy người...Mẹ không nên vơ đũa cả nắm!
  Từ đó hàng tuần Hoa mang quà cáp thăm viếng bà Nancy đều đặn, khi bà trái gió trở trời, nhân viên văn phòng nhắn tin cho nàng đến chăm sóc an ủi bà. Tình thân kéo dài mấy năm trong niềm yêu mến dạt dào của hai người. Sau đó bà Nancy trở bệnh nặng, Bác sĩ bó tay chữa trị và bà nhắm mắt lìa đời. Hoa ngậm ngùi tiễn đưa bà đi trong niềm thương nhớ dạt dào…
   Sau đó trong xóm nhà Hoa có bà Mary bị mù mắt, bà không vào viện dưỡng lão để được săn sóc vì bà không nỡ xa lìa ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm mà cha mẹ để lại Bà Mary đã quen sống trong căn nhà đó hơn 50 chục năm nay với bà con hàng xóm tốt bụng. Mặc dầu mới mù lòa mấy năm nay, nhưng bà đã quen với các đồ vật và cách bài trí trong nhà, nên bà vẫn mò mẫn đi lại không gặp trở ngại trong cuộc sống. Mọi người hàng xóm phân công nhau mỗi người giúp đỡ cho bà Mary, kẻ lau cửa sổ, người cắt cỏ tưới hoa, chợ búa, nấu nướng…công việc lau chùi nhà cửa phòng ốc không ai đảm trách. Hoa biết được nên đến đề nghị giúp bà công việc khó nhọc này, bà mĩm cười mặc cả…
 -Cô giúp tôi, tôi sẽ gởi tiền công vì công việc này mất nhiều thì giờ và nặng nhọc lắm!
 -Nếu bà trả tiền thì bà đi mướn người khác làm đi! Tôi nghĩ bà neo đơn, vì tình nghĩa xóm láng giềng nên chung sức với các bạn làm giúp bà không tính toán gì cả!
 -Thật ra chồng tôi chết, để tiền hưu và insuran hàng tháng lảnh được mấy ngàn, nhưng trả tiền thuốc gần hết vì những thuốc đó ngoài tiêu chuẩn và có thuốc tôi cũng không đủ tiền mua nữa! Cô giúp lau chùi nhà cửa, tôi cám ơn rất nhiều, vì ở đây có tiền thuê mướn cũng không ai làm! Nhà tôi gần cả năm này không ai lau chùi nên rất dơ, khiến cô sẽ nhọc công bước đầu!
  Như lời bà Mary nói, ngày bắt tay vào công việc lau chùi, Hoa huy động cả chồng giúp suốt cả buổi sáng mới xong việc vì từng góp kẹt, gầm bàn bám đầy bụi bặm cáu ghét…Nhưng rồi những lần sau đó chỉ mươi lăm phút là Hoa hoàn thành công việc trong nụ cười rạng rỡ của cả hai người đàn bà cùng thông cảm nhau. Nhất là Hoa cảm thấy vui vì làm việc hữu ích giúp đời, giúp người cũng là tấm gương tốt cho con cái noi theo…
Ngoài ra Hoa còn đi học một lớp để an ủi thăm viếng những người già đau ốm bệnh tật, gần đất xa trời.... Người bệnh vui vẻ lạc quan trước cái chết để thanh thản ra đi trong yên bình. Ngoài ra có một số bệnh nhân thừa nghị lực vui vẻ lại và có khi thoát khỏi tay tử thần...
      Bây giờ dự tính hàng năm, Hoa gởi về Trường Nguyễn Hoàng một học bỗng để cấp cho một số học sinh nghèo, học giỏi muốn tiếp tục học lên đại học. Mong ước của Hoa là một nữ sinh của trường, và bây giờ nàng là một học sinh danh dự của trường Nguyễn Hoàng. Ôi sung sướng quá!
      Hoa cảm thấy thanh thản trong lòng vì đã ơn đáp nghĩa tròn trong ý nghĩ... « mặc dầu khi còn nhỏ mình đã đem sức lao động đi giúp việc và giữ em cho những gia đình khá giả. Tuy vậy có những gia đình ông bà chủ giàu lòng nhân ái đã đối xử với mình thật tốt, con cái họ xem mình như chị em thân tình...Nay mình gặp cơ may được đổi đời, cuộc sống khá giả mình đã quay về quê hương đất nước tìm cách giúp họ vật  chất khi họ gặp những hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu vì sa cơ lỡ vận...Ngay khi những gia đình cựu quân nhân  VNCH hồi trước mình đã ở giúp việc, nay chân ướt chân ráo mới đến Mỹ, mình cũng tìm  đến thăm viếng và giúp đỡ nối tình thân ái.... »
      Ngoài ra Hoa đang  đeo đuổi những việc làm từ thiện khác khi có cơ hội. Bây giờ trước mắt là Hoa đang giúp một người Việt Nam sang Mỹ bị bệnh thận, không nhà cửa tá túc. Hiện nay anh ta không có tiền bạc, giấy tờ, không thân nhân...  
     Xét cho cùng Hoa vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Nàng tạm gác tất cả nỗi buồn lại và lăn xả vào an ủi người bệnh, đem niềm vui đến cho họ vì thấm nhuần đạo lý: “ Sắc sắc không không - Cát bụi sẽ trở về với cát bụi ” Tiền tài danh vọng, con cháu gia đình hạnh phúc một khi xuôi tay có đem được chúng đi theo không, chỉ còn lại “ cọp chết để da, người ta chết để tiếng ”...Hơn thua nhau mà làm chi, lọc lừa nhau, oán hờn, dối trá... mà làm chi!!!
Hoa nhớ lại ...Trong cuộc đời mình có hai điều nàng ân hận suốt đời...
...Sau chuyến trở về thăm quê hương và bị người yêu cũ từ khước sự giúp đỡ tài chánh của nàng, Hoa quyết định tình thương đó trãi dài cho tha nhân gặp khó khăn ở quê nhà... Thế là hàng năm Hoa trở về quê cũ tìm gặp các anh Thương Phế Binh VNCH giúp đỡ một ít quà, hầu xoa dịu một phần đau khổ mà các anh đã gánh chịu. Sự đau khổ quá nhiều, mỗi người một hoàn cảnh thảm thương khác nhau. Nhưng có một  trường hợp gây xúc động cho nàng, không phai nhòa trong tâm khảm Hoa, nàng tự nhủ thầm “ Sao trên đời có sự việc trùng hợp như thế! ”
   ...Hôm đó Hoa trú ngụ tại khách sạn Hương Giang Huế. Nàng đi dạo ở vườn hoa và thấy một đám đông áo quần xốc xếch, thân thể không vẹn toàn; anh cụt chân, anh chống nạn, anh mang kính đen quờ quạng cây gậy, anh thì mặt mày đầy sẹo đang gãy đàn, anh thổi sáo, thổi kèn ca hát...Đặc biệt một anh cụt hai chân đến háng đang ngồi trên một cái đòn có gắn bánh xe vẻ mặt thểu não. Hoa đến gần một chú đạp xích lô đang đậu bên lề đường dưới bóng cây bắt chuyện:
-Xin lỗi chú, các anh đằng kia tụ tập làm gì thế?
-Các anh đó là Thương Phế Binh VNCH từ ngày thay ngôi đổi chủ bị ném ra khỏi quân y viện. Họ phải sống lang thang tự mưu sinh bằng nghề ca hát để sinh nhai. Nhưng đâu được yên ổn, thường bị công an đuổi nơi này, chạy đi nơi khác. Nhưng họ vẫn đoàn kết dắt díu nhau chạy trốn lưu lạc khắp nơi để kiếm cơm bằng lời ca câu hát. Chúng tôi, người dân nghèo khổ cũng đem sức lao động cật lực không đủ cơm ăn áo mặc, lo cho mình và gia đình con cái chưa xong, thì làm sao giúp đỡ anh em đó được!
   Nói xong chú xích lô thở dài, hướng đôi mắt thương xót về họ... Hoa vội vã đến bên anh cụt hai chân ngồi trên đòn bắt chuyện.
     -Tôi mới nghe chuyện các anh, anh tên gì, bị thương khi nào, ở đâu ?
      -Tôi tên Nguyên Tâm, bị thương ở miền Tây vào đầu năm 75, cụt hai chân và sau đó được đưa vào Quân Y Viện Cộng Hoa điều trị. Nhưng sau 30-4-75 bị đuổi ra khỏi nhà thương và sống lây lất qua ngày nhờ tình thương bà con cô bác giúp đỡ...
       -Anh có gia đình chưa? Thân nhân bà con anh hiện giờ ra sao? Hoa ân cần thăm hỏi.
   Động đến mối thương tâm, anh Tâm nghẹn lời không trả lời được, anh cố nuốt nước mắt vào lòng ngập ngừng tâm sự...
     -Tôi người Huế, gia đình cha mẹ, anh em tôi bị thảm sát vào Tết Mậu Thân. Để trả thù loài ác quỷ, hè năm đó sau khi tốt nghiệp Tú Tài, tôi tình nguyện đi Thủ Đức và chọn đơn vị Biệt Động Quân “ Sát ” để tiêu diệt quân thù. Có lẽ gia đình tôi nghiệp chướng nặng nề, nên gia đình bị thảm sát và tôi bị thương tật như thế này! Nói đến đó, Tâm gục mặt vào hai tay nước mắt tuông trào...
    -Xin lỗi anh, tôi đã khơi vết thương lòng làm anh đau khổ, tôi thật đáng trách!... Hoa rầu rầu nét mặt, nhớ lại cố nhân và tình cảm bây giờ là sự cảm thông, thương cảm về người thương binh trước mặt như là người anh thân thuộc sau một thời gian xa gặp lại trong hoàn cảnh ngỡ ngàng...
    -Không đâu chị, nhớ lại chuyện thảm thương gia đình, nên tôi không đè nén lòng được... Tôi chưa có vợ, nhưng đã có người yêu, nhưng có lẽ nay nàng đã yên vui ở nước ngoài, tôi chỉ biết chúc phúc cho nàng!...
    “ Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu ” Hoa ôm chầm Tâm rưng rưng nước mắt tâm sự.
    -Thú thiệt với anh, tôi tên Rose Mitchell, năm trước tôi ở Mỹ về tìm gặp người yêu cũ, nay cũng là một thương binh VNCH, nhưng hoàn cảnh anh ấy khá hơn anh. Anh ấy đã có vợ chăm sóc và công việc làm ăn tạm ổn. Nhưng tôi  nghĩ mình có tội là hy sinh tình yêu để vẹn toàn chữ hiếu với cha mẹ, em út. Nay trở về  giúp gia đình anh ấy một số tiền để xây nhà... Nhưng anh ấy không tha thứ tội phản bội của tôi và xua đuổi tôi... Tôi buồn và nghĩ, thôi thì nợ tình đành hẹn kiếp sau trả. Tôi quyết định hàng năm trở về nước tìm gặp các anh TPB/VNCH, đồng đội của người yêu cũ giúp đỡ một phần nhỏ nhoi để an ủi một phần nào khổ đau mà các anh gánh chịu...
   Tâm thương cảm người phụ nữ vì hoàn cảnh gia đình, tuy vậy vẫn nhớ đến cố nhân, chàng lục ví đưa ra một tấm hình ngày ra trường Thủ  Đức của mình và hình người yêu  cho Hoa xem.
   -Anh cho tôi tấm hình và cho biết tên tuổi, may ra sang bên đó tôi sẽ nhờ truyền thanh báo chí nhắn tin cho anh!
   -Thôi chị ạ! Dĩ vãng cho nó qua đi, khơi lại chỉ buồn cho nàng, để nàng yên vui với hạnh phúc trước mắt, xem tôi như đã chết rồi và đó chỉ là một bản tình ca, kỷ niệm đẹp mà thôi!
    Biết nói nhiều chỉ gây phiền muộn cho Tâm thêm, Hoa lặng lẽ trao cho Tâm một số tiền và đi quanh giúp mỗi anh TPBVNCH một số tiền nhỏ gọi là món quà tâm huyết của nàng. Các anh vừa nhận xong tiền, thì các ông công an mang súng, mang roi, mang xe đến xúc các anh ấy đi... Hoa ngơ ngác nhìn theo lòng như dao cắt, nàng ở lại mấy ngày chờ tin Tâm, nhưng vẫn bặt tâm, nàng ân hận chưa kịp hỏi địa chỉ Tâm để giúp đỡ sau này như cương vị cô em họ. Nàng cũng đã nhờ chú xích lô chở Hoa vào các xóm lụp xụp tìm thăm Tâm, nhưng tìm không ra. Những năm sau về quê hương cũng nhờ các chú xích lô chở đi tình kiếm, nhưng họ cho biết “ Muốn làm sạch thành phố, Công an đã cấm các anh tụ họp đờn hát và đưa đi đâu không biết...”
   Hoa ân hận là chưa biết địa chỉ của Tâm để nàng an ủi và giúp đỡ người thương binh, có lẽ đồng đội của cố nhân” Nàng chỉ biết buồn và luôn cầu nguyện mang may mắn đến họ, những người con của tổ quốc bị sa cơ thất thế...
   
               Cuộc đời cõi tạm chẳng bền đâu,
Mới tuổi thanh xuân đã bạc đầu!
Vạn vật vô thường không có thật,
Muôn vàn biến hóa, ngẫm mà đau.
Giấc mộng Nam Kha chớ vọng cầu,
Bừng con mắt dậy có chi đâu?!
Hồng trần lắm cảnh đầy oan trái,
Ðạo cả từ bi mới thấm sâu...

Cơ trời có đó lại thành không!
Vẹn giữ cho nhau trọn tấm lòng...
Nhân nghĩa ở đời nên tạc dạ!...
Phù du của tạm chớ chờ trông!....

Nguyễn Ninh Thuận     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét